Đại bàng có cách bắt mồi rất dữ dằn. Khi thấy miếng ăn thích hợp, nó từ trên cao lao xuống phập lấy con mồi thật nhanh, rồi mang vào bờ rỉa sạch.
Lần đó, cũng như mọi khi từ trên cao đại bàng thấy con mồi vừa tầm, nó lao xuống phập rất sâu rất mạnh. Phập vô rồi cất cánh bay lên, bay không được, tại vì phập nhầm cá mập. Bấy giờ muốn nhả ra, nhả cũng không được vì mống vuốt đã lún sâu vào thịt cá. Sức nặng của cá mập cứ trì xuống trì xuống. Nó không màng tới chuyện ăn uống chi lúc này, chỉ muốn bay lên thoát nạn mà thôi, nhưng không được nữa rồi. Trong hoàn cảnh như thế, con đại bàng không còn cách nào khác hơn là cùng với cá mập, từ từ chìm xuống lòng đại dương. Và câu chuyện kết thúc.
… … … …
Câu chuyện ngắn củn. Ngắn củn mà đi hết vô lượng đời. Bởi vì tất cả chúng sanh đều giông giống như chim đại bàng đó vậy. Đại bàng đâu ngờ nó bấu miếng mồi, nhưng cuối cùng miếng mồi bấu lại nó. Nó nghĩ miếng mồi đó ngon lắm, vừa mắt, vừa lòng nó lắm nên quên cả tính mạng, lao vào phập thật sâu thật nhanh, không cần biết miếng mồi ấy là gì. Khi quắp không được miếng mồi, nó muốn nhả ra nhưng muộn mất rồi. Đau khổ ở chỗ là không ăn thì nhả ra, nhưng nhả ra cũng không được.
Con người cũng thế, khi lòng tham nổi lên không nghĩ tới hậu quả. Bằng mọi cách cứ bám theo miếng mồi, không biết được sự nguy hiểm của nó, không biết hoàn cảnh của mình đang ở giữa lòng đại dương, cuối cùng chính miếng mồi ấy giết mình. Nhưng nếu nói chính xác hơn thì không phải miếng mồi giết mình, mà lòng tham của mình giết mình. Cái đau nằm ở chỗ nuốt không trôi đã đành, mà muốn nhả ra nhả không được. Trong tất cả chúng ta, đa số đều rơi vào tình huống như thế. Vì lòng tham cũng như vì sự si mê ta lao vào một đối tượng nào đó, một cảnh duyên nào đó, cho đến khi hay ra ăn không được nuốt không trôi mà nhả cũng không xong. Thế là tìm cách quyên sinh. Nếu không đi vào cửa tử thì sống cũng bằng chết, đau khổ dày vò, không ai cứu được.
Miếng mồi đó Phật gọi là ngũ dục, sự lao sâu vào miếng mồi ấy là si mê tạo nghiệp. Chúng sanh vì tham quá, dại khờ quá, thấy miếng mồi mà không lượng sức. Đối với ngũ dục chúng ta lao theo nó, nhưng không nghĩ khi giáp mặt với nó ta sẽ như thế nào? Thỏa mãn hay đau khổ. Chúng ta không cần biết, chỉ biết muốn. Muốn mà được thì sướng lắm. Cũng như con đại bàng kia nghĩ đớp được miếng mồi thì no lắm, nào ngờ chẳng những không no mà còn mất mạng. Phật đã thấy nỗi khổ của nhân sinh chính là chạy theo ngũ dục. Chạy theo một cách say sưa. Một khi muốn một cái gì đó là muốn cho được. Không được thì bức tai bức tóc, than trời trách đất. Tới hồi phập vô được lại muốn nhả ra, mà nhả không xong nên đau khổ.
Con đại bàng trong câu chuyện phải chết vì nó không còn đường sống. Chúng ta có phước hơn, lúc đập cánh thoi thóp giữa đại dương thì gặp cái phao, đó là Phật pháp. Nhiều Phật tử nói: “Nếu không gặp Phật pháp, chắc con chết, sống không nổi”. Chúng ta mang tâm trạng của con đại bàng, bởi cuộc đời đâu có gì vui. Tuy nhiên Phật bảo chúng sanh bình đẳng như nhau trên hai lĩnh vực đau khổ và an lạc. An lạc ở đây là niềm vui chân thật xuất phát từ bản tâm chân thật. Khi mê thì khổ, tỉnh rồi biết muôn pháp duyên sinh, buông bỏ dễ dàng thì hết khổ, được vui.
Trích bài viết “Miếng mồi nguy hiểm”