Một người đang đi trên con đường xa dài, đến một vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi. Vùng nước dài rộng, nhưng không có thuyền để vượt qua, và cũng không có cầu bắc từ bờ này qua bờ bên kia.
Anh ta suy nghĩ: “Đây là vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Nay ta hãy thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá, cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn”.
Nghĩ rồi, rồi anh ta bèn thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá cột lại thành chiếc bè, và nhờ chiếc bè này, tinh tấndùng tay chân vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, anh ta suy nghĩ: “Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn”.
Và, tri ân chiếc bè như thế, không ngần ngại, anh ta đội chiếc bè trên đầu và tiếp tục cuộc hành trìnhcủa mình, mặc người đời xì xào, bàn tán!
(Kinh Trung bộ, tập I, kinh Ví dụ con rắn – Alagaddùpama sutta. HT.Thích Minh Châu Việt dịch)
Như Lai thường dạy:
“Các Thầy Tỳ kheo phải biết: “Giáo pháp của ta cũng như chiếc đò đưa người qua sông, các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp, chánh pháp còn không trụ chấp huống chi là phi pháp”
(Kinh kim cang)
… … … … …
“Hiểu giáo pháp một cách sai lạc, người ta có thể đi vào cố chấp, từ cố chấp người ta đi sâu vào sai lầm, gây đau khổ cho mình và cho người.
Nầy các vị! Hãy nghe, hiểu và hành giáo pháp một cách thông minh. Như thế giáo pháp mới đưa đến một lợi ích thiết thực. Một người bắt rắn giỏi biết cách dùng một cái cây có nạng và chận vào phía cổ của con rắn và cuối cùng nắm bắt được rắn ở chỗ cổ của nó. Nếu không biết bắt rắn mà nắm lấy rắn ở lưng hay ở đuôi thì người có thể bị rắn quay lại cắn tay. Học hỏi giáo lý, cũng phải học hỏi thông minh như là bắt rắn vậy.
Nầy các vị! Giáo lý là phương tiện chỉ bày chân lý, đừng chấp phương tiện là chân lý. Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng. Không có ngón tay ấy thì quý vị không biết hướng của mặt trăng, nhưng nếu quý vị nhận lầm ngón tay là mặt trăng, thì vĩnh viễn quý vị không thấy được mặt trăng.
Giáo lý là chiếc bè đưa người sang sông. Chiếc bè rất cần thiết, nhưng chiếc bè không phải là bờ bên kia. Một người thông minh khi sang tới bờ bên kia rồi không bao giờ dại dột đội chiếc bè lên đầu mà đi. Này quý vị! Giáo pháp tôi dạy là chiếc bè đưa quý vị vượt qua bờ sinh tử. Quý vị phải sử dụng chiếc bè để qua bờ sinh tử mà không nên nắm giữ chiếc bè. Quý vị cần hiểu rõ ví dụ này để đừng bị kẹt vào giáo pháp, để có khả năng buông bỏ được giáo pháp. Này quý vị! Giáo pháp còn cần được buông, huống hồ là giáo pháp hiểu sai. Giáo pháp hiểu sai không phải là giáo pháp.
Nầy quý vị, tất cả những giáo pháp mà quý vị đã học như tứ diệu đế, bát chánh đạo, tứ niệm xứ, thất giác chi, vô thường, vô ngã, khổ, không, vô tướng, vô tác … tất cả những giáo pháp quý vị phải học hỏi và thực tập một cách thông minh và khôn khéo. Hãy sử dụng những giáo pháp ấy để đi tới giải thoát, nhưng đừng bị kẹt vào những giáo pháp ấy”.
Trích Đường Xưa Mây Trắng