ÂM:
Nhi tâm vô sắc
Bất khả kiến thủ
Đản thị hư vọng
Chư pháp tập khởi
Tất cánh vô chủ
Vô ngã ngã sở.

DỊCH:
Tâm không hình sắc
Không thể thấy
Không thể nắm bắt
Chỉ do các pháp hư vọng hợp lại mà khởi hiện
Rốt ráo không có chủ tể
Không có ngã và ngã sở.

GIẢNG:
Phật nói thính chúng trong pháp hội, chủng loại hình sắc sai biệt gốc từ tâm. Nhưng tâm không hình sắc, không thể thấy không thể nắm bắt được, chỉ do các pháp hư vọng mà khởi hiện. Thế nên tất cả nghiệp tội từ tâm mà ra.

Nói những danh từ chuyên môn như thế e khó hiểu, vậy tôi giảng kỹ chỗ này cho quí vị hiểu. Ví dụ quí vị nói: “Tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia.” Tôi xin hỏi: “Tâm quí vị đang suy nghĩ là cái gì? Ngay bây giờ mỗi người tự lóng lặng lại, tìm cái tâm của mình coi nó ra sao và ở đâu? Ai tìm được?”

– Thưa tìm không được.

Đã tìm không được, mà sao ai cũng nói tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia? Đây là vấn đề quan trọng, chúng ta phải lưu ý. Ở trước nói tâm chủ động tất cả, bây giờ chúng ta tìm thì không biết nó ở đâu và ra sao? Tâm không có chỗ nơi không hình sắc, tại sao chủ động tất cả? Khi muốn tìm nó thì tìm không ra, lúc không tìm thì nó khởi nghĩ hết chuyện này tới chuyện nọ không ngừng, như vậy là sao?

tam-lam-chu
Phật nói tâm nhớ tưởng nghĩ suy không thật vì nếu thật thì lúc nào cũng hiện hữu một nơi, chẳng hạn ở trên trán hay ở trên mũi… Nhưng nó không có chỗ nơi, vừa khởi nghĩ, tính toán thì có, mà khi tìm thì không. Nó là cái giả có không thật, do duyên với ngoại cảnh mà tạm có, có mà không thật. Ví dụ quí vị đang ngồi đây, sực nhớ các con ở nhà đang đi học, khi nhớ là do tâm và do có các con nên quí vị mới nhớ. Nếu không có các con thì không có “cái nhớ con”. Nguyên do có ngoại cảnh ảnh hưởng đến nội tâm, tâm cảnh duyên nhau nên vọng tưởng mới khởi. Vì vậy tâm chỉ là vọng tưởng, do các duyên nhóm họp tạm có, không thật. Tuy không thật mà chi phối tất cả.

Điều này người tu Phật chúng ta cần phải tư duy cho thật kỹ. Thấu được lý này tu mới tiến, ngược lại thì tu khó tiến. Tại sao? Vì hằng ngày mọi người ai cũng cho rằng mình có tâm, nên thường nói: “tôi nghĩ như thế này, tôi tính như thế kia…” chấp cái nhớ nghĩ suy tính của mình là hay là đúng, nếu có ai nói ngược lại thì giận. Nhìn kỹ thấy cái nhớ nghĩ, suy tính chợt khởi liền mất, rõ ràng không thật, cái không thật làm sao đúng!

Ở trước đã nói Nghiệp dẫn chúng sanh đi trong cảnh lành hay dữ; sanh trong cảnh lành là do đời trước tạo nghiệp thiện, sanh trong cảnh dữ là do đời trước tạo nghiệp ác. Vậy thân tâm con người sanh trong cảnh lành hay cảnh dữ, giáo lý nhà Phật gọi là “Chánh báo”. Nếu tạo nghiệp thiện thì sanh ra thân khỏe mạnh, thông minh tài trí, ở trong cảnh gia đình giàu sang vật chất sung mãn; thân khỏe mạnh thông minh tài trí là chánh báo, cảnh giàu sang vật chất sung mãn là y báo. Y báo lệ thuộc chánh báo, chánh báo tốt thì y báo cũng tốt, chánh báo tốt là do đời trước tạo nghiệp thiện và nghiệp đời trước thì lệ thuộc vào tâm.

Như thế là tâm tạo ra nghiệp tốt xấu, nghiệp tốt xấu dẫn thọ thân tốt xấu, thân tốt xấu mới tạo ra cảnh tốt xấu. Vậy tâm nghĩ suy là vọng tưởng không thật, gốc đã không thật thì những ngọn ngành kia có thật không?

Phật dạy tất cả pháp đều giả dối, do chúng sanh ở trong cảnh giả, không thấy các pháp là giả, tưởng là thật. Tâm giả mà tưởng lầm là thật, nên thấy nghiệp thật, thân thật, cảnh thật. Nếu thấy tâm giả thì thấy nghiệp giả, thân cũng giả, cảnh cũng giả. Chúng do các pháp nhóm họp tạm có, rốt ráo không có chủ, không có ngã và ngã sở. Không có chủ là ta không làm chủ được tâm, nó muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn nhớ ai thì nhớ. Chẳng hạn như quí vị định ngồi thiền ba mươi phút để cho tâm an định. Nhưng vừa lên bồ đoàn ngồi độ vài phút, thì nhớ việc này tính chuyện kia liên tục. Muốn dừng không nhớ không tính độ năm mười phút mà không dừng được. Rõ ràng ta không làm chủ được vọng tâm, nó muốn nghĩ gì thì nghĩ, nếu ta làm chủ được, ta ưa nghĩ thì nghĩ, không ưa nghĩ thì dừng. Vì không làm chủ được nên nó chợt khởi chợt mất, không thường còn, nên nói là vô ngã. Ngã đã không thì những cái thuộc về ngã làm sao có thật? Đạo Phật cho tâm nhớ nghĩ suy tính là vọng tâm, luôn duyên theo cảnh vật bên ngoài. Vì vậy mà không có chủ, không có thật ngã và cảnh tùy thuộc bên ngoài cũng không có thật. Vì ngã (ta) và cảnh vật do tâm (vọng tưởng) tạo, mà tâm không thật thì ngã và cảnh vật thuộc của ta cũng không thật.

(st)