Bụt hay dậy sớm, và sau khi ngồi thiền, người ưa đi thiền hành ngoài trời giữa những hàng cây. Một hôm đang đi thiền hành ngoài trời, Bụt thấy một người đi tới. Lúc ấy nắng chưa lên và trong sương mù hình dáng của cây cối và của người khách lạ kia không được tỏ rỏ lắm. Bụt ngồi xuống một tảng đá gần đó. Người khách lạ đã đến gần. Người này chưa thấy Bụt nhưng Bụt đã thấy ông ta. Đó là một chàng thanh niên chừng ba mươi tuổi, dáng điệu thanh tú, chàng thanh niên vừa đi vừa lẩm bẩm cái gì trong miệng, khi anh ta tới gần. Bụt nghe anh ta lẩm bẩm: “Thật là đáng sợ, thật là ghê tởm”. Chàng thanh niên vẫn chưa thấy Bụt.
Bụt lên tiếng:
– Không có gì đáng sợ, không có gì ghê tởm.
GIọng Bụt vọng lên rành mạch và ôn tồn trong không khí mát lạnh của buổi mai. Chàng thanh niên giật mình nhìn sang. Anh ta thấy Bụt ngồi thảnh thơi trên một tảng đá, phong thái thật ung dung và trầm tĩnh. Anh tuốt bỏ đôi dép, tiến tới trước Bụt và lạy xuống, rồi anh ngồi xuống trên một hòn đá thấp bên cạnh Bụt, Bụt hỏi:
– Cái gì mà đáng sợ? Cái gì mà ghê tởm?
Chàng thanh niên bắt đầu kể chuyện mình. Anh ta tên là Yasa, con của một thương gia giàu có vào bậc nhất nhì ở thành phố Baranasi. Yasa sống một cuốc sống giàu sang tột bực. Cha mẹ anh cưng chiều anh và cung cấp cho anh đủ hết phương tiện để sống trong các thú vui của người giàu có: nhà cao, cửa rộng, châu báu, tiền bạc, rượu mạnh, kỹ nữ, tiệc tùng, cuộc vui … Yasa là một người con trai biết suy nghĩ. Những năm gần đây, anh bắt đầu thấy lợm vì cái nếp sống trác táng đó. Anh ta không còn cảm thấy lạc thú gì trong cuộc sống ấy.
Anh ta khao khát một đời sống lành mạnh, giống như một người bị nhốt lâu trong một căn phòng kín mít khao khát khí trời. Cả đêm hôm qua, bạn bè anh ta quy tụ để ăn uống, đàn địch và nô đùa với bọn vũ nữ. Thức dậy lúc nửa đêm Yasa nhìn thấy cảnh tượng cac vũ nữ nằm ngã nghiêng, phơi bày những chân tướng không đẹp đẽ gì của họ, chàng cảm thấy không thể nào còn tiếp tục được cuộc sống trác táng này. Chàng khoác lên người một cái áo, luồn chân vào một đôi dép và mở cửa đi ra khỏi nhà. Chàng đi ra cổng trước. Mở cửa cổng trước, chàng đi mà không biết mình đi đâu. Chàng cứ thế mà đi trong đêm khuya, và tình cờ Yasa đi về hướng vườn Lộc Uyển. Tới đây thì trời vừa sáng và Yasa gặp Bụt.
Bụt dạy:
– Yasa cuộc đời đầy dẫy những khổ đau mà cũng đầy dẫy những hiện tượng tượng mầu nhiệm. Đắm mình trong dục lạc, điều đó chỉ có thể tàn phá sức khỏe của hình hài cũng như của tâm hồn, và lại tạo thêm khổ đau cho ta. Nếu biết sống một cuộc đời lành mạnh, không bị vật dục lôi cuốn, ta có thể tiếp xúc với biết bao cảnh tượng mầu nhiệm trong cuộc đời. Yasa, con hãy nhìn những thân cây đứng trong sương mù này. Đó là những hình ảnh vừa đẹp đẽ vừa mầu nhiệm. Trăng, sao, sông, núi, ánh sáng mặt trời, tiếng chim hót, tiếng suối reo … tất cả những biểu hiện đó của vũ trụ đều mầu nhiệm, đều đẹp đẽ, đều có thể cho ta những nguồn vui bất tận.
Những niềm vui này không phá hại sức khỏe của thân thể và của tâm hồn, trái lại còn nuôi dưỡng được cho thân thể và tâm hồn. Chính thân thể và tâm hồn con cũng là những hiện tượng mầu nhiệm, con thử nhắm mắt lại, thở ra thở vào vài ba hơi, rồi mở mắt ra xem. Con thấy không? Hai mắt của con có thể nhìn thấy cây, thấy sương, thấy trời, thấy tia nắng ấm; hai mắt của con thật mầu nhiệm, vì không tiếp xúc được với hiện hữu mầu nhiệm nên đã có lúc con chán ghét ngay cả thân thể con và tâm hồn con. Có người chán ghét thân thể họ, tâm hồn họ và chán ghét luôn cả cuộc đời cho nên đã đi tự tử. Họ không biết rằng vạn hữu cũng là mầu nhiệm. Họ chỉ thấy được mặt khổ đau của vạn hữu, nhưng khổ đau không phải là bản chất của vạn hữu. Khổ đau là do thái độ sống và do cách nhìn sai lạc của con người mà có …
Yasa là một chàng trai rất thông minh, những lời của Bụt như những giọt nước mát tưới vào tâm hồn khô cạn của chàng. Rất sung sướng, chàng quỳ xuống dưới chân Bụt và xin được làm học trò xuất gia của Bụt.
Bụt đỡ Yasa lên. Ngưòi nói:
– Người xuất gia sống một cuộc đời thanh bạch và khiêm cung, không nắm giữ tiền bạc, ngủ trong am lá hoặc dưới gốc cây, ăn bất cứ thức ăn nào xin được và mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Con có thể sống như vậy được không?
– Lạy thầy, con có thể sống như vậy được.
Bụt nói:
– Người xuất gia tu học cần phai đem hết tâm tư và nghị lực để hoàn thành sự nghiệp giải thoát của mình, để có thể giúp đời và giúp người, làm vơi bớt những khổ đau trong sự sống, con có phát nguyện đi theo con đường ấy không?
– Lạy thầy, con xin phát nguyện đi theo con đường mà thầy chỉ dạy.
– Vậy ta sẽ cho con xuất gia. Người xuất gia tu học trong giáo đoàn ta sẽ được gọi là bikkhu, nghĩa là người khất sĩ. Mỗi ngày đi xin thực phẩm là để tự nuôi sống mình, để tập đức khiêm cung, và cũng để có cơ hội tiếp xúc với con người mà hướng dẫn họ trên con đường đạo hạnh.
Vừa lúc ấy năm vị sa môn khất sĩ học trò của Bụt cũng ra tới. Yasa đứng dậy cung kính chào mọi người. Bụt giới thiệu năm thầy với Yasa, rồi hướng về thầy Kondanna, Bụt nói:
– Thầy Kondanna, đây là Yasa, một người trẻ tuổi có chí nguyện xuất gia. Tôi đã ưng thuận, vậy cúi xin thầy chỉ dạy cho Yasa về cách mang y, ôm bát, đi khất thực, điều phục hơi thở, ngồi thiền và đi kinh hành. Yasa, con đi theo thầy Kondanna đi.
Yasa cúi chào Bụt. Thầy Kondanna đưa chàng vào tịnh xá, xuống tóc cho chàng. Thầy trao cho Yasa một cái y và một cái bát và dạy cho chàng cách mang y và cầm bát. Y bát này đã được cúng dường cho thầy từ lâu, nhưng vì có sẵn y bát cũ, thầy chưa bao giờ dùng tới.
Chiều hôm ấy, vị trưởng giả thân sinh của Yasa tìm tới vườn Lộc Uyển. Cha của chàng cho người đi lùng chàng khắp nơi. Có một gia nhân theo vết dép của Yasa và tìm tới được vườn Lộc Uyển. Anh ta thấy được đôi dép bằng vàng của tiểu chủ nằm bên một chiếc ghế đá. Vào hỏi thăm, anh ta biết là tiểu chủ của mình đang có mặt tại đây. Anh vội vã về báo tin.
Ông thân sinh của Yasa tìm tới vườn Lộc Uyển và được gặp Bụt đang ngồi trên tảng đá. Ông ta đến làm lễ người rồi chắp tay hỏi:
– Bạch sa môn, ngài có thấy Yasa con của con không?
Bụt chỉ chiếc ghế đá bên cạnh người:
– Mời ông ngồi xuống đây. Yasa đang ở trong tịnh xá. Nó sẽ ra đây bây giờ.
Ông thân sinh của Yasa ngồi xuống, Bụt kể cho ông ta nghe về những gì đã xảy ra sáng nay. Bụt cũng nói cho ông ta nghe về tâm sự của Yasa và những khao khát của chàng. Người kết luận:
– Yasa là một người con trai thông minh và có chí khí. Nó đã tìm ra được nẻo thoát cho tâm hồn nó, và hiện tại đã có niềm tin và sự an lạc. Xin ông mừng cho nó.
Tiếp theo, Bụt dạy cho ông ta về cách sống tỉnh thức để tránh bớt những khổ đau và phiền muộn, và cũng là để tạo sự an lạc cho mình và cho những người chung quanh. Nghe Bụt nói, tâm của ông càng lúc càng như sáng ra. Ông đứng dậy chắp tay cầu Bụt cho ông ta làm học tại gia của người. Bụt lặng yên. Một lát sau, người nói:
– Học trò của tôi là những người biết sống đơn giản, tỉnh thức, biết tránh sự giết hại sinh vật, biết tôn trọng tư hữu của kẻ khác, biết tránh việc tà dâm, biết nói lời chân thật và tránh việc rượu chè say sưa. Này trưởng giả, nếu ông thấy ông có thể theo được con đường đó thì tôi chấp nhận ông là học trò tại gia của tôi.
Ông thân sinh của Yasa quỳ xuống trước mặt Bụt. Ông chắp tay thành kính nói:
– Con xin nương tựa nơi thầy, xin thầy chỉ đường đưa lối cho con trong cuộc đời này. Con xin nguyện làm đệ tử tại gia của thầy cho đến này con nhắm mắt lìa bỏ cuộc đời.
Bụt đỡ vị trưởng dậy. Khi đứng lên, vị trưởng giả trông thấy Yasa đứng hầu sau lưng Bụt. Yasa trong y phục của một người xuất gia, râu tóc cạo sạch. Vị khất sĩ mới chắp tay lại thành búp sen, cung kính chào cha, và miệng chàng mỉm cười. Thần sắc Yasa tỉnh táo và sáng rỡ. Vị trưởng giả chưa bao giờ thấy con mình tươi vui và hạnh phúc như thế. Ông chắp tay lại đáp lễ, rồi ông nói:
– Mẹ của con đang sầu đau và lo lắng ở nhà.
Yasa đáp:
– Con sẽ về thăm mẹ con, nhưng con đã phát nguyện theo Bụt sống đời giải thoát và phục vụ chúng sanh.
Vị trưởng giả hướng về Bụt:
– Lạy Bụt, con xin thỉnh ngài và các vị khất sĩ đệ tử xuất gia của ngài trưa mai đến thọ trai tại nhà con. Xin để cho người đệ tử mới của ngài đi theo làm thị giả cho ngài. Chúng con sẽ rất sung sướng được cúng dường một bữa cơm cho các vị khất sĩ tại nhà và cũng sẽ rất sung sướng được nghe lời giáo huấn quý báu của ngài về đạo giải thoát.
Bụt quay lại nhìn Yasa. Hai mắt của người khất sĩ mới tu lấp lánh. Bụt gật đầu chấp thuận lời thỉnh cầu của trưởng giả.
Sáng hôm sau, Bụt cùng sáu vị khất sĩ đến thọ trai tại nhà ông trưởng giả. Mẹ của Yasa thấy con mừng rơi nước mắt. Bụt và sáu vị đệ tử xuất gia được mời ngồi trên những chiếc ghế có trải tọa cụ. Mẹ của Yasa tự tay dâng cúng thực phẩm vào bát của Bụt và vào bát của sáu vị khất sĩ. Bữa cơm diễn ra trong yên lặng. Cha mẹ của Yasa và các người hầu cận kính cẩn đứng hầu, không ai dám nói với ai một lời nào. Bữa cơm kết thúc. Sau khi bát đã được rửa, nước uống đã được dâng lên, vợ chồng ông trưởng giả chắp tay làm lễ Bụt và ngồi xuống trên những chiếc ghế thấp phía trước mặt người. Bụt bắt đầu giảng cho họ nghe về nội dung của năm giới. căn bản tu học của người đệ tử tại gia. Bụt nói:
– Người học theo con đường tỉnh thức thì phải biết vun bồi sự hiểu biết (Trí) và tình thương yêu (Bi) của mình. Năm giới tức là cách thức sống để thực hiện từ bi và trí tuệ.
Giới thứ nhất là tránh việc tàn hại sinh mạng. Chúng sinh loài nào cũng tham sống sợ chết, vì vậy nếu ta thực sự học theo đạo hiểu biết và thương yêu thì ta phải giữ giới không sát sanh. Không những ta không được sát hại con người mà ta còn cố gắng đến mức tối đa để tránh sự sát hại các loài cầm thú. Giữ giới này là một cách nuôi dưỡng từ bi và trí tuệ rất hiệu quả.
Giới thứ hai là không gian lận trộm cắp. Ta không có quyền xâm phạm vào tư hữu của kẻ khác, và không làm giàu bằng cách lợi dụng sự khờ dại và bóc lột sức lao động của kẻ khác, trái lại ta phải biết tìm cách giúp đỡ những kẻ khốn khổ những phương tiện để họ có thể tự lực mưu sinh.
Giới thứ ba là không tà dâm, nghĩa là không xâm phạm đến tiết hạnh của những người khác và hết lòng trung thực với người vợ hoặc người chồng của mình.
Giới thứ tư là không nói dối, nghĩa là không nói những lời trái với sự thật, không xuyên tạc, chửi rủa, không dùng lời nói để gây thù hận và loan truyền những tin mà mình không chắc là có thực.
Giới thứ năm là không say sưa, không dùng những chất ma túy và kích thích như thuốc phiện và rượu.
Nếu ta sống theo được tinh thần của năm giới này, ta sẽ tránh được cho bản thân, gia đình ta và bạn bè ta mọi đau khổ và đổ vỡ. Ta sẽ thấy đời ta tươi sáng và hữu ích lên gấp trăm lần.
Trong khi Bụt nói, bà mẹ của vị khất sĩ trẻ Yasa rất sung sướng. Bà thấy được cánh cửa hạnh phúc mở rộng trước mặt bà. Bà biết chồng mình đã được Bụt chấp nhận là đệ tử tại gia của người, và điều đó làm bà hân hoan vô hạn. Bà quỳ xuống chắp tay lại và cầu xin Bụt cho bà làm đệ tử tại gia.
Sau đó, Bụt và sáu vị khất sĩ trở về vườn Lộc Uyển.