Thuở xưa, có một vị tiểu thư xinh đẹp, con quan tri huyện. Nhân một chuyến lễ chùa, nhan sắc mặn mà của nàng làm động tâm một nhà sư trẻ tuổi. Vừa trông thấy cô gái, trống ngực sư đã nện inh ỏi. Sư kêu gọi Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đến líu cả lưỡi mà hình bóng của giai nhân cứ lảng vảng quanh sư. Nghĩ mình đã xuất gia đầu Phật, nhất định cắt đứt đường tơ mà nghiệp chướng tiền khiên quá sâu nặng. 

Sư đổi pháp môn tu, nhờ một chàng thư sinh có đôi tay tài hoa vẽ dùm hai bức tranh. Một là dung nhan chim sa cá lặn của giai nhân, còn bức kia thì tô lên mặt hoa những nốt đậu mùa để sư quán “bất tịnh.” 

Chàng thư sinh vui vẻ nhận lời trợ giúp cho nhà sư đáng thương tha thiết cầu đạo này. Ðể bức họa linh động chàng tìm cách gặp gỡ giai nhân. Ngờ đâu thần ái tình lại bắn luôn mũi tên còn lại, chàng đâm ra yêu thiếu nữ mê mệt. Và sau khi hoàn thành hai bức tượng chàng nhờ nhà sư chúc phúc cho mình, chàng trở về cậy người đánh tiếng xin cầu hôn người đẹp.  

Sau bao nhiêu lễ lộc rắc rối, chàng thư sinh được giai nhân nhận lời. Hôn lễ được dự định cử hành vào mùa đông sắp tới… Mọi chuyện tưởng đâu sẽ xuôi chèo mát mái thì thình lình có dịch đậu mùa bò đến. Giai nhân vì chưa quá tuổi vị thành niên nên đã vướng phải bệnh này và gương mặt đẹp như ngọc của nàng bỗng trở nên giống hệt bức tranh thứ nhì mà nhà sư đang quán tưởng. Nghĩ rằng dung nhan của vợ mình từ đây sẽ không gây rắc rối cho ai, nhất là chư sư, nên sau tuần trăng mật chàng đưa vợ đến lễ chùa và luôn tiện thăm nhà sư si tình dạo nọ.

Nhác trông thấy “người xưa”  nhà sư sững người kinh ngạc và sau đó sư vui mừng khôn tả. Ðêm hôm ấy nhà sư lúi húi dựng một giàn hỏa và viết một phong thư gửi lại cho Hòa thượng trụ trì, báo tin rằng sư đã đắc đạo nhờ phép quán bất tịnh, rằng mối tình si, sự vô minh của sư đã được giải tỏa…bằng cớ là khi chạm mặt giai nhân, sư chỉ thấy dung nhan của nàng qua bức tranh mặt rỗ của sư…Và đó là một bằng chứng hiển nhiên để sư tin rằng khi bước lên giàn hỏa, sư sẽ vào Niết bàn lập tức. 

Bức thư được gửi đi trước khi giàn hỏa được nhen lên, nên sau đó, Hòa thượng trụ trì bắt sư khuân hết số củi dựng giàn hỏa vào nhà trù rồi sắm hành lý cho sư lên đường tham học. 

PC:  Ðây là một trong những trục trặc khi dùng lối quán chiếu, đối trị…của chúng sanh. Có lẽ vì thế mà chư vị Tổ sư của dòng thiền đốn ngộ không bằng lòng cho đệ tử dùng lối này tu tập. Khi gặp trường hợp như nhà sư trên đây, các ngài thường xúi đệ tử có thương yêu gì thì cứ bắc ghế ngồi chò hõ trước mặt đối tượng của mình, dòm cho kỹ xem họ là ai? Mình là ai? Và ai yêu ai đây? Khám phá cho ra cái “ai” đó là xong chuyện… 

Vì sự đắc đạo không tùy thuộc vào cái mặt đẹp hay xấu của “người bị thương” và thông thường đối tượng đam mê của chúng ta có thể thay đổi từ một cái mặt miếng bầu sang gương mặt trái soan, chiếc mũi dọc dừa sang bẹ dừa, nhưng cái mãnh lực đam mê đó mới là vấn đề chính yếu, là cái mà chúng ta cần thấu đáo rõ ràng chớ không thể gác qua một bên, tìm cách quan sát một cách méo mó như nhà sư trên đây.  

Con Cọp Dễ Thương Xưa, có một thiền sư sống ẩn dật tại một thâm sơn cùng cốc nọ. Trong một dịp tình cờ sư nhặt được một chú bé bị bỏ rơi, đem về hang núi nuôi dưỡng. Chú bé lớn lên dưới sự chăm sóc của nhà sư giàu lòng bi mẫn, giữa những động đá thâm u, dưới các cội tùng xanh lá. Tâm tình chú cũng đơn sơ và bình yên như con nước trong chảy róc rách qua các hòn cuội trắng. Ngoài vị sư phụ ra chú không hề thấy một nhân vật vào khác. Bạn bè thân thuộc của chú là những thú rừng hiền lành thường doanh vây quấn quít chung quanh chú như hươu, nai, khỉ, vượn…Chú tiểu lớn lên giữa khung trời bao la của thiên nhiên…Và mãi đến lúc trưởng thành chú vẫn có màu mắt trong xanh như trẻ thơ, chú chưa từng biết buồn lo là gì cả! Giang sơn của chú chỉ có một nhân vật đáng đề phòng là con cọp chúa, thỉnh thoảng mò ra ven suối uống nước ngắm trăng và kêu “cà um” inh ỏi. Mỗi lần vị chúa rừng này về chú thường theo lịnh thầy, rút lên cội cây cao cho an toàn…Và theo óc tưởng tượng của chú, cọp là một con thú có bộ dáng dữ dằn ghê lắm. Nhưng chú chưa từng giáp mặt nó lần nào, nên rừng núi còn là một tổ ấm an lành, hồn nhiên che chở cho chàng trai mới lớn. 

Cho đến một hôm, vị thiền sư được tin người bạn cố tri của mình lâm bệnh nặng. Sư liền quảy túi hạ sơn và chú tiểu cũng được dịp theo thầy xuống núi để học khôn luôn thể. Những trần cảnh xôn xao đa diện của thế nhân khêu gợi óc hiếu kỳ của chàng trai hơn là ham muốn. Chàng bỡ ngỡ nhìn ngắm và lắng nghe tất cả với một thái độ lạnh nhạt của người ngoài cuộc. Dòng đời vẫn miên man trôi chảy và chàng đã nhìn nó với cặp mắt xanh xao của tuổi thơ. Tất cả đều có vẻ lạ lùng đến buồn cười.

Và trên đường trở về hai thầy trò tình cờ gặp một thiếu nữ bán lụa…Chàng trai kinh ngạc say sưa nhìn gương mặt của người khác phái mà lần đầu tiên chàng thấy có một sự thu hút kỳ lạ…Thấy vẻ sừng sờ của đệ tử nhà tu vội vàng nắm tay chàng rảo bước, chàng trai bỡ ngỡ hỏi thầy:  
-Bạch tôn sư!  Ðây là con gì vậy? 

Nhà sư buông thõng: 
-Con cọp đó, đi lẹ lên kẻo mất mạng bây giờ. 

Hai thầy trò trở về sơn động…Vị sư để ý thấy sau chuyến viễn du, người đệ tử của mình đâm ra thờ thẫn, bỏ ăn, bỏ ngũ…Và có một cái gì thay đổi trong tâm tư chàng trẻ tuổi…Và một hôm, sau cơn dằn vặt tột độ, chàng tìm đến thầy thú thật: 
-Bạch tôn sư!  Sao mà con nhớ con cọp…hôm ấy quá…con có cảm tưởng rằng…thà rằng…con tìm đến gặp nó cho nó nhai xương con cho rồi. Tán thân mất mạng về tay con cọp dễ thương ấy còn dễ chịu hơn là ở đây mà vằng vặc nhớ thương nó…từ hai mươi năm qua, chưa bao giờ con nếm phải một sự đau đớn kịch liệt như thế này. Con phải làm sao đây? 

PC:  Trong cuộc đời các nhà tu trẻ tuổi ít ra cũng phải có một lần chúng ta đòi nạp mạng cho một con cọp nhai xương như thế này (ngoại trừ các bậc thánh và những nhà tu bằng ciment hay nylon).  Phải làm sao đây, thưa chư hiền hữu?

Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy