Hiện nay trên thế giới, các nước đang tích cực thúc đẩy công cuộc hiện đại hoá như: hiện đại hoá về quân sự, kinh tế, giáo dục, v.v…
Toàn thế giới đều coi trọng việc hiện đại hoá, riêng Phật giáo thì chú trọng đến phần giảng giải và nghiên cứu về tâm linh. Trên con đường hoằng truyền Phật pháp, đương nhiên cũng cần đến việc phải hiện đại hoá Phật giáo, mới có thể phù hợp với nhu cầu của mọi người. Cho nên Phật giáo cần phải hiện đại hoá bốn hạng mục sau đây.
Thứ nhất: Hiện đại hoá ngôn ngữ Phật pháp.
Thời kỳ của đức Phật tại thế, nước Ấn độ có hơn 220 loại ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ thông dụng là có 13 loại, đức Phật cũng ứng dụng nhiều loại ngôn ngữ để truyền đạt giáo pháp, cái gọi là “ Phật dùng một loại âm thanh để nói pháp, chúng sanh tuỳ theo chủng loại mà được hiểu có sai khác”. Vì vậy việc vận dụng ngôn ngữ để truyền tải đạo Phật là một phương pháp. Cho nên khi hoằng truyền Phật pháp, nếu như chúng ta biết lợi dụng các loại ngôn ngữ để làm cầu nối đến với nhau, chúng ta cần phải chú trọng thêm về tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức v.v… Sử dụng thông thạo, và nhất định phải đem Phật pháp phổ biến cho nhiều người được lợi ích.
Thứ hai: Hiện đại hoá khoa học kỹ thuật trong Phật giáo.
Phật giáo vô cùng xem trọng khoa học kỹ thuật, cũng giống như ngày xưa khi đức Phật nói pháp, sau đó Ngài thường đưa ra các ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề hơn. Thậm chí Ngài còn hiển thị các loại phương tiện thần thông để hoá độ chúng sanh. Đó chính là một cách hoằng pháp có khoa học và kỹ thuật. Ngày nay Phật giáo cần hiện đại hoá các thiết bị truyền thông, cũng phải kết hợp sự phát triển của khoa học trong xã hội. Ví dụ: sử dụng máy chiếu, truyền hình ti vi, máy vi tính, mạng internet và thậm chí phải biết dùng phương pháp dạy học từ xa v.v… Những thứ trên đây có thể dùng để hỗ trợ trong việc hoằng pháp, làm cho Phật pháp càng truyền bá càng đem lại lợi ích.
Thứ ba: Hiện đại hoá cuộc sống tu hành.
Phật giáo xem trọng việc tu hành, bởi vì tu hành mới làm cho thân tâm đoan chánh, giải thoát phiền não. Nhưng việc tu hành không phải chỉ trên kinh điển và lời nói thôi, mà phải được thực hiện trên cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn: bề ngoài chúng ta phải thể hiện, phải có oai nghi tế hạnh, phải đi như gió, ngồi như chuông, nằm như cung, đứng như tùng. Nói đến trong tâm, phải giữ giới thanh tịnh, định tâm vững vàng, trí tuệ, từ bi phải đầy đủ. Phải đem tất cả áp dụng trong cuộc sống. Cũng phải cần thực hành: phước huệ song tu, hạnh giải tương ưng, tri hành hợp nhất. Đối với gia đình, xã hội phải biết phục vụ và phụng hiến, phải chịu trách nhiệm với hành động của mình, phù hợp với lý tưởng và phép tắc, mới có thể đạt được nhiều công dụng.
Thứ tư: Hiện đại hoá Tự Viện là một ngôi Trường học.
Hiện đại toàn bộ kiến trúc chùa chiền, chúng ta không những chỉ xây một toà chánh điện, tượng Phật mà cũng phải bắt đầu chú trọng xây dựng giảng đường, phòng học, phòng thư viện. Tự viện không chỉ giữ gìn truyền thống hình thức tu hành và nội dung hành trì. Mà cũng cần phải xây dựng trường học để phát huy công năng của việc giáo dục. Trong đó, vị Trụ trì tức là hiệu trưởng, phải thỉnh các vị giảng sư đến để giảng dạy, nâng cao kiến thức cho đại chúng, phát huy công năng của các môn như: giáo dục, văn hoá, nghệ thuật v.v… Vì thế, tự viện hoá trường học nhất định sẽ tăng thêm nhiều sự cống hiến trong Phật giáo đối với giáo dục của xã hội, việc tu hành và nhận thức của tín đồ Phật tử cũng sẽ được nâng cao.
Hiện đại hoá là xu thế chung của toàn nhân loại, vì vậy Phật giáo cũng phải hội nhập để các tầng lớp con người dễ dàng tiếp cận, đem Phật pháp cải hoá con người, gia đình và xã hội. Trên đây là bốn điểm mà chúng ta cần phải hiện đại hoá, để làm cho giáo pháp của Như lai càng được phổ biến hơn.
Người dịch: Thích Chiếu Túc.