Ngày xưa, tại tỉnh Raburi có một làng được mệnh danh là làng hòa bình. Dân trong làng sống với nhau rất hòa thuận và thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà.
Từ lâu nay chưa ai nghe thấy hoặc trông thấy một vụ cãi nhau hay đánh lộn lẫn nhau. Điểm đặc biệt hơn nữa mọi người biết tôn trọng lẫn nhau, ban đêm nhà ai nấy ở, cửa ngõ không cần đóng. Vậy mà không bao giờ xảy ra các vụ trộm cướp dù chỉ là một con gà hay mớ rau.
Không riêng gì người trong làng sống hòa bình với nhau mà tất cả các sinh vật trong làng cũng sống hòa bình. Thường ngày trên con đường đất của làng một con thằn lằn nằm ngủ lim dim không cách xa một con mèo. Còn con mèo cũng cuộn mình yên ổn gần một con chó đang thè lưỡi ngắm nhìn các người qua lại.
Thật là một cảnh thanh bình hết sức nói.
Nhưng một hôm quang cảnh thanh bình đó không còn nữa. Tại một căn nhà tranh có một thiếu phụ đang đu võng để ru con ngủ. Tiếng võng đưa kẽo kẹt đã lâu mà đứa bé vẫn còn khóc.
Đột nhiên thiếu phụ nhìn lên trên tường thấy hai con thạch sùng đang cắn nhau chí chóe. Thiếu phụ cho rằng vì hai con thạch sùng này cắn nhau làm thằng bé không ngủ được.
Thiếu phụ kiếm một cây gậy đánh đuổi hai con thạch sùng đi rồi nói với chồng:
– Mình ạ hai con thạch sùng cắn nhau- Em vừa phải đánh đuổi chúng nó đi. Có lẽ là một điềm xấu đấy mình ạ.
Người chồng vẻ mặt nhăn nhó trả lời : Đúng đấy mình ạ, mình phải mua hương hoa và trái cây về cúng để giải bớt các tai nạn.
Thiếu phụ gật đầu tán thành: Mình nói phải đó. Mình đưa võng cho con để tôi ra chợ mua đồ lễ về cúng.
Trong lúc đó đứa con gái của thiếu phụ đang đứng chơi với đứa con trai cùng lứa tuổi con của người hàng xóm. Bọn chúng thấy thiếu phụ phàn nàn là điềm xấu cũng sán lại coi- thiếu phụ bảo hai đứa trẻ hãy ra chỗ khác chơi.
Hai đứa trẻ ngây thơ dắt tay nhau ra đường chơi vừa đi vừa bàn tán về những điều chúng vừa nghe thấy.
Đứa bé gái nói: Má tao bảo hai con thạch sùng cắn nhau là điềm xấu chẳng biết có đúng không?
Đứa con trai trả lời: Tao cũng chẳng biết nhưng thây kệ, miễn là các bà cúng vái mình mới có trái cây ăn chứ.
Hai đứa vừa đi vừa nói chuyện và đi gần đến chỗ có một con thằn lằn đang ngủ.
Đứa con gái lấy tay chỉ con thằn lằn nói với đứa con trai: Kìa mày trông con thằn lằn nằm ngủ ngon lành cạnh con mèo của tao.
Đứa con trai đảo mắt nhìn trả lời: Ừ nhỉ. Cả con chó của tao. Nó cũng nằm cách con mèo của mày cũng chẳng bao xa.
Đứa con gái tinh nghịch đề nghị: Chúng ta hãy đuổi con thằn lằn đi. Má tao vừa nói thạch sùng là điềm xấu. Chắc con thằn lằn này cũng chẳng tốt gì đâu.
Đứa con trai vội vã giơ tay ngăn lại nói: Thôi kệ nó mắc mớ gì đến mình đâu mà đuổi nó. Thôi chúng mình ra kia hái hoa đi.
Hai đứa kéo nhau đi. Con thằn lằn đột nhiên tỉnh dậy. Đôi nắt nó gián chặt vào một giọt mật ong đang óng ánh dưới ánh mặt trời.
Không để lỡ cơ hội tốt con thằn lằn phóng mạnh ra đớp giọt mật ong nuốt ngon lành.
Tiếng chạy sột soạt của con thằn lằn làm con mèo tỉnh giấc. Có lẽ còn ngái ngủ và tức mình với kẻ đã phá giấc ngủ của mình. Con mèo nhẩy tới vồ con thằn lằn bằng những miếng nhọn thật sắc. Con thằn lằn cũng không vừa, nó nhấc cao cổ cong mình phun phì phì vào con mèo, làm cho con mèo phải thận trọng không dám xông xáo như lúc ban đầu.
Cuộc chiến đấu giữa con mèo và thằn lằn làm con chó tỉnh giấc. Nó đứng dậy gầm gừ và định nhảy tới cắn con mèo.
Đứa con gái thấy vậy vội vàng chạy đi tìm cây gậy đập con chó mấy cái miệng la bai bải: À mày dám cắn con mèo của tao hả. Tao đánh mày chết bây giờ.
Đứa con trai thấy đứa con gái đánh chó nhà mình cũng nổi dậy tát đứa con gái mấy cái rồi nói. Á mày dám đánh con chó của tao hả – Mày nên nhớ đánh chó phải ngó chủ nhà chứ.
Đứa con gái bị đánh òa lên khóc. Thiếu phụ thấy đứa con khóc vội vã chạy lại tát đứa con trai mấy cái, miệng la lớn: Mày dám đánh con gái bà à. Đồ mất dạy.
Đến lượt đứa con trai kêu khóc inh ỏi. Má nó thấy con khóc cũng chạy ra chửi: Con ác phụ sao mày dám đánh con tao. Mày có giỏi thì ra đây đánh tay đôi với bà nào.
Thiếu phụ kia cũng không vừa chửi lại: À mày dám chửi bà_Bà sẽ cho mày biết tay.
Thế là cuộc hỗn chiến bắt đầu. Lúc đầu chỉ có hai người đàn bà đánh nhau, sau đến các ông chồng ra bênh vợ cũng nhảy vào. Sau cùng kéo thêm các họ hàng nội ngoại của mỗi phe xông vào đánh nhau loạn xạ.
Cuộc chiến giữa hai phe diễn ra thật ác liệt. Họ dùng đủ thứ làm vũ khí được nào gậy gộc, gạch đá đánh nhau như quân thù.
Đến tối cuộc chiến đấu còn ác liệt và rộng hơn. Một số họ hàng hai bên mới ở đồng về hoặc đi lưới cá trở về thấy bà con bị đánh kẻ u đầu, người bị xé quần áo tả tơi. Họ không còn suy nghĩ phải trái gì xông vào trận chiến để bênh vợ con và trả thù những sự thiệt hại mà vợ con họ vừa phải gánh chịu.
Đến sáng hôm sau cả làng đều lâm chiến. Họ đào các hầm hố, đặt các chướng ngại vật và tổ chức các cuộc phục kích lẫn nhau như kẻ thù ngoài mặt trận suốt hai mươi ngày đêm. Quang cảnh của làng lúc này thật là điêu tàn tiều tụy. Các đường làng trở nên lầy lội và bẩn thỉu vì hai bên đào hầm hố và đặt nhiều chướng ngại vật- nhà cửa bị xiêu vẹo và hôi hám bẩn thỉu vì không có người thu dọn. Ruộng vườn thì khỏi nói cỏ mọc đầy vì không có ai làm cỏ.
Tuy nhiên, cả hai bên đều không muốn ngưng chiến và vẫn chưa phân thắng bại. Trái lại mỗi bên còn cử người sang các làng bên cạnh để mượn các vũ khí mạnh mẽ hơn như: cung tên, thuốc độc cùng lương thực.
Chuyện đến tai nhà vua, vua liền cử một đội binh đến làng để dàn xếp cuộc chiến. Nhưng buồn thay, đáng lý ra nhân dịp này hai phe nên cùng nhau giảng hòa thì hai bên lại vì tự ái không chịu. Họ tức tối vì nhà vua không chịu phân xử xem ai là kẻ có lỗi mà cứ nhất mực bắt họ phải ngưng chiến. Thế là hai phe tạm thời đoàn kết với nhau chiến đấu chống lại sự can thiệp của nhà vua. Cuộc chiến trở nên ác liệt hơn. Ngôi làng bị tàn phá nặng nề và nhiều người chết. Những người còn sống sót phải chạy trốn vào rừng. Khi quân đội nhà vua rút đi, họ mới trở về làng.
Họ gặp nhau trong sự ngượng ngùng và hổ thẹn. Họ gặp nhau trên nền một ngôi nhà bị cháy để bàn tính việc hàn gắn lại các sự đổ vỡ.
Một cụ già lắc đầu nói: Tại sao chúng ta có thể ngu xuẩn đến thế được nhỉ ?
Một cụ già khác lấy một chiếc đũa bẻ ra làm hai nói: Sự việc này sẽ không bao giờ còn xảy ra nữa. Thật là xấu hổ? Không biết cái gì đã làm mờ ám lương tâm của chúng ta trong những ngày vừa qua.
Một vị sư già chậm rãi nói: Đây chính là một kinh nghiệm và là một bài học đắt giá cho chúng ta. Chúng ta đã mang trong người nghiệp chướng tham sân si- Kể từ nay chúng ta hãy ráng coi nhau như anh em và tập sống bình thản và hòa bình. Mọi người chắp tay cúi đầu chào lẫn nhau.
Từ đó về sau mỗi lần trong làng có trẻ em tranh chấp nhau họ lại kể cho chúng câu chuyện con thằn lằn, con mèo, con chó và hai đứa trẻ để dạy cho chúng một bài học về hòa bình. Nhờ vậy mà ngày nay dân tộc Thái được coi là dân tộc hòa bình và tốt nhịn hơn các dân tộc khác.
Ngô Văn Doanh – Quế Lai (1990), Truyện cổ Thái Lan, NXB Trẻ, TP.HCM.
Nhuận Đoan đánh máy