LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Việt dịch: Thích Phước Sơn – Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh

Quyển thứ mười tám

-ooOoo-

NÓI RÕ PHẦN THỨ BẢY CỦA 92 PHÁP ĐƠN ĐỀ.

44. GIỚI: BAO CHE NGƯỜI CÓ LỖI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tỉ kheo A Lợi Tra không bỏ ác kiến, bị chúng Tăng làm yết ma cử tội xong, thầy bèn đến chỗ tôn giả Nan Đà, Ưu Ba Nan Đà. Hai vị này thấy Thầy, liền tán thán: “Lành thay! (tôn giả) đến đây”, rồi đứng dậy đón tiếp, đưa cho ghế ngồi và nước rửa chân, lại đưa dầu thoa chân, nước uống phi thời, chỉ cho căn phòng, giường nệm, dụng cụ để nằm, và cùng hưởng chung thức ăn chánh pháp và thức ăn vật chất.

Thế rồi, Tỉ kheo A Lợi Tra đi đến trước cổng tinh xá Kỳ Hoàn, nói với các Tỉ kheo: “Này các trưởng lão, các ông tưởng làm yết ma cử tội Tỉ kheo A Lợi Tra này rồi thì tôi không có chỗ ở sao? Tôi vẫn được các Tỉ kheo phạm hạnh cho cùng ở chung, đưa cho phòng xá, giường, nệm, ngọa cụ, lại được hưởng chung thức ăn chánh pháp và thức ăn vật chất. Các ông càng sớm cử tội thì tôi càng sớm được chỗ ở tốt như vậy đó”.

Các Tỉ kheo nghe nói thế, cảm thấy hổ thẹn không vui, liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Nan Đà v.v… đến.

Khi đến rồi, Phật liền hỏi Nan Đà: “Các ông có việc đó thật như vậy không?”.

Đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.

– Đó là việc xấu. Vì sao ông đã biết chúng Tăng làm yết ma cử tội rồi mà còn ăn chung thức ăn chánh pháp và thức ăn vật chất (với người khác)? Đó là điều phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy; không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo biết Tỉ kheo khác có ác kiến không bỏ, Tăng đã làm yết ma cử tội, chưa làm như pháp, mà cùng [368a] ăn chung, cùng ở chung một nhà, thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Biết: Hoặc tự biết, hoặc nghe từ người khác (mà biết).

Ác kiến: Như A Lợi Tra hủy báng khế kinh.

Chưa làm như pháp: Tăng chưa giải tỏa pháp yết ma cử tội.

Cùng ăn: cùng hưởng thức ăn chánh pháp và thức ăn vật chất.

Cùng ở: Cùng ở trong cùng một cương giới.

Cùng một nhà: Cùng ở trong một nhà có cùng một vách tường, cùng một mái.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu có một Tỉ kheo bị Hòa Thượng, A xà lê quở trách thì Tỉ kheo khác không được quyến rũ, nói: “Ta cho ngươi y bát, thuốc trị bệnh, giường nệm ngọa cụ, ngươi nên ở gần bên ta học kinh đọc kinh…”. Nếu quán sát thấy tình huống của Tỉ kheo ấy chắc chắn sẽ xả giới hoàn tục, thì nên dỗ dành và dạy bảo như sau: “Ông phải biết, ân đức của Hòa thượng, A xà lê rất thâm trọng khó mà báo đáp. Ông nên trở về sống thân cận với (các ngài)”, nói như thế thì không có tội.

Nếu người bị cử tội mà tưởng là không bị cử tội, cùng ở cùng ăn với họ, thì phạm tội Việt tì ni.

Người không bị cử tội mà tưởng là bị cử tội cùng ở cùng ăn chung với họ thì phạm tội Việt tì ni.

Người bị cử tội tưởng là họ bị cử tội (mà cùng ở cùng ăn với họ) thì phạm tội Ba dạ đề.

Người không bị cử tội tưởng là không bị cử tội (cùng ở cùng ăn với họ) thì không có tội.

Thế nên nói (như trên).

45. GIỚI: CHỨA CHẤP SA-DI BỊ ĐUỔI.

Khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, A Lợi Tra có một Sa di tự là Pháp Dữ, nói như sau: “Này trưởng lão! Theo tôi biết pháp do đức Như Lai thuyết giảng, Ngài nói dâm dục làm chướng đạo, nhưng khi thực hiện sự dâm dục thì không có gì là chướng đạo”.

Lúc ấy, các Tỉ kheo liền nói: “Này Sa di, ngươi chớ hủy báng Thế Tôn; hủy báng Thế Tôn là không tốt. Ngươi không khéo ghi nhớ lời dạy của Thế Tôn, vì thực hiện sự dâm dục quả thật là chướng đạo”. Can gián một lần, hai lần, ba lần mà Sa di ấy vẫn không chấm dứt, nên các Tỉ kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn.

Phật nói với các Tỉ kheo: – Nếu Sa di Pháp Dữ ấy nói rằng: “Theo tôi hiểu pháp do Như Lai thuyết giảng, Ngài nói sự dâm dục làm chướng đạo, nhưng khi thực hiện dâm dục không có gì là chướng đạo”, thì các ông nên can gián ở chỗ vắng ba lần, can gián ở chỗ nhiều người ba lần và can gián ở giữa chúng Tăng ba lần, khiến cho bỏ việc ấy.

Ở chỗ vắng nên hỏi: “Này Sa di, có thật ngươi nói như sau: – Theo tôi biết, pháp do Như Lai thuyết giảng, Ngài nói hành dâm dục là pháp chướng đạo, nhưng khi hành dâm dục không có gì là chướng đạo. Rồi ngươi đã được can gián ba lần mà không chấm dứt phải không?”.

Nếu ông ta đáp: “Đúng như vậy”, thì bấy giờ nên can gián ở chỗ vắng: “Này Sa di, ngươi chớ hủy báng Thế Tôn; hủy báng Thế Tôn là điều bất thiện. Ngươi không khéo ghi nhớ lời dạy của Thế Tôn, hành dâm dục quả thật là chướng đạo. Nay ta vì lòng từ can gián ngươi là muốn cho ngươi được lợi ích. Vậy ngươi nên nghe lời ta. Một lần can gián đã xong còn hai lần can gián nữa, ngươi có bỏ việc đó chăng?”.

Nếu không bỏ, thì nên can gián đến lần thứ hai, thứ ba cũng như thế. [368b] Khi can gián ở chỗ nhiều người cũng như vậy. Nếu vẫn không bỏ thì nên làm yết ma cầu thính ở giữa Tăng như sau:

– Xin đại đức Tăng lắng nghe! Ông Sa di Pháp Dữ này nói như sau: “Theo tôi hiểu, pháp do Như Lai thuyết giảng, Ngài nói rằng dâm dục là pháp chướng đạo, nhưng khi thực hiện dâm dục không có gì là chướng đạo”. Thế rồi, đã được can gián ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng nên can gián ba lần khiến cho ông bỏ việc ấy.

Lúc bấy giờ, nên hỏi giữa Tăng: “Sa di, có thật ngươi nói như sau: – Theo tôi hiểu, pháp do Như Lai thuyết giảng, Ngài nói rằng dâm dục là pháp chướng đạo, nhưng khi hành dâm không có gì là chướng đạo. Rồi đã được can gián ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần mà không bỏ phải không?”

Nếu ông đáp: “Đúng như vậy”, thì ở giữa Tăng nên can gián như sau: “Này Sa di, ngươi chớ hủy báng Thế Tôn; hủy báng Thế Tôn là điều bất thiện. Ngươi không khéo ghi nhớ, chứ hành dâm dục quả thực là chướng đạo. Chúng Tăng vì lòng từ can gián ngươi, là muốn ngươi được lợi ích, vậy ngươi nên ghi nhận lời dạy của Tăng. Một lần can gián đã qua còn hai lần can gián nữa, ngươi nên bỏ việc ấy đi”.

Nếu ông không bỏ thì lần thứ hai, thứ ba cũng can gián như vậy. Thế nhưng, ông vẫn không bỏ. Do vậy, các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ kheo: “Nếu Sa di Pháp Dữ ấy nói như sau: “Đức Thế Tôn nói dâm dục là pháp chướng đạo, nhưng theo tôi biết hành dâm dục không có gì là chướng đạo”. Rồi được can gián ở chỗ vắng ba lần, can gián ở chỗ nhiều người ba lần và ở giữa chúng Tăng ba lần, mà vẫn không bỏ, thì nên đuổi y ra khỏi đại chúng”.

Thế nhưng, sau khi bị đuổi đi, Pháp Dữ liền đến chỗ nhóm sáu Tỉ kheo. Nhóm sáu Tỉ kheo thấy ông, bèn tán thán: “Lành thay ông đến đây”, rồi cho nước uống phi thời, chỉ phòng ở, đưa giường nệm ngọa cụ, đưa y bát, thuốc bổ. Sa di được cung cấp các vật dụng ấy rồi, liền đi đến cổng tinh xá Kỳ Hoàn, nói với các Tỉ kheo: “Này các trưởng lão, các ngài đuổi tôi ra khỏi Tăng chúng, tưởng rằng tôi sẽ không có được chỗ ở, nhưng nay tôi lại được ở chung với bậc phạm hạnh, ngài còn cho tôi phòng xá, giường nệm, ngọa cụ, cùng chia xẻ với tôi thức ăn chánh pháp và thức ăn vật chất, cho tôi y bát và thuốc bổ. Này các trưởng lão, các ngài càng đuổi tôi chóng, thì tôi càng chóng được sống an lạc như vậy đó!”.

Các Tỉ kheo nghe ông nói như thế, lòng không vui bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỉ kheo đến.

Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Các ông có việc đó thật như vậy chăng?”

Đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.

– Đó là việc xấu. Vì sao các ông đã biết Sa di có ác kiến không bỏ, chúng Tăng đã như pháp trục xuất mà còn cho sống chung, chia xẻ thức ăn chánh pháp và thức ăn vật chất? Đó là điều phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, [368c] vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

– Nếu Sa di nói như thế này: “Theo tôi biết, đức Như Lai nói rằng dâm dục là pháp chướng đạo, nhưng khi hành dâm dục không có gì là chướng đạo”, thì các Tỉ kheo nên can gián Sa di ấy như sau: “Này Sa di, ngươi chớ hủy báng Thế Tôn; hủy báng Thế Tôn là hành vi bất thiện. Thế Tôn nói hành dâm dục quả thật là chướng đạo. Ngươi hãy bỏ ác kiến ấy đi”. Khi các Tỉ kheo can gián Sa di ấy mà ông vẫn cố tình không bỏ, thì nên can gián lần thứ hai, thứ ba cũng như vậy. Nếu ông bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì các Tỉ kheo nên nói như sau: “Từ nay trở đi, ngươi không được nói Phật là thầy của tôi, cũng không được ngủ chung với Tỉ kheo ba đêm. Ngươi đi đi, không được ở đây”.

— Nếu Tỉ kheo biết Sa di không bỏ ác kiến, bị khu xuất, chưa giải tỏa pháp yết ma, mà dụ dỗ, nuôi dưỡng, cùng ăn chung, ở chung một phòng thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Sa di: Như Sa di Pháp Dữ.

(Một số từ ngữ khác đã được giải thích trong các giới trước).

Khu xuất: Đuổi ra khỏi Tăng già lam.

Chưa làm như pháp: Như trên đã giải thích.

Nuôi: Cho y chỉ (cho phép nương tựa).

Dưỡng: cho y bát, thuốc chữa bệnh.

(Một số từ ngữ khác đã được giải thích ở các giới trên).

Nếu Sa di bị Hòa Thượng, A xà lê khiển trách thì Tỉ kheo không được dụ dỗ gọi về cùng ở chung, nói rằng: “Ta sẽ cho ngươi y bát, thuốc men, sẽ dạy kinh cho ngươi”.

[369a] Nếu biết Sa di ấy nhân việc đó sẽ hoàn tục thì có thể nhỏ nhẹ dỗ dành, rồi nói với ông Ta: “Ân đức của Hòa thượng, A xà lê rất nặng, khó mà báo đáp. Ngươi nên trở về sống thân cận với ngài”.

Nếu (Sa di) bị đuổi mà tưởng không bị đuổi (rồi đem về nuôi), thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu không bị đuổi mà tưởng bị đuổi (rồi đem về nuôi), thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu bị đuổi và tưởng là bị đuổi (mà đem về nuôi), thì phạm Ba dạ đề.

Nếu không bị đuổi và tưởng không bị đuổi (mà đem về nuôi), thì không có tội.

Thế nên nói (như trên).

46. GIỚI: MẶC Y KHÔNG HOẠI SẮC.

Khi Phật trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ kheo mặc y không được cắt may thành nhiều mảnh, ngoại đạo cũng mặc y không cắt may thành nhiều mảnh. Thế rồi, Ưu bà tắc muốn đảnh lễ Tỉ kheo mà đảnh lễ nhằm ngoại đạo, khi nghe chú nguyện rồi mới biết là ngoại đạo, nên trong lòng Ưu bà tắc cảm thấy hổ thẹn. Đồng thời, đệ tử của ngoại đạo muốn đảnh lễ ngoại đạo mà đảnh lễ nhằm Tỉ kheo, khi nghe chú nguyện mới biết là Tỉ kheo, nên đệ tử của ngoại đạo cảm thấy hổ thẹn trong lòng.

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: “Từ nay về sau nên may y khác nhau, cắt may nhuộm có màu sắc”.

Tỉ kheo liền cắt may nhuộm làm thành màu sắc khác. Khi ấy, ngoại đạo dùng đá đỏ nhuộm y thành màu đỏ Lưu Châu La, cầm gậy có ba khấc để cho khác.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tỉ kheo ở nơi hoang dã lượm được y Kiều xá da, nấu nước nhuộm định nhuộm, thì Thế Tôn đang dùng thần túc đi trên không đến chỗ Tỉ kheo, Ngài biết nhưng vẫn hỏi Tỉ kheo: “Ông định làm gì đấy?”

– Nấu nước nhuộm định nhuộm y Kiều xá da.

– Y Kiều xá da mỏng manh nếu nhuộm bằng nước nhuộm thô kệch như thế sẽ làm hại y. Từ nay về sau, y Kiều xá da nên tác tịnh (làm dấu cho hợp lệ) bằng hai cách: cắt (một miếng) may lên tác tịnh và làm cho xanh tác tịnh.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tỉ kheo ở Tỳ xá li được một chiếc y Khâm bà la mềm mại, thầy bèn nấu nước nhuộm định nhuộm, thì gặp lúc Phật dùng thần túc đi tới chỗ Thầy. Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Này Tỉ kheo, ông làm gì đấy?”.

– Nấu nước nhuộm để nhuộm y Khâm bà la.

– Y Khâm bà la mềm mại mỏng manh mà nhuộm thuốc nhuộm thô kệch thế này sẽ làm rách y mất. Từ nay về sau, Ta cho phép, y Khâm bà la tác tịnh bằng hai cách: cắt may tác tịnh và làm cho xanh tác tịnh.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả Tôn Đà LA Nan Đà là con trai bà dì của Phật, do Đại Aùi Đạo sinh, có ba mươi tướng, với tướng bạch hào, và tướng trái tai thòng xuống. Sau khi thầy khất thực xong, từ trong thành Xá Vệ đi ra [369b], thì lúc ấy có tôn giả A Nan đi sau; đồng thời các Tỉ kheo cũng vừa ăn xong, đang ngồi thiền hoặc đi kinh hành trước cổng tinh xá Kỳ Hoàn. Từ xa trông thấy (Tôn Đà LA Nan Đà), họ tưởng là Thế Tôn, liền cùng nhau đứng dậy chắp tay, nói: “Thế Tôn đến, Thế Tôn đến”. Tôn Đà LA Nan Đà cũng xoa tay chắp tay nói: “Các trưởng lão, tôi là Tôn Đà LA Nan Đà, tôi là Tôn Đà LA Nan Đà”.

Các Tỉ kheo nghe nói thế, ai nấy đều cảm thấy mắc cỡ, bèn đem sự kiện ấy đến bạch Thế Tôn. Phật dạy: “Từ nay về sau phải làm một dấu chấm trên y hoại sắc”. Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo được y mới phải dùng ba thứ làm hoại sắc, hoặc dùng một thứ làm hoại sắc (các y ấy), đó là: màu xanh, màu đen và màu mộc lan. Nếu không dùng ba thứ ấy làm hoại sắc các y mà đem mặc thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

1. Tỉ kheo: Như trên đã nói.

2. Được: Được từ người nam, người nữ, tại gia, xuất gia.

3. Y mới: Khi vừa mới may xong, như y Khâm bà la, y điệp, y Sô ma, y Kiều xá da, y Xá na, y gai, y Khu mâu đề.

4. Ba thứ hoại sắc, hoặc mỗi một thứ hoại sắc: Đó là màu xanh, màu đen, màu mộc lan.

5. Màu xanh: Đó là màu xanh đồng, màu xanh trưởng dưỡng và màu xanh đá.

– Mầu xanh đồng: Đem đồ đựng bằng đồng để lên trên rượu đắng (làm cho đồng sanh ten) rồi lấy ten ấy, đó gọi là màu xanh đồng.

– Màu xanh trưởng dưỡng: Tức màu xanh của bã chàm, hay màu xanh lam.

– Màu xanh đá: Tức màu xanh da trời.

Nói chung, đem các màu kể trên điểm tịnh (làm dấu cho hợp lệ) trên y.

6. Màu đen: Gồm hai loại: Danh tự nê và bất danh tự nê.

– Danh tự nê: (Dùng bột của các loại) a lê lặc, tì ê lặc, a ma lặc đổ chung vào một cái tô; đó gọi là danh tự nê.

– Bất danh tự nê: Đó là bùn thật, bùn dưới hồ, bùn dưới giếng, nói chung các loại bùn như vậy.

7. Màu mộc lan: Hoặc dùng a lê lặc, tì ê lặc, a ma lặc mài trên sắt, đem điểm tịnh; đó gọi là màu mộc lan.

Tỉ kheo được y mới không tác tịnh (hay điểm tịnh) mà đem mặc, thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu được y Tăng già lê mới, tác tịnh thì tốt, không tác tịnh thì phạm Ba dạ đề. Cũng vậy, khi được Uất đa la tăng, An đà hội, y tắm mưa, y che ghẻ, tọa cụ (tấm trải ngồi) đem tác tịnh thì tốt, nếu không tác tịnh thì phạm Ba dạ đề.

Y Khâm bà la tác tịnh bằng hai cách: cắt may “tịnh”và điểm tịnh màu xanh. Khi cắt may tịnh mà không điểm tịnh màu xanh thì phạm Ba dạ đề.

Khi điểm tịnh màu xanh mà không điểm tịnh bằng cắt may thì phạm tội Việt tì ni.

Không điểm tịnh màu xanh, cũng không điểm tịnh bằng cắt may, thì phạm một tội Ba dạ đề, một tội Việt tì ni.

[369c] Vừa tác tịnh bằng cắt may, vừa tác tịnh bằng màu xanh thì không có tội.

Y nhiều lớp phải tác tịnh bằng ba cách: tác tịnh bằng cắt may, tác tịnh bằng nhuộm và tác tịnh bằng màu xanh. Nếu tác tịnh bằng cắt may, tác tịnh bằng nhuộm mà không tác tịnh màu xanh, thì phạm một tội Ba dạ đề.

Nếu tác tịnh màu xanh mà không tác tịnh bằng cắt may, không tác tịnh bằng nhuộm, thì phạm hai tội Việt tì ni.

Không tác tịnh bằng cắt may, không tác tịnh bằng nhuộm, không tác tịnh bằng màu xanh, thì phạm một tội Ba dạ đề, hai tội Việt tì ni. Nếu tác tịnh bằng ba cách trên thì không có tội.

Y sô ma tác tịnh ba cách giống như y nhiều lớp; y Kiều xá da tác tịnh hai cách như y Khâm bà la; y xá na, y ma, y Khu mâu đề tác tịnh bằng ba cách giống như y nhiều lớp, đó là tác tịnh màu xanh, màu đen và màu mộc lan cũng lại như vậy.

Khi tác tịnh không được lớn, không được nhỏ, lớn tối đa bằng bốn ngón tay, nhỏ tối thiểu bằng hạt đậu. Hoặc dùng a lê lặc, tì ê lặc, a ma lặc để trên sắt ép lấy nước rồi tác tịnh; không được làm thành số chẵn, (mà làm thành số lẻ) hoặc một, hoặc ba, hoặc năm, hoặc bảy, hoặc chín; không được tác tịnh như hình đóa hoa. Nếu khi giặt, vá mà có bùn rơi lên trên, hoặc có dấu chân đất của chim, quạ dẫm lên trên, thì cũng được xem là đã tác tịnh.

Nếu được nhiều phẩm vật tạp nhạp rồi đem để đống một chỗ, thì chỉ cần tác tịnh một chỗ. Nếu đổ thành nhiều đống thì mỗi đống đều tác tịnh.

Nếu may tăng già lê mới thì phải tác tịnh tại một góc. Nếu chắp thêm nửa điều hoặc một điều cũng phải tác tịnh.

Y Uất đa la tăng, An đà hội và tất cả các y khác khi mới vá cũng phải tác tịnh.

Thế nên nói (như trên).

47. GIỚI: CẤT GIỮ BẢO VẬT.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ vào ngày mười lăm trăng tròn, vua A Xà Thế, con bà Vi Đề Hi tắm rửa xong, thoa dầu vào thân, mặc áo mới, cùng quần thần hội họp tại cung điện, vua nói với một Đại thần:

– Hôm nay là ngày trăng tròn, chúng ta nên đến chỗ Sa môn hay Bà la môn nào để trưởng dưỡng thiện căn?

Vị Đại thần nói:

– Phất lan ca diếp đang ở trong thành Vương Xá là bậc đại Sa môn, lại có đồ chúng đông đảo, đại vương nên đến với ông ta, sẽ được trưởng dưỡng thiện căn.

Vua im lặng không nói. Lại có một đại thần nói: “Tát già ni kiền tử đang ở trong thành Vương Xá là bậc đại Sa môn, nên đến với ông ta sẽ được trưởng dưỡng thiện căn”. Như vậy, mỗi vị đại thần, vốn là đệ tử của ngoại đạo, ông nào cũng ca tụng Thầy mình, đều bảo nên đến vị ấy sẽ được trưởng dưỡng thiện căn. Bấy giờ, Kỳ cựu Đồng tử đang cầm lọng đứng hầu vua A Xà Thế, vua nói với Đồng tử: “Mọi người đều nói, vì sao ông im lặng không nói? Hôm nay trăng tròn nên đến nơi nào [370a] để được trưởng dưỡng thiện căn?”. Đồng tử tâu với vua: “Đức Thế Tôn hiện giờ đang ở trong vườn Am bà la của hạ thần cùng với 1.250 Tỉ kheo, nếu đến đó thì có thể trưởng dưỡng thiện căn”. Vua liền chuẩn thuận lời đề nghị ấy, rồi nói với Kỳ cựu Đồng tử: “Ngươi hãy tức tốc trang bị năm trăm voi cái, cứ trên mỗi thớt voi chở một phu nhân”.

Khi ấy, Kỳ cựu Đồng tử bèn theo lời vua mà trang bị, trang bị xong liền đến tâu vua: “Tâu đại vương, hạ thần trang bị xong rồi, Đại vương hãy làm những gì mình cần”.

Thế rồi, vua A Xà Thế cùng với năm trăm phu nhân, được quân lính cầm đèn đuốc sáng choang, nhiễu hành trước sau, ra khỏi thành Vương Xá vào lúc nửa đêm, đi đến trước cổng vườn Am bà la. Lúc ấy các Tỉ kheo đang ngồi thiền. Vua cảm thấy hoảng sợ, quay lại nói với Đồng tử: “Ngươi bảo có 1.250 Tỉ kheo đang ở trong vườn của ngươi, đại chúng đông đảo như vậy mà sao im phăng phắc chẳng có tiếng động gì hết chẳng phải ngươi định lừa dối Ta sao?”.

Đồng tử đáp: “Thật đấy, hạ thần không dối vua đâu, cứ đi thẳng tới”. Rồi Đồng tử chỉ dẫn, nói: “Trong ngôi nhà lớn chỗ có đèn đốt sáng, Thế Tôn đang ngồi chính giữa uy đức đáng tôn trọng đặc biệt, cao cả không gì hơn, giống như trâu chúa ở giữa đàn trâu, như vua sư tử ở giữa muông thú, như vua voi trắng sáu ngà tại Tuyết Sơn đang ở giữa bầy voi, cũng như sông Hằng sâu thẳm, trong trẻo, im lặng không có tiếng động; đại chúng im lặng cũng như vậy. Lại giống như biển lớn vô lượng nước đều đổ về đó. Đại chúng của đức Thế Tôn có công đức vô lượng cũng như thế”.

Bấy giờ, vua A Xà Thế xuống xe mặc thường phục đi bộ, dẫn đầu đoàn người tiến đến chỗ Phật, nhiễu quanh Phật và đại chúng ba vòng, rồi đứng lại, nói với Đồng tử: “Thế Tôn cùng đại chúng công đức thành tựu vắng lặng thanh tịnh, mong sao con của ta là Ưu đà di bạt đà cũng thành tựu công đức như vậy”. Phật nói: “Đại vương, tùy theo sự cầu nguyện của đại vương đều sẽ đạt được”. Thế rồi, nhà vua trải tòa, mời Phật an tọa. Phật dạy: “Đại vương tự ngồi, Như Lai đã có chỗ ngồi”. Bấy giờ, vua cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đứng qua một bên, bạch với Phật:

– Bạch Thế Tôn, con có điều muốn hỏi, kính mong Phật cho phép.

– Như Lai cho phép đại vương cứ hỏi, rồi Như Lai sẽ trả lời cho đại vương.

– Bạch Thế Tôn, trong đây các loại thợ xuất gia theo giáo pháp của Phật có thể chứng quả Sa môn ngay trong đời này không? (Như trong kinh Sa môn Quả đã trình bày).

Lúc ấy, vì thuyết pháp quá lâu, các vị phu nhân đeo chuỗi anh lạc nặng, nên ai nấy đều cởi ra để trước chỗ ngồi. Vua A Xà Thế vì mang tội giết cha, nên trong lòng thường nơm nớp hoảng sợ, khi nghe trong thành có tiếng trống, tiếng tù và, tiếng voi, tiếng ngựa [370b], vua sợ hãi dữ dội, liền nói với các phu nhân: “Hãy trở về trong thành, hãy trở về trong thành”.

Các phu nhân vì đi về quá gấp nên quên lấy chuỗi anh lạc. Đến sáng sớm hôm sau, phu nhân của vua định đeo chuỗi anh lạc, nhưng tìm không có. Người mặc áo cho bà nói: “Ngày hôm qua vì hoảng hốt khi trở về e rằng để quên tại tinh xá”. Cũng thế, các phu nhân đều nói mình để quên anh lạc, nhưng họ sợ rằng nếu tâu với vua thì sẽ bị vua quở trách. Bấy giờ có một thanh y (con hầu) tâu với vua: “Các phu nhân hôm qua trở về gấp, nhiều người bỏ quên chuỗi anh lạc”. Lúc ấy, có Bà la môn ngoại đạo là quân sư của vua, đang ngồi với vua, liền tâu rằng: “Nếu để quên tại đó thì các Sa môn đã đem giấu hết rồi, giả sử có sai người đến tìm cũng chẳng được gì!”.

Khi ấy, vua sai một người đáng tin, thử đến đó tìm xem (thì khi ông này đến nơi) thấy đại chúng của Phật còn ngồi y nhiên tại đó, và thấy những chuỗi anh lạc của các phu nhân vẫn còn tại chỗ cũ, bị ánh sáng mặt trời chiếu sáng rực rỡ, bèn thu lấy mang về, rồi tâu đầy đủ lên vua. Vua rất đỗi vui mừng, nói: “Các Sa môn của Phật đúng là phước điền tốt lành, không tham, không ham muốn, đặc biệt đáng tin cậy, không ai hơn được hội chúng này, mong rằng họ thường ở trong nước ta, để ta được cúng dường suốt đời”. Rồi vua nói với các phu nhân: “Anh lạc của các Khanh đây, mỗi người hãy lại lấy, không được làm hỗn loạn, giành lấy cái tốt”.

Các Tỉ kheo nghe vị ngoại đạo quân sư của vua nói như thế, liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn nói với các Tỉ kheo: “Châu báu vẫn còn nguyên vẹn không ai lấy, mà còn bị người ta hủy báng, huống gì bị lấy mất. Từ nay về sau Ta không cho phép cầm lấy châu báu”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Tì xá li, nói rộng như trên. Bấy giờ, đồng tử Lê xa mang các thứ châu báu bên lưng, có giá trị hàng ngàn vạn, cưỡi xe bốn ngựa ra khỏi thành du ngoạn. Vì châu báu mang nặng nên bị tuột rơi xuống đất mà không hay. Lúc ấy, có một Tỉ kheo đi theo sau, vừa đến đó thì thấy châu báu rơi xuống đất, liền gọi: “Đồng tử, Đồng tử, lấy lại châu báu của ông”. Nhưng vì tiếng xe nên Đồng tử không nghe. Thầy sợ người đi sau nhặt lấy, nên đứng bên đường coi chừng. Đồng tử đi một lát liền biết bị mất cái đai lưng, bèn quay xe trở lại, từ xa trông thấy Tỉ kheo, liền hỏi: “Ông đi sau có thấy cái đai lưng không?”.

Tỉ kheo đáp: “Tôi thấy có chiếc đai lưng, vừa rồi từ xa gọi ông, nhưng ông không nghe”.

Đồng tử lại hỏi: “Ở tại chỗ nào?”Thầy đáp: “Tại chỗ kia kìa”. Đồng tử liền đi đến lấy chiếc đai, buộc vào lưng xong, bèn nắm Tỉ kheo đánh vào tay chân một trận nhừ tử, lại mắng chửi đủ thứ, nói: “Nếu ta không trở lại thì ngươi đã lấy chiếc đai lưng rồi”.

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên [370c] Thế Tôn. Phật nói: “Không lấy mà còn sinh ra tai họa như thế, huống gì lấy”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Tì xá li, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ kheo đi tới sông Tô, cởi áo xuống tắm, lúc ấy có đồng tử Lê xa cũng đến tắm sông bèn cởi vòng đeo tai để một chỗ, rồi lấy áo tủ lên, xuống nước tắm. Khi tắm xong, anh ta lên bờ, mặc áo vào, rồi ra đi mà quên vòng đeo tai. Tỉ kheo lên sau, thấy chiếc vòng đeo tai, liền từ xa gọi: “Đồng tử, đồng tử, vòng tai của ông còn để trên bờ”. Nhưng đồng tử vì đi nhanh nên không nghe thầy gọi, cứ từ từ đi một đỗi xa, bèn trực nhớ lỗ tai không có vòng, liền trở lại tìm, từ xa hỏi Tỉ kheo: “Có thấy vòng tai của tôi không?”.

Tỉ kheo đáp: “Vòng tai của ông còn để trên bờ, vừa rồi tôi trông thấy bèn từ xa gọi ông, nhưng ông đi nhanh nên không nghe tiếng gọi”.

Đồng tử hỏi: “Hiện giờ ở chỗ nào?”. Thầy đáp: “Tại chỗ kia kìa”. Đồng tử liền đến lấy vòng tai, đeo vào xong, bèn nắm Tỉ kheo đánh đấm túi bụi, và mắng: “Như vậy, như vậy đó, nếu ta không trở lại thì ngươi sẽ lấy vòng tai của ta đi mất”.

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ kheo: “Không lấy bảo vật mà còn sinh ra tai họa như thế, huống gì lấy”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại vườn cây Ni câu luật thuộc dòng họ Thích, nước Ca duy la vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có con nhà họ Thích cúng dường cơm cho các Tỉ kheo, cùng thân quyến dọn cơm, nhưng vì đeo vòng vàng nặng nề, dọn cơm không tiện, nên cởi vòng xuyến để bên cạnh chân Tỉ kheo, nói như sau: “Vòng vàng này con để bên cạnh chân thầy”. Tỉ kheo ăn xong bèn đứng dậy bỏ đi, sau đó, có người trông thấy liền cầm lấy vòng xuyến rồi đi. Người con dòng họ Thích ấy khi đãi cơm xong, liền trở về, quên lấy vòng xuyến. Khi về đến nhà mới hay là không có chiếc vòng, ông bèn trở lại chỗ cũ tìm mà không thấy, liền đi tìm thầy Tỉ kheo mà mình đã gởi, nói:

– Thầy trả lại chiếc vòng mà trước kia tôi đã gởi.

– Tôi nhớ chiếc vòng ông đã gởi còn ở chỗ cũ mà, tôi đâu có lấy.

– Tôi gởi không đúng chỗ nên bị mất chiếc vòng.

Thế rồi, trong lòng ông ta không vui, liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, bạch với Phật: “Vừa rồi, con đem chiếc vòng gởi cho Tỉ kheo mỗ giáp, thầy không chịu coi chừng nên đã bị mất”. Phật bèn tùy thuận thuyết pháp cho người con họ Thích ấy, chỉ bảo những điều lợi ích, khiến ông ta hoan hỉ, rồi cáo lui. Sau khi ông đi không lâu, Phật bèn bảo gọi Tỉ kheo kia đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

– Ông có việc đó thật chăng?

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Nếu ông đã nhận người ta gởi thì phải coi chừng, còn nếu không nhận thì bảo là không nhận. Vì sao ông đã nhận đồ người ta gởi mà không trông coi? Từ nay về sau, [371a] nếu trong vườn có châu báu hoặc những bảo vật có giá trị thì Ta cho phép tự mình lấy cất, hoặc là sai người khác lấy cất.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại Ca duy la vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo (trông thấy) châu báu hoặc bảo vật có giá trị ở trong vườn mà tự mình lấy hoặc sai người khác lấy, trừ trường hợp đặc biệt thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Trường hợp đặc biệt: Tỉ kheo thấy châu báu hoặc bảo vật có giá trị, rồi tự mình lấy, hoặc sai người khác lấy, với suy nghĩ: “Có chủ tới tìm, ta sẽ đưa”. Đó gọi là trường hợp đặc biệt.

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Trong vườn: Trong vườn tháp, trong vườn của chúng Tăng.

Châu báu: Vật dụng đã thành, chẳng hạn: Thiên quan, bảo cái, anh lạc, cán phất trần, guốc báu …, những bảo vật đã làm thành dụng cụ như vậy.

Bảo vật có giá trị: như tiền, vàng, bạc, chân châu, lưu ly, hà bối, san hô, hổ phách, pha lê, xích bảo, đồng, đồng đỏ, chì, thiết, bạch lạp, sắt…

Lấy: Nếu vật hợp pháp (tịnh) được tự tay cầm lấy, nếu vật không hợp pháp thì sai tịnh nhân lấy.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Trường hợp đặc biệt: Nếu trong vườn tháp, trong vườn của chúng Tăng, Tỉ kheo thấy có châu báu hay bảo vật có giá trị mà thanh tịnh thì nên tự lấy; nếu vật không thanh tịnh thì sai tịnh nhân lấy cất, với suy nghĩ: “Nếu có chủ tìm thì sẽ trả lại”. Chỉ nghĩ như vậy chứ không có gì khác (đó gọi là trường hợp đặc biệt). Hoặc vào các dịp Phật đản sinh, dịp Phật thành đạo, dịp Chuyển pháp luân, dịp A Nan, La hầu la mở đại hội; khi ấy những người đi xem hoặc quên y phục và các vật dùng để trang điểm thân thể; hoặc Tỉ kheo quên y bát và các vật khác mà Tỉ kheo thấy thì nên lấy, lấy rồi nên hỏi xem vật đó của ai. Nếu đúng là chủ của vật thì nên trao cho họ. Nếu không ai biết thì nên đem treo trên cây trụ ở chỗ dễ trông thấy cho người ta trông thấy. Nếu có người nói: “Đó là vật của tôi”, thì nên hỏi: “Ngươi mất tại chỗ nào?”. Nếu đáp tương ưng thì nên đưa. Nếu không ai biết thì nên đình lại đến ba tháng. Nếu vật đó nhặt được ở trong vườn tháp thì nên dùng để làm tháp. Nếu nhặt được trong vườn Tăng thì nên dùng làm vật cho Tăng bốn phương. Nếu là vật quí báu như ngọc, anh lạc, vàng, bạc thì khi ấy không được phơi bày ra mà nên xướng: “Tôi được của báu”. Rồi Tỉ kheo nên xem xét kỹ lưỡng, coi thử hình dáng thế nào, rồi mới cầm lên. Nếu có người đến hỏi: “Tôi để quên vật báu thầy có thấy không?”. Tỉ kheo khi ấy nên hỏi lại: “Ông để quên tại chỗ nào? Vật báu của ông có hình dáng thế nào?”. Nếu họ nói không phù hợp, thì nên bảo: “Chùa này rộng lớn ông hãy đi tìm xem”. Nếu họ nói phù hợp, thì nên đưa vật báu ra hỏi: “Lão trượng, vật này là của ông phải không?”. Nếu đáp: “Đúng đấy”, thì Tỉ kheo không được đưa ngay trước một người ấy mà nên [371b] tập họp nhiều người, rồi bảo người ấy rằng: “Ông hãy quy y Phật, Pháp, Tăng. Nếu đức Thế Tôn không chế giới thì dù mắt ông muốn xem lại cũng chưa chắc đã được (chứ đừng nói là nhận lại được). Nếu ông ta nói: “Ngoài vật báu này của tôi còn có vật khác”, thì nên bảo: “Lão trượng, tôi chỉ được có vật này, ngoài ra không thấy những vật khác. Này Lão trượng, ngươi là kẻ gian ác! Ngươi được lại vật này đã là quá lắm rồi, vì sao còn muốn đòi vật khác đặng hủy báng người Ta? Nếu Thế Tôn không chế giới thì ngươi đâu có thể thấy lại vật này”. Nếu làm như vậy mà vẫn không xong, thì nên đem y đến chỗ Ưu bà tắc, rồi nói như sau: “Tôi vốn chỉ nhặt được có vật này, đã đem trả lại hết, mà còn bị vu khống”. Bấy giờ Ưu bà tắc nên mắng kẻ ấy: “Như thế như thế đấy (quân khốn kiếp). Ngươi được lại vật ấy đã là quá lắm rồi mà giờ đây lại còn hủy báng Tỉ kheo! Ngươi hãy theo ta, ta sẽ cùng với ngươi đối chất để giải quyết việc này”.

Nếu không có ai đến (tìm) thì chờ đến ba năm- như trên đã nói – rồi tùy theo nhặt được ở nơi nào mà đem dùng vào trong lãnh vực đó.

Nếu Tỉ kheo đi vào xóm làng mà thấy có vật rơi dưới đất thì không nên lấy. Nếu có người lấy đưa cho Tỉ kheo thì Tỉ kheo được nhận. Vì người cho tức là thí chủ, nên không có tội.

Nếu Tỉ kheo vào thôn xóm, thấy có y rơi, hoặc là y bị gió thổi bay đến, thì không được tưởng là y phấn tảo rồi nhặt lấy.

Nếu ở nơi đường vắng không có người mà thấy có y rơi thì nên lấy. Nếu thấy trên y có châu báu thì nên dùng gót chân đạp bỏ châu báu rồi cầm y mà đi. Lúc đi không nên che giấu mà nên cầm bày ra để cho người ta trông thấy. Nếu trên y bị dơ bẩn khiến người ta nhờn tởm thì được xếp lại mà cầm đi. Nếu khi nhặt không biết trong y có vật báu đến khi về tới trú xứ mới thấy thì nên giao cho tịnh nhân quản lý để họ đổi lấy tiền mua thuốc.

Khi đi ra khỏi xóm làng nếu giữa đường thấy y mà trên y có bụi dính lâu ngày thì nên lấy. Lấy rồi, không được che giấu mà phải bày ra cầm đi, nếu có chủ chạy theo, Tỉ kheo nên hỏi: “Lão trượng, vì sao chạy?”. Nếu họ đáp: “Tôi mất y”, thì nên hỏi: “Đây là y của ông phải không?”. nếu nói: “Đúng đấy”, thì nên trả lại và bảo họ: “Ông nên quy y Phật Pháp Tăng. Nếu Thế Tôn không chế giới thì giả sử ông có thấy lại y cũng không thể lấy được”.

Nếu phòng ốc của chúng Tăng cũ kỹ, hư nát muốn sửa chữa mà khi đào đất đổ nền gặp được kho tàng châu báu, nếu như tịnh nhân không đáng tin, thì nên tâu lên vua, giả sử vua nói: “Vật này đương nhiên thuộc về Trẫm, nay trẫm bố thí cho Tỉ kheo để làm công đức”, thì nhà vua được xem là thí chủ. Nếu đã dùng một nửa, còn một nửa, mà vua nói: “Vì sao ông sử dụng vật của trẫm? Nếu đã dùng thì phải ngừng lại, còn bao nhiêu đưa cho trẫm”, thì Tỉ kheo nên đưa số còn lại cho vua. Nếu vua nói: “[371c] Vì sao ông dùng vật của trẫm? Đưa hết lại cho trẫm”, mà Tỉ kheo đã lỡ sử dụng vật đó, thì phải lấy vậy của Tăng trả lại. Nếu Tăng không có vật thì phải xin vật khác trả lại. Nếu vua nói: “Đã lỡ sử dụng thì phải ngừng lại, công đức ấy thuộc về trẫm”, thì cũng như vua dùng.

Khi sửa chữa tháp cũ được vàng bạc châu báu mà tịnh nhân không đáng tin, thì nên tâu lên vua. Nếu tịnh nhân đáng tin thì được giữ lấy, rồi cất đó trong ba năm. Sau ba năm nên đem dùng làm các việc cho tháp. Nếu nhà vua biết được, hỏi Tỉ kheo: “Ông được kho báu ở trong vườn tháp phải không?”, thì nên đáp: “Có được”. Nếu đã sử dụng thì nên đáp: “Có được mà đã dùng làm tháp”. Rồi nhà vua nói: “Đã làm thì phải ngừng lại. Công đức này thuộc về trẫm”. Nếu đã dùng một nữa, còn lại một nửa, rồi vua nói: “Đã dùng thì ngừng lại, chỗ còn đó đưa cho trẫm”, thì phải đưa số còn lại cho vua. Nếu vua nói: “Ông không biết rằng bảo vật trong đất thuộc về trẫm sao? Vì sao ông lấy dùng? Trả hết lại cho trẫm”, thì bấy giờ Tỉ kheo nên lấy vật của tháp trả lại. Nếu tháp không có vật thì phải nhân danh tháp xin vật để trả lại. Nếu vua hỏi: “Trong giới luật của Phật như thế nào?”, thì Tỉ kheo nên đáp: “Trong Phật pháp nếu được vật nơi đất của tháp thì dùng làm tháp. Nếu được vật nơi đất của Tăng thì sử dụng cho Tăng”. Nếu vua nói: “Theo Phật pháp mà sử dụng”, thì sử dụng không có tội. Nếu trên kho báu có miếng sắt dùng khắc tên họ, rồi vua hỏi: “Các đại đức thấy trên kho báu ấy có tên họ như thế phải không? “, thì Tỉ kheo nên đáp: “Có thấy như vậy, nhưng đã dùng làm tháp xong rồi. Nếu vua nói: “Đó là vật của tiền nhân trẫm, vì sao ông sử dụng? Đã sử dụng thì phải trả lại cho trẫm”. Hoặc vua nói: “Đã làm tháp hoàn thành rồi thì công đức đó thuộc về trẫm”, thì không có tội. Hoặc vua nói: “Nếu đã dùng một nửa thì nửa còn lại trả cho trẫm”, thì khi ấy Tỉ kheo nên trả số còn lại cho vua. Nếu vua nói: “Vì sao ông dùng vật của tiền nhân trẫm? Phải trả hết tất cả cho trẫm”, thì khi ấy nên trả hết lại. Nếu tháp có vật thì nên lấy trả, nếu không có vật thì đi xin về trả. Nếu vua nói: “Đây là vật của tiền nhân mà tiền nhân đã chết, nên công đức này thuộc về họ”thì không có tội.

Khi làm chùa mới, làm tháp mới mà được bảo vật thì cũng như vậy. Thế nên nói (như trên).

48. GIỚI: TẮM QUÁ GIỚI HẠN CHO PHÉP. 

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Thành Vương Xá có ba suối nước nóng: suối nước nóng của vua, suối nước nóng của Tỉ kheo và suối nước nóng của voi. Suối nước nóng của vua thì vua, các phu nhân ở hậu cung và các Tỉ kheo đệ tử của Phật tắm. Suối nước nóng của Tỉ kheo thì Tỉ kheo Tăng của Phật tắm. Suối nước nóng của voi thì voi và mọi người tắm. Khi ấy, các Tỉ kheo vào suối nước nóng của vua tắm. Lúc này vua dùng dầu thoa thân định vào suối nước nóng tắm, bèn hỏi viên quản lý suối: “[372a] Suối nước nóng có trống không?”

– Trong suối không trống, có các Tỉ kheo đang tắm.

– Hãy để các Tỉ kheo tắm xong, trẫm đi đến Thế Tôn rồi trở về sẽ tắm.

Vua liền đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi trở về, lại hỏi người quản lý:

– Trong hồ đã trống chưa?

– Chưa trống.

Như vậy tới ba lần mà các Tỉ kheo vẫn chưa ngừng tắm. Vua lại nói: “Cứ để họ tắm, chớ gọi họ lên làm gì. Trẫm sẽ trở về tắm trong cung”. Mọi người nghe vậy, đều chê trách, nói: “Sa môn Thích tử tự nói mình tốt đẹp có đức hạnh mà vẫn ở mãi trong hồ không để cho đại vương được tắm”.

Các Tỉ kheo nghe thế, liền đem sự việc ấy đến bạch Thế Tôn. Phật bèn nói với các Tỉ kheo: “Không ở đâu có được ông vua nhẫn nại hết sức như vậy! Từ nay trở đi, Ta không cho (các Tỉ kheo) tắm (hồ của vua)”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Thế Tôn chế giới không cho tắm, các Tỉ kheo không được tắm nên thân thể dơ bẩn hôi hám. Khi ấy Thế Tôn thuyết pháp cho các Tỉ kheo. Các Tỉ kheo thường ngồi ở chỗ dưới gió, vì sợ mùi hôi hám làm ô uế các vị phạm hạnh. Phật biết mà vẫn hỏi: “Này các Tỉ kheo, vì sao chỉ ngồi một chỗ ấy in tuồng như giận hờn ai vậy?”. Các Tỉ kheo liền bạch với Phật: “Vì Thế Tôn chế giới không cho tắm nên thân thể dơ bẩn, hôi hám, sợ làm ô uế các vị phạm hạnh, cho nên phải ngồi ở dưới gió”. Phật dạy:“Từ nay về sau, ta cho phép, nửa tháng tắm một lần”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ kheo Tháng xuân nóng mà không được tắm nên thân thể ngứa ngáy, bứt rứt. Do thế, họ đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: “Từ nay về sau vào mùa nóng ta cho phép được tắm trong hai tháng rưỡi: một tháng rưỡi cuối mùa Xuân và một tháng đầu mùa hạ. Đó gọi là hai tháng rưỡi”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, sau khi an cư xong, Ngài cùng các Tỉ kheo du hành trong nhân gian đi đến nước Kều tát la, giữa đường gặp chỗ cỏ cây rậm rạp, ở dưới thì khí nóng xông lên, bên trên thì mặt trời thiêu đốt, khiến cho rất khổ não. Các Tỉ kheo bèn chạy nhanh đến chỗ có nước, như nai chạy tới hồ. Phật biết mà vẫn hỏi (nguyên nhân). Các Tỉ kheo liền kể đầy đủ sự việc trên…, vì khổ não như vậy nên mới tranh nhau chạy đến chỗ có nước. Phật liền dạy: “Từ nay về sau, Ta cho phép khi đi được quyền tắm”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Vì năm sự lợi ích nên Thế Tôn cứ năm hôm đi tuần tra phòng ốc các Tỉ kheo một lần. Ngài trông thấy một Tỉ kheo bị bệnh ghẻ ngứa, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi: “Tỉ kheo, ông có thấy dễ chịu không?”Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn, không được dễ chịu. Con bị bệnh [372b] ghẻ ngứa, nếu được tắm thường xuyên thì mới an lạc, nhưng Thế Tôn chế giới không cho tắm cho nên không được an lạc”. Phật dạy: “Từ nay trở đi, Ta cho phép Tỉ kheo có bệnh được tắm”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại tinh xá Khoáng Dã, nói rộng như trên. Bấy giờ, thầy Tỉ kheo doanh sự chở đất, chở gạch, làm các công việc mà không dám tắm, cứ để nguyên như thế nằm ngủ. Sáng sớm hôm sau, trên chân có dấu bùn đất, Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Này Tỉ kheo, trên chân ông vì sao có dấu đất?”.

Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn, con làm các công việc bị bùn vấy bẩn thân mình, mà vì sợ phạm giới nên không dám tắm, do đó chân con có vết bùn”. Phật nói: “Từ nay trở đi, Ta cho phép khi làm việc được tắm”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ kheo gặp cơn gió thổi mạnh, khiến bụi tấp trên mình, rồi lại gặp trời mưa, nhưng không dám tắm, cứ để y như thế nằm ngủ. Sáng sớm hôm sau họ đến vấn an Thế Tôn, Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Này Tỉ kheo, trên thân ông vì sao có bụi bẩn như thế?”.

Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn, ngày hôm qua bị gió thổi bụi tấp trên mình, lại gặp trời mưa, nhưng con không dám tắm, cho nên trên thân có vết bụi bẩn”. Phật nói: “Từ hôm nay, Ta cho phép khi có gió lớn được tắm”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ trời đang quang đãng, có ít sợi mây nổi lên, rồi bỗng chốc đổ cơn mưa lớn.

Phật nói với các Tỉ kheo: “Đó là trận mưa tốt lành đầu tiên ở cõi Diêm phù đề này, các ông nên tắm mưa, nước mưa có thể trừ được các bệnh ghẻ chốc trong mình”.

Nhưng các Tỉ kheo trong lòng hồ nghi: “Đức Thế Tôn chế giới không được tắm, vì sao nay chúng ta lại được tắm?”.

Phật dạy: “Từ nay về sau, Ta cho phép khi trời mưa thì được tắm”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo chưa đến nửa tháng mà tắm – trừ trường hợp đặc biệt – phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Trường hợp đặc biệt: Một tháng rưỡi cuối mùa Xuân và một tháng đầu mùa hạ, trong hai tháng rưỡi đó, và các dịp như: khi trời nóng, khi bệnh, khi làm việc, khi gió, khi mưa, khi đi đường; đó gọi là các rường hợp đặc biệt.

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Nửa tháng: Nếu tắm ngày mười lăm thì tính đủ mười lăm ngày nữa rồi tắm. Nếu tắm ngày mười bốn, mười ba, mười hai, mười một, mười, chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một thì nên từ ngày tắm đếm đủ mười lăm ngày rồi tắm nữa.

Trừ trường hợp đặc biệt: (Những ngày ấy) Thế Tôn nói không có tội.

Khi nóng: Một tháng rưỡi cuối mùa Xuân và một tháng đầu mùa hạ, trong khoảng hai tháng rưỡi ấy chính là khi nóng. Nhưng không được kể trước và sau mà chỉ nên kể trong hiện tại.

[372c] Khi bệnh: Nếu Tỉ kheo bị các chứng bệnh như: ghẻ lở, ghẻ ngứa, lác, sài, ung thư … cần phải tắm mới được thỏa thích, thì cho phép tắm. Đó gọi là khi bệnh. Nhưng không kể trước và sau mà chỉ nên kể trong hiện tại.

Khi làm việc: Trong tất cả các lúc chúng Tăng làm việc: Tỉ kheo làm đất, sửa chữa phòng ốc, hoặc khai thông vũng nước đọng, hoặc vét giếng, hoặc đổ nền phòng xá, hoặc quét tước, hoặc tắm rửa cho Hòa thượng, A xà lê, cho đến quét tháp viện, Tăng viện, thậm chí cầm cây chổi quét năm, sáu cái thì được gọi là khi làm việc. (Những lúc ấy) tắm thì không có tội. Nhưng không được kể trước và sau mà chỉ được kể trong hiện tại.

Khi gió: Nếu Tỉ kheo bị gió thổi, bụi tấp trên mình thì được tắm rửa không có tội. Nhưng không được kể trước và sau mà chỉ được kể trong hiện tại.

Khi mưa: Nếu trời mưa mà tắm thì không có tội. Nhưng không được kể trước và sau mà chỉ được kể trong hiện tại.

Khi đi: Khi đi ba do diên, hai do diên, ít nhất là một câu lô xá, hoặc đi, hoặc lại, thì gọi là khi đi. Lúc đó tắm thì không có tội. Nhưng không được kể trước và sau mà chỉ được kể trong hiện tại.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu Tỉ kheo không gặp các dịp kể trên thì nên bắt chước phương pháp tắm của thợ đúc: trước hết rửa hai đầu gối, hai bàn chân, sau đó mới thấm nước trên đầu, mặt, sau lưng, cánh tay, khuỷu tay, ngực, nách. Thế nên nói (kệ):

“Đốt lửa, quá ba đêm,
Gởi dục, vào xóm làng.
Chê kinh, nuôi phạm nhân,
Sa di, y ba màu.
Nhặt của, nửa tháng tắm,
Hết Bạt cừ thứ năm.”

49. GIỚI: UỐNG NƯỚC CÓ SINH TRÙNG.

Khi Phật ở tại Tì xá li, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả Ưu đà di đi đường, thấy khát nước đến cực độ, liền vào trong thôn, tới một cô gái, hỏi: “Này chị, chị cho tôi ít nước”. Cô gái ấy bèn lấy nước đưa cho, nhưng trong nước có trùng, Ưu đà di thấy vậy, liền suy nghĩ: “Ta chỉ uống chỗ không có trùng này thôi”. Nhưng khi uống trùng theo nước vào miệng. Khi uống xong, thầy sinh nghi, bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật khiển trách: “Vì sao ông biết nước có trùng mà uống? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay về sau, nếu biết nước có trùng thì không được uống”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có hai Tỉ kheo ở nước Ba la chi phương Nam cùng kết bạn, đến Xá Vệ vấn an Thế Tôn. Giữa đường bị đói khát mà không có nước uống nên họ đi đến một cái giếng. Lúc ấy, một Tỉ kheo múc nước lên, liền uống. Còn Tỉ kheo kia thấy nước có trùng nên không uống. Tỉ kheo uống nước có trùng hỏi Tỉ kheo bạn: “Vì sao thầy không uống?”. [373a] Thầy ấy đáp: “Đức Thế Tôn chế giới không được uống nước có trùng mà nước này có trùng nên tôi không uống”. Tỉ kheo uống nước bèn khuyên: “Trưởng lão, thầy hãy uống nước chớ để chết khát mà không thấy Phật”. Thầy đáp: “Thà tôi mất mạng chớ không hủy giới của Phật”. Nói thế xong, thầy liền chết vì khát nước.

Thầy Tỉ kheo uống nước dần dần đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi đứng hầu một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi:

– Tỉ kheo, ông từ đâu đến?

– Con từ nước Ba la chi đến.

– Này Tỉ kheo, ông có bạn không?

– Chúng con hai người cùng kết bạn, nhưng đi được nửa đường thì bị đói khát mà không có nước, chúng con đến một cái giếng, nước giếng có trùng, con liền lấy uống. Nhờ có sức nước mà con được hầu cận Thế Tôn. Còn thấy kia giữ giới không uống, nên đã chết vì khát nước.

– Này kẻ ngu si, ông không thấy Ta mà tưởng rằng được thấy Ta. Còn Tỉ kheo chết kia thì đã thấy Ta trước rồi. Nếu Tỉ kheo phóng túng biếng nhác, không thu nhiếp các căn thì dù ở với Ta một chỗ, nhưng Tỉ kheo ấy cách Ta rất xa. Tuy ông ấy thấy Ta nhưng ta không thấy ông ấy. Trái lại, nếu Tỉ kheo sống nơi góc biển chân trời mà không phóng dật, siêng năng không biếng nhác, thu nhiếp các căn, thì tuy cách xa Ta mà Ta thường thấy người ấy và người ấy thường gần Ta.

Thế rồi, Phật nói với Tỉ kheo (đang diện kiến): “Đó là việc ác, phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay về sau, biết nước có trùng thì không được uống”. Đoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo biết nước có trùng mà uống thì phạm Ba-dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Biết: Hoặc tự biết, hoặc nghe người khác mà biết.

Trùng: Không phải là cá, rùa, thất thâu (?), ma la (?) mà là các côn trùng nhỏ bé như con quăng quăng, cho đến những loài có hình thù cực nhỏ mà mắt thấy được, đều gọi là trùng.

Nước: Gồm có mười loại như trên đã nói.

Uống: Nước vào đến bụng (thì gọi là uống).

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Tỉ kheo thọ Cụ túc rồi cần phải sắm đãy lọc nước và phải tắm rửa đúng pháp. Khi đi đâu, Tỉ kheo phải đem theo đãy lọc nước. Nếu không có thì tối thiểu phải dùng một góc y Uất đa la tăng (để lọc). Khi nhìn vào nước, không nên dùng thiên nhãn để xem, cũng không được bảo người mắt thong manh xem, tối thiểu là nhờ người có thể thấy những đường chỉ nhỏ nhất trong bàn tay để xem. Khi nhìn vào nước không nên nhìn qua loa mà phải chú ý xem, không được quá mau, không được quá chậm mà phải bằng thời gian con voi lớn quay mình lại, hay chiếc xe chở tre trở đầu . Nước không trùng thì nên dùng, nếu nước có trùng thì nên lọc mà dùng. Nước có [373b] ba lớp: dưới, giữa, trên. Nếu phần dưới không trùng mà phần giữa và trên có trùng thì nên lấy phần nước không có trùng ở dưới mà dùng. Nếu phần nước ở giữa không có trùng, còn phần trên và phần dưới có trùng thì nên lấy phần nước ở giữa mà dùng. Nếu phần trên không có trùng thì nên lấy phần nước trên mà dùng. Nếu phần trên có trùng thì nên dùng tay vỗ nước để cho trùng lặn xuống đáy, rồi lấy nước dùng. Nếu cả ba phần đều có trùng, thì lúc ấy nên lọc nước mà dùng. Nếu trong nước có trùng quá vi tế thì không được dùng rửa tay rửa mặt và dùng dội cầu khi đại tiểu tiện.

Nếu nhà đàn việt mời Tỉ kheo thọ trai, thì khi ấy nên hỏi: “Ngươi đã lọc nước chưa?”. Nếu đáp: “Chưa lọc”, thì nên xem xét người đang đối diện mà tin tưởng được, khi ấy hãy bảo họ lọc nước. Nếu xét người ấy không đáng tín thì không nên sai họ lọc, kẻo sẽ sát hại côn trùng, Tỉ kheo nên tự lọc rồi dùng. Thế rồi, nên đổ nước có trùng ấy vào trong tô của mình, rồi hỏi xem họ lấy nước ở đâu, để mình đem nước có trùng ấy đổ lại chỗ cũ. Nếu chỗ đã lấy nước trước kia ở xa, mà gần đó thấy có hồ nước trải qua bảy ngày không khô cạn, thì được đem nước có trùng kia đổ vào trong hồ đó. Nếu không có hồ nước, thì phải múc nước đổ thêm đầy tô để nuôi chúng. Rồi đợi khi trời mưa to, có đường nước chảy mạnh, ta sẽ đem tô nước có trùng kia đổ vào trong đó, và chú nguyện rằng: “Ngươi hãy vào trong biển lớn nhé!”

Nếu Tỉ kheo đang đi giữa đường mà khát nước cần uống, thì khi đến giếng lấy nước phải xem kỹ, không có trùng thì được uống, có trùng thì phải lọc sạch rồi mới uống, như phương pháp ở trên. Nếu biết nước có trùng thì không được đem đổ vào trong thùng.

Nếu đem nước mình múc dưới hồ cho ai thì khi rót ra phải xem kỹ rồi mới đưa.

Nếu thấy nước có trùng thì không được la lên: “Trưởng lão, nước này có trùng, có trùng”, khiến cho người ấy sinh nghi, không vui.

Nếu người đó hỏi: “Nước này có trùng không?”, thì nên đáp: “Trưởng lão tự xem lấy”. Nếu người đó là bạn tri thức cùng Hòa thượng, A xà lê thì nên nói: “Nước này có trùng, nên lọc rồi mới dùng”.

Tóm lại, nếu nước có trùng mà tưởng là không trùng rồi dùng thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu nước không trùng mà tưởng là có trùng (rồi dùng) thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu nước có trùng mà tưởng là có trùng rồi dùng, thì phạm tội Ba dạ đề.

Nếu nước không có trùng, tưởng là không có trùng rồi dùng, thì không có tội.

Thế nên nói (như trên).

50. GIỚI: CHO TU SĨ NGOẠI ĐẠO ĐỒ ĂN.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả A Nan có tên tốt đầy đủ, tánh tốt đầy đủ, gia thế tốt đầy đủ. Vì đầy đủ ba việc ấy nên được người đời quí trọng. Mỗi khi đến ngày lành (tốt), như về nhà mới, cưới hỏi, xỏ lỗ tai, thì người ta mời A Nan trước hết. Bữa nọ, một nhà kia mời tôn giả A Nan thọ trai, thì có một người ngoại đạo xuất gia da đen, mắt xanh, bụng bự đến chỗ A Nan xin thức ăn. A Nan [373c] liền cho đồ ăn. Ông ta dùng tay vốc cơm mà ăn, ăn xong lại dùng tay chùi trên mình rồi đi. Lại có một ngoại đạo khác đến hỏi ông ta: “Ông được thức ăn ở đâu vậy?”

Ông đáp: “Tôi được thức ăn từ ông cư sĩ trọc đầu này đây”.

A Nan nghe lời nói ấy, lòng không vui, nên sau đó có người đến xin thì thầy không cho. Đoạn, thầy đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn nói với A Nan: “Người này không biết tri ân. Từ nay trở đi, Ta không cho phép Tỉ kheo tự tay cho thức ăn cho người xuất gia thuộc ngoại đạo lõa thể”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, đức Thế Tôn cứ bốn tháng cạo tóc một lần. Người đời nghe Phật cạo tóc bèn dâng các thức cúng dường. Khi ấy, gặp lúc đói kém nên có năm trăm người thường theo Thế Tôn xin thức ăn thừa. Phật hỏi A Nan có thức ăn thừa không, thầy đáp: “Có bánh”.

Phật bảo: “Hãy chia cho những người khất thực”.

A Nan liền phân phát mỗi người một cái. Trong số đó có một phụ nữ ngoại đạo xuất gia, lúc A Nan cầm bánh cho cô thì có hai cái dính vào nhau. Những người được bánh bèn quây quần ăn tại một chỗ, rồi phát biểu: “Thứ bánh này ngon tuyệt, chỉ hiềm là ít quá, được có mỗi một cái!”. Người được hai cái liền nói: “Tôi được hai cái”.

Người được một cái nói: “A Nan sẽ là chồng cô chăng vì sao lại chỉ cho riêng cô hai cái?”.

A Nan nghe thế không vui, liền đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy: “Từ nay trở đi, Ta không cho phép Tỉ kheo tự tay cho thức ăn cho nam nữ xuất gia thuộc ngoại đạo lõa thể”.

Rồi các Tỉ kheo liền bạch với Phật: “Vì sao kẻ ngoại đạo đó không biết tri ân?”.

Phật dạy: “Không những ngày nay không biết tri ân mà trong quá khứ cũng đã từng như thế, như trong kinh Bản Sinh Di Hầu đã nói rõ.”. Đoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo tự tay cho thức ăn cho nam nữ xuất gia thuộc ngoại đạo lõa thể thì phạm tội Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Lõa thể (không có y phục): Hoặc (người) không có y đi vào, người có y đi ra; hoặc người có y đi vào, người không có y đi ra, hoặc người có y đi vào, người có y đi ra; hoặc người không có y đi vào rồi người không có y đi ra (?)

Xuất gia: Chỉ cho ngoại đạo xuất gia như Bất lan ca diếp, cho đến Ni Kiền Tử.

Tự tay: Hoặc cho bằng tay nhận bằng tay, hoặc cho bằng bát nhận bằng bát.

Thức ăn: Gồm năm loại thức ăn chính và năm loại thức ăn tạp. Nếu cho các loại thức ăn ấy thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu cha mẹ anh em chị em của Tỉ kheo xuất gia theo ngoại đạo, Tỉ kheo cũng không được tự tay [374a] cho thức ăn, mà nên bảo tịnh nhân đưa cho. Nếu không có tịnh nhân thì nên bảo họ tự lấy thức ăn. Nếu sợ ngoại đạo khác ăn hết thì nên bảo họ đưa cho mình cái bát rồi mình tùy ý sớt thức ăn, đoạn, đặt trên giường, ghế, hoặc trên đất rồi nói: “Người tự lấy ăn”.

Nếu người ngoại đạo quyến thuộc ấy trách như sau: “Nay ngươi tiếp ta theo cách của Chiên đà la”, thì Tỉ kheo nên đáp: “Người xuất gia không đúng chỗ. Đức Thế Tôn chế giới (phải làm) như vậy. Nếu người muốn ăn thì ăn, còn không muốn ăn thì tùy ý”. Nếu khi Tỉ kheo sai ngoại đạo làm việc thì cũng không được tự tay đưa cho họ thức ăn mà phải bảo tịnh nhân đưa. Nếu không có tịnh nhân thì đưa như cách ở trên. Nếu ngoại đạo đến xin nước gạo, nước cơm, cũng không được tự tay đưa. Nếu ngoại đạo đến khất thực tại chỗ chúng Tăng, cũng không được tự tay đưa mà phải để dưới đất mà đưa. Nếu ngoại đạo có lòng tin muốn cúng dường Tỉ kheo, thì bấy giờ Tỉ kheo cũng không được tự tay đưa thức ăn thức uống, nhưng được sai ngoại đạo làm thức ăn thức uống, rồi bảo họ đưa cho mình ăn. Khi ăn xong, thức ăn còn thừa nên cho họ. Phương pháp cho như trên đã nói.

Thế nên nói (như trên).

51. GIỚI: NGỒI NƠI PHÒNG NGỦ NHÀ THÍ CHỦ. 

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả Ưu đà di cùng với người bạn Bà la môn quen biết, hai người cùng ở chung một thôn. Con gái ông Bà la môn này lấy chồng tại một thôn khác. Cô ta sai người báo tin cho cha: “Cha hãy thường thường đến thăm con. Nếu cha không đến được thì hãy nhờ thầy Ưu đà di thường thường đến thăm con”, như trong hai giới Bất định ở trước đã nói rõ, (cho đến) Phật nói với Ưu đà di: “Đó là việc xấu. Người tại gia còn biết phép tắc của Sa môn, ông là người xuất gia vì sao không biết chỗ nào nên ngồi, chỗ nào không nên ngồi? Đó là hành vi phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn Thiện pháp được”. Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo biết “Thực gia dâm xứ”mà ngồi, thì phạm Ba dạ đề. Nếu Tỉ kheo biết Thực gia bình xứ mà ngồi thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Biết: Hoặc tự biết, hoặc nghe từ người khác mà biết.

Thực (thức ăn): Gồm có: gạo lúa tẻ, gạo lúa mạch, cá, thịt, các thứ như vậy gọi là thức ăn. Lại có những thức ăn khác như: Nhãn thức thấy sắc khởi ái niệm, sinh đắm trước; nhĩ, tỉ, thiệt, thân cũng như vậy. Lại có những thức ăn khác như: Nồi lấy vung làm thức ăn; cối lấy chày làm thức ăn; hộc lấy đấu làm thức ăn.., các trường hợp như vậy đều gọi là thức ăn. Lại còn có thức ăn khác như: nam giới [374b] là thức ăn của phụ nữ; phụ nữ là thức ăn của nam giới.

Gia (nhà): Nhà Bà la môn, Sát lợi, Tì xá, Thủ đà la.

Dâm xứ (chỗ hành dâm): chỗ vợ chồng hành lạc.

Ngồi: cùng ngồi một chỗ thì phạm Ba dạ đề.

Bình xứ (chỗ khuất): chỗ mà nam nữ có thể hành dâm không thấy hổ thẹn. Lại có chỗ khuất khác, như: hoặc trong chỗ tối, hoặc cửa được đóng lại.

[Trong nguyên bản có 3 từ ‘ Tỉ-kheo’, ‘biết’ và ‘ngồi’ dược giải thích đến 2 lần, ở đây chỉ dịch 1 lần]

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu Tỉ kheo ngồi một chỗ với vợ chồng người ta thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu Tỉ kheo khác từ xa nhìn vào không thấy thì phạm hai tội Ba dạ đề. Nếu ngồi tại chỗ dùng để hành dâm, ngồi chỗ che khuất, ngồi trong phòng đóng cửa lại mà Tỉ kheo ở từ xa nhìn vào không thấy thì phạm hai tội Ba dạ đề. Nếu Tỉ kheo ở ngoài nhìn vào thấy, thì phạm một tội Ba dạ đề.

(Nếu Tỉ kheo) ngồi chung (với vợ chồng người kia) ở trong nhà, mà ở giữa sân có đống mía che khuất, hoặc đống lúa che khuất, hoặc bức tường che khuất thì cũng như vậy. Nhưng nếu có Tỉ kheo bạn thì không phạm tội. Nhưng dù có nhiều người bạn bạch y vẫn phạm, (trừ trường hợp) tất cả (những người ngồi đó) đều là nam giới thì không có tội. Hoặc tất cả những người ấy đều là nữ giới cũng không có tội. Thế nên nói (như trên).

52. GIỚI: ĐI XEM QUÂN TRẬN.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, viên đại thần thuộc xứ Kiều tát la tên Di ni vốn dòng dõi Sát lợi làm phản. Do đó, vua Ba tư nặc tập họp bốn binh chủng, chọn ngày lành, cùng với các đại thần đánh trống khua chuông, chuẩn bị kéo quân đi thảo phạt. Khi ấy, tôn giả Nan Đà, Ưu Ba Nan Đà bèn đi đến đứng trước quân sĩ. Nhà vua thấy thế, bèn từ xa bỏ lọng, gập mình tỏ sự cung kính. Các quan đại thần thấy vậy liền chê trách: “Xem ra các ông Sa môn Thích tử này không hiểu thời thế! Nay đại vương muốn thảo phạt nghịch tặc, thế mà các ông ấy lại đứng chận trước ba quân”. Rồi họ lại than phiền nhà vua: “Tướng sĩ của đại vương đông đảo như vậy, lại gặp được ngày lành, đi tìm sự lợi ích, thế mà khi thấy kẻ Sa môn trọc đầu liền từ xa bỏ lọng, gập mình tỏ sự cung kính!”

Các Tỉ kheo nghe thế, liền đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Nan Đà, Ưu Ba Nan Đà đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi: “Các ông có việc đó thật chăng?”

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

Thế rồi, Phật nói với các Tỉ kheo: “Mong sao tất cả các ông vua đều có lòng tin như vậy! Từ nay về sau, Ta không cho phép (các Tỉ kheo) vào giữa quân lính để gặp họ”.

Đoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo xem quân lính xuất trận thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Quân xuất trận: Tức quân lính cầm khí giới đi đến nước địch. Quân có bốn loại: Tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân.

Tượng quân: [374c] Bốn người bảo vệ một thớt voi. Đó gọi là tượng quân.

Mã quân: Tám người bảo vệ một con ngựa. Đó gọi là mã quân.

Xa quân: Mười sáu người bảo vệ một chiếc xe. Đó gọi là xa quân.

Bộ quân: ba mươi hai người cầm vũ khí (thành một toán). Đó gọi là bộ quân.

Nếu Tỉ kheo xem bốn loại quân này, hoặc xem một trong những loại đó thì phạm Ba dạ đề.

Nếu Tỉ kheo muốn xem quân lính rồi từ trong thôn xóm đi đến nơi hoang dã, từ nơi hoang dã đi vào thôn xóm; hoặc từ chỗ thấp lên chỗ cao, từ chỗ cao xuống chỗ thấp; hoặc từ chỗ kín đến chỗ trống, từ chỗ trống đến chỗ kín, cố ý đi đến xem thì phạm Ba dạ đề.

Nếu Tỉ kheo vào thành ấp xóm làng, giữa đường gặp quân trận mà không cố ý xem thì không có tội. Nếu cố ý cất đầu lên, cúi đầu xuống để quan sát thì phạm Ba dạ đề.

Hoặc khi vua xuất chinh, hoặc voi lớn xuất trận mà đường chật hẹp đông đúc, khi ấy Tỉ kheo đứng lại một chỗ không cố ý xem thì không có tội. Nếu tác ý muốn xem thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu Tỉ kheo xem đấu voi, ngựa, bò cho đến đấu gà, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu quân lính đến tinh xá, Tỉ kheo không cố ý xem thì không có tội. Nếu tác ý xem thì phạm tội Việt tì ni. Thậm chí khi người ta cãi nhau mà xem thì phạm tội Việt tì ni. Thế nên nói (như trên).

53. GIỚI: Ở TRONG QUÂN TRẠI QUÁ HẠN.

Khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tại nước Kiều tát la có viên đại thần dòng dõi Sát lợi tên Di ni làm phản không tuân phục triều đình. Do đó, vua Ba tư nặc bèn sai viên đại thần Đạt đa thống lãnh bốn binh chủng đến đó chinh phạt. Lúc ấy người đi chinh phạt là Đạt đa sai người đến bạch với Thế Tôn: “Nay con sắp xuất chinh, xin Thế Tôn sai các Tỉ kheo vì con thuyết diệu pháp”. Thế rồi, Phật nói với A Nan: “Ông hãy đến trong quân đội vì người đi chinh phạt là Đạt đa thuyết pháp”. A Nan liền đến đó. Viên đại thần bèn sửa soạn các thức cúng dường. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo biết nhà vua sửa soạn các thứ cúng dường cho A Nan, liền đến trong quân thọ trai. Khi ăn xong, họ đến chỗ quân lính tập trận để xem. Nếu thấy không điêu luyện thì chê bai: “Các ngươi dạy người ta cưỡi voi giống như cưỡi heo, thật là phí lương thực của vua, đem đội quân thế này xông trận thì chắc chắn bị mất mạng, mà còn mất voi của vua nữa”. Nếu họ thấy quân lính thiện chiến thì ca ngợi: “Cưỡi voi thật thiện nghệ, mà cầm kích rất đắc thế, lại hiểu rõ đấu pháp tả hữu lui tới, xứng đáng ăn lộc của quan. Nếu xua đội quân này xông trận thì có thể giữ được thân mình mà voi cũng không bị mất”.

Khi họ xem quân lính cưỡi ngựa, nếu thấy không điêu luyện, liền chê bai: “Các ngươi dạy người cưỡi ngựa giống như cưỡi lừa, thật là phí lương thực của vua. Nếu dùng đội quân này xông trận thì chắc chắn mất mạng [375a] mà còn mất ngựa của vua nữa”. Nếu họ thấy thiện chiến thì liền ca ngợi: “Các ngươi cưỡi ngựa rất thiện nghệ, cầm dây cương rất đắc thế, lui tới tả hữu đều có phép tắc, xứng đáng nhận bổng lộc của vua. Nếu dùng đội quân này xông trận thì chắc chắn bảo vệ được sinh mạng, mà không bị mất ngựa nữa”.

Khi họ xem quân xa, nếu thấy thiếu khả năng thì liền chê bai: “Các ngươi dạy lính lái xe như leo lên giường, thật uổng phí lương thực của vua. Nếu dùng đội quân này xông trận thì chắc chắn sẽ bỏ mạng mà còn làm mất xe của vua nữa”. Nếu họ thấy lái xe thiện nghệ thì ca ngợi: “Tài xế cầm lái lui tới điêu luyện quay qua phải trái đều rất có phép tắc, xứng đáng nhận bổng lộc của vua. Nếu dùng đội quân này xông trận thì chắc chắn giữ được tính mạng mà xe cũng không bị mất”.

Khi họ xem bộ binh nếu thấy không biết bắn thì liền chê bai: “Các ngươi dạy lính cầm cung giống như vuốt lông, thật là uổng phí ăn lộc quan. Nếu dùng đội quân này xông trận thì chắc chắn mất mạng, mà còn mất cung tên của quan”. Nếu họ thấy bắn thiện nghệ thì bèn ca ngợi: “Thật là ngay ngắn chính xác đúng là những tay thiện xạ, xứng đáng ăn lộc của quan. Nếu dùng đội quân này xông trận thì chắc chắn bảo toàn được tính mạng, mà không bị mất cung tên”.

Khi họ xem đội quân đao thuẫn, nếu thấy không có khả năng, liền chê bai: “Các ngươi dạy người ta cầm thuẫn giống như cầm đao bằng vải. Nếu dùng đội quân này xông trận chắc chắn bị bỏ mạng, mà còn mất đao trượng của quan nữa”. Nếu thấy thiện nghệ liền ca ngợi: “Dùng đao thuẫn thiện nghệ rất khéo léo và có phép tắc. Nếu dùng đội quân này xông trận chắc chắn bảo toàn tính mạng mà đao trượng của vua cũng không bị mất”.

Họ chê bai, khen ngợi bốn binh chủng như vậy đó. Những kẻ bị chê bai ai nấy đều giận dữ, nói: “Không những ông Di ni dòng dõi Sát lợi là kẻ thù của chúng ta, mà nay kẻ Sa môn này cũng là tên giặc, chuyên hủy nhục chúng ta, hãy cùng nhau giết hắn cho rồi”. Thế rồi, quân lính được ca ngợi bèn nói với quân lính bị chê bai: “Các Sa môn này đều là dòng dõi vua chúa hoặc là dòng dõi đại thần, hoặc là dòng dõi Sát lợi, họ vốn đã luyện tập binh pháp, thông hiểu chiến trận. Như lời họ nói, lẽ ra các anh nên học tập, trái lại, các anh còn đâm ra oán hận thật là ngu si hết chỗ nói”. Khi ấy, những kẻ bị chê bai nghe như thế đều cảm thấy rất hổ thẹn.

Tôn giả A Nan nghe được sự việc ấy bèn suy nghĩ: “Nay ta nên đi, nếu ở đây lâu, e sinh tai họa”, liền trở về lại tinh xá. Phật biết nhưng vẫn hỏi A Nan:

– Ông đã thuyết pháp cho người đi chinh chiến là Đạt đa rồi chăng?

A Nan liền đem sự việc trên bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỉ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi:

– Các ông có việc đó thật chăng?

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Đó là việc xấu, phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy; không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay về sau, khi có nhân duyên thì Ta mới cho phép vào trong quân trại ba đêm.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ [375b] phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo có nhân duyên được vào trong quân ngũ ba đêm, nếu quá (ba đêm) thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Nhân duyên: Hoặc việc của Tăng, việc của tháp, việc của riêng mình.

Quân: Như trên đã nói.

Ba đêm: Tối đa là ba đêm, nếu quá thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu Tỉ kheo đêm thứ nhất ngủ tại bộ binh, đêm thứ hai tại tượng binh, đêm thứ ba tại mã binh, đêm thứ tư tại xa binh thì phạm Ba dạ đề.

Nếu đêm thứ nhất ngủ tại tượng binh, đêm thứ hai tại mã binh, đêm thứ ba tại xa binh, đêm thứ tư tại bộ binh thì phạm Ba dạ đề.

Nếu đêm thứ nhất ngủ tại mã binh, đêm thứ hai tại xa binh, đêm thứ ba tại cung binh, đêm thứ tư tại sáo (dáo dài) binh thì phạm Ba dạ đề.

Nếu đêm thứ nhất ngủ tại xa binh, đêm thứ hai tại cung binh, đêm thứ ba tại mâu binh, đêm thứ tư tại đao binh thì phạm Ba dạ đề.

Nếu đêm thứ nhất ngủ tại cung binh, đêm thứ hai tại sáo binh, đêm thứ ba tại đao binh, đêm thứ tư tại ngoại la binh (lính canh phòng) thì phạm Ba dạ đề.

Nếu đêm thứ nhất ngủ tại mâu binh, đêm thứ hai tại đao binh, đêm thứ ba tại ngoại la binh, đêm thứ tư rời khỏi chỗ có thể nghe thấy được thì không có tội.

Nếu vì tháp, vì Tăng lo giải quyết công việc chưa xong thì nên rời quân đội một đêm rồi được ngủ trở lại. Nếu thành ấp xa không thể đến được thì nên rời khỏi chỗ quân có thể thấy nghe mà ngủ, khi ngủ nên nói với quân ngoại la: “Ban đêm tôi muốn ngủ tại mỗ xứ, chớ tưởng là người khác”.

Nếu quân lính đến đóng trong chùa thì không nên bỏ đi, dù nhiều đêm cũng không có tội. Thế nên nói (như trên).

54. GIỚI: XEM QUÂN ĐỘI DIỄN TẬP.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo ngủ trong quân trại ba đêm rồi, bèn đến chỗ thao trường xem, nếu thấy quân lính không biết cưỡi voi, liền chê bai: “Kẻ này cưỡi voi giống như cưỡi heo, nếu vào trận chiến thì chắc chắn sẽ mất mạng, thật là uổng phí bổng lộc của vua”. Nếu thấy cưỡi voi thiện nghệ thì khen ngợi: “Kẻ này cưỡi voi thiện nghệ, cầm móc điều khiển tới lui, xoay bên trái bên phải đều khéo léo. Nếu xông trận thì chắc chắn phá được quân giặc, lại bảo toàn được tính mạng. Người như thế xứng đáng ăn lộc của vua”. Khi họ thấy những ai không thể cưỡi ngựa, lái xe, cầm cung, đao, mâu, thuẫn, sáo thì nhất nhất chê bai hoặc khen ngợi, rồi chỉ bảo: “Ngươi phải cưỡi voi, cưỡi ngựa, lái xe, cầm cung, cầm thuẫn, cầm mâu [375c] như thế này, thế này này”.

Những kẻ không thể làm được, nghe họ chê như vậy, liền nổi giận, nói: “Đây chính là giặc chứ còn tìm giặc ở đâu nữa. Chúng ta hãy cùng nhau giết hắn”. Khi ấy, những kẻ được khen ngợi liền nói: “Các Tỉ kheo này đều là dòng dõi vua chúa, dòng dõi Sát lợi đại thần, đều biết binh pháp. Vì sao các anh không chịu khó học hỏi mà trái lại còn oán người ta?”. Những kẻ bị chê bai nghe nói thế, liền nguôi giận và trong lòng cảm thấy hổ thẹn.

Các Tỉ kheo nghe sự kiện ấy, liền đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi nhóm sáu Tỉ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi sự việc trên:

– Các ông có việc đó thật chăng?

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Đó là việc xấu, phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo có duyên sự thì được ngủ trong quân trại ba đêm, nhưng nếu xem quân xuất trận, nha kỳ, cãi lộn, đánh nhau, thế lực thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Ba đêm: Tối đa là ba đêm.

Xem: Tạo điều kiện cố ý đi đến, hoặc từ chỗ cao xuống chỗ thấp, hoặc từ chỗ thấp lên chỗ cao.

Quân: Bốn quân chủng như trên đã nói.

Nha kỳ: Hoặc là hình sư tử, hoặc hình bán nguyệt.

Cãi: cãi nhau bằng miệng.

Đánh: hai nhóm giao đấu.

Thế lực: Xem coi sự thế mạnh yếu nghiêng về bên nào, thì gọi là thế lực.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu Tỉ kheo đang đi trên đường gặp quân lính mà không cố ý xem thì không có tội. Nếu tạo phương tiện để xem thì phạm Ba dạ đề.

Nếu quân cướp từ trong thôn đi ra, Tỉ kheo đang đi giữa đường gặp họ mà không cố ý xem thì không có tội. Nếu tạo phương tiện để xem thì phạm Ba dạ đề.

Nếu Tỉ kheo đang đi kinh hành nơi thôn dã gặp quân giặc đến mà không cố ý xem thì không có tội. Nếu tạo phương tiện để xem thì phạm Ba dạ đề.

Nếu Tỉ kheo đang đi kinh hành nơi rừng hoang, rồi bọn cướp vừa cướp bóc trong thôn đi ngang qua chỗ Tỉ kheo, sau đó, những người truy đuổi bọn cướp đi tìm chúng đến chỗ Tỉ kheo hỏi Tỉ kheo: “Có thấy bọn cướp không?”, thì Tỉ kheo không được nói dối, cũng không được chỉ chỗ bọn cướp mà nên nói: “Hãy xem móng tay đây này”.

Nếu Tỉ kheo đang ở trong thành, bỗng có giặc đến vây thành, rồi vua bảo Tỉ kheo phải lên cả trên thành để chứng tỏ trong thành có đông người, mà Tỉ kheo không cố ý xem thì không có tội. Nếu tạo phương tiện để xem thì phạm Ba dạ đề. Thế nên nói (như trên).

55. GIỚI: ĐÁNH TỈ-KHEO KHÁC.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo từ chỗ ngồi thiền đứng dậy, dùng nắm tay cú vào đầu nhóm mười sáu Tỉ kheo trẻ. Các Tỉ kheo này liền khóc rống lên. [376a] Phật nghe tiếng khóc, tuy biết nhưng vẫn hỏi các Tỉ kheo:

– Ở trong đây vì sao có tiếng khóc của trẻ con?

– Bạch Thế Tôn, nhóm sáu Tỉ kheo sau khi từ phòng tọa thiền đứng dậy, bèn dùng nắm tay cú lên đàu nhóm mười sáu Tỉ kheo trẻ, do đó nên họ khóc.

– Hãy đi gọi nhóm sáu Tỉ kheo đến.

Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ sự việc kể trên:

– Các ông có việc đó thật chăng?

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Vì sao như vậy?

– Vì muốn đùa cho vui.

– Này những kẻ ngu si, đó là việc ác, làm não lọan những người phạm hạnh mà lại bảo là vui. Này nhóm sáu Tỉ kheo, chớ khinh thường những người ấy. Nếu họ nhập định thì họ có thể dùng sức thần túc xách các ngươi ném vào một thế giới khác đấy. Các ông không từng nghe Ta dùng vô lượng phương tiện dạy rằng nên khởi thân, khẩu, ý Từ bi cung kính cúng dường đối với các bậc phạm hạnh hay sao? Vì sao lại làm việc ác bất thiện như vậy? Đó là điều phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo đánh Tỉ kheo khác thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Đánh: Hoặc dùng thân, thân phần, thân phương tiện.

Thân: Dùng toàn bộ thân thì gọi là thân.

Thân phần: Hoặc tay, hoặc chân, hoặc cùi chỏ, hoặc đầu gối, hoặc răng, hoặc móng; đó gọi là thân phần.

Thân phương tiện: Hoặc cầm gậy gộc, gạch đá mà đánh, hoặc từ xa ném đá, đó gọi là thân phương tiện.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu Tỉ kheo đánh Tỉ kheo thì phạm Ba-dạ-đề, đánh Tỉ-kheo-ni thì phạm Thâu lan giá; đánh Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni thì phạm tội Việt tì ni; sau hết, nếu đánh người thế tục thì phạm tội Việt tì ni, tâm niệm sám hối.

Nếu có các loài muông thú hung dữ như voi, ngựa, trâu, dê, chó đến thì không được đánh mà chỉ được cầm gậy gộc gạch đá đập xuống đất để khủng bố chúng mà thôi.

Nếu súc vật vào trong tháp làm phương hại hình tượng, phá hoại hoa quả cây cối, cũng chỉ được dùng gậy gộc, gạch đá đập xuống đất cho chúng sợ bỏ đi mà thôi.

Thế nên nói (như trên).

56. GIỚI: DỌA ĐÁNH TỈ-KHEO KHÁC. 

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Vì Thế Tôn chế giới không cho Tỉ kheo đánh nhau, nên khi ấy nhóm sáu Tỉ kheo từ phòng thiền đứng dậy dùng nắm tay đe dọa nhóm mười sáu Tỉ kheo trẻ, nói như sau: “Ta sẽ dùng nắm tay này đánh vỡ mặt các ngươi”. Vì bị khủng bố nên họ bèn khóc lớn lên. Phật nghe tiếng khóc, tuy biết mà vẫn hỏi các Tỉ kheo:

– Đó là tiếng khóc của trẻ con nào thế?

– Đó là do nhóm sáu Tỉ kheo [376b] từ phòng thiền đứng dậy dùng nắm tay đe dọa nhóm mười sáu Tỉ kheo trẻ, nói như sau: “Ta dùng nắm tay đánh vỡ mặt các ngươi”. Vì bị khủng bố nên họ liền khóc lớn lên.

– Hãy gọi nhóm sáu Tỉ kheo đến đây.

Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi sự việc trên:

– Các ông có việc đó thật chăng?

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Tại sao như vậy?

– Vì để đùa cho vui.

– Này những kẻ ngu si, đó là việc ác, làm não lọan những người phạm hạnh, mà bảo là đùa cho vui. Các ông chớ khinh thường những người ấy. Nếu họ nhập định thì họ có thể dùng thần lực xách các ông ném vào một thế giới khác đấy. Các ông không từng nghe Ta dùng vô lượng phương tiện dạy rằng phải khởi thân, khẩu, ý Từ bi, cung kính cúng dường các bậc phạm hạnh hay sao? Đó là điều phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay về sau Ta không cho phép dùng nắm tay để đe dọa nhau.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— Nếu Tỉ kheo dùng chưởng đao đe dọa Tỉ kheo khác thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Chưởng: bàn tay.

Đao: Ngón tay.

Đe dọa: Biểu lộ dấu hiệu muốn đánh.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu đưa lên một ngón tay đe dọa thì phạm Ba dạ đề; cho đến năm ngón cũng như vậy.

Nếu dùng tất cả ngón tay đe dọa thì phạm Ba dạ đề.

Nếu dùng nắm tay đe dọa thì phạm Thâu lan giá.

Nếu dùng tay đe dọa Tỉ kheo thì phạm Ba dạ đề; đe dọa Tỉ kheo ni thì phạm Thâu lan giá; đe dọa Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni thì phạm tội Việt tì ni; cuối cùng cho đến đe dọa người thế tục thì phạm tôi Việt tì ni tâm niệm sám hối.

Nếu các loại ác thú như voi, ngựa, trâu, dê, chó đi đến thì không được dùng nắm tay đe dọa mà nên dùng gậy gộc gạch đá đập xuống đất khủng bố cho chúng sợ bỏ đi.

Nếu các loại thú ấy vào trong tháp phá hoại các ảnh tượng và hoa quả cây cỏ thì cũng chỉ nên (dùng gậy gộc) đập xuống đất khủng bố cho chúng sợ bỏ đi mà thôi.

Thế nên nói (như trên).

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Tỳ Nại Da - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 35 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 36 - Luật Tạng
  • Luật Thiện Kiến Tỳ Bà Sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 38 - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Bật Sô Ni Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 20 - Luật Tạng