1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18

QUYỂN 12

2. – Đại tặc thứ hai là như có thiện Tỳ kheo biết tạng kinh, hoặc giải tạng luật, tạng luận, không mong cầu được thức ăn ngon, chỉ cốt nuôi thân, trì giới thanh tịnh, thuyết pháp cho người, đầy đủ oai nghi, vân du khắp nơi để hóa độ chúng sanh, được mọi người kính trọng làm cho Phật pháp được hưng thịnh. Lại có ác Tỳ kheo theo thiện Tỳ kheo này thọ học, sau đó đem điều đã học thuyết giảng cho người với ngôn từ hòa nhã, khiến mọi người thích nghe và khen ngợi là người thuyết pháp hay, lại hỏi học từ ai, đáp là tự biết chứ không học từ ai. Phật trải qua ba A tăng kỳ kiếp tu tập đủ các pháp Ba la mật, chuyên cần khổ nhọc như vậy mới chứng được diệu pháp này. Nếu Tỳ kheo tự khen mình là không học từ ai, tức là trộm pháp và dựa vào đó để mong cầu lợi dưỡng thì gọi là đại tặc thứ hai.

3. – Đại tặc thứ ba là như có Tỳ kheo tinh tấn trì giới đầy đủ, chứng được quả Tu đà hoàn… cho đến quả A-la-hán; có Tỳ kheo phàm phu khác tự xưng mình thanh tịnh và vì ganh ghét nên đem pháp Ba la di không căn cứ vu báng vị Tỳ kheo thanh tịnh này, thì gọi là đại tặc thứ ba.

4. – Đại tặc thứ tư là như Phật bảo các Tỳ kheo: “có năm loại trọng vật không được đem cho người, cũng không được phân chia, dù đó là Tăng hay chúng hay một người; ai cho hay phân chia thì phạm Thâu lan giá. Năm trọng vật gồm có vườn ruộng, đất đai, vật bằng gỗ, vật bằng sắt, vật bằng đất hay gốm sứ”, nếu Tỳ kheo đem loại vật trọng này cho để lấy lòng bạch y, mong họ chỉ cúng dường mình, không cúng dường người khác thì phạm Ô tha gia, gọi là đại tặc thứ tư.

5 – Đại tặc thứ năm là nếu Tỳ kheo lấy vật của Tăng xem như là của mình hoặc hồi chuyển về cho mình, thọ dụng rồi đem cho người thì phạm Thâu lan giá, gọi là đại tặc thứ năm; nếu lấy với tâm trộm thì tính theo thời giá mà kết tội.

Nói pháp Thánh lợi là tự mình không có pháp Thánh lợi mà nói là có chứng có đắc pháp Thánh lợi thì gọi là đại tặc, vì vàng bạc vật báu có thể trộm được, chứ pháp này rất vi tế không thể trộm được. Sở dĩ gọi đại tặc là vì nói hư dối không thật để được nhiều lợi dưỡng, tức là trộm thức ăn của tín thí; như thợ săn muốn đến gần bắt giết nai, phương tiện dùng cây cỏ quấn thân, nai nhìn thấy cho là cây cỏ nên đến gần và bị bắt. Tỳ kheo ác cũng vậy, không phải A-la-hán mà dối xưng là A-lahán, hiện tướng A-la-hán; thí chủ có tín tâm cho là thật A-la-hán nên cúng dường, nếu thọ lấy thức ăn này là trộm của tín thí, như kệ nói:

“Ngoài mặc y ca sa,

Trong hành pháp bất tịnh,

Người đã hành ác pháp,

Chết đọa vào địa ngục,

Thà nuốt hoàn sắt nóng,

Cháy ruột gan mà chết,

Nếu đã phá giới rồi,

Không thọ của tín thí”.

Sau khi quở trách các Tỳ kheo ở sông Bà cầu xong, Phật kết giới căn bản Ba la di thứ tư cho các Tỳ kheo, sau đó tùy kết thêm câu trừ Tăng thượng mạn. Nói tăng thương mạn là người tu thiền, nhờ lực của Xa ma tha và Tỳ bà xá na mà phiền não tạm dừng, do phiền não tạm dừng, tưởng mình đã chứng đã đắc pháp Thánh lợi nên sanh mạn, gọi là hạng tăng thượng mạn.

Hỏi: đối với hạng người nào thì khởi mạn, đối với hạng người nào thì không khởi mạn?- đối với bậc Thanh văn A-la-hán thì không khởi mạn vì đã đắc quả, tất cả phiền não đã diệt trừ, dùng tuệ quán biết việc nên làm mình đã làm xong. Đối với người còn hồ nghi không biết mình đã thật chứng bốn đạo quả chưa thì không khởi mạn; đối với người phá giới cũng không khởi mạn vì tự biết mình không được pháp phần, như người ngồi thiền mà thích ngủ thì không thể khởi mạn. Người khởi mạn là người thanh tịnh trì giới tu thiền định, khi nhập thiền được đủ ba tưởng, nhờ lực của hai pháp tu Xa ma tha và Tỳ bà xá na mà phiền não không khởi, tưởng mình chứng quả nên sanh tăng thượng mạn, nói ta là A-la-hán; lời nói này không phải là hư dối không thật nên Phật nói trừ tăng thượng mạn.

Hỏi: nói tuệ nhãn thì tuệ và nhãn là một hay là khác?- là một, tuệ tức là nhãn, nhãn tức là tuệ.

Nói mình được pháp hơn người là như nói tôi thấy như vậy, biết như vậy… bắt đầu từ việc đắc pháp thiền, nếu người nghe hiểu được thì liền phạm trọng. Nói dù có người hỏi hay không có người hỏi là như có người gạn hỏi: “thầy đắc pháp thiền định tam muội giải thoát này vào lúc nào, tại đâu?”, hoặc hỏi: “thầy được ba tưởng vế khổ không vô ngã là nhờ tam muội hay nhờ tuệ quán, nhờ sắc hay vô sắc, nhờ nội sắc hay ngoại sắc?”, hoặc hỏi: “thầy nói đã diệt trừ phiền não là đã diệt được mấy phiền não, còn lại mấy phiền não; thầy đã dùng đạo gì để diệt, dùng đạo Tu đà hoàn hay Tư đà hàm?”, nếu Tỳ kheo thật đã chứng được pháp hơn người với tuệ nhãn sẽ thấy pháp mà mình thật chứng rõ như lòng bàn tay, thì sẽ trả lời được những câu hỏi trên; người chưa thật chứng thì mê loạn trước câu hỏi nên không trả lời được. Đối với người thật chứng A-la-hán được ái tận, do trụ lâu trong giới định huệ, không có giãi đãi, tinh tân không thối chuyển, không còn nhiễm đắm nơi bốn việc cúng dường, xem chúng như hư không, thì những câu gạn hỏi trên không thể nào khủng bố họ được. Người không có thật chứng muốn cho người khác biết mình có chứng mới nói lời hư dối hoặc hiện tướng, sau đó muốn mình được thanh tịnh nên nói là tôi thật không biết, không thấy… là tự biết mình phạm Ba la disẽ bị đọa địa ngục, như kệ nói:

“Sa môn không trì giới,

Chết phải đọa địa ngục”

Vì vậy nếu Tỳ kheo tự thấy mình không thể trì giới đầy đủ thì hoàn tục làm bạch y, thà làm cư sĩ giữ năm giới mà thanh tịnh thì đối với niết bàn giải thoát sẽ không có chướng ngại; ngược lại nếu đã phạm Ba la di thì đối với việc sanh lên cõi trời còn khó, huống chi là chứng đắc niết bàn.

Nói hư dối chứng được pháp thiền là nhưnói chứng được Sơ thiền…cho đến tứ thiền, hoặc nói chứng pháp quán bất tịnh, pháp A na ban na niệm…, hoặc nói tôi đã lìa phiền não, đã ly dục, hoặc nói chứng ba đạt trí, lục thần thông, được biện tài vô ngại thì đều phạm trọng Ba la di. Nếu nói chứng Diệt tận định thì không phạm trọng vì định này không phải định của Thánh nhân, cũng không phải định của phàm phu. Nếu nói tôi đắc quả Tu đà hoàn từ thời Phật Ca Diếp thì không phạm trọng, vì Phật kết giới ở đời này không phải đời quá khứ. Nói hư dối có đủ ba tướng mới phạm trọng: một là khi khởi nghĩ muốn nói dối; hai là nghĩ rồi nói ra lời, người nghe nhận hiểu; ba là sau khi nói rồi tự biết là mình nói dối. Nếu trong ý nghĩ muốn nói dối nhưng khi nói ra lời lại nói thật thì không thành nói dối, vì chỉ mới khởi tâm mà tâm niệm thì khởi diệt từng sát na, niệm trước không phải là niệm sau, niệm sau không phải niệm trước. Tuy nói đủ ba tướng mới phạm trọng nhưng trong ba tướng thì tướng đầu tiên là nhân chính để kết tội. Như khởi tâm muốn nói dối mình chứng đắc Sơ thiền, nhưng khi nói ra lời lại nói là đắc nhị thiền… cho đến tứ thiền, tứ quả; người nghe hiểu được thì đều phạm trọng, nếu không hiểu thì phạm Thâu lan giá.

Nói phương tiện chuyển là như nói với bạch y rằng: “người thọ đàn việt tên _ cúng dường y thực, phòng xá… đều là người đã chứng quả A-la-hán; tôi đã thọ đàn việt ấy cúng dường”, do không tự nói tên mình nên phạm Thâu lan giá, nếu thí chủ không hiểu thì phạm Đột kiết la. Trường hợp không phạm là trừ hạng tăng thượng mạn, nếu là lỡ lời không cố ý nói dối cũng không phạm, nếu thật có chứng đắc nói với người đồng ý thì cũng không phạm, người phạm đầu tiên do Phật chưa kết giới nên không phạm và những người điên cuồng tâm loạn đều không phạm. Nhân duyên bổn khởi của giới này là từ thân, khẩu ý thuộc tánh tội.

Nếu Tỳ kheo khởi nghĩ: “nếu ta nói ta đến ở nơi A lan nhã, họ sẽ tưởng là ta chứng được Tu đà hoàn cho đến A-la-hán, ta sẽ được nhiều lợi dưỡng”, vừa khởi nghĩ như vậy liền phạm Đột kiết la, bước chân đến A lan nhã mỗi bước đều phạm Đột kiết la, sau đó có người tưởng như vậy hay không và có được lợi dưỡng hay không đều phạm Đột kiết la. Nếu Tỳ kheo hành pháp đầu đà suy nghĩ: “ta không nên ở trong tụ lạc, nên ở nơi A lan nhã là nơi thanh tịnh, ta mới chứng được đạo quả; nếu đến A lan nhã rồi mà không chứng được A-la-hán thì ta sẽ không rời khỏi chỗ ấy”, hoặc nghĩ: “Phật khen ngợi Tỳ kheo sống nơi A lan nhã, các bạn đồng học thấy ta trụ nơi A lan nhã cũng sẽ thích trụ”, nghĩ như vậy thì không phạm. Nếu Tỳ kheo suy nghĩ: “ta muốn vào tụ lạc khất thực, hiện tướng đã được pháp Thánh lợi…” thì phạm Đột kiết la, nhưng nếu suy nghĩ: “ta muốn vào tụ lạc khất thực, các bạn đồng học thấy ta mang bát khất thực sẽ khen ngợi đây là pháp chân thật của Như lai, nếu không hành theo thì rất hổ thẹn”, thì không phạm. Nếu Tỳ kheo ở chỗ vắng vẻ không người tự nói ta chứng A-la-hán thì phạm Đột kiết la; nếu Tỳ kheo bịnh khổ nói rằng: “người khác không thể chịu đựng được nhưng tôi có thể chịu đựng được bịnh khổ này” thì không phạm, nhưng nếu nói: “kẻ phàm phu không thể chịu đựng được, chỉ có tôi mới chịu đựng được bịnh khổ này” thì phạm Thâu lan giá. Nếu Bà la môn tín tâm gặp Tỳ kheo chào hỏi: “thiện lai A-la-hán”, khi đem thức ăn ra cúng dường cũng nói: “lành thay A-la-hán”, do tín tâm nên gọi Tỳ kheo là A-la-hán, Tỳ kheo thọ sự cung kính cúng dường này không phạm, nhưng trong kinh Phật nhắc nhở các Tỳ kheo: “khi thọ sự cung kính cúng dường như vậy nên sanh tâm hổ thẹn, siêng năng hành đạo để cầu chứng quả A-la-hán”. Nếu Tỳ kheo nói: “tôi đã dứt pháp thế tục”, hoặc nói: “tôi đã xa lìa pháp bạch y”, do không phải tự khen nên không phạm. Nếu trong Tăng lập chế người nào ra khỏi chùa trước tiên, người ấy là A-la-hán; nếu Tỳ kheo muốn cho người khác tưởng mình là A-lahán nên cố ý đi ra khỏi chùa trước thì phạm Ba la di; nếu có duyên sự liên quan tới thầy hay cha mẹ hoặc do Tăng sai nên ra khỏi chùa trước thì không phạm; nếu là Ái tận Tỳ kheo vì có duyên sự gấp khi ra khỏi chùa hiện tướng A-la-hán hoặc dùng thần lực để đi đều không phạm. Nếu Tỳ kheo ở A lan nhã lập chế người nào ngồi dưới gốc cây này hoặc kinh hành nơi này, người ấy là A-la-hán; nếu Tỳ kheo muốn người khác tưởng mình là A-la-hán nên đến ngồi dưới gốc cây đó hoặc kinh hành nơi đó thì phạm Ba la di. Nếu trong Tăng lập chế trong ba tháng hạ an cư không được cùng nói chuyện, không được ngủ nghỉ và không thọ thí chủ cúng dường thì lập chế này là phi pháp, Tỳ kheo không tuân hành theo không phạm.

Lúc đó tôn giả Mục kiền liên xuất gia được bảy ngày thì đắc đạo quả, bỗng mĩm cười; trưởng lão Lặc khư dật có thân tướng như Phạm vương, cùng một ngàn Phạm chí khác đồng là thiện lai xuất gia đắc giới cụ túc, nhờ nghe kinh Kim quang minh mà chứng quả A-la-hán, khi thấy Mục kiền liên mĩm cười liền hỏi nguyên do, Mục kiền liên nói là đã nhìn thấy các chúng sanh có thân hình như bộ xương không có da thịt…, các Tỳ kheo nghe rồi liền quở trách Mục kiền liên là nói hư dối không thật, Mục kiền liên nói: “nếu trưởng lão muốn biết xin hãy hỏi Phật trước”, Phật nói Mục kiền liên đã thấy bằng tuệ nhãn.

Hỏi: vì sao tôn giả Mục kiền liên thấy các ngạ quỷ chịu khổ báo như vậy, không khởi tâm từ bi mà lại mĩm cười?- vì lúc đó tôn giả suy nghĩ: “nhờ thần lực của Phật và với tuệ nhãn, ta mới thấy được chúng sanh vi tế như thế, như khổ báo của các ngạ qủy này, ta đã được thoát khỏi, ta được thiện lợi, nhân duyên quả báo thật không thể nghĩ bàn”, do nghĩ về mình nên mới mĩm cười. Lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo: “ta đã từng thấy các chúng sanh như vậy, khi ngồi dưới cội Bồ đề chứng được Nhất thiết trí, ta đã thấy có vô lượng vô biên chúng sanh ở những trú xứ không thể nghĩ bàn trên thế giới, như nhìn trái xoài trong lòng bàn tay”. Nói ngạ quỷ có thân hình như bộ xương, không có da thịt bị chim mỏ sắt rượt đuổi mổ cắn nên kêu gào… là do trong quá khứ làm người giết bò hoặc giết nai, heo…, giết rồi lóc thịt đem bán, còn lại bộ xương đem treo trên móc; hoặc xẻ thịt làm thịt khô treo trên móc… do làm nghiệp ác này nên sau khi chết đọa vào địa ngục chịu khổ báo, do dư nghiệp chưa hết nên sau khi ra khỏi địa ngục phải thọ thân ngạ quỷ này. Nói ngạ quỷ có âm tàng lớn như cái lu là do đời trước làm trưởng thôn xử đoán việc không lương thiện, nhận tài vật đúc lót thì che giấu tội cho họ, không được đúc lót thì vô tội cũng xử thành có tội; sau khi chết đọa vào địa ngục chịu khổ báo, do dư nghiệp chưa hết nên sau khi ra khỏi địa ngục phải thọ thân ngạ quỷ này. Như thế cho đến các ngạ quỷ có thân hình hôi hám, lở loét, không có da thịt… đều là do dư nghiệp chưa hết nên sau khi ra khỏi địa ngục phải thọ thân ngạ quỷ như thế.

Trường hợp Mục kiền liên nói suối nước nóng bắt nguồn từ núi Tỳ bà la, bị các Tỳ kheo quở trách là nói hư vọng không thật, được Phật giải thích là do nước sông này chảy ngang qua hai địa ngục nóng tên là Hoạch thang, hơi nóng từ địa ngục này bốc lên làm cho nước sông sôi sục thành suối nước nóng như thế. Như thế cho đến các trường hợp Mục kiền liên nói vua Bình sa đánh nhau với các Ly xa tử bị thua trận và trong thiền định nghe tiếng voi rống, như trong luật bổn đã nói đều là do tuệ nhãn thấy biết được mà nói nên không phạm. Có hai loại tiếng voi rống: một là voi nhỏ muốn qua sông thấy nước sâu nên kinh sợ rống lên, hai là voi lớn được xuống nước nên sung sướng rống lên. Trường hợp Tỳ kheo Nghiêm hảo nhớ được năm trăm kiếp của quá khứ, đây là một đời nối tiếp nhau nhưng không nhớ biết lúc chuyển sanh, được Phật ngợi khen là bậc nhất nhớ về quá khứ. Vị này trong quá khứ chứng được thiền thứ tư của ngoại đạo, sau khi qua đời sanh lên cõi Vô sắc, hết tuổi thọ lại từ cõi này sanh xuống cõi người, xuất gia trong Phật pháp, chứng ba đạt trí và nhớ được năm trăm kiếp trong quá khứ của mình mà nói ra nên không phạm.

Trong Ba la di có tất cả hai mươi bốn loại: Tỳ kheo có bốn, Tỳ kheo ni có tám trong đó có bốn pháp đồng và bốn pháp không đồng với Tỳ kheo, lại thêm mười một hạng người không đăc giới: một là huỳnh môn, hai là phi nhân, ba là người hai căn, ba hạng người này không chướng ngại việc sanh thiên, nhưng chướng ngại việc chứng đạo quả nên gọi là Ba la di (Bất cọng trụ); bốn là tặc trụ, năm là phá nội ngoại đạo, sáu là giết cha, bảy là giết mẹ, tám là giết A-la-hán, chín là hoại tịnh hạnh Tỳ kheo ni, mười là làm thân Phật chảy máu, mười một là phá hòa hợp Tăng; trong đây ba hạng tặc trụ, phá nội ngoại đạo, hoại tịnh hạnh ni đều không chướng ngại việc sanh thiên nhưng chướng ngại chứng đạo quả; năm hạng giết cha…cho đến phá hòa hợp Tăng, do phạm tội nghịch nên chướng cả hai việc sanh thiên và chứng đạo quả. Nói Bất cọng trụ là không được ở chung cùng thuyết giới bố tát, tự tứ và làm các yết ma khác. Hết phẩm Ba la di

“Hết phẩm Ba la di,

Kế đến mười ba pháp,

Các vị hãy lắng nghe,

Nghia của mười ba pháp”

Lúc đó Phật du hành đến thành Xá vệ, nói lúc đó là chỉ cho lúc Phật kết giới, nói du hành là bao gồm bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi. Xá vệ là tên của đạo sĩ, thuở xưa có một đạo sĩ trụ nơi đây, có một vị vua thấy được sự tốt đẹp của vùng đất này nên đến xin đạo sĩ cho kiến lập thành ấp để lập quốc nơi đây và lấy tên đạo sĩ làm tên thành. Xá vệ còn có nghĩa là nhiều, do trong nước này quy tụ hết những vật quý hiếm của các nước khác, như kệ nói:

“Thành Xá vệ rất đẹp,

Người ngắm không biết chán,

Đủ mười loại âm nhạc,

Có tiếng mời ăn uống,

Phồn thịnh, nhiều vật quý,

Như cung trời Đế thích”

Tỳ kheo Ca lưu đà di do tâm dục hừng thạnh, nhan sắc tiều tụy, thân thể hao gầy nên cố ý xuất tinh. Nói tâm loạn ngủ nghỉ là khi ngủ không chánh niệm, như trong kinh Phật bảo các Tỳ kheo nếu muốn ngủ trước phải nhớ nghĩ bây giờ là lúc nào và khi nào sẽ thức dậy, nên niệm Phật và nhớ nghĩ đến một trong mười thiện pháp rồi mới ngủ. Nói trừ trong mộng là vì Phật kết giới dựa trên thân nghiệp, không dựa trên ý nghiệp. Nói tinh có bảy loại, giải thích rộng ra thì có mười là xanh, vàng, đỏ trắng, màu vỏ cây, màu sữa…; nói xuất là rời khỏi chỗ cũ, tức là nơi eo lưng, nếu tinh rời khỏi chỗ cũ đi đến đường tiểu tiện và xuất ra thì Tỳ kheo phạm Tăng tàn; nếu do trời nóng, làm việc, đi lại hay bịnh tật mà tinh tự xuất thì không phạm. Có bốn trường hợp mộng:

1. – Mộng do bốn đại không điều hòa, như mộng thấy núi lở hoặc bay lên không trung, hoặc bị cọp sói… rượt, đều là cảnh hư vọng không thật.

2. – Mộng do việc đã gặp trước đó, như ban ngày gặp nam nữ… nên ban đêm nằm ngủ mộng thấy, cũng là cảnh hư vọng không thật.

3. – Mộng thấy thiên nhân, nếu mộng thấy thiện tri thức thiên nhân thì gọi là mộng điềm lành, nếu mộng thấy ác tri thức thiên nhân thì gọi là ác mộng

4. – Mộng tưởng là do tiền thân của người này nếu có phước đức thì mộng thấy điềm lành, như mẹ của Bồ tát mộng thấy voi trắng sáu ngà nhập vào hông bên phải mà thọ thai; nếu có tội nghiệp thì mộng thấy là ác mộng.

Hỏi: mộng tưởng này lúc đang mộng mà có thể phân biệt được thì không phải là mộng tưởng phải không?- cũng không ngủ, không thức; nếu nói ngủ mà thấy mộng thì trái với A tỳ đàm, nếu nói thức mà thấy mộng đang hành dục thì trái với luật – sao nói là trái?- nếu mộng thấy hành dục mà kết tội thì không có ai thoát tội cả, nên trong luật nói trừ trong mộng – nếu như vậy thì mộng này không thật?- không phải là không thật, vì như con khỉ ngủ nên có mộng – mộng là thiện, bất thiện hay vô ký?- cũng thiện, cũng bất thiện, cũng vô ký; như mộng thấy Phật nghe pháp là thiện, mộng thấy hành dục hay sát sanh là bất thiện, mộng thấy sắc xanh vàng… là vô ký – thấy mông như vậy thì có thọ quả báo không?- không thọ quả báo, vì sao, vì tâm nghiệp yếu không đủ sức chiêu cảm quả báo, nên trong luật nói trừ trong mộng. Nói Tăng già bà thi sa nghĩa là Tăng tàn, tức là Tỳ kheo phạm tội này nếu muốn được thanh tịnh phải đến trong Tăng xin cho pháp biệt trú, hành biệt trú xong lại xin cho hành pháp sáu đêm Ma na đỏa, hành Ma na đỏa xong mới xin Tăng cho xuất tội. Phạm tội này chỉ có Tăng mới trị được, không phải một, hai ba người có thể trị được nên gọi là Tăng già bà thi sa.

Nói nên biết phương tiện là biết ta đang xuất tinh là xuất nội sắc hay ngoại sắc hay cả nội ngoại sắc hay là trong hư không làm động. Nói thời khởi là có năm thời: một là khi dục khởi, hai là khi đại tiện khởi, ba là khi tiểu tiện khởi, bốn là khi gió động khởi và năm là khi trúng xúc chạm liền khởi. Nói khi dục khởi là khi tâm dục khởi thì nam căn cứng muốn thọ lạc nên xuất tinh, bốn thời kia cũng vậy; nếu cố ý làm xuất tịnh thì phạm Tăng già bà thi sa, nếu cố ý làm mà tinh không xuất thì phạm Thâu lan giá, nếu không cố ý mà tinh tự xuất thì không phạm. Có mười một trường hợp xuất tinh:

1. – Muốn thọ dục lạc nên xuất tinh là khi tâm dục khởi lên, muốn thọ lạc nên cố ý làm cho xuất tinh, nếu tinh xuất thì phạm Tăng già bà thi sa, nếu tinh không xuất thì phạm Thâu lan giá. Tỳ kheo khi nằm ngủ tâm tưởng dục nên làm phương tiện để thọ lạc thì phạm, vì vậy khi dục khởi nên quán bất tịnh để diệt dục, nếu ngủ với tâm thanh tịnh mà trong mộng xuất tinh thì không phạm.

2. – Khi đang xuất tinh thọ lạc là do trong mộng thấy hành dục nên xuất tinh, nếu liền tỉnh thức mà không động căn thì không phạm; nếu động căn để thọ lạc thì phạm.

3. – Sau khi xuất tinh thọ lạc là sau khi xuất tinh muốn thọ lạc nên tiếp tục động căn thì phạm.

4. – Dâm dục thọ lạc nên tinh xuất là khi tâm dục khởi xúc chạm người nữ để thọ lạc nên tinh xuất thì phạm.

5. – Xúc chạm thọ lạc nên xuất tinh là do 2 trường hợp nội xúc và ngoại xúc, nội xúc là sờ nắn căn để thọ lạc thì phạm; ngoại xúc là xúc chạm thân người nữ để thọ lạc thì phạm.

6. – Do gãi ngứa thọ lạc nên xuất tinh là do bị ngứa nên nam căn khởi, dùng tay gãi nên xuất tinh thì không phạm, nếu khi gãi động căn để thọ lạc thì phạm.

7. – Do thấy nên xuất tinh là do thấy thân người nữ, căn khởi nên xuất tinh thì không phạm, nếu động căn để thọ lạc thì phạm.

8. – Do ngồi nên xuất tinh là do ngồi nói chuyện với người nữ nơi khuất kín, tâm dục khởi nên xuất tinh thì phạm.

9. – Do nói chuyện nên xuất tinh là do ngồi với người nữ nơi chỗ khuất kín và nói những lời trăng gió thô tục nên xuất tinh thì phạm.

10. – Do tình thân nên xuất tinh là Tỳ kheo về nhà thăm cha mẹ anh chị em, khi xúc chạm không có thọ lạc mà xuất tinh thì không phạm trọng, nếu cố ý xúc chạm để thọ lạc mà xuất tinh thì phạm.

11. – Do bẻ cây tặng nên xuất tinh là như trai gái thế gian đưa hoa tặng biểu đạt tình ý, nếu Tỳ kheo do tâm dục khởi đưa vật tặng cho người nữ để biểu đạt tình ý, nhân dây xuất tinh thì phạm.

Nói không phạm là trừ trong mộng, người phạm đầu tiên khi Phật chưa kết giới và người điên cuồng tâm loạn. Hết pháp Tăng già bà thi sa thứ nhất.

Lúc đó Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng Thệ đa, thành Xá vệ…; nói do dâm dục biến tâm là tâm khởi dụcnên sanh nhiễm dục, chạy theo ý dục, không có hổ thẹn như voi bị lún bùn không thể ra khỏi nên xúc chạm thân người nữ để thọ lạc, trước là nắm tay, sờ tóc… cho đến mỗi mỗi thân phần của người nữ, tưởng biết là nữ thì Tỳ kheo phạm Tăng tàn. Như thế cho đến nắm kéo, xô đẩy, ôm… người nữ, tưởng biết là người nữ thì phạm Tăng tàn, nghi thì phạm Thâu lan giá; nếu tưởng là huỳnh môn hoặc người nam hoặc phi nhân thì phạm Thâu lan giá, nghi thì phạm Đột kiết la. Tùy xúc chạm bao nhiêu thân người nữ thì phạm Tăng tàn bấy nhiêu, xúc chạm y phục thì phạm Thâu lan giá, như kệ nói:

“Xứ tưởng và xúc dục,

Chân thật không hồ nghi,

Như trong luật đã nói,

Tội trọng thầy nên biết”.

Xứ là chỉ cho người nữ, tưởng là tưởng biết người nữ, xúc là xúc chạm, dục là tâm khởi dục nên xúc chạm, đủ bốn yếu tố này thì phạm Tăng tàn; nếu thiếu một yếu tố thì phạm Thâu lan giá. Nếu biết thật là người nữ, tâm khởi dục nên xúc chạm thì phạm Tăng tàn; nếu tưởng không phải là người nữ mà xúc chạm thì phạm Đột kiết la. Nếu người nữ ngồi gần Tỳ kheo, do tâm dục khởi xúc chạm, Tỳ kheo có tâm dục động thân thì phạm Tăng tàn; nếu không động thân thì không phạm, nếu hiện tướng như đưa mắt nhìn thì phạm Đột kiết la; nếu đưa tay đẩy người nữ ra để gìn phạm hạnh thì không phạm; không cố ý xúc chạm nên không phạm; bị người nữ xúc chạm mà không thọ lạc thì không phạm. Người phạm đầu tiên khi Phật chưa kết giới và người điên cuồng tâm loạn đều không phạm. Hết Tăng già bà thi sa thứ hai.

Giới xúc chạm này từ thân và tâm phát sanh cảm thọ khổ và lạc; nếu vì nhớ thương mẹ hoặc chị em gái mà xúc chạm thì phạm Đột kiết la; sờ chạm y phục đồ dùng của người nữ đều phạm Đột kiết la; sờ chạm tượng người nữ bằng gỗ hay đất hay gốm sứ hay tranh vẽ đều phạm Đột kiết la. Đối với mười loại vật báu như chân châu, ma ni châu, xa cừ, mã não… cho đến những vật dụng làm bằng vàng bạc, lưu ly bảy thứ báu, Tỳ kheo đều không được cầm; được ngồi trên tòa báu để thuyết pháp; cho đến các loại binh khí, nhạc khí Tỳ kheo cũng không được cầm.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Sa Di Thập Giới Nghi Tắc - Luật Tạng
  • Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 2 – Mười Giới Sa Di - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng