TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)
Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998
***
QUYỂN THỨ 34
Nhiếp tụng sáu trong biệt môn tám:
Bất cộng nữ nhân dục,
Diệc bất nghịch lưu tẩy,
Bát để ưng an thế,
Bất súc lưu-ly bôi.
* Duyên xứ như trước. Sau khi xuống sông tắm rửa thân thể xong, cô gái nọ lên bờ ngồi chải tóc. Mang bột tắm đến đó tắm rửa, thấy cô gái chải tóc nên Bí-sô ny Thổ La Nan Ðà tức giận ganh tỵ, suy nghĩ: “Con nhỏ ngu si muốn tranh hơn ta nên chải đầu tóc, cho rằng trước đây ta không có tóc hay sao; hãy trừng trị cho nó bỏ lỗi, sau này có gặp ta không còn dám cạnh tranh hơn nữa”.
Ny lặng lẽ cầm bột Yêm Ma La bỏ lên đầu cô kia rồi lấy tay chà sát lên. Cô gái hỏi:
– Thánh giả! Tôi có lỗi gì, vừa gội đầu tóc xong lại bị người dùng bột Yêm-ma-la bỏ lên đầu vậy?
Ny nói:
– Vì ngươi đã cho rằng Thổ La Nan Ðà trước đây không có tóc, đầu đã dơ bẩn hãy đi gội lại.
Cô gái bất mãn chê trách. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Ny làm việc phi lý thật đáng chê trách. Từ nay về sau, chư ny không được bỏ bột tạp lên tóc sạch của người khác. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Cùng với chư ny đến tắm trong sông, Thổ La Nan Ðà đứng chỗ ngược dòng nước chảy mạnh để cảm giác lạc thọ. Chư ny hỏi:
– Thánh giả! Vì sao làm như vậy?
Ðáp:
– Này các em! Ta hưởng thụ cảm giác thích thú.
Chư ny nói:
– Thánh giả! Ðấy là pháp bất tịnh, không nên đứng chỗ ngược dòng nước chảy mạnh để hưởng cảm giác thích thú.
Ðáp:
– Ðây là pháp rất tịnh, có gì trái lý, nếu là bất tịnh thì chỗ nào ngăn cấm?
Ny bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Chư ny chê trách như vậy là hợp lý. Từ nay về sau, chư ny không được đứng nơi ngược dòng nước chảy mạnh để hưởng cảm giác thích thú. Ai vi phạm bị tội Thổ La Ðể Dã.
* Duyên xứ như trước. Các Bí-sô ny để bát sắt tùy tiện nên sinh rỉ sét, hoặc đem gõ đập nên bát bị hư nhiều. Ny bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Chư ny không nên để bát tùy tiện, nên dùng thiếc mỏng làm đế lót bát.
Như Thế Tôn dạy làm đế lót bát bằng thiếc, chư ny dùng thiếc bọc hết cả bát. Thấy vậy, người tục hỏi:
– Ðây là vật gì?
Ðáp:
– Các vị, Thế Tôn chế định dùng thiếc lót bát.
Họ bảo:
– Thánh giả! Lẽ nào Phật bảo bọc hết cả bát hay sao, các vị nói dối, đây không phải là việc làm của Sa-môn Thích nữ.
Nghe nói, ny xấu hổ im lặng không đáp. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Người tục chê trách đúng lý. Thế nên chư ny không được dùng thiếc bọc kín cả bát, chỉ nên dùng đế thiếc nhỏ đủ đỡ bát.
Họ lại làm nhiều kiểu hình dáng kỳ lạ, Phật dạy:
– Không được, đế có hai loại, một như lá cây Bồ-đề hay lá cây đa-căn; hai như bàn tay.
* Duyên xứ như trước. Ny Thổ La Nan Ðà có chén bằng lưu ly. Gặp lúc khách đến nhà, phụ nữ kia sang gặp ny hỏi:
– Thánh giả! Xin cho mượn chén lưu-ly.
Ny hỏi:
– Làm gì?
Ðáp:
– Thánh giả! Chàng rễ đến nhà nhưng không có chén dùng được.
Ðược ny đưa cho mượn, người kia vô ý làm vỡ chén, đến thưa:
– Thánh giả! Con xin đền trả.
Ny bảo:
– Này cô em! Không cần đền trả, hãy đưa lại chén cũ cho tôi.
Hỏi:
– Thánh giả! Mua cái khác thế vào được không?
Ðáp:
– Chỉ cần cái cũ.
Vì họ cạnh tranh như vậy, Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ:
– Do chư ny có chén lưu ly nên gây ra lỗi như vậy.
Ngài bảo các Bí-sô:
– Chư ny không được cất chứa chén lưu ly. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Nhiếp tụng bảy trong biệt môn tám:
Do phụ chế tích trượng,
Khởi vũ thời chiêu tội,
Thấp bỉnh thọ thỉnh thực,
Thuyết pháp bạn bạch tri.
* Duyên xứ như trước. Có một trưởng giả giàu sang nhiều tài sản, vợ sinh được một trai nên rất vui mừng, mời các thân thuộc cùng nhau hỷ lạc. Người vợ và chồng ngủ phòng riêng, đến sáng chưa thức dậy.
Bấy giờ, có Bí-sô đi khất thực thấy nhà ấy nhiều cửa nên đi vào trong nhà nhưng không biết lối ra, đi lạc vào tận trước phòng trưởng giả. Ông ta thức dậy đúng lúc Bí-sô đi qua bên cạnh người vợ. Thấy vậy, trưởng giả kêu lên:
– Kẻ này cùng vợ ta làm việc phi pháp.
Ông ta đánh Bí-sô vỡ đầu chảy máu, bát bể. Người vợ thức dậy nói:
– Bí-sô không có lỗi, hãy cho người đi.
Mang hình dạng như vậy, Bí-sô đi về rừng Thệ-Ða. Các Bí-sô hỏi:
– Vì sao như vậy?
Sau khi nghe vị ấy thuật lại, Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
– Bí-sô khất thực không được vội vàng đi vào nhà nhiều cửa, nên dùng bánh bột làm dấu trước cửa, sau đó mới vào.
Khi vào, Bí-sô lặng lẽ đi, gặp phải phụ nữ lõa hình bỏ chạy nên bị người tục hiềm trách. Phật dạy:
– Khi sắp vào nhà nên lên tiếng cho họ biết.
Bí-sô lên tiếng ha ha gây ồn ào rồi đi vào. Người nhà bảo:
– Ngài nào phải trẻ con mà kêu tiếng ha ha đi vào nhà tôi?
Ðáp:
– Phật bảo đi vào phải lên tiếng nên tôi kêu ha ha.
Họ bảo:
– Không còn cách gì để lên tiếng hay sao mà chỉ dùng tiếng ha ha này để báo cho biết.
Bí-sô im lặng; Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
– Bí-sô không nên kêu tiếng ha ha để vào nhà người.
Sau khi Phật chế, họ lại dùng tay đập cửa để vào nhà người. Người nhà ngạc nhiên hỏi:
– Vì sao lại đập phá nhà tôi?
Bí-sô im lặng không thể trả lời. Phật dạy:
– Không nên đập cửa, hãy làm tích trượng.
Bí-sô không biết làm. Phật dạy:
– Ðầu gậy, gắn vòng tròn bằng miệng chén, kết những vòng nhỏ mà khi lắc phát ra âm thanh để cho họ biết.
Khi bị chó sủa, họ dùng gậy đánh. Phật dạy:
– Không nên dùng gậy để đánh chó, nên đưa lên cho chúng sợ.
Gặp phải chó dữ, bị dọa càng dữ thêm; Phật dạy:
– Ném một miếng bánh xuống đất cho nó.
Khi đến nhà không có tín tâm, Bí-sô rung gậy chờ mãi sinh mỏi mệt nhưng cũng không được người trong nhà ra hỏi. Phật dạy:
– Không nên rung nhiều, chừng hai ba lượt, không có người hỏi, nên bỏ đi.
* Duyên xứ như trước. Trưởng giả nọ mời Phật và chư Tăng đến nhà thọ trai. Bí-sô Tăng già đều đi dự, Phật ở lại chùa, sai người đi lấy thức ăn. Năm nguyên nhân mà Phật sai người đi lấy thức ăn là:
1. Vì muốn yên tịnh.
2. Thuyết pháp cho các thiên nhân.
3. Thăm người bệnh.
4. Xem xét ngọa cụ.
5. Chế học xứ cho chúng Thanh văn.
Nay, vì chế học xứ nên Ngài ở lại chùa.
Bấy giờ, trưởng giả tạm che nhà lá thỉnh chúng Tăng an tọa. Vào mùa mưa lạnh, trưởng giả dâng cháo, sau đó bánh khô, đến bánh nướng, rồi củ ăn. Các Bí-sô húp cháo có tiếng rột rột …; tiếng cắn bánh khô nghe lách cách …; tiếng nhai bánh nướng nghe lạp xạp …; tiếng mưa rơi trên mái nhà nghe tí tách …; tiếng uống nước trong bình nghe lổn xổn; những tiếng động khác nhau này hợp thành âm hưởng. Có Bí-sô trước đây biết ca múa nghe âm vận này, nhớ đến tiếng sáo tiếng đàn ngày trước nên đè nén không nỗi liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi múa tay theo âm điệu và nói với đại chúng rằng:
– Các đại đức! Ðây là tiếng rột rột, đây là tiếng lách cách, đây là tiếng lạp xạp, đây là tiếng tí tách, đây là tiếng lổn xổn.
Ðồng thời vị ấy búng tay hòa theo rất hợp tiết điệu. Trong đại chúng có vị không trụ tâm liền mỉm cười. Những vị chánh ý đều rất kinh ngạc. Những người dọn ăn đều cười to lên, hoặc có ý chê trách. Thí chủ rất khó chịu. Bí-sô đến nhận thức ăn rất xấu hổ, đem về chùa đặt chúng qua một bên, lạy sát chân Thế Tôn. Thông thường, Thế Tôn thăm hỏi người nhận thức ăn:
– Ðại chúng dùng thức ăn có ngon và no đủ không?
Ðáp:
– Ðại đức! Thức ăn ngon đầy đủ nhưng thí chủ rất khó chịu.
Hỏi:
– Vì sao?
Họ kể lại sự việc.
Sau khi thọ trai, ra ngoài rửa chân xong, Thế Tôn vào phòng ngồi yên lặng đến chiều mới xuất định. Ðến an tọa giữa đại chúng Bí-sô, Ngài hỏi Bí-sô đã múa:
– Với tâm ý nào mà ngươi múa trong nhà thí chủ vậy?
Ðáp:
– Bạch Ðại đức, với ý chê bai việc ấy và tâm trạo cử nên con múa.
Phật bảo các Bí-sô:
– Bí-sô nào múa men với tâm trạo cử bị tội vượt pháp. Nếu có ý chê bai việc kia, không phạm. Này các Bí-sô, những sự việc này đều do ăn uống gây ra tiếng động đưa đến lỗi như vậy. Thế nên Bí-sô không nên ăn uống có tiếng; ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Sau khi Phật chế định, có người với tín tâm đem bánh khô, củ, mía đến cúng. Thấy Bí-sô không dám nhận, họ nói:
– Thánh giả! Khi Phật chưa xuất thế, chúng con đều lấy ngoại đạo làm phước điền.
Khi Thế Tôn xuất thế, chúng con lấy các vị làm phước điền cao thượng nhất. Chúng con có chút ít vật nhỏ mọn đem đến cúng dường mà các vị đều không nhận, lẽ nào làm cho chúng con không có tư lương trên đường đi sang đời sau hay sao? Lại như Ðức Phật dạy:
– Bố thí phải đúng lúc, đây chính là lương thực mới và các trái cây vừa chín, trước đem dâng cúng các vị có giới đức đầy đủ, sau đó tự dùng, để được phước vô cùng. Cầu mong quý ngài từ bi thu nhận cho chúng con.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Nên thu nhận những vật cúng dường này, bánh khô cùng canh cơm trộn nhau ăn, củ và mía chẻ nhỏ ra ăn để không có tiếng.
* Duyên xứ như trước. Có trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ trai. Các Bí-sô không đến cùng lúc mà đi riêng với bạn nên khi vào nhà ấy rồi, họ phải chờ người khác. Mọi người chưa đến hết, họ lại bảo chủ nhà:
– Hãy dọn thức ăn để chúng tôi dùng trước.
Sau khi ăn no, họ đi rồi lại có người khác đến và bảo dọn ăn. Tuần tự như vậy làm cho chủ nhà rất mệt nhọc, bảo:
– Thánh giả hãy ngồi chờ đến một lúc, con dọn ăn từng nhóm rất phiền phức.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Khi thọ thỉnh của người khác, không được đi lộn xộn, ai đi trước đến cửa nhà họ, phải chờ nhau cùng vào một lượt. Ai đi tùy tiện bị tội vượt pháp.
Như Thế Tôn dạy không được đi tùy tiện, có Bí-sô bệnh, thị giả chờ ăn xong mới đem thức ăn về. Vì chờ đợi thức ăn nên vị này suy kiệt. Bí-sô bạch phật. Phật dạy:
– Có năm trường hợp được đến ăn trước và ăn trong phòng. Năm trường hợp ấy là:
1. Khách mới đến.
2. Người sắp đi xa.
3. Người bệnh.
4. Người nuôi bệnh.
5. Bận làm tri sự.
* Duyên xứ như trước. Trưởng giả kia giàu sang nhiều tài sản, rất có tín tâm thỉnh Phật và Tăng đến nhà cúng dường. Thế Tôn không đi vì năm lý do như nói ở trước, hiện nay vì chế giới. Sau khi thọ trai, các Bí-sô muốn về chùa nhưng bản ý chủ nhà muốn nghe pháp, không có một Bí-sô nào thuyết cả, làm cho họ chê trách. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Họ chê trách hợp lý, thế nên thọ trai xong các Bí-sô không được về chùa ngay mà nên thuyết pháp cho họ. Ai trở về chùa ngay, bị tội vượt pháp.
Phật bảo thuyết pháp, các Bí-sô không biết ai nên thuyết pháp. Phật dạy:
– Nên khiến thượng tọa thuyết pháp cho họ. Nếu vị ấy không thuyết được thì khiến vị thứ hai. Nếu cũng không được thì sai vị thứ ba. Nếu vị này không làm được thì tuần tự sai nhau hoặc dự bị thỉnh trước người có khả năng.
* Duyên xứ như trước. Có một trưởng giả với tín tâm, thường xuyên đến rừng Thệ Ða để nghe chánh pháp. Một hôm, ông ta thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ trai. Bí-sô đều đi, Phật ở lại chùa vì có năm lý do như nói ở trước, đây là chế giới. Phật không thân hành đi, sai người lấy thức ăn. Như Thế tôn dạy:
– Sau khi thọ trai, thí chủ thích nghe pháp nên thuyết cho họ.
Do đó, đại chúng sai một người ở lại thuyết pháp còn tất cả ra về. Khi ấy, thí chủ và quyến thuộc đều đến một nơi tạo thành khung cảnh rất uy nghiêm để cùng nghe giáo pháp. Họ thỉnh:
– Thưa thánh giả!û Xin thuyết pháp cho chúng con.
Thấy uy lực lớn của họ như vậy, Bí-sô sinh tâm sợ sệt nên không thể thuyết pháp được. Trưởng giả suy nghĩ: “Có nhiều thân thuộc của ta quá, Bí-sô e sợ nên không thể nói pháp vậy ta nên thuyết”.
Trưởng giả thưa:
– Thánh giả, như Thế Tôn dạy:
Bố thí được giàu to,
Trì giới được sinh thiên,
Tu tập đoạn phiền não,
Ðây là pháp nên theo.
Nghe nói như vậy, Bí-sô ấy không biết nói gì đáp lại đành về chùa. Về đến chùa, các Bí-sô hỏi:
– Cụ thọ ở lại đó có thuyết pháp không?
Ðáp:
– Các cụ thọ để một mình tôi ở lại không có bạn hỗ trợ, thân tộc thí chủ cùng tập trung đến rất uy nghiêm làm cho tôi sợ sệt không thể thuyết pháp được. Thấy tôi run sợ, thí chủ lại vì tôi tuyên dương diệu pháp.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Lời nói của Bí-sô ấy là hợp lý. Thế nên không được sai người thuyết pháp một mình. Từ nay về sau, nên sai bốn Bí-sô làm bạn với người thuyết pháp.
* Duyên xứ tại thành Vương Xá. Như Thế Tôn dạy, nên cho bốn người làm bạn với Bí-sô thuyết pháp. Có nơi mời thỉnh, Tăng sai Bí-sô thuyết pháp và bốn người làm bạn. Bấy giờ, Bí-sô làm bạn có duyên sự đi ra ngoài, đều không báo cho biết nên khi đến giờ thuyết pháp thì lỡ việc. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
– Những Bí-sô làm bạn với người thuyết pháp khi muốn đi ra chỗ khác nên thưa rồi mới đi. Nếu ai không thưa, bị tội vượt pháp.
Nhiếp tụng tám trong biệt môn tám:
Tả dược xỉ hữu độc,
Quát thiệt bí ưng tẩy,
Do kỳ tội nghiệp tận,
Chứng đắc A-la-hán.
* Duyên xứ tại thành Thất La Phiệt. Có một Bà-la-môn lấy vợ chưa lâu, sinh được một trai. Vừa khôn lớn, cậu ta xuất gia trong pháp luật toàn thiện. Một hôm bị bệnh, vị này đến y sĩ, bảo:
– Hiền thủ! Tôi bị bệnh, xin chữa trị cho.
Ðáp:
– Thánh giả! Ngài nên dùng thuốc tả dược như vậy sẽ hết bệnh.
Sau khi dùng thuốc, Bí-sô bị kiết lỵ, dùng nước lạnh tẩy tịnh nên thuốc không tác dụng. Y sĩ đến hỏi:
– Thánh giả, thuốc tả dược có tốt không?
Ðáp:
– Thuốc không tác dụng lại bị kiết lỵ.
Hỏi:
– Thánh giả dùng nước lạnh tẩy tịnh phải không?
Ðáp:
– Ðúng vậy.
Y sĩ nói:
– Dùng nước lạnh tẩy tịnh sao lại không chuyển sang kiết lỵ, ngài nên dùng thuốc tả dược như trước nhưng không tẩy tịnh. Sau khi hết bệnh mới tẩy tịnh.
Ðáp:
– Hiền thủ, Phật chưa cho phép.
Y sĩ:
– Thánh giả! Phép dùng thuốc là như vậy không được làm khác.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Nếu như vậy, Ta cho phép khi bị tả lỵ chưa hết, nên lau cho sạch.
Bí-sô không biết lau bằng vật gì, Phật dạy:
– Nên dùng đất cục, lá cây, giẻ rách hay giấy cũ để lau cho sạch, đợi khi hết bệnh dùng nước nóng tẩy tịnh.
* Duyên xứ như trước. Trong rừng kia có con rắn độc. Những trẻ mục đồng phóng lửa đốt rừng. Lửa cháy bốn bề, rắn kinh hoàng lăn lộn bò trên lửa chạy ra nên sống sót, đến nằm cuộn dưới cây đại thọ.
Du hành nhân gian đến dưới gốc cây, cụ thọ Xá Lợi Tử thấy rắn độc này bị lửa đốt thân cháy xém lở lói chịu nhiều đau khổ, nên ngài quán sát nhân duyên đời trước của nó có thiện căn không. Sau khi quán sát, tôn giả biết có thiện căn. Tôn giả lại quán sát xem nó có tương quan với ai, thì biết thấy đời trước nó có tương quan với mình nên dùng nước rưới lên và nói ba câu pháp. Tôn giả bảo:
– Hiền thủ nên biết, các hành vô thường, các pháp vô ngã, niết-bàn tịch diệt, nên sinh tâm niệm ân cần thanh tịnh với ta, bỏ thân bàng sinh để sinh lên cõi thiện.
Nói xong, tôn giả lại lên đường.
Khi ấy có chim thứu đến bắt lấy rắn ăn. Rắn độc này nhờ có thiện tâm đối với tôn giả nên sau khi qua đời sinh vào gia đình Bà-la-môn giỏi về sáu việc.
(nguyên chú: 1. Tự biết tổ chức lễ hội. 2. Dạy người tổ chức. 3. Giỏi biết đọc tụng. 4. Biết pháp xả thí. 5. Biết pháp nhận vật. 6. Biết rõ việc tiếp xúc tịnh).
Biết rắn đã chết, cụ thọ Xá Lợi Tử quán sát xem sinh về đâu, thấy nó thọ sinh vào gia đình Bà-la-môn thông thạo sáu việc ở thành Thất La Phiệt. Ðể hóa độ nó, tôn giả thường đến nhà Bà-la-môn ấy, truyền tam quy ngũ giới cho hai vợ chồng. Một hôm, thấy tôn giả đi một mình đến nhà, Bà-la-môn hỏi:
– Thánh giả không có thị giả hay sao?
Ðáp:
– Thị giả của tôi, chẳng phải sinh ở chỗ nhà cỏ mà nhờ từ nhà ngài.
Bà-la-môn nói:
– Con chưa có con nhỏ làm thị giả được. Vợ con đang mang thai, nếu sinh con trai sẽ dâng cho ngài làm thị giả.
Sau khi chúc phúc:
– Chúc ngài an lạc, tôi đồng ý. Tôn giả từ giã.
Ðủ tháng, người phụ nữ ấy sinh một bé trai. Khi bú sữa, nó cắn cào làm vú mẹ sưng to. Chơi đùa với các đồng tử khác, lúc tức giận nó dùng răng dùng móng cào cắn họ, gây vết thương lở lói rất lâu lành.
Biết thời điểm xuất gia của đồng tử đã đến, Xá Lợi Phất đến nhà ấy thuyết pháp cho cha mẹ nó. Thấy nó lân la đến, tôn giả suy nghĩ: “Ðây là thị giả của ta phải không?”.
Cha bảo với con:
– Khi con chưa sinh ra, cha đã hứa dâng con cho Thánh giả để làm thị giả, nay hãy theo ngài chớ có lưu luyến.
Ðây là người mang thân sau cùng, đồng tử đứng nghiêm trang rất lâu nhìn kỹ mặt tôn giả rồi đi theo sau ngài.
Về đến chùa, tôn giả cho đồng tử xuất gia, đến thọ cận viên, dạy học theo giáo pháp. Một hôm, Bí-sô này dùng cây đánh răng, sau khi nạo lưỡi không rửa lại vứt bỏ. Ruồi đến đậu lên nạo lưỡi để ăn đều bị chết. Rắn mối đến ăn ruồi cũng bị chết. Mèo vàng đến ăn rắn mối cũng chết theo. Chó đến ăn mèo cùng bỏ mạng. Kiến đến ăn chất còn thừa lại đều bị chết. Bấy giờ, có một Bí-sô đứng bên cạnh, thấy rõ hết sự việc như vậy.
Ðến sáng sớm mai, đến chỗ ấy để đánh răng, thấy chó … bầy kiến chết chung một nơi, các Bí-sô rất ngạc nhiên về việc này nên bàn bạc nhau:
– Vì sao chó và kiến chết chung một chỗ.
Có người nói không biết, có người nói hãy truy tìm ai đã gây ra lỗi này. Khi ấy, Bí-sô kia bảo mọi người:
– Hôm qua, tôi thấy thiếu niên Bà-la-môn đêï tử của Xá Lợi Phất dùng cây đánh răng ở đây, sau khi nạo lưỡi không rửa mà vứt bỏ lại; vì vậy gây ra cái chết cho chúng.
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
– Này các Bí-sô, nên biết trong loài người cũng còn mang độc như rắn không khác. Từ đây về sau khi dùng cây đánh răng, nạo lưỡi xong phải rửa sạch mới vứt bỏ đi; không rửa sạch mà bỏ bị tội vượt pháp.
Như Thế Tôn dạy:
– Sau khi dùng cây nạo lưỡi xong phải rửa sạch mới vứt bỏ, có những Bí-sô gặp lúc thiếu nước không biết phải làm thế nào. Phật dạy:
– Dùng tro đất chà sạch ở trên rồi vứt.
Một hôm, Bí-sô có mang độc trong người tự nhuộm y và phơi nắng cho khô. Ðến thấy nhuộm y, cụ thọ Ô Ba Nan Ðà hỏi:
– Cụ thọ, tôi muốn giúp đỡ.
Ðáp:
– Lành thay, tùy ý đại đức.
Với tánh ưa làm việc ác, Ô Ba Nan Ðà dùng y mới che trên y cũ đang phơi nắng, lại chuyển y còn ướt đang phơi phủ trên phần y khô. Vị kia nói:
– Ðại đức đừng làm như vậy.
Vẫn như trước, đến ba lần Ô Ba Nan Ðà cũng không chịu ngừng lại. Bí-sô ấy nỗi giận muốn bắt giữ lại. Ô Ba Nan Ðà liền bỏ chạy và vị kia đuổi theo. Ðến nơi, thấy họ đuổi nhau, Xá Lợi Tử bảo:
– Cụ thọ muốn làm việc gì vậy?
Do quá tức giận, vị kia cứ rượt theo mãi. Bị rượt quá gấp, Ô Ba Nan Ðà bẻ cành cây dọa đánh nhưng vị kia vẫn rượt theo. Xá Lợi Phất phải dùng lời ôn hòa khuyên nhủ để vị kia không đuổi theo nữa. Nhờ vậy Ô Ba Nan Ðà chạy đi xa. Còn đang tức giận, vị kia cắn lấy cành cây làm cho lá cây bị rơi rụng hết.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Với người như vậy, không nên quậy phá làm cho họ nỗi sân.
Như Thế Tôn dạy:
– Không nên quậy phá nhau làm cho nỗi sân, sau đó gặp lúc đến phiên làm tri sự, Ô Ba Nan Ðà đến bảo Bí-sô có độc:
– Cụ thọ hãy làm việc như vậy.
Thấy đến bảo như vậy, vị kia lại rất tức giận. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
– Ðối với người mang độc như vậy mà trước đây có oán hận, không nên tự mình đi đến sai họ làm việc, nên sai người bên cạnh báo họ biết việc phải làm. Họ nghe sai nên làm, chớ để lỡ việc.
Bí-sô có độc kia tinh tấn tu tập không mỏi mệt, phá tan bánh xe năm cõi, đoạn trừ phiền não, chứng A-la-hán … cho đến được trời người đều cung kính … nói rộng như ở nơi khác.
Các Bí-sô thưa với tôn giả Xá Lợi Tử:
– Ðệ tử tôn giả rất sân độc, người như vậy mà còn chứng quả A-la-hán thật là hy hữu.
Bấy giờ, tôn giả Xá Lợi Phất kể lại sự việc trước đây cho các Bí-sô biết.
Các Bí-sô đều có nghi ngờ, thưa với Thế Tôn:
– Ðại đức! Bí-sô kia trước đây đã tạo nghiệp gì mà bỏ được thân rắn sinh làm người?
Phật dạy:
– Này các Bí-sô, vị ấy tự gây nghiệp, khi thành quả thục phải tự nhận lấy … nói rộng như nơi khác, cho đến nói bài kệ:
Giả sử qua trăm kiếp,
Nghiệp đã làm không mất,
Khi có đủ nhân duyên,
Tự nhận lấy quả báo.
– Này các Bí-sô hãy chú ý nghe, trong Hiền Kiếp này khi loài người thọ hai vạn tuổi. Có đức Phật Ca Nhiếp Ba Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác đầy đủ mười hiệu xuất hiện ở đời, trú ở Bà La Ny Tư, Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Thi Lộc.
Khi ấy, Bí-sô có độc này xuất gia trong pháp của Phật ấy, thường tu tập quán từ bi. Thấy vậy, các Bí-sô thường gọi từ-quán, từ-quán …
Vị ấy nói:
– Các vị đừng gọi tôi là Từ Quán, Từ Quán nữa!
Ngăn đến ba lần nhưng các Bí-sô vẫn không ngừng gọi. Quá tức giận các Bí-sô, vị này nói ra lời ác:
– Ta là Từ Quán còn ngươi là rắn độc trong loài người.
Phật dạy:
– Các Bí-sô nghĩ thế nào? Người xuất gia tu tập từ bi quán trong chánh pháp của đức Ca Nhiếp Ba Như Lai nào phải ai xa lạ, chính là Bí-sô này. Do đời trước, vị ấy tức giận nói ra lời ác với Thanh văn đệ tử của Phật nên thường sinh làm rắn độc trong năm trăm đời, nhờ năng lực còn lại của nghiệp khác nên được sinh làm người, chịu quả báo ác độc. Ðời trước, vị ấy tạo các thiện nghiệp do đọc tụng tu tập các giới phẩm, đối với uẩn, xứ, giới, duyên khởi, xứ, phi xứ, được thông suốt, nhờ thiện căn này nên được xuất gia trong pháp của Ta, đoạn trừ các phiền não, chứng quả A-la-hán.
– Này các Bí-sô, do nhân duyên này, Ta thường tuyên bố nghiệp đen bị quả báo đen, nghiệp tạp bị quả báo tạp, nghiệp trắng được quả báo trắng.
– Này các Bí-sô, nên tu tập nghiệp trắng từ bỏ nghiệp đen, nghiệp tạp.
Các Bí-sô nghe lời Phật dạy, tâm rất hoan hỷ đảnh lễ sát chân Phật phụng hành rồi từ giã.
Nhiếp tụng chín trong biệt môn tám:
Tam y tùy sự trước,
Lan-nhã pháp ưng tri,
Dục thủ môn diệu hoa,
Bất ưng trú phi xứ.
* Duyên xứ như trước. Ở trong chùa, các Bí-sô thường mặc y Tăng-già-chi. Khi quét dọn, dùng phân bò tráng nền, vào nhà xí, tiểu tiện, nhuộm y, tẩy cáu bẩn, đều xử dụng Tăng-già-chi làm các việc như y bảy điều, năm điều. Thấy vậy, có người bảo các Bí-sô:
– Các y này nếu không dùng khác nhau mà xử dụng tùy tiện thì không hợp lý.
Như Thế Tôn dạy:
– Tăng-già-chi là đại y lẽ nào được xử dụng làm việc khác.
Người khác nói:
– Lời cụ thọ nói rất hay, vậy hãy cùng nhau bạch Phật.
Phật dạy:
– Này các Bí-sô, cùng nhau ngăn cản như vậy là hợp lý. Tăng-già-chi là chủ trong các y, thế nên không được mặc tùy tiện, xử dụng làm việc.
Như Thế Tôn dạy:
– Không được tùy tiện mặc Tăng-già-chi.
Các Bí-sô không biết nên dùng vào chỗ nào. Phật dạy:
– Khi vào tụ lạc, đi khất thực, thọ thực, vào ăn trong chúng, lễ bái tháp, nghe Phật-pháp, nghe pháp suốt ngày đêm, lễ bái hai thầy và đồng phạm hạnh; những trường hợp này nên mặc đại-y. Y Ôn-đa-la-tăng-già nên mặc nơi sạch sẽ và các việc như ăn … Y An Hằng Bà Sa tùy ý xử dụng, mặc bất cứ chỗ nào cũng không phạm.
* Duyên xứ như trước. Như Thế Tôn dạy:
– Nếu mặt trời đã mọc, các chim đều hót, nông phu canh tác … như nói ở trước cho đến … xa lìa chỗ huyên náo, ở nơi yên tịnh, chánh tâm chuyên tu tập thiền quán.
Bấy giờ, có Bí-sô ít học kém hiểu biết đến nơi vắng vẻ làm am cỏ, ngày đêm chuyên cần tư duy trừ khi khất thực. Những kẻ chăn bò đều biết rõ.
Có bọn giặc bị người khác làm hại, gây nhiều thương tổn lại thêm đói khát, chúng bàn nhau không biết phải đi đâu. Một tên bảo:
– Trong chỗ Lan-nhã kia có người Thích-tử, phàm Sa-môn tính ưa cất chứa, lại thêm từ bi, lòng không sợ hãi. Các bạn cùng nhau đi đến đó tất được thu hoạch.
Bọn giặc đều khen:
– Lời này thật hay, hãy cùng nhau đi tất có hy vọng.
Cả bọn cùng đi đến chỗ Lan-nhã. Thấy họ đêùn, Bí-sô chào đón lành thay. Bọn giặc không e sợ, ở lại một thời gian ngắn rồi bảo:
– Thánh giả! Chúng tôi lạnh cần lửa.
Ðáp:
– Tôi ở Lan-nhã không có lửa để xin.
Họ lại hỏi:
– Thánh giả! Khát quá rất cần nước.
Bí-sô lại đáp:
– Không có.
Bọn giặc lại hỏi:
– Cần ít bột để đắp vết thương, xin vui lòng cho.
Bí-sô cũng đáp:
– Không có.
Bọn giặc lại hỏi:
– Thánh giả! Tôi cần vật cũ để bó vết thương.
Bí-sô đáp không có.
Họ lại xin dầu để thoa trên vết thương. Bí-sô cũng đáp không có.
Họ lại nói:
– Thánh giả, đói quá cần thức ăn.
Ðáp:
– Không có.
Giặc lại hỏi:
– Hiện nay là lúc nào thuộc về tháng sao gì?
Bí-sô đáp:
– Tôi ở Lan-nhã, không rõ những việc ấy.
Trong nhóm có người trước đây biết Tăng-pháp nên tức giận nói:
– Thánh giả! Bỏ qua việc trước, tôi xin hỏi lại, ngài đắc A-la-hán, Bất-hoàn, Nhất-lai, Dự-lưu quả phải không?
Ðáp:
– Tôi sống ở Lan-nhã.
Giặc nói:
– Gác việc ấy lại, xin hỏi thánh giả, ngài đắc Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Thức-xứ, Không-xứ, Bốn tịnh lự phải không?
Bí-sô đáp:
– Tôi sống ở Lan-nhã.
Hỏi:
– Thánh giả! Ngài là vị Tam tạng trì Kinh, Luật, Luận phải không?
Bí-sô cũng đáp như trước.
Giặc hỏi:
– Thánh giả, ngài tên là gì?
Bí-sô cũng đáp như trước.
Hỏi:
– Ðây là phương nào?
Bí-sô cũng đáp như trước. Những việc mà giặc hỏi, Bí-sô đều đáp là tôi ở Lan-nhã. Bọn giặc tức giận, bảo mọi người:
– Chúng ta tuy là giặc nhưng Bí-sô này là giặc lớn. Vì sao, chính tên mình mà ông ta cũng không biết, dối hiện uy nghi, lừa gạt người đời.
Bấy giờ bọn giặc đều tức giận nên cùng nhau đánh đập gây thương tích cho Bí-sô, y bát tích trượng đều hư nát chỉ còn mạng sống. Nữa đêm, bọn giặc bỏ ra đi. Bị nguy khốn này, sáng hôm sau Bí-sô mới về lại được rừng Thệ Ða. Thấy vậy, các Bí-sô hỏi:
– Cụ thọ! Vì sao thân hình tan tác đến như vậy?
Vị này kể lại sự việc trên. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
– Ta sẽ chế các pháp hành cho Bí-sô ở Lan-nhã. Người ở Lan-nhã phải trữ nước lửa, tô dầu, bột và vải cũ, chừa lại một chút thức ăn, phải biết ngày giờ, thời tiết, phương hướng, thông thạo Kinh Luật Luận, cho đến tự biết tên họ mình. Bí-sô ở Lan-nhã nào không theo quy định này bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Có ngoại đạo tà mạng bị nhiễm bệnh nặng, đến gặp y sĩ để xin trị liệu. Y sĩ bảo:
– Nên làm phòng tắm rửa sạch thân thể thì có thể hết bệnh.
Ðáp:
– Hiền thủ! Tôi có thể làm phòng tắm ở đâu được, chỉ tùy lúc đi lang thang khất thực để sống mà thôi.
Bảo:
– Thánh giả! Sa-môn Thích-tử tắm rửa mỗi nữa tháng ở phòng tắm, ngài có thể đến đó để tắm rửa.
Khi Bí-sô tắm, ngoại đạo ấy mặc áo đỏ đi vào bên trong phòng tắm mà không bị ngăn cản vì mọi người tưởng nhầm là Bí-sô. Vội vã tắm rửa xong, ngoại đạo đi ra ngoài phơi nắng. Khi ấy, có Cầu-tịch đến chỗ vị ấy, nói:
– Ông lão đi tắm với tôi.
Nghe nói, ngoại đạo lắc đầu không muốn tắm nữa. Bị Cầu-tịch nắm tay kéo đi, ngoại đạo kêu lớn:
– Sa-môn Thích-tử đều không sạch sẽ, dùng tay bất tịnh chạm vào thân thể đã tắm sạch.
Hỏi:
– Ta là Sa-môn, ông là vật gì?
Ðáp:
– Ta là ngoại đạo.
Cầu tịch nói với mọi người:
– Ai đưa ngoại đạo vào trong phòng tắm như vậy.
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
– Khi tắm rửa nên giữ kỹ cửa nẻo, thấy Bí-sô vào, nên hỏi tên họ.
Gặp người quen, họ cũng hỏi danh hiệu, Phật dạy:
– Không nên như vậy.
* Bấy giờ, Phật ở nước Kiều Tát La. Khi du hành nhân gian, Ngài đi đến tụ lạc tên Dục Lê và trú tại khu vườn cây ở đó. Trong thôn, có Bà-la-môn tên Diệu Hoa, được cấp đất đai rất nhiều, hưởng thụ vô số, thường được vua Thắng Quang dâng cúng.
Diệu Hoa có dạy một đệ tử thân cận tên Thọ-Sinh. Người này đa văn thông tuệ, biện luận lưu loát, cùng năm trăm người học tập các kinh điển bí yếu của Bà-la-môn.
Bấy giờ, Diệu Hoa nghe về Kiều Ðáp Ma là con giòng họ Thích Ca từ bỏ sự nghiệp thế tục, cạo bỏ râu tóc mặc y ca-sa, với tâm chánh tín xuất gia, đã chứng Vô-thượng Chánh-đẳng Bồ-đề, có danh tiếng lớn vang khắp các nước, ai cũng đều biết, mười hiệu tròn sáng, trời người cung kính, tự mình giác ngộ không do thầy dạy:
– Sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, không còn thọ thân sau, với tri kiến như thật diễn thuyết diệu pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa vi diệu, thuần nhất viên mãn, thanh tịnh phạm hạnh, hóa độ nhân gian trong nước Kiều Tát La, hiện nay đang đến đây trú ở trong vườn cây của tụ lạc Dục-Lê này. Ta đã từng đọc sách thượng cổ, ai thân thể trang nghiêm đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, người ấy chỉ có hai sự nghiệp, nếu sống tại gia sẽ làm vua Chuyển Luân Vương dùng pháp hóa trị khắp bốn châu thiên hạ, bảy báu đầy đủ. Ðó là:
– Luân-bảo, Tượng-bảo, Mã-bảo, Châu-bảo, Nữ-bảo, Chủ tàng thần bảo, Chủ binh thần bảo, đủ ngàn người con tướng mạo tuấn tú, có đại uy đức, dũng mãnh vô song, đến đâu cũng được mọi người quy phục, khắp cả bốn biển đều được cảm hóa, không có oán địch đao gậy đau khổ, chỉ dùng chánh pháp giáo hóa nhân dân. Nếu vị ấy xuất gia, như nói ở trên sẽ chứng đại bồ đề.
Nghe sự việc như vậy, Diệu Hoa bảo đệ tử Thọ Sinh:
– Con biết không, ta nghe Kiều Ðáp Ma là con giòng họ Thích Ca từ bỏ sự nghiệp thế tục, cạo bỏ râu tóc mặc y ca-sa, với tâm chánh tín xuất gia … nói đủ như trên cho đến nước Kiều Tát La, hiện nay đang đến đây trú ở trong vườn cây của tụ lạc Dục Lê này. Ta đã từng đọc sách thượng cổ, ai thân thể trang nghiêm đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, người ấy chỉ có hai sự nghiệp, nếu sống tại gia sẽ làm vua Chuyển Luân Vương. Nếu vị ấy xuất gia sẽ thành Phật, danh tiếng vang khắp, nói đủ như trên. Con hãy đích thân đến xem xét tướng hảo theo lời đồn ấy là thật hay hư.
Thọ Sinh thưa:
– Xin vâng lời thầy dạy.
Người này cùng với các vị Bà-la-môn kỳ túc thông minh bác học đến gặp Thế Tôn. Ðến nơi, đứng một bên Phật, các vị Bà-la-môn dùng các lời lẽ thăm hỏi Thế Tôn rồi ngồi ở trước. Thế tôn thuyết pháp vi diệu, chỉ dạy làm cho họ được lợi ích hoan hỷ. Khi Phật thuyết pháp, thanh niên Thọ Sinh mang giày da đi qua lại trước Phật, lâu lâu đứng lại nghe, lại hỏi ngang ngược, nói xong rồi bỏ đi, tỏ thái độ rất kiêu ngạo trước Thế tôn, lòng không e ngại với tâm chống cự lại, cho rằng mình thắng thế.
Thế Tôn bảo:
– Ngươi thông hiểu minh luận sao lại có hành động như vậy, đại Bà-la-môn mà nói lời bừa bãi.
Bà-la-môn nói giọng kiêu mạn:
– Này Kiều Ðáp Ma, ta có lỗi gì?
Phật đáp:
– Khi Ta đang cùng với các vị đại nhân có học thức đàm luận, ngươi mang giày da đi qua lại không ngừng, không biết lớn nhỏ, không có tâm cung kính, dùng lời nói bậy bạ để gây rối.
Người này nói:
– Này Kiều Ðáp Ma! Theo pháp Bà-la-môn của ta, vừa đi vừa nói chuyện với người, đứng ngồi nằm … đều có thể cùng nói chuyện, không lỗi gì cả. Các Sa-môn trọc đầu bị phiền não trói buộc không sinh trai gái, ta dùng lời nói tầm thường để đàm luận, nào có lỗi gì?
Phật nói:
– Ngươi có việc cần nên đến gặp Ta, nhưng ngươi chưa được bậc tôn trưởng dạy bảo.
Nghe nói như vậy, tức giận nỗi lên không thể nhịn được, Thọ Sinh muốn cật vấn đức Phật, nên nói:
– Này Kiều Ðáp Ma! Những người thuộc họ Thích Ca như voi hoang dã, nên đối với Bà-la-môn không biết cách cung kính cúng dường tôn trọng.
Phật hỏi:
– Này Thọ-sinh, các Thích Ca tử có lỗi gì mà ngươi nói lời như vậy.
Ðáp:
– Này Kiều Ðáp Ma! Trước đây vì việc của thầy và chuyện riêng nên tôi có đến thành Kiếp Tỷ La.
Những người nam nữ họ Thích ở trên lầu, thấy tôi vào thành đang đi trên đường, họ chỉ chỏ nói với nhau:
– Ðây là thanh niên Thọ Sinh, đệ tử của Bà-la-môn Diệu Hoa. Bọn họ chỉ biết chỉ chỏ chứ không có tâm ý cung kính.
Phật nói:
– Này thanh niên, như chim trăm-lưỡi hót được nhiều tiếng, ở trong tổ mình mặc sức hót vang. Những người họ Thích đang ở địa phương của mình nên tùy ý đàm luận nào có lỗi gì.
Thưa:
– Này Kiều Ðáp Ma! Trong thế gian chỉ có bốn đẳng cấp lớn. Ðó là Bà-la-môn, Sát-lị, Bích-xá, Miệt-đạt-la. Những người này đều tôn trọng cúng dường tôn kính các Bà-la-môn. Chỉ riêng họ Thích Ca không có sự việc này.
Khi ấy, Thế tôn suy nghĩ: “Thanh niên này đem giòng họ Thích sánh như voi hoang, thật là sự hủy nhục thái quá. Ta nên nói về nhân duyên nguồn gốc chủng tộc từ quá khứ để chấm dứt tâm kiêu mạn của nó”.
Sau khi suy nghĩ như vậy, Thế Tôn thấy tổ tiên của thanh niên này trong thời trước do nô tỳ giòng họ Thích Ca sinh ra. Thích Ca tử là hạng chủ của anh ta, nên hỏi:
– Ngươi họ gì?
Ðáp:
– Này Kiều Ðáp Ma! Tôi họ Tiễn-đạo.
Phật bảo:
– Này thanh niên, Ta thấy tổ phụ đời trước của ngươi do nô tỳ của họ Thích Ca sinh ra. Hiện nay các Thích Ca tử hạng chủ của ngươi.
Khi ấy, các vị kỳ túc Bà-la-môn khác cùng thưa với Phật:
– Này Kiều Ðáp Ma! Chớ nói Thọ Sinh do nô tỳ sinh ra. Vì sao? Thọ Sinh này đa văn thông tuệ biện luận lưu loát có thể cùng Kiều Ðáp Ma y cứ chánh pháp luận nghị ngược xuôi.
Phật bảo Bà-la-môn:
– Nếu nói Tho Sinh đa văn nhiều trí tuệ có thể tranh luận, các vị hãy im lặng để anh ta đàm luận. Nếu không thể nói được thì anh ta im lặng để các vị trả lời.
Các Bà-la-môn nói:
– Thọ Sinh nhiều trí tuệ có thể biện luận cùng Kiều Ðáp Ma, chúng ta hãy im lặng.
Khi ấy, Thế Tôn bảo Thọ Sinh:
– Ngày xưa, có vua tên Cam Giá sinh bốn con trai là Cự Khẩu, Lư Nhĩ, Tượng Kiên, Túc Xuyến. Vì có lỗi nên bốn người con này đều bị đuổi. Họ đều đem theo em gái mình đi theo về phương khác, đến bên bờ sông cạnh núi Tuyết-sơn là nơi trước kia vị tiên Kiếp Tỷ La trú ngụ. Cách đó không xa, họ làm nhà cỏ để tạm trú. Sau đó, họ bỏ em gái ruột của mình ra, lấy em gái khác mẹ để làm vợ và sinh trai gái.
Bấy giờ, vua Cam Giá nhớ đến các con mình, bảo với đại thần:
– Con ta đang ở đâu?
Tâu:
– Ðại vương, trước đây có việc nên họ bị đại vương đuổi đi … cho đến hiện nay đã có trai gái.
Vua bảo đại thần:
– Con ta có khả năng làm nên việc như vậy hay sao?
Ðáp:
– Ðúng vậy.
Nhà vua liền đứng dậy, đưa tay phải lên khen ngợi:
– Con ta có khả năng làm được sự việc như vậy; chuyện này chính do miệng đại thần nói ra. Nhân đó, chủng tộc ấy có hiệu là Thích Ca (dịch là khả-năng). Này thanh niên, ngươi có từng nghe thị tộc Thích Ca với sự việc như vậy hay không?
Ðáp:
– Tôi có nghe.
Phật nói:
– Này thanh niên, vương gia Cam Giá có một nữ tỳ đẹp tên là Tri Phương với hình dáng xinh đẹp. Cô ta làm vợ một tiên nhân, sinh một con trai. Khi vừa sinh ra, bé trai này kêu lên:
– Ðừng lau thân tôi, chờ tôi tắm rửa cho sạch nhơ bẩn đã.
Trong thời xưa ấy, mọi người đều kêu là quỷ Tiễn Ðạo. Ngươi có từng nghe về chủng tộc này không?
Khi ấy, thanh niên này im lặng không đáp. – Thế Tôn hỏi đến ba lần nhưng anh ta vẫn im lặng. Bấy giờ, thần Kim Cương Thủ cầm chùy kim cương đang ở trên đầu anh ta, phóng ra lửa cháy ánh sáng rực rỡ, bảo:
– Này thanh niên, khi đức Phật hỏi ba lần, ngươi không chịu đáp vì tâm dối trá, ta sẽ dùng chùy kim cương đập đầu ngươi vỡ làm bảy phần.
Do uy lực của Phật khiến cho thanh niên thấy thần Kim Cương nên rất kinh hãi lông toàn thân dựng lên, thưa với Phật:
– Này Kiều Ðáp Ma! Trước đây, tôi nghe có chủng tộc như vậy.
Các vị kỳ túc Bà-la-môn nói:
– Ðúng như lời Kiều Ðáp Ma nói, chúng tôi đều tin rằng chủng tộc của Thọ Sinh đầu tiên là con của nô tỳ.
Khi nghe họ nói là con nô tỳ, thanh niên này buồn bã, cúi đầu im lặng không thể nói gì được.
Thấy như vậy, Thế Tôn suy nghĩ:
– Ta nên an ủi Thọ Sinh cho anh ta hết buồn rầu.
Thế Tôn thuyết giảng vô số nhân duyên, vô số thí dụ làm cho anh ta chấm dứt tâm kiêu mạn, không còn ưu buồn, rồi bảo:
– Này thanh niên, hãy gát việc ấy qua một bên, ngươi đến đây với ý gì hãy làm đi.
Thọ Sinh liền quán sát ba mươi hai tướng của thân Phật, chỉ thấy ba mươi tướng, còn hai tướng âm tướng và tướng lưỡi vì chưa thấy, nên phân vân nói kệ hỏi:
Xưa nghe Ðại Mâu Ny
Ðủ ba-hai tướng tốt,
Con quán sát thân Phật,
Thiếu hai tướng trên thân.
Chưa thấy, Nhân-trung-tôn
Tướng kín ẩn trong thân,
Và lưỡi đẹp rộng dài,
Trong miệng, không ai biết,
Cầu xin Ngài hiện tướng,
Cho con hết nghi ngờ.
Chánh-giác Ðại danh văn,
Người đời khó thấy được.