Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền định đứng dậy, đi đến thăm một Tỷ kheo bị bệnh, sau đó bảo các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm pháp không gia tăng tuổi thọ. Thế nào là năm? Làm việc không thích đáng, không biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ không tiêu hóa, du hành phi thời và sống không phạm hạnh. Năm pháp này, này các Tỷ kheo, không gia tăng tuổi thọ.
Nhưng này các Tỷ kheo, có năm pháp gia làm gia tăng tuổi thọ. Thế nào là năm? Làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời và sống phạm hạnh. Năm pháp này, này các Tỷ kheo, làm gia tăng tuổi thọ.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Tuổi thọ,
VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.543)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống đời thường, có quá nhiều thứ vướng bận, làm cho thân tâm không an lạc, tâm bận thì bệnh sinh. Một trong những điều làm cho tâm bận là: Làm việc không thích đáng – nghĩa là làm việc trái với lương tâm, trái luân thường đạo lý hoặc là làm việc vô độ, không biết ngừng và nghỉ ngơi. Không biết vừa phải trong việc thích đáng – bản chất con người là tham lam, làm việc và làm việc, tiền và tiền, ai cũng muốn gia tăng cái mình đang có, ai cũng muốn thể hiện bản thân, dẫn đến việc không hài lòng với chính những gì mình đang có, có những người đạt đến sự thành tựu nhất định trong công việc, cuộc sống sung túc giàu có hơn nhiều người khác, nhưng họ luôn tham lam, không dừng lại, tự họ làm nô lệ cho đồng tiền và công việc, và kết quả là phá hoại sức khỏe, tuổi thọ giảm, lâm trọng bệnh, lúc đó thì tài sản cũng đi theo bệnh, có những người không may mắn trong bệnh tật dẫn đến mất sớm, vậy thì tiền của làm ra bao nhiêu có mang được đi chăng. Khi có tiền của dẫn đến ăn chơi chác tán, ăn uống vô độ ăn những đồ khó tiêu hóa hoặc ăn quá nhiều cũng không tiêu hóa được thừa chất cũng sinh bệnh và giảm thọ, say xỉn đánh lộn, đi đường gây tai họa. Du hành phi thời gian và sống phạm hạnh – đi lại quá nhiều và vô độ, sống không giữ giới cũng dẫn đến giảm thọ.
Sống lành mạnh, ăn uống điều độ, làm việc chừng mực và giữ cho tâm hồn thanh thản là xu hướng chung của con người trong đời sống hiện đại nhằm sống lâu và khỏe mạnh. Bởi sự đầy đủ tiện nghi vật chất cùng với nhịp sống công nghiệp tất bật và giải trí đa dạng của đời sống hiện đại vẫn chưa đủ để phục vụ cho sức khỏe con người, đôi khi còn có tác dụng ngược lại.
Những căn bệnh hiểm nghèo như béo phì, tim mạch, rối loạn tâm lý… thường được gọi là bệnh “người giàu” rất phổ biến. Một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng tai nạn giao thông là do ăn uống vô độ dẫn đến mất tự chủ. Đại dịch của thế kỷ, bệnh AIDS, nỗi kinh hoàng của mọi người đa phần xuất phát từ sự buông thả, quan hệ bừa bãi, phóng túng.
Để gia tăng tuổi thọ, theo tuệ giác của Thế Tôn, con người cần xây dựng và tuân thủ năm điều kiện trong đời sống. Đó là: có công việc phù hợp và lương thiện; làm việc chừng mực, biết hài lòng với những gì mình đang có, biết nghỉ ngơi; ăn uống điều độ, dinh dưỡng; đi lại trong điều kiện thời tiết tốt và sau cùng là giữ gìn đạo đức và nhân cách, không rơi vào đam mê, sa đọa và trụy lạc.
Năm điều kiện trên dù được tuyên thuyết từ rất xa xưa nhưng thiết nghĩ vẫn là những chuẩn mực rất cơ bản để đem lại sức khỏe và sống thọ cho con người trong thời văn minh, hiện đại. Xây dựng một nếp sống lành mạnh, thân và tâm luôn bình ổn và nhẹ nhàng là một trong những liệu pháp hiệu quả nhất để giữ gìn sức khỏe.
Sống thọ và khỏe mạnh là một phước báo, là mơ ước của mọi người. Đừng để hối tiếc khi còn chưa quá muộn, đừng phí phạm sức khỏe và mạng sống vì một khi đã mất đi không bao giờ lấy lại được. Hãy sống và thực hành lời Phật dạy để có một đời sống an vui, khỏe mạnh và trường thọ.