QUYỂN 13
Đối với phi nhân nữ như thiên nữ, long nữ, Dược xoa nữ… Tỳ kheo đều không được chạm hay nắm, nếu chạm hay nắm thì phạm Đột kiết la. Nếu cùng người nữ qua cầu ván hay cầu tre, Tỳ kheo khởi tâm dục làm cho cầu rung thì phạm Đột kiết la; cùng đi thuyền bè cũng vậy. Thấy người nữ leo lên cây, Tỳ kheo khởi tâm dục rung cây cũng phạm Đột kiết la; Tỳ kheo nắm đầu dây bên này, người nữ nắm đầu dây bên kia, Tỳ kheo khởi tâm dục kéo động dây, dây động thì phạm Thâu lan giá, dây không động thì phạm Đột kiết la. Hết phần tùy kết của Tăng già bà thi sa thứ hai.
Lúc đó Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng Thệ đa, thành Xá vệ… Tỳ kheo Ô đà di khi dạy bảo hay thuyết pháp, do tâm khởi dục nên nói lời thô tục với người nữ. Nói lời thô tục là như trai gái thế gian nói lời có tình ý, có ý dâm hoặc khen người nữ đẹp xấu…; hoặc hỏi về mối quan hệ vợ chồng của người nữ, hoặc tư vấn chuyên yêu đương của nam nữ… trong lời nói có tình ý với người nữ thì Tỳ kheo phạm Tăng tàn. Tỳ kheo khi thuyết pháp cho Tỳ kheo ni, khởi tâm dục nói lời thô tục cũng phạm Tăng tàn. Trường hợp không phạm là người phạm đầu tiên, người điên cuồng tâm loạn.
Giới nói lời thô tục này do tâm khởi dục nên miệng mới nói ra lời thô tục thuộc tánh tội, tạo nghiệp nơi thân khẩu; nếu Tỳ kheo khởi tâm dục, làm phương tiện mượn sự vật nói bóng gió để biểu lộ tình ý, người nữ nghe hiểu thì Tỳ kheo phạm Đột kiết la; người nữ nghe mà không hiểu thì Tỳ kheo không phạm. Hết Tăng già bà thi sa thứ ba.
Phật tại nước Xá vệ, lúc đó Tỳ kheo Ô đà di quen biết nhiều nên thường lui tới nhà họ để được họ cúng dường tứ sự, do tâm khởi dục nên đối trước người nữ khen ngợi việc cúng dường thân (làm việc dâm dục) là bậc nhất trong các sự cúng dường. Phật nhân việc này kết giới khen ngợi cúng dường thân, như nói: “cô thuộc dòng Sát đế lợi, tôi cũng thuộc dòng Sát đế lợi, cô hãy cùng tôi làm việc dâm dục”, thì Tỳ kheo phạm Tăng tàn. Trường hợp không phạm là người phạm đầu tiên, người điên cuồng tâm loạn. Hết Tăng già bà thi sa thứ tư.
Phật tại nước Xá vệ kết giới làm mai mối.
Nói người có trí huệ là người thông minh, hiểu rõ mọi việc và biết lo liệu việc nhà, không biếng nhác và có hổ thẹn. Nói mai mối là nói với đồng nữ: “chàng trai này tốt, cô nên lấy làm chồng”, sau đó đến nói với chàng trai: “cô gái ấy làm việc rất giỏi giang, trung thực không dối trá, không tà vạy, cậu nên cưới làm vợ”, hoặc khi mai mối đàn việt nói: “đại đức, chúng tôi không biết rõ người này, chưa biết tốt xấu, là con nhà ai, tên họ là gì, làm sao dám gả con gái cho họ; nhưng nếu đại đức làm mai thì tôi sẽ gả, hôn nhân đại sự của con gái tôi xin ủy thác cho đại đức”, hoặc sau khi mai mối thành rồi, cô gái về nhà chồng được một tháng thì bên nhà chồng đã giao phó việc nhà, làm việc nặng nhọc xem như tỳ nữ, Ô đà di thấy vậy nên khuyên can, đàn việt nói: “đại đứclà người xuất gia chỉ nên biết pháp xuất gia, đừng quan tâm tới việc thế tục, nếu quan tâm tới việc nhà của thế tục thì người đó không phải là Sa môn”, Ô đà di nghe rồi im lặng. Nếu Tỳ kheo nhận lời bên này đến nói với bên kia rồi trở về báo lại thì phạm Tăng già bà thi sa.
Người nữ có mười loại bảo hộ: cha, mẹ bảo hộ, anh em, chị em bảo hộ, tông thân bảo hộ, tộc họ bảo hộ, đồng pháp hộ, vương pháp hộ.
Lại có nhiều loại vợ:
1. Vợ do dùng vật mua, chuộc hay đổi mà được.
2. Vợ do thích ở chung nên đến làm vợ.
3. Vợ do cầu y thực nên chịu làm vợ.
4. Vợ do dùng nước rưới mà được.
5. Vợ do thảy vòng mà được
6. Vợ vốn là tỳ nữ giúp việc trong nhà, hoặc người làm thuê, sau trở thành vợ.
7. Vợ do dựng cờ mà được, tức là đem binh đánh phá nước khác, bắt được phụ nữ đem về làm vợ.
Làm mai mối có đủ sáu việc thì thành phạm: một là gật đầu, hai là ấn dấu tay, ba là miệng nhận lời, bốn là thân động, năm là nhận thư, sáu là đủ năm việc trên. Giới này thuộc chế tội, không phải tánh tội; trường hợp không phạm là người phạm đầu tiên, người điên cuồng tâm loạn. Hết giới Tăng già bà thi sa thứ năm.
Lúc đó Phật tại vườn Trúc Ca lan đà, thành Vương xá; Tỳ kheo A la tỳ ca do sanh trong tụ lạc A la tỳ ca nên được đặt tên này, vị này muốn xây cất phòng cho mình do không có thí chủ nên tự mình đi khắp nơi cầu xin vật liệu hoặc hỏi mượn khí cụ… mà phế bỏ việc chánh tu. Tỳ kheo có thể đến khí cụ cuốc xẻng nơi người làm ruộng, có thể đến xin vật liệu hoặc tiền bạc nơi thợ đục đá, thợ mộc, thợ gốm… nhưng không được đến xin thợ săn và người bắt cá vì sợ nhân việc này, họ tăng cường việc săn bắt. Có thể sai khiến những người sống nhờ vào thức ăn dư của Tăng trong việc xây cất, nên cho họ thức ăn, không nên cho tiền bạc. Nếu vì việc xây cất mà phi thời vào tụ lạc khất thực thì nên đậy bát lại, nếu thí chủ hỏi cần gì, nên đáp là xin dầu (cơm, thức ăn…) cho người làm việc xây cất phòng xá. Tỳ kheo làm phòng nên làm đúng lượng, tức là chiều dài mười hai gang tay của Phật, rộng bảy gang tay, một gang tay của Phật bằng ba gang tay người thường; nếu làm quá lượng thì phạm, bắt đầu từ lúc khởi công cho đến khi còn hai ky đất nữa là hoàn thành thì phạm Đột kiết la, còn một ky đất thì phạm Thâu lan giá, đắp hết ky đất cuối cùng thì phạm Tăng già bà thi sa. Tỳ kheo muốn làm phòng nên đến trong Tăng bạch ba lần xin, Tăng nên đến xem xét chỗ muốn xây, nếu Tăng không đến thì Tăng nên sai một Tỳ kheo có trí huệ đến đó xem xét chỗ muốn xây phòng có nạn hay chướng ngại gì không rồi mới cho xây. Nói nạn xứ là chỗ đó có các nạn như cọp, sói, sư tử… cho đến kiến mối, nếu trong chỗ đó có tổ kiến hay tổ mối thì không được xây, nếu chỉ là trên đường đi kiếm mồi của chúng thì nên đuổi chúng đi rồi mới được xây; đây là Phật vì thương xót chúng sanh và Tỳ kheo nên khai cho xây. Nói phương xứ là chỗ có chướng ngại như là vườn ruộng của người hoặc gần chỗ oan gia, chỗ giặc cướp, gần Thi lâm, gần nhà ở của vua… thìkhông được xây. Nếu Tỳ kheo xây nhà gạch quá lượng thì tùy số gạch nhiều ít mà kết phạm bấy nhiêu tội Đột kiết la, đến hai viên cuối cùng thì phạm Thâu lan giá, xây xong viên cuối cùng thì phạm Tăng già bà thi sa. Nếu Tỳ kheo không có thí chủ, làm phòng cho mình ở chỗ có nạn hay có chướng ngại, không thỉnh Tăng đến xem xét chỉ chỗ và làm quá lượng thì phạm Tăng già bà thi sa; nếu làm nhà thuyết giới, nhà ăn… cho Tăng, không phải cho mình ở thì không phạm. Giới này có đủ sáu duyên thì thành phạm: một là tự làm, hai là bảo người làm, ba là không thỉnh Tăng chỉ chỗ, bốn là làm quá lượng, năm là chỗ có nạn, sáu là chỗ có chướng ngại. Hết Tăng già bà thi sa thứ sáu.
Lúc đó Phật tại vườn Cù tư đa nước Câu tham tỳ (Kiều thiểm tỳ), Cù tư đa vốn là tên của một trưởng giả tử đến nói với Tỳ kheo Xiển na: “đại đức hãy chỉ chỗ, tôi sẽ xây cất chùa cho đại đức”, Xiển na chỉ chỗ có chướng ngại là nơi có đại thọ vốn là chỗ ở của quỷ thần, được dân chúng thờ cúng nên Phật chế giới này. Giới này khác giới trên ở chỗ có thí chủ và làm chùa lớn, ngoài ra đều giống như giới trên.
Lúc đó Phật vườn Trúc lâm, thành Vương xá, vườn này có rừng tre bao bọc chung quanh, tre cao mười tám khuỷu tay, nhìn xa mù mịt như mây đen, còn gọi là vườn Ca lan đà. Tỳ kheo Đạp bà ma la tử vốn là vương tử xuất gia năm bảy tuổi, lúc cạo tóc, tóc vừa rụng xuống đất liền chứng quả A-la-hán, đắc ba đạt trí, đủ sáu thần thông, bốn vô ngại biện, là bậc nhất thông đạt tất cả sự hiểu biết của Thanh văn. Vị này ở nơi yên tĩnh nhập thiền định, sau khi xuất định tự nghĩ: “ta tu thiện pháp đã hoàn mãn, nay nên làm người chia phòng xá và thức ăn uống cho Tăng”, vì đây là thân sau cùng và cũng là do nguyện lực đời trước nên Đạp bà ma la tử muốn làm việc này; lại do thấy các Tỳ kheo từ phương xa đến viếng thăm Thế tôn mà không có phòng ở và thấy các Tỳ kheo nhỏ tuổi vì cung kính các bậc cao đức nên không dám thọ thỉnh trước, ăn uống thiếu thốn nên thân thể suy nhược. Do những nguyên nhân này nên Tỳ kheo Đạp bà ma la tử muốn làm người phân chia phòng xá ngọa cụ và thức ăn bình đẳng cho Tăng, muốn Tăng được trụ chỉ an lạc. Nói nguyện lực đời trước là quá khứ có Phật hiệu là Ba đầu vật đa la, Đạp bà ma la tử sanh trong nhà một cư sĩ, lúc đó trong nước có đại hội, dân chúng thỉnh Phật và Tăng cúng dường suốt trong bảy ngày. Lúc đó có một Tỳ kheo La hán dùng thần lực của mình để phân chia phòng xá ngọa cụ và thức ăn uống cho sáu vạn tám ngàn Tỳ kheo tăng trong đại hội. Đạp bà ma la tử nhìn thấy việc này sanh tâm hoan hỉ, đến chỗ Phật đảnh lễ rồi phát nguyện: “con nguyện vào thời Phật ở đời vị lai, con được xuất gia học đạo và mau chứng quả A-la-hán, con sẽ làm người phân chia phòng xá ngọa cụ và thức ăn uống cho Tăng, giống như vị Ala-hán trong đại hội này”, Phật liền dùng thiên nhãn quán ở đời vị lai, nguyện lực của thiện nam tử này có được thành tựu không; quán biết rồi mới nói với Đạp bà ma la tử: “vị lai trăm ngàn kiếp sau, có Phật ra đời hiệu là Thích ca Mâu ni, con sẽ được xuất gia vào năm bảy tuổi, tóc cạo vừa rơi xuống đất liền chứng được quả A-la-hán, có đủ sáu thần thông và nguyện lực này được thành tựu”. Từ đó về sau Đạp bà ma la tử bố thí trì giới và được sanh thiên, từ cõi trời qua đời sanh xuống nhơn gian, cứ như thế cho đến khi Phật Thích ca Mâu ni ra đời, mới từ cõi trời hạ sanh làm người, bảy tuổi xuất gia… như trên. Vị này sau khi suy nghĩ như thế rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ bạch rằng: “cúi xin Thế tôn cho con hai nguyện: một là phân chia phòng xá ngọa cụ cho Tăng, hai là phân chia thức ăn và sai phó hội”, Phật nói lành thay rồi bảo các Tỳ kheo tác yết ma sai Đạp bà ma la tử làm người phân chia phòng xá ngọa cụ, phân chia thức ăn và sai phó hội (cắt đặt người đi thọ thỉnh thực). Khi phân chia phòng xá, Đạp bà ma la tử sắp xếp cho người đồng học một pháp ở chung phòng với nhau, người học kinh ở chung phòng với nhau, người học luật ở chung phòng với nhau, người học luận ở chung phòng với nhau, người thuyết pháp ở chung phòng với nhau…là muốn cho họ được trụ chỉ an lạc. Nói dùng thần lực phân chia ngọa cụ là Đạp bà ma la tử nhập Hỏa quang tam muội, khi xuất định từ đầu ngón tay thứ hai của tay phải phóng ra ánh sáng để phân chia nên không bao lâu tiếng tăm vang khắp cõi Diêm phù đề.
Có thí chủ thường đến trong chùa thỉnh Tăng về nhà thọ thực, hôm đó đến hỏi Đạp bà ma la tử: “hôm nay đến lượt ai thọ con thỉnh thực?”, đáp là đến lượt Tỳ kheo Từ địa thọ thỉnh thực. Thí chủ này nghe rồi trong lòng không vui, về đến nhà bảo gia nhân: “ngày mai đến lượt Tỳ kheo Từ địa thọ thỉnh thực, chớ làm thức ăn giống như bữa trước và trải tòa ngồi ở bên ngoài để thọ thực”, gia nhân làm theo như lời chủ dặn. Tỳ kheo Từ địa khi được sai đi thọ thỉnh thực, thường gặp thức ăn thô dỡ nên trong lòng vốn đã không vui, nay lại gặp thức ăn dỡ nữa nên trở về nói với đồng bạn: “hôm qua thí chủ này có đến gặp Đạp bà ma la tử, chắc là Đạp bà ma la tử đã bảo dọn thức ăn thô dỡ và trải tòa bên ngoài cho tôi ngồi thọ thực”, do nguyên nhân này khởi tâm sân giận nên xúi bảo Tỳ kheo ni Từ địa đem pháp Ba la di vu báng Đạp bà ma la tử. Lúc đó Phật hỏi Đạp bà ma la tử: “thầy nhớ có làm việc này không?”, đáp: “Thế tôn là bậc Nhất thiết trí biết rõ con, con là Lậu tận A-la-hán”, Phật nói: “thầy không nên nói như thế, nếu thầy có làm việc này thì ở trong chúng nói là có, nếu không làm thì ở trong chúng nói là không”, đáp: “con thật không có làm việc này, cho dù trong mộng cũng không có làm”. Sở dĩ Phật bảo Đạp bà ma la tử nói ở trước chúng tăng là để ngăn Tỳ kheo không có hổ thẹn phỉ báng Phật là tùy ái, tùy sân mà tạo nghiệp đọa địa ngục. Nói diệt tẫn Tỳ kheo ni Từ địa là Phật bảo các Tỳ kheo ni tác pháp diệt tẫn vì Tỳ kheo ni này tự nói phạm Ba la di. Diệt tẫn có ba trường hợp:
1. Diệt tẫn hay diệt thân là bị đuổi về việc mà mình đã làm là tội Ba la di.
2. Diệt không cho ở chung là trường hợp phạm tội không chịu sám hối hoặc không chịu bỏ ác tà kiến.
3. Diệt phạt là trường hợp bị Tăng trị phạt tẫn (xả trí). Trong ba trường hợp trên thì Tỳ kheo ni Từ địa bị tẫn ở trường hợp thứ nhất. Tỳ kheo ni vốn là người thanh tịnh, do nghe lời xúi bảo của Tỳ kheo Từ địa nên mới đem pháp Ba la di không căn cứ vu báng Đạp bà ma la tử là đã cùng mình làm hạnh bất tịnh, do tự nói mình làm hạnh bất tịnh phạm Ba la di nên bị tẫn, không phải do tội vu báng mà bị tẫn. Nói Ba la di không căn cứ là tội Ba la di này không thật có, nói vu báng là không thấy nghe nghi. Nói nghi là do thấy mà nghi như thấy Tỳ kheo đi vào bụi cỏ ở ngoài thôn, lại thấy một cô gái cũng đi vào bụi cỏ, sau đó thấy Tỳ kheo đi ra trước, cô gái đi ra sau nên sanh tâm nghi không biết hai người có làm việc phi pháp không; nói do nghe mà nghi là như nghe tiếng nói của Tỳ kheo và người trong bóng tối nên sanh nghi. Nói cố ý vu báng là có tâm muốn làm cho Tỳ kheo kia bị thối đọa nơi hạnh thanh tịnh. Nếu Tỳ kheo cố ý đem pháp Ba la di không căn cứ vu báng cho Tỳ kheo thanh tịnh thì phạm Tăng già bà thi sa, sai bảo người khác vu báng cũng phạm Tăng già bà thi sa. Có bốn loại vu báng:
1. Giới báng tức là đem mỗi một pháp trong bốn pháp Ba la di hay mười ba Tăng già bà thi sa để vu báng.
2. Oai nghi báng tức là đem mỗi một pháp trong ba thiên giới sau để vu báng.
3. Tà kiến báng tức là vu báng người kia có tà kiến.
4. Ác hoạt báng tức là vu báng người kia dựa vào trì giới hay giáo giới để cầu lợi dưỡng.
Lại có bốn loại vu báng khác:
1. Hiện xứ như nói thầy cùng người nữ làm việc dâm.
2. Hiện tội như nói thầy phạm tội trọng.
3. Bất đồng trú như nói không cùng thầy ở chung.
4. Bất cộng pháp sự như nói không cùng thầy bố tát, kết giới, tự tứ và các yết ma khác.
Nếu người vu báng đến trong Tăng cử tội và yêu cầu Tăng phân xử, Tăng nên nói: “đợi sau khi thầy lễ Phật tụng kinh xong, Tăng sẽ phân xử”, đến tối Tăng lại nói hãy đợi đến sáng mai, khất lần như vậy đến lần thứ ba để cho tâm người vu báng nguôi ngoai rồi mới phân xử; nếu đến lần thứ ba tâm người kia vẫn cương cường nóng nảy thì Tăng nên nói: “trong đây không có luật sư nên không phân xử được, thầy hãy đến chùa khác thỉnh luật sư cầu phân xử”, người vu báng đến chùa khác, Tăng nơi đó nên hỏi đã cầu luật sư ở đâu chưa, nếu đáp đã cầu thì Tăng nên nói: “trong đây cũng không có luật sư, xin hãy đến chùa khác thỉnh”, cứ như thế đi đến nhiều nơi đều cầu không được nên tâm trở nên nguôi ngoai, trở về chỗ ban đầu yêu cầu Tăng phân xử, Tăng nên như pháp như luật xử đoán để dứt việc tranh cãi này.
Nếu người không có hổ thẹn vu báng người có hổ thẹn hoặc người không có trí huệ vu báng người có trí huệ, Tăng nên gạn hỏi cho rõ tận cùng sự việc rồi nói với Tỳ kheo ngu si: “thầy vốn không hiểu biết gì, vì sao lại vu báng cho người, hãy cùng nhau hòa hợp, từ nay chớ nêu ra việc này nữa”. Nếu người vu báng có trí huệ, đem tội có căn cứ thấy nghe nghi để cử tội thì Tăng cũng nên gạn hỏi người bị cử, nếu thật có tội thì Tăng nên trị phạt, nếu thật không có tội thì bảo cả hai nên hòa hợp. Nếu người vu báng là người có hổ thẹn nhưng ngu si, cử tội người không có hổ thẹn, Tăng nên phương tiện hỏi cử tội về phạm giới hay về oai nghi. Sở dĩ tăng nên hỏi lại như thế là để chiết phục người không hổ thẹn và làm cho người có hổ thẹn được an lạc trụ; nếu người không có hổ thẹn có thế lực sẽ tăng trưởng ác pháp, khiến cho người có hổ thẹn mà không có thếlực sẽ không được an lạc trụ. Nếu cả hai đều là người có hổ thẹn thì Tăng nên ôn hòa thuyết pháp giáo hóa, nếu có xúc phạm lẫn nhau thì nên sám tạ nhau để hòa hợp trở lại. Nếu khuyên giải như thế mà hai bên vẫn không hòa hợp, Tăng nên khuyên can ba lần, nếu cũng không từ bỏ việc tranh cãi thì Tăng tác pháp yết ma như pháp như luật xử đoán.
Hỏi: pháp trị vu báng là đầu, giữa hay cuối?- trước tiên là cầu thính, kế đến trong Tăng cử tội, Tăng như pháp như luật dứt diệt là cuối – Pháp trị vu báng có mấy căn, mấy địa?- có hai căn, ba xứ và năm địa. Nói hai căn là có căn cứ và không căn cứ; ba xứ là thấy nghe và nghi; năm địa là đúng thời, chơn thật không hư, vì thương xót không vì tức giận, có nghĩa và không tùy ái sân.
Nói dù có người hỏi hay không có người hỏi là đempháp Ba la di không căn cứ vu báng rồi sau đó Tăng gạn hỏi hoặc nhiều người gạn hỏi hoặc một người, người vu báng này tự nói là vì sân giận nên vu báng thì phạm Tăng già bà thi sa. Có bốn loại tránh: một là tương ngôn tránh thuộc thiện hay bất thiện hay vô ký?- cũng thiện, cũng bất thiện và cũng vô ký; nếu luận bàn về pháp sanh tranh cãi là thiện; nếu luận bàn về phi pháp sanh tranh cãi là bất thiện; không thuộc cả hai trường hợp trên thì gọi là vô ký. Nếu Tỳ kheo đem pháp Ba la di không căn cứ vu báng thì phạm Tăng tàn, đem pháp Tăng già bà thi sa không căn cứ vu báng thì phạm Ba dật đề, đem pháp oia nghi vu báng thì phạm Đột kiết la. Trường hợp không phạm là người phạm đầu tiên, người điên cuồng tâm loạn. Giới này thuộc tánh tội, từ cả ba nghiệp khởi tội. Hết Tăng già bà thi sa thứ tám.
Phật tại vườn trúc Ca lan đà, thành Vương xá; lúc đó Tỳ kheo Từ địa từ trên núi Kỳ xà quật đi xuống, thấy hai con dê đang hành dâm liền nói với các đồng bạn: “con dê đực này là Đạp bà ma la tử, con dê cái là Tỳ kheo ni Từ địa, ta đem việc này vu báng nhất định Đạp bà ma la tử không thể không thua”, nói rồi vui mừng đi đến trong Tăng bạch việc trên, Tăng nghe lời này rồi liền nhóm Tăng gạn hỏi Tỳ kheo Từ địa: “thầy thấy Tỳ kheo Đạp bà ma la tử cùng Tỳ kheo ni Từ địa làm việc dâm dục ở đâu và vào lúc nào?”, đáp là hồi sáng trên đường từ núi Kỳ xà quật đi xuống nhìn thấy, Tăng lại hỏi Đạp bà lúc đó đang ở đâu, đáp là đang ở trong Trúc lâm, lại hỏi làm gì, đáp là đang phân chia thức ăn cho Tăng, lại hỏi ai thấy ai biết, đáp là các Tỳ kheo thấy biết, Tăng lại hỏi các Tỳ kheo có thật thấy như vậy không, các Tỳ kheo đều đáp là thật thấy như vậy, Tăng nên quở trách Tỳ kheo Từ địa: “lời thầy nói không tương ưng, vì sao lại đem phần việc khác vu báng cho Đạp bà ma la tử?”. Nói đem phần việc khác vu báng là nhưđem việc hai con dê hành dâm gán cho Đạp bà ma la tử và Tỳ kheo ni Từ địa; như trường hợp hai Tỳ kheo cùng dòng họ Sát đế lợi hoặc cùng tên, tướng mạo tương tợ, thấy Tỳ kheo này hành dâm lại vu báng cho Tỳ kheo kia thì phạm Tăng già bà thi sa. Trường hợp không phạm là người phạm đầu tiên, người điên cuồng tâm loạn – Hết Tăng già bà thi sa thứ chín.
Phật tại tinh xá Trúc lâm thành Vương xá, lúc đó Đề bà đạt đa đến nói với bốn đồng bạn là Cô ca lị ca…: “các thầy hãy trợ giúp tôi phá hòa hợp Tăng và oai đức của Như lai, chúng ta sẽ chế ra năm pháp như trọn đời sống nơi A lan nhã… để cho mọi người biết chúng ta đều là những người thiểu dục tri túc và sẽ tùy thuận chúng ta”, bốn đồng bạn đáp lành thay. Nói trọn đời không ăn cá thịt là vì Phật có bảo các Tỳ kheo: “có ba loại bất tịnh nhục là thấy nghe nghi thì không đươc ăn; nói thấy là thấy người giết con vật lấy thịt cho mình ăn thì không được ăn; nói nghe là nghe tiếng con vật kêu la vì bị giết thì không được ăn; nói nghi là nghi người vì mình mà giết con vật thì không được ăn; như thế cho đến thấy mà nghi, nghe mà nghi cũng đều không được ăn”, Nói thấy mà nghi là như Tỳ kheo từ A lan nhã vào thôn khất thực, thấy có nhiều bạch y vào rừng săn bắn. Sáng hôm sau trong thôn mở hội cúng dường Tỳ kheo có thịt, Tỳ kheo nghi thịt này là có được từ cuộc săn bắn hôm qua thì không được ăn. Nếu thí chủ nói tôi đi săn cho vua chớ không phải cho Tỳ kheo thì được ăn không phạm. Nói nghe mà nghi là như Tỳ kheo ở nơi A lan nhã nghe nói người trong thôn săn bắn để ngày mai mở hội, hôm sau được thí chủ cúng thịt, Tỳ kheo sanh nghi thì không được ăn. Nếu thí chủ nói tôi đi săn cho mình chứ không phải cho Tỳ kheo thì được ăn không phạm. Nếu Tỳ kheo không thấy, không nghe, không nghi con vật vì mình mà bị giết thì được ăn thịt này không phạm. Khi được thịt Tỳ kheo nên hỏi rõ để phân biệt là tịnh nhục hay là bất tịnh nhục rồi mới ăn, lại có nhiều loại thịt giống nhau như thịt heo và thịt gấu, tuy giống nhưng loại thịt gấu Phật chế không được ăn. Đề bà đạt đa muốn phá pháp này của Phật nên chế trọn đời không ăn cá thịt. Phật nghe biết Đề bà đạt đa chế năm tà pháp muốn phá hòa hợp Tăng nên bảo Đề bà đạt đa: “thầy chớ ưa thích pháp này, phá hòa hợp Tăng là tội nặng; nếu Tăng hòa hợp như nước với sữa thì được an lạc hạnh. Ai phá hòa hợp Tăng thì sẽ chịu khổ một kiếp trong địa ngục A tỳ; nếu Tăng bị phá mà làm cho hòa hợp lại thì người này được thọ phước lạc trên cõi trời một kiếp”, lúc đó các Tỳ kheo dùng nhiều phương tiện khuyên can Đề bà đạt đa chớ phá hòa họp Tăng, nên tâm đồng thân đồng cùng Tăng hòa hợp, như nước hòa với sữa. Nói tâm đồng là tâm đồng một pháp, nói thân đồng là thân cùng hòa hợp một chỗ bố tát, nói thân không đồng là tuy cùng ở chung một chỗ nhưng tâm hành pháp khác. Khi được các Tỳ kheo can ngăn ba lần, Đề bà đạt đa không chịu bỏ thì phạm Đột kiết la; Tăng tác yết ma can ngăn, tác bạch xong không bỏ cũng Đột kiết la, yết ma lần thứ nhất xong mà không bỏ thì phạm Thâu lan giá, yết ma lần thứ hai xong mà không bỏ cũng Thâu lan giá, yết ma lần thứ ba xong không bỏ mới phạm Tăng già bà thi sa.
Hỏi: các giới khác, người phạm đầu tiên không tội, vì sao giới này Đề bà đạt đa phạm đầu tiên lại kết phạm?- giới này do can ba lần mà không chịu bỏ mới kết phạm. Hết Tăng già bà thi sa thứ mười.
Phật tại tinh xá trúc lâm thành Vương xá, lúc đó đồng bạn trợ giúp Đề bà đạt đa phá Tăng nên biệt chúng, các Tỳ kheo khuyên can giống như giới trên, chỉ khác ở chỗ là các thầy chớ trợ giúp việc phá Tăng, nên trợ giúp Tăng hòa hợp, Tăng hòa hợp được an lạc không tranh, như nước với sữa. Hết Tăng già bà thi sa thừ mười một.
Phật tại vườn Cù tư đa nước Kiều thiểm tỳ, lúc đó Xiển na tánh hung dữ, không nghe lời khuyên bảo của các Tỳ kheomà còn nói rằng: “các thầy chớ dạy bảo tôi, tôi nên dạy bảo các thầy, vì sao, vì Phật là Phật của gia tộc tôi, tôi và ngựa Kiền trắc đã đưa Phật vào núi xuất gia tu đạo. Lúc đó không có người nào trong các thầy hầu hạ Phật, sau khi Phật thành đạo chuyển pháp luân, các thầy mới đến cầu xuất gia, vì thế tôi nên dạy bảo các thầy, không phải các thầy dạy bảo tôi”, nói rồi tự thân không nói chuyện với các Tỳ kheo. Nói không phải thiện hạnh là thân khẩu nghiệp làm hạnh bất thiện; nói nên cùng nói chuyện là nơi Ba la đề mộc xoa nên cùng thuyết giới, cùng xuất tội nhờ vậy mà ở trong Phật pháp được tăng trưởng…Hết Tăng già bà thi sa thứ mười hai.