QUYỂN 3
Lúc đó các đại đức thuyết kinh Vô thỉ giới cho dân chúng nghe, hôm sau thuyết kinh Hỏa tụ, cứ như thế cho đến bảy ngày khiến cho tám ngàn năm trăm đắc đạo, tại vườn này Phật pháp được lưu bố rạng ngời nên có tên là vườn Quang minh. Sau bảy ngày, các đại đức đến trong cung thuyết kinh Không biếng nhác rồi đi đến núi Chi đế da, lúc đó vua nói với các đại thần: “các đại đức này đã giáo hóa làm cho chúng ta được tín tâm kiên cố trong Phật pháp”, bỗng nghe tâu là các đại đức đã đi, vua cùng hai phu nhân đi xe báu với ngàn vạn tùy tùng đuổi theo cho đến núi Chi đế da. Ma hê đà thấy vua hào hển đi đến bèn hỏi nguyên do, vua nói: “các đại đức đã giáo hòa làm cho chúng con được tín tâm kiên cố trong Phật pháp, thấy các vị ra đi nên mới đuổi theo sau”, Ma hê đà nói: “chúng tôi không ra đi, chỉ là muốn tìm chỗ an cư ba tháng”, vua hỏi thế nào là an cư ba tháng, đáp: “theo pháp Sa môn phải an cư ba tháng, đại vương biết cho, ngày an cư sắp đến nhưng chúng tôi không có chỗ ở”. Lúc đó có năm mươi lăm anh em trong đoàn tùy tùng của vua, người anh tên A lật trừu xin vua cho xuất gia theo các đại đức, vua nóilành thay. Ma hê đà độ cho họ xuất gia, tóc chưa rụng xuống hết, họ đã chứng quả A-la-hán. Vua cho xây sáu mươi tám phòng ở trên núi Chi đế da, để các đại đức an cư ba tháng rồi trở về cung; sau ba tháng an cư, đến ngày 15 tháng tự tứ, các đại đức tâu vua: “chúng tôi ở đây đã lâu, nay muốn trở về cõi Diêm phù đề để thăm viếng Sư trưởng”, vua nói: “trước đây các đại đức nói Phật đã nhập niết bàn, nay lại nói còn có thầy”, đáp: “Phật tuy nhập niết bàn nhưng vẫn còn xá lợi”, vua nói: “các đại đức muốn Trẫm xây tháp thờ xá lợi, xin các vị chọn chỗ, chỗ tuy có thể chọn nhưng làm sao có xá lợi?”, Ma hê đà nói: “vua hãy bàn với Sa di Tu Ma Na”, vua liền đến gặp Tu Ma Na hỏi làm thế nào để thỉnh được xá lợi Phật. Tu Ma Na nói: “đại vương hãy cho quét dọn sạch sẽ đường sá, treo phan phướng, rải hoa đốt hương; vua cùng các quyến thuộc nên thọ tám trai giới, kế dùng các loại kỹ nhạc cùng voi của vua được trang nghiêm bằng chuỗi ngọc và được che lọng trắng để đi đến vườn Ma ha na già thì sẽ thỉnh được xá lợi Phật”, vua nói lành thay và làm theo như lời chỉ dạy. Lúc đó Ma hê đà bảo Tu Ma Na: “con hãy đi đến cõi Diêm phù đề gặp tổ phụ của con là vua A Dục, bạch rằng: vua Thiên ái đế tu ở nước Sư tửđã tín kính Phật pháp, đang muốn xây tháp thờ xá lợi Phật, Đại vương có xá lợi nên ban tặng vào dịp này. Sau đó con lên cõi trời Đao lợi nói với vua trời Đế thích: thiên vương có hai xá lợi, răng phải xá lợi thờ ở cõi trời, còn xương vai phải xá lợi xin cho mang về nước Sư tử để thờ”, Tu Ma Na nói lành thay rồi đắp y mang bát nương hư không đi đến nước Ba tra lợi phất ở cõi Diêm phù đề, gặp vua A Dục liền nói: “đại đức Ma hê đà sai con đến”, vua nghe nói rõ sự việc rồi vui mừng đón lấy bát của Sa di, dùng dầu thơm lau sạch rồi mở tháp bảy báu lấy viên xá lợi trắng sáng như chân châu bỏ vào bát trao cho Sa di. Tu Ma Na lên cõi trời Đao lợi, vua trời Đế thích nghe rõ sự việc rồi liền mở tháp bảy báu cao rông một do tuần, lấy xá lợi trao cho Tu Ma Na. Tu Ma Na nhận xá lợi rồi trở về núi Chi đế da, Ma hê đà để xá lợi của vua A Dục ban cho tại núi Chi đế da, còn xá lợi của vua trời Đế thích thì đưa đến vườn Ma ha na cho vua Thiên ái đế tu xây tháp thờ. Lúc đó vua Thiên ái đế tu cỡi voi đến vườn Ma ha na thỉnh được xá lợi rồi suy nghĩ: “nếu đây thật là xá lợi Phật thì voi sẽ tự quỳ xuống, lọng trắng tự hạ và khiến cho xá lợi ở trên đầu ta”, vua vừa suy nghĩ thì voi liền quỳ xuống, lọng trắng tự hạ và xá lợi Phật ở trên đầu vua, vua liền cảm thấy thân tâm khoan khoái như được uống cam lồ. Vua hỏi Ma hê đà: “xá lợi Phật ở trên đầu Trẫm, Trẫm phải làm sao?”, đáp là nên để trên đầu voi, voi được đội xá lợi Phật rất vui mừng liền cất tiếng rống lớn như để cúng dường xá lợi; lúc đó trên không trung nổi mây mưa và mặt đất chấn động đến thủy biên. Trời rồng quỷ thần thấy xá lợi Phật đã đến biên địa đều vui mừng nói kệ:
“Xá lợi của Như lai,
Từ cõi trời Đao lợi,
Như mặt trăng tròn sáng,
Đã đến nơi biên địa,
Đang ở trên đầu voi,
Voi rống lớn cúng dường”.
Lúc đó các loại kỹ nhạc đồng tấu lên để cúng dường xá lợi, voi quay lưng về hường Đông, quay mặt về Tây đi đến cửa thành liền vào thành; dân chúng trong thành đi theo voi ra khỏi cửa thành Nam, vòng theo hướng tây để đến trong vườn ở chỗ xây tháp thờ xá lợi Phật, voi đứng quay lại về hướng Đông; trong vườn tháp này, quá khứ đã từng là nơi xây tháp thờ xá lợi của ba vị Phật. Vào thời Phật Câu lưu tôn, nước Sư tửcó tên là Âu xà, quốc hiệu là Vô úy, vua cũng hiệu là Vô úy, núi Chi đế da có tên là Đề bà cưu thát, vườn tháp có tên là vườn Ba lợi da. Đệ tử Thanh văn của vị Phật này tên là Ma ha Đề bà cùng một ngàn Tỳ kheo đến núi Đề bà cưu thát cư trú, giống như Ma hê đà ngày nay. Lúc đó dân chúng nơi đây bị khổ vì nhiễm bịnh, Phật Câu lưu tôn dùng thiên nhãn quán sát thấy biết việc này rồi liền cùng bảy vạn Tỳ kheo đến đây diệt trừ các tật bịnh và nói pháp khiến cho dân chúng nơi đây có tám vạn bốn ngàn người đắc đạo. Phật lưu lại bình lượt nước rồi trở về chốn cũ, dân chúng xây tháp thờ bình lượt nước này và gọi tháp là Ba lợi da; Ma ha Đề bà cùng dân chúng rải hoa cúng dường. Vào thời Phật Câu na hàm Mâu ni, nước Sư tử tên là Bà la, quốc hiệu là Bạt xà ma, vua hiệu là Sa diệt địa, núi Chi đế da tên là Kim đỉnh. Lúc đó dân chúng bị khổ về hạn hán mất mùa đói kém, Phật Câu na hàm mâu ni dùng thiên nhãn quán sát thấy biết việc này rồi liền cùng ngàn Tỳ kheo đến dây; nhờ thần lực của Phật, trời đổ mưa, ngũ cốc được mùa, Phật lại vì nói pháp khiến cho tám vạn bốn ngàn người đắc đạo. Phật lưu lại Tỳ kheo Tu Ma Na cùng ngàn Tỳ kheo và dây thắt lưng rồi trở về chốn cũ, dân chúng xây tháp thờ dây thắt lưng của Phật. Vào thời Phật Ca Diếp, nước Sư tử tên là Mạn đà, quốc hiệu là Tỳ sa la, vua tên là Chi diễn na, núi Chi đế da tên là Tu bà cưu tra. Lúc đó dân chúng khổ não vì chiến tranh, Phật dùng thiên nhãn quán sát thấy biết việc này rồi liền cùng hai vạn Tỳ kheo đến đây; nhờ thần lực của Phật, chiến tranh chấm dứt, Phật lại vì nói pháp khiến cho tám vạn bốn ngàn người được thấy vết đạo. Phật lưu lại Tỳ kheo Tát bà Nan đà cúng ngàn Tỳ kheo và chiếc y tắm rồi trở về chốn cũ, dân chúng xây tháp thờ chiếc y tắm của Phật. Vào thời ba vị Phật quá khư, nơi đây đều được chọn để xây tháp, nhưng ba cõi vô thường, nay chỉ còn là bãi đất trống; ngay trên nền tháp cũ, chư thiên trồng nhiều cây gai để ngăn nhơ uế.
Lúc đó voi lớn đội xá lợi đi đến trên nền tháp cũ, vua cùng dân chúng chặt phá cây gai làm cho bằng phẳng; voi lại đi đến phía bắc của nền tháp là chỗ trồng cây Bồ đề đứng hướng về phía tháp. Vua muốn lấy xá lợi xuống nhưng voi không chịu, vua hỏi Ma hê đà phải làm sao, đáp: “vua không thể lấy xuống ngay bây giờ, phải xây nền tháp trước, cao bằng đầu voi thì mới lấy xuống được”, mọi người cùng nhau đắp nền móng tháp, trong suốt ba bốn ngày, voi vẫn đội xá lợi đứng yên. Vua lại hỏi Ma hê đà tháp hình gì, đáp là hình như đống lúa; vua cho xây một tháp nhỏ trên nền tháp rồi chuẩn bị lấy xá lợi xuống, dân chúng trổi kỹ nhạc và rải hương hoa để cúng dường xá lợi. Lúc đó xá lợi từ trên đỉnh đầu voi bỗng bay lên không trung, cao bảy cây Đa la và hiện nhiều biến hóa, không khác thần lực của Phật đã biến hóa khi Phật còn tại thế ở dưới cây Kiền tra am; không phải do thần lực của Ma hê đà và chư thiên làm ra như thế, như kệ nói:
“Phật không thể nghĩ bàn,
Pháp cũng không nghĩ bàn,
Nếu ai có lòng tin,
Công đức không nghĩ bàn”.
Phật Thích ca Mâu ni đến nước Sư tử này cả thảy ba lần: lần thứ nhất giáo hóa Dược xoa, Phật có nói sau khi ta nhập niết bàn, xá lợi của ta sẽ trụ lâu nơi này; lần thứ hai giáo hóa long vương và cháu trai, hai lần này Phật đều đi một mình; lần thứ ba, Phật cùng một trăm Tỳ kheo đến núi Chi đế da, nơi gốc cây Bồ đề ở vườn tháp, phía Đông Già na địa Già bà tỳ căn na la ni, để nhập định; lần thứ tư là xá lợi đến sau khi Phật nhập niết bàn. Lúc đó dân chúng nhờ nước do thần lực của xá lợi tuôn ra nên không bị đói khát, sau đó xá lợi lại hiện xuống ở trên đầu vua, vua suy nghĩ: “ta đã được tín tâm kiên cố”, nghĩ rồi liền cúng dường và đặt xá lợi vào tháp thờ, lúc đó mặt đất chấn động sáu cách. Em của vua tên là Vô úy cùng ngàn người đều cầu xuất gia, lại có năm trăm đồng tử trong thành và năm trăm đồng tử trong nước cũng đều cầu xuất gia, cứ như thế số lượng tăng dần cho đếnba vạn người xuất gia. Tháp xây xong, đại phu nhân cùng em gái vua và trời rồng quỷ thần đều cùng cúng dường; đại phu nhân nhân tên A nậu la lại muốn xuất gia, vua buồn bã bạch Ma hê đà tế độ cho phu nhân, Ma hê đà nói: “chúng tôi không được độ người nữ, nhưng tôi có em gái tên Tăng già mật đa đã xuất gia tại nước Ba tra lợi phất, vua hãy cho người sang đó thỉnh đến tế độ cho phu nhân và xin một cây Bồ đề về để trồng tại nơi đây”. Vua nghe rồi liền hỏi cháu trai tên là A phiêu xoa: “cháu có thể đến nước Ba tra lợi phất ở cõi Diêm phù đề để thỉnh ni Tăng già mật da và xin cây Bồ đề về đây được không?”, A phiêu xoa nói: “con sẽ đi nhưng đại vương hứa với con là cho con xuất gia”, vua nói: “lành thay, nếu ni Tăng già mật đa và cây Bồ đề về đến đây, ta sẽ cho con xuất gia”. Lúc đó Ma hê đà dùng thần lực làm cho A phiêu xoa chỉ tong một ngày đến được bến cảng Câu la ở cõi Diêm phù đề, sau đó đi thuyền đến nước Ba tra lợi phất. Phu nhân A nậu la cùng năm trăm đồng nữ và năm trăm cung nữ đều được thọ mười giới, đắp ca sa và ở riêng trong một trú xứ bên ngoài thành. A phiêu xoa đến gặp vua A Dục tâu rằng: “đại đứcMa hê đà bảo thần đến đây tâu với vua rằng: vua Thiên ái đế tu ở nước Sư tử có phu nhân tên A nậu la muốn xuất gia, nhưng không có thầy tế độ nên xin thỉnh ni Tăng già mật đa sang đó tế độ và xin cây Bồ đề mang về trồng tại nước Sư tử”, vua cho thỉnh ni Tăng già mật đa đến nói rằng: “anh con và cháu Tu Ma Na đều đã ra đi, ta như người bị chặt mất tay chân, đã lâu không gặp họ, ta rất buồn nhớ nhưng còn gặp con, ta cũng tạm vui; nay con lại ra đi chắc là ta buồn chết mất, hay là con đừng đi”, Tăng già mật đa nói: “việc anh con bảo làm, con không thể không làm, vì vậy con phải đi”, vua nói: “nếu vậy thì con nên đi cùng với cây Bồ đề”, Tăng già mật đa hỏi cây Bồ đề ở đâu, vua đáp là ở tại A lan nhã. Lúc đó vua muốn chiết cây Bồ đề nhưng không thể dùng dao chặt được nên hỏi đại thần Đề bà, Đề bà nói nên hỏi các Tỳ kheo, vua thỉnh chư Tăng thọ thực rồi hỏi: “có thể chiết cây Bồ đề đưa sáng nước Sư tửtrồng được không?”, tôn giả Mục kiền liên Đế tu đáp: “được, vì sao, vì khi Phật sắp nhập niết bàn có dặn dò năm việc: một là đời vị lai có vua A Dục chiết cây Bồ đề đưa sang nước Sư tử thì nên lấy cành Bồ đề ở hướng Nam mang đi, không cần dùng dao chặt mà cành tự nhiên đứt ra, lấy để trong chậu bằng vàng; hai là nếu cây Bồ đề thật của ta thì cây sẽ rời khỏi chậu bay lên hư không và đi trong mây; ba là bảy ngày sau cây tự hiện xuống trở lại trong chậu, sanh trưởng tươi tốt đầy lá và kết trái, trái màu vàng ròng với nhiều thần biến không thể nói hết; bốn là cây Bồ đề đưa sang nước Sư tử, khi bắt đầu trồng sẽ có nhiều thần biến hiện ra; năm là một đấu xá lợi của ta mang đến nước Sư tử sẽ hiện đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp sáng hơn cả nhật nguyệt, như ta còn tại thế”, vua nghe rồi liền đi bộ đến chỗ cây Bồ đề. Lúc đó có thợ khéo của vua trời Đế thích tên là Tỳ xá hóa thành thợ rèn ở trước vua, vua đưa vàng bảo làm thành chậu vàng, thợ hỏi làm chậu cỡ nào, vua nói hãy tự biết, thợ trời dùng thần thông lực nặn thành cái chậu rộng chín khuỷu tay, cao năm khuỷu tay dày tám tấc, miệng chậu viền tròn như vòi voi chúa. Vua A Dục cùng đoàn tùy tùng với ngàn xe ngàn ngựa dài bảy do tuần, rộng ba do tuần, cờ xí rợp trời và các Tỳ kheo cùng đi đến chỗ cây Bồ đề. Đến nơi mọi người chiêm ngưỡng cây Bồ đề, cây bỗng hiện thần lực làm cho cả cây biến mất, chỉ còn một cành dài bốn khuỷu tay; vua vui mừng lễ bái cúng dường rồi bạch Tăng: “nếu Trẫm được phép lấy cành Bồ đề này đưa sang nước Sư tử thì cây Bồ đề sẽ hiện trở lại như cũ”, vua phát nguyện xong, cây hiện lại như cũ. Vua cho làm tòa sư tử rồi đặt chậu vàng lên tòa và nguyện: “nếu cây Bồ đề chấp thuận đưa sang nước Sư tử với lòng thành tín của con, thì cành Bồ đề kia tự rơi vào trong chậu vàng này”, vua vừa nguyện xong, cành Bồ đề tự rơi vào trong chậu vàng, vua cầm bút vẽ với bột đá hùng hoàng vẽ mười nét lên chỗ cong của cành cây, chín nét vẽ rễ mọc ra, nét thứ mười vẽ cành cây rời ra. Rễ cây liền dài ra bốn tấc và có nhiều rễ con đan vào nhau như mạng lưới; cành lớn dài mười khuỷu tay có năm nhánh đều dài bốn khuỷu tay và có năm trái. Mọi người đều vui mừng ca ngợi, địa thần không thần cũng vui mừng truyền tin lên đến tận trời Phạm thiên, Phạm thiên vương vui mừng làm sấm chớp vang khắp hư không; dưới đất chim thú đều cất tiếng kêu vang. Lúc đó trái Bồ đề phát ra ánh sáng sáu màu, chiếu sáng cả thế giới Ta bà, cây Bồ đề bỗng bay lên đứng trên không trung bảy ngày, đại chúng chỉ thấy ánh sáng chứ không thấy cây; sau bảy ngày cây hiện xuống trở lại trong chậu vàng, thấy cây trở lại vua vui mừng cúng dường suốt bảy ngày, cúng dường xong vua nói với Tăng già mật đa là đã đến lúc lên đường. Vua cùng tám bộ quỷ thần, tám vị đại thần, tám vị Bà la môn, tám vị cư sĩ, tám vị Cụ ba già, tám vị Lộc la xa, tám vị Ca lăng già đưa cây Bồ đề đến bến cảng Đa ma tiêu; lại đưa theo tám vò vàng, tám vò bạc đựng nước để tưới cây Bồ đề. Vua đích thân bưng cây Bồ đề bước xuống nước, nước ngập đến cổ mới trao lại cho Tăng già mật đa ở trên thuyền rồi nói với A phiêu xoa: “này A phiêu xoa, tại nước này ta đã ba lần cúng dường cây Bồ đề, đích thân ta bưng cây bước xuống nước đến cổ mới đưa cây lên thuyền. Khi về đến quý quốc, khanh hãy tâu lại vua của khanh cũng phải đích thân lội xuống nước đến tận cổ để đón nhận cây Bồ đề và cúng dường như ta đã làm”, nói xong cho thuyền rời bến và nhìn theo. Thần biển hiện nhiều loại hoa theo sau thuyền để cúng dường, lúc đó long vương muốn đoạt cây Bồ đề mang xuống long cung, Tăng già mật đa hóa làm vua chim Kim súy, long vương thấy vậy liền hiện thân đảnh lễ bạch rằng: “xin cho con thỉnh đại đức và cây Bồ đề xuống long cung cúng dường bảy ngày”, bảy ngày sau Long vương đích thân đưa đại chúng và cây Bồ đề đến bến cảng Diêm phù câu na vệ chỉ trong một ngày. Lúc đó tại nước Sư tử, từ cửa thành phía Bắc ra đến bến cảng Câu na vệ đều được quét dọn sạch sẽ để chờ đón cây Bồ đề; Tăng già mật đa dùng thần lực làm cho vua ở trong thành thấy cây Bồ đề sắp đến, vua cùng đoàn tùy tùng rải hoa, tấu kỹ nhạc ra đến bến cảng nghinh đón; vua cũng lội xuống nước đến cổ để đón nhận cây Bồ đề và suy nghĩ: “cây Bồ đề của Phật đã đến nước ta rồi”, vừa nghĩ xong, cây Bồ đề phóng ra ánh sáng sáu màu, vua vui mừng đội cây Bồ đề lên đầu; lên bờ có mười sáu vị kỳ cựu quý tộc thay vua đội cây Bồ đề đưa đến trong vườn tháp. Khi vừa đặt xuống, cây liền bay lên hư không cao tám mươi khuỷu tay và chiếu ánh sáng sáu màu, mọi người thấy thần biến của cây như vậy, đều rất vui mừng cùng phát tâm niệm Phật, âm thanh vang lên tận cõi trời Phạm. Đến khi mặt trời lặn, cây Bồ đề như sao chổi từ trên hư không hiện lại xuống đất làm cho mặt đất chấn động mạnh. Mọi người đều tập trung đến cây Bồ đề, lúc đó ở cành cây phía bắc có một trái chín đang rời khỏi cành, mọi người đón lấy dâng cho Ma hê đà, Ma hê đà lấy hạt đưa cho vua trồng, vua đặt hạt vào trong chậu vàng phủ đất tốt và bột thơm lên, trong khoảnh khắc hạt mọc ra tám cây con cao bốn khỷu tay. Vua vui mừng lễ bái cúng dường rồi đem một cây trồng ở bến cảng Diêm phù câu na vệ, một cây trồng ở trong thôn Bà la môn Bạc câu la, một cay trống ở cửa Thu tiêu, một cây trồng ở trong vườn tháp, một cây trồng ở chùa Ma hê thủ la, một cây trồng ở giữa núi Chi đế da, một cây trồng ở thôn Lâu ê na, một cây trồng ở thôn Giai la. Bốn trái còn lại trên cây tuần tự chín và rụng xuống mọc lên cây con đầy khắp trong vườn tháp. Cây Bồ đề không bao lâu sau được trồng trong khắp đất nước Sư tử, nhờ thần lực của cây nên dân chúng đất nước này được an ổn không có tai họa.
Lúc đó phu nhân A nậu la cùng ngàn người nữ được Tăng già mật đa tế độ thành Tỳ kheo ni, không bao lâu sau đều chứng quả A-la-hán; A phiêu xoa, cháu của vua cùng năm trăm người xuất gia cũng tuần tự chứng quả A-la-hán. Một hôm, vua cùng Ma hê đà đến chỗ cây Bồ đề, vừa đến thiết điện, dân chúng dâng hoa cho vua, vua đem cúng dường Ma hê đà, Ma hê đà dâng hoa cúng dường thiết điện, lúc đó mặt đất bỗng chấn động, vua liền hỏi nguyên do, Ma hê đà nói: “vị lai sẽ có Tăng chúng thuyết giới tại thiết điện này nên mặt đất hiện điềm lành này”. Khi đến vườn xoài, có người dâng vua xoài chín thơm ngon, vua đem cúng dường Ma hê đà, Ma hê đà dùng xong đưa hạt cho vua bảo đem trồng, vua vừa gieo xuống đất tưới nước, mặt đất liền chấn động, vua hỏi nguyên do, Ma hê đà nói: “vị lai sẽ có Tăng chúng tập trung ở đây nên mặt đất hiện điềm lành này”. Khi đến núi Chi đế da, có người dâng hoa Chiêm bặc cho vua, vua đem cúng dường Ma hê đà và làm lễ, mặt đất lại chấn động, vua hỏi nguyên do, Ma hê đà nói: “vị lại tại nơi đây sẽ kiến lập tháp thờ Như lai nên mặt đất hiện điềm lành này”, vua nói: “trẫm sẽ xây tháp”, Ma hê đà nói: “vua không phải xây, vị lai sẽ có cháu vua tên là Mộc xoa già ma ni A bà da sẽ xây”, vua nói: “cháu của trẫm xây tháp thì trẫm có được phần công đức hay không?”, đáp là không được, vua liền làm phương tiện để được công đức là dựng một cột trụ cao mười hai trượng và khắc lên câu: vị lai, cháu của ta tên Mộc xoa già ma na A bà da sẽ xây tháp tại đây. Vua lại hỏi: “Phật pháp hiện nay đã đâm rễ vững chắc tại nước Sư tửchưa?”, đáp là chưa, lại hỏi bao giờ, đáp: “nếu người dân nước Sư tử xuất gia, cha mẹ cũng là người nước Sư tử,không lai người nước khác và sau khi xuất gia, họ thọ trì tạng luật, từ đó về sau, Phật pháp mới đâm rễ vững chắc tại nước này”, vua lại hỏi thêm cho rõ, Ma hê đà nói: “cháu của vua là A phiêu xoa xuất gia ở trong Phật pháp rất dõng mãnh tinh tấn, vua nên xây giảng đường cho chúng tăng tập họp”. Vua có đại thần tên Di già bàn trà, ở trong trú xứ của vị này, vua cho xây một giảng đường lớn giống như cung điện của vua A Xà Thế, nhờ oai lực của vua, không bao lâu sau được hoàn tất. Lúc đó vua suy nghĩ: “ta nên đến xem Phật pháp đâm rễ tại đất nước này”, nghĩ rồi cùng đoàn tùy tùng trăm ngàn người đi đến trong vườn tháp.