Luật Thiện Kiến Tỳ Bà Sa
Hán dịch: Tam tạng Tăng già Bạt đà la – đời Tiêu tề
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu- năm 2006 –
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010; dịch năm 1993
***
QUYỂN 1
(GIẢI THÍCH LUẬT TỨ PHẦN THEO NAM TRUYỀN)
I – PHẨM TỰA THỨ NHẤT:
Dù trong trăm ức kiếp,
Thời không thể nghĩ bàn,
Vì tất cả chúng sanh,
Nhọc mệt đến tận nơi,
Để tế độ thế gian.
Kính lễ Đại từ bi,
Do giáo pháp khó biết,
Từ nhiều đời thế gian,
Cúi đầu xin đảnh lễ,
Pháp sâu xa vi diệu,
Phá tan tiêu hoại hết,
Lưới vô minh phiền não.
Người đủ giới định huệ,
Giải thoát hạnh tròn đầy,
Siêng tu các công đức,
Tăng chúng ruộng phước lành,
Con nhất tâm quy ngưỡng,
Gieo năm vóc kính lễ.
Quy kính Tam bảo rồi,
Xin diễn nghĩa Tỳ ni,
Mong chánh pháp trường tồn,
Lợi ích các chúng sanh.
Nguyện đem công đức này,
Tiêu trứ các ác nạn,
Ai ưa thích trì giới,
Trì giới lìa các khổ.
Nói Luật bổn được kết tập đầu tiên là do tôn giả Ưu ba ly ở trong chúng năm trăm Tỳ kheo đầu tiên kết tập tạng luật. Vì sao, vì từ khi Phật mới thành đạo đầu tiên chuyển pháp luân Tứ đế tại vườn Lộc dã, cho đến cuối cùng thuyết pháp độ Tu bạt đà la, những việc nên làm Phật đã làm xong, Phật liền nhập niết bàn vô dư vào rạng sáng ngày 15 tháng 2 nơi Ta la song thọ, thành Câu thi na thuộc nước của vua Mạt la. Bảy ngày sau, tôn giả Đại Ca Diếp từ nước Diệp ba cùng năm trăm Tỳ kheo đi đến thành Câu thi na, giữa đường gặp một đạo sĩ liền hỏi thăm về Đại sư, đạo sĩ đáp: “Sa môn Cù Đàm đã nhập niết bàn bảy ngày rồi, trời người đều đến cúng dường, tôi được hoa trời Mạn đà la này từ chỗ đó”, Đại Ca Diếp cùng các Tỳ kheo nghe tin Phật đã nhập niết bàn, thảy đều đau buồn ngất xỉu ngã xuống đất. Lúc đó có một Tỳ kheo Maha-la nói: “thôi đừng có đau buồn nữa, khi đại Sa môn còn tại thế đã chế ngăn việc này là tịnh, việc này là bất tịnh; việc này nên làm, việc này không nên làm. Nay đã nhập niết bàn, ta được tùy ý thích muốn làm gì thì làm”, Đại Ca Diếp nghe rồi liền im lặng suy nghĩ: “khi ác pháp chưa sanh khởi, ta nên kết tập pháp tạng để chánh pháp được trụ lâu ở đời, làm lợi ích chúng sanh”, lại nghĩ: “khi Phật còn tại thế đã trao ca sa cho ta và nói với các Tỳ kheo rằng: khi ta nhập định thứ nhất, Đại Ca Diếp cũng nhập định ấy. Đó là Phật đã khen ngợi ta, ta được Thánh lợi đầy đủ không khác gì Phật, giống như vua cha cởi áo giáp đang mặc trao cho con để người con này thủ hộ chủng tộc; Như lai trao ca sa cho ta là muốn sau khi Phật nhập niết bàn, ta sẽ thủ hộ chánh pháp của Như lai”. Sau đó tôn giả Đại Ca Diếp nhóm Tỳ kheo tăng nói: “trước đây tôi nghe được một Tỳ kheo Ma-ha-la nói rằng: khi Đại Sa môn còn tại thế đã chế ngăn việc này là tịnh, việc này là bất tịnh; việc này nên làm, việc này không nên làm. Nay đã nhập niết bàn, ta được tùy thích muốn làm gì thì làm. Các trưởng lão, chúng ta nên kết tập pháp tạng và tỳ ni tạng”, các Tỳ kheo nói: “đại đức, nên lựa chọn các Tỳ kheo thông suốt chín bộ loại pháp Phật, tuy các học nhân Tu đà hoàn, Tư đà hàm và Tỳ kheo Ái tận không phải chỉ có trăm ngàn vị; nhưng người thông hiểu ba tạng, được bốn vô ngại biện, có đại thần lực, chứng ba Đạt trí được Phật khen ngợi, lại là Ái tận Tỳ kheo thì chỉ có bốn trăm chín chín vị”. Lúc đó Đại Ca Diếp chọn được năm trăm nhưng thiếu một vị, vì trưởng lão A-nan còn ở Hữu học vị, Đại Ca Diếp không chọn lấy A-nan vì muốn đoạn dứt phỉ báng, nhưng nếu không có A-nan thì không có người kết tập pháp. Các Tỳ kheo nói: “A-nan tuy ở Hữu học vị nhưng đã đích thân lãnh thọ Tu đa la, Kỳ dạ từ Phật, lại là bậc kỳ lão và cũng là em chú bác trong thân tộc Thích ca của Như lai; đại đức nên chọn lấy A-nan cho đủ số năm trăm vị kết tập”, nhưng đó chỉ là ý kiến của Thánh chúng. Lúc đó các Tỳ kheo suy nghĩ: “nên kết tập pháp tạng ở đâu, ở thành Vương xá có đầy đủ các thứ cần dùng, chúng ta nên đến đó an cư ba tháng để kết tập pháp tạng, nhưng không nên để các Tỳ kheo khác an cư ở đó, vì sao, vì sợ họ không tùy thuận”, tôn giả Đại Ca Diếp liền bạch nhị yết ma… như trong phẩm Tăng kỳ đã nói rõ. Sau khi cúng dường xá lợi Phật xong, còn một tháng rưỡi nữa là tới hạ an cư, tôn giả Đại Ca Diếp nói với các Tỳ kheo: “đã đến lúc chúng ta đi đến thành Vương xá”, các Tỳ kheo liền chia thành hai nhóm lên đường, nhóm thứ nhất do tôn giả Đại Ca Diếp dẫn hai trăm năm mươi Tỳ kheo, nhóm thứ hai do tôn giả A nậu lâu đà dẫn hai trăm năm mươi Tỳ kheo. Lúc đó tôn giả A-nan cùng các Tỳ kheo khác trở về nước Xá vệ, dân chúng thấy A-nan liền gào khóc như lúc Như lai mới nhập niết bàn, A-nan nói pháp vô thường để giáo hóa họ rồi đến trong vườn Kỳ thọ, mở phòng của Phật quét dọn sạch sẽ và lau chùi giường tòa… giống như hồi Phật còn tại thế. Sau đó có một Bà la môn tên Tu-bà-na đến thỉnh A-nan ngày mai đến nhà thọ thực, sáng hôm sau A-nandẫn theo một Tỳ kheo đến nhà Tu-bà-na thọ thỉnh thực, Tu-bà-na nhân đây liền hỏi nghĩa kinh, do việc này nên trong phẩm thứ mười của kinh A hàm gọi là kinh Tu-bà-na. A-nan ở tại Kỳ viên cho đến gần ngày an cư mới đi đến thành Vương xá, lúc đó tôn giả Đại Ca Diếp cùng năm trăm Tỳ kheo đều đã đến thành Vương xá, thấy cả mười tám chùa lớn nơi đây đều đã hư hoại vì các Tỳ kheo khi hay tin Phật nhập niết bàn đều đã bỏ đi hết. Các Thánh chúng như lời Phật dạy, lo tu bổ lại phòng xá vì nếu không tu bổ lại, ngoại đạo sẽ phỉ báng rằng khi Sa môn Cù Đàm còn tại thế thì các Tỳ kheo tu bổ phòng xá, sau khi nhập niết bàn thì lại bỏ đi hết. Tôn giả Đại Ca Diếp đến găp vua A Xà Thế, vua vừa thấy tôn giả liền đảnh lễ và hỏi cần gì, tôn giả nói: “cả mười tám chùa lớn đều hư hoại, nay muốn tu bổ lại, xin đại vương biết cho”, vua nói lành thay rồi cho người đến tu bổ và cung cấp đầy đủ những vật cần dùng. Sau khi tu bổ xong, tôn giả đến bạch vua: “nay chúng tôi muốn kết tập pháp tạng và tỳ ni tạng, xin vua biết cho”, vua nói: “lành thay, con sẽ chuyển bánh xe oai lực của vua để giúp cho các đại đức kết tập bánh xe pháp vô thượng, con sẽ tuân theo sự sai khiến của chúng tăng”, tôn giả nói: “trước tiên nên xây cất một giảng đường trên sườn núi Để bàn na ba la, vì nơi ấy rất yên tĩnh”, vua nói lành thay. Nhờ oai lực của vua, không bao lâu sau giảng đường được hoàn thành như kỹ xảo của trời Tỳ xá ở cõi trời Đao lợi, trong giảng đường có năm trăm tòa ngồi day về hướng Bắc, lại có một tòa cao đặt day về hướng Đông dành cho vị kết tập pháp. Lúc đó các Tỳ kheo bảo A-nan: “ngày mai chúng tăng sẽ kết tập pháp tạng, thầy hãy tinh tấn chớ buông lung”, A-nan liền suy nghĩ: “ngày mai Thánh chúng kết tập pháp tạng, ta còn ở Hữu học vị làm sao vào dự được”, nghĩ rồi liền vào đầu đêm tinh tấn thiền quán, qua đến nửa đêm cũng chưa chứng đắc được gì, A-nansuy nghĩ: “trước kia Phật đã từng nói ta nếu nhập thiền định thì sẽ mau chứng A-la-hán, lời Phật dạy là chắc thật, chỉ vì ta tinh tấn thái quá nên không thể chứng được gì, ta nay nên thuận theo trung đạo”, nghĩ rồi liền đi rửa chân sạch rồi vào phòng, lên giường muốn nằm nghỉ một lát, trong lúc thân vừa nghiêng xuống giường, chân vừa hổng đất, đầu chưa đụng gối thì A-nan bỗng ngộ đạo, chứng quả A-lahán. Nếu có ai hỏi trong Phật pháp, vị nào không ở trong bốn tư thế đi đứng nằm ngồi mà đắc đạo thì vị ấy chính là tôn giả A-nan.
Lúc đó vào ngày mười bảy tháng sau, sau khi thọ trai và thu xếp y bát xong, tôn giả Đại Ca Diếp nhóm tăng ở trong giảng đường, theo thứ lớp ngồi yên và chừa một chỗ trống dành cho A-nan, khi các hạ tòa đến kính lễ Thượng tòa thấy chỗ trống này liền hỏi chỗ này dành cho ai, đáp là dành cho A-nan, lại hỏi A-nan đang ở đâu. A-nan biết tâm niệm của chúng tăng nên hiện thần túc, muốn biểu hiện sự chứng đắc cho chúng tăng biết, hiện thân ngồi vào chỗ ngồi. Tôn giả Đại Ca Diếp hỏi: “các trưởng lão, nên kết tập pháp tạng trước hay tỳ ni tạng trước?”, đáp: “đại đức, Tỳ ni tạng là thọ mạng của Phật pháp, Tỳ ni tạng còn thì Phật pháp còn, nên kết tập Tỳ ni tạng trước”, lại hỏi ai làm pháp sư, đáp: ” nên cử trưởng lão Ưu ba ly, vì khi Phật còn tại thế, đã thường khen ngợi trưởng lão Ưu ba ly là Trì luật đệ nhật trong các đệ tử Thanh văn”, Đại Ca Diếp liền tác bạch: “Đại đức tăng lắng nghe, nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận cho tôi hỏi trưởng lão Ưu ba ly những việc trong Tỳ ni pháp. Bạch như vậy”, trưởng lão Ưu ba ly cũng tác bạch: “Đại đức tăng lắng nghe, nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận cho tôi đáp những việc trong pháp Tỳ ni mà đại đức Đại Ca Diếp hỏi. Bạch như vậy”. Tác bạch xong, Ưu ba ly chỉnh đốn lại y phục đảnh lễ chúng tăng rồi bước lên tòa cao ngồi, Đại Ca Diếp cũng trổi về chỗ ngồi của mình rồi hỏi Ưu ba ly: “trưởng lão, giới Ba la di thứ nhất được chế ở nơi đâu và do ai sanh khởi?”, đáp là được chế tại Tỳ xá ly, do Tu đề na Ca lan đà tử sanh khởi, lại hỏi là phạm tội gì, đáp là phạm tội bất tịnh hạnh. Đại Ca Diếp kế hỏi về tội, về duyên phạm, về kết giới, tùy kết giới… cứ như vậy hỏi về nhân duyên bổn khởi của các pháp Ba la di thứ hai, thứ ba, thứ tư và gọi là phẩm bốn Ba la di. Tuần tự như thế hỏi về mười ba pháp Tăng già bà thi sa, hai pháp Bất định, ba mươi pháp Ni tát kỳ ba dật đề, chín mươi hai pháp Ba dật đề, bốn pháp Ba la đề đề xá ni, bảy mươi lăm Chúng học pháp và bảy pháp Diệt tránh. Kết tập xong phần Ba la đề mộc xoa của Tỳ kheo tăng, kế kết tập phần Ba la đề mộc xoa của Tỳ kheo ni gồm có tám pháp Ba la di, mười bảy pháp Tăng già bà thi sa, ba mươi pháp Ni tát kỳ ba dật đề, một trăm sáu mươi sáu pháp Ba dật đề, tám pháp Ba la đề đề xá ni, bảy mươi lăm Chúng học pháp và bảy pháp Diệt tránh; kế kết tập về phần Kiền độ (tạp sự) đến Ba lợi bà la… cho đến hết tạng Luật, kỳ kết tập này gọi là Năm trăm A-la-hán kết tập Tỳ ni tạng. Trưởng lão Ưu ba ly bước xuống tòa đảnh lễ Tăng rồi trở về chỗ ngồi của mình, tôn giả Đại Ca Diếp lại hỏi: “đã kết tập xong tạng luật, nay kết tập Pháp tạng, vị nào làm pháp sư?”, các Tỳ kheo đề cử trưởng lão A-nan, Đại Ca Diếp liền tác bạch: “Đại đức tăng lắng nghe, nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận cho tôi hỏi trưởng lão A-nan về pháp tạng. Bạch như vậy”, trưởng lão A-nan cũng tác bạch: “Đại đức tăng lắng nghe, nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận cho tôi đáp về pháp tạng mà đại đức Đại Ca Diếp hỏi. Bạch như vậy”. Tác bạch xong, trưởng lão A-nan chỉnh đốn y phục đảnh lễ tăng rồi bước lên ngồi trên tòa cao, Đại Ca Diếp hỏi: “kinh Phạm võng trong pháp tạng được thuyết tại đâu?”, đáp: “kinh này được thuyết tại vườn Am một la của vua, ở giữa hai thành Vương xá và Na lan đà”, lại hỏi do ai làm duyên khởi, đáp là do Tu bi dạ ba lợi bà xà ca và Bà la môn Kiền đa. Sau khi hỏi xong nhân duyên bổn khởi của kinh Phạm võng, Đại Ca Diếp hỏi: “kinh Sa môn quả được thuyết tại đâu?”, đáp là tại Kỳ viên thành Vương xá, lại hỏi do ai làm duyên khởi, đáp là vua A Xà Thế. Hỏi xong nhân duyên bổn khởi của kinh Sa môn quả, kế hỏi về năm bộ kinh, đáp: “năm bộ kinh gồm có kinh Trường A hàm, kinh Trung A hàm, kinh Tăng thuật đa, kinh Ương quật đa la và kinh Khuất đà ca”, lại hỏi: “sao gọi là kinh Khuất đà ca?”, đáp: “trừ bốn bộ A hàm ra, những pháp khác đều xếp vào trong kinh Khuất đà ca”. Pháp do Phật nói ra chỉ có một vị, do phân biệt đầu, giữa và cuối và dựa trên giới định huệ mà thành ba tạng; nếu phân bộ thì có năm bộ kinh, nếu phân loại thì thành chín bộ kinh, tổng cộng có tám vạn pháp tạng.
Lại hỏi: sao gọi là nhất vị?
Đáp: từ khi Phật chứng quả A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, cho đến khi nhập niết bàn, trong bốn mươi lăm năm này, Phật thuyết pháp cho các loài rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người và phi nhân… chỉ thuần một vị giải thoát nên gọi là nhất vị.
Hỏi: sao gọi là hai?
Đáp: đó là pháp tạng và tỳ ni tạng.
Hỏi: sao gọi là đầu giữa cuối?
Đáp: do phân biệt pháp Phật thành ba giai đoạn, như kệ nói:
“Lưu chuyển vô số kiếp,
Đi mãi không ngừng nghỉ,
Chỉ tìm nhà để ở,
Tái sanh nhiều kiếp khổ,
Nay đã thấy nhà rồi,
Không còn làm nhà nữa,
Tất cả rường cột nhà,
Nát vụn không tái sanh,
Tâm giải thoát phiền não,
Ái tận đến niết bàn”.
Kệ Ưu đà na này là pháp đầu do khi Phật vừa chứng Nhất thiết trí, vui mừng vì quán nhân duyên sanh pháp thành tựu mà nói. Trong Kiền đà ca nói khi Phật sắp niết bàn bảo các Tỳ kheo rằng: “các thầy ở trong pháp của ta cẩn thận chớ lười biếng”, đây là pháp sau cùng, pháp nói ra ở khoảng giữa của hai pháp này là pháp giữa.
Hỏi: những gì là ba tạng?
Đáp: là tạng tỳ ni, tạng Tu đa la và tạng A tỳ đàm.
Hỏi: những gì là tạng tỳ ni?
Đáp: là hai bộ Ba la đề mộc xoa, hai mươi ba Kiền đà và Ba lợi bà la.
Hỏi: những gì là tạng Tu đa la?
Đáp: kinh đầu tiên là Phạm võng, tổng cộng bốn mươi bốn kinh xếp vào bộ kinh Trường A hàm; kinh đầu tiên là Căn mâu la ba lị đa, tổng cộng hai trăm năm mươi hai kinh xếp vào bộ kinh Trung A hàm; kinh đầu tiên là Ô già đa la bà đà na, tổng cộng bảy ngàn bảy trăm sáu mươi hai kinh xếp vào bộ kinh Tăng thuật đa; kinh đầu tiên là Chiết đa ba lợi da đà na Tu đa la, tổng cộng chín ngàn năm trăm năm mươi bảy kinh xếp vào bộ kinh Ương quật đa la; Pháp cú dụ, Khu đà na, Y đế Phật, Đa già ni ba đa, Tỳ ma na, Tỷ đa, Thế lợi già đà, Bổn sanh, Ni thế bà, Ba trí tham tỳ đà, Phật chủng tánh kinh… đều xếp vào bộ kinh Khuất đà ca.
Hỏi: sao gọi là tạng A tỳ đàm?
Đáp: là pháp Tăng già tỳ băng già đà suất ca tha da ma ca bát xoa bức già la bộn na kỳ ca tha bạt du.
Hỏi: những gì là tạng tỳ ni?
Đáp: như kệ nói:
“Đem đến nhiều việc thiện,
Điều phục thân ngữ ý,
Người biết nghĩa tỳ ni,
Nói nghĩa tỳ ni này”.
Hỏi: năm thiên của Ba la đề mộc xoa là gì?
Đáp: thiên đầu là Ba la di, năm thiên bảy tụ tội là mẹ của các loại giới, dẫn thành hạnh kiên cố rộng làm phương tiện tùy kết, từ thân ngữ ý bất thiện tạo tác thành nghiệp nên gọi là Tỳ nại da.
Hỏi: Tu đa la nghĩa là gì?
Đáp: như kệ nói:
“Đủ loại nghĩa khai phát,
Lời thiện như lúa trổ,
Ngang dọc như suối trào,
Ngay thẳng xâu kết lại,
Gọi là Tu đa la,
Nghĩa sâu xa vi diệu”.
Hỏi: nghĩa khai phát là như thế nào?
Đáp: nghĩa tự phát có thể phát ra nghĩa khác.
Hỏi: sao gọi là lời thiện?
Đáp: trước nên xét tâm người rồi mới nói lời thiện.
Hỏi: sao gọi là như lúa trổ?
Đáp: lúa nếp mà trổ thì sẽ kết hạt.
Hỏi: sao gọi là kinh vĩ?
Đáp: dùng chỉ dệt thành sợi ngang sợi dọc.
Hỏi: sao gọi là như suối trào?
Đáp: như nguồn nước nhiều, chảy không cùng tận.
Hỏi: sao gọi là thằng mặc?
Đáp: như dây mực đo có thể loại bỏ gỗ cong.
Hỏi: sao gọi là diên?
Đáp: như hoa rơi tứ tán, dùng chỉ xỏ xâu lại dù có bị gió thổi cũng không bay tứ tán; Tu đa la cũng vậy, xâu kết các pháp tướng lại không cho phân tán.
Hỏi: A tỳ đàm nghĩa là gì?
Đáp: như kệ nói:
“Có người ý thức pháp,
Khen ngợi, đoạn tiệt nói,
Tăng trưởng pháp nên nói,
Gọi là A tỳ đàm”.
Hỏi: sao gọi là ý?
Đáp: có câu kinh nói ý mau lẹ biết bao, đây là nghĩa của chữ ý trong A tỳ đàm.
Hỏi: sao gọi là thức?
Đáp: có câu kinh nói đêm ngày phân biệt, đây là nghĩa của chữ thức trong A tỳ đàm.
Hỏi: sao gọi là tán thán?
Đáp: là vua trong các vương luận, đây là nghĩa của chữ tán thán trong A tỳ đàm.
Hỏi: sao gọi là đoạn tiệt?
Đáp: là nói A tỳ đàm có đủ các năng lực.
Hỏi: sao gọi là trưởng?
Đáp: là nói nhiều. Có thuyết nói: sanh lên cõi Sắc giới, tâm từ quán khắp một phương là nghĩa của ý; biết sắc, thanh cho đến xúc là nghĩa của thức; khen ngợi pháp hữu học, vô học là pháp vô thượng ở thế gian là nghĩa của tán thán; tiếp xúc pháp thành Học là nghĩa của đoạn tiệt; đại pháp không thể tính lường, pháp vô thượng là nghĩa của trưởng.
Hỏi: tạng nghĩa là gì?
Đáp: như kệ nói:
“Trí tạng chứa nghĩa vị,
Theo nghĩa khí cụ học,
Nay ta nói hợp một,
Thầy tự biết nghĩa Tạng,
Đây là nghĩa chữ Tạng”.
Hỏi: pháp tạng nghĩa là gì?
Đáp: đây là gọi chung ba tạng, tất cả nhân duyên chỉ dạy phật pháp trong ba tạng, ngữ ngôn phân biệt – học để trừ tướng sâu xa, để phá tướng ly hợp… Trong A tỳ đàm, chữ A tỳ gồm có các nghĩa ý, thức, tán thán, đoạn tiệt, vượt qua, rộng, lớn và vô thượng; ý là nhớ giữ; thức là phân biệt; tán thán là được bậc Thánh khen ngợi; đoạn tiệt là phân biệt kệ kinh; vượt qua là vượt qua các pháp khác; rộng là pháp rộng nhất trong các pháp; lớn là pháp lớn nhất trong các pháp; vô thượng là không có pháp nào hơn. Chữ đàm gồm có các nghĩa cử, thừa và hộ; cử là đặt để chúng sanh vào đường lành; thừa là đón nhận chúng sanh không cho sa vào ba đường ác; hộ là ủng hộ chúng sanh khiến được an vui. Tạng là khí cụ chứa, có thể chứa nhiều.
Hỏi: tạng và A tỳ đàm là đồng hay khác nghĩa?
Đáp: đồng.
Hỏi: nếu đồng thì chỉ cần nói A tỳ đàm, đâu cần nói thêm chữ tạng?
Đáp: Thánh nhân thuyết pháp muốn cho câu văn đầy đủ nên nói thêm chữ tạng, nghĩa của ba tạng cũng vậy. Lại nữa, vì chỉ dạy, vì giáo thọ, vì phân biệt, vì hệ thuộc, vì xả bỏ, vì tướng sâu xa, vì ly hợp… Tỳ kheo tùy đến đâu đều nên hiển hiện tất cả nghĩa như vậy. Cho nên ba tạng tùy thứ lớp oai đức mà hiển hiện chánh nghĩa, tùy tội lỗi, tùy loại so sánh, tùy giáo pháp, tùy kiến chấp trói buộc danh sắc sai khác. Nếu người nào hành trì theo Tỳ ni thì được nhập định, đắc định liền có đủ ba Đạt trí, nên giới là gốc của hạnh, nhờ chánh định mà được sáu thông. Nếu người nào tu học A tỳ đàm thì có thể sanh Thật trí, thật trí đã sanh thì có đủ bốn biện tài; người nào tùy thuận giới luật thì được thế gian lạc. Sao gọi là thế gian lạc?- Người có tịnh giới thì được trời người khen ngợi, thường thọ thế gian cúng dường tứ sự, thế gian lạc sẽ trừ dục lạc như trong kinh nói: Phật nói ta đã biết, không nên ở tại gia, nên xuất gia để chứng đắc đạo quả. Người đắc đạo quả có đủ giới định huệ lực, người làm điều ác là không có trí huệ, do không có trí huệ nên hiểu sai lời Phật dạy, do hiểu sai nên phỉ báng Phật, tự tạo nghiệp ác, tự hại mình hại người; từ nhân uyên này rộng sanh tà kiến, do học dốt về A tỳ đàm nên bắt ép tâm suy nghĩ, khiến tâm phát cuồng, như trong kinh nói: các Tỳ kheo, có bốn pháp không nên suy nghĩ mà cứ suy nghĩ thì sẽ làm cho tâm phát cuồng. Như thế đã tuần tự nói về phá giới, tà kiến, loạn tâm, thiện và bất thiện, như kệ nói:
“Đầy đủ, không đầy đủ,
Tùy hành trì mà được,
Tỳ kheo ưa thích học,
Sẽ ái trọng pháp này”.
Nghĩa của chữ tạng là tất cả lời Phật dạy.
Hỏi: A hàm có những gì?
Đáp: năm bộ kinh A hàm gồm có kinh Trường A hàm, kinh Trung A hàm, kinh Tăng thuật đa, kinh Ương quật đa la và kinh Khuất đà ca.
Hỏi: Trường A hàm có những kinh gì?
Đáp: kinh đầu tiên là Phạm võng, tổng cộng bốn mươi bốn kinh xếp vào ba phẩm trong kinh Trường A hàm.
Hỏi: sao gọi là trường và A hàm nghĩa là gì?
Đáp: do tập hợp các pháp nhiều và dài nên gọi là trường. A hàm nghĩa là dung thọ tích tập, như trong kinh nói: Phật bảo các Tỳ kheo rằng ta ở trong ba cõi, không thấy kinh nào như Trường A hàm, thuần là nơi chúng sanh tụ tập. Trung A hàm cũng vậy, do pháp không dài không ngắn nên gọi là trung, có mười lăm phẩn, kinh đầu tiên là kinh Căn học, tổng cộng có một trăm năm mươi hai kinh.
Lúc đó vào tháng bảy, tôn giả Đại Ca Diếp kết tập thành tựu pháp của đấng Thập lực xong, mọi người trên đại địa đều vui mừng khen lành thay, đất chấn động sáu cách và xuất hiện nhiều tướng tốt lành kỳ lạ, đây là lần kết tập pháp tạng đầu tiên gồm năm trăm vị A-la-hán, như kệ nói:
“Năm trăm A-la-hán,
Kết tập pháp đời này,
Gọi Ngũ bách kết tập,
Chư Hiền đều cùng biết”.
Hỏi: nguồn gốc của tạng luật này hiện nay ai thọ trì và người thọ trì ở đâu?
Đáp: nguồn gốc của tạng luật bắt đầu từ Phật tại Tỳ-lan-nhã, trưởng lão Ưu ba ly ở trước Phật thọ trì, khi Phật chưa nhập niết bàn, có đến ngàn vạn vị A-la-hán chứng lục thông thọ trì luật từ trưởng lão Ưu ba ly. Sau khi Phật nhập niết bàn, tôn giả Đại Ca Diếp cùng đại chúng năm trăm vị từ bi kết tập pháp tạng tại cõi Diêm phù đề, người thọ trì đầu tiên là trưởng lão Ưu ba ly… năm vị Luật sư theo thứ lớp truyền trì cho đến các đại đức trong đại chúng thứ ba. Năm vị đó là Ưu ba ly, Đại tượng câu, Tô na câu, Tất già phù và Mục kiền liên đế tu, nối tiếp nhau truyền trì tạng luật không gián đoạn, cho đến các luật sư trong đại chúng thứ ba cũng phát xuất từ Ưu ba ly. Ưu ba ly được nghe giới luật từ kim khẩu của Phật, ghi nhớ trong tâm rồi truyền trao lại cho người khác, trong số đó các bậc Hữu học, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm là không thể tính kể; Tỳ kheo Ái tận có đến một ngàn. Đại tượng câu là đệ tử của Ưu ba ly, thọ học luật từ thầy, tự hiểu hết lý sâu xa; các bậc Hữu học thọ học nhiều vô số, còn Ái tận Tỳ kheo là một ngàn. Tô na câu là đệ tử của Đại tượng câu cũng thọ học luật từ thầy, tự thông hiểu luật; các bậc Hữu học thọ học nhiều vô số, còn Ái tận Tỳ kheo là một ngàn. Tất già phù là đệ tử của Tô na câu cũng thọ học luật từ thầy, trong số một ngàn vị A-la-hán là người có căn tánh tối thắng, tự thông hiểu luật, các bậc Hữu học thọ học nhiều vô số, còn Ái tận Tỳ kheo là trăm ngàn. Vị luật sư thứ năm là Mục kiền liên đế tu dùng thần lực nhóm họp vô số Tỳ kheo trong cõi Diêm phù đề, trong đại chúng thứ ba kết tập pháp tạng.
Hỏi: sao gọi là đại chúng thứ ba?
Đáp: tức là các đại đức dùng trí huệ kết tập pháp tạng lần thứ ba làm cho diệu pháp được rạng ngời.
Có kệ:
“Thọ mạng trụ thế gian,
Năm trăm vị trí huệ,
Đại đức Đại Ca Diếp,
Đứng đầu năm trăm vị,
Cũng như đèn hết dầu,
Nhập niết bàn vô dư”.
II – PHẨM BẠT XÀ TỬ KẾT TẬP PHÁP TẠNG LẦN THỨ HAI
Lúc đó theo thời gian, các Thánh chúng lần lượt đều nhập niết bàn, Phật nhập niết bàn trải qua một trăm năm sau, trong nhóm Tỳ kheo Bạt xà tử tại thành Tỳ xá ly phát sinh mười điều phi pháp: một là diêm tịnh, hai là nhị chỉ tịnh, ba là tụ lạc gian tịnh, bốn là trú xứ tịnh, năm là tùy ý tịnh, sáu là cựu trú tịnh, bảy là sanh hòa hợp tịnh, tám là thủy tịnh, chín là bất ích lũ Ni sư đàn tịnh, mười là kim ngân tịnh. Lúc đó có người con của Tu na ca dòng Bạt xà tử tên là A tu, sau khi lên ngôi vua đã ủng hộ phe nhóm Bạt xà tử. Lại có trưởng lão Da tu câu ca là con của Ca kiền đà nghe biết tại thành Tỳ xá ly phát sanh mười điều phi pháp này, liền suy nghĩ: “ta không nên ở nơi mà làm cho pháp bị hoại, ta nên tìm phương tiện diệt ác pháp này”, nghĩ rồi liền đi đến thành Tỳ xá ly, trụ trong giảng đường Cưu trá già la, rừng Sa la.
Lúc đó vào ngày thuyết giới, các Tỳ kheo Bạt xà tử ở trong Tỳ kheo tăng để bát đựng đầy nước, khi thấy các Ưu bà tắc ở thành Tỳ xá ly đến liền bảo họ tùy ý cúng tiền bỏ vào trong bát nước này, hoặc một tiền, nửa tiền để cho Tăng may y phục…, đây là nghĩa của việc kết tập Tỳ ni. Lần kết tập pháp tạng lần thứ hai này đủ số bảy trăm Tỳ kheo nên gọi là Bảy trăm Tỳ kheo kết tập nghĩa Tỳ ni, trưởng lão Da tư na phát khởi việc này. Lúc đó trong chúng Tỳ kheo Bạt xà tử, trưởng lão Ly bà đa hỏi, trưởng lão Tát bà đa đáp để quyết đoán mười việc phi pháp và diệt trừ tránh pháp. Trong lần kết tập này, bảy trăm Tỳ kheo đều là những vị thông suốt ba tạng và chứng ba đạt trí, cùng nhóm họp trong vườn Bà lợi ca tại thành Tỳ xá ly để kết tập pháp tạng, giống như lần đầu kết tập không khác, khiến cho tất cả cấu bẩn trong Phật pháp đều được loại trừ. Tất cả đều y cứ nơi tạng, nơi A hàm, nơi các pháp tụ để hỏi để kết tập Pháp tạng và Tỳ ni tạng, như thế cho đến tháng tám thì kết tập xong, như kệ khen:
“Bảy trăm vị trong đời,
Gọi Thất bách kết tập,
Giống như trước đã nói,
Các vị tự nên biết”.
Trong số bảy trăm, trưởng lão Tát bà ca my, Tôi mị, Ly bà đa, Quật xà tu tỳ đa, Da tu, Bà na tham phục đa đều là đệ tử của tôn giả A-nan; hai vị Tu Ma Nậu bà và Ta già mi là đệ tử của tôn giả A nậu lâu đà. Kệ nói:
“Lần thứ hai nhóm họp,
Đại chúng kết tập pháp,
Nói lại tất cả pháp,
Việc nên làm – làm xong,
Các Tỳ kheo ái tận,
Kết tập pháp lần hai”.
III – PHẨM VUA A DỤC KẾT TẬP PHÁP TẠNG LẦN THỨ BA
Lúc đó các Tỳ kheo suy nghĩ: “đương lai, trong pháp của Đại sư có khởi lên cấu uế như vậy nữa không”, liền quán thấy đương lai sẽ có phi pháp cấu uế như thế khởi lên, tức là khoảng một trăm năm sau, vào năm thứ mười tám, tại nước Ba trá lợi phất có vua A Dục ra đời, vì tín kính Phật pháp nên phát tâm đại cúng dường; các ngoại đạo thấy vậy bèn lạm nhập vào trong Phật pháp, tuy làm Sa mônnhưng vẫn theo pháp ngoại đạo và dùng pháp ngoại đạo giáo hóa nhân dân, khiến cho cấu uế sắp thành trong phật pháp. Các Tỳ kheo quán biết việc này rồi lại quán biết mình không sống đến lúc ấy, liền quán xem ai sẽ truyền bá được Phật pháp trong đương lai. Quán khắp trong cõi Dục không thấy có ai, lại quán đến cõi Phạm thiên, liền thấy có một thiên tử tên là Đế tu sắp mãn tuổi thọ, đã từng thiền quán pháp tướng. Lúc đó các Tỳ kheo suy nghĩ: “ta nên đến thỉnh thiên tử này thác sanh vào nhà của Bà la môn Mục kiền liên, sau đó sẽ độ cho xuất gia và giáo thọ khiến cho thông đạt tất cả pháp Phật, chứng được ba đạt trí để phá ngoại đạo, quyết đoán tránh pháp, chỉnh trì lại Phật pháp”, nghĩ rồi liền đến gặp thiên tử Đế tu nói rằng: “khoảng một trăm năm sau, vào năm thứ mười tám sẽ có cấu uế sanh khởi trong Phật pháp, chúng tôi quán khắp cõi Dục không thấy có ai có thể chỉnh trì Phật pháp lúc đó, khi quán ở cõi Phạm thiên liền thấy chỉ có mình thiên tử. Lành thay thiện nhân, hãy thác sanh trong nhà Bà la môn Mục kiền liên để chỉnh trì Phật pháp trong đương lai”, thiên tử Đế tu nghe rồi hết sức vui mừng nhận lấy trọng trách này, các Tỳ kheo liền rời khỏi cõi Phạm thiên. Lúc đó trong đại chúng có hai trưởng lão Hòa già bà và Chiên-đà-bạt-xà đều là Ái tận A-la-hán, thông suốt ba tạng và chứng ba đạt trí, nhưng so với đại chúng thì ít tuổi hơn nhiều, vì vậy không có dự trong kỳ kết tập pháp tạng lần thứ hai. Các Tỳ kheo nói với hai trưởng lão này rằng: “đương lai có vị Phạm thiên tên là Đế tu sẽ thác sanh trong nhà Bà la môn Mục kiền liên, hai vị nên chia nhau, một người đến đó hóa độ cho xuất gia, một người giáo thọ Phật pháp để vị này có thể chỉnh trì Phật pháp trong đương lai”, các Tỳ kheo dăn dò xong, tùy theo tuổi thọ dài ngắn lần lượt nhập niết bàn, như kệ nói:
“Bảy trăm chúng thứ hai,
Hòa hợp diệt phi pháp,
Muốn giáo pháp vị lai,
Được trụ lâu thế gian.
Bậc ái tận tự tại,
Chứng được ba đạt trí,
Thần thông lực tự tại,
Không thoát khỏi vô thường,
Muốn cho vị lai biết,
Đời sống là vô thường,
Biết rõ khó sống còn,
Nếu muốn được trụ lâu,
Phải chuyên cần tinh tấn”.
Lúc đó Phạm thiên Đế tu từ cõi Phạm thiên thác sanh vào nhà Bà la môn Mục kiền liên, trưởng lão Hòa già bà quán thấy Đế tu đã thác sanh rồi nên hằng ngày đi đến nhà Bà la môn này khất thực vì nhân duyên hóa độ Đế tu, như vậy ròng rã trải qua bảy năm nhưng không khất thực được gì. Hôm đó khi vừa thấy trưởng lão, gia nhân liền nói: “xin đại đức hãy đến nhà khác, trong nhà đã ăn xong rồi”, trưởng lão nghe rồi liền bỏ đi qua nhà khác khất thực, vừa lúc đó Bà la môn từ chỗ khác trở về nhà, thấy trưởng lão liền nói: “này người xuất gia, vừa từ nhà tôi đi ra, có khất thực được gì không?”, đáp là được, Bà la môn nghe rồi liền vào nhà hỏi gia nhân đã cho Tỳ kheo món gì, gia nhân đáp là không cho gì cả, Bà la môn nói: “Tỳ kheo kia nói dối, nếu ngày mai đến nữa, ta sẽ hỏi cho rõ”. Sáng hôm sau, Bà la môn ngồi chờ trước cửa, vừa thấy trưởng lão Hòa già bà đến liền hỏi: “hôm qua thầy nói có khất thực được, nhưng thật sự là không được gì cả, vì sao lại nói dối, pháp của Tỳ kheo có được nói dối không?”, đáp: “tôi đến nhà ông khất thực ròng rã đã bảy năm đều không khất thực được gì, nhưng hôm qua gia nhân của ông bảo tôi hãy đến nhà khác, nên tôi nói là được”, Bà la môn liền suy nghĩ: “chỉ nghe được một câu nói mà nói là có khất thực được, lành thay đây chính là người biết đủ, nếu được thức ăn uống chắc là rất hoan hỉ”, nghĩ rồi liền vào nhà lấy phần thức ăn của mình dâng cúng và nói: “từ nay về sau, hằng ngày thầy cứ đến nhận phần thức ăn”. Sau đó, Bà la môn thấy trưởng lão Hòa già bà có đầy đủ oai nghi nên sanh tâm hoan hỉ, nói với trưởng lão: “từ nay về sau, đại đứcđừng đến khất thực nhà khác nữa, hãy đến đây thọ thỉnh thực luôn”, trưởng lão im lặng thọ thỉnh. Từ ngày đó, hằng ngày sau khi thọ thực xong, trưởng lão dần dần chỉ dạy Phật pháp cho Bà la môn, nhưng vẫn chưa đủ duyên hóa độ Đế tu. Lúc đó Đế tu đã được mười sáu tuổi, đã học xong ba bộ Vệ đà của pháp Bà la môn, vốn từ cõi Phạm thiên thác sanh nên tánh ưa thích tịnh khiết, ghế của mình ngồi thì không muốn cho ai ngồi nên khi sắp đến chỗ thầy học, liền treo chiếc ghế này lên cất rồi mới đi. Trưởng lão Hòa già bà biết đã đến lúc có thể hóa độ Đế tu, nên khi vào nhà thọ thực liền dùng thần lực khiến cho Bà la môn không thấy các ghế khác trong nhà, chỉ thấy chiếc ghế treo cất của con trai. Bà la môn thấy trưởng lão đến, tìm không thấy ghế nào khác, đành phải lấy chiếc ghế treo cất của con mình xuống để mời trưởng lão ngồi. Khi Đế tu trở về, thấy trưởng lão Hòa già bà ngồi trên chiếc ghế của mình, trong lòng rất tức giận liền hỏi gia nhân là ai đã lấy ghế đó cho Sa môn ngồi, nhưng đến khi trưởng lão thọ thực xong thì Đế tu cũng nguôi giận. Trưởng lão nhân dịp này liền hỏi Đế tu đã học biết được những gì, Đế tu hỏi lại: “Sa môn có biết pháp Vệ đà không?”, trưởng lão nói là không những thông đạt ba bộ Vệ đà; mà cho đến Càn thư, khải thư, y để ha tả… tất cả văn tự thảy đều phân biệt được. Đế tu liền đem những pháp còn ngờ, chưa thông hiểu ra hỏi và được trưởng lão giải thích tường tận. Giải thích xong, trưởng lão nói với Đế tu: “nảy giờ con đã hỏi nhiều rồi, đến lượt ta hỏi lại con một việc, con hãy trả lời”, Đế tu đáp lành thay, trưởng lão liền hỏi về hai tâm sanh diệt: “tâm của ai đã sanh khởi mà không diệt, tâm của ai đã diệt mà không sanh khởi, tâm của ai khi diệt thì liền diệt, tâm của ai khi sanh khởi thì liền khởi?”, Đế tu nghe rồi liền ngẩng nhìn lên trời lại cúi nhìn dưới đất mà không biết phải trả lời như thế nào, nên hỏi lại: “xin hỏi Sa môn, đây là nghĩa gì?”, trưởng lão đáp: “đây là Vệ đà của Phật”, Đế tu hỏi: “Sa môn có thể dạy cho con học được không?”, đáp: “nếu con xuất gia thì có thể dạy cho con học được”. Đế tu nghe rồi vui mừng đến nói với cha: “vị Sa môn ấy biết Vệ đà của Phật, con muốn học nhưng với hình thức thế tục thì Sa môn không chịu dạy, nếu xuất gia thì mới dạy cho con học”, người cha suy nghĩ rồi mới nói với con: “lành thay cho con xuất gia, nhưng học xong rồi hãy mau trở về nhà”, Đế tu cũng suy nghĩ: “ta học xong Vệ đà rồi sẽ trở về nhà”. Trưởng lão Hòa già bà dẫn Đế tu về độ cho làm Sa di và dạy pháp hành thiền, chỉ trong thời gian ngắn, Sa di này liền đắc quả Tu đà hoàn. Trưởng lão suy nghĩ: “Sa di đã thấy được vết đạo thì không còn thích trở về nhà nữa, như hạt giống đã rang cháy thì không thể nẩy mầm được nữa, Sa di này cũng vậy. Nhưng nếu ta dạy thêm pháp thiền định sâu xa thì người này sẽ chứng quả A-la-hán và thích sống tịch tĩnh, không chịu học phật pháp nữa. Đã đến lúc ta đưa đến cho trưởng lão Chiên-đà-bạt-xà dạy học Phật pháp”, nghĩ rồi liền bảo Sa di: “lành thay, con hãy đến chỗ trưởng lão Chiên-đà-bạt-xà để học Phật pháp, đến nơi con hãy bạch rằng: đại đức, thầy con sai con đến đây để học Phật pháp”. Sau đó trưởng lão Chiên-đà-bạt-xà dạy cho Đế tu học tất cả Phật pháp, trừ tạng luật; dạy xong mới chọ thọ giới cụ túc, chưa đầy một năm Đế tu đã thông suốt tạng luật. Sau khi thông suốt hết ba tạng, Hòa thượng và A-xà-lê đem Phật pháp giao phó cho Đế tu rồi lần lượt nhập niết bàn; Đế tu chuyên tu thiền định, không bao lâu sau chứng quả A-la-hán và đem Phật pháp giáo hóa mọi người.
Lúc đó vua Tân Đầu Sa La có trăm người con, sau khi vua băng hà, trong vòng bốn năm, vua A Dục đã giết hết các anh em khác, chỉ còn một người em cùng mẹ sống sót; qua bốn năm, vua mới tự xưng vương, lúc đó là khoảng hai trăm mười tám năm từ sau khi Phật nhập niết bàn. Sau khi lên ngôi vua A Dục thống lĩnh bốn binh chinh phạt các nước ở cõi Diêm phù đề, oai thần của vua bao trùm đại địa lên tới hư không trong phạm vi một do tuần. Hằng ngày các quỷ thần ở ao A nậu đạt gánh đến mười sáu chum nước dâng cho vua, vua vì tín kính Phật pháp nên dâng cúng tám chum nước cho Tỳ kheo tăng, hai chum cho vị thông ba tạng, hai chum cho phu nhân của vua, còn vua tự dùng bốn chum nước. Hằng ngày quỷ thần ở núi Tuyết đem dương chi mềm tên La đa dâng vua, vua ban dương chi này cho phu nhân cùng các thể nữ trong cung, cả thảy một vạn sáu ngàn ngườivà sáu vạn Tỳ kheo trong chùa. Lại có quỷ thần núi Tuyết dâng vua loại trái A ma lặc và Ha lê lặc có màu vàng ròng, hương vị rất hiếm có; lại có quỷ thần dâng vua trái Am một la chín; lại có quỷ thần dâng vua năm loại y phục màu vàng ròng, khăn tay, hương thoa và nước mật Hiền thánh; vua Hải long vương dâng vua thuốc trị mắt. Bên ao A nậu đạt có lúa thơm tự nhiên đã được chuột bóc sạch vỏ, lấy ra hạt gạo trắng sạch; hằng ngày chim Anh vũ mang gạo này đến dâng vua; ong mật làm tổ trong cung, hằng ngày dâng mật ong cho vua; lại có chim Ca lăng tần già thường bay đến cất tiêng hót hòa nhã làm vui lòng vua, vua có đầy đủ oai thần như vậy.
Một hôm vua mời Hải long vương đến, do rồng này sống thọ một kiếp nên trong quá khứ đã từng gặp bốn Phật; khi vua rồng đến, vua mời ngồi tòa sư tử có lọng trắng che phía trên với hương hoa cúng dường; vua lại cởi chuỗi ngọc đang đeo tặng cho vua rồng rồi nói với vua rồng: “ta từng nghe Như lai có ba mươi hai tướng tốt nên rất muốn được nhìn thấy, vua rồng có thể hóa hiện thân Phật cho ta thấy được không?”, vua rồng nghe rồi liền dùng thần lực biến hóa thành thân Như lai với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và được trang nghiêm bằng các công đức vi diệu, có ánh hào quang chiếu xa một tầm như núi vàng rực rỡ, khiến cho tất cả mọi người đều nhìn không chán. Do nhìn thấy thân tướng Như lai nên vua phát lòng tín kính Phật pháp, bởi vì trong suốt ba năm từ khi lên ngôi, vua vì noi theo tín ngưỡng của vua cha là phụng sự ngoại đạo. Một hôm vua cúng dường các Bà la môn, thấy họ đang thọ thực mà cứ nhìn ngó hai bên, không giữ pháp dụng nên vua suy nghĩ: “ta sẽ tìm chọn những vị có đủ oai nghi pháp dụng để cúng dường”, nghĩ rồi liền bảo các đại thần: “các khanh thấy có Sa môn, Bà la môn nào đáng cúng dường thì hãy thỉnh vào cung, ta sẽ cúng dường”, các đại thần liền thỉnh các ngoại đạo Ni kiền tử… đến, vua cho sắp xếp chỗ ngồi cao thấp, đẹp xấu không giống nhau và mời họ ngồi, các ngoại đạo tùy theo sở thích của mình mà tìm chỗ ngồi, vua nhìn thấy rồi biết họ không đáng cúng dường nên sau khi họ thọ thực xong, vua không lưu giữ lại. Một hôm, vua đứng bên cửa sổ cung điện nhìn xuống thấy một Sa di đi ngang qua trước điện với oai nghi đỉnh đạc, vua liền hỏi cận thận là Sa di nào, cận thần đáp: “đó là Sa di Tân Cù Đà, cũng là con của Tu Ma Na, con trưởng của tiên vương”.
Như trên đã nói sau khi vua Tân Đầu Sa La băng hà, vua A Dục từ nước Uất chi được vua cha phong trở về nước giết thái tử Tu Ma Na, cai quản nội cung, nắm giữ triều chính. Lúc đó vợ của Tu Ma Na đang mang thai được mười tháng, thay đổi y phục bỏ trốn ra ngoài, khi đến gần thôn Chiên đà la cách thành không xa, có thần cây đại thọ Nê cùa đà bảo thái tử phi đến gần, thọ thần hóa ra một cái nhà bảo bà vào trong đó ở, ngay trong đêm đó bà sanh hạ một trai và đặt tên cho con là Tân Cù Đà. Chủ thôn nhân việc này sanh cung kính và cung cấp cho bà mọi thứ như nô tỳ đối với chủ, thái tử phi ở nơi đây được bảy năm và Tân Cù Đà được bảy tuổi. Lúc đó có một vị A-la-hán tên Bà lưu na quán thấy Tân Cù Đà có duyên và đến lúc được hóa độ nên đến gặp thái tử phi xin cho Tân Cù Đà xuất gia, vương phi chấp thuận. Tôn giả dẫn về thế độ, khi tóc chưa rơi hết xuống đất, Tân Cù Đà đã chứng A-la-hán. Hôm đó Sa di sau khi cúng dường thầy xong, đắp y mang bát đi đến chỗ mẹ, vào cửa thành Nam, ngang qua trước cung điện để ra cửa thành Đông thì vua A Dục nhìn thấy.
Lúc đó vua suy nghĩ: “Sa di này oai nghi đĩnh đạc, ắt là có pháp lợi của bậc Thánh”, nghĩ rồi sanh tín kính và khởi tâm từ bi, do trong đời quá khứ, Sa di này là anh của vua đã cùng vua tu công đức, như kệ nói:
“Do nhân duyên đời trước,
Đời này thấy hoan hỉ,
Như hoa Ưu bát la,
Trong nước liền nở hoa”
Vua liền bảo cận thần đi gọi Sa di đến, khi Sa di đến vua bảo tùy ý ngồi, Sa di ngồi vào tòa cao và đưa bát cho vua, vua sớt thức ăn dâng cho Sa di, đợi Sa di thọ thực xong, vua hỏi: “Sa di có biết hết lời thầy dạy hay không?”, đáp là chỉ biết phần ít, vua nói: “lành thay, hãy nói cho tôi nghe”, Sa di liền nói nửa bài kệ và chú nguyện cho vua:
“Sống không lười biếng là niết bàn,
Ai sống lười biếng là sanh tử”.
Vua nói: “hằng ngày tôi sẽ cúng dường tám phần ăn”, Sa di nói: “lành thay, tôi xin dâng cúng lại cho thầy”, vua hỏi: “thầy của Sa di là ai?”, đáp: “người không thấy có tội, nếu thấy có tội liền quở trách, đó là thầy tôi”, vua nói: “vậy tôi cúng thêm tám phần ăn nữa”, đáp: “lành thay, tôi xin dâng cúng lại cho A-xà-lê”, vua hỏi A-xà-lê là ai, đáp: “người cùng ở trong thiện pháp, giáo thọ cho tôi biết, đó là A-xà-lê của tôi”, vua nói: “lành thay, vậy tôi cúng thêm tám phần ăn nữa”, đáp: “tôi xin dâng cúng lại cho Tỳ kheo tăng”, vua hỏi Tỳ kheo tăng là ai, đáp: “là những vị mà thầy tôi, A-xà-lê của tôi và tôi y chỉ để được giới cụ túc”, vua nghe rồi càng hoan hỉ nói: “nếu như vậy, tôi xin cúng thêm tám phần ăn nữa”, đáp: “lành thay, tôi xin thọ hết”. Sáng hôm sau, Sa di cùng ba mươi hai Tỳ kheo tăng đến trong cung vua thọ thực, đợi thọ thực xong vua hỏi Sa di: “còn có Tỳ kheo nào khác nữa không?”, đáp là còn, vua nói: “nếu còn thì đưa thêm ba mươi hai vị nữa đến”; cứ như vậy số lượng Tỳ kheo tăng dần cho đến sáu vạn vị, khiến cho các ngoại đạo mất sự cúng dường. Sau đó đại đức Tân Cù Đà giáo hóa khiến cho vua cùng nội cung và các quan đều thọ Tam quy ngũ giới, vua và mọi người càng tín kính gấp bội, không có thối chuyển. Một hôm, sau khi cúng dường tứ sự cho sáu vạn Tỳ kheo tăng xong, vua hỏi: “các đại đức, pháp của Phật gồm bao nhiêu loại?”, đáp: “có chín phần pháp, tổng cộng có đến tám vạn bốn ngàn pháp tụ”, vua nghe rồi liền cho xây cất chùa lớn tên là A Dục để cho Tỳ kheo tăng ở và hằng ngày cúng dường sáu vạn vị, lại bỏ ra chín mươi sáu ức ngân tiền, sai sứ đem đến đưa cho tám vạn bốn ngàn vua của các nước thần phục, bảo mỗi nước xây một chùa và một tháp để cúng dường pháp tụ. Lúc đó Tỳ kheo tăng biết vua muốn xây chùa lớn A Dục nên sai một Tỳ kheo tên Nhân đà quật đa, là bậc A-la-hán lậu tận có đại thần lực làm tổng tri sự trông coi việc xây cất chùa, vị này thấy chùa xây chỗ nào còn khiếm khuyết liền dùng thần lực của mình làm cho thêm hoàn hảo. Với kinh phí của vua và với thần lực của vị A-la-hán, sau ba năm ngôi chùa hoàn thành; các nước khác sau khi xây chùa xong cùng đến báo cho vị tễ tướng biết, tễ tướng tâu vua, vua nghe rồi khen lành thay và ra lịnh đánh trông tuyên bố bảy ngày sau sẽ mở hội đại thí, dân chúng trong ngoài nước đều nên thọ bát quan trai giới cho thân tâm trong sạch. Đến ngày thứ bảy, dân chúng tề tựu đến dự hội, chúng tăng có đến tám ức, Tỳ kheo ni có đến chín mươi sau vạn, lúc đó trong chúng có một vạn A-la-hán, các Tỳ kheo suy nghĩ: “chúng ta nên dùng thần lực làm cho vua thấy được công đức mà mình đã làm, vua thấy rồi sẽ làm cho Phật pháp được hưng thịnh”, nghĩ rồi các Tỳ kheo đồng loạt dùng thần lực làm cho vua thấy được tất cả các chùa tháp đã tạo và thấy tất cả công đức do bố thí cúng dường của vua, vua nhìn thấy rồi trong lòng hoan hỉ liền hỏi chúng tăng: “Trẫm nay mở hội đại thí cúng dường với lòng hoan hỉ như vậy, xin hỏi có ai được như con không?”, Mục kiền liên đế tu đáp: “khi Phật còn tại thế cũng không có ai bố thí cúng dường hơn vua”, vua nghe rồi rất hoan hỉ liền suy nghĩ: “trong Phật pháp, bố thí cúng dường cũng không có ai hơn ta, ta nên hộ trì Phật pháp như con yêu mến cha”, nghĩ rồi liền hỏi chúng tăng: “Trẫm làm công đức như thế, xin hỏi đã vào được trong Phật pháp chưa?”, Mục kiền liên đế tu nghe vua hỏi, bỗng nhìn thấy vương tử Ma hê đà đứng bên cạnh vua, quán thấy đã đủ nhân duyên liền suy nghĩ: “nếu vương tử này xuất gia thì sẽ làm cho Phật pháp hưng thạnh”, nghĩ rồi liền đáp lời vua: “tuy đại vương làm được công đức như thế nhưng vẫn chưa vào được trong Phật pháp, vì sao, vì dù có người đem bảy báu chất cao lến đến cõi Phạm thiên để bố thí, cũng vẫn chưa vào được trong Phật pháp”, vua hỏi: “làm thế nào để được pháp phần?”, đáp: “người dù giàu hay nghèo, nếu cho con ruột của mình xuất gia thì sẽ được vào trong Phật pháp”, vua nghe rồi suy nghĩ: “em ta là Đế tu đã xuất gia, con ta Ma hê đà nên lập làm thái tử, nhưng lập con ta làm thái tử là tốt hay cho xuất gia là tốt”, nghĩ rồi liền hỏi Ma hê đà: “con có thích xuất gia không?”, Ma hê đà khi thấy chú mình là Đế tu đã xuất gia, cũng muốn xuất gia, nay nghe vua cha hỏi như vậy rất vui mừng tâu với vua rằng: “con rất muốn, nếu con xuất gia, đại vương sẽ được pháp phần trong Phật pháp”, vua lại hỏi vương nữ đang đứng cạnh Ma hê đà, tên Tăng già mật đa rằng: “con có thích xuất gia không?”, đáp là muốn, vua nói: “nếu con thích thì tốt lắm”, biết tâm ý của hai con rồi, vua bạch Tăng: “xin các đại đức độ cho hai con của Trẫm xuất gia, để Trẫm được pháp phần trong Phật pháp”.