Bấy giờ vị vua này là một người rất lắm lời. Mỗi khi ông đã nói thì không một người nào có cơ may mở miệng. Bồ-tát vì muốn ngăn chận căn bệnh nói nhiều của vua nên luôn canh tìm một cơ hội.

Gặp họa do nói không đúng lúc

Bấy giờ ở vùng Tuyết sơn, có một con rùa sống tại một hồ nước nọ. Hai con ngỗng trời trong khi đi kiếm ăn đã làm quen với rùa và rồi trở thành những người bạn thân thiết của nhau. Một hôm, hai con ngỗng nói với rùa:

– Bạn rùa ạ, chúng tôi có một ngôi nhà xinh xắn nằm trong một cái hang Vàng ở trên cao nguyên Tâm Phong (Cittakūta) tại rặng Tuyết sơn. Bạn đến đó với chúng tôi nhé?

– Trời đất, làm sao tôi có thể đến đó được chứ? Rùa nói.

– Không sao cả! Chúng tôi sẽ đưa bạn đi, chỉ cần bạn ngậm miệng lại và đừng nói gì với ai cả.

– Vâng, tôi có thể làm được điều đó, xin hãy đưa tôi đi. Rùa nói.

Vậy là hai con ngỗng cho rùa ngậm chặt cây gậy giữa răng, còn chính chúng dùng miệng giữ hai đầu gậy và bay vào không trung.

Bọn trẻ trong làng nhìn thấy cảnh tượng này thì la lên:

– Xem kìa, hai con ngỗng trời đang dùng một cây gậy để mang một con rùa!

(Vào lúc này, hai con ngỗng vì bay nhanh nên đã bay đến hoàng cung trong thành Ba-la-nại)

Khi nghe lũ trẻ xôn xao như vậy, rùa muốn la toáng lên “Thế đấy, nếu bạn của ta có mang ta đi thì việc đó có đá động gì đến tụi bây không hở lũ ranh con hèn hạ?” Rùa vừa nhả cây gậy ra để nói điều ấy thì ngay lập tức rơi xuống sân, vỡ thành hai mảnh.

Người ta thấy vậy thì ồn ào lên:

– Hãy xem kìa, một con rùa rơi xuống sân và vỡ ra làm hai!

Nhà vua cùng với Bồ-tát và tất cả các triều thần đi đến nơi ấy. Và khi nhìn thấy con rùa, vua hỏi Bồ-tát:

– Thưa bậc hiền trí, tại sao con rùa này lại rơi xuống đây?

Bồ-tát nghĩ, “Bấy lâu nay ta muốn tìm cách khuyên bảo nhà vua nhưng không có cơ hội, nay cơ hội đã đến. Không hồ nghi gì nữa, con rùa này và hai con ngỗng kết bạn thân với nhau. Ngỗng muốn mang rùa đến Tuyết sơn nên cho rùa cắn chặt cây gậy và mang nó bay vào không trung. Sau đó, chắc rùa nghe một vài lời bàn tán gì đó, không thể giữ im được, nó muốn nói nên nhả cây gậy ra, vì thế đã rơi từ trên không trung xuống và rồi vong mạng.” Nghĩ vậy, Bồ-tát nói với nhà vua:

– Tâu đại vương, những ai lắm lời đến độ không giới hạn được việc nói năng của mình đều luôn gặp phải tai họa như vậy.

Rồi Bồ-tát đọc lên những câu thơ sau:

Rùa kia muốn nói lớn
Dù cắn gậy giữa răng,
Bất chấp, nó vẫn nói
Chết không kịp trối trăng.
Như thế, tâu đại vương
Chứng cớ quá rõ ràng
Vậy hãy nói hợp thời
Vậy hãy nói khôn ngoan
Xem rùa kia lắm lời
Đến độ bị mất mạng.

“Ông ta đang ám chỉ mình đây!” Nhà vua nghĩ thầm rồi hỏi:

– Thưa bậc hiền trí, có phải khanh nói điều đó để ám chỉ trẫm không?

– Tâu Đại vương, dù đại vương hay là ai khác, nếu nói quá giới hạn đều phải chịu khổ đau như vậy.

Bồ-tát đã trình bày vấn đề rõ ràng như vậy. Từ đó về sau, nhà vua kiềm chế việc nói năng và trở thành một người ít lời. (Jātaka Kacchapa, truyện số 215)

Bàn thêm:

Câu truyện này nguyên có tựa là Con rùa (kacchapa). “Gặp họa do nói không đúng lúc” là tựa do tôi tự đặt, nhưng không phải để “câu khách”, cũng không phải liên tưởng đến việc gần đây có thầy gặp “họa” do phát biểu không đúng lúc, mà vì đặt tựa như vậy tôi thấy nó phù hợp với truyện hơn.

Câu truyện này phê bình người nói nhiều, chính xác hơn là nói quá giới hạn. Theo truyện, một người nói quá nhiều, nhiều đến mức “mỗi khi đã nói thì không một người nào có cơ may mở miệng”, được coi là điều không tốt; và người ấy có thể lãnh họa do sự đa ngôn của mình mang lại. Tôi nghĩ, hình như việc gì mà vượt quá giới hạn thì cũng dễ trở thành không tốt, chứ không riêng gì nói nhiều.

Thực ra ở câu truyện trên, con rùa kia vong mạng là do mở miệng không đúng lúc chứ không phải nói nhiều. Chỉ có ông vua nói nhiều, nhưng ông chưa gặp họa. Việc nhận lãnh “rủi ro” do phát ngôn không đúng lúc và thích hợp gây ra, tôi thấy khá nhiều. Nhưng để “mở miệng” đúng lúc và nói năng thích hợp trong mọi trường hợp, đôi khi không phải dễ. Trong trường hợp con rùa ở câu truyện trên, không nên mở miệng khi đang ở trên không trung, vì mở miệng sẽ mất mạng, thì nên hay không nên đã quá rõ ràng. Nhưng có nhiều trường hợp mà thực sự mình không biết là nên “mở miệng” hay nên “ngậm miệng”; có khi mở miệng thì trật mà không mở miệng cũng chưa chắc đúng. Làm chủ được lời nói trong mọi hoàn cảnh, nói năng hợp lý trong mọi trường hợp, với tôi, thật không dễ chút nào.

Hồi nhỏ tôi được dạy là nên cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, và “trước khi nói nên uốn lưỡi bảy lần.” Tuy nhiên có những trường hợp, ở đó không có thời gian cho mình suy nghĩ chín chắn theo kiểu “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói, mà đòi hỏi phải phát biểu ngay lập tức. Và ở trong những trường hợp đòi hỏi việc trả lời hay phát biểu tức thời như vậy, để nói đúng, nói “chuẩn”, nói “nghe được”, nói không “hố”… xem ra thật khó. Với những người thiếu khả năng ứng xử nhanh nhạy thông minh, như mình, lại càng khó hơn.

Tất nhiên việc gì cũng cần phải học, phải rèn luyện, chứ không tự nhiên mà có “kỹ năng” được. Nhưng mà, có đôi khi, chưa hẳn có học có rèn luyện thì sẽ có kỹ năng; và chưa hẳn có kỹ năng thì sẽ ứng dụng được kỹ năng đó trong mọi tình huống. Vậy nên khi có người nào đó lỡ nói “hố”, mình cần nên cảm thông, nếu có phê bình thì có lẽ một vài lần là đủ rồi. Phê bình hoài và chấp nê lâu quá, thấy cũng kỳ, và có khi cái sự chấp nê dai dẳng của mình cũng đang là điều… vượt quá giới hạn.

T. Nguyên Hiệp (dịch và…bàn)