QUYỂN 7
Chữ danh (gọi là) trong luật văn là không phải chỉ tùy người mà kết mà bao gồm thân người, tu tập, thọ sanh, tên, họ, giới, chùa, hành nghiệp, tuổi tác… Nói thân người là người đó cao hay thấp, trắng hay đen, mập hay ốm…; nói tu tập là tu thiền hay tu học giáo pháp; nói thọ sanh là sanh vào nhà Sát đế lợi hay vào nhà Bà la môn…; nói tên là có tên Phật đà lặc cật đa hay có tên Đam vô lặc cật đa…; nói họ là có họ Ca chiên diên hay họ Bà tư xoa…; nói giới là tùy theo giới đã thọ mà nói; nói chùa là tùy theo chùa đã cư trú mà nói; nói hành nghiệp là tùy hành nghiệp đã làm mà nói; nói tuổi tác là năm, mười, hai, ba mươi tuổi. Nếu người có hạnh Tỳ kheo thì được gọi là Tỳ kheo, dịch nghĩa là khất sĩ thì dù có xin được hay không vẫn gọi là khất sĩ. Hành pháp khất thực là hạnh của bậc thiện nhân; Phật, Phật Bích chi và các Thanh văn đều hành pháp khất thực; người thế gian dù giàu hay nghèo, nếu từ bỏ tài sản, nhà cửa ruộng vườn… để xuất gia học đạo, hành pháp khất thực, dù tư sanh có hay không đều lấy bốn biển làm nhà thì người đó gọi là Tỳ kheo. Nói Tỳ kheo mặc y cắt rọc là dù y trị giá ngàn vạn, Tỳ kheo được rồi liền phải cắt rọc để làm mất giá trị của y; lại dùng kim chỉ ráp lại làm cho mất vẻ đẹp của y; lại dùng vỏ cây nhuộm làm cho mất màu tươi sáng của y, khiến trở thành y hoại sắc; người mặc y như thế được gọi là Tỳ kheo. Sa di có khi cũng được gọi là Tỳ kheo, như có đàn việt đến thỉnh Tỳ kheo, Sa di tuy chưa thọ giới cụ túc nhưng vẫn được vào trong số Tỳ kheo thọ thỉnh, đây gọi là danh tự Tỳ kheo. Giả danh Tỳ kheo là mượn danh nghĩa Tỳ kheo, không phải là chân thật Tỳ kheo như trưởng lão A-nanban đêm thấy một người liền hỏi là ai, kia đáp tôi là Tỳ kheo. Thiện lai Tỳ kheo là như có bạch y đến chỗ Thế tôn cầu xuất gia, Phật quán căn cơ nếu thấy đủ nhân duyên hóa độ liền gọi: thiện lai Tỳ kheo, hãy tu phạm hạnh; người này râu tóc tự rụng, ca sa hiện trên thân liền trở thành Tỳ kheo.
Hỏi: từ khi Phật thành đạo cho đến khi nhập niết bàn, có bao nhiêu vị thiện lai Tỳ kheo?- có một ngàn ba trăm bốn mươi mốt vị, trong đó nhóm A nhã Kiều trần như năm vị, con trưởng giả Da thu và năm mươi bạn thân, nhóm Bạt quần ba mươi vị, nhóm Xà trí la một ngàn vị, hai đại Thanh văn với hai trăm năm mươi vị và Ương quật ma la, như kệ nói:
“Một ngàn ba trăm,
Bốn mươi mốt người,
Có lòng tin sâu,
Cầu Phật xuất gia,
Như lai từ bi,
Dùng Phạm âm gọi,
Thiện lai Tỳ kheo,
Hãy tu phạm hạnh.
Liền đủ y bát,
Trở thành Tỳ kheo”.
Không phải chỉ các Tỳ kheo trên mới là thiện lai Tỳ kheo, mà những bậc đại trí huệ cũng được gọi là thiện lai Tỳ kheo như nhóm Tư lâu Bà la môn ba trăm người, nhóm Ma ha Kiếp tân na một ngàn người, một vạn người ở nước Ca tỳ la vệ và một vạn sáu ngàn người cùng xuất gia với Bà la môn Ba dạ la ni. Nói do tam quy đắc giới cụ túc là nói ba lần tam quy liền đắc giới cụ túc; nói do giáo thọ đắc giới cụ túc là như Phật bảo Đại Ca Diếp: “ta đối với các bậc thượng trung hạ tòa đều khởi tâm hổ thẹn, thầy cũng nên học như thế; từ nay thầy nên lắng nghe cho kỹ tất cả thiện pháp, ghi khắc vào tâm với ý nghĩ là tôi đang lắng tai nghe pháp. Thầy nên học như vậy, nên nhớ nghĩ như vậy”. Nói do vấn đáp đắc giới cụ túc là như Phật kinh hành trong chùa Phú bà la di đã hỏi Sa di Tu ba ca về tên phồng trướng và tên của sắc là đồng nhất hay khác nhau; Tu ba ca tùy đáp theo câu hỏi và được Phật khen ngợi: “lành thay, con đã đáp lời của bậc Nhất thiết trí với chánh tâm, nay ta cho con thọ giới cụ túc”. Nói thọ trong pháp đắc giới cụ túc là như Tỳ kheo ni Ma ha ba xà ba đề lãnh thọ tám trọng pháp mà đắc giới cụ túc; Sai sứ thọ đắc giới cụ túc là như trường hợp của ni Ban thi ca; do tám lần nói đắc giới cụ túc là trường hợp ni thọ giới cụ túc, ở bên Ni tăng bạch tứ yết ma rồi, kế qua Tỳ kheo tăng bạch tứ yết ma lần nữa mới đắc giới cụ túc; nói bạch tứ yết ma đắc giới cụ túc là trường hợp bên Tăng cho Sa di thọ giới cụ túc.
Nói thiện nhân là chỉ cho phàm phu từ khi tu thiện pháp cho đến khi chứng quả A-la-hán có đủ giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Nói chân Tỳ kheo là sau khi thọ đắc giới liền y theo giới hành trì, diệt trừ hết phiền não chứng Lậu tận A-la-hán; ví như bạch điệp nhuộm màu xanh thì được gọi là vải xanh. Nói Hữu học là chỉ cho bảy hạng học nhân, phàm phu đang học ba học cũng gọi là Hữu học; Vô học là bậc đã qua giai vị Hữu học, trụ ở giai vị trên không còn gì phải học nữa vì đã diệt hết các lậu hoặc. Nói tập Tăng là ít nhất năm Tỳ kheo; nói nên lấy dục là lấy dục trong hiện tại; khi Tăng đã hòa hợp, không có người quở thì nên tác pháp yết ma. Bạch tứ yết ma là một lần bạch, ba lần yết ma; do bạch tứ yết ma đắc giới cụ túc liền được tướng Tỳ kheo. Nói ba học là thượng giới, thượng tâm và thượng huệ; nói học là chỉ cho năm giới, mười giới; dù Phật có ra đời hay không thì giới này vẫn thường có trong thế gian, khi Phật chưa ra đời thì Phật Bích chi và các Sa môn, Bà la môn cho đến Chuyển luân thánh vương đã đem giới pháp này giáo hóa mọi người; khi Phật ra đời, Phật và các Thanh văn đem giới pháp này giáo hóa người khác. Người nào thọ trì giới pháp này, sau khi qua đời được sanh lên cõi trời hay cõi người thọ hưởng phước lạc. Thượng giới là chỉ cho Ba la đề mộc xoa, cũng gọi là Vô đẳng học; ví như trong các loại ánh sáng thì ánh sáng mặt trời là sáng nhất, trong các núi thì núi Tu di là cao nhất, trong các môn học thế gian thì Ba la đề mộc xoa là tối thắng. Vì sao, vì Phật ra đời mới có pháp này, Phật chế giới thuyết Ba la đề mộc xoa để điều phục ba nghiệp thân ngữ ý, ai thọ trì Vô đẳng học này đều đồng vào đạo quả nên gọi là thượng giới. Nói thượng tâm là tâm đạo quả, vượt qua tâm thế gian như lục dục, tám tâm công đức và tám tâm định thế gian, ai được tâm này thì không làm pháp bất tịnh nữa nên gọi là thượng tâm. Nói thượng huệ là dùng huệ biết nghiệp là nhân, báo là quả; dù Phật có ra đời hay không, pháp nhân quả này vẫn thường có; khi Phật chưa ra đời thì Phật Bích chi cho đến Chuyển luân thánh vương dùng pháp này giáo hóa mọi người; khi Phật ra đời, Phật và các Thanh văn dùng pháp này giáo hóa người khác. So với hai pháp trên thì thượng tuệ là tối thắng vì thượng tuệ là tuệ của đạo quả, hiểu rõ ba tướng: khổ, không và vô ngã. Nói ở chung là các Tỳ kheo khác nhau về chủng tộc, quốc gia, quê quán, tên họ nhưng sau khi xuất gia thọ giới đồng thọ trì học giới và ở chung một chỗ; nếu phạm Ba la di thì không được ở chung nữa. Nói giới suy kém không nói ra là giới tướng suy kém mà không nói ra, cũng không xả giới như đối với học giới khởi tâm ưu sầu, không muốn thọ trì nữa nên thường than thở, tâm tán loạn không chuyên nhất. Có mười bốn câu biểu hiện giới suy kém như nói tôi muốn bỏ Phật, bỏ pháp, bỏ Tăng, bỏ Ba la đề mộc xoa…; lại có tám câu biểu hiện giới suy kém như nói tôi muốn làm bạch y, làm Ưu bà tắc, làm tịnh nhân… Nếu từ hai mươi hai câu này hợp lại thì thành một trăm mười câu biểu hiện giới suy kém, trong đó có mười bảy câu như nói tôi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ nhà…; kế có mười sáu câu như nói tôi còn có mẹ cần phải về phụng dưỡng…; kế có tám câu như nói tu phạm hạnh, ngày ăn một bữa rất khó làm…; kế có năm mươi câu như nói tôi không làm nổi, không chịu đựng nổi, tôi không vui… Nói xả giới là nói ra lời, người nghe hiểu được liền thành xả giới; có mười bốn câu như nói tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng, bỏ Ba la đề mộc xoa…; nếu sai sứ, viết thư hay đóng dấu thì không thành xả giới, phải đối trước người khác nói ra lời, người nghe hiểu đuợc mới thành xả giới; nếu người nghe không hiểu, bên cạnh có người khác hiểu thì không thành xả giới; nếu nói với hai người, cả hai nghe hiểu hoặc một người nghe hiểu, một người nghe không hiểu cũng thành xả giới; hoặc đối trước số đông người nói xả giới, trong đó có một người nghe hiểu cũng thành xả giới. Người xả giới từ pháp Như lai rơi xuống làm người thế tục thì cũng giống như Đế thích, Phạm thiên vương bị đọa. Nếu Tỳ kheo bị dâm dục xúc não, muốn nói với bạn đồng học nhưng e ngại nên ở chỗ khuất nói lớn tiếng là tôinay bỏ Phật; tùy có người hiểu là như gần đó bỗng có người nghe hiểu được Tỳ kheo này muốn xả giới thì thành xả giới, nếu lúc đó họ nghe chưa hiểu, sau đó suy nghĩ mới hiểu thì không thành xả giới. Nếu nói bóng gió hoặc nói lúc đang tức giận đều không thành xả giới, nếu lúc đang nói có người để ý nghe và hiểu thì người nói mắc tội; như Phật bảo các Tỳ kheo: “đối với người mà giới đã suy kém, nếu cố ý nói những lời như trên thì đều thành xả giới”. Phật có trăm danh hiệu, pháp cũng vậy; nếu nói tôi bỏ Phật, bỏ bậc Chánh đẳng chánh giác, bỏ bậc Vô lượng ý, bỏ bậc Bồ đề trí, bỏ bậc Nhất thiết trí… nói rõ từng danh hiệu Phật như vậy thì đều thành xả giới. Nếu nói bỏ pháp, như nói tôi bỏ pháp mà Phật khéo phân biệt thuyết giảng, bỏ pháp đến để mà thấy, bỏ pháp ly dục… cho đến bỏ tám vạn bốn ngàn pháp tụ, nói rõ từng pháp như vậy thì đều thành xả giới. Nếu nói bỏ Tăng, như nói tôi bỏ Tăng hòa hợp, bỏ Tăng tùy chánh hạnh, bỏ Tăng tùy như lý hạnh… bỏ vô thuợng phước điền thì đều thành xả giới. Nếu nói xả giới, như nói tôi xả giới Tỳ kheo, xả giới Tỳ kheo ni, xả thượng học, thượng tâm, thượng huệ, xả Ba la đề mộc xoa thì đều thành xả giới. Nếu nói tôi xả Hòa thượng, xả đồng Hòa thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả đệ tử, xả các vị đồng học giới, xả các vị đồng phạm hạnh… đều thành xả giới. Nếu nói tôi nay làm bạch y hoặc nói tôi muốn trở lại đời sống trước kia, làm thương nhân hoặc cày ruộng, chăn nuôi, hưởng thọ ngũ dục… thì đều thành xả giới; cho đến nói tôi không phải là Sa môn Thích tử nữa liền thành xả giới. Nói tóm lại do nhân này, với biểu hiện này và dùng phương tiện này nói ra lời rõ ràng đều thành xả giới. Trên đây là tướng xả giới và việc xả giới, kế nói về không thành xả giới; như Tỳ kheo mắc bịnh điên cuồng tâm loạn, tùy tâm điên cuồng mà nói xả giới thì không thành xả giới; hoặc đối trước người điên cuồng tâm loạn mà nói xả giới, người kia nghe không hiểu cũng không thành xả giới. Nếu Tỳ kheo mắc bịnh khổ, bị khổ bức bách mà nói xả giới thì không thành xả giới; hoặc đối trước người đang bịnh khổ mà nói xả giới, do họ bị bịnh khổ bức bách nên nghe không hiểu thì không thành xả giới. Nếu đối trước thiên thần, phi nhơn như các loài rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, cho đến đối trước các loài súc sanh nói xả giới thì đều không thành xả giới. Nếu đối trước người ở trong nước, dùng ngôn ngữ của biên địa để nói xả giới; hoặc đối trước người ở biên địa, dùng ngôn ngữ ở trung phương để nói xả giới, do người nghe không hiểu được tiếng nói của nhau nên không thành xả giới. Nếu khi đối trước người nói xả giới mà nói mau, nói cà lăm, nói lộn… thì không thành xả giới.
Hỏi: sao gọi là pháp bất tịnh, sao gọi là làm việc bất tịnh?- đây là pháp bất thiện, pháp ác, không phải là pháp của bậc thiện nhân. Nói làm việc bất tịnh là ở chỗ khuất chỉ có hai người, cả hai đều thích muốn thọ dục nên xúc chạm nhau, hai thân giao hội, vừa vào (nam căn vào nữ căn) thì phạm Ba la di; nếu thọ lạc thì phạm Ba la di, không thọ lạc thì phạm Đột kiết la, đây gọi là làm việc bất tịnh. Như trong luật nói cho đến cùng với súc sanh đều phạm Ba la di, là lời nói tột cùng, đối với loài lớn có thể cùng hành dâm được thì phạm Ba la di, loài nhỏ không thể hành dâm được thì phạm Đột kiết la. Nói Ba la di nghĩa là thối đọa, không như ý, từ pháp Như lai bị rơi xuống, không còn gọi là Thích tử nữa, ở trong pháp Tỳ kheo không còn được như ý nữa, không được xếp vào tăng số và không được ở chung với Tăng nữa, như kệ nói: “ T a thuyết Ba la di,
Thầy hãy chú ý nghe,
Đọa lạc, không như ý,
Trái ngược với chánh pháp,
Không được cùng ở chung,
Nên gọi Ba la di “.
Nói không được ở chung là không được cùng Tăng hòa hợp tác pháp yết ma làm các Tăng sự và mỗi nửa tháng cùng thuyết Ba la đề mộc xoa, như trong luật bổn nói không được cùng bố tát và làm các pháp yết ma.
Nói người nữ có ba loại, mỗi loại có ba đường hành dâm, huỳnh môn có ba loại, mỗi loại có hai đường hành dâm, nam cũng có ba loại. Nói ba loại nữ là người nữ, phi nhân nữ và súc sanh cái, tổng cộng là chín căn (chín đường hành dâm); ba loại huỳnh môn là người huỳnh môn, phi nhân huỳnh môn và súc sanh huỳnh môn, tổng cộng là sáu căn; ba loại nam là người nam, phi nhân nam và súc sánh đực, tổng cộng là sáu căn. Nếu với tâm dâm, hai căn xúc chạm nhau để làm việc bất tịnh, vừa vào liền phạm Ba la di; nếu bản thân không chủ động làm, người kia chủ động làm mà bản thân thọ lạc thì cũng phạm Ba la di; nếu bị cưỡng bức làm việc bất tịnh, ban đầu tâm không thọ lạc, nhất tâm hộ giới thì không phạm, sau đó khởi tâm thọ lạc thì phạm Ba la di. Nếu oan gia đưa người nữ đến chỗ Tỳ kheo khuyến dụ làm việc bất tịnh, muốn hoại Tỳ kheo; hoặc nửa đêm đưa người nữ đến, gọi Tỳ kheo thức dậy để cùng làm việc bất tịnh, nếu trong ba thời đều thọ lạc thì phạm Ba la di, dù tinh có xuất hay không đều phạm, chớ nói là vì oan gia bức bách nên không phạm. Nói ba thời là khi mới vào (nam căn vào nữ căn), khi dừng trụ (nam căn đã vào trong nữ căn), khi ra (nam căn ra khỏi nữ căn). Nếu khi mới vào không thọ lạc, khi dừng trụ và khi ra thọ lạc thì phạm Ba la di; khi mới vào và khi dừng trụ không thọ lạc nhưng khi ra thì thọ lạc cũng phạm Ba la di; cả ba thời không thọ lạc thì không phạm. Nói không thọ lạc là như đưa vào miệng rắn độc, như chạm vào lửa; nếu Tỳ kheo quán khổ không vô ngã, không kể đến thân mạng, bị người nữ bức bách như chạm vào lửa, như chạm dao bén thì không phạm.
Trường hợp oan gia đưa người nữ đến hoặc người nữ không ngủ hoặc là người say, hay bị điên cuồng hoặc là thây chết chưa hoại; nói chưa hoại là ba đường hành dâm chưa hoại hoặc hoại phần nhiều hoặc hoại phần ít. Mỗi loại đều có ba đường hành dâm và bốn trường hợp, tổng cộng có hai mươi bảy; phi nhân nữ và súc sanh cái cũng vậy, tổng cộng là tám mươi mốt; huỳnh môn hai căn cũng có tám mươi mốt; huỳnh môn và người nam tổng cộng có năm mươi bốn; phi nhân nam và súc sanh đực cũng có năm mươi bốn; như vậy tất cả là hai trăm bảy mươi.
Tại nước Sư tử có hai luật sư cùng học với một A-xà-lê, một tên là Ưu ba đế tả, hai tên là Tả tả đề bà; Ưu ba đế tả có hai đệ tử rất trí huệ, một tên là Ma ha Ba đầu ma, hai tên là Ma ha Tu ma. Cả hai đều học luật với thầy qua chín lượt, nhưng Ma ha Ba đầu ma tự học thêm chín lượt nữa nên rất thông suốt Luật tạng. Sau đó Ma ha Tu ma rời thầy qua sông ở riêng, Ma ha Ba đầu ma nghe việc này rồi suy nghĩ:”thầy ấy rất dõng mãnh, bổn sư hiện còn mà đã ra ở riêng; ta thì mỗi năm sẽ đến chỗ thầy nghe luật và các nghĩa sớ luật, không phải chỉ học một lần mà học cho đến khi nào thông suốt luật,như thế mới gọi là luật sư cung kính luật”. Sau đó, khi Ưu ba đế tả đang dạy luật cho năm trăm đệ tử mà Ma ha Ba đầu ma đứng đầu, có một đệ tử hỏi: “nói căn hoại phần ít, hơn phân nửa chưa hoại mà hành dâm thì phạm Ba la di; căn hoại phần nhiều, còn ít phần chưa hoại mà hành dâm thì phạm Thâu lan giá; nếu còn nửa phần chưa hoại mà hành dâm thì phạm tội gì?”, Ưu ba đế tả đáp: “Phật kết Ba la di là kết chung, nếu hành dâm nơi ba đường mà kết tội Ba la di thì đó là tội thuộc thế gian, không tội do Phật kết; nếu nơi căn còn nửa phần chưa hoại mà hành dâm, phạm Ba la di là tội do Phật kết. Nói không thấy bóng Ba la di mà thấy bóng Thâu lan giá là đối với tử thi, nơi căn chưa hoại hay hơn phân nửa chưa hoại mà hành dâm thì Phật kết tội Ba la di; nơi căn còn ít phần chưa hoại mà hành dâm thì phạm Thâu lan giá, vì không thấy bóng Ba la di mà thấy bóng Thâu lan giá. Nếu phần thịt nơi căn chưa hoại, da gân vẫn còn thì kết phạm Ba la di; hoặc phần thịt đã hoại nhưng vẫn còn hình dạng, có thể đưa nam căn vào để hành dâm thì cũng phạm Ba la di; nếu căn đã hoại không còn hình dạng, bằng phẳng như vết thương thì phạm Thâu lan giá; nếu bị thú ăn mất căn, chỉ còn chỗ thịt mà hành dâm vào chỗ ấy thì phạm Đột kiết la. Nếu tử thi chưa thối rửa hay đã thối rửa, hành dâm vào chỗ Ba la di thì phạm Thâu lan giá, hành dâm vào chỗ Thâu lan giá thì phạm Đột kiết la, hành dâm vào chỗ Đột kiết la thì cũng phạm Đột kiết la.Nếu Tỳ kheo khởi tâm dâm sờ chạm nơi ba đường của người nữ thì phạm Thâu lan giá, nếu vì muốn thọ lạc mà môi chạm môi, đưa nam căn chạm bên ngoài nữ căn thì phạm Tăng già bà thi sa; chạm bên ngoài căn của súc sanh cái thì phạm Thâu lan giá, sờ mó để thọ lạc thì phạm Đột kiết la. Phật vì hộ người thuận trì giới và vì hộ chánh pháp không muốn các ác Tỳ kheo đời vị lai phạm nên nói ra hai trăm bảy mươi chỗ phạm này”.
Nói bốn loại cách là có cách vào không cách, không cách vào có cách, không cách vào không cách và có cách vào có cách. Có cách là có y phục bên ngoài ngăn cách, ngược lại là không cách; nếu cả hai đều có cách mà có tâm dục hành dâm vào chỗ Ba la di thì phạm Ba la di, vào chỗ Thâu lan giá thì phạm Thâu lan giá, vào chỗ Đột kiết la thì phạm Đột kiết la. Nói không phạm là không hay biết và không thọ lạc, như Tỳ kheo ngủ say không hay biết như người nhập định thì không phạm, nếu tỉnh thức có hay biết nhưng không thọ lạc cũng không phạm. Nếu Tỳ kheo bị điên cuồng tâm loạn, không biết khinh trọng, sạch dơ; thuốc không trị hết được thì không kết phạm; nếu trở lại bổn tâm mà làm việc bất tịnh thì kết phạm. Người phạm đầu tiên khi Phật chưa kết giới như Tu đề na thì không kết phạm, những người phạm sau như Tỳ kheo phạm dâm với di hầu và Tỳ kheo Bạt xà tử thì kết phạm Ba la di.