Này các vị tỳ-kheo, hôm nay tôi muốn nói với quý vị về nghệ thuật chăn trâu. Một em bé chăn trâu giỏi có thể là một tu sĩ giỏi. Tại sao thế? Này, các vị hãy nghe đây:
Em bé chăn trâu giỏi biết nhận ra trâu của mình, cũng như người tu sĩ giỏi nhận ra được những yếu tố tạo nên sắc thân.
Em bé chăn trâu giỏi biết được hình tướng mỗi con trâu trong đàn, cũng như người tu sĩ giỏi thấy được những hành động nào của thân, miệng, ý là đáng làm hay không đáng làm.
Em bé chăn trâu giỏi biết cách cọ xát, tắm rửa cho trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết buông xả, gột rửa thân tâm khỏi tham dục si mê.
Em bé chăn trâu giỏi biết chăm sóc các vết thương cho trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết hộ trì sáu căn để sáu trần không lung lạc được.
Em bé chăn trâu giỏi biết cách đốt khói un trâu để trâu khỏi bị muỗi đốt, cũng như người tu sĩ giỏi biết đem giáo lý giải thoát trao truyền cho người xung quanh để họ khỏi khổ đau dằn vặt.
Em bé chăn trâu giỏi biết tìm đường đi an toàn cho trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết tránh những lối đi dẫn tới danh lợi, sắc dục, sân hận.
Em bé chăn trâu giỏi biết thương yêu trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết quý trọng niềm vui thiền tập.
Em bé chăn trâu giỏi biết tìm bến tốt cho trâu qua sông, cũng như người tu sĩ giỏi biết nương vào Tứ Diệu Đế.
Em bé chăn trâu giỏi biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết Bốn Lãnh Vực là mảnh đất tốt để phát sinh giải thoát.
Em bé chăn trâu giỏi biết bảo trì những vùng thả trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết cẩn thận khi tiếp xúc với quần chúng và nhận sự cúng dường.
Em bé chăn trâu giỏi biết dùng con trâu lớn làm gương cho những trâu con, cũng như người tu sĩ giỏi biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của những vị Thầy đi trước.
Này các vị tỳ-kheo, một tu sĩ thực hành được mười một điều trên, có thể đạt quả vị A La Hán” (*).
(*) Ý tưởng khởi từ Nghệ Thuật Chăn Trâu trong “Đường Xưa Mây Trắng” của Thầy Nhất Hạnh.
Trích Bên Kia Sông – Huệ Trân