Có nhiều hình ảnh người mẹ trong Kinh Phật. Để dâng cúng tất cả những người mẹ trên đời, sau đây xin dịch một số kinh, hoặc dịch trích đoạn, hoặc dịch toàn văn, dựa vào các bản tiếng Anh trên Access to Insight (http://www.accesstoinsight.org/), nơi có thể tìm các kinh sau, theo ký số hoặc theo nhan đề kinh.

—–

Kinh SN 15.14 “Mata Sutta: Mother” – bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu. Toàn văn như sau.

Tại thành Savatthi. Đức Phật nói: “Này các tỳ kheo. Từ thời rất xưa không thể biết được, đã có sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che lấp, bị tham ái ràng buộc. Không dễ tìm được một chúng sinh nào chưa từng một lần trong quá khứ là mẹ của ngươi… Không dễ tìm được một chúng sinhnào chưa từng một lần trong quá khứ là ba của ngươi, là anh của ngươi, là chị/em gái của ngươi, là con trai/con gái của ngươi.

“Tại sao như thế? Này các tỳ kheo. Từ thời rất xưa không thể biết được, đã có sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che lấp, bị tham ái ràng buộc. Từ rất lâu rồi, các ngươi đã trải qua căng thẳng, đã đau đớn, đã mất mát, đã làm đầy tràn các nghĩa trang – đã đủ để nhàm chán mọi thứ hư ảo, đã đủ để dập tắt lòng say mê, đã đủ để được giải thoát.”

Hình Ảnh Người Mẹ Trong Kinh

—–

Kinh AN 2.31-32 “Kataññu Suttas: Gratitude” – bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu. Trích dịch như sau.

“Này các tỳ kheo. Có hai người mà các ngươi không dễ đền ơn. Hai người nào? Mẹ và ba của ngươi. Ngay cả nếu ngươi mang mẹ một bên vai, và mang ba ở vai bên kia trong 100 năm, và chăm sóc ba mẹ bằng cách xoa dầu, xoa bóp, tắm và bóp tay chân, và ngay cả nếu họ tiêu và tiểu [ngay trên vai ngươi], như thế cũng chưa đủ đền ơn ba mẹ ngươi. Nếu ngươi lập được cho ba mẹ ngươi ngự trị tuyệt đối trên vương quốc đại địa này, với tràn ngập bảy báu, ngươi cũng chưa đủ đền ơn ba mẹ ngươi. Tai sao thế? Mẹ và ba đã làm quá nhiều cho con. Ba mẹ chăm sóc con, nuôi dưỡng con, đưa con vào thế giới này.

Nhưng bất kỳ ai, khi thấy ba mẹ thiếu tín tâm mà đưa được ba mẹ vào chánh tín; khi thấy ba mẹ thiếu đạo đức mà đưa được ba mẹ giữ gìn giới hạnh; khi thấy ba mẹ keo kiệt mà đưa được ba mẹ về sống với hạnh bố thí; khi thấy ba mẹ còn si mê mà đưa được ba mẹ về sống với trí tuệ: Làm như thế mới gọi là đền ơnđược ba mẹ.”

—–

Kinh SN 15.3 “Assu Sutta: Tears” — bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu. Trích dịch như sau.

“Từ rất lâu xa, ngươi đã vô lượng kiếp liên tục khóc cái chết của một bà mẹ. Nước mắt ngươi khóc mẹ trong khi lưu chuyển luân hồi từ rất lâu xa – than khóc, đau khổ, và mất mát hạnh phúc – đã nhiều hơn nước trong bốn đại dương.

“Từ rất lâu xa, ngươi đã vô lượng kiếp liên tục khóc cái chết của một người cha… cái chết của một người anh… cái chết của một chị/em gái… cái chết của một người con trai… cái chết của một người con gái… mất mát người thân… mất mát tài sản… mất mát vì bệnh hoạn. Nước mắt ngươi đã khóc vì những mất mát này trong khi lưu chuyển luân hồi từ rất lâu, lâu xa — than khóc, đau khổ, và mất mát hạnh phúc – đã nhiều hơn nước trong bốn đại dương.

“Tại sao như thế? Này các tỳ kheo. Từ thời rất xưa không thể biết được, đã có sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che lấp, bị tham ái ràng buộc. Từ rất lâu rồi, các ngươi đã trải qua căng thẳng, đã đau đớn, đã mất mát, đã làm đầy tràn các nghĩa trang – đã đủ để nhàm chán mọi thứ hư ảo, đã đủ để dập tắt lòng say mê, đã đủ để được giải thoát.”

—–

Kinh AN 3.62 “Bhaya Sutta: Dangers” — bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu. Trích dịch như sau.

“Có ba trường hợp nguy hiểm chân thực làm chia cách mẹ và con. Ba trường hợp nào? Nguy hiểm của tuổi già, nguy hiểm của bệnh hoạn, nguy hiểm của chết chóc.

“Một bà mẹ không có thể thành tựu được ước nguyện để ngăn cản con mình già lão, ‘Tôi đang già lão, nhưng nguyện xin cho con tôi đừng già.’ Một đứa con không có thể thành tựu được ước nguyện để ngăn cản mẹ mình già lão, ‘Tôi đang già lão, nhưng nguyện xin cho mẹ tôi đừng già.’

“Một bà mẹ không có thể thành tựu được ước nguyện để ngăn cản con mình bệnh hoạn, ‘Tôi đang bệnh, nhưng nguyện xin cho con tôi đừng bệnh.’ Một đứa con không có thể thành tựu được ước nguyện để ngăn cản mẹ mình đừng bệnh, ‘Tôi đang bệnh, nhưng nguyện xin cho mẹ tôi đừng bệnh.’

“Một bà mẹ không có thể thành tựu được ước nguyện khi con mình hấp hối, ‘Tôi đang hấp hối, nhưng nguyện xin cho con tôi đừng chết.’ Một đứa con không có thể thành tựu được ước nguyện khi mẹ mình hấp hối, ‘Tôi đang hấp hối, nhưng nguyện xin cho mẹ tôi đừng chết.’

“Đó là ba trường hợp nguy hiểm chân thực chia cách mẹ và con.

“Có một con đường, có một pháp tu tập, sẽ dẫn tới rời bỏ và vượt qua ba nguy hiểm […] chia cách mẹ và con.

“Con đường nào, pháp tu tập nào? Đó là con đường Bát Chánh Đạo, tức là, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

“Đây là con đường, đây là pháp tu tập, sẽ dẫn tới rời bỏ và vượt qua ba nguy hiểm […] chia cách mẹ và con.”

—–

Kinh Sn 1.8 “Karaniya Metta Sutta: The Discourse on Loving-kindness” — bản Anh dịch của Piyadassi Thera. Nên ghi nhận về bài kinh này: Đức Phật dạy rằng hãy giữ tâm từ bi như một bà mẹ, yêu thương tất cả chúng sanh, mọi người và mọi loài, ở mọi hướng và ở mọi cảnh giới, như yêu thương đứa con duy nhấtcủa mẹ. Toàn văn như sau.

Kinh Từ Bi

1. Người tu khéo léo tìm sự an lạc cho mình, ước nguyện thành tựu cảnh giới Vắng Lặng (Niết Bàn) nên phải như sau: thiện xảo, chánh trực, rất mực chánh trực, kham nhẫn, dịu dàng và khiêm tốn.

2. Hài lòng, biết đủ, dễ được hộ trì, ít gánh nặng trách nhiệm, sống đơn giản, phòng hộ các căn, cẩn trọng, tinh tế, không quyến luyến đời sống gia đình.

3. Chớ nên phạm một lỗi nào, dù lỗi rất nhỏ, mà bậc trí giả có thể trách. Người tu hãy suy nghĩ: Nguyện cho tất cả chúng sanh hạnh phúc và an lành. Nguyện cho tất cả chúng sanh đều có tâm an vui.

4. & 5. Bất cứ những chúng sanh nào có thể hiện hữu – dù yếu hay khỏe (hay, người tìm kiếm và người đã thành tựu); dù cao hay mập, dù tầm thước trung bình, hay lùn, nhỏ, lớn; dù loài chúng sanh được nhìn thấy hay không được nhìn thấy; dù loài chúng sanh ở gần hay xa; dù những chúng sanh đã ra đời hay chúng sanh chưa sanh ra đời — nguyện cho tất cả chúng sanh đều có tâm an vui.

6. Người tu chớ lừa gạt ai, chớ hạ nhục bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào. Trong cơn giận hay lúc oán hờn, người tu cũng chớ ước muốn điều bất hạnh cho người khác.

7. Cũng như một người mẹ dùng cả sinh mạng của mẹ để bảo vệ đứa con duy nhất, người tu hãy vun trồng tình yêu thương vô cùng tận đối với tất cả chúng sanh.

8. Người tu hãy hướng tâm yêu thương vô biên đối với toàn bộ thế giới — cõi trên cao, cõi phía dưới, và khắp các phương hướng — không để tâm ngăn ngại, không chút hờn giận, không chút căm thù.

9. Bất cứ khi nào đang thức, dù là đi đứng nằm ngồi, người tu hãy thiết lập các tâm niệm [từ bi] này. Đây là Sống Đời Thánh Hạnh.

10. Không rơi vào các kiến chấp sai lầm — sống đời giới hạnh và trí tuệ, xa lìa ái dục — người tu chắc chắnsẽ không bao giờ tái sinh trở lại vào bào thai.

—–

Bài Kinh Từ Bi trên cũng cho thấy có thể tiếp cận pháp tu truyền thống là Giới, Định, Huệ bằng tâm từ bi vô lượng. Khởi đầu với câu 1 và 2 là phải giữ giới hạnh, nhưng khởi tâm tu là biết tự yêu thương mình. Từ câu 3 tới câu 10 là tu cả định và huệ trong tâm từ bi vô lượng. Câu 10 là nhấn mạnh tu huệ, vì chỉ có trí tuệmới xa lìa được kiến chấp sai lầm. Điểm đặc biệt nữa, khác với nhiều pháp phổ biến, toàn bộ Kinh Từ Bikhông nhấn mạnh vào “niệm bây giờ và ở đây,” cũng không nhấn mạnh “niệm thân, thọ, tâm, pháp” — mà chỉ duy thiết lập niệm Tâm Từ Bi hướng về tất cả chúng sanh trong mọi thời. Và sẽ tới cảnh giới vô sinhcủa Niết Bàn, và là giải thoát.

(Nguyên Giác)