V. Tu Tịnh Độ

1. Tịnh Độ Hiện Tiền – Hơi Thở Tinh Khôi

Tịnh Độ Hiện Tiền

    Tu Tịnh Độ là phương pháp tu tập rất dễ phù hợp với tất cả mọi loại người theo đó hành giả chuyên tâm niệm Phật cho đến khi đạt được định và trí tuệ phát triển. Nhiều người chọn tu Tịnh Độ vì nhận thấy có thể tiếp xúc với Tịnh Độ trong giây phút hiện tại ngay từ khi mở miệng hoặc bắt đầu chú tâm niệm Phật. Luôn trì niệm danh hiệu Phật bằng cách áp dụng việc niệm vào mọi lúc mọi nơi, giống như thiền công việc thì chánh niệm vào công việc. Nhưng không nhất thiết chỉ niệm duy nhất đức Phật A Di Đà mà còn có thể niệm bất kỳ vị Phật nào hay vị Bồ Tát nào mà mình cảm thấy thích hợp. Khi có đức tin mạnh mẽ, phát nguyện rộng lớn và thực hành miên mật, chắc chắn hành giả tiếp xúc được với năng lượng của chư Phật ngay bên trong cơ thể và xung quanh, chính năng lượng này làm cho hạnh phúc ngập tràn đầy dẫy nơi cơ thể và hư không. Tịnh Độ lập tức có mặt từng giây từng phút trong từng tế bào của hiện tại. Có người nói Tịnh Độ chỉ có ở Tây Phương Cực Lạc, cũng đúng đấy nhưng chưa đủ, Tịnh Độ ở khắp mọi nơi, ở Tây phương, Nam phương, Bắc phương, Đông phương và nhất là ngay tại đây, vào lúc này cũng có Tịnh Độ. Tịnh Độ không có để dành sau này mới hưởng mà hành giả hưởng thụ ngay hương vị nồng nàn của Tịnh Độ  khi vừa khởi tâm niệm Phật. Đâu phải chỉ có đức Phật A Di Đà mới có công năng tiếp dẫn người lâm chung về Tây phương mà bất cứ đức Phật nào cũng có công năng như vậy. Tuy nhiên bản thân là một vị Phật sẽ thành, cho nên hành giả tự thân tiếp dẫn mình là điều không thể bàn cãi. Giống như trường hợp cầu siêu, khi còn sống con người biết lo tu tập thì thế nào cũng được vãng sanh, đâu cần phải nhờ đến cầu siêu nữa, tức là tự mình độ lấy mình. Niệm Phật nhưng không phải niệm như cái máy, nếu vậy mua đĩa audio CD về mở máy mà nghe khỏi cần niệm. Niệm phải biết mình đang niệm và khi niệm tiếp xúc được hạnh tu tập của vị Phật được niệm, đồng thời phát nguyện hành trì theo hạnh đó. Cái này gọi là niệm Phật trong chánh niệm hay thiền niệm Phật. Niệm Phật là bài thực tập thiền cực kỳ vi diệu. Bản thân người niệm có thể trở thành chính vị Phật mình đang niệm, hạnh phúc lan tỏa và tiếp xúc với Tịnh Độ trong cõi Ta Bà này. Nếu ở đây không tiếp xúc được với Tịnh Độ, sức mấy tìm thấy Tịnh Độ ở một cõi nào khác.

Người tu Phật muốn tu pháp môn nào cũng được vì cho dù đi theo phương tiện nào cũng đều là con Phật, là huynh đệ của nhau. Hành giả có nhiều kinh nghiệm thực tập chia sẻ với người đến sau hay người chưa có nhiều kinh nghiệm. Giúp nhau tiến tu là hành động đẹp của người biết tu và điều quan trọng là biết lắng nghe để có thể thực tập pháp môn mình lựa chọn một cách đúng đắn. Pháp môn niệm Phật rất hay không thua kém gì các pháp môn khác, nhưng nếu như kết hợp niệm Phật với các pháp môn khác thì còn gì bằng. Việc này không hề rơi vào tình trạng nửa nạc nửa mở hay hầm bà lằng như một số người từng nói. Năng lượng tu tập của hành giả nhiều khi mạnh mẽ hơn nếu biết kết hợp một cách khôn ngoan những cái hay của các pháp môn.

Tịnh Độ Hiện Tiền

Tịnh Độ nằm ở nơi tâm, không nằm ở đâu xa lắc xa lơ, nhưng nếu chỗ xa lắc xa lơ kia thực sự thanh tịnh thì nơi đó cũng là Tịnh Độ. Khi niệm Phật đến tâm thanh tịnh và bình an, Tịnh Độ hiện tiền. Trong đời sống hàng ngày, cõi Tịnh Độ thực sự đang có mặt nhưng ta chẳng thèm tiếp nhận và chỉ thích tìm kiếm những điều ở tận đâu đâu. Nếu ở cõi Tây phương có Tịnh Độ thì ở đây cũng có vậy. Hành giả tu tập đàng hoàng thì sẽ sống Tịnh Độ trong kiếp hiện tại này, khỏi phải sanh về đâu chi cho mắc công. Môi trường tu tập do ta dựng lên, cho nên Tịnh Độ cũng do ta dựng lên. Muốn dựng địa ngục ta sẽ có địa ngục và muốn dựng Tịnh Độ ta sẽ có Tịnh Độ. Tất cả các cõi đều hiện diện tại chỗ này, cõi người, cõi địa ngục, cõi súc sinh, cõi trời, cõi chư thiên… đều có mặt tại chỗ này. Cho dù ta đến một hành tinh khác các cõi đó đều hiện tiền chỗ đó, chỉ tại ta tu tập kém cõi, trí tuệ nhỏ bé, cho nên cứ đòi bay đến cõi nào đó xa lắc xa lơ. Ngay cả Niết Bàn cũng hiện tiền tại đây, chỉ vì ta mơ tưởng quá mức nên nghĩ Niết Bàn đang ở trên mây. Tịnh Độ cũng như thế, Tịnh Độ không chỉ trong thiền đường, nếu hành giả chịu khó thực tập, ở nhà bếp cũng tìm thấy Tịnh Độ. Nếu cho rằng niệm Phật để sinh về cõi Tây phương để hưởng an lạc thì còn kẹt vào tướng nhiều quá. Những lâu đài tráng lệ, vàng  bạc châu báu chất đầy hay đủ thứ ngọc lưu ly trên cõi Tịnh Độ chỉ là những hình ảnh ẩn dụ để nói về một môi trường thanh tịnh và an lạc. Người thế gian có tu ở trong ngôi nhà tranh cũng giống như tòa lâu đài, sử dụng chén bể giống như vàng bạc châu báu và nghe chim hót giống như chim nói pháp vậy. Người tu nhìn mọi thứ đều đẹp đẽ và tráng lệ, cho nên đây là Tịnh Độ rồi, đâu cần phải tìm kiếm đâu nữa.

Tịnh Độ mang yếu tố của an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc và dễ chịu. Nếu hành giả thực sự sống đúng như vậy, tức là đã sống trong Tịnh Độ. Mỗi giây phút sống đều đi vào Tịnh Độ đi vào Niết Bàn hết, nên không thể đạt được cái gì ngoài chúng. Nếu niệm Phật mà không có hạnh phúc, an lạc, thảnh thơi, dễ chịu thì niệm Phật làm gì. Đã niệm Phật thì phải có các yếu tố này, chúng nuôi dưỡng ta sống một cách dư dả trong Tịnh Độ. Một mình đức Phật A Di Đà làm sao có thể chăm lo cho biết bao nhiêu chúng sinh sanh về cõi Tây phương. Lúc này chắc chắn đức Phật sẽ rất bận rộn, chạy đôn chạy đáo tiếp dẫn người này tế độ người kia, như vậy đâu còn Tịnh Độ chi nữa. Bản thân hành giả tu tập tạo ra thế Tịnh Độ cho mình, các chư Phật là những người gia hộ để mình có đủ duyên thiết lập Tịnh Độ. Vậy thì điều cần làm là lo tu, sửa đổi tâm tánh để có thể hòa nhịp với cõi Tây phương, mang cõi này về ở chung với ta và biến ta thành một nơi Tịnh Độ đích thực.

Ta Là Phật Đã Thành, Chúng Sinh Là Phật Sẽ Thành

Đức Phật vốn là một người bình thường như bao con người khác. Người vẫn đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, đi vệ sinh… nhưng Phật là người đã hoàn toàn giác ngộ hay tỉnh thức, còn chúng sinh vẫn còn đang phập phồng giữa giác và mê, nhưng khi chúng sinh thực tập và giác ngộ, chúng sinh sẽ thành Phật. Phật không có quyền năng ban bố, thưởng phạt chúng sinh mà Phật chỉ là Phật, người đã thành tựu đạo quả do tự mình tu tập, tự mình chứng ngộ. Chúng sinh cũng vậy, nếu biết buông bỏ những đòi hỏi của bản thân quay về bản chất thanh tịnh của chính mình, chúng sinh sẽ thành tựu giống như vậy. Trong vũ trụ có hằng hà sa số đức Phật và vị Phật nào cũng chỉ dạy duy nhất một cách là hành trì thoát khổ, tìm hạnh phúc chân thật trong hiện tại. Đức Phật Thích Ca từ một con người đầy uy quyền, giàu sang, phú quý và dục lạc nhưng thật dũng cảm khi từ bỏ mọi thứ lạc thú phi thời để sống đời khất sĩ tìm đường giải thoát. Chỉ có chính con người mới tự giải thoát lấy mình, không có chuyện tu dùm hay tu thuê. Đức Phật là người tìm ra con đường đó và truyền dạy cho các thế hệ nối tiếp. Tuy vậy, học mà không hành sẽ rất uổng phí kiếp làm người, biết bao điều kiện hạnh phúc sẽ trôi qua, thời gian đi nhanh như vũ bão, tu tập nhiều bao nhiêu cũng chưa bao giờ là đủ. Ngay khi thành đạo, đức Phật đã sống trong Niết Bàn, cho nên dù có trả nghiệp cho những tiền kiếp xa xưa đối với Người vẫn an nhiên tự tại.

Điều này cho thấy Niết Bàn là đây và khi chúng sinh tu tập, Niết Bàn sẽ chào đón họ ngay trong phút giây làm người. Cũng vậy, mục đích của người tu Tịnh Độ không nằm ngoài việc xây dựng Tịnh Độ trong hiện tại. Nếu nói đến thực tại cùng tột thì cũng có thể nói đến Tịnh Độ cùng tột. Niệm Phật đến mức nhất tâm có thể đem Tịnh Độ cùng tột kia phô bày nơi tâm. Thứ Tịnh Độ này không thể sờ mó rờ chạm đụng hay cảm nhận, nhưng nó đang ngự trị nơi tâm vào lúc tâm hoàn toàn an tịnh. Vạn pháp đều có Phật tánh cho nên niệm Phật hay niệm vạn pháp cũng vậy thôi, điều quan trọng là an trú được trong đối tượng niệm, thấy và biết được điều đang niệm. Dù Niết Bàn hay Tịnh Độ con người vẫn luôn tỉnh giác để không làm thay đổi bản chất vốn có của nó. Chính sự an tịnh của Tịnh Độ mà hành giả sống trong túp lều tranh như trong tòa lâu đài gắn đầy kim cương mã não, và nếu thực sự sống trong tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, hạnh phúc vẫn bình thản như trong ngôi nhà tranh. Đơn giản vì Phật là chúng sinh và chúng sinh là Phật, cho nên dù nhà tranh hay tòa lâu đài đều như nhau đâu có gì khác. Nói Tịnh Độ ở cõi Tây phương hay ở cõi Ta Bà đều đồng một thể không hề sai biệt. Nói Tịnh Độ ở Tây phương thì Địa Cầu này vẫn có Tịnh Độ như thường.

2. Sống An Lạc Ngay Trên Địa Cầu Này – Hơi Thở Tinh Khôi

Sống An Lạc Ngay Trên Địa Cầu Này

Bản Thân Là Một Vị Bồ Tát

Năng lượng của một vị Bồ Tát, dù là Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng hay Bồ Tát Phổ Hiền đều có mặt trong mình hay bất cứ người nào khi bản thân biết tu tập và nhất là hành trì theo hạnh của Bồ Tát. Bồ Tát Quan Thế Âm luôn thực tập hạnh lắng nghe, nếu mình thực tập hạnh này, mình là Bồ Tát Quan Thế Âm. Bồ Tát Địa Tạng thực tập hạnh đập tan địa ngục cứu khổ chúng sinh, nếu mình thực tập hạnh này mình là Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Phổ Hiền thực tập hạnh cúng dường với mong mỏi các đức Phật mãi mãi ở lại đời giáo hóa chúng sinh, nếu mình thực tập hạnh này mình là Bồ Tát Phổ Hiền. Thực tập hạnh của hằng hà sa số Bồ Tát, năng lượng của tất cả các Bồ Tát đều có mặt trong mình, không phải do họ mang đến mà do tự thân của mình phát khởi. Tự tánh của mình chứa đựng đầy đủ và vẹn toàn tất cả vô lượng tự tánh của chư Phật và chư Bồ Tát nhiều như số cát sông Hằng hay bụi trong Tam Thiên Đại Thiên. Chỉ cần thực tập, mình sẽ là Phật hay Bồ Tát, làm nương nhờ cho không biết bao nhiêu chúng sinh. Vì vậy khi mình tu không chỉ tu cho mình mà tu cho chúng sinh, cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, đất nước, xã hội, các cõi mười phương, và dĩ nhiên tu cho Phật và Bồ Tát nữa.

Bồ Tát lúc nào cũng hiện tiền trong mình và chỉ bằng hành động niệm Bồ Tát là Bồ Tát có mặt ngay lập tức. Đến lúc này ta niệm chính mình. Ông Trần Văn A thay vì niệm Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm, có thể niệm Nam Mô Trần Văn A và người khác có thể niệm như vậy vì bản thân ông A đang tu tập hạnh Bồ Tát và ông ấy trở thành Bồ Tát không sai khác. Bồ Tát là đối tượng mình đang niệm và dĩ nhiên niệm cái gì sẽ trở thành cái đó. Niệm đau khổ sẽ trở thành đau khổ, niệm hạnh phúc sẽ trở thành hạnh phúc, niệm Bồ Tát sẽ trở thành Bồ Tát. Mình trở thành cái mình niệm. Niệm Bồ Tát là niệm Bồ Tát của mình chứ không phải niệm Bồ Tát của người, nhưng mình và người nào khác, vì tất cả đều chung một thể. Tất cả đều là Bồ Tát, hoặc là thuận duyên hay nghịch duyên. Bồ Tát thuận duyên giúp mình tiến tu nhanh chóng với nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng Bồ Tát nghịch duyên thử thách mình trong muôn vàn khó khăn, khi vượt qua được, mình tiến nhanh hơn nữa. Nếu tu tập để chứng minh với người này người kia thì tu chi cho mệt bởi vì tu để chứng minh cho mình, mình có hạnh phúc. Nếu mình không có hạnh phúc thì dù lời nói Bồ Tát, suy nghĩ Bồ Tát hay hành động Bồ Tát vẫn không thể hiện thực tánh Bồ Tát, chỉ là Bồ Tát trá hình. Hồng Hài Nhi vẫn có thể hóa thân thành Bồ Tát Quan Âm, nhưng đó chỉ là hình tướng, kẹt vào hình tướng, con người sẽ lạy một con ma, và cho dù đó là một con ma nhưng tâm hành giả với hạnh Bồ Tát đang là thì con ma kia vẫn có thể là Bồ Tát. Có quá nhiều người ngày nay tu để lấy tiếng hay tu để kiếm sống và tu đã trở thành một cái nghề, trong đó có nghề tu sĩ, nghề làm Bồ Tát.

Hiệu Lực Niệm Phật

Niệm Phật tạo thành một sức mạnh có năng lực nhận biết tình trạng vọng tâm và chuyển hóa nó thành an lạc. Chánh niệm trong niệm Phật giúp hành giả an trú trong tiếng niệm, nhờ vậy mà có định và tuệ. Niệm Phật không phải là nghi thức mà là sự thực tập, đem thân và tâm trở về với tiếng niệm. Năng lượng phát sinh rất mạnh mẽ trong cơ thể có khi làm hành giả ngáp chảy nước mắt và chỉ muốn chuyên tâm niệm Phật thôi. Tâm con người chất chứa đủ thứ phiền não và chẳng bao giờ chịu buông bỏ, niệm Phật để xoa dịu phiền não đó, đồng thời đem đến những chất liệu của bình an. Niệm bằng tiếng gì cũng được, miễn là hiểu và biết mình đang niệm cái gì. Bên đạo Thiên Chúa, người ta thường xuyên niệm Chúa để Chúa có thể hiện tiền. Nếu thấy có hạnh phúc thì cứ niệm, không sao cả. Hành giả lúc niệm nghĩ tới người mình thương hay người mình hồi hướng, năng lượng hạnh phúc được chuyển đến người đó, làm lợi lạc cho rất nhiều người.

Niệm Phật giống như việc giữ gìn bản thân trong môi trường lành và tu niệm là cách gạn đục lóng trong. Hành giả ngăn ngừa những tạp niệm có thể xâm nhập vào tâm, những kẻ thù đang rình rập hòng chiếm hữu tâm, nhưng nhờ tiếng niệm làm một tiếng chuông cảnh tỉnh không cho phép bất cứ đau khổ nào khởi lên. Nếu thực sự đang đau khổ, tiếng niệm làm nhiệm vụ ôm ấp và xoa dịu nó. Sự trợ duyên này làm tâm không bị tán loạn trong nỗi khổ niềm đau, làm điều kiện cho việc nhận diện các hạnh phúc khác hay thực tập tha thứ và chấp nhận. Nhập thất niệm Phật rất tốt, giống như đi vào đợt an cư của tu niệm. Tuy nhiên, không phải đợi đi vào thất mới niệm mà niệm mọi lúc mọi nơi, hạnh phúc cũng niệm và đau đớn cũng niệm. Có người mời người khác niệm chung với mình, có thể là con người hay hương linh. Mời các hương linh niệm Phật hay đi thiền hành chung giúp họ tu tập, sống an lành, hướng về chánh pháp và mau chóng giải thoát. Người tu niệm có hạnh từ bi, nhẫn nhục và dễ chịu. Vì tình thương không muốn vướng vào đường ác nên chọn đường thiện và nhắc nhở bản thân bằng cách tu niệm, đó là từ bi. Thường xuyên lên tiếng niệm dù hoàn cảnh ở trong không gian hay thời gian nào và xem đó là dây neo cởi bỏ những dính mắc để có thể bình thản với chính mình, đó là nhẫn nhục. Người niệm tỏa ra thứ năng lượng kỳ lạ, những ai tiếp xúc hay đi vào vùng năng lượng này đều thấy thoải mái và tâm hồn thư thái, đó là tính dễ chịu. Người như vậy là người về phe của đức Phật không về phe của bất cứ phiền não nào khác. Người dính vào phiền não tự xây địa ngục cho mình, người chuyên tâm tu niệm xây Tịnh Độ cho mình, vậy tại sao không chọn Tịnh Độ nhỉ? Tịnh Độ là một chiếc áo che thân bao bọc hành giả như thuốc kháng sinh tạo ra sự miễn nhiễm đối với mọi ái dục của cảnh trần. Chỉ cần niệm một tiếng thôi, hạnh phúc to lớn lắm rồi, huống chi là nhiều tiếng niệm hay niệm liên tục.

Sống An Lạc Ngay Trên Quả Địa Cầu Này

Ai cũng mong muốn sau khi chết sanh về Tịnh Độ, Thiên Quốc hay Niết Bàn để hưởng sự an lạc thanh bình, nhưng sống an lạc ngay trên quả Địa Cầu này vẫn hay hơn cả. Nếu đợi sanh về cõi gì đó lâu quá, ta hãy tạo ra cõi đó nơi sinh sống và làm việc. Trời Phật hay Thượng Đế làm gì có chuyện ban phước cho chúng sinh, nếu có thì tại sao là có người hạnh phúc còn người khác lại đau khổ. Hạnh phúc do ta tạo ra và hưởng lấy, chư Phật chỉ làm việc gia hộ để ta đủ điều kiện tốt thực tập. Niềm tin vào việc chư Phật ban phước để làm xoa dịu bớt khổ đau trong khi con người khổ đau quá chịu không nổi, đành phải nhờ tha lực để lấp liếm nó đi. Hạnh phúc và khổ đau đều do mình, không có ai tự nhiên mang đến và tự nhiên lấy đi. Bởi vì ta không chịu hiểu, không chịu biết, thậm chí có người đến chỉ cho ta nhưng vì cố chấp ta nhắm mắt bịt tai làm lơ với hạnh phúc. Con người thường hay định nghĩa hay đặt ra đủ thứ ý niệm về hạnh phúc, nhưng thực chất chẳng bao giờ có định nghĩa hay ý niệm gì cả. Hạnh phúc chân thật lớn đến nỗi có người đem đến cho một núi vàng cũng không thèm vì núi vàng kia là nguyên nhân chính giết chết hạnh phúc. Vật chất chưa bao giờ chứng minh sự an lạc của nó mà ngược lại nó gieo rắc không biết bao nhiêu bực bội và lo lắng. Nhiều người sống với vật chất đơn giản nhưng vẫn hạnh phúc như thường. Người sống ở thành thị chưa chắc hạnh phúc bằng người sống ở thôn quê.

Bản thân Địa Cầu có sự an lạc và nếu Địa Cầu rung rinh bởi vì tâm con người rung rinh. Bão tố, động đất, núi lửa hay sóng thần đều là biểu hiện của tâm địa con người. Con người làm thế nào, Địa Cầu phản ứng y chang như vậy. Muốn Địa Cầu thành nơi Tịnh Độ, trước hết con người hãy tạo cho mình tâm Tịnh Độ. Nếu sanh về cõi Tây phương mà tâm vẫn chưa thanh tịnh thì cõi gọi là cực lạc kia vẫn có thiên tai như thường. Cuộc đời thay đổi nên lòng người cũng đổi thay, nhưng chỉ có tâm an lạc vẫn giữ được bản chất của nó. Địa Cầu sẽ trở thành mặt trăng hay sao hỏa nếu như con người không thể xây dựng nó thành một nơi Tịnh Độ, để rồi chúng sinh ở nơi khác ngắm nhìn Địa Cầu như mặt trăng thì uổng phí cho Địa Cầu lắm. Những gì mình có ngày hôm nay đều phải bỏ đi, cho nên hãy sống trọn vẹn và trân quý ngày hôm nay để thừa hưởng những điều mình tha thiết. Điều tha thiết đây không phải là cái nhà bởi vì dù kiến trúc nhà đẹp cách mấy, sáng tạo cách mấy, chỉ cần một trận động đất cũng có thể tan tành, nếu thần tượng nó thì cũng sẽ sụp đổ theo thần tượng. Địa Cầu cống hiến cho con người khả năng sống an lạc nhiều hơn người ta tưởng, nhưng vì không biết điều đó, con người ra sức và thi đua cày xéo Địa Cầu để phục vụ cho cái gọi là lợi ích kinh tế. Và rồi Địa Cầu phải hoại diệt vì Địa Cầu cũng vô thường, cho nên khi Địa Cầu vẫn còn, hãy lo sống Tịnh Độ đi. Thử nhìn mặt trăng, mặt trăng chỉ có thể ngắm từ Địa Cầu chứ không thể sống ở đó được. Nhiều người cố du lịch lên mặt trăng cho vui nhưng khi lên đến đó rồi chắc là chẳng có gì để vui.

3. Tâm Phật Trong Tâm Ta – Hơi Thở Tinh Khôi

Tâm Phật Trong Tâm Ta

Hằng Hà Sa Số Thế Giới

Khoa học ngày nay đã xác nhận trong vũ trụ có hằng hà sa số thế giới, vậy thế giới nào gọi là thế giới cực lạc? Nếu như tất cả các thế giới đều cực lạc hết thì vãng sanh không còn là đề tài bàn cãi chi nữa. Trên trời biết bao nhiêu là ngôi sao đang chiếu sáng, chắc chắn không thể nào ngồi đếm để thống kê số lượng được vì toán học không đủ khả năng chế tạo chữ số. Nói chi cho xa xôi, đi ra biển Nha Trang ngồi đếm cát chắc là không thể nào đếm hết số cát đó. Có bao nhiêu hạt cát, có bấy nhiêu thế giới. Các thế giới có mặt chỉ vì thế giới khác có mặt và khỏi cần phải nghiên cứu chi cho tốn tiền, hành tinh có sự sống như trên Địa Cầu xanh này không phải là ít, nếu không muốn nói là hằng hà sa số. Đức Phật đã ra đời trên Địa Cầu và dĩ nhiên ở hành tinh nào đó có rất nhiều đức Phật đang thuyết pháp, và thứ pháp các vị ấy thuyết chẳng có gì khác với pháp mà đức Phật Thích Ca trao truyền. Tịnh Độ ở các thế giới có thể tuyệt vời và cường tráng nhiều hơn Địa Cầu này vì chúng sinh ở đó lo tu nhiều hơn. Ta có thể tạo nên một Địa Cầu giống như vậy ngay tại chỗ ta đang ngồi và nói chuyện. Khi các Địa Cầu đều giống nhau, đâu cần phải nghiên cứu, tìm kiếm hay cố gắng vãng sanh về đó nữa. Nhiều chính phủ bỏ ra số tiền lớn để khám phá vũ trụ trong khi Địa Cầu này lại không lo gìn giữ. Thật nghịch lý hết sức. Dãy ngân hà đâu chỉ có một mà biết bao nhiêu dãy ngân hà và trong mỗi dãy ngân hà có hàng triệu thế giới. Trí thông minh của con người không thể nào với tới các hành tinh có sự sống khác bởi vì phước báu không đủ để đạt được điều đó. Nếu tìm thấy Địa Cầu thứ hai, biết đâu con người lại tham lam bay tới  để giành ăn như mọi người đang giành Bắc Cực. Bắc Cực tan chảy báo hiệu thảm họa toàn cầu sắp tới, nhưng chẳng mấy ai lo lắng mà chỉ giành chủ quyền khu vực để băng tuyết tan chảy nhanh hơn nữa. Thật buồn cười và cái cười này là cười buồn, cười mà chảy nước mắt. Điều này cũng minh chứng cho việc các nhà khoa học biết vũ trụ có hằng hà sa số thế giới và dĩ nhiên cũng có hằng hà sa số Địa Cầu, nhưng việc tìm kiếm chúng chỉ là hành động dư thừa. Các Địa Cầu khác đã xây dựng Tịnh Độ từ lâu trong khi Địa Cầu này nơi ta đang ở vẫn còn đắm chìm trong địa ngục. Nếu mọi người chung tay xây dựng Tịnh Độ ngay trên cõi đời này thì đâu cần phải đi đâu nữa, có khi các thế giới khác đòi vãng sanh về đây cũng nên. Những gì chúng ta chiêm ngưỡng trên bầu trời chỉ là một phần nhỏ bé, vô cùng nhỏ bé, nhỏ hơn cả hạt bụi của vũ trụ. Vũ trụ dù to lớn cỡ nào cũng chỉ có thể so sánh với hạt bụi mà thôi. Muốn tìm hiểu vũ trụ, hãy tìm hiểu hạt bụi và hạt bụi là minh chứng cho sự có mặt của đại vũ trụ.

Kinh A Di Đà nói phương nào cũng có vô số thế giới, cho nên Tịnh Độ đâu chỉ nằm ở phương Tây mà chỗ nào cũng có Tịnh Độ hết, có thể gọi là hằng hà sa số Tịnh Độ. Tịnh Độ vì vậy có mặt khắp mọi nơi.

Tâm Phật Trong Tâm Ta

Phật là chánh niệm hay tỉnh thức và người nào có thể tỉnh thức thực sự trong mỗi giây phút thì người đó đang tiếp xúc với năng lượng Phật. Chánh niệm đưa con người vào trạng thái tỉnh còn thất niệm đưa con người vào trạng thái mê. Tỉnh thức biểu hiện sự thật về tâm, đó là lặng lẽ, tĩnh mịch và bình an, không còn một chút vọng động nào. Nếu dùng từ ngữ diễn giải nó thì tâm đã thay đổi đi rồi, cho nên chỉ cần thực tập tỉnh thức và đạt được mức độ tâm như vậy, hành giả sẽ nếm trải được sự thật. Khi tỉnh thức, tâm rất lạ và mầu nhiệm, và chính phép lạ này làm cho vũ trụ được tạo nên. Tâm phản ảnh một thực tại sinh động bên trong và bên ngoài cơ thể, cho nên nó thường hay biến chuyển, ý thức về sự biến chuyển này là tĩnh và không ý thức được là động. Bản tính của tâm vốn trong sáng không hề bị nhiễm ô, nó sạch sẽ đến mức hồn nhiên. Nhìn lá cờ đang bay phấp phới biết là lá cờ đang bay phấp phới, còn nếu cho rằng lá cờ đang bay phấp phới tức là tâm kém phần sạch sẽ rồi. Quyền năng của tâm lớn lắm, có thể đụng đến trời xanh, muốn mưa được mưa, muốn gió được gió. Tâm biến chuyển đến nỗi nếu ngồi viết lại có thể tạo thành cuốn tiểu thuyết với hằng hà sa số sự kiện hay câu chuyện. Muốn thành Phật phải nhìn vào cái tâm, lấy cái tâm ra soi mói hay quán chiếu, nên nói tức tâm tức Phật. Phật đâu phải cái ông ngồi dưới cội Bồ Đề thiền định 49 ngày, hay đâu phải bức tượng nạm vàng hay làm bằng ngọc đem chiêm ngưỡng ở chùa Phổ Quang. Phật là tâm tỉnh thức, hoàn toàn thanh tịnh. Thanh tịnh không phải là im re hay hoàn toàn không có gì hết, đó chính là sự biết, hạnh phúc biết hạnh phúc và đau khổ biết đau khổ. Người hạnh phúc nhưng không biết mình hạnh phúc cho nên xóa bỏ nó và gây đau khổ đến tự thân. Và người đau khổ không biết đau khổ, đắm chìm trong đó và gây thêm đau khổ nữa. Một người niệm Phật và nuôi dưỡng ông Phật trong tâm đến lúc nào đó Phật tánh phát khởi và tiến bộ, ông Phật trong tâm sẽ mập mạp đẫy đà, còn nếu không ông ấy sẽ ốm yếu, chết dần chết mòn rồi biến mất và con ma xuất hiện. Phật ở ngay tâm, niệm Phật nhất tâm cho đến khi đánh đồng tâm với Phật. Tâm ở tất cả mọi nơi nên Phật ở tất cả mọi nơi, nhìn thấy tâm là nhìn thấy Phật. Tâm hiệp với tấm thân nên Phật ngự trị nơi thân, để tâm rong ruổi thì Phật cũng bay đi chơi luôn, thân trở thành con ma lập lờ.

Có người lạy tượng Phật báng sống báng chết như máy lạy nhưng không hề tiếp xúc được với Phật. Khi nhận ra tâm mình thì lạy chính mình cũng được. Còn lạy Phật cả đời hay rờ vào tượng Phật để vuốt lên đầu cũng vậy thôi, chẳng có ích lợi gì. Tâm trụ vào cái gì thì cái đó trở nên có và khi buông cái gì thì nó cũng tiêu diệt. Tâm trụ vào Phật thì Phật hiện ra ngay mà Phật là gì, là tỉnh thức, là yêu thương, là từ bi, là quảng đại… nên trụ vào tỉnh thức, trụ vào yêu thương, trụ vào từ bi, trụ vào quảng đại… thì mình sẽ thành Phật thôi.

Cõi Cực Lạc Là Bây Giờ Và Ở Đây

Cực Lạc là bây giờ và ở đây, đâu cần phải đợi đến khi về Tây phương mới có cực lạc. Nếu bây giờ có an lạc thì sau này mới chắc có an lạc được, còn bây giờ không có an lạc thì sức mấy sau này có an lạc. Hoa sen lúc nào cũng nở và khi hoa sen còn nụ, còn là búp sen, hãy an lạc đi thôi. Đợi hoa sen nở rồi mới an lạc thì vô lý lắm. Giống như có nhiều người học bốn năm đại học, bốn năm đó chẳng có hạnh phúc gì hết mà đợi có bằng cấp rồi mới có hạnh húc, bốn năm đại học kia uổng lắm. Cả bốn năm học ngày nào cũng có hạnh phúc thì còn gì bằng. Tịnh Độ mang tính chất của thiền tập và an lạc là kết quả của thiền tập. Khi tu niệm, hành giả có kết quả của sự an lạc ngay, không phải đợi vào một tương lai nào đó. Cái chết không được biết đến trong tương lai thì thử hỏi làm sao biết trong tương lai mình có an lạc hay không. Tất cả mọi thứ đều do tâm tạo nên, tâm tạo an lạc sẽ có an lạc và tâm tạo khổ đau sẽ có khổ đau. Làm chủ được tâm, hành giả không phải lo sợ gì nữa và khi hiện tại thực sự có an lạc thì mới mong tương lai đi vào cõi cực lạc. Tịnh Độ vì vậy cũng do tâm mà ra, tâm niệm Tịnh Độ và tiếp xúc với Tịnh Độ trong lúc niệm. Tịnh Độ không có để dành trong tương lai mà biểu hiện trong hiện tại, nhưng nếu trong tương lai hành giả vẫn tiếp tục tu niệm thì Tịnh Độ sẽ tiếp tục kéo dài. Người làm chuyện ác đến khi lâm chung, trong khoảng vài phút đồng hồ người ấy biết niệm Phật và cách này có thể đưa hành giả sanh về cõi trời, nhưng khi về đến cõi trời chỉ trong thời gian ngắn hưởng hết phước niệm Phật và không biết tiếp tục tu, người này có thể bị đọa vào địa ngục ngay lập tức. Giống như một hương linh đang ở cõi âm vì muốn giỡn chơi nhập vào một người tu để phá phách chơi, nhưng người tu này định lực quá mạnh đẩy vong linh đó ra ngoài và ngay tức thì vong linh rớt xuống địa ngục.

Tịnh Độ không phải thứ ta chế ra mà hiển nhiên là vậy, chỉ tại tâm ta kiêu hãnh và lười biếng không chịu bước vào. Ví dụ trong một ngôi nhà có hai căn phòng, một phòng mát mẻ và một phòng nóng nực, nhưng ta không chịu đi vào phòng mát dù phòng mát có sẵn mà chỉ thích đi vào phòng nóng rồi hả hê với cái nóng đó. Tịnh Độ tuy vậy không phải không có mặt trong căn phòng nóng, hành giả tu niệm bước vào căn phòng nóng biết là nóng và lập tức Tịnh Độ hiện tiền ngay trong cái biết này. Nóng nực không làm người tu sợ hãi vì chẳng qua nó là sự thăng trầm của thời tiết. Nếu quan sát kỹ, khắp nơi trùng trùng điệp điệp Tịnh Độ hay Tịnh Độ chồng chất lên nhau, những yếu tố tạo nên Tịnh Độ làm cho cõi người này an lạc vô cùng. Người tu thiền vẫn tiếp xúc được với cực lạc này khi họ hoàn toàn an trú trong chánh niệm. Họ hay nói khắp nơi đều là thiền đường, ở đâu cũng có thể thiền được. Người tu niệm cũng vậy, họ có thể nói khắp nơi là Tịnh Độ, ở đâu cũng có thể niệm Phật được. Cực Lạc là bây giờ và ở đây, dân số của cõi cực lạc là khắp nơi, không tựu trung riêng rẻ ở đâu cả.

4. Niệm Phật Trước Và Trong Lúc Lâm Chung – Hơi Thở Tinh Khôi

Niệm Phật Trước Và Trong Lúc Lâm Chung

Thành tựu của người tu niệm là tiếp xúc với Tịnh Độ trong giây phút hiện tại, và khi lâm chung năng lượng này giúp họ sinh về cõi trên cũng như đủ thuận duyên tiếp tục tu học cho số kiếp tiếp theo. Người thường xuyên tu niệm chết bất đắc kỳ tử cũng không sao, vì lúc qua đời năng lượng của việc niệm theo đó mà tái sinh. Người thân có thể trợ giúp và mời người sắp lâm chung hoặc vừa lâm chung cùng niệm. Người này vẫn có thể nghe được và cho dù đã qua đời nhưng chưa vãng sanh vẫn đón nhận được năng lượng niệm Phật của người thân và bắt chước niệm theo nên nhanh chóng siêu thoát. Những chướng ngại có thể được tiêu trừ và người chết đủ điều kiện để siêu thoát. Tuy nhiên khi còn sống, ta nên lo tu tập cho tốt thì về già hay lúc lâm chung được thoải mái tức là ra đi được an nhàn. Thông thường người trẻ kiêu hãnh về sức khỏe của mình hoặc ỷ lại vào tuổi trẻ nên không cố gắng tu niệm hay tu thiền và đợi đến lúc già mới lo tu hành, nhiều khi không còn kịp hay công đức có được quá ít ỏi không đủ cho việc siêu thoát. Số lượng người chết khi còn trẻ không phải ít, nên khi còn sống hãy lo tu, đâu có thiệt thòi gì đâu mà còn tiếp xúc được với năng lượng hạnh phúc giúp ích cho tuổi trẻ rất nhiều. Người lúc lâm chung rất yếu đuối và không còn nhận biết xung quanh nữa, người thân hộ niệm để việc niệm được diễn ra liên tục không đứt đoạn. Việc làm này không chỉ tạo phước cho người sắp chết mà người hộ niệm cũng có bình an trước sự ra đi của người thân.

Việc khóc lóc hay kêu réo người đang lâm chung rất nguy hiểm khiến cho họ thêm sầu khổ không muốn rời làm cho việc siêu thoát chậm lại. Khi người thân thực sự ra đi thì người nhà hộ niệm ít nhất ba tiếng đồng hồ đến tám tiếng vì người thân vẫn còn ở đâu đó cho đến khi nghiệp lực kéo đi. Nghiệp lực tốt mạnh sẽ sanh về cõi trên và nghiệp lực không tốt mạnh sẽ sanh về cõi dưới. Nhưng người đáng lẽ tái sanh về cõi dưới nghe tiếng niệm Phật trong khoảng khắc sanh lòng tu tập và các nghiệp lực tốt trong quá khứ tập trung lại ngay thời khắc tái sanh làm cho người đó sanh vào cõi trên. Tu thiền hay tu niệm đều có công năng như nhau trong việc lôi kéo nghiệp lực tốt. Người tu thiền theo dõi hơi thở cho đến khi kết thúc, và người tu niệm hành niệm cho đến khi không thể niệm được nữa. Việc đọc kinh cho người thân nghe cũng rất quan trọng, có thể đạt giác ngộ khi nghe câu kinh trong giây phút cuối. Mở băng tụng hay pháp thoại cũng được, nhưng người nhà toàn tâm toàn ý thực hiện vẫn hay hơn cả. Tuyệt đối không kể lể, hỏi han về tài sản hay sử dụng lời trách cứ, điều đó làm người thân sầu khổ và vướng mắc dương trần khó siêu thoát. Con người sinh ra thì phải chết đi, nhưng thực chất chẳng có gì sinh chẳng có gì diệt, mọi thứ đều trải qua sự tiếp nối. Cái gọi là chết kia chỉ đánh dấu một sự kiện trong tiến trình tiếp nối của vô lượng kiếp sống.

Lợi Ích Của Niệm Phật

Đức Phật Thích Ca trong kinh A Di Đà khuyên chúng ta niệm Phật A Di Đà nhưng không đưa ra lời ngăn cấm niệm các vị Phật hay các vị Bồ Tát khác. Ta có quyền niệm bất cứ vị Phật nào và tiếp xúc được với năng lượng của vị Phật đó ngay lập tức. A Di Đà là tên chung của tất cả các vị Phật nên trong cuốn Nâng Niu Từng Cánh Sen Hồng của Minh Thạnh, tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật Tứ Cú Kệ được sử dụng để niệm tất cả các vị Phật thường trú trong mười phương cùng một lúc. Khi đó hành giả an trú trong năng lượng của tất cả chư Phật biến thời điểm và nơi chốn hiện tại thành Tịnh Độ của tất cả các vị Phật. A Di Đà Phật là tên chung của tự tánh chúng ta. Ở trên đã nói về tâm Phật trong tâm ta nên khi niệm, hằng hà sa số chư Phật ngự trị trong tâm. A Di Đà không phải là một ông Phật hoàn toàn có thực và bức tượng A Di Đà mà ta chiêm ngưỡng hay lễ bái chỉ là tượng trưng cho hằng hà sa số Phật.

Khi hành giả giác ngộ, hành giả đạt cảnh giới giác ngộ, cảnh giới giác ngộ là cảnh giới của Phật hay cảnh giới Cực Lạc. Vì vậy Cực Lạc là ở ngay nơi Địa Cầu này và Tịnh Độ là thứ ta giác được. Lợi ích của niệm Phật là giúp ta khôi phục lại tự tánh. Khi tự tánh đang mê, ta sống trong địa ngục trần gian và khi tìm lại được tự tánh, ta sống trong cực lạc trần gian. Tâm khởi lên một niệm, làn sóng tâm bao trùm khắp pháp giới. Nói rằng Địa Cầu nóng lên do con người tiêu thụ năng lượng quá lớn đúng nhưng chưa đủ, còn phải nghĩ đến tâm con người. Tâm người khởi niệm nóng giận si mê tỏa ra làn sóng nóng giận si mê làm cho nhiệt độ tăng theo. Cũng vậy, tâm niệm hòa bình thì thế giới hòa bình, tâm niệm chiến tranh thì thế giới chiến tranh. Hành giả niệm A Di Đà tạo ra làn sóng tâm Phật nên khắp nơi đều trở thành cõi Phật hay đất Phật. Niệm Phật để đem hòa bình lại cho tâm. Nhiều người cứ mãi đắm chìm trong vọng tưởng, phân biệt và chấp trước nên họ biến mọi thứ xung quanh cũng trở nên như vậy, thậm chí Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật đã nói con người vọng tưởng đến nỗi làm cho điên đảo. Một tiếng niệm là cho thế giới cực lạc bung ra lấp đầy không gian tạo thành vệ tinh Tịnh Độ. Càng nhiều tiếng niệm thế giới cực lạc càng đầy dẫy và Tịnh Độ chồng chất. Người tu niệm có nhiều an lạc và người khác nhìn thấy cũng an lạc theo. Ngành vật lý cho rằng năng lượng không hề mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Giống như điện năng đi vào bình nước đun làm cho nước sôi, điện năng đã biến thành nhiệt năng rồi. Niệm Phật cũng vậy, năng lượng niệm đã biến thành sự an lạc, an lạc biến thành Tịnh Độ. Không gian và thời gian là thứ không thực có vì làm sao ta có thể nắm bắt được chúng, cho nên không thể nói Tịnh Độ ở Tây phương mà phương khác lại không. Khi tâm nhận ra tự tánh, tâm vượt thoát cả không gian và thời gian, đem Tây phương Tịnh Độ về hiện tiền ngay trong ta. Lợi ích của niệm Phật ghê gớm như vậy và hành giả có thể biến chuyển tất cả, có thể biến địa ngục trần gian thành cực lạc trần gian.

Niệm Phật Nhất Tâm

Hành giả hoàn toàn an trú trong việc niệm, biết mình đang niệm và có hạnh phúc khi niệm. Tất cả những hiện tượng phát sinh khi đang niệm đều phải nhận biết, tức là niệm hiện tượng đó đầy đủ cho đến lúc diệt và quay trở lại việc niệm danh hiệu Phật. Không cần phải niệm vội vàng, quá nhanh hay ép tâm vào việc niệm vì điều này có thể dẫn đến những ảo giác hay mộng tưởng. Niệm từ tốn, nhẹ nhàng, thoải mái cho đến khi làm chủ được tâm mình.

Niệm Phật đưa hành giả quay trở về với phút giây hiện tại, tâm hiệp với thân, tiếng niệm hiệp với tâm. Hành giả không tiếp xúc được với hiện tại là niệm không đúng có thể lạc vào sự mê hồn trận của niệm, niệm nhưng không biết mình đang niệm và bị lạc vào thế giới ảo. Niệm áp dụng mọi lúc mọi nơi không chừa bất cứ chỗ nào, nhưng chánh niệm về niệm phải thực sự duy trì vì tình trạng thất niệm về niệm lúc nào cũng xảy ra. Biết được tình trạng thất niệm đưa hành giả quay trở về với chánh niệm. Niệm chậm biết mình đang niệm chậm, niệm nhanh biết mình đang niệm nhanh, đồng thời ý thức về đối tượng đang niệm. Niệm nhưng không biết chậm hay nhanh và đối tượng niệm không nhận diện được là rơi vào vọng tưởng, trở thành cái máy niệm. Khi niệm mà nghe, nhìn, thấy, ngửi, nếm, đụng chạm nào đó phát sinh thì niệm chúng cho đến khi hết và quay trở về với niệm Phật. Nếu sử dụng tiếng niệm lấp liếm các cảm giác kia khiến cho các cảm giác hoặc bị thổi phồng hoặc bị mê muội thì niệm Phật không có tác dụng. Lòng tham nỗi lên, niệm Phật, cơn giận nổi lên, niệm Phật, dính mắc nổi lên, niệm Phật, tà dục lôi kéo, niệm Phật… Nhưng những cái nổi lên này đều phải được nhận biết, nếu không biết thì làm sao có đủ ý thức phát tâm niệm Phật. Tiếng niệm giúp hành giả quán chiếu tính không đáng vướng mắc hay không đáng tham cầu của tất cả các pháp. Hành giả có thể cảm thấy ghê sợ và quyết tâm buông bỏ tà dục, đồng thời hạnh phúc và an lạc phát sinh vì khi tà dục không còn, Tịnh Độ hiện tiền. Thế gian này là giả tạm nhưng Tịnh Độ có mặt ngay trong thế gian này. Con người phải nương vào thế gian để tu nhưng không bị dính mắc vào thế gian. Giống như thiền, niệm chỉ là phương tiện, bị kẹt vào niệm có thể đưa hành giả rơi vào tà kiến. Niệm Phật vì vậy cũng chỉ để niệm Phật thôi, không nhằm mục đích gì khác, cho nên cái gọi là niệm Phật nhất tâm chỉ qua là đem tâm Phật vào trong tâm ta và tâm ta đồng nhất với tâm Phật. Tu căn bản nhất là tu từ tâm, dù ngồi thiền hay niệm Phật giỏi cách mấy, lâu cách mấy nhưng tâm lúc nào cũng tán loạn thì nên xem lại cách thiền hay cách niệm. Hành giả chỉ có hạnh phúc thực sự khi an trú vào hiện tại, thực tại cùng tột hay cái đang là. Ngồi thiền để mơ tưởng thành Phật hay niệm Phật cầu sanh vãng lai Tây phương e rằng chỉ là vọng tưởng điên đảo. Đức Phật chỉ dạy chúng sinh duy nhất việc tu tập thoát khổ tìm hạnh phúc chân thật trong hiện tại. Thiền hay niệm mà không có an lạc trong hiện tại có thể việc thiền việc niệm kia đang rơi vào tà đạo.

5. Niệm Phật Trong Chánh Niệm – Hơi Thở Tinh Khôi

Niệm Phật Trong Chánh Niệm

Tu Tịnh Độ Và Tu Thiền

Tu thiền và tu tịnh độ trở nên ngày càng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, tuy nhiên cũng không ít người áp dụng cả tu thiền và tu tịnh độ vào đời sống của mình. Cho dù tu theo tông phái nào, mục đích duy nhất là giải thoát và trong quá trình tu, hành giả có thể tiếp xúc với hạnh phúc chân thật trong hiện tại. Bất kỳ pháp môn nào khi thực tập mà không đem lại hạnh phúc hay an lạc trong hiện tại thì pháp môn đó không đúng với tinh thần Phật giáo. Tinh thần Phật giáo là chuyển hóa khổ đau, sống an lạc và hạnh phúc ngay trong hiện tại. Thiền hay Tịnh Độ không có cái gì cao hơn cả mà vấn đề là hành giả có khả năng sống sâu sắc trong hiện tại hay không. Người có khả năng sống trong hiện tại, hạnh phúc và an lạc trong hiện tại, an trụ trong thực tại cùng tột, người này tu giỏi, còn mọi thứ khác đều đi ngược lại lời dạy đức Phật. Tùy theo căn cơ và duyên của chúng sinh mà lựa chọn pháp môn phù hợp với mình. Tu gì cũng được nhưng tu tâm dưỡng tánh vẫn là căn bản, dù ngồi thiền hay niệm Phật nhưng tâm đầy dao găm chỉ là tu giả, tu cho có, tu theo phong trào hay tu để chứng minh với đời thôi. Mục đích chính của người tu Phật là rửa sạch tâm, đổi mới tánh, trừ phiền não và có niềm vui ngay trong kiếp hiện tại. Tu không có đợi ngày mai hay để dành và cũng không có tu dùm, tu ngay bây giờ ở đây và chỉ có tự thân vận động. Tu đâu phải để thành Phật mà tu chỉ để tu. Nhiều người hỏi tôi tại sao lại đi tu. Tôi trả lời tu để tu chứ để làm gì. Ấy vậy có nhiều người đi tu không phải để tu mà tu để xây chùa, xây tu viện, nhận đệ tử hay nổi tiếng. Tu vậy tu chi, ra ngoài mở một công ty tu còn hay hơn. Tự lực lúc nào cũng hay hơn tha lực, nếu cứ dựa vào tha lực sẽ tạo nên sự ỷ lại, cứ cho rằng Phật hay vị Bồ Tát giang tay cứu vớt mình, riết rồi sinh tà kiến. Đức Phật dạy nương tựa nơi chính mình, bản thân tự lực có thể làm nơi nương tựa cho biết bao nhiêu người, không cần phải cầu cạnh ở tha lực. Kết hợp thiền và tịnh độ, năng lượng tu tập của hành giả mạnh hơn nữa. Điều quan trọng là đừng chê bai bất cứ điều gì, pháp môn nào cũng có cái hay của nó. Chỉ cần lên tiếng chê bai dù chỉ một câu, công đức của người này giảm đi hàng triệu lần. Tính tự mãn và kiêu ngạo giết chết người tu không cần một tất sắt. Niệm Phật muốn nhất tâm cần áp dụng thiền, tức là thực tập chánh niệm về niệm, điều này làm cho Tịnh Độ mau chóng thành tựu. Thiền tập áp dụng niệm Phật giúp sống trong Tịnh Độ vào giây phút hiện tại. Đem hương vị thiền vào tịnh độ và đem chất liệu tịnh độ vào thiền, hành giả là người may mắn và đạt được hạnh phúc lớn hơn nữa.

Đời sống hàng ngày của người tu mang đậm nét của năng lượng thiền và tịnh độ. Hai năng lượng này tuy hai mà một, có thể tương tức và bổ sung cho nhau.

Năng Lượng Của Niệm Phật

Hành giả thực tập niệm Phật được sự hộ trì của tất cả chư Phật và đại Bồ Tát, tạo duyên lành trong việc tu tập, chế tác hạnh phúc và mau chóng giải thoát. Người trong những kiếp trước có tu nên kiếp này được cơ may gặp Phật Pháp, người may mắn hơn là thường xuyên đi chùa, thực tập các pháp môn và nghe pháp thoại. Người cực may mắn là người có cơ hội xuất gia, hoàn toàn sống trong năng lượng của Pháp Bảo nhiệm mầu.

Ngày nay có rất nhiều người tu hành, chùa chiền mọc lên khắp nơi, đủ thứ sách và trung tâm tu học nhưng người đắc đạo rất ít, có thể nói là đếm trên đầu ngón tay, thậm chí không có. Những người đắc đạo hiếm khi thấy xuất hiện trước công chúng và họ tìm nơi ẩn dật hết. Tuy vậy họ vẫn hộ niệm cho chúng sinh và nhờ vào năng lượng tu tập của họ mà phần nào giúp được chúng sinh bình an. Niệm Phật là pháp môn tu dễ dàng nhưng phải có niềm tin, chính niềm tin giúp người Phật tử đứng vững dù gặp phải nhiều sóng gió nơi cuộc đời.

Thiền sư Thiên Như dạy rằng, trong thời mạt pháp sau này, tất cả các kinh đều bị tiêu diệt, tức là chẳng còn ai tin tưởng vào kinh điển nữa, nói chi là đạo Phật hay người tu hành, nhưng tiếng niệm Phật dù đơn giản nhất vẫn có thể khơi gợi mức độ nào đó năng lượng Phật trong cơ thể của con người, khi ấy con người vẫn có cơ hội sanh lên cõi trên để tiếp tục tu tập. Tiếng niệm dù thầm, nhỏ hay lớn đều có thể vang tới hằng hà sa số thế giới, chư Phật và Bồ Tát đều biết và thấy người ấy.

Chúng sanh tạo nghiệp xấu cao dày đến nỗi át cả tiếng niệm Phật, nhưng bản thân người tạo nghiệp xấu nếu biết quay đầu là bờ, niệm Phật dù chỉ một câu có thể giảm tội hoặc tiêu tan tội chướng. Tuy nhiên việc niệm phải thành tâm, biết sám hối lỗi lầm và làm mới bản thân. Nếu không việc niệm chỉ có tác dụng trong chốc lát rồi đâu lại vào đấy.

Con người bị vô minh che lấp quá nhiều không còn biết đâu là thiện đâu là ác nữa. Một người tu, cả gia đình, dòng họ, bà con cô bác được hưởng. Một người niệm Phật, năng lượng còn lớn hơn như vậy. Quốc gia có khoảng 100 triệu dân, người nào cũng tu tập, quốc gia này không cần luật pháp hay quân đội bởi sẽ chẳng bao giờ có bạo động, tội ác hay chiến tranh.\

An vui trong giây phút hiện tại là năng lượng lớn nhất của niệm Phật. Niệm để cầu xin làm ăn phát tài, công thành danh toại hay vãng sanh về Tây phương mang tính chất bái sám nhiều quá. Hiện tại là phút giây đang niệm, niệm Phật chính là niệm hiện tại. Khi hiện tại có hạnh phúc, việc vãng sanh thành tựu mới đạt kết quả.

Đến thời kỳ nào đó, tiếng niệm Phật tại trần gian sẽ tiêu tan, không còn ai niệm Phật nữa nói chi đến tượng Phật. Loài người dù vẫn còn nhưng tự thân đẩy mình vào chốn diệt vong cho đến khi một đức Phật khác ra đời giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên dù các đức Phật ở hành tinh nào đều dạy duy nhất một thứ giáo pháp mà đức Phật Thích Ca đã trao truyền. Vậy ngay bây giờ mình có cơ hội tiếp xúc với giáo pháp của đức Thế Tôn, tại sao mình còn chần chừ mà không lo thực tập cho giỏi, tu tập cho tốt và bản thân có thể làm gương cho không biết bao nhiêu người.

            Niệm Phật Trong Chánh Niệm

Cách thực tập này chứng tỏ hành giả đang an trú trong việc niệm Phật, theo đó hành giả ý thức được mình đang niệm, biết niệm vị nào và tiếp xúc được năng lượng, đồng thời thực tập theo hạnh của vị này. Khi niệm Bồ Tát Quan Thế Âm, ta ở trong vùng năng lượng của Bồ Tát, năng lượng bao gồm năng lượng từ bi, năng lượng lắng nghe, năng lượng nhẫn nhục hay năng lượng cứu khổ chúng sinh. Thực tập tất cả hạnh này, bản thân hoàn toàn tự chế tác năng lượng đó và trở thành vị Bồ Tát Quan Thế Âm không sai khác.

Niệm Phật trong chánh niệm sẽ đạt nhất tâm hay tam muội, lúc này sẽ có định và tuệ. Tất cả các yếu tố trong Tám con đường chân chánh đều có mặt trong định và tuệ, đồng thời chánh niệm làm sợi dây liên kết các chánh lại với nhau. Niệm Phật tốt có thể giúp cho việc thiền định và nghiên cứu giáo lý được thuận lợi. Tâm sạch sẽ đi vào thiền định nhanh và tâm trong sáng hiểu giáo lý cũng dễ dàng.

Tu niệm cho đến khi tâm tự niệm, bản thân tự giác trong giây phút niệm và tự an tịnh trong thân và tâm. Vào trong chùa chưa làm gì hết đã thấy thanh thoát, huống chi tham gia vào niệm Phật. Đem việc tu niệm về nhà và mọi nơi, sự thanh thoát cũng có ở nhà và mọi nơi. Thân tâm hành giả cảm thấy phỉ lạc, tràn ngập hạnh phúc và niềm vui dâng trào. Mọi thứ đều trở nên đáng yêu, dễ mến và đáng trân trọng.

Niệm Phật phải tự nhiên nên không ép tâm hay ép xác vào khuôn khổ của niệm Phật vì niệm không đúng có thể không có hạnh phúc và đâm ra chán nản. Chánh niệm về niệm và niệm trở thành đối tượng của chánh niệm sẽ từ từ rõ ràng, hành giả thích thú niệm Phật và bình an đến với mình. Giống như thiền, ban đầu niệm Phật ít thôi khoảng chừng năm phút, trong vòng năm phút ấy hành giả hoàn toàn hạnh phúc thì tăng lên mười phút và tiếp tục tăng thêm thời gian. Nhiều người sĩ diện cố gắng niệm Phật cho nhiều nhưng tâm vẫn tán loạn hay không có hạnh phúc gì cả thì chỉ làm mất thì giờ của mình. Thực tập phải có sự kiên nhẫn, không nhiệt tình quá đáng cũng không dễ dãi với bản thân.

Phát nguyện trước khi niệm Phật cho lòng có thêm thuận lợi, đồng thời hồi hướng sau khi niệm Phật. Niệm Phật không chỉ cho bản thân mà còn chia sẻ mười phương tám hướng, mọi loài chúng sanh đều được hưởng câu niệm Phật. Vừa đi kinh hành vừa niệm Phật hay niệm Phật theo hơi thở, còn gọi là thiền niệm Phật giúp hành giả có chánh niệm và đi vào định rất mau. Ban đầu hơi khó khăn nhưng riết rồi quen và đã là thói quen thì việc niệm sẽ là nhu cầu đương nhiên trong đời sống hàng ngày.

Tinh tấn thông minh là tiêu chuẩn cho hành giả muốn có ngay hạnh phúc trong hiện tại. Nhiều sự tinh tấn sai lệch dẫn đến hành xác hay ép tâm và con người trở nên rầu rĩ, buồn khổ ngay chính lúc mình thực tập. Thực tập mà không có hạnh phúc là thực tập không đúng, đã thực tập thì phải có hạnh phúc, tham vấn kinh nghiệm của thầy mình để có thể thành công hơn.

6. Thiền Tịnh Song Tu – Hơi Thở Tinh Khôi

Thiền Tịnh Song Tu

Niệm Phật Tam Muội

Dù vọng tưởng hay chân tâm, thể tánh của tâm chỉ là một, giống như điện năng xuất phát từ bất kỳ nhà máy điện nào thì tính chất của loại điện đi ra cũng giống như vậy. Tất cả hành giả đều niệm một chất Phật dù cho tên niệm khác nhau. Một người niệm Phật giúp được nhiều người, vạn người niệm Phật giúp được triệu người và triệu người niệm Phật giúp được tỷ người và tất cả mọi người niệm Phật giúp cho chúng sinh mười phương không biết là bao nhiêu.

Niệm Phật Tam Muội nói lời chia tay với phiền não, mê lầm, tán loạn và góp phần xây dựng thế giới an lạc trong hiện tại. Địa Cầu này có khác gì cõi Phật đâu nếu tất cả mọi người đều tu tập. Người tu không chỉ chuyển hóa bản thân mà còn chuyển hóa chúng sinh thành Phật. Người không tu không chỉ không chuyển hóa được mình mà còn chuyển hóa chúng sinh xa rời việc thành Phật. Người đời thường hay ngăn cản người khác đi tu, niệm Phật hay ngồi thiền và ngay nghiệp lực xấu của người muốn tu ngăn cản không cho người đó tu. Người này cần đi vào vùng năng lượng tu tập mạnh để chuyển hóa các năng lượng xấu như cùng sống với tăng thân nhằm làm mới bản thân.

Niệm Phật Tam Muội đòi hỏi hành giả thực tập đúng cách, thường xuyên biết nhớ niệm và vì chúng sinh mà niệm. Niệm không đúng cách sẽ rơi vào tà đạo, giống như niệm hạnh phúc không niệm lại đi niệm phiền não. Hành giả biết mình đang niệm Phật, nhớ tới việc cần niệm trong mọi hoàn cảnh, không để hoàn cảnh hay bất cứ tà dục nào lôi kéo làm cho việc niệm bị quên lãng. Chúng sinh dù xa hay gần, dù nơi ánh sáng hay tối tăm, dù cõi này hay cõi kia đều có thể nghe một người niệm Phật ở bất cứ hình thức nào. Năng lượng của niệm vang xa và thẩm thấu vào địa ngục vô gián, đánh thức tâm bồ đề của chúng sinh bị đọa lạc, khiến họ phát tâm tu tập, ngay vừa mới phát tâm, địa ngục bị đập tan nát như vi trần và chúng sinh siêu thoát sanh về cõi trên.

Niệm Phật để cầu thấy Phật là tà đạo. Chất Phật ở trong tâm mỗi người và khi giác ngộ bản thể này, con người là một vị Phật và quay sang niệm chính mình. Bản thể bị ô nhiễm thì phải làm sạch nó bằng niệm Phật, ngồi thiền và thực tập soi gương rồi lau gương. Chất độc da cam rải xuống các vùng đất Việt Nam khiến cho cây bị chết cháy, đất đai không trồng trọt được, để hoa cỏ có thể mọc lên, chúng cần phải được tẩy độc hay làm cho vô trùng. Cũng vậy, tâm dễ bị các con vi trùng tấn công hay bị các đối tượng khác tưới tẩm vi trùng, và lúc phát triển chúng làm con người mê muội bệnh hoạn. Thuốc kháng sinh trị mấy con vi trùng kia chỉ có thể bằng tu tập, thanh lọc thân tâm và gìn giữ giới luật.

Khi đạt đến tam muội, hành giả đạt được hạnh phúc và an lạc cùng tột, nhưng bản thân hành giả chẳng bao giờ muốn khoe khoang về những cái thấy của mình mà tùy theo đối tượng giúp người khác thực tập để đạt thành tựu như mình. Người khoe khoang về những cái thấy, rồi nói đó là của mình, của tự viện mình hay đặt một thương hiệu cho riêng mình sẽ chẳng bao giờ thấy Phật, hay mới thấy sơ sơ. Khiêm cung là một trong những đức tính hàng đầu mà người tu phải giữ, bằng không mọi điều mình đạt được sẽ đổ sông đổ biển hết và phải bắt đầu lại từ đầu.

Thiền và Tịnh Độ Song Tu

Thiền và Tịnh luôn có sự hòa hợp nếu không muốn nói là bổ sung cho nhau. Thiền xây dựng Niết Bàn trong hiện tại và Tịnh Độ xây dựng Cực Lạc trong hiện tại, nên Thiền Tịnh song tu làm cho Địa Cầu này đẹp đẽ biết dường nào. Cả hai pháp môn đều được coi trọng, thực tập nghiêm túc không thể xem thường. Những người tu tập pháp môn này nên trân quý và tôn trọng pháp môn kia và ngược lại, bởi vì dù sao đi nữa có tu lúc nào cũng hay hơn không tu. Riêng bản thân tôi, tôi chọn Thiền Tịnh song tu và tôi thiết lập cho mình một pháp môn tu tập riêng theo đó tôi hành thiền Minh Sát theo truyền thống Nam Tông, thực tập chánh niệm và thiền làm mới theo Phật giáo Bắc Tông, niệm Phật theo Tịnh Độ và kể cả niệm chú theo Mật Tông trong những lần muốn đập tan cửa ngục cứu giúp chúng sinh. Có thể nói cách tu tập này dung hòa tất cả các pháp môn, không làm mất thì giờ nói về pháp môn này hay pháp môn kia chưa hay nữa. Tất cả các pháp môn đều hay và quan trọng là có thực tập hay không chứ không phải ngồi nhận xét. Nhận xét cho nhiều nhưng thực tập không bao nhiêu thì lời nhận xét chỉ làm đẹp cửa miệng, còn tâm vẫn mãi bơ phờ.

Công đức không thể cầu xin mà do mình tạo ra. Thiền hay Tịnh Độ nếu thực tập hết lòng, bản thân có thể tự độ mình, chẳng cần ai phải tiếp dẫn nữa, các đức Phật đỡ nhọc công và có thêm thì giờ tiếp dẫn người khác. Bắt các đức Phật làm việc quá nhiều trong khi bản thân tu tập không đàng hoàng thì dù có muôn vạn ức Phật cũng khó mà cứu. Thiền Tịnh song tu, hành giả chú tâm vào lý niệm Phật hay thiệt tướng niệm Phật. Khả năng niệm tăng nhanh và có thể tập trung rất mau, đồng thời định phát khởi từ việc theo dõi hơi thở nhờ vậy được trợ duyên.

Hơi thở rất tinh khôi và cuốn sách mang tên Hơi Thở Tinh Khôi này không nằm trong bất kỳ pháp môn riêng biệt nào nhưng lại có thể tìm thấy ở tất cả các pháp môn. Người tu Phật cứ chuyên tâm tu tập, đừng dòm ngó, đừng bắt bẻ, đừng kiêu ngạo vì Bồ Tát Thường Bất Khinh luôn nhắc nhở chúng sinh, tất cả đều sẽ thành Phật. Hơi thở hành giả đã tinh khôi, hành giả trở thành êm dịu tự bao giờ, đồng thời rất tự do, không còn sợ hãi gì nữa vì việc cần làm đã làm.

Ngoài kia trời không có mưa nhưng bầu trời đầy mây u ám. Đâu có sao đâu, thời tiết cũng giảm nhiệt dưới sức nóng hầm hập của mùa hè. Thế nào mưa cũng đến và mặt trời cũng lên. Hơi thở vào rồi hơi thở cũng ra. Sống hay chết nằm trong hơi thở, nắm được hơi thở, nắm được sự sống chết, nhưng khi nắm được sự sống chết tức là bản thân vượt thoát sống chết, không còn gì ngăn cách nữa.

Người đắc đạo vẫn phải tiếp tục tu hành, nhưng không bao giờ lìa xa thế gian này, vì Niết Bàn cũng có mặt ở thế gian này. Đức Phật dù tĩnh lặng ở nơi gọi là Niết Bàn nhưng cái gọi là Niết Bàn kia tràn ngập nơi đây, vào lúc này, cho nên đức Phật có bao giờ nhập Niết Bàn đâu, Người đang mãi mãi ở với chúng ta kia mà.

7. Các Phương Pháp Niệm Phật – Hơi Thở Tinh Khôi

Các Phương Pháp Niệm Phật

1. Niệm thành tiếng

– Niệm tiếng nhỏ

– Niệm tiếng lớn

– Niệm theo âm điệu

– Niệm cùng với chuông mõ

– Niệm sau khi tụng kinh

– Niệm và mỉm cười

– Niệm Phật cho thai nhi, trẻ em và mọi người

– Định thần bằng tiếng niệm Phật

– Niệm điều chỉnh suy nghĩ, lời nói và hành động

– Miệng niệm, tai lắng nghe

2. Niệm thầm

– Niệm không thành tiếng

– Niệm từng âm

– Niệm theo giai điệu

– Niệm chân thật

– Niệm lúc lâm chung

– Niệm chỉ để niệm

– Niệm bất kỳ vị Phật nào

– Niệm đều đều

– Niệm giữ gìn tâm nghiệp

– Niệm Phật sám hối

3. Niệm theo hơi thở

– Hơi thở vào, niệm Phật

– Hơi thở ra, niệm Phật

– Thiền niệm Phật

– Niệm chậm chậm và từ tốn

– Đếm tiếng niệm Phật theo hơi thở

– Ngồi thiền và niệm theo hơi thở

– Hơi thở ngắn hoặc dài, sâu hoặc chậm

– Niệm và theo dõi hơi thở tự nhiên

– Niệm nhận diện các tạp tưởng

– Niệm mỗi chúng sanh là một vị Phật

4. Niệm theo tràng hạt

– Dùng chuỗi 18, 27, 108 tràng hạt để niệm Phật

– Ý nghĩa tràng hạt

– Tịnh độ hiện tiền

– Nhìn vào tượng Phật

– Quán tưởng hình tượng Phật

– Quán tưởng ân đức Phật

– Quán tưởng tính Phật

– Trì danh niệm Phật nhất tâm bất loạn

– Thật tướng niệm Phật

– Mời chúng sanh cùng niệm Phật

5. Niệm theo băng tụng

– Niệm bằng tâm theo băng tụng

– Niệm bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài nhưng phải hiểu ngôn ngữ đó

– Niệm thầm theo băng tụng

– Niệm lớn tiếng theo băng tụng

– Niệm theo âm điệu của băng tụng

– Nhắm mắt lắng nghe theo

– Nhắm mắt niệm theo

– Niệm và phát nguyện hồi hướng

– Niệm và gửi năng lượng an lành

– Niệm và phát nguyện

6. Niệm theo thiền lạy

– Một niệm theo mỗi lạy

– Một niệm theo mỗi xá

– Lạy ngồi

– Thiền lạy

– Năm vóc sát đất

– Lạy theo tiếng chuông

– Lạy Phật trong nội tâm

– Tâm lễ

– Lạy nằm theo Phật giáo Tây Tạng

7. Niệm quán Phật

– Chăm chú nhìn tượng Phật

– Có thể vẽ ra hình tượng Phật trong đầu

– Vừa niệm danh hiệu vừa quán tượng

– Niệm nhẹ nhàng, không rơi vào tình trạng ép niệm

– Tiếp xúc với Phật tánh trong bản thân

– Tiếp xúc năng lượng Phật trong bản thân

– Tiếp xúc tính cách Phật trong bản thân

– Niệm thực tại hiện tiền

– Văn hóa chánh niệm

– Niệm quán chữ niệm

8. Niệm đi, đứng, nằm, ngồi

– Niệm khi đi, đứng, nằm, ngồi

– Văn hóa niệm Phật

– Niệm  khi tâm xao động

– Niệm mọi lúc mọi nơi

– Niệm đến khi đi vào giấc ngủ

– Niệm chuyển hóa bận rộn thành thảnh thơi

– Niệm khi nhàn rỗi và nghỉ ngơi không bị chìm đắm

– Niệm không phân biệt người niệm

– Ý thức đang niệm, không bị mê trong cái niệm

– Niệm chỉ để niệm, không mục đích gì khác

9. Niệm Mười Hiệu của Phật

– Ứng Cúng

– Chánh Biến Tri

– Thiện Thệ

– Minh Hạnh Túc

– Thế Gian Giải

– Vô Thượng Sĩ

– Thiên Nhân Sư

– Trượng Phu Điều Ngự

– Thế Tôn

– Phật

10. Niệm các danh hiệu Phật và Bồ Tát

– Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

– Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai

– Phật Nhiên Đăng …

– Bồ Tát Di Lạc

– Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi

– Bồ Tát Phổ Hiền Vương

– Bồ Tát Quan Thế Âm

– Bồ Tát Địa Tạng Vương

– Tôn giả Ma Ha Ca Diếp

– Tôn giả Thượng Thủ Xá Lợi Phất

11. Niệm theo bước chân

– Mỗi bước chân là một niệm

– Mỗi bước chân là một âm trong một niệm

– Theo dõi bước chân

– Theo dõi tiếng niệm

– Niệm thầm

– Niệm thành tiếng

– Bước đi trong phòng

– Bước đi ngoài trời

– Nói niệm

– Nhạc niệm

12. Niệm Kim Cang

– Niệm thư thả

– Niệm hòa hoãn vừa đủ nghe

– Vừa niệm vừa lắng nghe tiếng niệm

– Nhận diện các tạp niệm và quay trở về với tiếng niệm

– Nhận diện tâm Phật trong tâm ta

– Nhận diện thân Phật trong thân ta

– Nhận diện thân tứ đại và mối liên hệ giữa thân và vạn vật

– Nhận diện cảnh giới Phật hiện tiền

– Nhận diện tính không đáng tham cầu của các pháp

– Nhận diện tính không đáng vướng mắc của các pháp

13. Niệm truy đảnh  

– Niệm liên tục không có kẻ hỡ

– Niệm đuổi theo từ chậm tới nhanh

– Chuyển hóa các tạp niệm thành tiếng niệm

– Tâm và tiếng niệm nhất như

– Tâm thật sự tinh tấn

– Có thể niệm theo băng tụng

– Nhất tâm vào câu niệm

– Niệm rõ ràng mạch lạc

– Niệm trong chánh niệm

– Thực tập niệm truy đảnh theo nhóm

14. Niệm theo thời khóa

– Niệm hăng hái từ đầu đến cuối

– Niệm theo thời khóa biểu nhất định bên cạnh việc niệm mọi lúc mọi nơi

– Thực tập thói quen niệm theo thời khóa

– Niệm nhiều hay ít không quan trọng, nhưng quan trọng là phẩm chất của việc niệm.

– Niệm Phật phải có hạnh phúc, nếu không thì đừng có niệm

– Niệm ngay hôm nay, ngay bây giờ và tại đây không đợi đến ngày mai

– Thời khóa niệm được xếp đặt thoải mái, tránh quá dày đặc và ép niệm

– Niệm với tâm không lo sợ niệm nhiều hay ít, niệm ít nhưng có chất lượng vẫn dễ thương hơn niệm nhiều mà tâm tán loạn

– Niệm chỉ có tiến chứ không lùi

– Hễ có niệm là có thành

15. Niệm hay không niệm vẫn là niệm 

– Thói quen niệm Phật

– Niệm các pháp bình an

– Niệm người mình thương

– Niệm hình ảnh tĩnh lặng

– Niệm hằng hà sa số Phật

– Niệm cái đang là

– Niệm kinh

– Niệm nhận diện tâm hành

– Mời chúng sanh cùng niệm

– Niệm bình yên

 

 

Trích “Hơi thở tinh khôi” của Thiền giả Minh Thạnh

 

Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

 

Theo Phật Pháp Ứng Dụng

            – Chăm chú nhìn tượng Phật

            – Có thể vẽ ra hình tượng Phật trong đầu

            – Vừa niệm danh hiệu vừa quán tượng

            – Niệm nhẹ nhàng, không rơi vào tình trạng ép niệm

            – Tiếp xúc với Phật tánh trong bản thân

            – Tiếp xúc năng lượng Phật trong bản thân

            – Tiếp xúc tính cách Phật trong bản thân

            – Niệm thực tại hiện tiền

            – Văn hóa chánh niệm

            – Niệm quán chữ niệm

8. Niệm đi, đứng, nằm, ngồi

            – Niệm khi đi, đứng, nằm, ngồi

            – Văn hóa niệm Phật

            – Niệm  khi tâm xao động

            – Niệm mọi lúc mọi nơi

            – Niệm đến khi đi vào giấc ngủ

            – Niệm chuyển hóa bận rộn thành thảnh thơi

            – Niệm khi nhàn rỗi và nghỉ ngơi không bị chìm đắm

            – Niệm không phân biệt người niệm

            – Ý thức đang niệm, không bị mê trong cái niệm

            – Niệm chỉ để niệm, không mục đích gì khác

9. Niệm Mười Hiệu của Phật

            – Ứng Cúng

            – Chánh Biến Tri

            – Thiện Thệ

            – Minh Hạnh Túc

            – Thế Gian Giải

            – Vô Thượng Sĩ

            – Thiên Nhân Sư

            – Trượng Phu Điều Ngự

            – Thế Tôn

            – Phật

10. Niệm các danh hiệu Phật và Bồ Tát

            – Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

            – Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai

            – Phật Nhiên Đăng …

            – Bồ Tát Di Lạc

            – Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi

            – Bồ Tát Phổ Hiền Vương

            – Bồ Tát Quan Thế Âm

            – Bồ Tát Địa Tạng Vương

            – Tôn giả Ma Ha Ca Diếp

            – Tôn giả Thượng Thủ Xá Lợi Phất

11. Niệm theo bước chân

            – Mỗi bước chân là một niệm

            – Mỗi bước chân là một âm trong một niệm

            – Theo dõi bước chân

            – Theo dõi tiếng niệm

            – Niệm thầm

            – Niệm thành tiếng

            – Bước đi trong phòng

            – Bước đi ngoài trời

            – Nói niệm

            – Nhạc niệm

12. Niệm Kim Cang

            – Niệm thư thả

            – Niệm hòa hoãn vừa đủ nghe

            – Vừa niệm vừa lắng nghe tiếng niệm

            – Nhận diện các tạp niệm và quay trở về với tiếng niệm

            – Nhận diện tâm Phật trong tâm ta

            – Nhận diện thân Phật trong thân ta

– Nhận diện thân tứ đại và mối liên hệ giữa thân và vạn vật

            – Nhận diện cảnh giới Phật hiện tiền

            – Nhận diện tính không đáng tham cầu của các pháp

            – Nhận diện tính không đáng vướng mắc của các pháp

13. Niệm truy đảnh  

            – Niệm liên tục không có kẻ hỡ

            – Niệm đuổi theo từ chậm tới nhanh

            – Chuyển hóa các tạp niệm thành tiếng niệm

            – Tâm và tiếng niệm nhất như

            – Tâm thật sự tinh tấn

            – Có thể niệm theo băng tụng

            – Nhất tâm vào câu niệm

            – Niệm rõ ràng mạch lạc

            – Niệm trong chánh niệm

            – Thực tập niệm truy đảnh theo nhóm

14. Niệm theo thời khóa

            – Niệm hăng hái từ đầu đến cuối

– Niệm theo thời khóa biểu nhất định bên cạnh việc niệm mọi lúc mọi nơi

            – Thực tập thói quen niệm theo thời khóa

– Niệm nhiều hay ít không quan trọng, nhưng quan trọng là phẩm chất của việc niệm.

– Niệm Phật phải có hạnh phúc, nếu không thì đừng có niệm

– Niệm ngay hôm nay, ngay bây giờ và tại đây không đợi đến ngày mai

– Thời khóa niệm được xếp đặt thoải mái, tránh quá dày đặc và ép niệm

– Niệm với tâm không lo sợ niệm nhiều hay ít, niệm ít nhưng có chất lượng vẫn dễ thương hơn niệm nhiều mà tâm tán loạn

            – Niệm chỉ có tiến chứ không lùi

            – Hễ có niệm là có thành

15. Niệm hay không niệm vẫn là niệm 

            – Thói quen niệm Phật

            – Niệm các pháp bình an

            – Niệm người mình thương

            – Niệm hình ảnh tĩnh lặng

            – Niệm hằng hà sa số Phật

            – Niệm cái đang là

            – Niệm kinh

            – Niệm nhận diện tâm hành

            – Mời chúng sanh cùng niệm

            – Niệm bình yên

Trích “Hơi thở tinh khôi” của Thiền giả Minh Thạnh

Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

http://sachminhthanh.wordpress.com

Theo Phật Pháp Ứng Dụng