Ở đời có hai hạng người mà các bạn cần phải biết! Một hạng người mà sự có mặt của họ là gánh nặng cho người khác và một hạng người khi có mặt trên cuộc đời lại đóng góp rất nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội đem lại niềm an vui hạnh phúccho nhân loại.
Đa phần các bạn chưa nhận thức và phân biệt rõ thế nào là người sống có ích và hạng người nào là gánh nặng cho xã hội, trong khi đó “Đạo đức và phước báo” là hai yếu tố căn bản để hình thành cái kết quả tốt đẹp, làm nên giá trị của một con người.
Các bạn hãy nói thật lòng mình, sau này lớn khôn sẽ làm gì để góp phần đem niềm an vui hạnh phúc đến cho nhiều người? Tất nhiên sẽ có rất nhiều bạn nói lên ước mơ của mình: Có bạn muốn làm nhà đạo đức tâm linh để chữa tâm bệnh cho nhiều người, có bạn thích làm giáo viên để dạy cho học sinh những bài học về đạo lý làm người đức, có bạn muốn làm nhà nghiên cứu khoa học để phát minh ra những công dụng hữu ích cho con người, v.v… Các bạn bây giờ mỗi người có một ước mơ chân chính, đó là biết tích lũy phước báovà sống đời đạo đức.
Ước mơ nào cũng đẹp, ước mơ nào cũng đáng được trân trọng, nhưng các bạn phải nên nhớ rằng cái gốc của đạo làm người vẫn là biết ơn và đền ơn. Trong chương trình kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống quý thầy hướng dẫn các bạn chính là vấn đề đạo đức làm người.
Các bạn ngay bây giờ phải học hỏi và trau dồi đạo đức làm người theo tinh thần Phật dạy suốt cả cuộc đời chưa chắc đã hoàn thiện. Đó là một nếp sống văn hóa đẹp mà các bậc thông tuệ lúc nào cũng tán thán, ca ngợi. Khi đủ duyên các bạn sẽ truyền tải cho nhiều người cùng nghe và biết cách áp dụng thực hành, thì cuộc đời mình sẽ là một bức tranhhoàn hảo trong hiện tại và mai sau.
Khi con người chưa hoàn chỉnh về đạo đức thì khó tiếp nhận niềm an vui hạnh phúc thật sự ngay tại đây và bây giờ, bởi những toan tính hơn thua, được mất. Thế cho nên, các bạn phải có một ước mơ chân chính đó là biết xây dựng cho mình một nhân cách sống đạo đức với phương châm “mình vì mọi người”. Nhưng muốn đóng góp, muốn cống hiến cho cuộc đời thì ngay bây giờ các bạn phải chuẩn bị cho mình đầy đủ 10 điều cần học để hoàn thiện chính mình.
Học và tu không thể thiếu trong đời sống của chúng ta, không phải việc tu học chỉ dành riêng cho người xuất gia mà người tại gia cũng phải tu, chúng ta không thể đổ thừa tại bị thì là….chờ đến khi khôn lớn trưởng thành mới học và rèn luyện đạo đức. Đến khi gần đất xa trời cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè, người thân cũng không sao giúp được.
Đường ta ta đi, ta đi nếu hiện đời làm được những điều nhân nghĩa thì đường đi rộng lớn, thênh thang. Ngược lại, ta sẽ đến chỗ tối tăm mờ mịt hay giỏi lắm là được sinh ra vùng biên địa không thể nào biết được Phật pháp.
Con người cần phải có ý chí, siêng năng, cố gắng, nỗ lực không ngừng mới có thể đạtđược thành công như ý muốn. Sự thành công của chúng ta chỉ có 10% thông minh, phần còn lại 90% là sự cố gắng, chuyên cần, kiên trì, bền bỉ trong từng phút giây.
Sư tổ chúng tôi chỉ dạy:
“Học mà không tu như đãy đựng sách.
Tu mà không học cũng như tu mù”.
Chuyện tu trong chùa cũng giống như chuyện học ở đời. Trong nhà Phật luôn nói đến tính siêng năng, tinh tấn, cần cù, kiên chí, bền gan mới có thể có chút ít hiểu biết. Bất cứ ai cũng vậy, nếu không siêng năng, chuyên cần, nỗ lực thì khó mà thành tựu được sự nghiệplớn. Chính vì sự tai hại quá lớn do lòng tham nên chúng ta cần có nền giáo dục đạo đức, nhằm giúp cho giới trẻ có nhận thức tốt trong cuộc sống.
Giáo có nghĩa là sự chỉ dạy của người đi trước hướng dẫn cho chúng ta bắt chước làm theo, nhưng chúng ta phải biết suy xét, chiêm nghiệm để nhận ra lẽ đúng sai.
Dục giúp chúng ta nuôi dưỡng điều thiện lành tốt đẹp, để lánh xa các việc xấu ác. Mục đíchcủa giáo dục là giúp cho con người phát triển toàn diện về nhận thức sống, biết được lẽ thật của cuộc đời để chúng ta làm chủ bản thân, không lệ thuộc vào một đấng quyền năngban phước giáng họa không thực có.
Nói theo cách khác, chúng ta là chủ nhân ông của bao điều họa phúc; nhưng ta tiếp thu và làm theo các điều xấu ác cũng giống như loài cỏ dại, không cần chăm sóc nhưng chúng vẫn mọc lan tràn; sự duy trì và thực hiện các việc làm tốt đẹp giống như chúng ta lăn trái banh lên núi, sơ hở một chút thì nó rơi xuống chân núi trở lại. Thế cho nên, khi làm việc tốt phải kiên trì, bền bỉ, dũng cảm, dài lâu, mới đủ khả năng chế ngự các việc làm xấu ác.
Có một vị Tiến sĩ ngành giáo dục đã thành công trong nghề dạy học của mình, nhưng đến khi lớn tuổi, ông khép mình vào chốn thiền môn trong nhà chùa mong muốn sống đời bình yên, hạnh phúc ở tuổi già.
Một học sinh biết được muốn đến thỉnh cầu để nhờ ông chỉ dạy. Sau khi gặp thầy, cậu học trò mới hỏi “Dạ thưa, tiên sinh có bí quyết gì mà ngài thành công trong việc học và giảng dạy, giúp cho nhiều người được thành đạt và có tiếng tăm? – Vị ấy trả lời, ta cũng đâu có bí quyết gì, ngoại trừ chăm chỉ, siêng năng, tinh cần, bền chí và cố gắng”.
Cậu học trò khi nghe nói thế như nửa tin, nửa ngờ. Lão tiên sinh mới dẫn cậu học trò ra ngoài cánh đồng ruộng và chỉ vào một bụi lúa. “Này con ạ, con hãy xem cây lúa đang lớn dần theo ngày tháng”. Cậu học trò cứ chăm chú nhìn mãi mà không thấy cây lúa cao thêm chút nào.
“Cũng vậy, việc học cũng lại như thế. Mới đầu cây lúa chỉ là tép mạ còn nhỏ nhưng nó lớn dần theo thời gian, nên mới có những bụi lúa chín nặng trĩu, thơm ngát cả cánh đồng. Việc học cũng lại như thế, ta cứ siêng năng, chăm chỉ, cần cù và học có phương pháp logic đàng hoàng, thì tương lai cậu sẽ là người học trò giỏi để làm việc đóng góp lợi ích cho xã hội”.
Thế cho nên, ai muốn có tờ giấy tốt nghiệp cao nhất thì hãy nên theo sự chỉ dạy của tiên sinh mà cố gắng phát huy việc học của mình cho được vuông tròn, tốt đẹp.
(Thích Đạt Ma Phổ Giác)