”Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.” Tương ưng bộ kinh

Làm Bạn Với Kinh Pali

Kinh điển Pali bao gồm hàng ngàn bộ kinh, và đang được phổ biến rộng rãi trên mạng. Đứng trước kho tàng đồ sộ đó, tự nhiên bạn sẽ bối rối: Tại sao tôi nên đọc những kinh này? Đọc kinh nào bây giờ? Đọc như thế nào?

Không có một câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi đó. Nhưng ở đây có một điều chắc chắn : câu trả lời phù hợp nhất cho bạn, là câu trả lời của chính bạn. Mặc dù như thế, ở đây, tôi xin  khuyên bạn vài lời khi bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu kinh điển. Đó là những điều tôi thấy bổ ích trong những năm tu tập và tìm hiểu kinh. Có lẽ, bạn cũng sẽ tìm được một vài điều bổ ích.

Làm Bạn Với Kinh Pali

Tại sao tôi nên đọc kinh Pali?

Bởi vì kinh Pali là nguồn gốc mọi giáo pháp của Phật giáo Nguyên Thủy

Nếu bạn cảm thấy có hứng thú tìm hiểu những lời dạy của Phật giáo Nguyên Thủy, thì tam tạng Pali (bao gồm kinh tạng ) là tư liệu gồm những lời khuyên và hỗ trợ có thẩm quyền nhất. Bạn không cần lo lắng là liệu có phải chính Đức Phật lịch sử nói câu kinh đó hay không (Dù sao cũng không ai có thể chứng minh điều đó…). Nhưng hãy nhớ rằng, những lời dạy này đã được thực hành – và có hiệu quả rõ ràng- bởi vô số Phật tử trong suốt 2600 năm qua. Nếu muốn biết thực sự liệu những bài giảng này có hiệu quả thật không, vậy thì bạn hãy học kinh, thực hành và chứng thực.

Bởi vì kinh tạng thể hiện toàn bộ giáo pháp

Những bài giảng trong kinh, khi xem một cách tổng thể, sẽ cho bạn thấy một bản đồ hướng dẫn hoàn chỉnh đường đi từ điểm bắt đầu là mức độ tâm linh hiện tại của bạn đến mục đích cuối cùng là giải thoát hoàn toàn. Cho dù mức độ tâm linh của bạn là như thế nào- người vô thần, nhà huyền học, cư sĩ, hay tăng lữ, hay đơn thuần chỉ là một người ngoài cuộc muốn xem “Phật giáo có gì hay”… trong kinh chắc chắn sẽ có những điều giúp bạn tiến thêm một bước trên con đường đến hạnh phúc. Càng đọc nhiều kinh, bạn càng không cần phải tìm hiểu tư tưởng từ các truyền thống tâm linh- tôn giáo khác. Bởi vì, kinh Pali đã bao gồm hầu hết những gì bạn cần biết.

Làm Bạn Với Kinh Pali

Bởi vì kinh tạng thể hiện sự toàn diện nhất quán của giáo pháp

Những bài giảng trong kinh Pali rất nhất quán, nhất quán ở một điều – đó là vị giải thoát (1). Nhưng đôi khi, bạn có thể gặp một số kinh dường như trái ngược với hiểu biết về Chánh pháp của bạn. Đừng lo lắng, khi suy ngẫm cẩn thận về chướng ngại đó, những mâu thuẫn  sẽ tự tan rã, mở ra một chân trời hiểu biết mới.

Ví dụ như, bạn kết luận rằng nên thực hành từ bỏ mọi tham muốn sau khi đọc Kinh về dục(2) .Nhưng khi đọc một kinh Bà-La-Môn (3), bạn lại được dạy rằng, sự tham muốn tự chính nó là một nhân tố cần thiết trên con đường tu học. Chỉ sau khi quán chiếu bạn mới có thể  hiểu Đức Phật dạy rằng có nhiều loại tham muốn, và có một số đáng để tham muốn – sự giải thoát khỏi tất cả mọi tham muốn. Và khi đó, sự hiểu biết của bạn sẽ tiến thêm một bước mới và mâu thuẫn giữa 2 kinh sẽ không còn.

Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng những “mâu thuẫn” như thế không phải là sự không thống nhất của kinh điển mà là gợi ý rằng, kinh mà đang đọc đã đưa bạn đến ranh giới sự nhận biết của chính bạn. Việc bước qua ranh giới đó tùy thuộc vào bạn.

Bởi vì kinh cung cấp rất nhiều lời khuyên thực tế

Trong kinh điển, bạn sẽ tìm thấy một kho tàng lời dạy thực tế áp dụng cho cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn như: làm thế nào để mọi người trong nhà hòa thuận với nhau [DN 31], làm thế nào để giữ gìn của cải [AN 4.255], cái gì nên nói và cái gì không nên nói [AN 10.69], khi đau khổ nên làm thế nào [AN 5.49] và thậm chí, khi sắp chết nên làm như thế nào [SN 22.1] và còn rất nhiều, rất nhiều… Tóm lại, cho dù hoàn cảnh của bạn như thế nào, cho dù bạn có tự gọi mình là Phật tử hay không, trong kinh Pali luôn có rất nhiều lời khuyên thực tế cho việc tìm kiếm hạnh phúc cho bạn. Và tất nhiên, ở đây còn có rất nhiều hướng dẫn về thiền định.

Bởi vì kinh củng cố niềm tin của bạn vào Chánh Pháp.

Khi đọc kinh, đôi lúc bạn sẽ gặp những điều đã biết là đúng từ kinh nghiệm của riêng bạn. Có lẽ, bạn đã quá hiểu nguy hiểm của chứng nghiện rượu [DN 31], hoặc, bạn đã cảm nhận niềm vui tao nhã khởi lên khi tâm tập trung[AN 5,28]. Nhìn lại kinh nghiệm của bản thân dưới ánh sáng của kinh -ngay cả trong những điều nhỏ nhặt thường ngày – sẽ khiến cho bạn dễ chấp nhận những kinh nghiệm thâm sâu mà Đức Phật mô tả là không quá xa vời, rằng một số bài giảng trừu tượng và khó hiểu, có thể, thực tế không quá lạ lẫm. Điều xác nhận này (kinh nghiệm của bạn so với kinh) có thể truyền cảm hứng cho thiền định và đưa niềm tin và sự hiểu biết của bạn đến một chân trời mới.

Bởi vì kinh hỗ trợ và động viên thực hành thiền định

Khi đọc về kinh nghiệm thiền định của người khác trong kinh, bạn sẽ có nhận biết về những gì bạn đã đạt được trong khi thực hành, và những gì cần phải được thực hiện. Sự hiểu biết này sẽ đưa đến động lực mạnh mẽ khiến bạn toàn tâm thực hành giáo lý.

Bởi vì, đơn giản: đọc kinh là điều tốt.

Toàn bộ lời dạy trong kinh đều mang tính bổ ích, và tất cả những lời dạy đó đều giúp bạn tu tập những phẩm chất đáng quý như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, chánh niệm, v.v…. Khi đọc một bài kinh, bạn đã bỏ vào kho tâm trí những bổ ích. Khi suy ngẫm về những điều độc hại và rác rưởi mà các phương tiện truyền thông vẫn thường đổ vô tội vạ vào chúng ta mọi lúc, một chút tu tập Chánh Pháp hằng ngày có thể trở thành một hòn đảo cho tâm trí lành mạnh của bạn trong một vùng biển đầy bão tố. Hãy chăm sóc tốt của tâm trí của bạn – đọc một bài kinh và hãy thực hành nó bằng tất cả tâm trí.

Chú thích

(1) Ud 51 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo1/tb13-ptt2.htm#chuong5

(2)http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo1/tb15-kt4.htm

(3) Ba-La-Mon (S.v,271) http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-51.htm


Nên đọc kinh nào?

Trả lời: hãy đọc bất cứ kinh nào bạn thích.

Để hình dung, hãy tưởng tượng Giáo Pháp như một viên ngọc nhiều mặt, mỗi bài kinh cho bạn nhìn thoáng qua một hai mặt của viên ngọc đó. Chẳng hạn, giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo; Bố thí và Trì Giới, chánh niệm trong hơi thở [MN 118]và chánh niệm về cái chết [AN 6.19], sống theo giáo pháp khi là một cư sĩ [DN 31], hay như một vị tăng [DN 2].v.v…. Không một bài kinh nào có thể bao gồm hết thảy giáo pháp, mỗi bài đều dựa trên những bài khác để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh của giáo lý do Đức Phật giảng dạy. Càng đọc nhiều kinh, bức tranh của viên ngọc quý này càng hiện rõ hơn trong tâm trí bạn.

Khi bắt đầu, bạn nên học hỏi , suy ngẫm, và thực hành năm giới và 5 đối tượng quán hàng ngày (1). Hơn nữa, nên ghi nhớ kỹ lời dạy của Đức Phật dành cho La Hầu La [MN 61] về trách nhiệm của chúng ta với mỗi một hành động có chủ ý. Từ đó, dần dần bạn có lần theo từng bước chân Phật, hoặc nắm vững hệ thống giáo lý bao gồm bố thí, giới hạnh,luân hồi, nguy hiểm của dục,xả ly và Tứ Diệu Đế.

Nếu bạn muốn có một nền tảng vững chắc về các vấn đề cơ bản của giáo lý của Đức Phật, ba bài kinh sau được xem là cần thiết: Kinh Như Lai thuyết-Phẩm Chuyển Pháp Luân-Tương ưng bộ kinh (2), Kinh Năm vị – Phẩm Tham Luyến-Tương ưng bộ kinh (3), và Kinh Bị Bốc Cháy –Phẩm Vô Thường-Tương ưng bộ kinh (4). Những bài kinh này là ba cây đại thụ trong Tạng Kinh (Sutta Pitaka). Chúng định rõ những khái niệm căn bản của giáo lý mà vẫn thường xuất hiện dưới nhiều biến thể khác nhau trong trong tạng kinh như: Tứ Diệu Đế, bản chất của khổ, Bát Chánh Đạo, Trung Đạo, pháp luân, anatta (vô ngã) và phân tích “tự ngã” thành năm uẩn, cách từ bỏ sự gắn bó vào khoái cảm nhục dục, và vũ trụ quan Phật giáo. Bởi vì tất cả mọi kinh khác đều liên hệ đến những khái niệm cơ bản này, chúng cung cấp một nền tảng vững chắc để tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào kinh điển.

Hơn nữa, ba bài kinh này là minh chứng cho năng khả năng giảng dạy của Đức Phật như một thầy giáo: tổ chức bài giảng của mình rõ ràng, hợp lý, dễ nhớ bằng cách tạo ra những danh sách các khái niệm quan trọng (Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, ngũ uẩn, v.v…), khuyến khích người nghe tham gia đối thoại tích cực để giúp họ tự nhận ra tà kiến, giảng bài bằng cách sử dụng hình ảnh so sánh và ngụ ngôn phù hợp với người nghe , quan trọng nhất, Đức Phật luôn thấu hiểu căn cơ của thính giả và chọn phương tiện để thuyết pháp hiệu quả đến mức người nghe có thể tự nhận biết thành quả mà Ngài giảng. Việc hiểu rằng Đức Phật là một giáo viên xuất sắc càng khuyến khích chúng ta đi sâu vào nghiên cứu Tam Tạng,với lòng tin là giáo huấn của Ngài sẽ không dẫn chúng ta lạc lối.

Làm Bạn Với Kinh Pali

Một số kinh điển khác cho việc bắt đầu học Phật:

– Khuddaka Nikaya (Tiểu Bộ kinh) cung cấp một kho tàng phong phú các bài kinh quan trọng được thể hiện dưới dạng thơ hay câu văn ngắn. Chẳng hạn như Dhammapada (Kinh Pháp Cú), Sutta Nipata(Kinh Tập – Tiểu Bộ kinh), Therigatha (Trưởng lão ni kệ – Tiểu Bộ kinh), và Theragatha(Trưởng lão tăng kệ – Tiểu Bộ kinh).

– Đối với các chỉ dẫn cơ bản của Đức Phật về thiền định hơi thở, xem Kinh Nhập tức Xuất tức niệm (MN 118), về hướng dẫn thực hành chánh niệm, xem kinh Đại niệm xứ(Kinh Trường Bộ -DN 22).

– Để tìm hiểu làm thế nào để rèn luyện tâm từ bi, xem Kinh Từ bi.

 Trong Kinh Devadaha(5) ngài Xá Lợi Phất giải thích làm thế nào để giới thiệu giáo lý của Đức Phậtcho những người thông minh và ham học hỏi- những người như bản thân bạn.

– Làm thế nào để biết con đường tâm linh nào đáng thực hành theo, con đường nào không đáng theo? Kinh Kalama sẽ làm sáng tỏ vấn đề muôn thuở đó.

– Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt(DN 31) Phật thuyết một bản “hướng dẫn chi tiết” làm cách nào cư sĩ có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và đầy đủ.

Khi bạn tìm thấy một bài kinh bạn quan tâm, hãy tìm bài kinh khác tương tự. Từ đó, hãy đọc tùy ý, hãy cho vào kho tàng tâm trí của bạn bất kỳ viên đá quý nào bạn thích dọc chuyến hành trình.


Ghi chú

(1) AN 5.57 Kinh Sự kiện cần phải quan sát- Tăng chi bộ kinh

http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi05-0106.htm

Thế Tôn lời dạy tỏ tường
Năm điều quán tưởng phải thường xét ra:
Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn
Ta đây bịnh hoạn phải mang
Thế nào tránh thoát đặng an mạnh lành
Ta đây sự chết sẵn dành
Thế nào tránh khỏi tử sanh đến kỳ
Ta đây phải chịu phân ly
Nhân vật quý mến ta đi biệt mà
Ta đi với nghiệp của ta
Dầu cho tốt xấu tạo ra tự mình
Theo ta như bóng theo hình
Nhân nào quả nấy phân minh kết thành

(2) S.v,420 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-56a.htm

(3) S.iii,66 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22c.htm

(4) S.iv,19 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu4-35a.htm

(5) S.iii,5 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22a.htm


Nên đọc kinh như thế nào?

Để học kinh hiệu quả, bạn nên xem xét một số nguyên tắc chung trước khi thực sự bắt đầu đọc.Một khi đã bắt đầu đọc, bạn nên có sẵn một số câu hỏi.

Một số nguyên tắc chung

Không có bản dịch “hoàn hảo”.

Đừng quên rằng các kinh điển Pali đã được ghi lại bằng tiếng Pali, chứ không phải bằng tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Hán. Chưa từng một lần Phật dùng những từ ngữ như “đau khổ” hay “giác ngộ”, Ngài dùng những từ như dukkha hay nibbana. Hãy nhớ, rằng tất cả các bản dịch tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Hán đều đã được chọn lọc và nghiên cứu bởi một người phiên dịch – điều không thể tránh khỏi là bản dịch sẽ chịu sự ảnh hưởng của văn hóa tại thời điểm đó, của kinh nghiệm và sự thấu hiểu kinh điển của người dịch(1). Bản dịch tiếng Anh của những bài kinh trong khoảng cuối thế kỷ 19 và 20 đối với chúng ta ngày nay có vẻ nặng về và khó hiểu, nhưng chắc chắn một trăm năm sau kể từ lúc dịch, các bản dịch bây giờ cũng sẽ trở nên nặng nề và khó hiểu như vậy. Dịch thuật, cũng như việc cố gắng vẽ một hình cầu như Trái đất vào một bản đồ mặt phẳng , là một nghệ thuật không hoàn hảo.

Làm Bạn Với Kinh Pali

Vì vậy, chúng ta không nên cố chấp vào văn tự trong bất cứ bản dịch nào, cho dù đó là một từ hay một bài kinh. Chẳng hạn, một khi từ dukkha được người dịch chuyển ngữ là “đau khổ” hay từ Nibbana là “giải thoát”, không có nghĩa rằng bạn nên chấp nhận những từ chuyển ngữ đó như là chân lý tuyệt đối. Hãy hiểu nghĩa chúng theo cách áp dụng những định nghĩa đó vào cuộc sống của bạn, và theo hiệu lực của chúng đối với cuộc đời bạn. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu những bản dịch khác. Hãy để sự hiểu biết của bạn được tự do và trưởng thành, và tu tập thái độ cởi mở trong việc xem xét các bản dịch khác. Có lẽ, theo thời gian, sở thích riêng của bạn sẽ thay đổi (ví dụ, bạn có thể thích cách chuyển ngữ dukkha và nibbana thành “phiền não” và “sự dập tắt của phiền não” hơn). Hãy nhớ rằng bất kỳ bản dịch nào là cũng chỉ là phương tiện tạm thời cho việc tu tập cho đến lúc bạn chứng đắc được những gì mà chúng mô tả.

Nếu bạn thật sự nghiêm túc hiểu rõ kinh muốn nói gì, bạn sẽ phải bỏ công học một ít tiếng Pali. Nhưng có cách tốt hơn nữa: đọc nhiều bản dịch khác nhau và thực hành chúng, cho đến khi bạn đạt được những gì Phật giảng trong kinh. Lịch sử chứng minh sự thật hiển nhiên là bạn không cần phải biết tiếng Pali để giác ngộ.

Không một bài kinh nào bao gồm toàn bộ giáo lý.

Để học kinh có hiệu quả tốt nhất, hãy tìm hiểu nhiều bài kinh khác nhau chứ không nên đọc chỉ một “tuyển chọn” nào đó. Chẳng hạn như, giáo lý về chánh niệm, tuy rất quan trọng, nhưng cũng chỉ là một mảnh nhỏ của toàn bộ Giáo Pháp. Nguyên tắc chính ở đây là: bất cứ khi nào bạn nghĩ rằng bạn đã hiểu được toàn bộ giáo pháp có những gì, hãy xem đó là dấu hiệu cho việc cần phải đào sâu nghiên cứu kinh tạng hơn nữa.

Đừng lo lắng về việc những từ này thực sự là do Phật giảng hay không.

Không có cách nào để chứng minh thực sự một kinh nào đó là do chính Đức Phật thuyết giảng. Nhưng, chỉ cần đọc, cố gắng áp dụng giáo pháp vào thực tiễn, và hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. (2)

Làm Bạn Với Kinh Pali

Nếu bạn thích một kinh nào đó, hãy đọc nó lần nữa.

Đôi khi bạn tìm thấy một bài kinh khiến bạn hoan hỷ ngay lần đầu tiên đọc. Hãy tin vào cảm giác này và, đọc lại vài lần nữa. Cảm giác này nghĩa là bài kinh có bài học quan trọng nào đó cho bạn và cơ duyên của bạn đã chín muồi để tu tập bài kinh đó. Ngay cả khi nhiều lần đọc lại, có lẽ sau một vài năm tháng, bạn sẽ nhận ra ở bài kinh quen thuộc đó một điều nào đó mà bạn bỏ lỡ.

Nếu bạn không thích một bài kinh, đọc nó một lần nữa.

Đôi khi bạn gặp một bài kinh chỉ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Đừng lờ cảm giác này đi, nó cũng có nghĩa là bài kinh có một điều quan trọng nào đó dạy cho bạn nhưng, khác với lần trước, lần này ba la mật của bạn chưa chín muồi để hiểu bài kinh đó. Hãy đánh dấu bài kinh đó và,tạm thời đặt nó qua một bên. Sau vài tuần, vài tháng, hay đôi lúc, vài năm sau, hãy thử thâm nhập bài kinh một lần nữa. Có lẽ, lúc đó, khi cơ duyên đã đủ, bài kinh sẽ mang đến cho bạn những kinh nghiệm quý báu.

Nếu bạn cảm thấy bài kinh nhàm chán, khó hiểu, không giúp gì cho bạn, hãy đặt nó sang một bên.

Tùy thuộc vào nhu cầu, căn cơ và trình độ thiền định, bạn có thể thấy một bài kinh nào đó tối nghĩa hoặc hoàn toàn tẻ nhạt và nhàm chán. Bây giờ, hãy đặt kinh đó sang một bên cho và thử một kinh khác. Hãy tiếp tục, chăm chỉ tìm đọc cho đến khi nào bạn tìm được một bài kinh nào đó mà bạn cảm thấy bài kinh đó dường như hoàn toàn chỉ dành cho bạn.

Một bài kinh phù hợp với bạn là một bài kinh thôi thúc bạn dừng đọc
Toàn bộ ý nghĩa việc đọc kinh là việc khuyến khích bạn tu tập chánh kiến, chánh mạng , và chánh định. Vì vậy, khi đang đọc, nếu cảm thấy sự thôi thúc đặt quyển sách xuống, tìm một nơi yên tĩnh, ngồi xuống và nhắm mắt lại, sự thôi thúc bạn tập thiền, hãy tập thiền ! Bạn có thể đọc lại kinh vào một lúc sau, kinh vẫn ở đó khi bạn trở lại.

Đọc toàn bộ kinh lớn tiếng

Điều này có một số lợi ích: nó khuyến khích bạn đọc từng từ một trong các bài kinh, rèn luyện bạn sử dụng chánh ngữ, tập cho bạn làm quen với việc nghe pháp.

Làm Bạn Với Kinh Pali

Nghe giáo pháp ở các cấp độ khác nhau

Nhiều bài kinh giảng ý Phật nhiều cấp độ khác nhau cùng một lúc, hãy tập thói quen chiêm nghiệm chúng. Ví dụ như, khi Đức Phật giải thích cho một đệ tử những điểm tốt của chánh ngữ, hãy chú ý xem cách mà Đức Phật sử dụng chánh ngữ [MN 58]. Hãy xem xem liệu Đức Phật có “thực hành những gì người dạy” không? Bạn có thực hành những lời dạy đó không?

Đừng bỏ qua các lần lặp lại.

Nhiều bài kinh có chứa các đoạn lặp đi lặp lại. Hãy đọc như khi bạn nghe một bài nhạc: khi hát, hoặc nghe hát, không ai bỏ qua đoạn điệp khúc, tương tự như vậy, khi bạn đọc một bài kinh, đừng bỏ qua các điệp khúc. Cũng như trong âm nhạc, các điệp khúc trong bài kinh thường bao gồm những biến thể bất ngờ và quan trọng mà bạn sẽ không muốn bỏ lỡ.

Thảo luận kinh với một hai người bạn.

Bằng cách chia sẻ những quan sát và kinh nghiệm tu tập với một người bạn, cả hai có thể giúp nhau hiểu sâu bài kinh hơn. Hãy xem xét việc thành lập một nhóm tu học kinh (có thể không cần chính thức hóa). Nếu bạn có thắc mắc về kinh khiến bạn không an tâm , hãy hỏi một vị thầy có kinh nghiệm và đáng tin cậy để được hướng dẫn. Tham khảo vấn những vị trưởng lão, thường thì những quan điểm độc đáo về giáo lý của họ có thể giúp bạn giải đáp thắc mắc và tránh được nhầm lẫn.

Làm Bạn Với Kinh Pali

Tìm hiểu một ít tiếng Pali

Một khi bạn đã đọc vài kinh hoặc vài bản dịch khác nhau của cùng một bài kinh, bạn có thể cảm thấy bối rối bởi việc chọn từ nào đó. Ví dụ, tại sao bản dịch này sử dụng từ ” Nền tảng của Chánh Niệm “, trong khi đó bản dịch khác sử dụng “Tứ niệm xứ” cho từ satipatthana? Thực sự, nghĩa của các cụm từ này là gì? Việc tra từ điển Pali từ satipatthana (và các thành phần của nó) có thể giúp bạn hiểu thêm về từ này, một hiểu biết ở mức cao hơn về từ này có thể giúp bạn đọc kinh hiệu quả hơn rất nhiều.

Đọc những gì người khác nói về các bài kinh.

Luôn luôn hữu ích khi đọc những lời bình luận – cả từ lúc xưa và bây giờ – giảng về các bài kinh. Một số người thấy các bài Luận tạng(Abhidhamma Pitaka), đặc biệt là của ngài Buddhaghosa – rất dễ hiểu và hữu ích. (3).Một số người thích những nhà bình luận đương thời hơn(4). Nhiều tài liệu và tiểu luận nổi bật đã được viết bởi những tác giả như các ngài Bodhi, Khantipalo, Ñanamoli, Narada, Nyanaponika, Soma, và Thanissaro(5). Ngoài ra hãy đọc các tác phẩm của những bậc thầy trong truyền thống ẩn tu trong rừng Thái Lan, những quan điểm mới mẻ và độc đáo về các bài kinh của họ được dựa trên kinh nghiệm thiền định rất sâu.

Hãy để thời gian cho kinh thấm vào bạn.

Bất cứ thông điệp hữu ích nào mà bạn tìm thấy trong kinh, bất cứ niềm vui nào còn lại sau khi đọc, hãy nuôi dưỡng chúng, để chúng phát triển trong quá trình thực hành thiền định và trong cuộc sống của bạn. Theo thời gian, các ý tưởng, ấn tượng, và thái độ được mô tả trong bài kinh sẽ dần dần thấm vào tâm thức của bạn, làm mới lại cách bạn nhìn thế giới. Có thể một ngày bình thường, bình thường như mọi ngày khác, giữa lúc bạn lo toan bề bộn cuộc sống, chợt một lời dạy nào đó của Phật mà bạn đã đọc lâu về trước bỗng hiện lên trong tâm trí bạn, mang theo một bài pháp vô cùng hữu dụng và thiết thực cho đúng thời điểm này.

Để thúc đẩy quá trình kinh “thấm” vào, hãy để vào tâm trí bạn nhiều kinh khác nhau. Đừng để việc đọc kinh bị các hoạt động khác phiền nhiễu . Đừng đọc quá nhiều bài kinh cùng một lúc. Hãy khiến cho việc đọc kinh thành một trải nghiệm đặc biệt và thiêng liêng. Đó nên là một trải nghiệm đầy hoan hỷ. Nếu trải nghiệm đó trở nên khô khan và khó chịu, đặt mọi kinh điển sang một bên và sau vài ngày, vài tuần hay vài tháng, hãy cố đọc lại một lần nữa. Tu tập theo kinh đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đơn giản là đọc một hai lần và tự nhủ “Bây giờ tôi đã đọc xong kinh Tứ Niệm Xứ. Tiếp theo nên đọc cái nào?” Sau khi bạn đọc xong một bài kinh, hãy dành thời gian thực hành thiền niệm hơi thở để tạo nhân duyên cho bài kinh đó thâm nhập vào tâm thức và con người bạn.

Ghi chú

Ghi chú của dịch giả

(1) bằng việc sử dụng từ ngữ, cách đặt câu, đặt vần, v.v….

(2) Như phần 1, giáo pháp đã được thực hành trong 2600 năm bởi vô số Phật tử (và rất nhiều người đạt giải thoát)
Những câu không phù hợp với điều kiện Việt Nam

(3) )Một vài trong số này là có sẵn trong bản dịch tiếng Anh từ tiếng Pali Text Society và Hội Xuất bản Phật giáo- Buddhist Publication Society.

(4) chẳng hạn như những người viết trong Wheel Publications của Hội Xuất bản Phật giáo.

(5) Bạn cũng có thể thích thú khi đọc những lời giới thiệu và ghi chú tuyệt vời của Tỳ khưu Bodhi: The Middle Length Discourses of the Buddha (Boston: Wisdom Publications, 1995) and Maurice Walshe’s The Long Discourses of the Buddha (Boston: Wisdom Publications, 1987)


Những câu hỏi nên nhớ khi đọc kinh

Khi đọc kinh, hãy nhớ rằng bạn đang nghe lời giảng của Đức Phật khi Ngài đang dạy người khác. Không giống các giáo chủ ngoại đạo cùng thời luôn bám chặt vào một học thuyết cố định khi trả lời mọi câu hỏi [AN 10,93], Đức Phật tùy theo căn cơ- nhu cầu của người nghe mà thuyết pháp. Do đó, hiểu được hoàn cảnh thuyết kinh rất quan trọng, ví dụ, việc nhận biết bạn với người được Phật giảng lúc đó có điểm chung nào sẽ gợi ý cho bạn về cách áp dụng lời dạy của Phật vào cuộc sống của chính bạn.

Khi đọc, việc để tâm một số câu hỏi sau đây có thể giúp ích bạn, 1)-giúp hiểu bối cảnh của bài kinh và 2)- chọn được mức độ phù hợp với căn cơ bản thân (kinh có nhiều mức độ hiểu khác nhau tùy vào căn cơ) . Mục đích những câu hỏi này không phải là khiến cho bạn trở thành một học giả Phật giáo, chúng chỉ đơn giản giúp kinh điển trở nên sống động và tiếp cận hơn với bạn.

Phật giảng kinh này ở đâu?

Đoạn mở đầu (thường bắt đầu bằng “Như vậy tôi nghe …”) giới thiệu bối cảnh cho bài kinh. Nó diễn ra trong một ngôi làng, trong một tu viện , hay trong rừng? Lúc đó đang là mùa nào ( mùa xuân- mùa mưa- mùa nóng)? Việc gì đang diễn ra? Việc mường tượng những chi tiết này nhắc nhở bạn rằng bài kinh này tả lại sự kiện có thật từng xảy ra với những người thật, như bạn và tôi.

Làm Bạn Với Kinh Pali

Nhân duyên thuyết kinh là gì?

Một bài kinh có thể ít đề cập đến nhân duyên thuyết kinh [AN 7,6], trong khi kinh khác có thể được kể lại đầy đủ nhân duyên,  đôi khi như một câu chuyện nhỏ [MV 10.2.3-20]. Những câu chuyện đó góp gì cho bài kinh?

Ai khiến Phật thuyết kinh?

Đức Phật chủ động thuyết giảng [AN 10,69], hay một người nào đó đến hỏi [DN 2]? Nếu là trường hợp sau, liệu người hỏi có thái độ hay gợi ý ngầm nào? Một người nào đó đến với ý định đánh bại Phật trong tranh luận [MN 58]? Những suy tư này khiến bạn nhận rõ hơn về mục đích của kinh, và khả năng tiếp thu của người nghe pháp lúc đó. Từ đó bạn có thể suy ra thái độ bạn nên có khi tìm hiểu kinh.

Ai thuyết pháp?

Là Phật [SN 15,3], hay một trong những môn đệ của Người [SN 22,85], hoặc cả hai [SN 22,1]? Là nhà sư [SN 35,191] hoặc cư sĩ [AN 6,16]? Trình độ của tâm linh của người giảng như thế nào ( Tư đà hoàn [AN 6,16], hay A la hán [Thig 5,4])? Biết được những điều này có thể giúp bạn hiểu thêm về bối cảnh của kinh. Nhiều bài kinh có rất ít chi tiết tả về những người nghe kinh, trong những trường hợp như vậy hãy tham khảo những bài giảng kinh, luận, hay tham vấn một học giả Phật giáo hoặc một người tu hành.

Ai là đối tượng trực tiếp của kinh?

Phật giảng dạy một vị tăng [SN 35,85], ni [AN 4,159], hay một cư sĩ [AN 7,49]? Một nhóm người mà trong đó chỉ có vài người tin tưởng[SN 35,197] ?Một đám đông [MN 118] hay một cá nhân [AN 4,184]? Hoặc là những người ngoại đạo [MN 57]? Trình độ tâm linh của họ như thế nào? Nếu người nghe pháp là những vị Tư đà hoàn đang cố gắng chứng quả A La Hán, Phật sẽ giảng thâm sâu hơn so với cho những những người vừa nhập môn [AN 3,65]. Những câu hỏi này có thể giúp bạn ước định bài kinh này thích hợp với bạn đến mức nào.

Cách thuyết kinh như thế nào?

Đó là một buổi thuyết pháp trang trọng [SN 56,11], hay một buổi vấn đáp[Sn 5,6], một buổi kể chuyện[AN 3,15], hoặc đơn giản là những câu đầy cảm hứng [Thig 1,11] ? Nội dung chính yếu của bài pháp nằm trong nội dung của kinh [SN 12,2] hay bài pháp bao gồm cả cách Phật giao tiếp với người nghe pháp [MN 57]? Sự đa dạng về phong cách giảng dạy mà Đức Phật và các đệ tử của Ngài sử dụng cho thấy rằng không có phương pháp cố định để giảng Pháp, phương pháp được sử dụng phụ thuộc vào hoàn cảnh và căn cơ của thính giả.

Điểm chính yếu mà kinh muốn nói là gì?

Kinh nằm ở đâu trong giáo pháp Tam vô lậu học? Tập trung chủ yếu vào giữ giới [MN 61], Định [AN 5,28], hay Tuệ [MN 140]? Lời dạy của Phật có thống nhất với những bài kinh khác (ví dụ, Sn 2,14 và DN 31)? Vị trí của bài kinh này trong nhận biết của bạn về giáo pháp là như thế nào? Liệu kinh có phù hợp với hiểu biết trước đây của bạn về giáo pháp, hoặc khiến bạn phải suy tư kiểm chứng lại những nhận định, quan điểm của bản thân.

Làm Bạn Với Kinh Pali

Kinh kết thúc như thế nào?

Người nghe giác ngộ ngay sau khi nghe [ SN 35,28], hoặc phải mất một thời gian ngắn sau khi nghe [MN 57]? Liệu có ai trở thành Phật tử, được minh chứng bằng câu ” Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn ! Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn ! … ” [AN 4,111] Đôi khi hành động thổi tắt một ngọn nến là đủ để cho một ai đó giác ngộ [Thig 5,10], đôi khi ngay cả chính Đức Phật không thể giúp người khác vượt qua nghiệp xấu mà họ đã tạo [DN 2]. Các kết quả khác nhau trong kinh minh họa cho sức mạnh và sự phức tạp của luật nhân quả.

Bài kinh mang đến cho tôi những gì?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất , vì nó thách thức bạn sống theo kinh, thách thức bạn biến bài kinh thành một phần của bạn. Xét cho cùng, tâm bạn là thứ được chuyển đổi, chứ không phải trí thông minh. Hãy tự hỏi: Liệu tôi có giống nhân vật nào, trong hoàn cảnh tương tự như trong kinh? Câu hỏi hay lời dạy này có thích hợp với tôi hiện giờ không? Những tôi có thể học gì từ bài kinh? Bài kinh này khiến tôi nghi ngờ về khả năng giác ngộ của mình hay giúp tôi tự tin hơn và cũng cố niềm tin vào chánh pháp?

Nguồn: thayvabiet