Xưa có một ông lão sống tới 90 tuổi. Một ngày nọ nằm trên giường bệnh, ông gọi đủ các con cháu đến và trăn trối rằng:

“Trước khi cha rời trần thế, dưới các thửa ruộng nhà ta, cha đã chôn một kho vàng, với tài sản ấy các con phải biết giữ gìn để sinh sống”.

Dặn dò xong, người cha già vĩnh biệt các con ra đi mãi mãi.

Sau khi mai táng người cha xong, các con lo chung sức cày xới các thửa ruộng với mục đích để tìm vàng. Dù không tìm được vàng nhưng các thửa ruộng nọ được cày xới, chăm sóc, nên những người con được trúng mùa lớn.  

di-tim-kho-vang

Bài học đạo lý:

Sự trải nghiệm và truyền trao kinh nghiệm cuộc đời của người cha khá tinh tế và thú vị. Bao nhiêu năm vật lộn với cuộc sống, ông hiểu được rằng: Tự mình lao động, làm việc là kho báu vô giá; sự bám víu, nhờ vả hay thừa hưởng bên ngoài không thể tồn tại mãi được.

Cho nên, người cha đã để lại cho con cháu một kho vàng. Nhưng kho vàng ấy nằm ngay trong tự thân mỗi người con. Bởi người cha hiểu được rằng nếu như nói thẳng ra, kho vàng chính là sự siêng năng cần mẫn lao động thì con cháu của ông sẽ không tin, nhất là khi chúng chưa trưởng thành. Vì thế ông nói khéo rằng cha đã để lại một kho vàng được chôn giấu trong lòng đất. Nói như vậy các người con mới có sự ham thích, tò mò mới ra sức cày xới thửa ruộng ấy để tìm vàng.

Trong cuộc sống, muốn thăng tiến trên con đường công danh sự nghiệp để thành người hiền tài, thành đạt thì tự thân mỗi người phải ra sức học tập, tu dưỡng đạo đức. Đó là gia sản quý báu, là giềng mối căn bản mà các bậc tiền bối ông cha đã để lại cho con cháu thế hệ hôm nay. Sự giàu có đích thực chính là bàn tay và khối óc luôn làm việc không mệt mỏi để tạo nên cơ nghiệp bền vững.

Trong đạo Phật, theo tuệ giác của Thế Tôn, mỗi người ai cũng có kho báu Phật tánh vô giá nhưng bị chôn vùi trong những thửa ruộng tâm khô cằn, đầy dẫy tham sân phiền não. Nên Ngài đã khéo léo chỉ dạy chúng ta phải ra sức cày xới, vun bón, chuyển hóa nội tâm để hiển lộ bản tánh Chân như sáng suốt và thanh tịnh.

Đức Phật đã từng dạy các Tỳ kheo phương pháp dẫn đến thành công trong cuộc sống cũng như trong tu tập, đó chính là siêng năng, tinh cần. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, nếu thiếu vắng nhân tố tinh cần thì chắc chắn mọi sự sẽ thối lui hoặc giậm chân tại chỗ mà không thể tiến bộ. Nỗ lực tinh tấn rất cần thiết cho sự thành công, hướng đến chứng đạt quả vị an lạc giải thoát ngay ở chính tự thân của mỗi chúng ta.

Trong mỗi chúng sanh vốn sẵn có Phật tánh. Sự tu học hay quá trình làm hiển lộ Phật tánh đòi hỏi nơi hành giả khả năng hướng nội sâu sắc với niềm tin kiên cố và nỗ lực thực hành pháp bền bỉ, lâu dài. Hay nói cách khác như ông lão dặn dò con cháu là: “Hãy tự mình cày xới mảnh đất tâm của mình, trong ấy ắt sẽ có kho vàng quý báu, chính là Phật tánh của ta vậy”. Nếu chúng ta biết hướng nội, chuyển hóa thân tâm thì cũng như những người con trong câu chuyện sẽ chiêm nghiệm được rằng: “Kho vàng vô giá bên dưới những thửa ruộng kia chính là thành quả của những tháng ngày nỗ lực lao động”.

Quảng Hoa