1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18

QUYỂN 10

Nói hiện tướng bảo lấy có năm là bằng mắt, bằng tay, bằng chân, lắc đầu và động thân, nếu lấy trộm được rời khỏi chỗ cũ kết phạm cũng giống như trên. Nếu bảo lấy trộm vật này mà lấy đúng thì cả hai đều phạm, nếu lấy trộm đúng vật mà được sai bảo thì người sai phạm khinh, người lấy phạm trọng. Nói chuyền sai bảo là như một thầy có ba đệ tử, một tên Phật đà lặc khí đa, hai tên Đàm ma lặc khí đa, ba tên Tăng già lặc khí đa; thầy bảo Phật đà lặc khí đa: “con đến bảo Đàm ma lặc khí đa và Tăng già lặc khí đa đi lấy trộm vật kia”, thì thầy phạm Đột kiết la, hai đệ tử kia được sai vâng lời đi lấy trộm thì thầy phạm Thâu lan giá, đến lấy được vật rời khỏi chỗ cũ thì cả bốn thầy trò đều phạm trọng. Nếu Phật đà lặc khí đa được thầy sai tìm không gặp Đàm ma nên đến bảo Tăng già lặc khí đa đi lấy trộm; nếu lấy trộm được vật rời khỏi chỗ cũ thì thầy phạm Đột kiết la, hai người đệ tử này phạm trọng, Đàm ma không tội. Nếu Tăng già lặc khí đa đến lấy trộm nhưng lấy được vật vì có người coi giữ, trở về báo lại thầy, thầy bảo hãy tìm cách lấy thì thầy phạm Đột kiết la, khi lấy được vật thì cả hai thầy trò này đều phạm trọng; nếu thầy bảo hãy lấy cho được, đây là lời quyết định trộm giống như ném vật trên không ắt phải rơi xuống đất thì thầy liền phạm Ba la di; nếu thầy bảo trộm, trộm chưa được thì thầy qua đời hay hoàn tục, sau đó đệ tử mới lấy trộm được thì đệ tử phạm trọng, thầy không phạm; nếu thầy bảo trộm, trải qua một thời gian vẫn chưa lấy trộm được thì đệ tử bịnh điếc, thầy không biết, do hối hận nên bảo đệ tử đừng lấy trộm nữa, vì điếc không nghe được nên đệ tử vẫn tiếp tục tìm cách lấy trộm, khi trộm được vật thì cả hai thầy trò đều phạm trọng; nếu đệ tử không điếc, nghe lời thầy không lấy trộm nữa thì cả hai chỉ phạm Đột kiết la.

Trong giới trộm phải hội đủ năm duyên mới thành tội trọng: một là vật có chủ, hai là tưởng vật có chủ, ba là vật quý trọng, bốn là có tâm trộm, năm là lấy vật rời khỏi chỗ cũ; nếu chỉ có một, hai duyên thì chỉ phạm Đột kiết la hay Thâu lan giá. Lại có sáu duyên khác: một là không phải tưởng của mình, hai là không phải tưởng của thân hữu, ba là không phải tưởng mượn dùng tạm, bốn là vật quý trọng, năm là có tâm trộm, sáu là lấy rời khỏi chỗ cũ. Nói không có chủ là không có người coi giữ, tưởng không có chủ, tưởng của mình, tưởng lấy tạm dùng, không có tâm trộm mà lấy vật của người khác thì không kết phạm; nếu chủ đòi nên trả lại, không trả lại thì phạm trọng. Nói tưởng của thân hữu là như Phật nói có năm loại thân hữu được lấy: một là bạn rất thân thiết, hai là bạn cùng ăn chung, ba là bạn nói lời thiện, bốn là bạn cùng ở chung, năm là bạn thấy mình lấy dùng thì hoan hỉ. Năm loại thân hữu này đối với mình không có tâm xẻn thì lấy dùng không phạm. Lại có ba loại thân hữu: một là cùng ở chung rất thân thiết, hai là cùng ăn chung, ba là cùng thọ dụng; do rất thân thiết nên lấy dùng của nhau đều hoan hỉ thì không phạm. Nếu đã là thân hữu, khi lấy dùng rất hoan hỉ, sau đó vì nhân duyên gì đó nên sanh tâm hối thì cũng không được đoạt lấy lại; hoặc tuy là thân hữu, tâm không muốn cho nhưng chưa nói ra lời là cho hay không cho, khi thấy lấy dùng dù có chê trách cũng không được đoạt lấy lại. Nếu thân hữu nói: “khi nào bạn cần cứ đến lấy dùng, khi nào tôi cần tôi sẽ đến lấy lại”, sau đó nếu có hiềm khích, đến đòi lại thì không phạm.

Nói mượn tạm dùng là dùng xong nên trả lại, nếu khi trả lại chủ nói khỏi phải trả lại thì cất giữ luôn không phạm. Nói lấy vật của quỷ thần là như của các loài rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, cho đến trời Tứ thiên vương hay vua trời Đế thích, nếu Tỳ kheo dùng thiên nhãn biết là vật của quỷ thần biến hóa ra thì lấy không phạm. Nói lấy vật của súc sanh là như thịt nai… của cọp, sói đang ăn thì Tỳ kheo không được lấy, vì nếu lấy, chúng nổi giận sẽ giết chết Tỳ kheo, nếu chúng ăn xong bỏ đi thì lấy không phạm. Nếu là vật phấn tảo lượm lấy thì không phạm, hoặc thấy vật treo trên cây không có người giữ, lấy cũng không phạm, nhưng nếu có chủ đến đòi thì nên trả lại, không trả thì kết phạm. Tội trộm kết phạm từ tâm, do tâm trộm nên tạo nghiệp nơi thân khẩu thành tội thế gian và nghiệp ác bất thiện; nếu phát khởi từ thân ý nghiệp là tự trộm lấy, nếu chỉ phát khởi từ khẩu nghiệp là bảo người lấy trộm, nếu phát khởi từ ba nghiệp là bao gồm tự trộm và bảo người trộm. Do tâm phàm phu thương duyên với dục, nếu Thánh nhân bỏ thân khẩu nghiệp chỉ kết tội từ tâm thì không ai có thể thoát được tội; do đó trong trong luật nói nếu không có tâm trộm thì không phạm, nếu vừa khởi tâm trộm mà chưa khởi ra nơi thân khẩu, biết tự khắc trách trở lại tâm tốt ban đầu thì cũng không kết phạm

Nói lấy vật của tử thi là Tỳ kheo lấy y phủ liệm tử thi, nói quỷ nhập là ngạ quỷ thấy y liệm quý giá nên nhập vào tử thi; khi Tỳ kheo lấy y này, ngạ quỷ nói đừng lấy y của tôi, Tỳ kheo vẫm lột lấy mang đi nên tử thi đứng dậy chạy theo đòi lại, Tỳ kheo này chạy vào trong chùa gần Thi lâm rồi đóng cửa lại, tử thi không vào trong đòi y được, ngạ quỷ xuất khỏi thân nên tử thi ngã xuống đất. Do việc này nên trong luật Phật chế ngăn các Tỳ kheo không được lột lấy y của người mới chết, nếu lấy thì phạm Đột kiết la, nếu lấy nơi tử thi đã thối rửa thì không phạm. Nói thối rả là ít nhất bị chim kên kên… dùng mỏ hay móng vuốt cào xé rách da thịt, nếu da thịt chưa bị rách thì không cho lấy; nếu muốn lấy y của người mới chết thì nên nhờ người coi giữ Thi lâm lấy đưa cho mình, nếu người này lấy đưa cho thì Tỳ kheo thọ không phạm.

Nói đổi thẻ là chúng tăng phát thẻ chia y, Tỳ kheo có tâm trộm muốn đổi lấy y tốt của người khác nên đổi thẻ… kết phạm giống như trước đã nói. Kẻ trộm lén vào nhà trộm lấy vật là giặc nhỏ, nếu có tâm trộm dối gạt người để lấy thì gọi là giặc lớn. Nếu dùng sức mạnh hay dựa vào thế lực áp bức người khác để đoạt lấy vật hoặc làm cân nặng đấu lớn để gạt lấy… kết phạm đều giống như trong luật đã nói.

Nói thề lấy có hai: một là vật thề, như Tỳ kheo muốn lấy trộm y thề là nếu được y như thế như thế mới lấy, không lấy vật khác; hai là chỗ thề, như Tỳ kheo mang vật giùm cho người khác, muốn lấy trộm vật này nên thề là khi mang đến chỗ đó sẽ lấy. Nói trộm lấy thức ăn là như Tỳ kheo đi đến chùa hoang, thấy cây ăn trái muốn lấy ăn thì phải đánh kiền chùy hoặc vỗ tay ba tiếng rồi lấy ăn thì không phạm, không làm như vậy mà lấy ăn thì phạm tội trộm. Nếu Tỳ kheo bị nạn giặc hay ác thú bỏ chạy vào chùa trong làng, thấy có thức ăn nấu sẵn và trái cây, nếu lấy trộm ăn thì tính giá tiền mà định tội. Nếu Tỳ kheo thấy thợ săn giăng bẩy bắt heo rừng, nếu có tâm trộm mở bẩy thả heo ra thì tính giá tiền mà định tội, nếu vì từ bi mà thả heo thì không phạm, nếu chù đòi bồi thường thì nên bồi thường; nếu khi thấy Tỳ kheo đi đến, heo tự vùng đứt dây chạy thoát thì Tỳ kheo không phạm. Nếu chủ dẫn chó săn rượt bắt heo rừng, Tỳ kheo khởi tâm từ xua đuổi chó cho heo chạy thoát thì không phạm, chủ đòi bồi thường thì Tỳ kheo nên bồi thường… như thế cho đến trường hợp gở bẩy thả nai, mở nôm thả cá… giống như trên suy ra nên biết.

Nếu Tỳ kheo lấy trộm dầu bơ… tính giá chưa đủ một phần (năm tiền) rồi khởi tâm hối, sau đó lại khởi tâm trộm đến lấy thêm nữa, tính giá cũng chưa đủ năm tiền, hối hận rồi lại lấy trộm nữa, nhiều lần như vậy tính tổng cộng có thể hơn năm tiền nhưng không phạm trọng, chỉ phạm Thâu lan giá là vì ở khoảng giữa có tâm hối; nếu ở khoảng giữa không có tâm hối thì phạm trọng.

Nếu khách Tỳ kheo đến chùa, cựu Tỳ kheo nên chia đều thức ăn cho khách cùng ăn, nếu có trái cây không chia, đợi khách đi rồi cựu Tỳ kheo mới chia để ăn thì phạm tội trộm; nếu cựu Tỳ kheo không chia cho trái cây, khách nên hỏi tịnh nhân rồi đánh kiền chùy tự chia đều rồi cùng ăn, không phạm. Nếu cựu Tỳ kheo có vườn cây ăn trái dùng cho bốn việc cần dùng trong chùa thì khách Tỳ kheo không được tự ý đánh kiền chùy chia lấy trái cây này. Nếu thí chủ cúng vườn cây ăn trái cho Tăng dùng vào bốn việc cần dùng như y thực, thuốc thang… thì Tăng không được lấy chia để ăn, nếu có tâm trộm lấy chia để ăn thì tính giá mà định tội. Nếu thí chủ cúng tiền hay vật báu dùng để làm phòng cho Tăng, Tăng lại hồi chuyển dùng cho việc ăn uống thì phạm Thâu lan giá và phải bồi thường lại; cho đến trường hợp cúng để may y cũng vậy. Nếu gặp thời buổi mất mùa đói kém, thức ăn uống khó được, Tăng muốn hồi chuyển tiền này dùng cho việc ăn uống để được an lạc trụ thì phải tác bạch yết ma, Tăng hòa hợp cùng thọ dụng thức ăn uống này thì không phạm. Nếu không có thí chủ tu sửa phòng xá, trong chùa có nhiều phòng thì nên giữ lại phòng tốt, phòng hư cũ nên phá dỡ ra đem bán để dùng cho việc ăn uống vì để thủ hộ trú xứ. Nếu thí chủ cúng vườn cây có nhiều cây ăn trái cho Tăng để dùng mua hoa hương đèn cúng Phật, tháp Phật và tu sửa phòng Tăng, Tăng được trích lấy một phần tiền này để thuê người coi giữ vườn;người giữ vườn được trích lấy một phần trái cây cúng Tăng, Tăng được thọ dùng trong phần lượng ấy, không được thọ quá. Nếu vườn không có hoa lợi thì Tăng được trích lấy tiền cúng tháp Phật hay tiền cúng Tăng trả công cho người coi giữ vườn. Nói lấy cây gỗ của Tăng là chỉ chung vật liệu bằng gỗ mà Tăng muốn dùng để làm nhà thuyết giới hay nhà ăn…, Tỳ kheo cần muốn mượn dùng thì phải bạch Tăng trước rồi mới được lấy, nhưng khi Tăng cần làm, đòi thì nên trả hoặc bồi hoàn theo giá. Nói lấy nước của Tăng là ở chỗ khan hiếm nước, Tăng phải đi đến nơi xa lấy nước về dùng hoặc nửa hay một, hai do tuần; do nước quý hiếm nên Tỳ kheo lấy trộm dùng riêng thì tính theo giá mà định tội. Nếu trong chùa có ba cái ao nước: một ao dùng cho việc ăn uống, một ao dùng để tắm, một ao dùng cho các việc tạp khác; nếu trong Tăng lập chế không được dùng lẫn lộn thì khách Tỳ kheo phải tuân theo chế định này, không được dùng lẫn lộn. Nếu tăng vận chuyển đất dùng để tu sửa phòng xá, điện Phật, Tỳ kheo lấy trộm dùng riêng thì phạm trọng; nếu cần dùng thì phải đợi Tăng làm việc tu sửa xong, bạch Tăng rồi mới được lấy dùng; cho đến đá, than và cỏ tranh cũng vậy. Nếu Tăng có ruộng cỏ tranh dùng để lợp nhà mà không có người coi giữ, Tỳ kheo nào phát tâm coi giữ thì được lấy dùng, nếu khi bỏ đi mà ruộng bị cháy thì Tăng cũng không trách hỏi. Nếu Tỳ kheo coi giữ này đến xin Tăng chia cho phần ruộng cỏ tranh, Tăng nên chia cho; nếu sau khi chia phần lại xin thêm, Tăng cũng nên chia cho thêm; nếu sau khi chia phần cho để coi giữ ruộng cỏ tranh, sau đó Tăng muốn lấy lại thì nên nói với người coi giữ: “thầy không cần phải coi giữ nữa, Tăng sẽ coi giữ”. Nếu Tỳ kheo lấy trộm giường… các loại vật nặng trong chùa; cho đến trong thiền phòng không có người coi giữ bị hư hoại, Tỳ kheo lấy trộm cây gỗ… đều tính theo giá mà định tội, vì là vật của Tăng dù có Tăng ở hay không có Tăng ở. Nếu chùa ở nơi hoang dã, có nạn giặc nên Tỳ kheo bỏ chùa đi tránh nạn, Tỳ kheo khác sau đó đến lấy vật của Tăng mượn dùng thì không phạm, nhưng nếu bỏ đi thì phải hoàn trả lại. Nếu ở trong chùa mượn dùng vật của Tăng như giường chiếu… mà làm hư hoại hay mất thì phải bồi thường.

Nói dùng thần thông lực đoạt lại người là tại nước Ba la nại có giặc đến cướp đoạt và bắt cóc trẻ con, Tỳ kheo quán thấy đứa con của thí chủ bị bắt liền dùng thần thông lực đoạt lại mang về cho thí chủ thì không phạm. Hết phẩm nói về Ba la di thứ hai. Về Ba la di thứ ba như kệ nói:

“Thứ ba nói ba tịnh,

Phật khéo phân biệt nói,

Gọi là Ba la di,

Sẽ nói rõ dưới đây”

Lúc đó Phật ở trong giảng đường Cao các, rừng Đại lâm, thành Tỳ xá ly. Tỳ xá ly là tên nước, dân cư đông đúc đã ba lần mở rộng, sở dĩ có tên này là do thuở xưa, đại phu nhân của vua nước Ba la nại có thai, báo cho vua biết, vua liền cho người hầu hạ tùy theo ý thích của bà. Đến ngày sanh, nếu là người có phước đức thì được sanh ra vào buổi sáng, sáng hôm đó bà sanh ra một cục thịt đỏ như hoa cẩn mộc; phu nhân khác của vua lại sanh được một trai tuớng mạo đoan chánh và có sắc như vàng ròng. Đại phu nhân liền suy nghĩ: “phu nhân khác sanh con đoan chánh, ta lại sanh ra một cục thịt không có tay chân, vua thấy sẽ khinh ghét”, nghĩ rồi bà đem bỏ cục thịt này vào trong một cái bồn, dùng tấm vàng mỏng đậy lên rồi dùng chu sa ghi chữ lên: đây là vật do đại phu nhân của vua nước Ba la nại sanh ra, lấy ấn của vua đóng vào rồi sai người đem thả xuống sông. Cái bồn này được quỷ thần thủ hộ nên không bị sóng gió làm chìm, lúc đó có một đạo sĩ sống nương người chăn bò ở ven sông, vào sáng sớm khi ra sông tắm rửa nhìn thấy cái bồn liền vớt lấy và nhìn thấy dòng chữ ghi trên ấy cùng dấu ấn của vua nên mở ra xem, thấy bên trong có cục thịt liền suy nghĩ: “cục thịt này đã lâu mà không hôi thối, ắt có sự lạ”, nghĩ rồi liền đem về chỗ ở và cẩn thận để một nơi. Nửa tháng sau, cục thịt này tách thành hai mảnh, nửa tháng sau hai mảnh này lại sanh ra năm bào, nửa tháng sau một mảnh thịt trở thành bé trai màu vàng ròng, mảnh kia trở thành bé gái màu bạc. Đạo sĩ yêu mến xem như con, do năng lực của tâm từ nên từ hai ngón tay cái của đạo sĩ chảy ra sữa, một ngón cho bé trai, ngón kia cho bé gái, sữa chảy vào bụng hai trẻ như nước trong chảy vào ngọc ma ni, trong ngoài đều trong suốt. Đạo sĩ đặt tên cho hai trẻ là Ly xa tử, vì nuôi hai trẻ nên đạo sĩ rất cực khổ, hằng ngày vào thôn khất thực cho mình và cho hai trẻ đến xế chiều mới về. Thấy đạo sĩ quá khổ cực vì hai đứa trẻ nên người chăn bò đến nói với đại sĩ: “người xuất gia chỉ nên hành đạo, vì sao lại vì hai đứa bé này mà bỏ phế việc tu tập, Ngài nên giao chúng cho chúng tôi nuôi”, đạo sĩ nói lành thay. Sáng hôm sau, người chăn bò cùng các bạn đi đến chỗ đạo sĩ đón hai trẻ về nhà nuôi, khi giao hai trẻ, đạo sĩ căn dặn: “hai trẻ này có phước đức lớn, các vị nên chăm sóc và nuôi bằng năm thứ là sữa, lạc, sanh tô, thục tô và đề hồ. Đến khi chúng khôn lớn cho chúng lấy nhau rồi tìm đến nơi rộng rãi tốt đẹp mà định cư, tôn bé trai làm vua, bé gái làm phu nhân”, những người chăn bò đem hai đứa trẻ về nhà nuôi dưỡng cho đến năm chúng được mười sáu tuổi thì tìm đến một nơi rộng rãi tốt đẹp để định cư và cho hai trẻ lấy nhau như lời đạo sĩ đã dặn bảo. Họ tôn lên làm vua và phu nhân, sau đó phu nhân này sanh đôi nhiều lần, số vương tử càng đông nên họ xây dựng thêm nhà cửa và mở rộng đất đai dần dần thành một nước gọi là Tỳ xá ly.

Nói giảng đường Cao các trong Đại lâm là giảng đường được xây trong Đại lâm với đầy đủ tiện nghi cúng cho Phật và Tăng; cây trong rừng này mọc tự nhiên kéo dài từnước Ca tỳ la vệ cho đến Tuyết sơn nên rừng được gọi là Đại lâm. Nói Phật dùng các phương tiện khen ngợi pháp quán bất tịnh và quán thân bất tịnh là quán từ tóc, da thịt gân xương… từ bảy lỗ trong thân đều chảy ra chất bất tịnh. Nói quán bất tịnh là quán thây chết sình trướng và quán nội ngoại thân đều là bất tịnh; nếu tư duy quán chiếu được đầy đủ mười tướng thì chứng được Sơ thiền, tâm được điều phục và khởi quán về khổ không vô ngã, đoạn trừ các phiền não chứng quả A-la-hán. Nói đầy đủ mười tướng: một là tâm lìa phiền não, hai là nhập chánh định, ba là tâm không xao động rất thanh tịnh, bốn là hoàn toàn tịch tĩnh, năm là nhất tâm không sanh các pháp khác, sáu là thuần nhất một vị, bảy là năm căn vui vẻ, tám là tinh tấn chuyên nhất vào một cảnh, chín là tăng tiến, mười là thành tựu hoàn toàn. Mười tướng này gọi là sơ thiện trong thiền thứ nhất, cực tĩnh trong Sơ thiền lại có ba tướng: một là lìa phiền não nên tâm tịnh, hai là do tâm tịnh nên nhập thiền, ba là an trụ tam muội. Trung thiện trong Sơ thiền là xả có ba tướng: một là tâm tịnh buông xả, hai là nhập trụ tịch tĩnh, ba là trụ vào một chỗ. Hậu thiện trong Sơ thiền là hỷ lạc có bốn tướng: một là không vượt qua các pháp đồng sanh; hai là hợp thành nhất vị, năm căn vui vẻ; ba là đủ tinh cầnliền sanh tâm hỷ lạc và làm cho hỷ lạc tăng trưởng; bốn là tăng tiến. Tỳ kheo nhờ quán pháp bất tịnh này, tâm sẽ ly dục, xả dục; ví như cái lông gà để gần lửa sẽ bị cháy thun lại, không thể duỗi ngay ra.

Lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo: “ta muốn tịch tĩnh một mình trong nửa tháng, ngoại trừ người đưa thức ăn đến, tất cả Tỳ kheo và bạch y đều không được đến quấy rầy vì người thích tu tập phước đức thìkhông thích nói chuyện nhiều”, do Phật dùng thiên nhãn quán thấy nghiệp báo của năm trăm Tỳ kheo đã đến, Phật không thể cứu được định nghiệp này nên phải nhập thất tịch tĩnh trong nửa tháng. Trong số năm trăm Tỳ kheo này, có vị còn là phàm phu, có vị đã chứng Tu đà hoàn hoặc Tư đà hàm hoặc A na hàm, A-la-hán; đối với các Thánh chúng thì gần chấm dứt sanh tử, nhưng đối với phàm phu thì vẫn còn chịu luân hồi. Do nguyên nhân này nên Phật dạy quán pháp bất tịnh để sanh tâm nhàm lìa ái dục, sau khi qua đời được sanh vào cõi tốt lành.

Tỳ kheo sau khi quán thân bất tịnh thấy thân này ô uế không sạch sẽ sanh tâm nhàm lìa, giống như thanh thiếu nữ ưa thích sạch sẽ, sau khi tắm rửa sạch sẽ, trang nghiêm thân bằng hương thơm với y phục đẹp, lại bị xác rắn quấn vào người sẽ sanh nhờm gớm muốn vất bỏ. Tỳ kheo cũng vậy, do sanh tâm nhàm lìa thân bất tịnh này, muốn vất bỏ nó nên bảo Sa môn Lộc trượng cầm dao giết mình. Lộc trượng sau khi giết các Tỳ kheo, máu đính nơi tay chân và dao, trong lòng nghi hối tự trách mình đã làm điều không thiện lợi, liền suy nghĩ: “ta nên đến sông Bà cầu để rửa sạch tội lỗi”, vì thế gian cho rằng nước sông Bà cầu có thể rửa sạch mọi tội lỗi. Lúc đó có một địa thần tà kiến vốn là bè đảng của ma vương, dùng thần thông lực đi trên nước đến trước Lộc trượng khen ngợi: “này lộc trượng, việc ông đã làm là rất tốt, ông đã độ những người chưa được độ”, Lộc trượng nghe rồi liền suy nghĩ: “vị thần này có thần lực lớn, đến nói lời này thì việc ta làm là thiện lợi, không phải là ác lợi”. Do nghĩ như vậy nên sau khi rửa sạch dao xong liền trở vào chùa đi đến từng phòng nói to rằng: “ai muốn được độ, tôi sẽ độ cho”, do nguyên nhân này mà Lộc trượng lần lượt giết chết tất cả năm trăm Tỳ kheo. Phật sau khi xuất dịnh, tuy biết nguyên nhân khiến cho năm trăm Tỳ kheo giết chết, nhưng vẫn hỏi A-nan nguyên do, vì muốn thuyết pháp cho các Tỳ kheo. A-nan không biết đây là nghiệp báo của năm trăm Tỳ kheo nên đáp: “lành thay Thế tôn, xin Phật hãy dạy cho các Tỳ kheo pháp quán khác để chứng được quả A-la-hán. Như biển lớn có nhiều sông nhỏ, pháp Phật cũng vậy, có nhiều pháp môn phương tiện như mười niệm, mười biến xứ…; cúi xin Thế tôn dạy cho các Tỳ kheo pháp môn tu khác”, Phật bảo A-nan: “thầy hãy đi thông báo cho các Tỳ kheo trụ tại thành Tỳ xá ly hoặc trong phạm vi một Già phù đà, hoặc nửa do tuần, một do tuần… đến tập họp trong giảng đường”, A-nan vâng lời Phật dạy đi thông báo, trong thời gian ngắn các Tỳ kheo đều đến tập họp đông đủ, A-nan bạch Phật biết thời, Phật bảo các Tỳ kheo: “ngoài pháp quán bất tịnh có thể chứng quả A-la-hán, còn có pháp A na ban na niệm là pháp thiền vô thượng có thể diệt trừ phiền não, các thầy hãy lắng nghe”.

Nói A na ban na niệm là pháp quán hơi thở ra vào, khiến tâm không còn loạn động, không giống như pháp quán bất tịnh thường làm cho tâm loạn vì sanh nhàm lìa; như trong luật nói pháp quán này tịch tĩnh vi diệu, khi mới phát tâm tu tập đã không có não loạn nên được Phật khen ngợi, chánh niệm hiện tiền sẽ được an lạc trụ, diệt trừ phiền não tùy chứng bốn đạo quả. Ví như vào giữa mùa xuân, nửa tháng không mưa, voi ngựa… sãi bước làm cho bụi bay đầy trên không trung; vào tháng năm đầu hạ, mưa to gió lớn thổi bay hết bụi. Pháp quán A na ban na niệm cũng vậy, diệt trừ phiền não như mưa gió làm tan hết bụi; Tỳ kheo với thiện tâm xuất gia vì đạo nên ở nơi tịch tĩnh, dưới gốc cây nơi núi rừng tu tập pháp quán này, tâm sẽ được an tịnh.

Nói nơi tịch tĩnh là nơi xa lìa ồn náo; ví như người chăn bò muốn lấy sữa nơi bò mẹ, phải cột bò nghé vào cột trụ, bò nghé nhớ sữa nên dậm chân và kéo dây liên tục, do dây chắc, cột cứng nên bò nghé không thoát ra được, đứng dựa cột mà thở. Tỳ kheo cũng như người chăn bò, bò mẹ là tụ lạc, tâm là bò nghé, sữa là năm dục, cột trụ là nơi A lan nhã, dây cột là pháp quán A na ban na niệm. Nếu Tỳ kheo không xa lìa tụ lạc ồn náo thì khó tu tập pháp quán A na ban na niệm, phải trụ nơi tịch tĩnh tu tập mới được thành tựu và chứng nhập đệ tứ thiền, kế khởi quán về khổ không vô ngã, nếu thành tựu sẽ chứng quả A-la-hán. Ví như thầy địa lý biết phân biệt tướng tốt xấu của vùng đất nào có thể xây dựng thành ấp, nếu vua nghe theo lời thầy địa lý thì sẽ được thiện lợi. Phật cũng vậy, biết phân biệt cảnh giới thiền và nơi nào thích hợp có thể nhập thiền để chứng được đạo quả. Ví như sư tử ẩn thân trong rừng rậm để rình bắt cầm thú, Tỳ kheo cũng vậy, trụ nơi A lan nhã quán hơi thở để được chứng quả, như kệ nói:

“Ví như sư tử vương,

Ẩn nấp trong núi rừng,

Rình bắt thú đến gần,

Tỳ kheo cũng như vậy,

Ẩn cư A lan nhã,

Tu pháp quán vô thượng,

Để chứng quả Sa môn”

Nói dưới gốc cây là ngồi hay kinh hành dưới gốc cây, nói chỗ tịch tĩnh là trừ dưới gốc cây và A lan nhã, những nơi yên tĩnh khác thích nghi cho việc tu tập pháp quán A na ban na niệm. Nói ngồi ngay thẳng là mười tám đốt xương sống ngay thẳng, nếu ngồi mà giãi đãi thì mau nhọc mệt và thối thiền; nói hệ niệm trước mặt là chánh niệm hiện tiền. Nói quán hơi thở ra vào là chánh niệm quán biết hơi thở dài hay ngắn, nhờ đó tâm được định, không còn động loạn; ví như voi, rắn… vì thân to dài nên hơi thở cũng dài, ếch vì thân ngăn nên hơi thở cũng ngắn. Tỳ kheo thiền quán cũng vậy, chánh niệm biết hơi thở dài ngắn nên tâm an lạc, nhờ an lạc nên hơi thở nhẹ nhàng, càng an lạc thì hơi thở càng nhẹ nhàng, càng nhẹ nhàng khó phân biệt thì sanh tâm xả. Kế quán biết ta thở ra toàn thân, quán biết ta thở vào toàn thân, quán biết hơi thở ra vào toàn thân hoặc dài hoặc ngắn trước, giữa và sau thảy đều hiện tiền. Khi mới tu quán, thấy hơi thở ra ban đầu thì không thấy hơi thở giữa và sau, muốn thấy cũng không thấy kịp; khi thấy hơi thở ra giữa thì không thấy hơi thở trước và sau; khi thấy hơi thở ra sau thì không thấy hơi thở trước và giữa. Nếu thấy hơi thở cả trước giữa và sau thì tâm không còn mệt mõi, được như vậy thì gọi là khéo quán hơi thở ra vào. Nếu quán hơi thở không dừng nghỉ thì hộ trì được ba nghiệp, gọi là học giới định huệ; được tâm định là định học, quán biết rõ giới định là huệ học, khi hệ niệm nơi ba học này được liên tục thìhơi thở ra vào diệt, tức là diệt hơi thở ra vào thô. Nói thô là khi mới nhập thiền, thân tâm mõi mệt nên hơi thở thô, khi thân tâm an lạc thì hơi thở sẽ nhẹ nhàng dần dần, đến nỗi sanh hồ nghi không biết ta có còn thở ra vào hay không. Như người leo núi cao, thân tâm mõi mệt nên hơi thở nặng nề, khi trở xuống núi đến chỗ bằng phẳng cáo ao nước và cây lớn, liền xuống ao tắm rồi đến ngồi nghỉ dưới gốc cây, thân tâm sảng khoái nên hơi thở cũng nhẹ nhàng. Tỳ kheo tu thiền quán cũng vậy, khi thân tâm chưa điều phục thì hơi thở ra vào thô, khi chánh niệm hiện tiền thì hơi thở nhẹ nhàng dần dần, như kệ nói:

“Thân tâm quá mệt nhọc,

Thở ra vào cũng thô”

Thiền thứ nhất thô, thiền thứ hai tế, thiền thứ ba tế hơn, thiền thứ tư là định; nếu thiền thứ ba thô thì thiền thứ tư tế, đây là chỗ tột cùng của hơi thở ra vào. Nếu không nhiếp niệm thì hơi thở ra vào thô, nếu nhiếp niệm thì hơi thở ra vào tế, khi nhập đệ tứ thiền thì hơi thở ra vào diệt, đây gọi là pháp quán Xa ma tha (chỉ). Nói Tỳ bà xá na là không nhiếp niệm thì hơi thở ra vào thô, nếu quán bốn đại thì thành tế; lại quán Ưu ba đà na sắc tế thì bốn đại thành thô; lại quán tất cả săc tế thì sắc bốn đại thành thô; lại quán vô sắc tế thì tất cả sắc thành thô; lại quán sắc và vô sắc tế thì vô sắc thành thô; lại quán nhân duyên tế thì sắcvà vô sắc thành thô; lại quán nhân và danh sắc tế thì nhân duyên thành thô; lại quán tướng quán Tỳ bà xá na tế thì nhân và danh sắc thành thô; quán tiểu Tỳ bà xá na tế thì tướng quán Tỳ bà xá na thành thô; quán đại Tỳ bà xá na tế thì tiểu Tỳ bà xá na thành thô… cứ như thế trước tế sau thô, thô tế Ba tát đề đã được nói trong Tam bạt đà.

Hỏi: thế nào là học hơi thở ra vào diệt?- quán niệm hơi thở ra vào và học hơi thở ra vào diệt thì thân tâm không nghiêng ngã dao động; tịch tĩnh rất vi tế như không còn thân thì gọi là học hơi thở ra vào diệt, như gió đứng yên. Nếu chưa thành tựu A na ban na niệm thì cũng chưa thành tựu pháp quán, người chưa được trí huệ thì chưa nhập được định này và cũng chưa xuất định này. Nếu học thành tựu hơi thở ra vào diệt thì như gió đứng yên không động, trí huệ liền khai phát, nếu nhập được pháp quán này thì cũng xuất được pháp quán này; ví như đánh vào đồ đồng, ban đầu phát ra tiếng lớn rồi nhỏ dần mất hẳn. Quán hơi thở ra vào cũng vậy, trước thô sau tế, nhẹ dần rồi mất hẳn nhưng vẫn còn ghi nhớ trong tâm thì tâm được định, tâm định là thành tựu pháp quán A na ban na niệm; người trí nhập được định này thì cũng xuất được định này. Như trong luật nói: hơi thở ra vào diệt rồi thì có thể theo niệm khởi lại gọi là tùy quán, quán biết hơi thở ra vào không phải là tùy niệm, tùy niệm cũng không phải là hơi thở ra vào, khởi quán thấy biết như thế thì có thể tuần tự chứng đạo quả. Người tu tập thiền quán phải thiện tâm trì giới thanh tịnh, nói trì giới thanh tịnh có ba: một là không phạm, hai là nếu có phạm liền sám hối trừ diệt, ba là không bị phiền não hoại; có thanh tịnh trì giới thì mới thành tựu chánh niệm. Kế phải khéo hành trì giới như xây cất tu sửa điện Phật, phòng Tăng, nhà thuyết giới…thì giới được đầy đủ, như kệ nói:

“Chỗ tịch tĩnh, lợi dưỡng,

Các nghiệp đủ là năm,

Lìa thân thuộc… các bịnh,

Thêm đọc tụng là mười”

Nếu lìa được mười pháp luyến mộ này thì mới có thể nhập định. Có hai pháp quán: một là nhất thiết quán, hai là nhiếp quán. Nói quán tất cả là trước khởi tâm từ quán Tỳ kheo tăng, kế quán trời người, đại trưởng giả, người thường và tất cả chúng sanh; cuối cùng quán bất tịnh và chết. Nói quán Tỳ kheo tăng trước là nếu tâm từ bao phủ trong Tăng thì được an lạc trụ; nói quán trời người, đại trưởng giả là nếu tâm từ bao phủ thì họ sẽ hành theo pháp thiện; nói khởi tâm từ quán người thường là vì đồng pháp hạnh nên không não hại nhau; nói tâm từ quán tất cả chúng sanh là muốn họ không có khổ nạn. Nói quán chết là để tăng lòng bi mẫn, không có biếng nhác; nói quán bất tịnh để lìA Dục và tất cả ác pháp. Đây gọi là quán tất cả; nói nhiếp quán là tùy ý tu tập ba mươi tám pháp quán cho liên tục. Nếu trì giới thanh tịnh và xa lìa các duyên sự thì có thể nhập định A na ban na, nhờ đây nhập được đệ tứ thiền, kế quán khổ không vô ngã. Tu quan như vậy rồi đến hỏi vị A-lahán, không có A-la-hán thì đến hỏi vị A na hàm… như thế cho đến vị đã đắc thiền định. Sở dĩ nên đến hỏi là vì muốn được họ chỉ dạy, như noi theo dấu chân voi thì sẽ tìm ra đường đi, không bị lạc lối. Vị này với tâm bi mẫn sẽ lấy năm phẩm chỉ dạy, đó là thủ, vấn, khởi, trước và tướng; nói thủ là lấy pháp thiền định, nói vấn là hỏi theo thứ lớp, nói khởi là khởi pháp thiền định, nói trước là trụ nơi pháp thiền định, nói tướng là phân biệt tướng mạo của pháp thiền định. Khi nương thầy tu tập theo năm phẩm này, người tu thiền chớ xúc não thầy, đối với thầy nếu thấy thiện thì ở lại, nếu thấy bất thiện thì dời đi nơi khác, người không có trí huệ thì ở cách thầy một do tuần, người có trí huệ thì được ở xa hơn, nên ở năm chỗ thiện và lánh xa mười tám chỗ bất thiện. Người tu thiền nên dứt bỏ các duyên sự nhỏ nhặt, hằng ghi nhớ pháp A na ban na niệm này trong tâm tuần tự theo bảy giai đoạn:

1. Sổ: tức là đếm hơi thở từ một đến năm thì không được chỉ đếm đến ba bốn; hoặc từ một đến mười thì không được chỉ đếm đến tám chín.

2. Tùy: tức là theo dõi hơi thở ra vào.

3. Xúc: tức là nơi hơi thở ra vào.

4. An trí: tức là để tâm nơi hơi thở ra vào để quán.

5. Quán hoàn: tức là quán đếm hơi thở trở lại – Tịnh: tức là tâm thanh tịnh – Lịch quán: quán thấy tướng thiền.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Sa Di Thập Giới Nghi Tắc - Luật Tạng
  • Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 2 – Mười Giới Sa Di - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng