Bản chất của sự tu học là “để chuyển hóa khổ đau của chính mình; để đạt đến sự hiểu biết lớn, tức là đại giác ngộ; để đạt đến một tình thương lớn, tức là đại từ bi; để đạt đến cái tự do lớn, tức là đại tự tại”.

“Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” đây là con đường mà Bụt đã từng đi – con đường của sự hiểu biết và thương yêu – con đường của sự giác ngộ và từ bi.

Nền tảng của một đạo học được xây dựng trên hai phương diện hiểu biết và tình thương. Bởi có hiểu mới có thể có được tình thương sâu sắc, vì vậy mà hai phương diện này không thể tách rời nhau, có mối quan hệ tương dung, tương duyên với nhau. Trước hết là nghe, “lắng nghe để hiểu”, đó cũng là trí tuệ, vì có trí tuệ mới có thể “nhìn lại để thương”, đó là từ bi. Đạo Bụt đi vào đời nếu không có sự giác ngộ thì không thể nào mà có thể làm được những công việc mang tính chất từ bi và cứu độ. Sự giác ngộ này cũng đồng nghĩa với sự hiện hữu của trí tuệ. Trí tuệ và từ bi chính là bản chất của một đạo Bụt đã tồn tại hơn hai mươi sáu thế kỉ qua.

Lắng-nghe-để-hiểu-nhìn-lại-để-thương”-đây-là-con-đường-mà-Bụt-đã-từng-đi-con-đường-của-sự-hiểu-biết-và-thương-yêu-–-con-đường-của-sự-giác-ngộ-và-từ-bi

Đạo Bụt nhập thế hay còn gọi là đạo Bụt dấn thân đã trở nên rất quen thuộc đối với con người Tây phương lẫn Đông phương. Không nằm ngoài hai phương diện hiểu biết và thương yêu, đạo Bụt muốn dấn thân được thì trước hết phải có sự hiểu biết, sau đó là để tiến tới sự thương yêu. Bởi lẽ, đạo Bụt dấn thân mà không con mắt của sự hiểu biết (trí tuệ) thì không thể nào trải lòng thương (từ bi) chúnh sinh mà cứu độ được.

Cũng vậy, khi nhìn sâu hơn vào đạo Bụt, trong đời sống tăng thân đi theo con đường Bụt đã đi, mà không chịu “lắng nghe” và “nhìn lại” thì không thể nào xây dựng được một đoàn thể tăng đoàn hòa hợp và thanh tịnh. Anh em không lắng nghe nhau nên không hiểu nhau, như vậy thì tình huynh đệ sẽ bị ngăn cách và dẫn đến sự đoàn kết trong một tập thể sẽ không thể thiết lập được. Sư em phải biết nghe sư anh và sư anh cũng phải biết nghe sư em, nghe để hiểu và nhìn lại để thương, chứ không phải nghe để hiểu và nhìn lại để ganh ghét, ôm thù vặt vãnh. Anh em sống và tu tập ở cùng một nơi, quy ngưỡng cùng một thầy, mà không từ bi với nhau thì làm sao có thể từ bi với chúng sinh. Anh em không từ bi với nhau mà nói từ bi với chúng sinh là đang nói dối, phi đạo lý. Vì thế, trong đời sống tăng thân càng phải biết thực tập lắng nghe, “lắng nghe để hiểu” và “nhìn lại để thương”, góp phần giúp cho đạo Bụt không hoen ố và đưa đạo Bụt đi lên.

Ngay cả đạo Bụt, trong đời sống tăng thân mà còn phải thực tập lắng nghe và nhìn lại thì huống gì là những người còn bị ràng buộc bởi trần duyên phiền lụy chưa vào đạo giải thoát. Cuộc sống hiện đại hóa hôm nay người ta xô bồ theo cái mới, bận rộn và không có thời gian để nhìn nhận đúng sai mọi việc. Đa phần ai cũng lắng nghe để hiểu nhưng nhìn lại thì không phải để thương, mà là nhìn lại là để ganh ghét, hận thù. Vì thế cho nên mọi người cần phải biết thực tập lắng nghe để có thể nhìn sâu, hiểu biết, chấp nhận, tha thứ và để nuôi dưỡng yêu thương – vì có nghe mới có hiểu, có hiểu mới có thương. Cũng như cha mẹ mà không hiểu con cái mình thì con cái nhất định sẽ khổ và mất đi phương hướng. Cho nên cha mẹ phải biết thực tập lắng nghe và nhìn lại để hiểu và thương con cái – và để có thể xây dựng được sự hạnh phúc và bình yên trong gia đình.

Hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm chính là hình ảnh rõ nét nhất về đạo Bụt dấn thân. Ngài là người có khả năng lắng nghe với tâm xót thương. Hạnh nguyện của Ngài là nghe âm thanh của chúng sinh mà hóa ra bất kỳ hình tướng gì để có thể dùng phương tiện cứu độ “Ưng dĩ Bích-chi Phật thân đắc độ giả, tức hiện Bích-chi Phật thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ trưởng giả thân đắc độ giả, tức hiện trưởng giả thân nhi vị thuyết pháp”. Hình ảnh của Ngài đã không còn xa lạ gì với truyền thống tín ngưỡng đạo Bụt của dân tộc hơn mấy nghìn năm nay. Nói một cách khác, khi ta biết lắng nghe và nhìn lại để hiểu, để thương thì bất cứ ai cũng sẽ là một vị Bồ Tát Quan Thế Âm. “Ta đừng tưởng đức Quan Thế Âm là một thiên thần đang đứng trên mây. Quan Thế Âm là hạt giống của tình thương chôn vùi trong tâm thức mình, đã được tưới tẩm bởi sự quán chiếu, và đang trở thành năng lượng giúp ta có thể lắng nghe người khác với lòng xót thương”.

“Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”.

Cuộc sống đang cần chúng ta lắng nghe và nhìn lại nên hãy yêu thương đi. Sự hiểu và thương của chúng ta nhất định sẽ được đón nhận khi ta biết trao nó đi. Đạo Bụt được tồn tại đến bậy giờ cũng là dựa trên sự trao đó – đạo Bụt có trao đi sự hiểu biết và tình thương (trí tuệ và từ bi) thì chúng sinh mới có thể tiếp nhận và quay lại giữ gìn, bảo vệ, hộ trì đạo Bụt. Trao đi yêu thương thì nhất định sẽ nhận về hạnh phúc.

Tâm Thiền