09 -Lời khuyên song thân

Cha má kính thương,

Tuổi già không có gì cần thiết hơn là cố gắng tinh tấn tu hành để tìm phương giải thoát. Nhà cửa chắc đã khởi công, tiền bạc chắc cũng đã tạm ổn. Nơi thờ phụng ông bà chắc cũng sẽ được khang trang. Đây là cơ hội cho cha má yên tâm rũ sạch mọi sự bận bịu để lo niệm Phật tu hành. Cha hãy giao cho anh chị em nào đó trông coi, chăm sóc việc nhà, chứ cha má không nghe theo lời con, cứ lăng xăng vào mấy thứ vặt vãnh thì rốt cuộc không làm được gì cả, mà cuộc đời của cha với má cũng không ai cứu nổi nữa đâu. Trăm ngàn lần con tha thiết xin cha má hãy nghe lời con, mau mau phát tâm niệm A-di-đà Phật, đừng chần chờ nữa. Ngày cha má ra đi, cha má không thể nào mang theo cái nhà Từ-Đường gì đó đâu. Tiếng khen chê của hàng xóm không cứu được mình ra khỏi địa ngục, không ai tới nhà lao chịu khổ giùm cho mình, chịu đau giùm cho mình, chịu rên siết giùm cho mình đâu cha má ạ.

Nếu cha má không chịu tu hành, thì coi như lòng hiếu thảo của con xưa nay đã tràn, đã đủ rồi! Bây giờ có cấp dưỡng cho cha má ăn uống no say cũng chỉ tạo thêm nghiệp khổ cho cha má chứ không ích gì. Con quyết chí, đường con vạch ra con sẽ đi. Lúc đó cha má khó có thể liên lạc được với con nữa. Nếu cha má trách con bất hiếu con chấp nhận bất hiếu: Cái bất hiếu của người con muốn cứu cha mẹ nhưng cha mẹ không chịu nghe theo, cứ muốn đua nhau đi vào hầm lửa, thì con đành chịu thua. Ngày cha má bỏ xác thân hãy để cho anh chị em khác khóc than, con không khóc. Con đã thấy trước rồi, đã hiểu được rồi. Con đã thấy được một sự thật nên không những đã khóc cho người thân còn sống, mà khóc luôn cho ông bà trong dòng họ mình rồi. Tình thực con khóc không còn ra nước mắt nữa, mà chảy đến cả máu trong tim ra. Con vắt từng giọt máu đau buồn đó ra mà khuyên Song-Thân tỉnh ngộ, mà không chịu nghe thì thôi, chứ bây giờ còn bảo con khóc làm gì nữa? Con thấy rõ ràng tiếng khóc than đó không ích lợi gì? Đâu có cứu vớt được ai?

Thưa cha má, trước giờ mình không biết, vì bất tri bất giác mình tạo nghiệp đã quá nhiều thì cũng đành đi. Nay đã biết, đã thấy, thì hãy quay đầu lại. Con ngày đêm nguyện cầu chư Phật gia trì cho cha má, hằng mong cha má xa lìa nẻo trần tục để trở về bến giác. Chỉ thế thôi mà con viết không biết bao nhiêu thư từ, nói không biết bao nhiêu lời tha thiết, nhưng đến hôm nay thực sự con vẫn buồn không thể tả được, vì cha má chưa chú trọng đến sự giải thoát. Cha má hãy tự hỏi đi, còn sống bao năm nữa để lo nhân nghĩa, để lo tròn tiếng khen chê? Nếu cha má thấy có đủ sức lo tròn cho hết con rồi tới cháu, hết cháu rồi tới chắt, hết ơn rồi tới nghĩa, hết danh rồi tới vọng, hết từ đường rồi tới đống tro tàn… thì cha má cứ việc lo đi. Ôi, đây cũng là căn phần phước đức của cha với má. Con không biết nói gì thêm, lời khuyên của con dù sao cũng chỉ để nhắc nhở, lòng chân thành của con dù sao cũng chỉ mở đầu, sự quyết tâm của con dù sao cũng giới hạn! Con không có một năng lực nào để cứu cha má, chính cha má phải tự cứu lấy. Xin cha má suy nghĩ kỹ.

Trong giảng ký của Hòa-Thượng Tịnh-Không (quyển 21->31) có đoạn Ngài nói như vầy:

“Bảy ngày trì danh nhất tâm bất loạn” để lấy đó làm pháp môn tu. Pháp môn này là phương pháp tu hành Trì Danh Niệm Phật. Cần bao lâu? Bảy ngày thì được rồi. Nhưng niệm bảy ngày, quí vị niệm thử xem có vãng sanh hay không? (Thực ra nếu bảy ngày niệm vãng sanh, có lẽ pháp môn này không có ai dám học, vì chỉ còn có bảy ngày nữa là chết rồi, ai mà dám học pháp môn này?). Quí vị niệm bảy ngày sao vẫn chưa vãng sanh. Đừng nói bảy ngày, niệm bảy năm cũng không vãng sanh. Nguyên nhân ở đâu? Thật ra không phải pháp môn có vấn đề, mà là tâm của quý vị niệm Phật có vấn đề. Vấn đề ở chỗ nào? Không muốn đi! Niệm, là tưởng mà niệm chứ không muốn đi.

Quý vị đọc đại kinh rất nhiều và đều biết thế giới Tây-phương Phật A-di-đà, Quán-Âm, Thế-Chí, chư Thượng-Thiện-Nhân, thiên nhãn của các Ngài rỗng suốt, thiên nhĩ nghe thấu cả, tha tâm thông biết khắp, do đó các Ngài đã thấu suốt quý vị. Quý vị niệm bảy năm các Ngài cũng không đến tiếp dẫn quý vị là vì sao? Vì quý vị miệng niệm mà tâm thì không! Quý vị không thật sự muốn đi. Nếu thật sự muốn đi, thì lời này rất linh nghiệm, xác thật trì danh bảy ngày nhất tâm bất loạn thì có thể vãng sanh. Từ xưa đến nay trong những vị Đại đức vãng sanh chúng ta xác thật đã thấy qua. Gần đây nhất là ở Washington DC, tiên sinh Châu-Quảng-Đại niệm ba ngày ba đêm vãng sanh, đó không phải là giả. Ông ta vẫn chưa niệm đến bảy ngày, mới có ba ngày ba đêm mà đức Phật A-di-đà đã đến tiếp dẫn ông vãng sanh.

Cho nên vấn đề là ở chúng ta tâm có thật hay không. Nếu thật tâm thì phải thiết nguyện, đây là một nhân tố”.

Thưa cha má, trong đoạn này có nhắc đến một người ở Mỹ niệm Phật chỉ ba ngày được vãng sanh về thế giới Tây-phương. Mở kinh A-di-đà ra ấn chứng, đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: “Này ông Xá-Lợi-Phất, nếu có một người thiện nam, thiện nữ nào nghe ta thuyết về Phật A-di-đà, chấp trì niệm danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm không loạn, thì người đó đến lúc lâm chung, có Phật A-di-đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Người đó lúc ra đi tâm không điên đảo, chắc chắn được vãng sanh về thế giới Cực-lạc của Phật A-di-đà”. Đây là lời của chính kim khẩu của Phật Thích-ca Mâu-ni nói ra.

Ông Châu-Quảng-Đại đã được vãng sanh trong điều kiện này. Trong thư nào trước con có nhắc đến một người ở Mỹ bị ung thư đến chỗ không còn chữa được nữa, bác sĩ cho về nhà để chờ vài tháng sau chết. Nhà ông ta rất giàu, họ tung tin khắp nơi tìm người cứu chữa và họ chịu trả tiền rất hậu. Ông ta may mắn gặp người khuyên ông hãy bỏ xác thân này đi, thành tâm niệm Phật cầu về Tây-phương có hơn không. Ông là người không hề biết gì về đạo Phật, nhưng nghe hiểu lý, cùng gia đình quyết chí làm theo và nhờ người niệm Phật đến hộ niệm. Ông quyết tâm một lòng về với Phật, niệm được hai ngày ông thấy có người đến tiếp dẫn. Ông diễn tả hình dáng cho mọi người nghe, thì ra đó là Địa-Tạng-Vương Bồ-tát. Mọi người bảo ông đừng đi, cứ việc tiếp tục niệm A-di-đà Phật. Đến ngày thứ ba, Phật A-di-đà đến, ông xin cáo biệt mọi người và an nhàn ra đi trong ánh quang minh của A-di-đà Phật. Trong giảng ký quyển 21-31 này có nói tên là Châu-Quảng-Đại, còn người nói trong giảng ký khác con vừa kể trên thì không nói tên. Nhưng có lẽ hai người này là một vì cùng ở Hoa-Kỳ, Washington DC.

Thưa cha má, nếu kém phước đức thiện căn, ông Đại cứ theo thói tục thường tình, bỏ bạc triệu đô-la ra mua thêm vài năm sống, thì nay mạng ông cũng không còn, nhưng vài năm sống đó có sướng ích gì đâu với căn bệnh ung thư tàn tệ! Với bịnh này nó hành đau nhức kinh khủng, có người nhức đến nỗi phải chết giấc luôn. Đem tiền bạc triệu để mua lấy những ngày tháng nhức nhối, khổ đau, xỉu lên xỉu xuống, rồi rốt cuộc đau nhức quá chịu không nổi cũng phải chết trong đau đớn. Như vậy có khôn gì đâu! Còn mạnh dạn hủy bỏ cái túi da rã mục này, an nhiên về với Phật, trở thành bậc Bồ-tát bất-thối, an lạc tự tại, thần thông bao trùm cả vũ trụ, đây mới là đại thông minh, trí tuệ chứ.

Ngài giảng tiếp: “Còn nhân tố thứ hai? Tức là ở đây nói Nhất-tâm-bất-loạn, đây là một nhân tố quan trọng nhất. Vừa niệm Phật vừa vọng tưởng thì không được, bảy ngày bảy đêm không thể vãng sanh. Quý vị niệm một ngày một đêm cũng tốt, hai ngày hai đêm cũng tốt, trong một câu Phật hiệu chắc chắn không thể xen tạp vọng tưởng thì mới gọi là nhất tâm hệ niệm. Cho nên công phu niệm Phật cần phải không gián đoạn, không hoài nghi và không xen tạp. Nếu vẫn có hoài nghi cũng có thể sanh đến biên địa, đó là trong kinh nói. Nếu không hoài nghi, không gián đoạn nhưng còn xen tạp thì chắc chắn không thể vãng sanh, biên địa cũng không có phần luôn. Các vị đồng tu pháp môn niệm Phật nên biết điều này.

Do đó, sự xen tạp đối với niệm Phật có thương hại rất lớn, không phải pháp môn không linh nghiệm mà là tự chúng ta đi sai đường. Pháp môn tu hành này so với pháp môn khác đơn giản hơn nhiều, dễ dàng thỏa đáng nhanh chóng.

Đến khi lâm chung liền được vãng sanh đến bực bất thối. Khi lâm chung Phật đến tiếp dẫn người tu hành ắt biết đến giờ mất. Quý vị thấy một vị đệ tử của pháp sư Đàm-Hư là cư sĩ Trịnh-Tích-Tân, ông này người Sơn-Đông. Trước khi học Phật ông đã từng là một nhà kinh doanh. Sau khi học Phật mấy năm ông không đi làm ăn nữa, ông đi học giảng kinh A-di-đà. Đại khái giảng cũng hay. Đi đến đâu cũng giảng kinh A-di-đà và khuyên người niệm Phật, không màng đến việc làm ăn. Anh em trong nhà không hiểu ông, cho rằng ông học Phật thành mê, nên đã đối với ông không được tốt.

Có lần ông giảng kinh xong rồi, mọi người đều ra về, chỉ còn một vài người bạn thân, ông nói với những người ấy rằng: “Tôi muốn đi, các anh em có quen biết ở nơi này thì thuê dùm tôi một căn nhà”. Mấy người bạn này nghe lấy làm lạ: “Anh muốn đi thuê nhà để làm gì?”. Ông nói: “Không phải tôi đi đến nơi khác, tôi muốn vãng sanh đến Tây-phương Thế-giới Cực-lạc đó mà, sợ chết ở trong nhà thì người ta sợ, họ kỵ nên muốn thuê nhà”. Những vị đồng tu nghe rồi nói: “Anh vãng sanh thế giới Cực-lạc, tôi không kiêng kỵ gì cả, hãy đến nhà tôi đi. Đến nhà tôi thì mọi người đều vui mừng đồng ý”. Đó là biết trước ngày giờ vãng sanh.

Sau khi ông đến nhà người bạn, các vị đồng tu nói với ông: “Anh vãng sanh là việc tốt”. Người xưa vãng sanh thường hay nói bài kệ hoặc làm mấy vần thơ cho chúng tôi làm kỷ niệm. Ông nói: “Không cần đâu! Hãy trông tôi làm kỷ niệm là hay lắm rồi”. Ông khuyên mọi người niệm Phật giúp ông. Niệm chưa đầy một phút ông tréo hai chân ngồi kiết già trên giường đi luôn! Sạch sẽ gọn gàng!

Ở nhà người cư sĩ đó sau này anh em trong nhà thấy bạn của anh mình vãng sanh liền tin tưởng. Người em cũng một lòng niệm Phật, hai năm sau người em trai cũng được vãng sanh. Câu chuyện này có thật sự!”

Đoạn này kể chuyện ông Trịnh-Tích-Tân, vãng sanh tự tại như người đi chợ. Ông muốn đi thì đi, muốn ở thì ở. Rõ ràng, vãng sanh không phải là chết, mà còn sống nhưng họ không lưu luyến thế gian này nữa. Họ muốn về với Phật sớm sướng hơn.

Thưa cha má, con thường nói con người chúng ta không bao giờ chết. Ta chỉ bỏ lại cái xác thân này rồi tìm một chỗ nào đó tiếp tục sống. Người khôn tìm chỗ tốt, người mê muội thì vào ngục tù vạn kiếp để khóc than. Nếu hiểu được đạo thì mình thấy rõ ràng “Ta” không phải là cái thân thể này đâu, mà cái thân thể giống như một vật ta lượm trong tứ đại về để núp bóng mấy chục năm, sau cùng nó mục mình phải bỏ lại để tìm cái thân khác để núp. Thế thôi! Như cái áo để mặc vài năm, cái nhà để nằm ngủ đôi khi lâu hơn cái thân một chút, cái chiếc xe đạp để cỡi đi đây đi đó… mỗi vật có một sở dụng của nó. Khi nó mất, mỗi cái cho ta cảm giác đau buồn riêng.

Như vậy cái thân còm cõi của cha má đang mang là cái cục thịt, xương, nước tiểu, phẩn… mình sử dụng nó để núp trong thời gian này thôi. Nó mục thì mình phải liệng, nếu tiếc không liệng thì nó rách te tua ra, nó mang đủ thứ bệnh họan, nó hành cho đến khi mình phải liệng nó đi mới thôi. Nếu liễu ngộ được điều này rồi, thì còn gì nữa mà không nhanh chóng niệm Phật, cầu về cho được miền Cực-lạc, thưa cha má?

Trong đoạn giảng ký này, có nói tại sao có người niệm Phật nhiều năm mà không được vãng sanh, còn có người thì muốn đi thì đi, muốn ở thì ở, có người ba bữa đã về với Phật ngon lành. Cái lý do chính là vì chưa hiểu thấu “Hai mươi chữ trên tượng Phật A-di-đà”. Ngài Tịnh-Không khi ngộ đạo, Ngài tổng nạp Phật pháp thành hai câu này:

“Chân-Thành Thanh-Tịnh Bình-Đẳng Chánh-Giác Từ-Bi. Khán-Phá Phóng-Hạ Tự-Tại Tùy-Duyên Niệm Phật”.

Đại khái của vế thứ nhất là tu hành cần ở lòng Chân-Thành, chí thành chí thiết, đừng nên tu vì tiếng khen chê, vì lòng mến mộ, vì phước báu… Tu để quyết định con đường giải thoát, quyết lòng cầu đạo. Lòng chân thành đó là đầu mối tất cả những thành quả phía sau.

Hễ Chân-Thành thì tâm được Thanh-Tịnh, an lạc, mọi sầu khổ tự nhiên biến mất. Mình ở cái nhà tốt xấu cũng không lo. Ai khen cũng tốt, ai chê cũng tốt. Con đường ta đi là về với Phật để hưởng tận mọi cảnh vui sướng. Cha má cứ nghĩ vài năm nữa ta về với Phật, không thèm ở đây nữa. Thế thì lo lắng, mưu đồ, danh vọng hão huyềøn, được vài người khen tặng để làm gì? Tất cả những thứ đó nó có giúp được gì cho mình trong ngục tối không? Tuổi về già là thời điểm dễ hiểu đạo nhứt, là cơ hội tốt giúp ta mạnh dạn buông xả hết mọi trần lao, để có trạng thái An-Lạc, Thanh-Tịnh. Sướng-Khổ tại Tâm, Thiên-đàng hay Địa-ngục cũng tại Tâm là như vậy.

Tâm có Thanh-Tịnh thì mới có Bình-Đẳng, thì mới biết trọng người, mới bỏ thói khinh mạn tự cao. Có Bình-Đẳng mới thoát nạn giai cấp quan-dân, giàu-nghèo, thượng-hạ. Được Bình-Đẳng thì mới Chánh-Giác, nghĩa là cái thấy, cái biết, cái nghĩ, cái đối người tiếp vật mới đúng đắn, mới nghiêm chỉnh. Cái tệ nạn chiến tranh xảy ra trên thế giới đều bắt nguồn từ cái nhìn cái nghĩ thiên lệch, từ tà tri, tà kiến. Bảo thủ, cố chấp là đầu mối xảy ra xung đột. Sự chém giết nhau không thương tiếc chỉ vì sự hiểu biết của con người đã quá hạn hẹp, vì lòng thương đã khô cạn mà thôi. Cho nên có Bình-Đẳng, Chánh-Giác mới có Từ-Bi. Lòng Từ-Bi giúp ta bớt hại đến sanh vật, biết sám hối tội lỗi của mình, vì từ trước đến giờ ta đã vô tâm giết hại không biết bao nhiêu mạng sống của chúng sanh một cách tội nghiệp.

 Chân-Thành, Thanh-Tịnh, Bình-Đẳng, Chánh-Giác, Từ- Bi là cái THỂ tu hành, là cái hướng để tiến, là ngọn đuốc soi đường. Còn Khán-Phá, Phóng-Hạ, Tự-Tại, Tùy-Duyên, Niệm-Phật là cái DỤNG của sự tu. Một bên là Thể một bên là Dụng. “Thể” là chủ đích, cứu cánh, mục tiêu. “Dụng” là thực hành, phương pháp, cách thức tu hành, công phu huân tập. Thể và Dụng của hai mươi chữ này đạo lý rất là cao, một dịp nào đó con xin trở lại. Bây giờ thư đã dài, cho con xoáy vào trọng tâm của đoạn giảng ký trên và nói những gì phù hợp với điều cha má đang bị lấn cấn hiện nay. Đó là bốn chữ: KHÁN-PHÁ, PHÓNG-HẠ.

“Khán-Phá” là thấy rõ sự thật, hiểu thấu cái kiếp nhân sinh, biết rốt ráo cái chân tướng của vũ trụ. “Phóng-Hạ” là buông xuống, là bỏ đi, là không đèo bồng, không dính mắc, không luyến tiếc. Tất cả phải biết buông xuống sạch trơn mới trở về với Phật được. Đó là tinh thần buông xả, tối quan trọng để thành tựu đạo nghiệp trong đời này. Hai người vãng sanh ở trên đều thuộc người buông xả trọn vẹn.

Ông Châu-Quảng-Đại, nhờ bệnh hoạn đã làm cho ông ta tỉnh ngộ. Do thiện căn phước đức trong những đời trước của ông ta bất chợt thành tựu, đã giúp ông chợt hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Đó là sự “Khán-Phá” vĩ đại đầy may mắn. Vì hiểu thấu được chân tướng sự thực, tất cả chỉ là số không, cho nên ông quyết tâm buông bỏ tất cả, không cần cầu mong một thứ gì ngoài việc tha thiết cầu nguyện về Tây-phương, đó là sự “Phóng-Hạ”.

Cái nghiệp ông mang lên từ hồi giờ đã tích tụ thành bệnh ung thư hành hạ thân thể, bây giờ ông biết rồi, ông dứt khoát liệng nó xuống. Ông đã về với Phật dễ dàng. Đây là cái đại phước báu quý vô giá, có người trải qua hàng vô số kiếp, muốn đem bạc tỉ đô-la ra chưa chắc đã mua được.

Còn Ông Trịnh-Tích-Tân thì ngoài cái “Khán-Phá”, “Phóng-Hạ” ra ông còn được thêm sự “Tự-Tại”, “Tùy-Duyên” và “Niệm-Phật” nữa. Đó là người đã hoàn toàn buông bỏ sạch sành sanh, cho nên đã đạt được trạng thái an nhiên tự tại. Còn duyên thì ở lại đi giảng kinh cứu người, hết duyên thì về với Phật để hưởng an lạc, không giảng kinh nữa. Theo như trong kinh Phật nói, thì ông Trịnh-Tích-Tân có thể được sanh đến Thượng Phẩm ở cõi Tây-phương chứ không phải tầm thường. Nghĩa là, trong tích tắc Ngài trở thành vị đại Bồ-tát bất-thối chuyển ở cõi Phật. Nếu tu bình thường, một người muốn tới cõi Tây-phương phải trải qua hàng tỉ tỉ đời tu hành tinh tấn mới mong được tới chỗ Hạ phẩm, còn Ngài đã đi tới Thượng Phẩm thành Phật như chuyện cuốc đất, trồng rau!

Thấy vậy mới biết không thể nghĩ bàn được cái uy đức vô cùng tận của tiếng Niệm A-di-đà Phật. Cách đây không lâu, cụ Hạ-Liên-Cư, là một cư sĩ thôi, Ngài chuyên niệm A-di-đà Phật, sau khi kiết tập hoàn chỉnh bộ kinh Vô-Lượng-Thọ xong, Ngài mời bạn bè tới nhà uống trà và tuyên bố hôm nay tôi về với Phật. Nói xong, Ngài đứng chắp tay niệm Phật mà vãng sanh. Con còn giữ tấm hình chụp Ngài khi còn sinh tiền, đôi giày vải dưới chân phát ra hào quang, bức phong sau lưng hiện ra hình Phật. Đây là chuyện có thực, con nói không thêm không bớt.

Thưa cha má, có người niệm Phật mà không về với Phật được là tại vì họ không hiểu sự thật phũ phàng của thế giới Ta-bà này. Họ tu cho lấy lệ chứ không tin, không thành tín, họ không muốn về thế giới Cực-lạc. Họ còn nghĩ muốn trở lại làm người để hưởng phước hữu lậu, muốn làm giàu chứ không muốn đi. Chính vì vậy mà họ không buông xả được. Tuổi già chờ từng ngày để chết mà họ còn lo cho cháu con chưa thành danh, sợ người ta chê điều này, mất được khen điều nọ. Họ còn ham cái tiếng tăm danh vọng hão huyền, lo mình chết sau này ai sẽ cúng giỗ, cái vườn chưa cày, tiền chưa đòi hết, nợ chưa trả xong… những thứ tơ vò đó quyện chặt lấy thân tâm thì làm sao thoát ly được. Tất cả những điều đó là những sợi dây cáp bằng thép trói chặt mình lại trong sinh-tử luân-hồi. Nó dìm mình xuống tận đáy vực thẳm thương đau, vạn vạn kiếp không trồi đầu lên nổi. Ở đó chỉ âm thầm một thân một mình chịu đọa đày, không ai tới thăm viếng được. Đây là một sự thật vô cùng kinh hãi, ghê sợ! Ngàn lần xin cha má chớ nên lơ là. Con đang xin Thầy Ngộ-Thông cho dịch giảng ký của Hòa-Thượng Tịnh-Không về kinh Địa-Tạng cho người Việt-Nam. Nghe được giảng ký này ai cũng phải thất đởm kinh hồn. Dù kẻ ngỗ nghịch tới đâu cũng phải quay đầu lạy Phật, niệm Phật mà cầu sanh Tịnh-độ. Cầu xin duyên lành đến sớm với người Việt Nam để cứu được người nào hay người đó. (Thư chưa hết nhưng đã dài, xin tạm ngừng ở đây, thư sau con nói tiếp).

Phật pháp mênh mông, nhưng nắm được đầu mối ta nhập vào đạo không khó. Hãy đọc hoài thư con thì tự nhiên hiểu. Mong cha má mau mắn một lòng trung thành niệm A-di-đà Phật, để được về với Phật. Đừng tham luyến cảnh “mộng huyễn bào ảnh” nữa. Cái thân này mình cũng sẽ liệng nó thôi. Nhưng liệng rồi, mình phải về với Phật, đừng lạc vào nẻo khác mà thương đau vô tận đó cha má ạ.

A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu, ngày 5/6/2001).

THANH TỊNH – BÌNH ĐẲNG – CHÁNH  GIÁC – TỪ BI

PHÓNG HẠ – TỰ TẠI – TÙY DUYÊN – NIỆM PHẬT

10 -Lời khuyên song thân

Cha Má kính thương, (thư này tiếp theo thư ngày 5/6/2001)

Vì khai triển về ý nghĩa hai mươi chữ trên tượng đức Phật A-di-đà quá rộng, ở đây con cố gắng thâu tóm lại ngắn gọn. Một người tu Phật nếu hiểu được hai mươi chữ này thôi cũng đủ đắc đạo vãng sanhï. Một đời tu hành của Hòa-Thượng Tịnh-Không, đến nay đã bốn mươi hai năm thuyết kinh giảng đạo, tóm lược trong hai mươi chữ này với câu Phật hiệu A-di-đà. Hàng triệu người khắp nơi trên thế giới ngày đêm tinh tấn tu hành và từng người từng người giải thoát khỏi tam giới, khỏi lục đạo luân hồi, vãng sanh Tây-phương cũng từ pháp tu Niệm Phật đó cha má ạ.

Chân-Thành, Thanh-Tịnh, Bình-Đẳng, Chánh-Giác, Từ-Bi. Khán-Phá, Phóng-Hạ, Tự-Tại, Tùy-Duyên, Niệm-Phật.

Khởi đầu là “Chân-Thành”, kết thúc là “Niệm-Phật”. “Chân Thành Niệm Phật” là pháp môn thành Phật. “Niệm-Phật” thật “Chân-Thành” thì chỉ trong một đời này thôi ta sẽ vĩnh viễn thoát ly bể khổ sinh tử, luân hồi, nghiệp báo. Không niệm Phật không thể thành Phật được! Chữ đầu và chữ cuối đã thâu tóm cả một pháp môn thành Phật tối vi diệu, bằng một sự hành trì rất đơn giản, dễ dàng, ai ai cũng có thể tu trì được, ai ai cũng thoát khỏi tam giới vô an này được. Đó là, chỉ cần Thành Tâm Niệm A-di-đà Phật là đầy đủ tất cả.

Còn nếu ta xét về chữ đối chữ thì ý nghĩa cũng hay vô cùng. Hễ có lòng Chân-Thành thì tương ưng với Phật quang, giúp trí huệ phát sinh làm cho ta nhận thức rõ ràng chân tướng vũ trụ nhân sinh, không còn mù mờ như trước đây nữa. Cho nên “Chân-Thành” thì được “Khán-Phá” (tức là hiểu biết), mà đã hiểu biết rồi thì chắc chắn ai cũng cần Chân-Thành niệm Phật để được thành Phật. Rõ ràng, ai hiểu thấu lý đạo thì phải niệm Phật. Niệm Phật là niệm Giác, Giác là trí huệ, trí huệ thì hiểu thấu rõ chân lý của nhân sinh vũ trụ.

Còn “Thanh-Tịnh” nhờ đâu? Nhờ biết “Phóng-Hạ”, tức là buông xả tất cả. Hễ buông xả càng nhiều càng bớt lo lắng, mọi sự coi như không thì tự nhiên được Thanh-Tịnh. Tâm càng Thanh-Tịnh thì thúc đẩy ta tiếp tục buông xả hơn nữa. Đường thành Phật càng ngày càng gần. Muốn được về với Phật hưởng cuộc đời vô sanh vô tử, vĩnh viễn an vui, không có sự khổ mà bây giờ còn quyến luyến đủ thứ, nào là: nhà cửa, vợ chồng, con cái, từ đường, tiếng tăm, ruộng vườn, v.v… thì làm sao mà đi cho được, thì niệm Phật sao cho “Chân­Thành”! Cho nên có “Buông-Xả” thì được “Thanh-Tịnh”. Thanh-Tịnh được là nhờ Buông-Xả. Đọc xuôi đọc ngược, đọc ngang, đọc dọc… nó đều bổ nghĩa cho nhau. Thật là hay! Thật là kỳ diệu! Thật là lý thú! Hai mươi chữ trên đây nếu hiểu cho thấu, “Khán-Phá” cho cùng lý thì cũng đủ ngộ được đạo lý rồi.

Thế nhưng đâu dễ gì mà hiểu thấu! Có lúc vì bận bịu, vì mê muội, không đủ trí tuệ! Cũng có lúc con người không muốn hiểu, vì hiểu thì họ sẽ mất cái quyền lợi ở thế gian này đi?!… Chính vì thế mà hàng chục lá thư con gởi về cha má cũng chỉ cầu xin sao cha má hiểu cho thấu cái lý đạo xuất thế. Vì không dễ cho nên thế gian này hàng sáu tỉ người, mà đếm được mấy ai chân chính tu hành. Đường thành Phật do chính đức Thích-ca Mâu-ni nói ra cách đây gần ba ngàn năm rồi, mà mấy ai được phần giải thoát.

Tu hành lòng vòng biết bao nhiêu kiếp rồi mới sinh được làm người, như vậy được thân người là khó. Được thân người mà gặp được Phật pháp lại càng khó hơn. Gặp được Phật pháp mà biết pháp môn Niệm-Phật thì vô cùng hy hữu! Chỉ có những người đại thiện-căn, phúc-đức, nhân-duyên may ra mới gặp được! Cha má thử nghĩ, có người suốt đời thờ Phật, trường trai gần suốt cuộc đời, mà cũng chưa chắc có dịp niệm được tiếng Phật hiệu để ra đi. Cả cái làng Đông-Lâm, cả cái xã Nhơn-lộc, nói luôn đến cả nước Việt-Nam, cho đến cả quả địa cầu này, đếm thử mấy người nghe được tiếng Phật hiệu và tin tưởng làm theo? Cho nên người cất tiếng niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” thật sự không phải là chuyện thường đâu! Trong khi đó chính cha má lại được con nhắc nhở, thiết tha từng lời từng câu, giải nói, vạch rõ từng chi tiết một. Rõ ràng cha má đã có cái thiện-căn phước-đức và duyên lành rất lớn mà không hay. Nếu cha má vô ý để nó rơi mất đi rồi biết bao giờ mới gặp lại?

Cho nên, trăm ngàn lần xin cha má phải hiểu cho thấu, hiểu cho tận đáy tâm linh. Nếu không, khó mà buông xả được, mà không buông xả được là tự mình trói buộc huệ mạng của mình vào cảnh cùng khổ, bi thảm từ kiếp này qua kiếp khác khó cứu nổi. Đời này hay hoặc dở là nhờ cái phước những đời trước. Tương lai mạng của mình tốt hay xấu là nhờ vào sự hiểu biết chân đế của đạo xuất thế gian. Hễ ngộ được lý đạo rồi thì buông xả dễ dàng để thành Phật. Sự “Buông-Xả” có lẽ cũng chính là điều cha má đang lưỡng lự, lấn cấn nhứt, cho nên tuổi đời đã xế chiều mà còn chần chừ chưa chịu hạ thủ công phu niệm Phật. Thấy vậy nên con vừa viết, vừa khuyên, vừa cầu Phật gia hộ cho cha má sớm thức tỉnh, vì chỉ có thức tỉnh mới phát tâm tìm đường giải thoát, thì sự giải thoát mới có phần. Thế gian này có mấy ai hưởng được cái phước báu vĩ đại này, thưa cha má?!

Điều khó thứ nhất là chưa hiểu được cái khổ của thế giới Ta-bà, cái sướng của thế giới Cực-lạc. Thế giới Ta-bà này quá khổ, cái gì cũng khổ, tứ khổ, bát khổ, bao nhiêu nghiệp khổ nó quay ta muốn điên đầu, loạn óc. Cha má nghĩ thử coi, từ nhỏ đến tuổi già xét lại đã có gì thực sự sung sướng chưa? Sống trong cảnh nhà quê, chiến tranh, giặc giã liên miên, đêm nằm lang thang khắp chốn, ruộng vườn lo lắng từng bữa nắng, bữa mưa… Có gì sung sướng đâu? Gia đình mình tương đối giàu có mà còn vậy, huống chi biết bao người hiện giờ tìm từng miếng cháo lót lòng không có. Tới các xứ Châu-Phi mà xem, con người nằm chết đói đầy đường. Bên cạnh xác của người thân chết là thân nhân của họ đang nhìn xác người thân mà đành nằm chờ chết theo!

Khổ ghê lắm cha má ơi! Khổ kinh khủng lắm chứ có sướng gì đâu! Sống lên trong một thế giới hận thù nhiều hơn tình thương, giành giựt thay cho lòng bác ái. Từng người, từng người qua mấy chục năm bù đầu kiếm ăn, sau cùng chui xuống mồ hoang, sự nghiệp tự phủi sạch sành sanh, một cắc cũng không mang theo được, lại còn âm thầm theo nghiệp thọ báo.

Thật là quá khổ! Ấy vậy mà ít ai chú ý tới. Người giàu có, quyền quý, tiền bạc nhiều, thế lực nhiều, họ không tin điều này thì kệ họ đi, đó chỉ là cái phước báu lưu lại từ đời kiếp trước thì họ được quyền hưởng! Còn người nghèo xác xơ, tìm ăn từng ngày, từng bữa chảy mồ hôi hột, mà cũng không tin thế giới này khổ ải thì quả thật là tội nghiệp! Ở thế gian này người ta vừa mới có cái nhà lớn một chút là tưởng mình sướng, ngồi lên máy bay được tưởng là mình ngon lành. Thực tế những thứ này so với cảnh giới Tây-phương đâu có nghĩa lý gì!

Thế giới Tây-phương Cực-lạc cách đây hơn mười vạn ức cõi Phật độ, (mười vạn ức cỡ mười tỉ thế giới Phật). Nếu tính theo khoa học ngày nay, từ quả đất này mà bay tới Tây-phương Cực-lạc theo tốc độ của ánh sáng (ba trăm ngàn cây số một giây), thì phải mất cả hàng trăm kiếp mới tới, (kiếp chứ không phải đời). Một khoảng cách xa kinh khủng như vậy mà với một niệm, người trên thế giới Cực-lạc họ tới quả đất trong một nháy mắt, họ trở lại Tây-phương cũng trong nháy mắt. Nghĩ thử coi cái máy bay của người thế tục chúng ta bay được vài ngàn cây số trong một giờ có nghĩa lý gì!

Nói về nhà cửa, ở Tây-phương mọi người đều sinh từ trong hoa sen ở ao Thất-Bảo. Hoa sen đó là nhà của ta luôn. Hoa sen lớn hay nhỏ tùy theo công phu tu tập của ta. Trên hoa sen ta muốn lập thành nhà lầu, cung điện, vườn hoa, kiểng cảnh gì đó tùy theo ý muốn. Hễ muốn như thế nào nó hiện ra đúng như vậy, khỏi cần xây cất gì cả. Trong kinh nói, khi một người ở thế giới khác bắt đầu phát tâm niệm Phật thì ngay lúc đó ở ao thất bảo mọc lên một hoa Sen. Nếu mình tinh tấn niệm Phật thì hoa sen lớn dần. Nếu mình không niêïm nữa thì hoa sen đó héo lần và có thể tàn luôn. Như vậy tất cả mọi người, hễ ai có niệm Phật đều có phần về Tây-phương. Có người niệm Phật nhưng không chịu xin về đó, thì hoa sen cứ đứng khơi khơi, nếu một mai mình sa đọa thì hoa sen tàn luôn, mình mất phần giải thoát.

Có người nghĩ, ở thế gian này mình có nhà cửa hẳn hoi, ấm cúng, lên Tây-phương ngồi chóc ngóc trong hoa sen nhỏ xíu làm sao chịu được? Không phải vậy đâu. Kinh A-di-đà, Phật nói, “Trì trung liên hoa đại như xa luân”, (liên hoa trong ao lớn như bánh xe), đường kính của nó tối thiểu cũng bốn mươi dặm. Đây là hoa sen cho phẩm hạ sanh. Một dặm lý là chiều dài mút tầm mắt, nếu tính theo cách đo lường ngày nay thì dài một ngàn năm trăm sáu mươi hai (1562) mét, như vậy hoa sen nhỏ nhất ở cõi Cực-lạc cũng có đường kính trên sáu mươi cây số, nghĩa là cỡ bằng hai tỉnh Bình-Định và Gia-lai cộng lại. Hoa sen của hàng trung phẩm lớn cỡ tám trăm đến chín trăm dặm, tức là cỡ một ngàn bốn trăm (1.400) cây số. Lên đến thượng phẩm, có hoa sen nó lớn không còn tính được đường kính. Hãy tưởng tượng nước Việt-Nam từ Nam chí Bắc dài một ngàn hai trăm cây số. Như vậy một hoa sen hàng trung phẩm thôi nó đã bao trùm cả nước Việt-Nam rồi. Còn hoa sen của chư vị thượng phẩm thì nước Việt-Nam chỉ bằng một điểm nhỏ trong hoa sen mà thôi. Cái hoa sen lớn như vậy thì con người ở đó cũng lớn vô cùng mới tương xứng, mới ở được trên hoa sen. Thân thể con người thế gian này đem so sánh với thân Phật, có khác gì như con kiến hôi so với con người đâu. Trong nhà Phật có bài tán thán Phật trước thời công phu như vầy:

A-di-đà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân.
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu-di,
Cám mục trừng thanh tứ đại hải.
Quang trung hoá Phật vô số ức,
Hóa Bồ-tát chúng diệc vô biên.
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh,
Cửu Phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.
Nam-mô Tây-phương Cực-lạc thế-giới đại-từ đại-bi A-di-đà Phật. 

Nghĩa là thân của Phật A-di-đà có sắc vàng kim, tướng Phật đẹp và phát quang minh không gì có thể sánh bằng. Sợi lông trắng giữa hai chân mày của Phật uốn cong như năm ngọn núi Tu-Di. Ánh mắt xanh biếc của Phật lớn bằng bốn biển lớn… Đây là kinh Phật nói, nếu không có như vậy Phật nào nói chơi. Hãy tưởng tượng sợi lông của Phật A-di-đà đã to bằng năm ngọn núi Tu-Di, ánh mắt của Ngài lớn như bốn cái biển lớn thì thân thể của Phật sẽ tính làm sao cho xuể. Cho nên Ngài Khoan-Tịnh đứng dưới ngón chân cái của Phật chỉ thấy một vách núi cao sừng sững thì có gì gọi là lạ đâu!

Rất nhiều người tu Phật, họ tụng kinh thuộc lòng nhưng không để ý, nhiều khi hiểu đại khái, thậm chí có người tưởng rằng đây là lời phóng đại cho oai chứ không có. Chính vì lòng tin không vững mà công phu tu hành khổ cực cũng chỉ để kết chút duyên thôi, chứ cơ giải thoát vẫn còn xa tít mù xa.

Giới luật của Phật đưa ra là cấm vọng ngữ, chẳng lẽ Phật lại nói lời vọng ngữ sao? Chỉ vì cái cảnh giới chư Phật quá thù thắng, quá siêu tuyệt, quá trang nghiêm, vượt ngoài sự suy tư bình thường của người thế gian, làm cho con người ta không thể nào hiểu tới. Nếu bây giờ ta cứ đem cái kiến thức khoa học thế gian quá nhỏ bé này ra để lý luận, thì vô lượng kiếp vẫn không bao giờ hiểu được Phật. Cái dại của chúng ta là sự cố chấp, tự cao, ngã mạn một cách khờ khạo, cho nên ngàn đời vạn kiếp không thoát nổi trần lao.

Cái thấy cái biết của chúng ta so với Phật có khác gì cái nhìn của loài kiến so với con người. Cái tầm mắt của con kiến hôi chỉ giới hạn trong vòng một phân, xa hơn nữa nó không thấy gì cả. Ấy thế mà chúng vẫn chấp rằng mình là ngon lành nhất, oai vệ nhất, không ai bằng. Giả sử có người tới nói với chúng rằng một ngàn cái thân kiến của tụi bay cũng không bằng cái đầu ngón tay út của ta, chắc chắn chúng không tin, không bao giờ lãnh hội. Chỉ vì cái chấp trước quá lớn mà ngàn đời vạn kiếp con kiến vẫn là con kiến, không chuyển hóa được. Kiến thức con người so với Phật có khác gì hơn!

Về Thọ mạng, thì con người ở Tây-phương thọ mạng vô lượng, nghĩa là một sanh không còn bị chết nữa. Kinh Phật nói, “Ngã tác Phật thời thọ mạng vô lượng, quốc trung Thanh-Văn, Thiên, Nhân vô số, thọ mạng diệc giai vô lượng” (Vô-Lượng-Thọ, Phẩm 6, Ng.15). Trong tất cả các cõi Phật, đâu có mấy thế giới mà con người thọ mạng vô cùng vô tận như Cực-lạc Thế-giới? Chính vì thế mà A-di-đà Phật còn được gọi là Vô-lượng-thọ Phật. Con người vãng sanh về đó chỉ có an lạc đến vô chung để tu hành thành Phật, cho nên một người vãng sanh về đó thì là “một đời thành Phật”. Đứng trên thời gian vô lượng nhìn xuống kiếp người thế gian này, bảy mươi, tám mươi năm đâu có nghĩa lý gì!

Con người ở thế gian này chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc so với thế giới Tây-phương Cực-lạc mà thôi, vậy mà tranh giành, lo lắng, giết chóc, đấu tranh, sầu khổ, ương ngạnh, hỗn hào, không chịu nghe lời Phật để về với Phật. Vì không tin Phật cho nên đời này qua đời khác, ông bà, cha mẹ, con cháu cứ kéo nhau đâm đầu vào hầm lửa. Dưới Phật nhãn, đúng là hành động như loài thiêu thân! Con thiêu thân ngu si cũng có khác gì con kiến! Con người không tin thọ mạng vô lượng ở Tây-phương Cực-lạc thì có khác gì hơn loài thiêu thân! Mạng sống của chúng, chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, so với con người thì như một giấc ngủ trưa? Ấy thế mà mình nói với nó rằng, cái thọ mạng phù du của các ngươi chỉ bằng một giờ ta sống mà thôi, làm sao chúng nó tin!…

Vài chứng minh khác, trong kinh Phật nói cõi Tây-phương, “Hựu kỳ đạo tràng, hữu Bồ-đềø thụ, cao tứ bá vạn lý, kỳ bổn chu vi ngũ thiên do tuần” (Vô-Lượng-Thọ, Phẩm 15). “Quốc trung vô lượng sắc thụ cao hoặc bá thiên do tuần. Đạo tràng thụ cao tứ bá vạn lý”, (Vô-Lượng-Thọ, Phẩm 6, N.40). Một do tuần dài cỡ ba mươi dặm. Một cái cây trên thế giới Cực-lạc cao bốn trăm vạn dặm. Hãy tưởng tượng nếu cây đó mọc ở quả đất này thì ngọn của nó cao hơn mặt trăng. Chu vi năm ngàn do tuần, nghĩa là cỡ hai trăm hai mươi lăm ngàn cây số. Chu vi của quả địa cầu cỡ bốn mươi ngàn cây số. Như vậy, gốc cây trên thế giới Cực-lạc lớn hơn trái đất cỡ năm lần. Hiểu được như vậy ta mới thấy sự hùng vĩ, trang nghiêm của Cực-lạc đến mức không thể tưởng tượng được. Đúng là bất khả tư nghị!

Thưa cha má, nhìn ngay vào cái thế giới này, nếu suy nghĩ một chút mình cũng thấy những cảnh giới trái ngược lạ lùng, đầy ngạc nhiên chứ cần chi nói đến Cực-lạc của Phật A-di-đà. Có những thứ bẩn thỉu con người bỏ ra không dám nhìn tới, thì loài heo nó lại thích, nó sẵn sàng sống chết với nhau để giành cho được. Những thứ ở đời này con người ham thích, tranh đấu sống chết để giành giựt phải chăng là những đồ mà chư Phật xa lánh không dám gần. Con kiến, nếu không chịu xếp cái càng lại, cứ việc tự kiêu, ngã mạn thì ngàn đời vạn kiếp vẫn là loài kiến. Con heo, vì không lo chuyện trí huệ cứ việc đi tranh mấy thứ phế thải cho nên ngàn kiếp khó có ngày thoát hóa kiếp heo. Con người nếu còn chấp trước, tự cho mình là thông minh trí huệ, là chí linh của vũ trụ vạn loài, dám vỗ ngực tự xưng ngang hàng với trời đất, còn tham luyến trần gian, thì hầm lửa đang chờ phía trước, làm sao mơ được ngày giải thoát!…

Như vậy, muốn tu thành Phật mà những trói buộc của thế gian cứ đeo đẳng bên lòng, thì làm sao có ngày thấy Phật. Tất cả những vinh hoa phú quý, tiếng tăm xưng tụng, môn đăng hộ đối, giai cấp trên đời này nó đang làm mờ cái chơn tâm của mình, nó bịt kín đường về cõi Tịnh, nó dẫn dắt mình xuống cái hầm nhơ tội lỗi và khổ đau của ác đạo.

Cho nên, càng tham luyến trần tục, càng xa lìa bờ Giác. Còn mong mỏi sự nghiệp thế gian, còn lưu luyến thế thái nhân tình… là tự mình lập nguyện ở lại trong lục đạo luân hồi để chịu khổ, dứt khoát không thể thoát nạn. Chư Phật thấy vậy chỉ buông tiếng thở dài chứ làm sao cứu được mình đây?!

 Trong bài giảng “Thành-Phật-chi-đạo”, Hòa-Thượng Tịnh-Không cho biết trong năm 2001, cách đây mấy tháng ở Singapore có cụ Trần-Quang-Việt vừa mới vãng sanh. Cụ thọ tám mươi sáu tuổi, niệm Phật bốn năm đã được “nhất tâm bất loạn!”. Năm tám mươi ba, cụ bị già yếu đi không nổi, người ta khuyên niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Cụ tin theo và quyết chí tu hành. Hai năm sau đức Phật Di-Đà hiện ra thọ ký. Cụ năn nỉ Phật cho được vãng sanh sớm, Phật bảo cụ hãy ở lại thêm hai năm nữa để hỗ trợ cho đạo tràng của cư sĩ Lâm tại Singapore. Ba tháng trước khi vãng sanh cụ đã biết rõ ngày giờ ra đi và thông báo cho mọi người biết. Trước ngày vãng sanh, cụ còn ngồi trên xe lăn đến đạo tràng để tham dự phiên họp tổ chức ban trị sự. Họp xong, vài tháng sau cụ vãng sanh. Công phu tu tập bốn năm, ngày tám tiếng nghe băng giảng kinh của Hòa-Thượng rồi niệm Phật. Một thời gian rất ngắn viên thành Phật đạo.

Thưa cha má, có đạo nào cao hơn Phật đạo? Có pháp môn nào vi diệu hơn pháp Niệm Phật? Cụ Trần-Quang-Việt viên thành Phật đạo là nhờ cái duyên được người ta khuyên lúc tuổi già. Cha má đã có cái duyên được con khuyên nhắc, đâu có thua gì cụ đó, ấy là phước đức rất lớn của cha má mà cha má không hay!

Hãy niệm Phật liền đi cha má. Hãy buông bỏ tất cả để về với Phật. Từ hồi giờ mình không biết nên mang cái nghiệp lên vai, bây giờ phải buông xuống, phải bỏ đi, phải biết liệng cái nhà đi cho con nó làm gì làm, liệng cái chức thân hào nhân sĩ, liệng cái tiếng thị phi đi. Phải liệng hết để niệm Phật cứu đời mình. Đi, đứng, nằm, ngồi… không rời tiếng A-di-đà Phật trong tâm. Dùng cái “máy bấm số” con gởi về để lập công cứ, quyết tâm không để sụt xuống. Đêm nằm còn thức còn niệm. Hít vào: “A-di-đà Phật”; thở ra: “A-di-đà Phật”. Một lòng xin về Tây-phương, bảo đảm chắc chắc cha má sẽ được vãng sanh.

Cha Má ơi, hãy quyết tâm lập nguyện đi: còn một hơi thở còn niệm câu: “A-di-đà Phật”.

Nam-mô A-di-đà Phật.

Con kính thư.

(Viết xong, Úc châu ngày 15/6/2001). 

Niệm Phật là pháp môn đệ nhất dùng để chuyển thức thành trí, mà chúng sanh trong thời mạt pháp phải siêng năng thọ trì.(Quán‐Thế‐Âm Bồ‐tát).

Phật pháp thị nhân sinh tối cao đích hưởng thụ!(Phương Đông Mỹ)

(Còn tiếp)