Các triết gia Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại đều có nhận thức của họ về vũ trụ. Thí dụ, Anaximander, triết gia Hy Lạp vào thế kỷ thứ V trước Tây lịch, cho rằng “có vô số thế giới” xuất hiện và biến tan từ một chất liệu nhất định.
Các triết gia Hy Lạp Luccippus và Domocrite (thế kỷ thứ V trước Tây lịch) cho rằng vũ trụ là một khoảng hư không vô tận, trong đó có vô số thế giới vận động, xuất hiện và tan biến; những thế giới đó đều cấu tạo bằng nguyên tử nhiều vô lượng.
Phải chăng, cái mà họ gọi là thế giới, chỉ là sản phẩm tưởng tượng, chỉ là biến tướng của trái đất, mặt trời, mặt trăng v.v… được du nhập vào thuyết vũ trụ của họ?
Các triết gia Ấn Độ cổ đại có nhiều nhận thức khác nhau về vũ trụ, những nhận thức khác nhau đó được các kinh sách Phật tổng kết lại thành bốn loại cơ bản:
1/ Nhận thức vũ trụ là có giới hạn trên khắp mọi chiều của nó.
2/ Nhận thức vũ trụ là vô biên trên khắp mọi chiều của nó.
3/ Nhận thức vũ trụ là có giới hạn ở một số chiều và vô biên ở một số chiều khác.
4/ Nhận thức vũ trụ không phải là vô biên, cũng không phải là có giới hạn, bởi lẽ vũ trụ hay không gian đều không thật có.
Về nguồn gốc của vũ trụ, kinh sách Phật cũng tổng kết thành bốn loại nhận thức khác nhau như sau:
1/ Nhận thức vũ trụ có điểm khởi đầu trong thời gian.
2/ Nhận thức vũ trụ là vô thỉ, nghĩa là không có điểm khởi đầu trong thời gian.
3/ Nhận thức vũ trụ theo ý nghĩa này là vô thỉ, nhưng trên một ý nghĩa khác lại là có khởi điểm. Bởi lẽ chất liệu cấu tạo ra nó là vĩnh hằng, còn vũ trụ được cấu tạo thì lúc thành, lúc hoại.
4/ Nhận thức rằng, vũ trụ không phải là vĩnh hằng, cũng không phải là không vĩnh hằng, bởi lẽ bản thân thời gian là không có thực.
Vũ trụ quan của Phật giáo
Phật giáo Nguyên thủy có một nhận thức đại quan về vũ trụ mà những phát hiện mới nhất của khoa học thiên văn học hiện đại cũng không bác bỏ được. Kinh sách Phật, khi nói tới vũ trụ, thế giới, thường hay dùng từ Pàli Loka. Từ Loka có nhiều nghĩa. Một nghĩa của nó là vũ trụ không gian.
Thí dụ cuốn Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo) viết “Những mặt trời và những mặt trăng này soi sáng và chiếu xa chừng nào thì giới hạn của vũ trụ ngàn thế giới mở ra xa chừng ấy.” Cũng cuốn sách này, chia toàn vũ trụ ra làm ba cấp: cấp vũ trụ thấp nhất gọi là sahassì culanikà loka dhàtu, tức là tiểu thiên thế giới (vũ trụ nhỏ gồm nghìn thế giới). Trong vũ trụ cấp thấp nhất này theo Visuddhimagga cũng có hằng ngàn mặt trời, hằng ngàn mặt trăng v.v… hàng ngàn châu lục có sinh vật ở. (Anguttara Nikaya I, 227, v 59).
Cái mà sách Phật gọi là tiểu thiên thế giới đó, tương ứng với đơn vị thiên văn gì trong thiên văn học hiện đại? Tôi nghĩ, có thể tương ứng với đơn vị galaxie (tinh vân). Một tinh vân bao gồm nhiều hệ mặt trời, có mặt trăng và nhiều hành tinh khác. Sách Phật khẳng định, trên một số hành tinh, có sinh vật ở. Thiên văn học hiện đại nhận thức vấn đề này như thế nào?
Phải thừa nhận rằng, các vệ tinh phóng về phía các hành tinh như sao Kim, sao Hỏa đều chưa phát hiện ra dấu hiệu sinh vật, nhưng thật là vô lý, nếu cho rằng trái đất nhỏ bé như hạt bụi trong vũ trụ mênh mang lại là một sự cố duy nhất vì có chứa sinh vật, còn cả vũ trụ còn lại là vô tri giác. Bởi vì đó là quan điểm người là trung tâm của vũ trụ; quan điểm này còn tồi tệ và xuẩn ngốc hơn quan điểm thần học phong kiến, trái đất là trung tâm của vũ trụ, bởi vì người còn bé nhỏ hơn trái đất rất nhiều.
Nhiều nhà bác học hiện đại không nghĩ như vậy. Thí dụ giáo sư Harlow Shapley viết “Chúng tôi cho rằng, tối thiểu cũng có mười tỷ hành tinh, thích hợp cho sinh vật hữu cơ tương tự như trên trái đất chúng ta (The view from a distant star–nhìn từ một vì sao xa, New York, London 1963, trang 64).
Một nhà thiên văn học nổi tiếng khác là bác sĩ Ernest J. Opik viết “Dù có giả định, chỉ có một trên một triệu hành tinh là có sinh vật, thì cũng có 10.000 triệu hành tinh là có sinh vật ở trong vũ trụ này. Điều kiện và dạng sống thực là phong phú thay!” (The oscillating universe–Vũ trụ biến động, New York, 1960, trang 144).
Cấp vũ trụ thứ hai, mà kinh sách Phật nói tới, là hệ vũ trụ trung bình, gồm có hàng ngàn tiểu vũ trụ (tinh vân) nói trên đây. Hệ vũ trụ này, từ Pali gọi là Dvisahassi Majjhimikà Lokadhatu. Danh từ Trung Quốc gọi là trung thiên thế giới, tương ứng với cái mà thiên văn học hiện đại gọi là một cụm tinh vân (tiếng Anh gọi là cluster).
Phát hiện ra một cụm tinh vân là một hiện tượng tương đối mới trong thiên văn học. Bởi vì ngày trước người ta cho rằng tinh vân tồn tại và vận động như là một đơn vị riêng lẽ, biệt lập, đối với các tinh vân khác. Bấy giờ, người ta biết rằng các tinh vân tồn tại thành cụm, thành hệ, tương tự như hệ mặt trời (gồm có mặt trời, trái đất và các hành tinh) như trên một quy mô hùng vĩ hơn rất nhiều.
Theo giáo sư ABC. Lowell, Giám đốc đài thiên văn Anh Jodrell Bank cái gọi là hệ tinh vân địa phương (bao gồm hệ thái dương chúng ta) gồm có hệ Ngân hà, tinh vân Andromedé và khoảng hơn 20 tinh vân khác nữa. Hệ tinh vân địa phương của chúng ta có một mật độ tinh vân không lớn. Theo bác sĩ Lowell, một hệ tinh vân khác là hệ Virgo có ít nhất một ngàn tinh vân, mắt người trông thấy được, và chiếm một không gian hai lần hẹp hơn so vớ hệ tinh vân địa phương (The individual and the universe–Con người và vũ trụ, Oxford. NXB Đại học 1958, trang 6, 7).
Nhắc lại lời của Lowell, giáo sư Bonnor viết “Giải Ngân hà là một hệ nhỏ tinh vân, gọi là hệ tinh vân địa phương, bao gồm tất cả những tinh vân cách trái đất khoảng hai triệu năm ánh sáng, và gồm có khoảng 20 tinh vân. Bên ngoài khoảng cách đó chúng ta còn phải bay 10 triệu năm ánh sáng nữa mới gặp một tinh vân khác. Các tinh vân đều có hướng tập hợp thành cụm hoặc hệ. Các tinh vân khác có thể nhỏ hơn hệ tinh vân địa phương, hoặc có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tinh vân.”
(William Bonnor–Mystery of the Expanding Universe–Bí mật của vũ trụ khuếch tán. New York 1964, trang 32)
Cấp vũ trụ thứ ba, kinh sách Phật nói tới là Đại thiên thế giới, gồm khoảng 1000 Trung thiên thế giới, có thể tương ứng với khoảng 100 hệ tinh vân của thiên văn học hiện đại. Nhưng thiên văn học hiện đại dừng ở đơn vị hệ tinh vân (Metagalaxie), có thể bởi lẽ không có kính viễn vọng nào cho phép thấy xa hơn nữa. Vả chăng, các tinh vân càng ở xa chúng ta, lại càng vận động nhanh hơn, nếu chúng có vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng thì sẽ vượt quá tầm quan sát của chúng ta. Vì vậy, thiên văn học hiện đại không dùng từ hệ hệ tinh vân, ứng với đơn vị đại thiên thế giới của sách Phật (Cluster of cluster).
Chúng ta có thể đặt dấu hỏi: Vì sao, sách Phật dùng con số ngày như nói Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới (thiên là nghìn) phải chăng, đó là con số quy ước để gợi cái ý “rất nhiều” và sách Phật dùng số nghìn để chúng ta dễ nhớ. Cũng có thể đó là con số tối đa, bởi vì các hệ tinh vân mà thiên văn học hiện đại biết được đều chứa dưới một nghìn tinh vân.
Kinh sách Phật còn dùng từ đồng nghĩa của Lokadhatu (hệ thống thế giới) là Cakkavàla. Từ nguyên (etynologie) của Cakkavàla là bánh xe, hình cầu, vòng tròn. Như vậy, tức là đối với Phật giáo Nguyên thủy, các hệ thế giới (như hệ mặt trời, hệ tinh vân v.v…) đều có dạng bánh xe, hình cầu v.v… Theo thiên văn học hiện đại, một tinh vân như một bánh xe lớn quay xung quanh một tâm điểm. Ở đây, một lần nữa, nhận thức của Phật giáo không mâu thuẫn với những nhận thức khoa học hiện đại nhất.
Nói tóm lại, bức tranh đại quan về vũ trụ của Phật giáo Nguyên thủy, như được ghi lại trong các kinh sách thuộc văn hệ Pàli là đúng đắn, phù hợp với Thiên văn học hiện đại. Nhưng điều đáng tiếc nhất là các bộ phái Phật giáo xuất hiện về sau này, như Sarvastivada (Nhất Thiết Hữu bộ), Theravada (Thượng Tọa bộ) đã thêm vào những chi tiết mượn ở thần thoại và nhân gian của Ấn Độ cổ đại, khiến cho vũ trụ quan Phật giáo pha màu sắc thần thoại của Ấn Độ giáo.
Hơn nữa, cần chú ý là Phật Thích Ca, khi đề cập tới vũ trụ luận, bắt buộc phải đúng những từ ngữ thông dụng của thế giới loài người. Thí dụ, Phật dùng từ ngữ cõi Trời, loài Trời (Deva, chư Thiên) để chỉ những thế giới trên đó sống những sinh vật cao cấp hơn loài Người, tức là một đời sống hạnh phúc hơn. Đại khái, có ba cấp cõi trời. Cõi trời Dục giới, ở đây, những sinh vật tuy có trình độ hơn loài người, nhưng vẫn còn có lòng dục. Các cõi Trời sắc giới, ở đây, các sinh vật đã gột bỏ hết mọi lòng tham dục cho nên có sắc thân đẹp đẽ. Cuối cùng là các cõi Trời vô sắc giới, ở đây, loài Người không còn có sắc thân nữa mà chỉ có tư tưởng thuần túy (pur esprit).
Tất nhiên, những viễn vọng kính lớn nhất của Thiên văn học hiện đại đều không có sức phát hiện ra được các loài Trời sống trên các thế giới ngoài hệ thái dương chúng ta. Nhưng phần lớn, các nhà khoa học thiên văn vật lý hiện nay (tôi không nhắc các nhà thiên văn không tưởng) đều cho rằng trái đất không thể là hành tinh độc nhất có sinh vật, và loài Người cũng không thể là loài sinh vật cao cấp nhất trong vũ trụ vô cùng tận này.
Còn chúng ta nên hiểu thế nào về khái niệm “địa ngục”. Tất nhiên đã có những cõi sống cao cấp hơn cõi người thì cũng có những cõi sống thấp hơn, khổ hơn con người. Chúng ta biết, một cõi đó là súc vật. Nhưng còn có những cõi khác nữa hay không? Đạo Phật trả lời có. Đó là cõi địa ngục và cõi quỹ đói. Trong kinh Samyutta Nikàya IV (trang 206), Phật giải thích địa ngục là cõi sống thấp hơn cõi người. Ở đấy, chỉ có toàn là cảnh khổ. Còn cõi qũy đói là cõi sống ở đấy sinh vật bị đói triền miên. Điều nguy hiểm đối với cuộc sống ở những cõi ác đó là muốn trở lại vươn lên cõi người thì rất khó. Vì sao? Phật giải thích như sau:
“Bởi vì ở đấy không có cuộc sống thiện, cuộc sống chân chính, không làm các điều lành; chúng sanh ở đấy ăn thịt lẫn nhau, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu.” (kinh Samyutta Nikàya V, trang 455).
Minh Chi