(PPUD) Nhân dịp kỷ niệm 61 năm ngày vắng bóng của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Tổ khai sơn hệ phái Khất Sĩ, chúng tôi có dịp đến thăm và chiêm bái quần thể kiến trúc của ngôi pháp viện Minh Đăng Quang, thuộc Giáo đoàn IV hệ phái Khất sĩ Việt Nam.
Quần thể kiến trúc Pháp viện Minh Đăng Quang
Pháp Viện Minh Đăng Quang tọa lạc tại số 505 xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Theo đường Xa Lộ Hà Nội hướng vào thành phố, để ý bên tay trái sẽ thấy Pháp Viện, không khó để nhận thấy một quần thể kiến trúc Phật giáo đặc trưng hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ.
Chúng tôi có nhân duyên gặp được Đại đức Thích Minh Liên cùng với những chia sẻ thú vị về ngôi Pháp viện từ thầy. Thầy cho biết, pháp viện này do HT. Thích Giác Nhiên – nguyên Trưởng Giáo đoàn IV hệ phái Khất sĩ cho xây dựng vào năm 1968. Đầu năm 2009, ngôi pháp viện Minh Đăng Quang làm lễ khởi công xây dựng mới. Sau hơn 5 năm tiến hành trùng tu, đến nay, ngôi pháp viện đã hoàn thành hơn 70% hạng mục. Dự kiến trong vòng 2 đến 3 năm nữa, công trình sẽ được thành tựu. Đại đức cũng cho biết thêm, công trình được xây dựng trên tổng diện tích 37.490 m2 và được đầu tư bài bản từ những công ty xây dựng uy tín, với sự tư vấn kỹ thuật, sự kiểm định về chất lượng khoa học. Hiện tại, công trình đang trong giai đoạn xây dựng 2 dãy tăng xá và dãy nhà Cửu Huyền phía sau chánh điện.
Sau buổi nói chuyện, chúng tôi rời khỏi văn phòng pháp viện và lần lượt viếng thăm quần thể kiến trúc độc đáo nơi đây. Từ cổng nhìn vào, chúng tôi ngước mắt để nhìn những tầng tháp cao hút trong khoảng không bao la, ngút tầm mắt. Quả là một trung tâm hoằng pháp lâu dài và tương xứng với sự phát triển của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Liền đó, chúng tôi tiến vào ngôi tháp chính của pháp viện. Hạng mục này tọa lạc ở giữa, có kiến trúc ngang 40 mét, dài 70 mét, cao ba tầng. Tầng trên là ngôi chánh điện bát giác truyền thống đường kính 32 mét. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tầng dưới là thiền đường rộng 24 mét, dài 50 mét. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế Niết-bàn. Tầng dưới thiền đường là giảng đường rộng 40 mét, dài 50 mét. Phía sau là một sảnh lớn đa chức năng. Ngoài ra còn có một tầng hầm dùng làm nhà bếp và trai đường. Phía sau kiến trúc chính là tòa nhà “Tây Phương Cực Lạc” cao 5 tầng, dài 36 mét, rộng 12 mét, thờ chư vị lịch đại Tổ sư và Cửu Huyền Thất Tổ, sau nữa là khu vực Tuệ Tĩnh Đường và những hạng mục Từ thiện xã hội.
Quan sát từ trên chánh điện ngôi tháp chính, Pháp viện thật rộng, khuôn viên bao la. Bốn góc của kiến trúc chính là bốn ngôi tháp. Tháp bên trái phía trước có tên là Tháp Ca-diếp, nơi thờ bảy đức Phật quá khứ và lịch đại Tổ sư. Tháp bên phải phía trước có tên là Tháp Xá-lợi-phất. Tầng trên của tháp Xá-lợi-phất tôn trí Pháp bảo tam tạng kinh luật luận bằng các ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Hán, Anh, Việt… có nội dung triết học, văn học, sử học Phật giáo… Tầng trệt là phòng đọc sách dành cho mọi đối tượng. Hai tháp phía sau là nơi thờ linh cốt của chư Tăng và Phật tử.
Nối kết giữa các tháp là dãy hành lang 2 tầng để tạo khoảng không gian cho Phật tử thiền hành trong các khóa tu. Phía trên hành lang có bốn tháp một cột thờ bốn vị Bồ-tát theo truyền thống Phật giáo Đại thừa: Văn Thù, Phổ Hiền, Đại Thế Chí và Địa Tạng.
Cây Bồ Đề đặc biệt ở pháp viện Minh Đăng Quang
Vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 2014, nhân Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, được sự chấp thuận của chính phủ Sri Lanka và Giáo hội Phật giáo Sri Lanka, Hòa thượng Phó Tăng Thống đạo hiệu A. Wajirajothi Maha Thera kính tặng Giáo hội Việt Nam cây Bồ Đề được chiết từ cội Bồ Đề trên 2000 năm tuổi ở Sri Lanka và được trồng tại pháp viện Minh Đăng Quang vào ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Ngọ.
Đại lễ tưởng niệm ngày Tổ Sư Minh Đăng Quang vắng bóng
Cứ vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Âm lịch hằng năm, Pháp viện Minh Đăng Quang – Giáo đoàn IV Hệ pháp Khất sĩ là một trong những điểm tổ chức Đại lễ tưởng niệm ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Đó là một hiếu sự trọng đại đối với môn đồ đệ tử. Sự kiện này cũng đánh dấu một quá trình hình thành và phát triển lâu dài của Đạo Phật Khất Sĩ trên đất nước Việt Nam.
Thời khóa tu học tại Pháp viện Minh Đăng Quang
Chúng tôi được Đại đức Thích Minh Liên chia sẻ thêm về thời khóa tu học tại ngôi pháp viện này. Thầy cho biết, hiện tại có 60 vị tăng đang trú xứ và tu học tại pháp viện, “hằng ngày, sau giờ tụng kinh, chúng tôi đều tổ chức ngồi thiền trong vòng 1 giờ đồng hồ cho chư tăng và Phật tử”. Mỗi tháng với 4 ngày chủ nhật và 4 ngày sám hối, HT. Thích Giác Toàn và tăng chúng tại pháp viện sẽ có một thời giảng pháp đến toàn thể hội chúng.
Đi đến Pháp viện Minh Đăng Quang như thế nào?
Đi bằng xe máy:
Cách 1: Từ cầu Sài Gòn –> Xa lộ Hà Nội –> Rẽ phải qua đường Mai Chí Thọ –> nhìn qua phải là Pháp viện Minh Đăng Quang. (Theo hình hướng dẫn bên dưới)
Cách 2: Đi Đại lộ Võ Văn Kiệt –> qua hầm Thủ Thiêm –>đi thẳng Mai Chí Thọ –> rẽ trái là đến Pháp viện Minh Đăng Quang. (Theo hình hướng dẫn bên dưới)
Đi bằng xe buýt: Những tuyến xe buýt đi qua Xa lộ Hà Nội, dừng tại 505 Xa lội Hà Nội và rẽ phải vào pháp viện.
— Từ Bến xe Chợ Lớn, đón các tuyến đi qua Xa lộ Hà Nội như: số 6, 150, 56.
— Từ Bến xe Miền Tây, đón tuyến xe số 10.
Sau đây là một số hình ảnh về Pháp viện Minh Đăng Quang:
Theo Phật Pháp Ứng Dụng