Thiên nhân hỏi:
– Thanh kiếm nào sắc bén nhất? 
Đức Phật trả lời: 
– Lời nói trong lúc giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất!

Phừng phừng lửa giận nóng thiêu
Lời buông tiếng thốt bao điều ác hung
Như gươm sắc bén vô cùng
Đâm thâm chém hiểm chập chùng khổ đau!
….
Thiên nhân hỏi:
– Chất độc nào tàn hại nhất? 
Đức Phật trả lời: 
– Dục vọng là chất độc tàn hại nhất!

Muốn rồi, muốn nữa, muốn thêm
Ham đầy, ham tiếp, ham quên đủ rồi
Độc tuôn ùng ục tâm người
Từng giây tàn phá cuối đời rỗng không!
….
Thiên nhân hỏi
– Ngọn lửa nào dữ dội nhất? 
Đức Phật trả lời: 
– Đam mê là ngọn lửa dữ dội nhất!

Thích vui thái quá miệt mài
Thân tâm giốc trút đường dài nghiêng chao
Biết lò lửa đỏ vẫn lao
Tự thiêu không biết cớ sao tro tàn?!
….
Thiên nhân hỏi:
– Bóng đêm nào đen tối nhất?
Đức Phật trả lời: 
– Vô minh là bóng đêm đen tối nhất.

Hận thù, tham ái liên miên
Từ không hiểu biết, ngày đêm ngục tù
Bản chất thực tại tối mù
Loay hoay mò mẫm dại ngu cả đời!
 ……..

NGHE PHÁP DIỄN THƠ (2)
 
 Vị thiên nhân lại hỏi:
– Ai là người lợi lạc nhiều nhất?
Đức Phật trả lời:
– Người lợi lạc nhiều nhất là người đã cho đi nhiều, mà không thấy đã cho.

Yêu thương trải rộng vô bờ
Sớt san, trao gửi, chia cho nụ cười
Niềm vui lan tỏa dòng đời
Thong dong nhẹ bước, thảnh thơi đi-về.
 …..
Vị thiên nhân lại hỏi:
– Ai là người chịu thiệt thòi nhất?
Đức Phật trả lời:
– Kẻ chịu thiệt thòi nhất là kẻ chỉ biết nhận một cách tham lam không chút biết ơn.

Chỉ mình thủ lợi liên miên
Lợi danh đánh bóng, kim tiền bôi trơn
Sướng gì thọ hưởng vô ơn
Biết chăng nhân quả thất tồn trả vay?
….  
Vị thiên nhân lại hỏi:
– Áo giáp nào không thể bị xuyên thủng?
Đức Phật trả lời:
– Nhẫn nhục là áo giáp không xuyên thủng được.

Phong ba tung thổi tứ bề
Nhún mình, lui bước có hề hấn chi
Bồ hòn ngọt hết đắng cay
Bình an vô sự bóng cây đỉnh đồi.
….  
Vị thiên nhân lại hỏi:
– Vũ khí nào lợi hại nhất?
Đức Phật trả lời:
– Trí tuệ là vũ khí lợi hại nhất.

Vào ra va chạm thế đời
Trầm thăng lặn hụp cuộc chơi hiểm tà
Chằng cần gươm báu, cà sa…
Bừng lên trí tuệ sáng lòa an vui.

Tâm Không Vĩnh Hữu