Dòng thời gian và sự khắc nghiệt của cuộc sống dường như chưa xoá nhòa hết dáng vẻ yêu kiều của một thời vàng son xưa cũ.
Người phụ nữ cúi nghiêng mình múc nước bên dòng suối. Làn nước trong xanh phản chiếu khuôn mặt phúc hậu thoáng chút ưu tư hiện trên vầng trán cao thanh tú. Đã luống tuổi, phục sức áo vải thô sơ, nhưng trông bà thật cao sang đài các. Dòng thời gian và sự khắc nghiệt của cuộc sống dường như chưa xoá nhòa hết dáng vẻ yêu kiều của một thời vàng son xưa cũ.
Múc nước xong, bà đứng thẳng người hướng tầm mắt nhìn ra xa. Nơi cửa ngỏ của con sông lớn, xóm làng dân cư trù phú trải dài đến ngút mắt. Ruộng đồng cây trái mênh mông. Những mái nhà tranh ẩn mình trong khu vườn rộng, lan tỏa làn khói bếp giữa cảnh chiều êm ả. Ở mỗi thôn xóm… là một ngôi chùa sư sải uy nghi tráng lệ có đỉnh vút cao như ngọn tháp. Vài nóc chùa mái cong trầm mặc của lưu dân người Việt cũng góp mặt, tạo nên một phong thái riêng của chốn quê nhà xa khuất.
Bà chợt ngước lên khi nghe có tiếng vó ngựa dập dồn. Tiếng ngựa xe của chốn kinh kỳ sao lại lạc lối đến chốn này. Một đoàn xe ngựa hiện ra rồi dừng lại bên kia đường. Viên võ quan bước xuống, đi đến bờ sông liền quỳ mọp xuống tung hô:
– Xin cung nghinh lệnh nương nương hồi cung …
Đôi mày lá liễu của người phụ nữ hơi nhíu lại, bà chỉ ra hiệu cho người đối diện đứng dậy. Im lặng giây lát bà mới nhỏ nhẹ lên tiếng:
– Trở về hoàng cung ư ? Ta chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận điều này. Thật chẳng còn thích hợp và lòng ta cũng không mong muốn gì hơn là được sống bình yên cùng xóm làng, xa lánh hết mọi điều phiền toái giữa chốn kinh thành.
– Thưa lệnh Bà- Giọng viên võ quan vẫn điềm đạm rõ ràng- Xin hãy nghĩ đến non sông Đất Nước, cùng lòng khát ngưỡng của con dân vùng Thủy Chân Lạp, hơn nữa theo di chiếu Tiên vương để lại…. Xin lệnh bà mau đưa Thái tử về lên ngôi cửu ngũ. Việc Quốc gia đại sự không thể trì hoãn…
Hoàng tử áo vải- là cách gọi thân tình của cư dân dành cho hai người con trai của bà, lúc này cũng bước ra đứng bên cạnh mẹ. Đại thái tử lắng tai nghe cuộc đối thoại với vẻ mặt bình thản, tuyệt không biểu lộ chút cảm xúc nào. Mọi việc diễn ra đúng như mẹ chàng đã dự đoán. Cũng như bà từng dự đoán sự tranh đoạt ngai vàng của người chú cách đây nhiều năm.
– Xin thỉnh nương nương và Thái tử hồi cung. Triều thần và dân chúng đang chờ đợi. Đất Nước không thể một ngày không có vua…
Người mẹ vẫn im lặng. Nhà vua tiếm vị vừa băng hà. Hoàng gia không người kế vị. Đất Nước khó tránh khỏi cảnh nội loạn ngoại xâm. Năm năm, những xáo trộn đau buồn cũng phôi pha. Những tưởng mọi việc đã an bày. Vậy mà… Bà quay sang Thái tử, nhẹ nhàng ra mệnh lệnh:
– Đất nước này, thần dân này là của Phụ vương và Hoàng tộc Thủy Chân Lạp, các con phải có trách nhiệm giữ gìn thừa kế. Vậy… hai con hãy mau chuẩn bị theo Đại quan trở về hoàng cung lo đại sự.
– Thế còn mẹ?
Đại Thái Tử hỏi, chàng có cảm nhận là bà không có ý định trở về.
– Mẹ sẽ ở lại. Cuộc sống của mẹ chính là thôn xóm bình yên này. Mẹ muốn dành quảng đời còn lại làm việc và sống theo những mơ ước mà mẹ hằng ôm ấp.
Nhị Hoàng tử cũng lên tiếng:- Đại huynh nên trở về kế vị. Em cũng muốn ở lại đây với mẹ.
– Không!- Người mẹ lắc đầu dứt khoát:- Con cũng phải trở về. Hoàng gia và Đất Nước đang cần các con. Con phải phụ giúp hoàng huynh công việc trị Nước an dân.
Đại Hoàng tử buồn bã nói:- Vậy là mẹ từ bỏ chúng con sao. Chuyện Quốc gia đại sự, con thấy mình chưa đủ năng lực. Dù có kế vị ngai vàng, làm vua một nước, con cũng cần có mẹ một bên để khuyên răn chỉ bảo. Và làm sao chúng con yên tâm khi để mẹ ở đây một mình.
– Mẹ không bỏ các con. Mẹ ở đây vì thích hợp với cuộc sống thôn dã, cũng là gián tiếp giúp con ổn định dân tình. Đừng lo cho mẹ. Ở đây mẹ có dân làng, có những người đồng hương luôn gần gũi thương yêu và cần đến sự giúp đỡ của mẹ.
… Người con gái Đất Việt theo chồng về làm dâu xứ Chân Lạp ngót nghét đã hơn hai mươi năm rồi. Nàng vốn thuộc dòng quỳnh chi ngọc diệp. Công chúa Ngọc Vạn, con gái thứ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, nổi tiếng là người xinh đẹp, khí chất thông minh, bẩm tánh lại nhân hậu hiền lành. Mười tám tuổi, nàng là đoá hồng nhung hiếm có trong khu vườn thượng uyển, mặc cho ong bướm ngẩn ngơ rào đón, công chúa vẫn vô tư bình thản vui chơi trong cảnh ấm êm của cuộc sống vương giả. Mà hình như nàng cũng sớm nhận ra đâu đó có ánh mắt thẩn thờ của một người. Ánh mắt chỉ để dành riêng cho nàng. Chàng là quan Đô Uý, thường ngày vẫn ra vào cung chúa. Mỗi lần gặp nàng, chàng chỉ cúi đầu chào nhưng ánh mắt thì hàm chứa bao điều thiết tha nồng ấm. Đôi lần công chúa cũng cảm thấy lòng bâng khuâng xao xuyến…
Một hôm có sứ thần từ đất nước Chân Lạp xa xôi tìm đến với lễ vật của nhà vua Chey chetta xin được cưới công nương Ngọc Vạn. Chúa Sãi tiếp đãi sứ thần trọng hậu nhưng chưa trả lời dứt khoát. Chúa không nở xa con, không muốn gã công chúa đến vùng biên địa xa xôi. Triều thần cùng các Vương công Hoàng tử họp bàn khuyên chúa nên ưng thuận để tỏ tình ban giao, mở mang thêm bờ cõi. Chuyện những nàng công chúa được gả cho vua chúa các nước lân bang, lịch sử thời nào chẳng có. Làm Hoàng hậu một vị vua Nước nhỏ mà danh tiếng oai hùng, chẳng là danh giá lắm sao!
Ngọc Vạn nghe được thông tin, lòng không khỏi hoang mang. Lấy chồng xa xứ nghĩa là nàng phải từ bỏ quê hương, xa cha cách mẹ, xa tất cả mọi thứ đã trở nên quen thuộc từ thưở lọt lòng. Vua nước Chân Lạp đó, nàng chẳng dám chắc có tình yêu không, hơn nữa lại bất đồng về ngôn ngữ, khác hẳn mọi tập quán phong tục, rồi đây nàng sẽ ra sao? Làm Hoàng Hậu nào phải là điều mà nàng mơ ước. Nhưng Ngọc Vạn vốn là đứa con chí hiếu, không muốn cha phải nghĩ ngợi nhiều đến chuyện lập thân của mình, nên khi chúa ướm lời nàng liền gật đầu ưng thuận. Thế là tin công chúa xuất giá được loan truyền. Ngày rước dâu cũng cận kề. Phủ chúa rộn rịp trang hoàng mọi thứ cho nàng công chúa nhỏ vu quy xuất giá.
Dù chấp nhận mọi việc đã an bài, Ngọc Vạn cũng thấy lòng bồn chồn lo nghĩ. Đây là lần đầu tiên nàng xa nhà. Một sự ly biệt không biết bao giờ nàng mới được trở lại quê hương. Rồi khi cha mẹ bóng xế tuổi già, liệu nàng có kịp trở về hầu cận chăm sóc. Về làm dâu xứ người, liệu nàng có đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua mọi khoảng cách. Và kìa… nàng lại bắt gặp ánh mắt dõi nhìn từ xa. Ánh mắt như muốn nói lên bao điều ngay khi mọi việc đã quá muộn màng. Trước ngày hôn lễ, Ngọc Vạn nhận được bài thơ do người cung nữ mang đến.
“Con chim nhỏ chốn lồng son
Phút chốc rời xa bến mộng
Con tim buồn trông lối ngõ
Bóng người khuất nẻo bên sông…”
Đoàn thuyền rước dâu nối dài cả khúc sông. Dân chúng đứng xem đông chật hai bên bờ. Ngọc Vạn quay nhìn về phía hoàng cung lần cuối. Phụ vương, mẫu hậu vẫn còn đứng đó, trên chiếc thuyền rồng. Giây phút ly biệt, có tiếng sục sùi, có lời chúc phúc. Cũng có vài ánh mắt dõi theo nàng với lòng yêu thương cảm kích cùng sự tiếc nuối vô vọng. Ngày dần tàn. Trước mắt nàng chỉ còn là màn sương đêm nhập nhòa bao phủ. Ngọc Vạn vò nát bài thơ quăng xuống dòng sông. Quá khứ dù đầy ấp mộng đẹp rồi sẽ như dòng nước kia trôi xa mãi mãi. Chỉ có con đường phía trước là mênh mông trải dài đến vô tận…
***
Ngọc Vạn theo chồng về xứ lạ, làm trọng trách một chiếc cầu nối, giữ tình bang giao hữu nghị giữa hai dân tộc, nhưng rồi trái tim nàng cũng rung động trước vẻ lịch lãm quyền uy của một đấng quân vương. Nhà vua rất mực yêu thương Hoàng hậu và nàng cũng đáp trả bằng sự trinh trắng mặn nồng. Hai hoàng nam tuấn tú ra đời chỉ trong vòng ba năm càng gắn bó mối tình vương giả. Cuộc sống mới tràn ngập hạnh phúc đã giúp Ngọc Vạn nguôi ngoa nỗi nhớ quê nhà.
Rồi nàng xin nhà vua cho mình xuất chinh để tìm hiểu và giúp dân tình làm ăn sinh sống. Dù sinh trưởng nơi cao sang quyền quý, nhưng từ bé Ngọc Vạn lại ưa thích tìm đến những vùng quê để được thỏa thích ngắm nhìn muôn vẻ đẹp diệu kỳ của ruộng đồng thiên nhiên cây cỏ. Ngọc Vạn ao ước có ngày mình được tự do đi lại những nơi ấy. Và nay khi niềm ao ước kia thành hiện thực, Ngọc Vạn lại khát khao làm được nhiều điều thiết thực hơn nữa cho đất nước nhà chồng và cho con dân của Dân tộc mình.
Hoàng hậu Khassttey- tước hiệu của Ngọc Vạn, xin đức vua Chetta cho phép dân Việt đến lập cư sinh sống nơi những vùng đất còn hoang hóa dọc theo bờ sông. Nhà vua chấp thuận vì tình yêu với sủng hậu. Hơn nữa vua cũng nhận thấy khả năng người Chân Lạp không thể đơn phương khai khẩn, giữ gìn những đầm lầy rộng lớn quanh lưu vực con sông. Theo thoả thuận của vua Chân Lạp, chúa Nguyễn khuyến hoá cư dân đi khai hoang miền đất mới. Và thế là, nhiều làng mạc đã mọc lên theo bước chân người từ phương bắc tiến vào khai cư lập nghiệp. Chỉ vài mươi năm, vùng Prey Nokor ( Sài Gòn- Gia Định) trở nên trù phú, phát triển. Nhiều khách thương và cư dân các vùng lân cận cũng tìm đến làm ăn sinh sống.
Hoàng hậu trẻ ngoài việc cai quản tam cung, giúp đỡ nhà vua việc trị nước, dạy dỗ các con, lúc rảnh bà lại thích nghiên cứu kinh sách. Bà thông thạo kinh điển Đại thừa lẫn Tiểu thừa, đọc cả những sách nói về địa lý môi trường, nhân sinh xã hội. Người dân xem bà là hiện thân của Bồ Tát Quan Âm đến đất nước họ để ban bố tình thương và hạnh phúc. Bà là bậc mẫu nghi thiên hạ nhưng lúc nào cũng sẵn sàng có mặt ở những vùng xa xôi nhất để chỉ vẻ cho dân cách thức trồng trọt đạt năng xuất, chỉ cho họ từ cách ăn ở vệ sinh đến thuốc men khi đau yếu. Sự gần gũi chân tình đó đã dần xóa những mặc cảm kỳ thị của người dân bản xứ đối với dân tộc hùng mạnh ở phương bắc.
… Vua Chey Chetta băng hà. Triều đình Chân Lạp trải qua một cơn biến loạn. Hội đồng hoàng tộc, mà chủ mưu là người em chồng- được tiên vương ký thác làm nhiếp chính, đã nổi lên dùng binh quyền cướp ngôi của cháu- Thái tử con nàng còn trong độ tuổi thiếu niên. Hai Hoàng tử bị bắt giam, riêng Ngọc Vạn được đặc cách cho trở về quê hương. Trở về quê nhà khi nước mắt khóc chồng còn chưa ráo lệ, hai con nhỏ dại lại bị giam cầm là điều mà Ngọc Vạn không đành lòng. Bà khẩn cầu xin Tân Vương cho mẹ con bà được lui về nơi ấp làng sinh sống cuộc đời dân dã, quyết không tranh giành vương quyền ngôi vị. Có lẽ do thiện ý của bà, do tiếng tăm và công sức bà đóng góp nhiều cho vương triều và hơn hết vì lòng kính ngưỡng mến mộ của dân chúng cùng triều thần quá lớn, vị tân vương không dám gây thêm họa loạn nên chuẩn y theo nguyện vọng cho mẹ con bà đến sinh sống ở miền quê xa.
* * *
… Mấy ngày qua chùa chiền và dân chúng các phum sóc trở nên náo nhiệt. Người ta bận rộn lo trang hoàng nhà cửa và tổ chức các cuộc vui chơi lễ hội mừng năm mới. Nhiều năm rồi Ngọc Vạn đã quen với không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc Chân Lạp. Ngày Tết được tổ chức vào giữa tháng tư, khi mùa màng đã thu hoạch xong, đồng ruộng khô cạn. Tháng tư mùa hạ, lại gắn liền với mùa lễ hội Phật giáo. Mọi người được nghỉ ngơi vui chơi trong ba ngày. Nhà nhà lo sắm sửa vật liệu làm thức ăn bánh trái đem đến chùa cúng dường cho các vị sư sải để cầu phước. Nhà chùa cũng sắp bày các nghi lễ tụng kinh cầu an và tắm Phật cho Phật tử.
Người bản xứ vốn sùng tín đạo Phật nên họ đặt cho Ngọc Vạn mỹ danh “Phật bà” Khi nghe Ngọc Vạn bày tỏ điều băn khoăn ấy thì vị sư truyền lễ quy y cho bà nói:- Là dân làng muốn tỏ rõ sự tôn kính tột bực mà họ dành cho bà. Trái tim bà thật dịu dàng rộng mở. Những việc bà làm càng rộng lớn bao la. Sự hiện hữu của bà đem lại niềm tin và an lạc cho mọi người… Đó chẳng phải là hạnh nguyện của Bồ tát sao. Bồ tát vào đời mang nhiều tâm nguyện và hình thù khác biệt, chứ đâu nhất thiết phải là người xuất gia.
… Vị vua trẻ đi dạo cùng mẹ trên con đường làng, hai bên trải dài những đầm sen tỏa hương thơm ngát. Vạn vật yên bình. Khung cảnh dịu mát khiến tâm tư nhà vua trở nên sảng khoái nhẹ nhàng. Suốt cả tháng bận rộn công việc triều chính, chỉ khi trở về đây nhà vua mới cảm nhận được sự nhẹ nhàng của tâm trí. Trở về với mẹ cũng là trở về với nơi mà chàng từng sống qua cái thời hành vi bình lặng mà thanh thản. Nhiều lần nhà vua cố thỉnh cầu mẹ trở về hoàng cung, song bà vẫn nhất quyết:
– Con kế nghiệp Tiên đế, gánh trọng trách làm yên dân. Dân có yên thì đất nước mới mở mang phát triển. Đất nước hùng mạnh mới tránh được cái họa nội loạn ngoại xâm. Một vị vua tài trí anh minh phải biết nghĩ đến điều đó. Còn mẹ… từ ngày còn sống trong cung chúa, mẹ đã yêu thích thiên nhiên, yêu thích những con người mộc mạc hiền lành và mong muốn một ngày mình được sống chan hòa nơi ấy. Suốt đòi này, mẹ chỉ tâm nguyện bấy nhiêu…
– Con nhìn kìa! Người mẹ chợt đưa tay chỉ về phía trước- Nơi đây ngày trước mẹ chỉ đem vài cây sen từ quê nhà sang ươm trồng. Bây giờ đã trở thành một đầm sen rộng lớn. Mùa hè cũng là mùa lễ hội mừng năm mới, mùa Phật đản. Hoa sen mộc mạc dung dị là vậy nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Trước kia mẹ vẫn thường dẫn hai anh em con đi chùa lễ Phật. Mẹ từng đọc cho các con nghe một đoạn kinh Phật nói về ý nghĩa hoa sen… Con còn nhớ chứ?
Nhà vua cúi đầu lễ phép:- Thưa mẹ! Con vẫn nhớ.
Người mẹ tiếp lời:- Hoa sen đối với mẹ còn mang biểu tượng hình ảnh của quê nhà. Mỗi mùa sen nở, nỗi nhớ quê hương canh cánh bên lòng, nhưng mẹ rất vui khi nhìn những cánh đồng vườn tược xanh tươi cứ mọc lên. Mẹ càng ấm lòng khi thấy dân chúng của hai đất nước chung sống yên vui hòa hợp. Ở đây mẹ luôn có những người đồng hương để yêu thương và san sẻ…
Nhà vua nhỏ nhẹ thưa:
– Vâng! Thưa mẹ! Con đã hiểu. Và con thấy thật dễ chịu khi đi giữa một cánh đồng tràn ngập hương sen. Dân chúng tôn xưng mẹ là Bồ tát Quan Âm, là có ý vị lắm. Với con, mẹ chính là hương sen Đất Việt. Lòng vị tha, từ bi và đức hạnh của mẹ mãi mãi là đóa sen bất diệt trong lòng người.
Người mẹ khẽ kêu lên: – Xem kìa! Nhà vua đang khen mẹ mình hay là muốn huấn dụ con dân đấy.
Tiếng trống lễ hội mừng năm mới nơi đầu thôn vang lên rộn rã. Hai mẹ con nói chuyện vui vẻ, chẳng mấy chốc đã tới cổng chùa. Nhà chùa đang làm lễ tắm Phật. Mấy cô gái trẻ trong trang phục sắc sở ngày xuân tiến tới dâng cho Thái Hậu và Đức Vua hai bó sen hồng tươi thắm. Mọi người tránh sang hai bên cung nghinh nhà vua và Thái hậu bước vào chánh điện làm lễ.
Hương sen Đất Việt. Ngọc Vạn mỉm cười ôm bó sen tiến vào dâng cúng Phật. Mùi hương sen lan tỏa trong ngày lễ hội đón mừng năm mới./.
Lam Khê