1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18

QUYỂN 6

Phật suy nghĩ rồi liền im lặng thọ thỉnh, sau đó bảo Bà la môn: “ông chớ quá ràng buộc vào gia nghiệp”, nói rồi quán căn cơ của Bà la môn mà thuyết pháp rồi đứng dậy trở về trú xứ. Lúc đó Bà la môn nhóm con cháu lại nói rằng: “trước đây ta có thỉnh Phật đến đây an cư để cúng dường trong ba tháng, nhưng lại không cúng dường được ngày nào. Ngày mai ta sẽ đem tất cả phẩm vật dự định cúng trong ba thángđể cúng dường hết vào ngày mai”, nói rồi ngay trong đêm đó lo liệu mọi thứ đầy đủ. Sáng hôm sau cho quét dọn trong ngoài sạch sẽ, đốt hương thơm và trang hoàng mọi thứ xong rồi liền đến bạch Phật là đã đến giờ thọ thỉnh thực; như trong luật nói Phật đắp y mang bát cùng chúng tăng đến nhà Bà la môn ngồi vào chỗ ngồi rồi, Bà la môn tự tay dâng cúng các món ăn thơm ngon khiến cho tất cả đều được no đủ. Sau đó Bà la môn dâng cúng Phật ba y trị giá ba ngàn tiền vàng, dâng cúng mỗi vị Tỳ kheo hai xấp bạch điệp, tổng trị giá năm mươi vạn tiền vàng; lại cúng thêm một tấm Giạ dầy và một tấm lụa. Phật bảo các Tỳ kheo cắt tấm Giạ phân chia cho Tăng làm dây thiền và đãy đựng bát; lại cắt chia tấm lụa cho Tăng làm dây lưng và đãy lượt nước. Bà la môn lại cúng thêm một bình thuốc cao đã được nấu cất trăm lần trị giá ngàn tiền vàng cho Tăng dùng để thoa thân. Cúng dường xong, Bà la môn cùng quyến thuộc đảnh lễ Phật và Tăng rồi ngồi một bên muốn nghe pháp; Phật suy nghĩ: “Bà la môn bị ma quấy nhiễu trong ba tháng nên chưa được nghe giáo pháp, nay ta nên thuyết pháp khiến cho ông ta và quyến thuộc được hưởng pháp vị cam lồ”, nghĩ rồi liền thuyết pháp, thuyết pháp xong liền từ giã để di đến nước khác. Bà la môn và quyến thuộc khóc ân cần xin Phật ở lại, Phật quán thấy các Tỳ kheo trong chín mươi ngày qua chỉ ăn lúa ngựa nên thân thể gầy ốm, không thể ra đi ngay nên ở lại Tỳ-lan-nhã ba ngày. Sau đó mới lên đường đến nước Tu ly rồi đến xứ Ba dạ bà, vượt qua sông Hằng đến thành Bà la nê tư rồi đến thành Tỳ xá ly, trú tại tinh xá Ma ha Cú trá la. Hết phẩm nói về nhân duyên tại Tỳ-lan-nhã.

PHẨM CA LAN ĐÀ

Bộ Tỳ bà sa này đầy đủ nghĩa vị, không xen tạp pháp khác, phân biệt rõ giới tướng, như kệ nói:

“Pháp vương trong thế gian,

Vì thương xót chúng sanh,

Nên nói Tỳ ni tạng,

Để điều phục chúng sanh,

Cũng đem các thiện hạnh,

Diệt trừ các ác pháp”.

Lúc đó tại thành Tỳ xá ly, vua cùng các thể nữ vào núi du ngoạn, khi vua mệt mõi nằm ngủ dưới một gốc cây, các thể nữ cũng bỏ vua đi dạo khắp nơi. Gần chỗ vua ngủ có hang của con rắn độc, do nghe mùi rượu của vua nên bò ra muốn cắn vua; lúc đó trên cây có con sóc nhìn thấy rắn, liền sà xuống kêu gọi vua tỉnh dậy, rắn liền cuộn mình lại, vua thức rồi ngủ lại, rắn lại bò ra muốn cắn vua, sóc lại kêu gọi vua tỉnh dậy, lúc đó vua mới thấy có rắn ở trong hang gần đó, trong lòng kinh hãi nhìn quanh tìm các thể nữ thì không thấy có ai. Vua biết sóc đã cứu mạng mình nên muốn báo ân, dưới chân núi có một thôn, vua ra lịnh trong thôn từ nay trở đi đem phần ban thưởng của vua để nuôi dưỡng các con sóc trên núi. Ca lan đà là tên của con sóc nên vua đạt tên cho thôn này là thôn Ca lan đà, trong thôn có một trưởng giả, tài sản có đến bốn mươi ức tiền vàng nên được vua ban tước hiệu gọi theo tên thôn là trưởng giả Ca lan đà.

Ca lan đà tử: con của trưởng giả Ca lan đà tên là Tu đề na có nhiều bạn, khổ vui cùng hưởng. Lúc đó do có nhân duyên tìm người thiếu nợ nên Tu đề na đến thành Tỳ xá ly, đến nơi thấy có nhiều người cầm hương hoa đi ra khỏi thành, liền hỏi đi đâu, họ đáp: “đi đến chỗ Phật cúng dường và nghe pháp”, Tu đề na khen lành thay rồi đi theo họ đến chỗ Phật, thấy Phật đang thuyết pháp cho bốn chúng. Tu đề na tìm cách chen dần vào đứng bên đại chúng, nghe được pháp nói về giới định huệ, liền suy nghĩ: “ta hiểu được pháp mà Phật đã phân biệt thuyết là thuần nhất một vị. Nếu ta ở tại gia, muốn tu tập giới định huệ dù là một ngày cũng khó làm được, cũng giống như người mài giũa ngọc. Ta nên cạo bỏ râu tóc xuất gia, tu phạm hạnh, từ nhà hữu vi vào nhà vô vi”.

Hỏi: thế nào là nhà hữu vi, nhà vô vi?- nhà hữu vi là cày ruộng, trồng trọt, mua bán… làm các sự nghiệp thế gian; nhà vô vi là không làm các sự nghiệp trên, tịch tĩnh vô dục. Nói Tu đề na cùng mọi người rời khỏi chỗ ngồi đi chưa bao lâu, liền quay trở lại gặp Phật là sau khi nghe pháp xong, Tu đề na suy nghĩ: “nếu bây giờ ta cầu xuất gia thì các thân hữu sẽ ngăn trở và nói rằng: cha mẹ chỉ có mình bạn là con, nếu bạn xuất gia thì ai sẽ cấp dưỡng cha mẹ. Họ sẽ tìm cách đưa ta trở về nhà, không để cho ta xuất gia”, do nghĩ như vậy nên Tu đề na cùng mọi người đứng dậy ra về, nhưng sau đó tìm cách quay trở lại gặp Phật và cầu xuất gia. Lúc đó Phật đã chế nếu cha mẹ chưa cho phép thì không được xuất gia thọ giới, nên Phật hỏi Tu đề na: “cha mẹ có cho phép con xuất gia không?, do tâm ý muốn xuất gia nên Tu đề na không màng đi đến nhưng nơi vui chơi giải trí, cũng không nghĩ đến việc có đòi nợ được hay không, liền vội vàng trở về nhà để xin phép cha mẹ cho xuất gia. Cha mẹ nói: “cha mẹ chỉ có một mình con, từ nhỏ đến lớn con sống sung sướng chưa từng chịu khổ nhọc, ăn ngon mặc đẹp, lên xe xuống ngựa, chân không đụng đất; cha mẹ đang còn sống, làm sao nở xa lìa mà cho con xuất gia?”, Tu đề na nhịn ăn nằm trên đất để thuyết phục cha mẹ cho phép xuất gia, cha mẹ đủ cách khuyên can đến ba lần nhưng Tu đề na vẫn không chuyển ý. Lúc đó cha mẹ Tu đề na nói với các bạn của Tu đề na: “các con là bạn thân của nó, nay nó nhịn ăn nằm trên đất, ta đã khuyên can đến ba lần mà nó vẫn không chuyển ý, các con hãy khuyên nó chớ xuất gia”, các bạn Tu đề na nghe rồi liền đến khuyên can: “cha mẹ bạn chỉ có một mình bạn, nếu bạn xuất gia thì cha mẹ bạn biết trông cậy vào ai, họ sẽ buồn rầu mà chết thì có lợi gì. Nếu bạn xuất gia sẽ phải ôm bát khất thực, có khi được, có khi không được hoặc thức ăn dỡ khó ăn, một ngày chỉ ăn một bữa và đơn độc một mình tu phạm hạnh, thật là khó đối với người như bạn”, như thế khuyên can đến ba lần, Tu đề na vẫn không chuyển ý, các bạn đành phải trở lại khuyên cha mẹ Tu đề na nên cho Tu đề na xuất gia, cha mẹ nghe rồi miễn cưỡng cho phép Tu đề na xuất gia. Các bạn liền đến nói cho Tu đề na biết, Tu đề na nghe rồi vui mừng hớn hở ngồi dậy và bắt đầu ăn uống trở lại, sau ba bốn ngày sức khỏe mới hồi phục. Sau đó rơi lễ làm lễ từ giã cha mẹ đi đến chỗ Phật cầu xuất gia, Phật bảo các Tỳ kheo độ cho Tu đề na xuất gia và thọ giới cụ túc, như trong Luật bổn nói: Tu đề na được xuất gia trong Phật pháp, được thọ giới cụ túc và tu hạnh đầu đà. Nói tu hạnh đầu đà là trừ sạch trần cấu phiền não; sống nơi A lan nhã, cách xa thành ấp thôn xóm; thọ pháp khất thực theo thứ lớp, không thọ nhiều lợi dưỡng và từ bỏ mười bốn loại thức ăn ngon; thọ y phấn tảo, không thọ y đàn việt thí.

Phật thành đạo mười hai năm sau, Tu đề na mới xuất gia, trải qua tám năm sau mới trở về lại thôn Ca lan đà, theo thứ lớp khất thực đến trước cửa nhà của mình trước kia. Lúc đó nữ tỳ đem thức ăn dư để cách đêm ra ngoài đổ bỏ, Tu đề na nói: “chị hãy đổ vào bát cho tôi”, do xa cách tám năm nên người nữ tỳ không nhận ra, nhưng nghe tiếng nói thì liền nhận ra là giọng nói của Tu đề na, vội vào trong nhà báo cho chủ biết. Pháp thường trong thôn này đều có làm nhà nhỏ chứa nước ở bên ngoài tường để cho người khất thực ngồi nghỉ và tùy ý lấy nước dùng. Người cha nghe tỳ nữ báo liền ra xem, thấy Tu đề na đang ngồi ăn cơm dư cách đêm ở bên nhà nhỏ này liền nói: “tại sao con lại ăn thức ăn dư cách đêm như thế, khi con còn ở nhà, ăn những món thơm ngon có khi còn chê bai nói là ăn không vừa miệng. Nay con lại ăn thức ăn dư cách đêm này mà không một lời oán trách”, nói rồi nắm tay con cùng vào nhà thỉnh thọ thực

Hỏi: vì sao Tu đề na lại để người tục nắm tay?- vì Tu đề na là con chí hiếu nên người cha nắm tay mới không kháng cự – vì sao Tu đề na thọ pháp khất thực mà còn thọ cha thỉnh thực?- vì Tu đề na suy nghĩ: xa nhà đã lâu, nếu không thọ thỉnh thực, người cha sẽ ưu sầu; vì thương xót cha nên mới thọ thỉnh thực. Lúc đó người cha đem vàng bạc vật báu… chất đống trước Tu đề na nói rằng: “đây là vật sính lễ của ta hỏi cưới mẹ con và của hồi môn mẹ con mang theo khi về với ta, đến nay vẫn còn nguyên, đây là vật của tổ phụ con để lại cho cha, đến nay vẫn còn nguyên. Tất cả đều thuộc về con, con nên hoàn tục để hưởng thọ năm dục; con xuất gia không phải vì sợ lịnh vua, cũng không phải vì mắc nợ, vì vậy con nên hoàn tục”, Tu đề na nói: “con không thể hoàn tục, con vốn thích đời phạm hạnh, không có tâm tham luyến thế tục, xin cha chớ phiền trách. Đống vàng bạc vật báu này cha nên bỏ vào một báo lớn cột chặt lại rồi đem quăng xuống chỗ sâu nhất trong sông lớn, vì sao, vì nó sẽ sanh nhiều phiền não và các nạn như vua, giặc cướp, nước, lửa đều từ nó mà ra”, người cha nghe rồi, lông tóc đều dựng đứng. Sau đó cha mẹ của Tu đề na cho gọi người vợ trẻ của Tu đề na đến nói rằng: “này con, trước đây hai con thương yêu nhau, nay con hãy làm cho Tu đề na đổi ý, vì sao, vì tiền tài không làm đổi ý nhưng sắc dục có thể”, người vợ trẻ hỏi Tu đề na có phải vì cầu được thiên nữ nên mới tu phạm hạnh, đáp là không phải vì cầu được thiên nữ. Lúc đó người mẹ của Tu đề na nói: “con hãy để lại đứa con nối dòng, đừng để tài sản này không có người cai quản, sau khi cha mẹ chết, tài sản này ắt sẽ bị sung vào kho tàng của vua”, Tu đề na suy nghĩ: “nếu ta không để lại đứa con nối dòng thì cha mẹ sẽ xúc não ta, không để yên cho ta tu phạm hạnh”, nghĩ rồi liền bằng lòng để lại đứa con nối dòng nên nắm tay người vợ cũ vào chỗ khuất kín để cùng hành dục.

Kinh nguyệt của người nữ gọi là nguyệt hoa, khi người nữ muốn mang thai, trong dạ con sanh một cục máu, sau bảy ngày chảy ra. Nếu máu này chảy ra không ngừng thì tinh của người nam không trụ lại được mà theo máu chảy ra; nếu máu ngừng chảy, tinh người nam mới đọng lại chỗ đó, sáu mới thành thai. Như ruộng sau khi cày bừa gieo giống rồi, nếu cho nước vào ruộng quá nhiều thì hạt giống sẽ nổi trôi bốn phía, không bám xuống đất được để mọc rễ nẩy nầm. Do sau khi Phật thành đạo trong hai mươi năm đầu chưa kết giới cho các đệ tử nên Tu đề na không biết tội tướng, cho là làm việc này không tội; sau khi cùng vợ làm việc bất tịnh trải qua ba lần thì người vợ mang thai. Có bảy trường hợp khiến người nữ mang thai: một là hai thân giao hội, hai là lấy y phục, ba là tinh chảy xuống, bốn là xoa dưới rốn, năm là thấy, sáu là nghe tiếng, bảy là nghe mùi. Nói hai thân giao hội là người nữ sau khi sanh thủy nguyệt thì ham muốn người nam, nếu người nam xúc chạm mỗi mỗi thân phần thì sanh tâm tham dục và sẽ mang thai. Nói lấy y phục là như Tỳ kheo Ô đà di và vợ cùng xuất gia, thời gian sau gặp lại nhau sanh tâm luyến ái nên tinh xuất làm dơ y. Ô đà di đưa cho Tỳ kheo ni này đem về giặt, Tỳ kheo ni này để tinh này vào trong nữ căn và trong miệng liền có thai. Nói tinh chảy xuống là như Lộc tử mẫu, xưa có con nai cái đi đến chỗ ở của một đạo sĩ, khi đạo sĩ này tiểu tiện, tinh chảy theo ra; nai cái này ngửi mùi nước tiểu, sanh tâm dục nên liếm và có thai sanh ra lộc tử. Nói xoa dưới rốn là như cha mẹ của Bồ tát Thiểm sắp mù, vua trời Đế thích hiện xuống bảo họ nên cùng giao hợp thì sẽ sanh con; do họ đã xuất gia tu đạo nên không làm theo lời nay, Đế thích nói: nếu không cùng giao hợp thì hãy xoa dưới rốn, họ làm theo và người vợ mang thai sanh ra Bồ tát Thiểm. Nói thấy là như trường hợp người nữ sau khi sanh thủy nguyệt, nếu tâm dục hừng thạnh mà không được cùng người nam giao hợp, chỉ cần nhìn thấy người nam liền có thể mang thai. Nói nghe tiếng là như loài cò trắng, chỉ có con mái không có con trống; đến mùa xuân khí trời ấm áp bắt đầu có tiếng sấm, cò nghe tiếng sấm liền có thai. Loài gà cũng có lúc như thế, hoặc chỉ cần nghe tiếng gà trống cũng có thai. Nói nghe mùi là như trường hợp trâu cái, chỉ cần ngửu mùi trâu đực liền có thai. Tu đề na cùng vợ giao hợp, địa thần thấy liền kêu lên là pháp ác đã sanh, thần hộ thân cũng kêu lên như thế, các thần lần lượt kêu lên như thế vang lên đến tận cõi trời Phạm, tất cả đều biết là pháp ác đã sanh. Vợ Tu đề na sanh con trai đặt tên là Tục chủng, khi Tục chủng lên tám tuổi, cùng mẹ xuất gia thân cận các thiện tri thức, lần lượt đều được chứng quả A-la-hán.

Sau khi cùng vợ làm việc bất tịnh hạnh rồi, Tu đề na sanh tâm hối hận suy nghĩ: “nơi lợi ích ta lại không được lợi, ở trong Phật pháp xuất gia tu phạm hạnh là để được ba đạt trí, ta không được lợi này lại được ác lợi, tức là người khác xuất gia thì được thiện lợi, còn ta không được thiện lợi lại được ác lợi vì tu phạm hạnh là tổng trì giới định huệ, ta lại không tổng trì”, do hối hận nên ăn uống không ngon, thân thể tiều tụy biến sắc, như lá cây héo úa sắp rụng; ở trong chúng xấu hổ cúi đầu. Lúc đó các Tỳ kheo thấy vậy liền hỏi: “trước đây sắc mặt Hiền giả rất tươi vui, thân tướng đoan chánh, vì sao nay lại tiều tụy như vậy; hay là Hiền giả ở trong phạm hạnh có lo buồn hối hận điều gì?”, Tu đề na nói: “không phải tôi không thích đời sống phạm hạnh, tôi rất siêng tu chỉ vì tôi đã làm pháp ác, hằng thấy nó hiện trước mắt”, các Tỳ kheo nói: “lời thầy nói đáng hồ nghi”, Tu đề na nói: “vì sao hồ nghi?”, các Tỳ kheo nói: “nếu ở trong pháp thanh tịnh đã làm hạnh bất tịnh mà sanh nghi hối thì không thể nào tu phạm hạnh được nữa. Phật đã dùng đủ phương tiện nói pháp ly dục hoặc nói lỗi của năm dục. Lời tuy khác nhưng nghĩa là đồng, ly dục hặoc diệt ái mới không còn luân hồi trong ba cõi, ái tận là niết bàn, vì sao thầy lại cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh như thế. Việc mà thầy đã làm khiến cho người không tin sẽ càng không tin, người đã tin sẽ thối chuyển mất lòng tin”, các Tỳ kheo quở trách rồi đem việc này bạch Phật: “pháp nhơ uế đã sanh, cúi xin Thế tôn chế giới cho các đệ tử Thanh văn”, Phật nhân việc này nhm1 Tỳ kheo tăng, quở trách Tu đề na… Trong Tăng nếu người nào làm pháp ác, đáng quở trách thì Phật liền quở trách; người nào tinh tấn trì giới, đáng khen ngợi thì Phật liền khen ngợi. Như trong luật bổn, Phật quở Tu đề na rằng: “thầy là người ngu si, do nhân duyên gì thầy lại cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh như thế. Ta đã dùng đủ phương tiện nói pháp ly dục… cho đến câu thà đưa nam căn vào miệng rắn độc, không nên đưa vào nữ căn”

Hỏi: vì sao Phật lại quở trách như vậy?- vì Tu đề na là người đầu tiên làm pháp ác, làm cho pháp nhơ phát sanh trong pháp thanh tịnh này. Nói khó nuôi dưỡng là được che chở trong giáo pháp mà lại không thể tự hộ thân; nói không biết đủ là dù được tài bảo nhiều như núi Tu di cùng chưa vừa ý; nói dễ nuôi dưỡng là người ít muốn biết đủ mới có thể chế ngự sáu tình, không chạy theo sáu trần; nói dễ sinh sống là đối với bốn món cúng dường biết đủ thọ dụng, không chê ngon dỡ, tốt xấu và không tham cầu; nói tịnh là ít muốn biết đủ, đã thanh tịnh thì không nhiễm trần cấu, giũ sạch được trần cấu, ba nghiệp thanh tịnh trừ ba ng- hiệp bất thiện, không bị người hủy báng. Giới mà Phật chế cho các Tỳ kheo, nếu là thiện Tỳ kheo mới tín thọ làm theo, nếu là người ít muốn biết đủ mới có thể thọ trì; ví như hoa năm màu được tuần tự xâu kết lại, như hạt ngọc bảy báu được tuần tự xỏ xâu lại. Nói Phật thuyết giảng quả báo đời này đời sau khiến cho sợ hãi là nếu người nào ưa thích học và trụ nơi Học địa thì sẽ chứng được các quả A-la-hán, Tư đà hàm, A na hàm, Tu đà hoàn; nếu người không đủ nhân duyên chứng được các quả như vậy thì cũng được sanh lên cõi trời.

Hỏi: sao gọi là học địa?- là pháp thiền định tam muội. Nói học là Phật nhân mười pháp (mười công đức lợi) mà chế giới khiến Tăng được an ổn, được an lạc trụ; như trong luật bổn, Phật nói: việc làm này không có phạm, việc làm này có phạm hoặc điều này nên làm, điều này không nên làm. Nói Phật chế giới cho Tỳ kheo biết hổ thẹn, không chế giới cho Tỳ kheo không biết hổ thẹn là để ngăn Tỳ kheo không biết hổ thẹn không được cùng Tăng bố tát tự tứ, muốn khiến cho Tỳ kheo biết hổ thẹn được an lạc vì không bị Tỳ kheo không biết hổ thẹn xúc não nữa. Nói đoạn hữu lậu trong hiện tại là nếu dứt năm tình thì trong hiện đời không còn khổ não và được giải thoát. Nói điều phục người khó điều phục là người phạm giới, phá giới, không biết hổ thẹn nếu khi bị quở trách liền xúc não chúng tăng, thì Tăng đem pháp Tỳ ni ra trị phạt như xả trí hay khu tẫn… Nói đoạn hữu lậu vị lai là nếu không dứt năm tịnh buông lung làm pháp ác thì thân sau sẽ bị đọa vào ác đạo, chịu khổ báo không phải chỉ một đời mà là vô số kiếp. Nói khiến người chưa tin được tin là nếu thiện Tỳ kheo tùy thuận giới luật, oai nghi đầy đủ sẽ khiến cho người thấy liền sanh tín kính nói rằng: Sa môn Thích tử này đã làm được việc khó làm, đáng được tôn trọng. Ngoại đạo nếu thấy tạng Tỳ ni sẽ cho là Phật pháp cũng có sách Vệ đà giống như họ nên họ sanh tâm tôn trọng. Nói khiến người đã tin được tăng trưởng là nếu người đã sanh tâm tín kính, thấy các Tỳ kheo tu phạm hạnh, làm được việc khó làm thì càng thêm tín kính. Nói khiến chánh pháp được trụ lâu là phân biệt có ba:

1.  Học – chánh pháp trụ lâu là học thông ba tạng khiến cho những lời Phật dạy được trụ lâu.

2. Tín thọ – chánh pháp trụ lâu là hành mười hai hạnh đầu đà, mười bốn oai nghi, tám mươi đại oai nghi, giới, thiền định tam muội đã được kết tập trong ba tạng sẽ khiến cho chánh pháp được trụ lâu.

3. Đắc đạo – chánh pháp trụ lâu là chứng bốn quả Sa môn và niết bàn tịch tĩnh sẽ khiến cho chánh pháp trụ lâu.

Trong ba loại này thì học giới luật đứng đầu trong loại Học thứ nhất, vì thế Phật mới chế giới để các Tỳ kheo tùy thuận học, người nào tùy thuận giới thì được Thánh lợi đầy đủ nên các Tỳ kheo phải tôn trọng tạng Tỳ ni. Như trong luật bổn, Phật bảo các Tỳ kheo: “ta đã chế giới, các thầy nên học, nên thọ trì và dạy lại cho người khác. Giới này nên nói như sau: nếu Tỳ kheo nào hành pháp dâm dục thì phạm Ba la di, không được ở chung”. Hết phẩm Kết giới.

Lúc đó ở trong rừng, do có nhiều Tỳ kheo tu quán tâm từ bi nên các loài cầm thú như chương, nai, vượn, khỉ, công… qua lại chỗ các Tỳ kheo mà không e sợ nữa. Có một Tỳ kheo thấy trong bầy vượn có một con vượn cái mập mạp đáng yêu nên đưa thức ăn dụ nó để cùng làm việc bất tịnh. Khi Tỳ kheo này đi khất thực, có các Tỳ kheo từ nơi khác đến thăm, con vượn này thấy các Tỳ kheo cho là cũng giống như Tỳ kheo kia nên chạy đến gần hiện tướng dâm dục. Các Tỳ kheo thấy việc này rồi sanh tâm nghi nên nấp ở chỗ khuất rình xem thật hư như thế nào, khi thấy biết rồi liền gạn hỏi: “trưởng lão thật không làm việc như vậy phải không?”, Tỳ kheo này nói Phật chỉ chế ngăn với người nữ, không chế ngăn với súc sanh, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật. Phật nhân việc này tùy chế thêm: cho đến cùng với súc sanh cũng phạm Ba la di, không được ở chung.

Nói tùy chế, tùy kết thêm để giới được kiên cố, vì phạm tội có hai loại: một là tội do phạm pháp trong thế gian, hai là tội do trái phạm giới Phật chế mà những giới Phật chế cũng tùy pháp thế gian mà chế, mục đích để đoạn trừ phiền não. Nói trừ trong mộng là trong mộng không phạm. Hết phẩm con vượn.

Như trong luật bổn nói nhóm Bạt xà tử do ăn nhiều, ngủ nhiều nên sanh ý dục, không xả giới mà làm việc dâm dục nên sau đó quyến thuộc bại hoại, bản thân bị bịnh khổ bức bách mới bạch với tôn giả Anan: “chúng tôi không có hủy báng Như lai, cũng không hủy báng Tăng mà là tự hủy hoại mình nên không còn oai đức. Từ nay chúng tôi sẽ tu theo chánh pháp, nơi bốn mươi tám pháp quán, chúng tôi sẽ theo thứ lớp tu quán; nhân tu tập đạo A-la-hán này mà trí huẹ được tăng trưởng. Chúng tôi sẽ từ bỏ pháp thế tục, trụ nơi thanh vắng không làm pháp ác nữa”, A-nan nghĩ nếu họ làm được như vậy thì rất tốt nên khen lành thay. Nói không có lý đó là Phật quán thấy nhóm Bạt xà tử không có nhân duyên, dù có chọ họ thọ giới cụ túc, họ cũng sẽ phá giới phạm Ba la di không được ở chung, nên mới nói là chớ cho họ thọ giới cụ túc vì thương xót họ.

Có bốn Tỳ ni: một là bản, hai là tùy bản, ba là lời pháp sư, bốn là tự ý. Nói bản là chỉ cho tạng luật; nói tùy bản là chỉ cho bốn việc, như Phật bảo các Tỳ kheo: “nếu ta nói việc này là bất tịnh mà không chế giới, việc này lại tùy nhiếp vào bất tịnh, không nhiếp vào tịnh thì gọi là bất tịnh; nếu ta nói việc này là bất tịnh mà không chế giới, việc này lại tùy nhiếp vào tịnh thì gọi là tịnh; nếu ta nói việc này là tịnh nhưng việc này lại tùy nhiếp vào bất tịnh, không nhiếp vào tịnh, thì đối với các thầy, nó nhiếp vào bất tịnh; nếu việc này là tịnh, việc này tùy nhiếp vào tịnh thì đối với các thầy, nó nhiếp vào tịnh”. Lời pháp sư là chỉ cho đại chúng năm trăm A-la-hán kết tập, rộng phân biệt lưu thông luật bản mà Phật đã thuyết; nói tự ý là để luật bản, tùy luật bản và lời pháp sư qua một bên, theo ý mình hoặc dùng phương tiện hoặc dẫn kinh luật luận và lời pháp sư để rộng giải thích. Trước xem xét phần căn bản, kế đến xem nghĩa câu, phân biệt xét nét kỹ, sau đó xem xét lời pháp sư nếu cùng văn nghĩa tương ưng thì chấp nhận, nếu không tương ưng thì bỏ. Nếu từ lời pháp sư xét thấy tương ưng với văn nghĩa trong tùy bản thì chấp nhận, không tương ưng thì bỏ; nếu từ bản và tùy bản xét thấy không thể thay đổi thì chúng tăng như pháp yết ma cũng như Phật còn tại thế không khác; nếu xem tùy bản mà không hiểu thì nên xem nghĩa sớ, nếu thấy cùng tương ưng thì chấp nhận, không tương ưng thì bỏ. Nếu có hai Tỳ kheo luận bàn pháp nghĩa, một người nói là tịnh, người kia nói là bất tịnh; lúc đó nên xem xét trong bản và tùy bản, nếu trong đó đều nói là tịnh thì chấp nhận, nếu trong đó nói là bất tịnh thì không chấp nhận. Nếu người này xem trong bản và tùy bản thấy nói là tịnh, lại còn dẫn nhiều văn nghĩa để dẫn chứng; còn người kia không có văn nghĩa dẫn chứng thì nên chấp nhận lời của người này, không nên nghe theo lời của người kia. Nếu cả hai đều dẫn chứng văn nghĩa như nhau thì nên suy nghĩ và xét nét kỹ nghĩa của bản để quyết định nên chấp nhận hay không nên chấp nhận.

Lại có đủ ba pháp mới thành tựu luật sư: một là đọc tụng và hiểu thông suốt ý nghĩa văn tự của luật bản, hai là ở trong luật bản kiên trì không tạp, ba là theo thầy thứ lớp học và thọ trì không quên. Nói đọc tụng thông suốt là nếu có người hỏi không theo thứ lớp của câu thì vẫn có thể đáp theo câu hỏi, không cần suy nghĩ. Nói hiểu rõ ý nghĩa văn tự là có thể giải thích ý nghĩa câu văn trong bản, tùy bản và chú giải. Nói kiên trì không tạp là chỉ cho người biết hổ thẹn, vì người không biết hổ thẹn thì dù có học rộng hiểu nhiều, được nhiều người kính trọng nhưng không nương theo pháp luật thì người đó là gai góc trong Phật pháp, vì có thể phá hòa hợp Tăng và xúc não chúng tăng. Người biết hổ thẹn thì ngược lại, dù có mất mạng cũng không vì muốn đượ cúng dường mà phá chánh pháp. Nói không tạp là nếu có người hỏi ý nghĩa của luật bản và nghĩa sớ thì có thể tùy đáp, nếu đáp điên đảo thì cũng như người đi trong gai, khó thể vượt qua. Nếu người hỏi điên đảo thì nên đáp lại bằng chính câu hỏi của họ; nếu bị người có hiểu biết vấn nạn thì nên đáp theo câu hỏi, chớ đáp lạc đề, như dùng chen vàng đựng mở sư tử thì không bị chảy. Nói theo thầy học và thọ trì không quên là như tôn giả Ưu ba ly thọ trì tạng luật từ Phật, Đà tả câu thọ tì từ Ưu ba ly, Tu đề na câu thọ trì từ Đà tả câu, Tất già bà thọ trì từ Tu đề na câu, Mục kiền liên Đế tu thọ trì từ Tất già bà…như vậy các sư nối tiếp truyền thứa cho nhau mãi đến ngày nay.

Nếu ở trong Tăng xử đoán việc đấu tranh thì vị luật sư nên xem xét kỹ sáu pháp rồi mới quyết đoán: một là xem trú xứ, hai là xem luật bản, ba là xem câu văn, bốn là xem ba đoạn, năm là xem xét tội trung gian, sáu là xét vô tội. Nói xem xét trú xứ là như trong luật nói nếu vào chùa phải che thân kín đáo, nếu không che thân kín đáo thì phạm Đột kiết la; sau khi xét tội tướng rồi dẫn văn trong luật bản làm chứng để diệt tránh. Nói xem xét luật bản là như trong luật nói cố ý vọng ngữ phạm Ba dật đề là tội thuộc năm thiên, nên xét tánh tội trong mỗi thiên rồi dẫn văn trong luật bản làm chứng để diệt tránh. Nói xem xét câu văn là như trong văn luật nói hành dâm với tử thi chưa hoại thì phạm Thâu lan giá là tội thuộc trong bảy tụ, nên xét tánh tội trong mỗi tụ rồi dẫn văn trong luật bản làm chứng để diệt tránh. Nói xem xét ba đoạn là trong Tăng già bà thi sa có ba đoạn, trong Ba dật đề có ba đoạn, nên xem xét ba đoạn này rồi dẫn văn trong luật bản làm chứng để diệt tránh. Nói xem xét tội trung gian là như đốt lửa phạm Đột kiết la, nên xét tội trung gian này trong luật bản rồi dẫn văn trong luật bản làm chứng để diệt tránh. Nói xét vô tội là như trong luật bản nói nếu không có tâm thọ lạc, không có tâm trộm, không có tâm giết hại, không cố ý nói dối… thì nên xem xét từng trường hợp, không thấy có tướng tội thì nên dẫn văn trong luật bản làm chứng để diệt tránh.

Nếu Tỳ kheo nào biết rõ bốn pháp Tỳ ni, thông suốt ba pháp và sáu pháp kể trên thì diệt tránh thành tựu; nếu diệt tránh thành tựu rồi mà việc tranh cãi không phát sanh trở lại thì người ấy không khác gì Phật còn tại thế. Nếu Tỳ kheo nào phạm giới sanh nghi hối thì nên đến chỗ luật sư cầu quyết nghi, luật sư này trước phải xem xét kỹ, nếu thấy có tội thì nên đáp có, nếu thấy không tội thì nên đáp không; thấy nên sám hối thì bào họ sám hối, thấy đáng trị phạt thì nên cho pháp trị phạt, thấy nên cho xuất tội thì nên cho xuất tội. Nếu thấy có tội tướng của Ba la di thì không nên nói thẳng là phạm Ba la di, vì sao, vì trong thiên Ba la di, tội phạm dâm và vọng ngữ có tướng trãng dễ nhận biết, còn tội giết người và trộm cướp có tướng trạng khó nhận biết, phải tùy việc vi tế mà giải thích, không nên nói thẳng với người đang nghi hối là đã phạm Ba la di. Nếu người này có thầy thì nên bảo trở về hỏi thầy, nếu vị thầy kia nói là trị được thì luật sư nên nói: lành thay, hãy làm theo lời dạy ấy. Nếu người này không có thầy thì luật sư nên bảo hỏi các vị đồng phạm hạnh, đồng học; nếu họ nói là trị được thì luật sư nên nói lành thay như trên. Nếu người này cũng không có bạn đồng học thì luật sư nên nói với người này rằng: “khó gặp Phật ra đời, được xuất gia là khó, thọ đắc giới cụ túc càng khó hơn”, nói rồi liền bảo người này vào trong thiền phòng thiền định một ngày, quán một trong ba mươi pháp thiền định. Nếu người này thật không khuyết giới phạm giới thì pháp thiền sẽ hiện đến với người đang quán và liền nhập định; ngược lại thì không thể nào nhập định mà sẽ cảm thấy như ngồi trên gai, vì bị lửa nghi hối thiêu đốt và họ sẽ đứng dậy bỏ đi. Lúc đó luật sư nên nói: “hễ phạm tội thì không nên che giấu, vì vừa phạm thì thần hộ thân đã biết trước rồi”. Hết phẩm luật sư.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Sa Di Thập Giới Nghi Tắc - Luật Tạng
  • Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 2 – Mười Giới Sa Di - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng