Thực tại nhiệm mầu trong từng hạt nước, trong từng áng mây bàng bạc thong dong. Thế mà ngày xưa, có người dùng ngôn ngữ để diễn tả thực tại. Thật viễn vông và rỗng tuếch. Tri thức ơi, ngắn ngủn quá. Mây trôi, nắng giọt bắt dừng chăng?
Giấy trắng lưu hồn người cô lữ
Kết thành hương in dấu cuộc rong chơi
Trong cuộc chơi sanh – tử, ai thả hồn theo năm tháng đầy vơi? Ai lưu dấu chân trần trên cát bỏng trong cõi sa mạc hoang vu mộng mị? Câu trả lời là dấu chấm than đậm nét phong trần, thấm đậm sương đêm, mịt mù sương khói ngàn năm du thủ.
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh núi này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng.
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn bức tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.[2]
Dòng thời gian trôi chảy bất tận, mọi kỷ vật không đáp ứng được thị hiếu con người dần dần chìm vào bụi trần quên lãng thời gian, trôi vào quỹ đạo quá khứ quy ước. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại như nó từng tồn tại, vẫn có mặt giữa cuộc đời in dấu ấn nguyên sơ, soi tỏ kiếp người mộng ảo.
Khi ánh nhật bừng dậy trên đỉnh Cô liêu, xua đi sương khói mênh mang; lữ khách rũ lớp bụi thời gian đeo bám trên vạt áo phai màu năm tháng, và những con sóng bạc trường giang trổi dậy, cuốn phăng mọi sự ô uế của cuộc đời, mở ra những dòng thơ mới, dệt nên cuộc lữ mênh mông.
Ai đã từng bôn tẩu trên cuộc trình để tìm lại cánh bạch mai đã khuất, cố níu lại một chút gì mộng mơ đã vụt mất của kiếp làm người; và ai đã lênh đênh để đeo đuổi một tương lai xa vời ở cõi hoang đàng mông lung thăm thẳm, hy vọng ánh nắng vàng le lói chốn xa xăm.
Ta lênh đênh như cánh nhạn theo bước chân em trong từng phút hiện tại để nắm bắt, lưu giữ một nét đẹp phôi pha đang lưu hiện giữa nền trời cổ độ, phiêu lạc chốn phồn hoa đô hội “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương[3]
Rốt cùng ta được gì, ngoài đôi chân trần rát bỏng? Tay vẫn hoàn không. Đôi mắt đẫm sâu niềm khắc khoải, hồn trôi dạt theo con nước lênh đênh, bồng bềnh trong cuộc tử – sinh. Tấm thân tàn lê mình trong gió sớm mùa xuân kiêu kì của dòng xanh.
Ai có nghe chăng? Một linh hồn đương trổi khúc. Đàn dương cầm ai đợi lúc chia phôi. Niềm lưu lạc gãy lên rồi. Dìm trong cõi mộng cực hồi cung mê… Thật ê chề cho kẻ lữ khách, mãi quên mình theo sóng bạc trường giang, đâu lữ thứ muôn trùng? Đâu vong giả giả vong? Và đâu là quê hương đích thực? “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách. Nhật viễn gia hương vạn lý trình”;[4] lênh đênh như chàng mộng mị, phiêu bồng mong lưu ảnh giữa hư không.
Nỗi ray rức ấy thẩm thấu thân tâm chàng nghệ sĩ trong cuộc ruỗi rong đến điêu linh mà chưa hề nắm được chút hơi gió trong lành của mùa xuân đô hội. Ngày lại qua ngày lùi dần vào bóng tối nhân sinh:
Ma đưa lối quỷ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Ngày kia, trong cuộc chiêm nghiệm về linh ảnh của mình, chàng kịch sĩ kiệt sức thu mình trên đỉnh Cô phong. “Những lúc tâm hồn ta tuột dốc đến điểm tận cùng sâu thẳm của vực sâu thì đó cũng là điểm cao nhất của sự vươn đến.” Nó trổi dậy như ca khúc tình yêu thơ mộng. Nó trổi liên miên trong từng khoảnh khắc, trong từng sát na của thì gian và không gian sinh diệt.
Thời gian xưa hiện về như dòng thác đổ, một thuở Kiều Trần Như, người anh cả đang lang thang trong cuộc lữ, muốn tìm bóng dáng ngày xưa. Bản lai diện mục. Đâu? Ở đâu?
Những năm tháng trôi nổi bồng bềnh trong cuộc đời, lênh đênh như cánh hạc phiêu du, đâu là nguồn cội? Đâu là bến đổ? Phương nao trời lạ hương cánh đồng hoang. Trầm mình trong rừng sâu, khí thiêng nước độc, khổ hạnh thanh sơn cùng cốc, một hạt mè nuôi thân tứ đại; bao nhiêu phương pháp có thể nghĩ được là có thể thực tập. Khổ hạnh ép xác; buông lung thoả mãn các dục. Rốt cùng chân lý nằm đâu giữa đất trời bao la, mênh mông, không một gợn mây đầu hạ hay cuối thu; không một chút ánh sáng le lói cuối chân trời mộng và thực. Mọi sự truy tầm dường như bước vào ngõ cụt, bế tắt.
Một thoáng gió thu mời gọi, mây trắng bàng bạc vây quanh. Tiếng rống trầm hùng của Sư tử chúa vang vọng giữa núi đồi cô tịch. Mọi trói buộc bị chặt dứt. Nào ngã ái, ngã mạn, ngã si và ngã kiến, tan nát như bụi bặm, biến mất giữa hư không. Khổ – Tập – Diệt – Đạo, chân lý bao trùm vũ trụ, gói gọn tất cả mà cũng có mặt trong cái nhỏ nhất của thế gian. Mọi phạm trù triết học Đông – Tây cũng không ngoài khuôn khổ ấy. Tiếng kêu của con nhái ở trời Tây đánh động cánh bướm đang ngủ vùi trên cành non của lá ở trời Đông. Con bướm trở mình, bay đi làm chao nghiêng cả bầu trời sinh – diệt.
Kiều Trần Như, tiếng gọi vang vọng, con đường “Trung Đạo”[5] có mặt trong cuộc sống thường nhật, trong đời sống tu tập. Khổ hạnh đâu rồi? Buông lung các dục còn mô? Kiếp tu hành trên ngọn Tuyết sơn, những Đạo sĩ khắc khổ điểm thắm nụ cười và thầm gọi: Thế Tôn có mặt giữa cuộc đời!
Một tiếng gọi nhỏ vang lên từ hồn sâu thẳm. Chàng giật mình tỉnh giấc mộng Vu Sơn, đôi mắt long lanh sáng ngời. Tất cả chỉ là mộng, như ánh chớp chiều tà, như nồi kê chưa chín ngày xưa…
Ta cúi xuống nhặt dấu chân trên cỏ
Thấy tiền thân sương ướt áo chưa khô [6]
Chỉ một tích tắc, chỉ được bằng trực giác, chứ không qua ý niệm của sát na tâm thứ hai hay ngôn ngữ kiêu kỳ của ý niệm tri thức. Chàng đã thấy giọt sương đang hiện hữu trong từng giọt sương…
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi…[7]
Những con sóng về năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức như những dòng chảy miên man vô tận, trôi hoài miên viễn trong dòng chảy cuộc đời, không hề dừng nghỉ.
Những sắc, thọ… kia, đã từng đưa ta về vui đùa cùng quá khứ. Chúng là không thật, không có tự thể.[8] Chúng là không. Và không những năm uẩn không có tự thể mà những thành tố tạo nên năm uẩn cũng vậy, đều không có tự tính riêng biệt.
Do một niệm sai thù mà ta rong ruỗi theo nó, đắm chìm vào biển mộng trùng khơi: nổi trôi như lá theo dòng, bao giờ dừng lại mà đong nỗi sầu…
Giác tánh viên minh, xưa nay vắng lặng; nếu không có ngã – nhân huyễn tướng thì nào có sanh – tử giả danh. Nhơn đầu tiên một niệm sai lầm, từ vọng tưởng có ngay sanh – diệt…[9]
Và tương lai, các uẩn cũng thế. Lưu động dịch chuyển như nước của dòng sông. Nó sống động, biến thiên không ngừng nghỉ, thệ giả như tư phù bất xả trú dạ, tạo nên trường thiên diễn vô tận của sương mai, của ráng chiều và của tâm thức giả huyễn.
Và pháp hiện tại, cũng chẳng sai khác như trên. “Ai đã từng tắm hai lần trên cùng một dòng nước”. Ai? Ai? Dù có chong đèn đi giữa ban ngày ở thành phố Hy Lạp như Hômeơ cũng chẳng bao giờ tìm ra “Con người” ấy. Huống gì với người mà chưa từng có một phút dừng chân, bừng niệm.
Em ơi dừng lại nghe sông trạo
Khúc hát ngàn xưa ngút muôn trùng
Bây chừ bao kẻ theo con sóng
Cứ mãi quanh năm vỗ chập chùng[10]
Ta dừng lại trong giây phút hiện tại, để nhìn rõ em, người con gái ngày xưa cùng một bản thể. Vì nguyện ước sai thù mà lưu lạc ngàn phương, bước hoang vu trên sa mạc hai ngàn năm phát tiết theo mộng yêu đương. “Như năm nào, chưa xa cách phân ly, cùng nguồn gốc bản thể, cội nguồn mênh mông bao la trùng điệp. Với nguyện ước năm nọ mà từ đó, người trời đông toả sáng. Tôi trời tây ấp ủ chiều tà.” Em là thân năm uẩn diệu kỳ, em hiện hữu như dòng sông xanh êm dịu tồn tại trong cuộc diệt – sinh, đắp đuổi nhau trổi lên như cánh bướm mùa xuân, không một chút dừng lại để ôm ấp nỗi đơn cô.
Ta nhìn nhận pháp hiện tại đang là, nhìn chúng dịch chuyển mà không hề khởi một niệm nắm bắt hay lưu giữ. Chỉ nhìn và nhìn mà thấy chúng diệt – sinh trong từng ý niệm. Chúng là không, là vô ngã. Chúng hiện hữu mầu nhiệm trong dòng chuyển dịch nhân duyên, nhân quả.
“Bạch mai, em đi mãi. Ta chìm vào cõi say”.[11] Cánh bạch mai lưu hiện, trôi chảy mãi trong dòng biến thiên, hằng chuyển như bộc lưu. Ta chìm vào cõi say để tỉnh. Ta bước vào cõi tỉnh để say. Sao có thể nói: “Thế gian giai trọc, ngã độc thanh”. Nhân duyên hội ngộ. Tương tức tương sinh. Tự nhiên như hơi thở của kiếp người, đâu dễ thiếu được.
Trong ánh sáng hiện tại, nội pháp và ngoại pháp hiện hữu rõ ràng, không sai chạy. Từ trong giây phút này, ta nhận ra các pháp hiện hữu trong quá khứ, có liên hệ chặc chẽ pháp hiện tại; và pháp tương lai cũng thế. Quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là ý niệm, sản phẩm của tâm thức con người quy ước, chứ thời gian không hề có qúa khứ, hiện tại và tương lại. Thời gian chỉ là thời gian. Và có dùng danh từ gì để gọi chăng nữa, nó vẫn là thời gian, như tự thân nó đang là.
Khi thấy rõ gốc rễ, nhân duyên, quả báo… của các pháp, làm sao còn bị đắm chìm hay rong ruỗi. Bao nhiêu ảo vọng, hy vọng, nuối tiếc đều dứt tuyệt. Mọi chướng ngại đều cáo chung, nó không còn cơ hội hiện khởi để đày đoạ kiếp người. Từ đây, nó vắng mặt trên cuộc trường, còn đâu xưng bá, xưng hùng. Còn đâu ngữa mặt mà xưng chúa trời.
Giây phút hiện tại mở ra một chân trời mới, hun đúc sức sống nhiệm mầu cho nhiều ngưỡng cửa thi ca, âm nhạc và hội hoạ. Và giải phóng con người ra khởi sự hoen ố tâm tư. Nhất là mở ra một kỷ nguyên mới, một chân trời thơ ca hùng vĩ, trổi dậy nét đẹp uyên nguyên như em bé ngày đầu mở mắt nhìn đời. Những mảng văn lung linh kết tinh đời cô lữ, tuôn về từ chốn thần tiên. Những vần thơ trong suốt, nhẹ nhàng:
Chiếc ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao[12]
hay:
Giọt sương trong vừa rụng
Ánh nắng vàng đang bay
Chim hót như mọi ngày
Ta ra vườn quét lá [13]
Thực tại nhiệm mầu trong từng hạt nước, trong từng áng mây bàng bạc thong dong. Thế mà ngày xưa, có người dùng ngôn ngữ để diễn tả thực tại. Thật viễn vông và rỗng tuếch. Tri thức ơi, ngắn ngủn quá. Mây trôi, nắng giọt bắt dừng chăng?
Hương đất trời trổi khúc, hóa hiện những phương trời viễn mộng. Kiếp người như cánh nhạn chiều thu, thở hương đất, uống khí trời, dưỡng chí chân nhân. Hãy bắt đầu từ nơi không bắt đầu và kết thúc từ nơi chẳng kết thúc. Kiếp người mênh mang mà rõ ràng giữa chiêm bao mộng mị.
Rồi đây, con người sẽ định vị lại sự tồn tại của chính mình, nghĩa là thấy được mối tương quan giữa mình và đất trời và thấy sự có mặt của mình trong giây phút ấy. Có vậy, mới nhìn thấy được sự thật, chân lý cuộc đời, mà không bị lừa phỉnh. Vậy, ai bảo rằng, ta uổng phí một kiếp làm người?
Nhuận Triều Minh
Vô duyên thất, 4 / 2004
Nguồn: TẬP SAN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC PHÁP LUÂN Số 10 – PL. 2553