TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 5

(Tiếp theo nhiếp tụng thứ sáu trong biệt môn một}.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có Bí-sô được nhiều vải nỉ dày, nên suy nghĩ: “Như Thế Tôn dạy nên thọ trì y cắt rọc” nên mang tấm nỉ và dao đến dưới một gốc cây để cắt rọc.

Nhân Thế Tôn đến nơi ấy, hỏi:

– Thầy làm gì vậy?

– Bạch Thế Tôn! Như Ngài dạy Bí-sô nên mặc ba y cắt rọc. Con có nhiều nỉ dày nên muốn cắt làm ba y.

Bấy giờ, Thế Tôn tán thán người trì giới và chê bai kẻ phá giới, bảo các Bí-sô:

– Có vật không nên cắt rọc là tất cả loại khăn choàng, thảm lông dài, thảm lông ngắn, các vải nỉ dày và vật đã cắt nhỏ. Nếu ai cắt rọc chúng bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước. Bí-sô khách nọ có việc phải đi gấp nên không mang theo tọa cụ, đến chùa thì trời sắp tối. Vị tri sự bảo:

– Cụ thọ hãy nhận lấy ngọa cụ.

Vị kia đáp:

– Tôi không có tọa cụ thì lấy gì để lót trên nệm.

– Nếu vậy, thì nên nhận giường không nệm.

Nhận lấy giường ấy, gặp phải trời rét, vị này bị lạnh suốt đêm đến sáng, nên phát bệnh. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô không mang theo tọa cụ, không được đi ra ngoài. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

Như Phật có dạy: “Bí-sô không được đi ra ngoài nếu không có tọa cụ. Các Bí-sô muốn đi tạm thời đến thôn khác cùng một thành, hoặc đến chùa khác, hoặc đi kinh hành, trở về trong ngày ấy cũng mang theo tọa cụ.

Có các Bí-sô già bệnh yếu ớt, khi đi không đủ sức mang theo phu cụ, nên mệt nhọc phiền não. Họ bảo với các Bí-sô:

– Tôi có việc ra đi và về ngay, Ðại sư lại không cho đi mà không mang theo phu cụ, việc này phải làm sao?

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu Bí-sô, đi đến nơi nào đó trong ngày, tạm thời đến chùa khác, đi kinh hành trong chùa, đến thôn xóm gần bên rồi trở về ngay, thì không cần phải mang theo tọa cụ.

Lại có Bí-sô gặp việc tạm ra ngoài dự định trở về ngay nên không đem tọa cụ theo. Ðến nơi gặp phải duyên sự kéo dài đến chiều tối, vì không mang theo tọa cụ, vị này phải đi về trong đêm nên bị độc trùng, sói, giặc làm hại. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu có ý muốn trở lại ngay, nhưng gặp phải việc khác nên không kịp về, phải ở lại đên chỗ ấy, không được đi đêm, nên mượn của vị đồng phạm hạnh khác để lót dùng, được thì tốt, nếu không được thì lấy y bảy điều xếp làm bốn dùng lót trên tấm nệm, thức nhiều ngủ ít cho đến khi trời sáng.

Có Bí-sô lấy vật của người khác gửi bọc ngọa cụ, bị bất tịnh làm bẩn, rồi đem vật này trả lại, Bí-sô kia không chịu nhận. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Phải giặt sạch rồi mới trả.

Bí-sô giặt sạch đem trả nhưng vị kia vẫn không nhận, bạch Phật. Phật dạy:

– Trả lại theo giá trị, hoặc xin lỗi đừng cho hiềm hận.

(Nên biết trong văn nói ngọa cụ tức loại có chiều dài theo thân, nguyên là vật bọc nệm nằm, không cho dùng trải trên đất để lễ bái. Nếu dùng trải trên đất để lễ bái thật sai với phép tắc ban đầu).

Phật dạy:

– Bí-sô không được rời ba y đi ra ngoài (cương giới) .

Có các Bí-sô muốn đi đến thôn xóm trong thành một lúc ngắn, hoặc đến chùa khác, hoặc ra ngoài kinh hành,dự định xong việc trở về trong ngày nhưng đều phải mang theo ba y.

Lại có những Bí-sô già bệnh ốm yếu, khi đi không đủ sức mang theo ba y, nên thân tâm mệt nhọc, nói:

– Có việc đi tạm thời dự định trở lại, không mang theo ba y thì Ðại-sư không cho phép.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô nào đi đâu trong ngày, hoặc tạm thời đến chùa khác, hoặc đi kinh hành trong chùa, hoặc đến thôn xóm gần bên và tính trở về thì được phép không mang theo ba y.

Có Bí-sô ra ngoài tạm thời nên không mang theo ba y, đến nơi kia thì chiều tối, vì sợ phạm ngủ lìa y nên đi về trong đêm ấy, bị trùng, giặc làm hại. Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu đã có ý muốn trở về ngay, nhưng bận việc không về kịp, thì nghỉ lại nơi ấy không nên đi đêm, có thể mượn tạm ba y khác nơi bạn đồng phạm hạnh, thủ trì sử dụng.

Bí-sô không hiểu phải thủ trì như thế nào. Phật dạy:

– Trước hết cầm lấy y mới, tâm niệm xả y cũ và thủ trì y mới. Bí-sô nên biết có sáu pháp tâm niệm:

Một là trưởng tịnh,
Hai là tùy-ý,
Ba là thủ trì y,
Bốn là xả ba y,
Năm là phân biệt y dư,
Sáu là xả biệt thỉnh.

Bí-sô được y không rảnh để cắt giặt nhuộm. Phật dạy:

– Nếu không đủ điều kiện để may giặt nhuộm, xét giá trị của bạch điệp hay vải chưa nhuộm, quy ra đủ chi phí đem sắm ba y, cho đến có thể thủ trì y vật mượn của người thế tục để dùng, cũng không phạm, chớ nghi ngại.

Có các Bí-sô đi ngủ nơi khác không mang theo tọa cụ, cho rằng phạm lìa y. Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Ta chế định Bí-sô không được ngủ lìa ba y chứ không phải tọa cụ, nhưng các Bí-sô không nên cố ý không mang theo; người bị quên không phạm.

Nhiếp tụng thứ bảy trong biệt môn thứ nhất:

Thủy la hữu ngũ chủng
Khí cộng nhất xứ thực
Lộ hình hám ẩm thực
Tẩy dục sự ưng tri.

* Duyên ở thành Thất La Phiệt. Phương Nam có hai Bí-sô muốn đến thành Thất La Phiệt lễ bái Thế Tôn nhưng đều không có lưới lược nước. Trên đường đi, không có nước uống, đang quá nóng khát, họ đến một ao nước. Một người nói:

– Cụ thọ, hãy mau xem xét nước, tôi muốn uống cho hết khát.

Họ xem thấy nước có trùng, xem đến ba nơi đều có trùng, nên bàn nhau:

– Nước có trùng, uống thì hại mạng chúng sinh, nay quá khát nước vậy phải làm sao?

Vị Bí-sô nhỏ nói kệ:

Trăm ngàn Cu-đê kiếp
Khó được gặp Thế Tôn
Nay ta nên uống nước
Mong lễ bậc Ðại-sư.

Vị Bí-sô lớn nói kệ:

Như Lai đại từ thương chúng sinh
Diệt hết ái nhiễm với ba cõi
Thọ trì giới cấm trong pháp này
Ta thà chịu chết không sát sinh.

Bấy giờ, Bí-sô nhỏ không nhịn khát được, nên uống nước có trùng và lên đường. Vị lớn vì hộ trì trùng nên cương quyết không uống, cố gắng đến ngồi thẳng dưới bóng cây, trong lúc chưa kiệt quệ hết sức, tâm vẫn niệm đến việc thiện, cho đến khi hết sức mà qua đời. Do sức phước này, vị này sinh đến nơi tốt nhất ở cõi trời Ba mươi ba. Thường khi người vừa sinh thiên, dù nam hay nữ đều phát sinh ba ý nghĩ: – Ta chết từ nơi nào, đang sinh đến nơi nào, do làm nghiệp gì.

Vị ấy nhớ lại tiền thân là loài người, nay sinh đến cõi trời Ba-mươi-ba, nhờ hết sức tôn trọng lời Phật dạy.Vị thiên tử kia nghĩ: “Nếu ta không đến lễ bái Thế Tôn là điều không đúng, vì bất kính”. Sau khi suy nghĩ, vị Thiên này trang nghiêm thân thể bằng anh lạc cõi thiên với ánh sáng đặc biệt, rồi dùng vạt y đựng đầy các hoa đẹp, hoa Ôn Bát La, hoa Bát Ðầu Ma, hoa Câu Vật Ðầu, hoa Phân Ðà Lợi Ca, hoa Mạn Ðà La, qua khỏi đầu đêm đến gặp đức Phật, tự thân tung hoa trời cúng dường, lạy sát hai chân Phật rồi ngồi lui về một bên, lắng nghe diệu pháp. Hào quang của vị trời này rất rực rỡ, chiếu sáng cả vườn Thệ-đa. Thế Tôn tùy theo sở thích và căn tính của vị trời này mà thuyết pháp, làm cho hiểu rõ lý bốn Thánh-đế.

Bấy giờ, vị trời này dùng trí tuệ như chày kim cương phá tan núi hai mươi ngã kiến, chứng quả Dự-lưu. Sau khi được kiến-đế, vị này ba lần bạch Phật:

– Ðại đức, nhờ Phật Thế Tôn làm cho con chứng đắc quả giải thoát, đây không phải do cha mẹ, vua người, thiên chúng, Sa môn, Bà-la-môn thân hữu, quyến thuộc có thể làm được. Con gặp được Thế Tôn là bậc thiện tri thức cứu giúp con thoát khỏi địa ngục, bàng-sinh, ngạ-quỷ, đem đến nơi cõi trời Thắng diệu, sẽ hết sinh tử chứng đắc Niết bàn, vượt khỏi núi xương, làm cạn biển máu, dùng trí tuệ như chày Kim cương phá nát ngã kiến tích tụ từ vô thủy, chứng quả Dự lưu. Nay con xin quy y Tam bảo thọ trì năm học xứ, kể từ hôm nay cho đến trọn đời không sát sinh cho đến không uống rượu, cầu xin Thế Tôn chứng tri cho con làm người cận sự nam.

Ngay trước Thế Tôn, vị trời chắp tay cung kính nói kệ:

Con nhờ vào sức Phật
Ðóng hẳn ba đường ác
Sinh cõi trời thắng diệu
Hướng về cõi Niết bàn.

Con nhờ vào Thế Tôn
Nên được mắt thanh tịnh
Thấy rõ lý chân-đế
Sẽ vượt qua biển khổ.

Phật vượt trên trời người
Thoát sinh già bệnh chết
Khó gặp trong biển hữu
Con gặp, được chứng quả.

Con với thân trang nghiêm
Tâm tịnh lễ chân Phật
Nhiễu bên phải trừ oán
Xin trở về thiên cung.

Sau khi nói lên ý nguyện của mình, như người chủ buôn được nhiều tài lợi, cũng như nông phu được mùa thu nhiều lương thực, như người hùng mạnh chiến thắng kẻ oán thù, như người thoát khỏi cơn bệnh nặng, vị trời ấy từ giã đức Phật xong, trở về thiên đường. Vị Bí-sô nhỏ kia đi dần đến thành Thất La Phiệt vào rừng Thệ Ða, an trí y bát, rửa chân xong, đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một bên.

Như thường pháp, Thế Tôn thấy Bí-sô khách đến thì an ủi thăm hỏi:

– Lành thay chào Bí-sô, từ đâu đến đây, hạ này an cư ở thành, nước nào?

Khi ấy, Thế Tôn cũng hỏi Bí-sô này:

– Thầy từ đâu đến đây?

– Bạch Thế Tôn! Con từ phương Nam đến đây.

Hỏi:

– Hạ này an cư ở đâu?

Ðáp:

– Cũng tại phương Nam.

Phật hỏi:

– Thầy đi đường xa vậy có bạn không?

Thưa:

– Dạ có.

Phật hỏi:

– Người ấy đi đâu?

Vị này liền kể lại sự việc.

Thế Tôn nói kệ:

Ai xem thường giới Ta
Gắng gặp Ta làm gì?
Giả sử có gặp Ta
Như chẳng thấy, chẳng cúng.

Bí-sô kia thấy Ta
Vì giữ gìn tịnh giới
Ngươi ngu si không trí
Không phải thật thấy Ta.

Khi ấy, Thế Tôn liền vẹt thượng y ra cho vị kia thấy ngực, lại nói kệ:

Ngươi hãy xem thân Ta
Thể xác cha mẹ sinh
Màu cũng như vàng ròng
Ðều do nghiệp đã làm.

Ai không kính pháp-thân
Họ không thấy chư Phật
Ai thành tựu pháp thân
Ðược thấy Ðại Mâu-ny

Pháp thân Ta thứ nhất
Sắc thân đứng thứ hai
Bậc trí thấy biết rõ
Nên giữ gìn giới luật.

Thời Phật Ca-nhiếp-ba
Có Bí-sô phạm giới
Vì phá lá y-la
Ðang đọa vào loài rồng.

Sau khi suy nghĩ: “Vì các Bí-sô không mang lưới lược nước nên có lỗi như vậy”, Thế Tôn bảo các Bí-sô:

– Nên có lưới lược nước.

Như Thế Tôn dạy: “Phải sắm lưới lược nước”, Bí-sô không biết có bao nhiêu loại lưới lược nước. Phật dạy:

– Có năm loại lưới lược nước:

Một là lưới vuông (Loại xử dụng thông thường thì dùng chừng ba, hai hay một thước lụa sống. Tăng sĩ nên dùng hai lớp, lớn nhỏ tùy lúc. Lụa dùng làm lưới phải mịn và dày, trùng không lọt qua mới được; nếu thưa mỏng thì không được dùng. Có người dùng vải nhớp hay the thưa, vải gai vì không cố ý bảo vệ trùng).

Hai là pháp bình (bình âm dương).

Ba là quân trì (dùng lụa bịt miệng bình, cột vào cổ bằng dây nhỏ, nhúng vào trong nước cho nổi lên nữa miệng, nếu chúc chìm miệng thì nước không vào, chờ đầy mới lấy ra nhưng phải xem kỹ trùng. Nếu không phải quân trì mà gặp loại bình ống rộng miệng, dù lớn hay nhỏ đều lấy lụa bịt miệng, dùng dây nhỏ cột chặt tùy lúc lấy nước. Việc này rất đơn giản lại không cần chậu để phóng sinh, rất là cần thiế)t.

Bốn là chước thủy la (Loại này ở Ðông-hạ không thấy nói đến, nơi khác có chỉ là túi lưới nhỏ, tuy nội dung giống nhau nhưng hình thức không đúng hẳn như chính nó).

Năm là y giác la (dùng lụa dày vuông chừng một khuỷu tay, hoặc cột vào miệng bình lấy nước xử dụng, hoặc để trên miệng chén dùng lược nước khi cần, chẳng phải góc ca-sa. Loại này dày nhưng thông nước nên dùng để lược; chỉ vì từ lâu đã không hiểu biết phương pháp, ai sẽ hướng dẫn. Các loại lưới lược này đều thấy sử dụng ở phương Tây . Ðại sư vì thương xót muốn cứu giúp chúng sinh, ăn thịt còn tổn lòng đại bi huống chi sát sinh thì làm sao thành Phật. Giả như có việc tạm thời ra khỏi chùa nên mang theo lưới lược và dây nhỏ cùng vật dụng để phóng sinh. Người không mang theo chẳng phải chính là biểu hiện thái độ khinh lời Phật dạy và lấy gì để dạy bảo môn đồ. Hành giả hãy suy nghĩ việc này, cần phải bảo tồn vì lợi ích cho mình và người vậy).

* Duyên xứ tại thành Thất La Phiệt. Hai Bí-sô đã có hiềm khích, cùng làm bạn đi du hành trong nhân gian. Một người có lưới lược nước, người kia thì không. Người có lưới, dùng lược nước uống. Người không có lưới, bảo:

– Cụ thọ hãy cho tôi mượn lưới lược.

Người kia không cho mượn nên bị lỡ việc. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Ðã có hiềm khích, không được cùng nhau đi du hành nhân gian. Giả như gặp việc phải đi chung, nên tạ lỗi nhau, rồi mới đi chung.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có hai Bí-sô cùng du hành nhân gian. Một người có lưới lược nước, một người không có. Người không có hỏi vị kia:

– Cụ thọ! Thầy có lưới lược nước không?

Ðáp:

– Có.

Nhưng vị kia không hỏi có thể mượn dùng được không. Sau đó, vị có lưới, lược nước để uống. Vị không có lưới, theo mượn, vị kia không cho mượn nên sinh hiềm hận. Vị có lưới bảo:

– Thầy chỉ hỏi có hay không chứ nào nói mượn dùng, nay lại hỏi mượn, thật là bất kính nên ta chẳng cho mượn.

Vị kia bị lỡ việc. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Khi các Bí-sô muốn đi đâu, nếu không có lưới lược phải hỏi đồng bạn:- Thầy có lưới lược không. Nếu họ nói có, nên hỏi thêm:- Tôi dùng chung được không?. Họ đồng ý mới được đi chung, không cho thì không nên đi.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có hai Bí-sô cùng du hành nhân gian, một người có lưới lược nước, người kia không có. Người không có lưới hỏi:

– Thầy có lưới lược nước không?

Ðáp:

– Tôi có.

Hỏi:

– Cho tôi dùng chung được không?

Ðáp:

– Ðược.

Họ cùng đi với nhau, trên đường gặp đoàn buôn. Người có lưới lược có việc cần phải trở về. Người không lưới bảo:

– Trước đây, thầy hứa cho dùng chung lưới lược, vậy hãy đưa cho tôi.

Ðáp:

– Tôi hứa dùng lưới lược nước chung, chứ không phải để lại cho thầy dùng.

Người ở lại không có lưới lược nên bị lỡ việc. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô không có lưới hỏi người có: – Thầy có lưới không. Nếu họ nói có, nên hỏi lại: – Nếu thầy trở lại có thể cho tôi mượn lưới được không? Họ đồng ý thì tốt, nếu không đồng ý thì không nên đi.

Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:

– Ðại đức! Nếu không có lưới lược nước, được phép đi đến làng khác hay chùa khác không?

Phật dạy:

– Không được, nếu biết nơi ấy có thể tìm được lưới lược, không làm cho lỡ công việc, không phạm.

– Bạch Ðại đức! Hai người có một lưới lược, được phép du hành không?

Ðáp:

– Nếu không làm cho lỡ công việc thì được.

– Bạch Ðại đức! Nhiều người cho đến cả chúng chỉ có một lưới lược, được phép du hành không?

– Ðược, nếu có thể sử dụng đầy đủ.

– Bạch Ðại đức! Nếu không có lưới lược, được phép đi lại trên bờ sông không?

– Này Ô Ba Ly! Nếu nước chảy mạnh, không có sông khác chảy vào thì cách năm dặm xem một lần. Nếu có dòng nước khác chảy vào, khi dùng phải xem kỹ. Nếu sông không chảy mạnh cũng tuỳ chỗ xem kỹ.

– Ðại đức! Khi xem xét nước, được trong phạm vi rộng bao nhiêu?

Phật dạy:

– Chu vi chừng một tầm.

– Bạch Ðại đức! Nếu nước không xem xét, không lược, có thể dùng không?

Phật dạy:

– Không được, dùng bị tội.

– Bạch Ðại-đức! Nước đã lược xong, không xem xét được phép dùng không?

Phật dạy:

– Không được.

– Bạch Ðại đức! Nước không lược, có xem xét được phép dùng không?

Phật dạy:

– Quán sát thấy không có trùng, được tùy ý dùng.

– Bạch Ðại-đức! Nước có lược và xem xét, được phép dùng không?

Phật dạy:

– Không trùng được dùng.

Phật bảo Ô Ba Ly có năm loại nước sạch (tịnh thủy):

Một là Tăng-già tịnh,
Hai là Biệt nhân tịnh,
Ba là Lự la tịnh,
Bốn là Dũng tuyền tịnh,
Năm là Tỉnh thủy tịnh.

– Tăng già tịnh là đại chúng sai một Bí-sô làm việc xem xét lược nước. Vị ấy xem xét đúng pháp. Có Bí-sô khác đến cho rằng Tăng đã làm sạch, nên uống dùng, không phạm.

– Biệt nhân tịnh là biết Bí-sô kia đều thanh tịnh về giới, kiến, uy nghi, chánh mạng, nên dùng nước của vị ấy không phạm.

– Lự la tịnh là từng dùng lưới lược này, chưa bị trùng lọt qua, nên không xem xét không phạm.

– Dũng tuyền tịnh là ngay mạch nước không có trùng.

– Tỉnh thủy tịnh là vào sáng sớm lấy nước thấy trong sạch không có trùng, trong buổi sáng đến lấy tùy ý dùng.

Bí-sô dùng mắt chăm chú xem nước liên tục, nên bị loạn thị. Phật dạy:

– Không nên xem lâu, nên bằng khoảng thời gian xe sáu bò chở tre quay lại,lại xem xét trong thời gian tâm vừa yên tịnh thì không phạm.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có những tịnh tín cư sĩ Bà-la-môn, mang các dụng cụ đựng thức ăn dâng lên Bí-sô. Khi ấy các Bí-sô không nhận. Họ đều thưa:

– Thánh giả! Khi Thế Tôn chưa ra đời, chúng con lấy ngoại đạo làm ruộng phước tốt nhất. Nay đức Phật xuất hiện trong thế gian, chúng con cho các ngài là hơn hết. Các ngài không nhận những vật chúng con dâng, chẳng lẽ làm cho chúng con không mang được tư lương sang đời sau hay sao?

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Vì đại chúng nên nhận vật đựng.

Theo lời Phật dạy nên nhận vật dụng ấy cho Tăng, Bí-sô nhận vật cất vào kho, khi ăn vẫn dùng bát để ăn. Thí chủ ấy thấy vậy hỏi:

– Chúng con dâng vật ấy đến quý ngài, vì sao không thấy dùng?

Ðáp:

– Hiền thủ! Cất chúng trong kho.

Hỏi:

– Thánh giả! Chẳng lẽ trong nhà con không có kho hay sao? Khi dâng cúng với ý muốn quý ngài sử dụng để chúng con được hưởng phước thọ dụng. Các ngài nhận rồi lại cất vào kho, làm cho chúng con chỉ hưởng phước bố thí chứ không có phước thọ dụng.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Vật của họ dâng cúng nên đem ra dùng.

Bí-sô theo lời Phật dạy nên đem ra sử dụng. Sau đó, có thí chủ khác, tâm thích to rộng nên dâng mâm đồng lớn. Có Bí-sô già được phân mâm này, cố lau chùi nên sinh lao khổ.

Phật dạy:

– Nên sai người quản lý mâm vật đựng, xem xét việc lau chùi.

Bí-sô không biết chọn lựa người để sai việc xem xét vật dụng nên làm cho bị hư hoại. Phật dạy:

– Người có đủ năm pháp, chưa sai không nên sai, đã sai thì không cho làm. Năm pháp là gì? Ðó là có Ái, Nhuế, Bố, Si, không ghi nhớ đã làm hay không làm. Ai có đủ năm pháp thì chưa sai nên sai, đã sai thì bảo làm. Thế nào là năm?

– Nghĩa là không Ái, không Nhuế, không Bố, không Si, ghi nhớ rõ đã làm hay không làm. Nên sai theo trình tự:- Trải tòa, đánh kiền chùy, bạch với tất cả, đại chúng tập họp hết. Trước hết hỏi:- Thầy tên … có thể làm việc về mâm, vật dụng cho Tăng già không? Nếu biết có thể thì đáp:- Tôi có thể.Thứ đến một Bí-sô tác bạch yết -ma:

– Ðại đức Tăng già lắng nghe. Bí-sô … này vui vẻ làm việc về vật dụng cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng đồng ý, nay Tăng sai Bí-sô … là người làm việc về vật dụng, sẽ làm việc về vật dụng cho tăng. Ðây là lời tác bạch. (Yết Ma làm theo văn bạch).

Khi các Bí-sô nhận được vật dụng, sau khi ăn đem vật dụng nhơ bẩn giao cho người làm về vật dụng. Phật dạy:

– Vật đã sử dụng nhơ bẩn nên sai đệ tử môn nhân lau chùi.

Có Bí-sô không có đệ tử nên tự lau chùi. Phật dạy:

– Vị này đem vật dụng giao cho người làm về việc này để họ lau chùi. Nếu đệ tử môn nhân không biết cách lau chùi, cũng nên giao vật dụng cho người làm về việc này.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Lục chúng Bí-sô cùng ăn chung trong một bát. Cùng đưa tay vào trong bát rồi đồng thời giở tay, bát bị kéo cao lên, họ nói với nhau:

– Hãy xem bát đen này đang hiện thần thông.

Sáu người đều rút tay, bát bị rơi vỡ, nên cùng nhau cười lớn. Bí-sô khác thấy vậy nói:

– Cụ thọ, cùng nhau làm việc xấu ác như vậy, lẽ ra phải xấu hổ, ngược lại còn cười lớn.

Ðáp:

– Ta làm việc gì, đang uống rượu hay ăn hành tỏi?

Bí-sô đáp:

– Chẳng bao lâu sẽ thấy các vị làm việc ấy.

Lục chúng đáp:

– Tuy bát ta vỡ, chẳng lẽ thợ gốm cũng chết, đất sét không còn, ta sẽ làm lại nào có lỗi gì?

Bấy giờ, các Bí-sô xấu hổ nên không trả lời, đem sự việc bạch Phật. Phật suy nghĩ: “Vì các Bí-sô ăn chung một chỗ nên có lỗi như vậy”. Ngài chế định: “Ai làm như vậy bị tội vượt pháp”.

Như Phật chế, Bí-sô không được ăn chung trong một vật đựng. Có các Bí-sô đi theo đoàn buôn. Bấy giờ, đoàn buôn cùng ăn chung một chỗ, Bí-sô cũng ăn nhưng ít vật đựng nên không dám ăn chung, chờ xong mới ăn, bị trễ giờ không theo kịp bạn, phải đi sau nên bị giặc cướp đoạt. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Ðang đi trên đường, không tìm được vật đựng, tuy nhiều người nhưng có thể ăn chung một vật đựng, người này đưa tay lên, người kia mới đưa tay xuống, không được đồng thời đưa lên hay xuống.

Phật cho phép ăn chung, có những cầu-tịch không dám cùng ăn chung với Bí-sô nên sinh ra lỗi như trên. Phật dạy:

– Bí-sô trước phải nhận vật thực bằng cách dùng tay cầm vật đựng, rồi cùng nhau ăn một chỗ.

Gặp lúc cùng đi với tịnh nhân, hay cầu-tịch xảy ra việc như trước. Phật dạy:

– Vắt cơm thành từng nắm chuyền nhau ăn.

Có Bí-sô trở về sinh quán, thân tộc nói:

– Xa cách đã lâu, nay mới gặp nhau, nên ngồi ăn chung mâm.

Ðáp:

– Ông là người tục, tôi là người xuất gia, không nên ăn chung mâm.

Họ nghe vậy nên đứng buồn bã khóc lóc. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Biết họ ân cần mời, có thể ăn chung nơi chỗ khuất để không gây hiềm nghị. Trước tiên thọ vật thực của họ bằng cách lấy tay nhận lấy mâm, cùng ngồi ăn không lỗi.

* Duyên xứ tại thành Thất La Phạt. Lục chúng Bí-sô chỉ mặc y nội ngồi ăn. Người tục thấy vậy nói với nhau:

– Ai đang ăn vậy?

Một người đáp:

– Ðấy là Sa-môn Thích tử.

Họ đều bất mãn xấu hổ nói:

– Giáo chủ của họ rất giữ sự tàm quý, vì sao đệ tử làm việc không biết xấu hổ như vậy.

Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: “Ngồi ăn mà chỉ mặc y nội nên có lỗi như vậy”. Ngài chế:

– Bí-sô không được chỉ mặc y nội mà ngồi ăn, ai làm vậy bị tội vượt pháp.

Phật dạy: “Không nên chỉ mặc y nội mà ngồi ăn”.

Có Bí-sô già bệnh ốm yếu, khi ăn không thể mang thêm y. Phật dạy:

– Khi ăn nên mặc y lót mồ hôi Tăng Khước Kỳ, không phạm.

Lại có Bí-sô bệnh cũng không thể mặc y Tăng Khước Kỳ. Phật dạy:

– Nếu người bệnh nặng, nên ở chỗ khuất, chớ cho người ngoài thấy, thì được tùy ý chỉ mặc quần mà ăn.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Lục chúng Bí-sô tắm trần truồng nơi sông A Thị La. Người thế tục thấy vậy hỏi nhau:

– Ai vậy?

Có người nói:

– Ðó là ngoại đạo lõa hình đang tắm dưới sông.

Có người nói:

– Ðấy là Thích-ca tử.

Họ đều chê bai nói:

– Giáo chủ của họ rất biết tàm quý, tại sao đệ tử lại vô sỉ như vậy … cho đến Phật suy nghĩ: “Các Bí-sô lõa hình tắm có những lỗi như vậy”. Ngài chế:

– Các Bí-sô không được tắm truồng, ai vi phạm bị tội vượt pháp; nhưng các Bí-sô nên sắm quần tắm.

Khi Phật cho phép sắm y để tắm, Bí-sô may y tắm hai lớp. Phật dạy:

– Sợ có trùng chui vào nên không được dùng. Nếu ai chỉ có y tắm kép không có loại đơn thì xem kỹ nước không trùng mới tắm.

Có người chỉ dùng ba y, sợ trái pháp nên không dùng y tắm. Phật dạy:

– Nên thủ trì rồi giữ để dùng.

Lại có người nghèo nên không có y này. Phật dạy:

– Nếu không thể nào có, dùng dây buộc lá che trước và sau lại, tắm nơi khuất không để cho người khác thấy, thì không phạm.

Bí-sô tắm xong sợ y có trùng nên không vắt y cho ráo nước. Phật dạy:

– Y một lớp chắc trùng không bám, nhưng khi vắt nước tìm cách giũ ra, đừng cho trùng bám.

Nhiếp tụng tám trong biệt môn thứ nhất.

Ðậu sinh bất tịnh địa
Thổ địa chỉ thọ sách
Ðồng khí bất ưng vi
Thạnh diêm đẳng tùy xúc.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có cụ thọ Bí-sô Hiệt Ly Bạt Ðểâ đối với việc gì cũng nghi ngờ, nên người đương thời gọi là Hiệt Ly Bạt Ðể đa nghi. Vào lúc nọ trong nhà xí, vị này thấy hạt đậu mọc lá nên tự nghĩ:

– Ta làm tổn hại hạt sống.

Vào lúc khác, trong Tăng làm nhiều bánh ngọt bằng đậu xanh, vị ấy không dám ăn. Các đệ tử hỏi:

– Thưa Ô Ba Ðà Da, trong Tăng làm nhiều bánh ngọt đậu xanh, vì sao thầy không ăn?

Ðáp:

– Chẳng lẽ ta làm tổn hại hạt sống hay sao?

Ðệ tử hỏi:

– Việc này như thế nào?

Vị này kể lại sự việc đã thấy khi trước. Bấy giờ, đệ tử cũng không dám ăn. Những người quen của họ hỏi:

– Vì sao thầy không ăn?

Họ kể lại lời thầy đã nói. Bấy giờ, Hiệt Ly Bạt Ðể có nhiều môn đồ nên họ truyền rộng ra, cho đến cả chúng đều không ăn. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Trong các loại đậu có hạt không chín dù nấu đã lâu, sau khi ăn nó mọc lại. Loại này đã nấu qua, ăn không có lỗi.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Cụ thọ Ô Ba Ly thưa với Thế Tôn:

– Nơi đất không sạch có mọc cây ăn trái, trái rơi nơi đất sạch, được phép ăn không?

Phật dạy:

– Không nên ăn.

– Cây ăn trái mọc nơi đất không sạch, trái rụng nơi đất sạch, được phép ăn không?

Phật dạy:

– Ðược ăn.

– Cây ăn trái mọc nơi đất sạch, trái rụng nơi đất không sạch được phép ăn không?

Phật dạy:

– Nếu không để cách đêm thì được ăn.

– Ðại đức! Cây mọc nơi đất sạch rụng trái nơi đất sạch, được ăn không?

Phật dạy:

– Ðược ăn.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có Bà-la-môn đứng đầu về dạy học, được một bò đực, sau được bò đực, sau đó lại có thêm con đực, số bò cứ phát triễn như vậy và trở thành bầy. Người Bà-la-môn cho rằng con bò đực đầu tiên là may mắn nên không giết nó và thả tự do. Lúc bò này già yếu, một hôm khát nên xuống sông uống nước, bị lún xuống bùn không thể lên được. Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất đi ngang qua, thấy bò bị lún trong bùn nên quán sát có thiện căn không, thấy có nó duyên với mình nên kéo ra khỏi bùn lấy nước rửa sạch và cho ăn cỏ uống nước. Tôn giả nói ba câu pháp với nó:

– Hiền thủ! Các hành vô thường, các pháp vô ngã, tịch diệt là vui; hãy sinh lòng tin với ta và sinh lòng nhàm chán thân súc sinh.

Sau khi nói xong, Tôn giả bỏ đi. Ðêm ấy, khi bị chó sói ăn thịt, con bò này nghĩ: “Nếu có Thầy ta ở bên cạnh, chắc chắn ta không bị những khổ này”, nên chú tâm tôn trọng ngài Xá Lợi Phất. Ngay lúc ấy nó qua đời và sinh vào nhà Bà-la-môn. Sau khi suy nghĩ: “Ta hãy xem lại con bò già kia”, Tôn giả Xá Lợi Phất tác ý quán sát biết nó đã qua đời, đang thọ sinh ở đâu, Tôn giả thấy nó sinh vào nhà Bà-la-môn. Bấy giờ, Xá Lợi Phất vì hóa duyên nên đến nhà Bà-la-môn, thường đến nhà kia, vợ chồng đều thọ tam quy ngũ giới. Sau đó, một hôm Tôn giả đi một mình đến nhà kia. Trưởng giả hỏi:

– Vì sao Tôn giả đi một mình không có thị giả? … như nói rõ ở trên.

Sau đó tám, chín tháng, họ sinh một bé trai mặt giống như bò. Vào ngày đầy tháng, bà con tụ họp, đứa bé được bồng ra để xin mọi người đặt tên. Mọi người bàn nhau:

– Bé trai này diện mạo giống bò chúa, nên đặt tên là Ngưu Chủ … nói rộng như nhân duyên của Tôn giả Thiện Hòa … xuất gia thọ Cận-viên, chứng A-la-hán. Do nghiệp lực đời trước nên trong cổ Tôn giả có hai cuống họng, một mửa vật sống ra, một nuốt vật chín. Khi Phật chưa chế giới ăn phi thời thì Tôn giả ở chỗ vắng ói ra rồi ăn lại. Sau khi Phật chế giới thì vị này ói luôn ra ngoài.Ðã không ăn được nên thân hình vị ấy tiều tụy. Thế Tôn thấy vậy, biết mà cố hỏi cụ thọ A Nan Ðà:

– Vì sao Bí-sô Ngưu Chủ thân hình quá gầy ốm tiều tụy vậy?

A Nan Ðà đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Ai do túc nghiệp nên có hai cuống họng, khi thức ăn ói ra nên nhả ra ngoài ba lần, sau đó súc sạch miệng, rồi tùy ý nuốt, thì không phạm.

Có những Bí-sô đã ăn no xong, trong cổ họng lại trào thức ăn ra nên sinh ý nghi: “Ta có phạm giới ăn phi thời hay không?”. Phật dạy:

– Nếu gặp trường hợp như vậy nên súc sạch miệng, thì không phạm.

Sau khi Bí-sô Ngưu Chủ xuất gia, nhiều người thế tục cùng sinh chê bai, nói:

– Sa-môn Thích tử cùng nhau làm việc phi pháp nên cho xuất gia những người hình dáng xấu xí như Ngưu Chủ.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật suy nghĩ:

” Thánh đệ tử của Ta, đức độ như núi Diệu cao, dễ làm cho mọi người sinh đố kỵ. Do việc này, Bí-sô Ngưu Chủ không nên ở nơi thành phố đông người”. Thế Tôn bảo Ngưu Chủ:

– Từ nay về sau, thầy không nên ở nơi thành phố trung tâm, nên ra chỗ biên phương.

Nghe Phật dạy xong, Tôn giả bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Ðúng vậy.

Sau đó vị này rời khỏi rừng Thệ Ða, đến sống an ổn nơi cung Thế Lị Sa. Phật bảo các Bí-sô:

– Trong các đệ tử sống nơi biên phương của Ta, Ngưu-Chủ là tối thượng.

Khi ấy, các Bí-sô đều có nghi ngờ, thưa với Thế Tôn:

– Cụ thọ Ngưu Chủ từng làm việc gì, mà do nghiệp ấy tuy sinh làm người lại có hình dáng trâu, được xuất gia tu hành trong Phật pháp, chứng quả A-la-hán?

Phật bảo các Bí-sô:

– Bí-sô Ngưu Chủ do nghiệp trước đây đã làm tăng trưởng thuần thục, tự thọ trở lại rộng như đã nói ở trên. Các thầy hãy lắng nghe, vào thời quá khứ, trong Hiền-kiếp này khi loài người thọ hai vạn tuổi, có Phật Ca Nhiếp Ba xuất hiện trong đời, đầy đủ mười hiệu. Ngưu Chủ từng xuất gia tu tập trong giáo pháp của Phật ấy. Thân giáo sư của vị ấy là bậc A-la-hán làm thượng thủ trong chúng, tuồi tác già nua, thân hình ốm yếu không tự ăn được. Bấy giờ Ngưu Chủ thường phục vụ thầy ăn, sau khi thu dọn bát, rửa sạch rồi cùng các Bí-sô khác ở một nơi tụng tập.Sau đó, vì thầy ăn chậm nên rửa bát hơi trễ, bạn đồng học hỏi:

– Vì sao đến muộn vậy?

Ðáp:

– Cụ thọ! Thầy tôi mới vừa ăn xong.

Vào hôm khác, đệ tử đã ăn xong, sau khi rửa bát đến chổ vị thầy, thấy ăn chưa xong nên nổi sân:

– Vì sao ăn chậm như bò già vậy!

Vị thầy suy nghĩ: “Nó đang giận dữ, nếu ta nói ra tất cơn giận nó bùng ra, chờ khi hết giận mới nói cho biết”. Khi đệ tử hết giận, vị thầy mới hỏi:

– Cụ thọ, ngươi nói gì vậy?

Ðáp:

– Con nói thầy ăn chậm chạp như con bò già.

Thầy nói:

– Này cụ thọ, không biết ta là hạng người nào hay sao?

Ðáp:

– Con biết thầy là người xuất gia trong giáo pháp đức Phật Ca Nhiếp Ba, con cũng xuất gia trong pháp luật này. Thầy bảo:

– Thánh tử! Việc này đúng như vậy. Việc phải làm của người xuất gia ta đã làm xong, ta đã thoát các triền phược, người còn đủ triền phược. Người nói với ta bằng lời thô ác, nên ân cần chí tâm sám hối tội lỗi, như vậy mới trừ diệt được ác nghiệp. Ðệ tử nghe xong, chí tâm sám hối. Các Bí-sô biết không, do thời quá khứ vị ấy tạo ra nghiệp xấu vì nói thô ác với vị A-la-hán, bị thọ thân bò trong năm trăm đời, cho đến ngày nay vì nghiệp dư tàn chưa hết nên còn mang hình dáng loài bò. Do vị ấy siêng năng làm việc tụng tập nên được xuất gia trong giáo pháp của Ta, đoạn trừ các nghiệp phiền não chứng A-la-hán.

Các Bí-sô lại thưa với Phật:

– Do làm nghiệp gì mà Bí-sô Ngưu Chủ được Thế Tôn cho ở biên phương và khen là đệ nhất.

Phật dạy:

– Do phát nguyện lực.

– Từng phát nguyện gì?

– Vào thời Phật kia vị ấy xuất gia tu tập cho đến trọn đời nhưng đối với môn thắng diệu không chứng đắc gì cả.Trong các đệ tử của Phật Ca Nhiếp Ba, thầy của vị ấy là người trú ở biên phương thọ dụng y thực được tôn xung là số một. Thấy như vậy, vị ấy phát nguyện:

– Ta xuất tu tập với đức Phật kia, đến trọn đời cũng chưa chứng được gì trong Thắng Diệu môn, ta nguyện đem công đức siêng năng tu tập này, theo như đức Phật thọ ký cho Ma Nạp Bà, trong đời vị lai khi loài người sống 100 tuổi có Phật Thích Ca Mâu Ny xuất hiện trong thế gian, ta sẽ xuất gia trong giáo pháp của đức Phật ấy, đoạn trừ các phiền não chứng quả A-la-hán. Trong những đệ tử của Phật, bổn sư của ta là vị trú ở biên phương, thọ dụng y thực được khen là đ? nhất. Trong hàng đệ tử của Phật tương lai, ta nguyện thọ dụng y thực ở biên phương cũng như vậy. Do nguyện lực kia, nên vị ấy thọ kết quả này. Các thầy nên biết, do nghiệp thuần đen … như nói rộng ở trên.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Lục chúng Bí-sô chỉ thị đòi thức ăn, hãy đưa ta vật này, đưa ta vật kia … làm cho người phục vụ mất cả trật tự. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô không nên chỉ thị đòi thức ăn, ai cố vi phạm bị tội vượt pháp. Nếu không có lửa, đòi vật chín không phạm; nếu lửa quá mạnh, lấy vật sống không lỗi.

* Duyên xứ như trước. Cụ thọ Ô Ba Nan Ðà đến nhà thợ đồng, hỏi:

– Hiền thủ! Có thể làm bát bằng đồng không?

Ðáp:

– Ðây là nghề của con, có gì không làm được; không biết ngài cần bát lớn hay nhỏ?

Ðáp:

– Làm lớn cở …

Hỏi:

– Thánh giả! Bát lớn như vậy, ngài dùng làm gì?

Ðáp:

– Này người ngu si! Chẳng lẽ ngươi chẳng lấy tiền, làm không cho ta hay sao.

Sau khi suy nghĩ: “Làm lớn theo ý họ, ta có hại gì”. Người thợ làm bát lớn. Lục chúng thấy bát, nói:

– Hãy làm bát nhỏ hơn đặt vừa trong bát này.

Cứ lần lượt như vậy cho đến bảy cái. Sau khi làm xong, họ sai đệ tử lau chùi cho sạch bóng, dùng chỉ ngũ sắc đan lưới đựng bát, đan chồng nhiều lớp đặt bát vào trong, sai cầu-tịch đội trên đầu mà đi. Khi có nơi thỉnh thì họ đem đi trước, đến nhà thí chủ, sau khi an tọa bày bát này ở trước. Cư sĩ Bà-la-môn thấy vậy hỏi:

– Chẳng lẽ các vị mở hàng bán đồ đồng hay sao?

Ðáp:

– Này kẻ ngu! Ngươi không biết gì cả, cái thứ nhất đựng cơm, thứ hai trữ mì, thứ ba để bánh, thứ tư đặt đồ kho, thứ năm nhận canh rau, thứ sáu chứa sữa và lạc, thứ bảy thêm vật gia vị.

Người tục nói:

– Nếu vậy, phải cần thêm vật chứa nữa, để đựng thức ăn uống nhiều hơn thế nầy. Họ nghe chê như vậy, im lặng không biết nói gì.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật suy nghĩ:

– Vì các Bí-sô chứa bát đồng nên có lỗi như vậy, nên Ngài chế Bí-sô không được chứa bát bằng đồng, ai vi phạm bị tội vượt pháp. Ai chứa muỗng đồng, mâm đựng muối, chén uống nước bằng đồng, không phạm. Nếu là vật khác, sử dụng không phạm.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 25 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 36 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 05 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 18 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 15 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 04 - Luật Tạng
  • Tỳ Nại Da - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 26 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng