Ngày xưa tại tỉnh Kauburi có một ông vua rất hùng mạnh tên là Phya Kong. Vua Phya Kong thường mang quân đi đánh dẹp các nước lân cận và bắt vua các nước bại trận phải gửi vàng bạc đến triều cống vua hàng năm. Nước nào không chịu triều cống vua Phya Kong tàn sát không gớm tay, ai cũng phải run sợ khi phải triều kiến vua Phya Kong.

Một hôm hoàng hậu mang thai và hạ sinh một hoàng tử khôi ngô, tuấn tú. Nhà vua rất vui mừng, cho mời một thầy tướng đến coi tướng cho hoàng tử. Sau khi ông thầy tướng ngắm nghía khuôn mặt của hoàng tử, vua Phya Kong hỏi:

– Tương lai của hoàng tử có rực rỡ không ?

– Dạ, tương lai của hoàng tử rất oai hùng.

Nhà vua gật đầu có vẻ hài lòng hỏi tiếp : hoàng tử có thể trở thành một nhà cai trị tốt không ?

– Dạ, hoàng tử sẽ là một người có nhiều uy quyền và khắp trong xứ Kanburi này ai ai cũng sẽ nhắc đến tên của hoàng tử.

Thấy nhà vua chỉ chú trọng hỏi về quyền hành và oai đức của hoàng tử, hoàng hậu có vẻ sốt ruột hỏi vị thầy tướng về đức tính của đứa con yêu. Trong thâm tâm bà không muốn con bà giống như cha của hoàng tử, quanh năm chỉ nghĩ đến việc đánh đông dẹp bắc để kiến tạo uy quyền. Bà chỉ muốn con bà trở thành một ông vua tốt, biết yêu quý sinh mạng là đủ rồi.

Bà hỏi vị thầy tướng: hoàng tử có hiền lành và tử tế không ?

Ông thầy tướng có vẻ ngần ngại nói nhỏ: Nếu thần không nhầm thì hoàng tử sẽ mang lại nhiều đau khổ và buồn phiền cho những người nào thương yêu hoàng tử nhất.

Nhà vua ngạc nhiên hỏi: Như vậy nghĩa là làm sao, khanh hãy giải thích cho trẫm nghe.

– Ông thầy tướng hoảng sợ không dám nói. Mặt ông tái dần. Các giọt mồ hôi túa ra trên trán chảy xuống mắt mũi ông như người đang khóc.

Nhà vua sốt ruột hỏi: Khanh làm sao thế, tại sao khanh lại không nói?

Ông thầy tướng vội quỳ xuống đất dập đầu xuống sàn gạch tâu: Tâu bệ hạ, tội thần đáng chết. Thần chỉ sợ nếu nói ra rất có thể bệ hạ sẽ chém đầu hạ thần.

Nhà vua cầm cây quạt ngọc bẻ ra làm hai để chứng tỏ sự cương quyết rồi nói: Khanh cứ việc nói ra sự thật, trẫm không bắt tội khanh. Cây quạt này sẽ làm chứng cho lời nói của trẫm.

Ông thầy tướng vẫn chưa hết sợ. Cố gắng lắm mới nói được một vài tiếng cách quãng: Tâu bệ hạ, hoàng tử có…có…cung…số…rất nặng…

Tới đây ông thầy tướng số lại im lặng không nói được nữa. Người ông cứ run lên cầm cập. Hai hàm răng cứ đánh lập cập vào nhau. Ông thở hổn hển không nói nên lời.

Nhà vua sốt ruột hối thúc: Nặng làm sao nói mau lên.

Ông thầy tướng lấy hết can đảm nói tiếp: Dạ, theo cung số hoàng tử sẽ là người giết chết bệ hạ sau này.

Nhà vua giật mình ngơ ngác, trong khi đó hoàng hậu sợ quá ngất đi.

Nhà vua giữ lời hứa không bắt tội ông thầy tướng và truyền lệnh cho mang hoàng tử đặt vào một cái bát bằng vàng rồi thả xuống sông mặc cho dòng nước cuốn đi.

Khi tỉnh dậy hoàng hậu không thấy hoàng tử đâu vội vã hỏi đức vua: hoàng tử đâu rồi?

Nhà vua lạnh lùng đáp : ta không có can đảm giết nó nhưng ta đã ra lệnh thả nó xuống sông mặc cho số phận nó ra sao cũng được.

Hoàng hậu gào lên: Lời thầy tướng có gì là sự thật mà sao bệ hạ lại nhẫn tâm như vậy.

Nhà vua lạnh lùng đáp: Ta đã nhiều lần tín nhiệm những lời tiên đoán của ông thầy tướng. Ta tin rằng nếu quả thật nó bị oan ức và số nó còn dài thì sẽ có người cứu nó.

Hoàng hậu chẳng biết làm gì hơn òa lên khóc. Trong khi đó chiếc bát vàng vẫn nổi lềnh bềnh trôi xuôi theo dòng nước tiến (sang địa phận nước Raburi).

Hoàng tử vẫn ngủ ngon lành trong chiếc bát vàng. Phía trên hàng trăm con chim lớn bay sát vào nhau tạo thành một chiếc lọng che cho hoàng tử. Phía dưới các làn sóng vỗ mạnh vào thành bát tạo thành những tiếng ru cho hoàng tử.

Chiếc bát vàng vẫn tiếp tục trôi về phía Nam và giạt vào một bãi trống sình lầy không trôi đi nữa.

Tại đây, lúc đó có một người đàn bà tên là Yai Hon đang chăn vịt.

Bà Yai Hon trông thấy một chiếc bát vàng lóng lánh trước ánh mặt trời. Phía trên lại có một đàn chim bay đan lại thành một cái lọng che nắng. Bà lấy làm lạ vội vàng bỏ đàn vịt lội ra coi thấy bên trong có một đứa nhỏ. Bà liền bế xốc mang về nhà.

Lúc đó hoàng tử mới tỉnh dậy và khóc đòi ăn. Bà Yai Hon pha sữa cho hoàng tử ăn và đặt tên cho hoàng tử là Paan.

Thời gian trôi qua, mặc dầu sống trong cảnh nghèo nàn hoàng tử Paan lớn như thổi và trở thành một thanh niên đẹp trai khỏe mạnh.

Tuy nhiên bà Yai Hon vẫn giấu không cho hoàng tử biết cậu chỉ là con nuôi bà. Bà giấu nhẹm các sự việc xảy ra khi hoàng tử nằm trong chiếc bát vàng bập bềnh trôi theo dòng nước. Bà coi hoàng tử như con ruột và muốn giữ hoàng tử ở mãi bên bà.

Nhưng đời sống của bà không được sung túc cho lắm. Hoàng tử càng lớn lên càng trở thành một gánh nặng cho bà nuôi dưỡng. Bà đã suy nghĩ nhiều đêm, cân nhắc xem có nên nói sự thật cho hoàng tử biết không.

Bà không biết hoàng tử là con vua Kanburi, nhưng bà biết chắc chắn hoàng tử phải là con nhà giàu có quyền quý nên mới có nổi chiếc bát vàng quý giá.

Bà nghĩ rằng nếu cứ giấu kín câu chuyện này thì hoàng tử sẽ ở vĩnh viễn với bà. Nhưng bà cảm thấy tội nghiệp vì nhà bà quá nghèo. Ngược lại, nếu nói ra cho hoàng tử biết, chắc chắn bà sẽ phải rời xa hoàng tử.

Sau cùng bà quyết định mang câu chuyện này đến hỏi đức vua Raburi. Sáng hôm sau bà Yai Hon dậy thật sớm, ăn mặc chỉnh tề đi đến hoàng cung.

Bà lấy chiếc vồ đánh đủ ba hồi chuông thỉnh nguyện. Tiếng chuông rồn rã đi thật xa. Một lát sau cánh cửa hoàng cung mở rộng và nhà vua bước ra hỏi:

–   Này lão bà hãy kể cho ta nghe những gì lão bà cần ta giúp đỡ.

Bà Yai Hon mắt đỏ hoe vì nước mắt quỳ xuống lậy đức vua rồi mang câu chuyện hoàng tử Paan kể cho nhà vua nghe và xin nhà vua giúp ý kiến nên khuôn sử như thế nào.

Nghe xong câu chuyện, đức vua nói: Thật là một câu chuyện kì lạ. Tuy nhiên trẫm tin tưởng nơi lời nói của lão bà. Ta nghĩ rằng tốt hơn hết bà hãy mang nó đến đây cho ta. Ta sẽ nuôi dưỡng và dạy dỗ hắn như con trai của chính ta.

Bà Yai Hon cũng bằng lòng vì nghĩ đến hoàng tử. Từ đó, hoàng tử được sống trong cung và được dạy dỗ như những hoàng tử khác. Hoàng tử Paan rất thông minh và chăm chỉ nên chẳng bao lâu vượt hẳn các hoàng tử con ruột của vua, khiến nhà vua phải ngạc nhiên và thỉnh thoảng cho dự vào công việc triều chính.

Đến năm mười chín tuổi hoàng tử đã học tập tinh thông cả văn lẫn võ và đặc biệt có một sức mạnh kinh hồn.

Một hôm, đức vua cho mời hoàng tử Paan vào phòng riêng nói : Này con, ta định giao phó cho con một công việc trọng đại ở bên nước Kanburi. Chẳng hay con có dám đi hay không?

Hoàng tử Paan hơi ngạc nhiên hỏi lại: Dạ, con xin tuân lời phụ vương dù phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng. Xin phụ vương cho biết công việc như thế nào?

Đức vua vuốt râu cười khà khà nói: Khá lắm, ta rất hài lòng về con. Công việc này không có gì khó khăn. Con chỉ việc áp tải các đồ cống vật gồm ba cây vàng và ba cây bạc, thay mặt ta sang triều cống quốc vương Kanburi.

Hoàng tử có vẻ ngạc nhiên hỏi: Con xin tuân lời phụ vương nhưng có một điểm thắc mắc xin phụ vương giải thích cho: Tại sao nước ta lại phải mang các của cải châu báu dâng cho ngoại bang như vậy ?

Đức vua nghiêm mặt nói: Con còn nhỏ nên chưa biết đó thôi. Để ta giải thích cho con nghe. Nguyên trước kia vua nước Kanburi cậy có sức mạnh mang quân sang đánh phá nước Raburi. Vì quyền lợi của quốc gia và để tránh cho dân chúng khỏi nạn can qua, ta có hứa với quốc vương Phya Kong giảng hoà và hằng năm tiến cống vàng bạc cho nước Kanburi. Kể từ đó hai nước sống trong cảnh thanh bình. Mình là người lớn có danh dự một lời đã nói thì phải tôn trọng. Con hiểu chưa.

Nghe xong câu chuyện, hoàng tử Paan nhăn mặt vẻ khó chịu. Hai tay hoàng tử nắm chặt lấy nhau, hai chân run lên vì tức giận.

Một lát sau, hoàng tử Paan chắp tay nói: Tâu phụ vương, con mạo muội xin phụ vương hãy bãi bỏ lệnh triều cống. Bởi vì con nghĩ rằng nước ta chẳng có gì phải sợ vua Phya Kong cả. Nếu ông ta mang quân xâm chiếm nước ta. Con xin tình nguyện mang quân đi chiến đấu đến thắng lợi để xóa bỏ ước lệ vô lý này.

Đức vua Raburi có vẻ lưỡng lự không muốn bội ước nhưng tin tưởng ở tài năng xuất chúng của hoàng tử. Đức vua bãi bỏ việc triều cống.

Trong khi đó, đức vua nước Kanburi chờ mãi không thấy đồ cống nạp của nước Raburi thì mang quân sang đánh phá.

Vua Phya Kong ngự giá thân chinh trên một con voi rất lớn dẫn đầu một đoàn quân thiện chiến tiến đến biên giới hai quốc gia.

Tại đây hoàng tử Paan đã mang quân án ngữ. Quốc vương Phya Kong có vẻ coi thường bên địch cho một tướng còn trẻ ra đối địch.

Riêng hoàng tử Paan can đảm và dũng mạnh nhưng trong lòng cũng e ngại thầm trước thần oai của quốc vương Phya Kong và đoàn quân của ông.

Cuộc giáp chiến thật khốc liệt. Quân hai bên quần thảo suốt từ sáng đến chiều thì quân của hoàng tử núng thế. Tuy nhiên hoàng tử vẫn tiếp tục chiến đấu.

Khi màn đêm xuống cuộc chiến đấu mới tạm bớt ác liệt. Nhưng khi nhìn lại quân mình hoàng tử mới nhận thấy bọn chúng đã chạy hết chỉ còn lại một mình hoàng tử. Tuy nhiên hoàng tử vẫn không chịu lùi bước. Hoàng tử hoành thanh kiếm đứng ngang hàng với quốc vương Phya Kong nói : Quân  ta  thua vì kém quân số chứ không kém về tài năng. Mi có giỏi hãy chiến đấu với ta một trăm hiệp.

Quốc vương Phya Kong ngắm nhìn hoàng tử một lát. Có lẽ vì cảm phục lòng can đảm của hoàng tử hoặc vì muốn cho địch thủ phải hết lòng tâm phục, quốc vương Phya kong không ra lệnh cho quân sỹ ùa vào bắt sống hoàng tử Paan. Trái lại, phất tay ra lệnh cho các tướng sỹ lui về phía sau rồi nói với hoàng tử: Trong lòng mi chưa chịu tâm phục. Được, ta với mi sẽ chiến đấu tay đôi. Nếu mi thua mi phải về bảo quốc vương của mi triều cống như thường lệ. Nếu không ta sẽ san bằng nước mi thành bình địa.

Hoàng tử Paan gật đầu ưng thuận.

Cuộc ác chiến bắt đầu. Con voi của quốc vương Phya Kong sông bên tả đột bên hữu. Thanh gươm của hoàng tử cũng không vừa chém ngang chém dọc liên hồi, làm cho quốc vương Phya Kong phải vất vả mới tránh được hoặc chống được.

Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Quốc vương Phya Kong không còn dám khinh địch nữa. Ông vì danh dự phải đánh tận tình còn hoàng tử Paan cũng liều mạng không kém. Nếu không thắng trận này thì hoàng tử chỉ biết lấy cái chết để tạ tội với quốc vương Raburi.

Cuộc chiến chưa phân thắng bại. Thế nhưng đột nhiên con voi của quốc vương Phya Kong tự nhiên khịu chân trước xuống làm cho ông chới với. Nhân cơ hội đó, hoàng tử Phaan chém vòng một nhát kiếm chặt đầu quốc vương Phya Kong.

Ngay lúc đó mặt đất tự nhiên rung chuyển nhiều lần và một khoảng đất tách ra hứng trọn cái thủ cấp của quốc vương Phya Kong vào lòng đất.

Đoàn quân của quốc vương thấy chủ tướng bị hại thì kéo nhau chạy trốn.

Trong khi đó các quân sỹ của hoàng tử mới tập trung lại reo hò ầm ỹ: chai-yo!, chai-yo!( hoan hô chiến thắng, hoan hô chiến thắng).

Các tướng sỹ quá vui mừng công kênh hoàng tử lên, coi hoàng tử như một thiên thần vì từ trước tói nay chưa ai có thể đối địch được với quốc vương Phya Kong quá mười hiệp chứ đừng nói đến chiến thắng.

Viên phó tướng của hoàng tử đề nghị hoàng tử tiến quân đến hoàng cung của vua Phya Kong và bắt hoàng hậu về làm vợ theo thông lệ của các kẻ chiến thắng. Hoàng tử Phya Paan không đồng ý nhưng chàng nói: Ta không cần bắt hoàng hậu làm gì nhưng taphải tiến vào kinh đô xứ Kanburi để tuyên cáo với mọi người ta là kẻ chiến thắng.

Nói xong hoàng tử ra lệnh cho quân sỹ tiến vào kinh đô của quốc vương Phya Kong.

Khi tiến tới cửa thành, hoàng hậu từ trên khung cửa sổ nhìn xuống thấy hoàng tử Paan giống quốc vương Phya Kong như tạc. Hoàng hậu chợt nhớ lại lời của của ông thầy tướng và quả quyết hoàng tử Paan chính là con ruột của mình.

Khi hoàng tử Paan bước vào hoàng cung thì lạ thay những con chó và mèo của hoàng hậu hận cứ chõ vào hoàng tử mà sủa liên hồi. Hoàng hậu ngước nhìn hoàng tử một lần nữa khi chàng bước vào hoàng cung rồi bật khóc nức nở nói: “Con đã giết cha con rồi Paan ơi”.

19 năm trước kia cha con đã đặt con vào chiếc bát vàng và thả xuống sông. Hôm nay con đã trở về với mẹ sau khi đã thấm máu cha con trên áo.

Trời ơi, sao trời xanh lại quái ác như vậy. Thôi con hãy đi đi để cho mẹ khỏi tan nát cõi lòng vì chồng và con.

Hoàng tử sửng sốt khi nghe những lời kể của hoàng hậu. thẩn thờ nhớ lại chiếc bát vàng ở nhà Yai Hon và lẩm nhẩm “Trời ơi, ta đã giết cha ta, ta đã phạm một tội ác tầy trời”. Nói tới đây, hai mắt của hoàng tử long lên sòng sọc khiến ai cũng phải khiếp sợ. Chàng đi chậm chạp về phía cửa và mồm lẩm nhẩm: “Phải! Ta phải trả thù. Phải! Ta phải trả thù kẻ đã gây nên thảm cảnh này”.

Nói xong hoàng tử chạy về nước Raburi bỏ lại đoàn quân chiến thắng đang ngơ ngác trong cung điện hoang vắng của quốc vương Phya Kong.

Khi về tới Raburi, hoàng tử tìm đến nhà bà Yai Ho  giết chết bà để trả thù rồi tiến vào trong rừng. Sau bảy ngày bảy đêm lang thang trong rừng sâu, bỏ ăn bỏ ngủ rồi ngã bệnh nằm mê man trong rừng. May mắn thay, có một hoà thượng đi qua trông thấy hoàng tử còn thoi thóp thở liền đem vào chùa cứu chữa.

Khi đã bình phục lại, hoàng tử mang câu chuyện vô tình giết cha kể lại cho hoà thượng nghe và xin hoà thượng chỉ dạy cho cách làm thế nào để chuộc bớt tội lỗi của mình.

Vị hoà thượng hiền từ nói: “ Nghiệp chướng, nghiệp chướng. Con đừng buồn rầu vô ích, con hãy ráng làm một cái gì để chuộc lại tội lỗi”.

Hoàng tử quỳ xuống năn nỉ: “Xin hòa thượng hãy chỉ cho con phải làm như thế nào để có thể chuộc lại một phần tội lỗi của mình”.

Vị hòa thượng chậm rãi nói: “Con hãy xây một cái tháp bằng vàng và thật cao ngay chỗ đã xảy ra tội lỗi để thờ cha con và hãy làm một cái tháp nhỏ để thờ bà Yai Hon vì dù sao bà đó cũng có công nuôi dưỡng con đến khi khôn lớn”.

Hoàng tử lạy tạ hoà thượng và để hết tâm trí vào việc xây tháp vàng Chedi. Hiện nay, cái tháp vàng là một thắng cảnh thuộc tỉnh Pra Pathom cách thủ đô Vọng Các khoảng 100 cây số và là một di tích cổ nhất và lớn nhất của Phật giáo Thái Lan.

Di tích này theo truyền thuyết được xây dựng từ đời thượng cổ và bị đổ nát nhiều. Mãi tới năm 1821 tiếp sau đó lại được quốc vương Mongkut mới cho trùng tu lại. Năm 1882 tiếp sau đó lại được quốc vương Chulalongkorn trùng tu lại lần thứ hai và hiện nay là một thắng cảnh du lịch được nhiều người ngoại quốc biết đến.

Ngô Văn Doanh – Quế Lai (1990), Truyện cổ Thái Lan, NXB Trẻ, TP.HCM.
Đánh máy: Nhuận Đoan
(Theo Phật Pháp Ứng Dụng)