Thương mình là một nhu yếu tự nhiên và quan trọng để có thể thương được người khác.  Nếu không biết thương mình thì ta cũng không thể nào thương được người khác.  Tình thương là một năng khiếu biểu hiện từ hạt giống thương yêu ở trong tâm thức, và nếu hạt giống thương yêu ấy quá yếu ớt, èo uột thì nó không đủ sức mạnh để mọc thành cây thương yêu.

Tình thương cũng giống như dinh dưỡng trong cơ thể người mẹ có thể làm ra sữa nuôi con, thiếu dinh dưỡng ấy mẹ sẽ không có sữa cho con.  Nếu ta không biết nuôi dưỡng bằng tình thương trong đời sống hằng ngày, thì ta sẽ không có tình thương trong tâm để hiến tặng cho những người chung quanh qua hành động, lời nói và tư duy.  Sở dĩ, ta nói được câu nói dễ thương là bởi vì ta có chất liệu thương yêu ở trong lòng.  Không có mạch nước trong lòng đất thì dù có đào giếng cách mấy đi nữa, nước sẽ không trào lên.  Ta nuôi dưỡng tình thương bằng bữa cơm.  Biết bao nhiêu công lao, mồ hôi nước mắt để ra trong một bát cơm.  Câu ca dao:

‘‘Ai ơi nâng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.’’

Mỗi lần đọc thầm lên trước bữa ăn, ta cảm thấy cảm động đến xót xa trong lòng.  Ta ăn cơm trong cảm giác sung sướng, nghẹn ngào, xót thương và biết ơn.  Tình thương của trời đất thiên nhiên và mồ hôi nước mắt của muôn loài có đầy đủ trong bát cơm.  Ý thức được công lao ấy, ta tiếp xúc được với tình thương từ sự sống.  Ta không thể nào sống hời hợt, vô tâm và chán nản.  Ta cũng ý thức rằng tình thương có mặt trong ly nước, nắng ấm, dòng sông, con người và thiên nhiên.  Tất cả đang mở hai cánh tay thương yêu để nuôi nấng, ôm ấp và duy trì sự sống cho ta.  Ta thương những con giun, con dế, con sâu, con kiến….  Chúng làm cho đất trong vườn trở nên mềm mại để cỏ cây hoa lá xanh tươi mà đơm hoa kết trái cho đời.  Ta thương những dòng sông xanh chảy âm thầm lặng lẽ ngày đêm đưa nước vào đồng bằng, từng đám ruộng để cho cánh đồng thêm xanh.  Những đám mây trời đã làm ra những cơn mưa mát mẻ cung cấp nước uống cho ta.  Không có nước, ta sẽ khô héo, mỏi mòn.  Tình thương gia đình, quê hương và sự sống cứ thấm dần vào trong trái tim để làm ra chất liệu thương yêu trong ta.

Thương mình là mối tình đầu của bài học thương yêu, là cơ chế tự vệ và tự tồn để sống sót và lớn lên thành người.  Ðạo Bụt gọi tình thương ấy là ngã ái.  Ngã ái là thương mình.  Tình thương dựa trên nhận thức về một bản ngã riêng biệt.  Ta không nên có mặt cảm về bản ngã.  Đừng bị kẹt vào chủ thuyết vô ngã.  Vô ngã là một thực tại mầu nhiệm, nhưng nó phải được quán chiếu từ bản ngã.  Cũng như hoa sen chỉ nở ở trên bùn.  Bản ngã không phải là kẻ thù, mà là một nhận thức sai lầm đã có mặt từ ngàn xưa, cho nên tu tập là nhận diện sự vận hành của bản ngã để đừng làm nô lệ cho nó. 

Ta đòi hỏi mẹ phải thương ta, cha phải thương ta, mọi người phải thương ta.  Tất cả những tình cảm của người khác dành cho ta đều có sự đòi hỏi để đáp ứng với những ước muốn và nhu yếu của ta.  Ta muốn mẹ, cha, anh, chị, em và mọi người thương ta và thuộc về ta, chiều chuộng ta, để ý tới ta.  Nếu người khác không đáp ứng theo ý muốn của ta thì ta giận hờn, trách móc và khổ đau. 

Hồi còn ở nhà, tôi được mẹ và các anh chị thương yêu và cưng chiều.  Tôi là áp út, và em gái tôi là út.  Hiện giờ cả hai anh em tôi đã xuất gia tu học ở Ðạo Tràng Mai Thôn.  Hồi đó, tôi đòi gì được nấy.  Cơm nóng cá ngon đều nhường cho tôi và em út.  Mẹ thương hai anh em tôi hơn các anh chị, bởi vì họ lớn rồi mà lại ham chơi.  Tuy còn nhỏ tuổi, tôi đã biết thương mẹ, cảm được những khổ đau và lo lắng của mẹ.  Tôi đã biết chia sớt công việc cho mẹ đỡ nhọc nhằn và cực khổ.  Tôi âm thầm làm tất cả những công việc nhà.  Tôi quét nhà, quét sân, hiên trước và hiên sau.  Không ai bảo, tôi vẫn nấu bữa cơm chiều cho cả gia đình trong khi đó các anh chị đi chơi với bạn bè.  Cố nhiên trong lúc làm việc nhà và nấu cơm, thấy các anh chị đi chơi, tôi buồn giận trong lòng nhưng chẳng dám biểu lộ với các anh chị vì sợ.  Nhờ biết lo việc nhà từ lúc còn tấm bé, tôi có thể nấu được những bữa cơm chiều khá ngon.  

Tôi chăn gà, chăn vịt và nuôi lợn.  Nhà tôi có nuôi một con lợn to lớn như một con bò con, thân nó dài, xương nó to và chân nó cao.  Lông của nó màu vàng cháy cũng giống như màu lông của con bò.  Nó ăn khỏe vô cùng.  Mỗi ngày tôi phải xắt cả một thúng rau thật lớn để trộn vào nước mả và các thức tanh tưởi khác để cho nó ăn.  Con lợn này rất là hung dữ, không ai trong nhà thương nó cả chỉ trừ mẹ.  Mẹ tôi thương tất cả mọi người, mọi con vật trong nhà và cũng thương luôn cả những người nghèo khó.  Tôi cũng như mọi người khác không ưa con lợn này chút nào.  Tôi chăn nuôi nó, nhưng tôi rất sợ nó.  Một cậu bé chưa đầy mười tuổi, thân hình bé bỏng vì thiếu dinh dưỡng mà phải nuôi một con lợn to lớn như một con bò với cá tính quá hung dữ.  Thật là một chuyện hãi hùng và tội nghiệp cho tôi.  Tuy nhiên tôi vẫn săn sóc tận tình cho nó, bởi vì nhà tôi nghèo, chú lợn này là một nguồn tài lợi cho cả gia đình.  Con lợn này đã sinh một lần tám con lợn con thật tròn trịa và dễ thương.  Cả nhà tôi ai cũng vui sướng, vui nhất là mẹ.

Mẹ thương tôi nhiều nhưng cũng thương các anh chị em khác.  Mẹ thường bảo rằng tôi là đứa con hiếu thảo nhất nhà.  Thế mà thỉnh thoảng tôi vẫn hờn dỗi mẹ như thường.  Tình thương của tôi có rất nhiều sự đòi hỏi.  Mẹ lo lắng cho tôi hơi nhiều thì tôi đâm ra bực mình, và nếu mẹ không săn sóc cho tôi thì tôi lại hờn dỗi.  Mẹ nhắc nhở, dạy dỗ cho tôi đủ điều nhưng thay vì cảm thấy hạnh phúc và sung sướng, tôi lại nổi sùng.  Hễ muốn mua gì mà mẹ chưa mua hoặc không kịp mua là tôi buồn giận.  Ði học về, mâm cơm trưa để dành cho tôi thiếu cá kho và canh ngon là tôi buồn, không muốn ăn.  Biết thế lần sau mẹ dặn các chị phải để cơm ngon cá ngọt cho tôi và em út.  Cho nên tình thương của tôi mang nhiều chất liệu chiếm hữu, đòi hỏi và hưởng thụ.

Sau khi xuất gia rồi, tình thương của tôi vẫn đi theo chiều hướng ngã ái ấy.  Tôi thương Thầy như thương mẹ cha và gia đình.  Tôi đòi hỏi Thầy phải chú ý đặc biệt, công nhận và thương tôi nhiều hơn ai hết.  Hễ Thầy thương yêu và chú ý các sư anh, sư chị và sư em khác hơi nhiều là tôi cảm thấy buồn buồn, rầu rầu trong lòng.  Tôi nhận ra chất liệu vướng mắc trong tình cảm của tôi đối với bổn sư.  Tôi mất ba từ hồi còn tấm bé, bởi thế tôi rất khát khao tình yêu của ba, nên tôi bám riết tình thương của Thầy.  Cố nhiên Thầy của tôi thương tôi nhiều lắm nhưng chất liệu lo âu, hồi hộp, đòi hỏi do sự thiếu thốn tình thương của ba đã làm cho tôi đau khổ.  Thầy tôi biết như thế nhưng Người rất kiên nhẫn với tôi.  Người không hất hủi mà cũng không để tôi bám riết lấy Người.  Thầy đã giúp cho tôi thấy được chất liệu vướng mắc và đòi hỏi trong tôi.  Bây giờ, tôi đã biết thương Thầy, do đó tôi cũng biết thương mẹ, thương em, thương sư anh, sư chị và sư em.  Tình thương này thật là thanh thoát, nhẹ nhàng mà thiêng liêng. 

Tôi thương người khác nhưng tôi cũng đòi hỏi họ như thế này thế nọ, đặt điều kiện này hay điều kiện kia để thỏa mãn sự đòi hỏi của tôi, bởi vì trong thâm tâm tôi luôn luôn cho rằng tôi là người quan trọng nhất.  Ðó là tình thương của ngã chấp.  Tôi ôm ấp và thương yêu bản ngã.  Do đó những gì không vừa ý với cách suy tư, nhận thức và tình cảm của tôi thì tôi không chấp nhận.  Tôi đau khổ và buồn chán.  Từ thương yêu tôi trở lại hờn dỗi và ghét bỏ những người thương.  Cho nên xây dựng tình thương chân thật là một bài học để hiểu về bản chất tình thương đích thực trong ta.

Pháp Đăng