Làm việc thiện hẳn nhiên sẽ tích được thiện quả, điều này hoàn toàn không có gì sai, nhưng thiện quả không phải là xem tiền nhiều ít để định ra mà chính là đo lường nhân tâm. Những câu chuyện nói về chuyện này rất nhiều.

Thời xưa, có một thiếu nữ gia đình nọ rất mong muốn được đến chùa bố thí chút công đức, nhưng gia cảnh nghèo khó, trên người chẳng có gì, cô chỉ có thể mượn được 2 quan tiền, liền đem bố thí cho vị hòa thượng trong chùa. Ấy thế mà vị hòa thượng khi nhận 2 quan tiền bố thí này liền tự mình hành lễ trước Phật, sám hối tiêu trừ nghiệp lực giúp cô gái.

Sau này, người con gái may mắn được tiến cử vào cung vua, trở thành quý phi, phú quý vinh hoa không sao kể xiết. Vị quý phi cũng tìm đến chùa để bố thí, lần này cô mang theo bên mình nghìn lượng bạc, tiếp đón cô vẫn là vị trụ trì trước kia. Điều lạ là ông không tự mình hành lễ thay cho quý phi mà lại sai chúng đệ tử thực hiện. Quý phi khi ấy trong lòng rất lấy làm lạ, mới cất lời hỏi: “Ta lúc trước chỉ bố thí cho sư phụ 2 quan tiền, ấy thế mà ông lại thay ta hành lễ sám hối. Nay ta đem đến nghìn lượng bạc, ông lại không tự mình hành lễ như trước, điều này có đạo lý gì trong đó chăng?”

Vị sư trụ trì bèn đáp: “Tuy lúc trước nữ thí chủ bố thí chẳng nhiều, nhưng tâm người bố thí lại bày tỏ rõ ràng sự thành kính, nên lão hòa thượng ta tự mình thay thí chủ sám hối. Nay thí chủ bố thí rất nhiều, nhưng tấm lòng thành kính lại không trọn vẹn như trước, cho nên ta gọi người đến thay ta sám hối giúp thí chủ cũng là đủ rồi. Mấy nghìn lượng bạc bố thí chỉ xem là nửa thiện, hai quan tiền bố thí kia mới chính là toàn thiện; đạo lý chính là như vậy”.

Người tu Phật chân chính không xem trọng bạc tiền, việc bố thí ấy chỉ là nhìn vào thiện tâm. Xưa nay đạo lý nhà Phật đều như thế, chúng hòa thượng xem trọng tiền tài, đeo đuổi hư danh ấy chính là đang làm loạn Pháp tu này vậy.

Hàn Mai