Để lại tất cả hành trang dưới chân núi, chúng tôi – gồm: tôi, hai Phật tử và một tài xế – cùng nhau “thướng sơn”. Tôi dự định là sẽ ở lại đây một ngày để gặp gỡ và làm quen với các sư cô trước, rồi sau sẽ sắp xếp thời gian trở lại tập tu vài tháng, với mong muốn tự mình nếm trải xem hương vị giải thoát của pháp tu Mật tông thế nào!

 Tháng Chín Âm lịch, đường lên Tây Thiên vắng khách hành hương, hàng quán hai bên đường đều kín cửa. Hơn ba giờ leo núi, chúng tôi chẳng hề bắt gặp một bóng người, không gian tịch lặng bao trùm cảnh núi. Dưới chân, tiếng suối chảy róc rách, và xa xa, một dòng thác bạc như dải lụa trắng rì rầm đổ xuống. Những bờ cúc dại mọc trắng hai bên đường khiến tôi cứ ngỡ rằng mình đang lạc vào cõi thiên thai. Cảnh Tây Thiên đẹp như tranh vẽ!
Lên được chừng hai phần ba đoạn đường, chúng tôi bắt gặp một nhóm khoảng 30 sư cô đang yên tĩnh thọ trai trong một quán trọ bỏ hoang. Hỏi ra mới hay quý sư cô đang xuống núi khuân vật liệu lên thất để xây chánh điện, nhà nghỉ, chuẩn bị đón Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ 12 cùng Tăng đoàn Drukpa sẽ tới thăm Việt Nam và lên Tây Thiên hành lễ vào giữa tháng 11 này. Biết trước đoạn đường leo núi sẽ rất dài, không kịp trở về tịnh thất thọ trai đúng giờ, nên các sư cô đã đem theo thức ăn và thọ thực ngay bên đường.

Nhìn những súc gỗ to, dài hơn 4m cùng những thứ như xi măng, cát, đá,… nằm ngổn ngang bên đường, bất giác tôi cảm thấy nể phục cho sức mạnh phi thường và ý chí tự lực của quý sư cô – vác bao thứ nặng nhọc như thế, gương mặt quý cô vẫn không biểu hiện sự nhọc mệt mà còn luôn miệng mỉm cười! Trong khi đó, tôi mình không leo núi, miệng hổn hển thở, lại phải dừng liên hồi để nghỉ. Phải chăng, đó chính là sự kỳ diệu của con người và là sự diệu kỳ của Phật pháp?!
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được tịnh thất. Lúc này độ khoảng hai giờ chiều, trời lất phất mưa. Đường vào thất thật đẹp với những hòn đá nhấp nhô phủ đầy rêu và con suối nhỏ chảy dọc theo khuôn viên tịnh thất, vắt ngang con đường dẫn vào chính điện; đường trơn, nếu không giữ chánh niệm sẽ rất dễ bị té ngã.

Do đã liên hệ từ trước, nên vừa đến thất, chúng tôi đã được sư cô quản chúng niềm nở đón tiếp. Có lẽ đây là lần đầu tiên đến chốn đông người xa lạ mà tôi vẫn không hề có cảm giác e dè, lạ lẫm. Thái độ thân mật của sư cô quản chúng và ánh mắt từ bi của sư bà trụ trì khiến cho tôi có cảm giác thân thương đến kỳ lạ! Đã ngoài 80, xả bỏ hết thảy những công việc lo toan thường nhật, giờ đây Sư bà chỉ nhứt tâm niệm Phật. Trước kia, Sư bà vốn trụ trì một ngôi tự viện tại trung tâm thủ đô Hà Nội. Do Ni chúng Tây Thiên ngày càng đông, quý sư cô đã cung thỉnh Sư bà lên núi để làm bóng cây đại thụ cho đại chúng nương náu tu tập. Do đó, vì lòng từ bi, Sư bà đã trở thành thạch trụ của chốn già lam Tây Thiên.

Sau khi đảnh lễ sư bà, chúng tôi cùng đàm đạo với sư cô quản chúng. Nói đàm đạo, chứ thật ra nội dung câu chuyện chỉ xoay quanh các vấn đề về Mật tông và thời khóa công phu tu tập.

Thật ngạc nhiên khi được biết, tại ngôi tịnh thất hẻo lánh mất nửa ngày đường leo núi này lại có đến gần 80 sư cô! “Ban đầu, tịnh thất Tây Thiên chỉ là một thảo am nhỏ của 3 sư cô trẻ ẩn tu không ai biết đến. Sau vài năm, khách hành hương lên núi lễ bái, tình cờ họ thấy thảo am, nên từ đó nhiều người tìm đến; đặc biệt, từ khi Ni chúng ở đây tu theo Mật tông, người dân địa phương theo lên tu tập ngày một đông”, sư cô quản chúng cho biết.

Toàn bộ Ni chúng Tây Thiên hiện tu theo pháp môn Mật tông của dòng truyền thừa Drukpa với một thời khóa hành trì nghiêm mật. Dòng truyền thừa này đã được truyền từ 800 năm, qua 12 đời pháp vương với vô số hành giả, trải rộng từ Á sang Âu.
Để hướng dẫn Ni chúng tu tập theo đúng khuôn mẫu, 12 vị Ni Tây Thiên đã được cử đi cầu pháp, thọ học các nghi quỹ và pháp tu Mật tông ở một Ni viện của Đức pháp vương dòng Drukpa tại Kathmadu, Nepal trong vòng 6 tháng. Hình thức tu tập và quản lý Ni chúng Tây Thiên theo mô hình của các Ni trường miền Nam, lấy pháp Lục hòa làm kim chỉ nam, không theo mô hình một chùa – một thầy – một trò như ta vẫn thường thấy ở miền Bắc. Trên danh nghĩa, chùa có Sư bà trụ trì, nhưng mọi sinh hoạt và tu tập của chư Ni đều do ba vị chức sự quản lý và điều hành, trong đó, một vị chịu trách nhiệm về nghi lễ và đời sống Ni chúng, một vị chịu trách nhiệm về giáo dục và một vị chịu trách nhiệm về ngoại giao. Do ở núi cao, chư Ni Tây Thiên không thể tham gia các lớp Phật học của Giáo hội và các trường thế học, nên các vị Ni mới vào chùa đều được các vị đi trước hướng dẫn tu học cặn kẽ theo khả năng và trình độ của từng người.

Tuy lao động nặng nhọc, song toàn thể Ni chúng Tây Thiên đều không ăn chiều, ngay cả uống sữa hay bột ngũ cốc cũng không. Tinh thần tu học và tác sự của quý sư cô thể hiện rõ sự nghiêm trì giới pháp cẩn tắc, đặc biệt là pháp Lục hòa. Tất cả vật dụng cá nhân của Ni chúng đều bằng nhau và giống nhau, không vị nào nhiều hơn hay ít hơn, không vị nào cất giữ của riêng; tịnh tài, phẩm vật do Phật tử hoặc thân nhân cúng dường, dù nhiều hay ít, đều được tập trung vào quỹ chúng rồi sau đó đem chia đều cho mỗi vị.

… Trời tối. Mưa mỗi lúc một lớn. Lúc này các sư cô trẻ xuống núi khuân vác vật liệu xây dựng đã tập trung về tịnh thất đông đủ. Các cô đều ướt sũng. Sư cô quản chúng nhắc nhở mọi người mau mau đi tắm rửa kẻo bệnh và còn kịp thời giờ lên tham dự khóa lễ tối.
Và rồi, tiếng tù và ù ù ngân vang tịnh thất, báo hiệu tới giờ khóa lễ – đó là thời điểm mà tôi mong đợi nhất: được tham dự một khóa lễ Mật tông! Tiếng tù và chấm dứt, Ni chúng đã vân tập đầy đủ trên chánh điện. Sư cô Duy na thỉnh chuông bắt đầu khoá lễ. Buổi lễ hôm đó, hầu như tất cả các pháp khí Mật tông đều được sử dụng, từ kèn, tù và, ốc biển trắng cho đến trống, linh, chử,… Mỗi khi quý sư cô “trình diễn” các pháp khí, một bản hợp xướng linh thiêng lại ngân vang. Tôi có cảm giác như các âm thanh này xuyên sâu vào từng mao mạch, huyết quản của mình. Có nhiều pháp khí rất khó sử dụng, như: kèn, tù và, ốc biển,… phải cần rất nhiều lực để thổi, thế mà quý sư cô đều sử dụng không kém gì các vị Lạt ma. Tôi không thể tin rằng quý sư cô lại có thể sử dụng nhuần nhuyễn các pháp khí như thế!

Một ngày ở Tây Thiên, tôi đã được các sư cô hướng dẫn cho một số pháp tu căn bản. Thật không dễ để hành trì theo đúng khuôn mẫu. Chỉ riêng việc lễ lạy năm vóc sát đất (lạy nằm dài) thôi cũng khiến cho tôi cảm thấy rệu rã. Nhưng an lạc, lòng thư thái như nhận được sức gia trì của ngài Kim Cương Tát đỏa…

Lòng hẹn lòng vào một ngày gần nhất sẽ buông bỏ hết mọi thứ để chuyên tâm tu tập…

Thường Văn
Theo Giác Ngộ Online