LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Việt dịch: Thích Phước Sơn – Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Quyển thứ mười bốn
-ooOoo-
NÓI RÕ PHẦN THỨ BA CỦA PHÁP ĐƠN ĐỀ
8. GIỚI: NÓI TỘI NẶNG CỦA TỲKHEO KHÁC.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có một cư sĩ mời các Tỷ Kheo quen biết đến nhà. Trong số đó có một Trưỡng Lão Tỷ Kheo đang thi hành pháp Ma-Na-Đỏa nên ngồi ở hàng dưới. Ưu bà di đàn việt thấy thế, liền hỏi: “Tôn giả trước kia ngồi ở trên, nay vì sao lại ngồi ở chỗ này?”.
Thầy đáp: “Gặp đâu thì ngồi đó mà, cần chi phải hỏi?”.
Ưu bà di nói: “Con biết chỗ ngồi của tôn giả đúng ra tại chỗ này, con cũng biết chỗ ngồi của các tôn giả khác”.
Khi ấy Nan Đà nói với Ưu bà di: “Vì sao bà lại bảo thầy của bà lên ngồi ở chỗ trên? (337 c)Vì thầy của bà vẫn chưa bỏ tính bông đùa của thời niên thiếu đó mà”.
Ưu bà di nghe thế, lòng không vui, liền suy nghĩ: “Vì thầy ta đang phạm các tội nhỏ nên phải ngồi ở chỗ dưới này”, liền ném giỏ cơm xuống đất rồi bỏ đi nói: “Tôn giả hãy tự lấy thức ăn ở trong đó mà ăn”. Nói thế rồi, bà liền vào trong phòng đóng lại một cánh cửa, rồi đọc kệ:
“Xuất gia đã lâu ngày
Tu tập nếp phạm hạnh
Tính trẻ con không bỏ
Làm sao nhận bố thí?”.
Các Tỷ Kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Nan Đà đến.
Khi thầy đến rồi, Phật hỏi: “Ông có thật như vậy không?”.
Thầy đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.
Phật liền quở trách Nan Đà: “Đó là việc xấu. Người tu phạm hạnh có lúc phóng dật, sau đó sẽ sống như pháp, vì sao nói với người chưa thọ giới cụ túc về tội lỗi của người ấy?
Từ nay trở đi ta không cho phép (các tỷ kheo) nói với người chưa thọ giới cụ túc về thô tội của người khác”.
Lại nữa khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỷ Kheo khất thực, đến giờ thầy bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đến một nhà kia, lúc ấy nghe người đàn ông nói với người nữ: “Ngươi bố thí thức ăn cho người xuất gia”.
Người phụ nữ hỏi: “Xuất gia theo đạo nào?”.
Đáp: “Xuất gia theo dòng họ thích”.
– Tôi không cho thức ăn .
– Vì sao không cho?
– Đó là người phá phạm hạnh, nên tôi không cho.
Tỷ kheo liền nói với người phụ nữ ấy: “Này bà chị, tôi là người phạm hạnh”
Người phụ nữ nói: “Tôn giả Ca Lô là hàng đại danh đức mà còn không thể tu phạm hạnh, nay vì sao ông lại tự nói mình là ngưòi phạm hạnh?”.
Tỷ kheo nghe lời nói ác ấy, cảm thấy sầu não trong lòng, nên không khất thực mà trở về lại tịnh xá, tuyệt thực một ngày.Vì tuyệt thực nên thân thể rũ rượi, thầy bèn đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: “Nay ông vì sao mà thân thể rũ rượi như vậy?”.
Thầy liền đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật nói: “Này tỷ kheo, vì sao ông không nói với họ rằng: giả sử Tỷ kheo Ca Lô chẳng phải là người phạm hạnh, thì có phương hại gì đến việc tu phạm hạnh của tôi?”.
Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn, con có thể nói với bà ấy, nhưng vì Thế Tôn chế giới không cho phép nói với người chưa thọ giới cụ túc về thô tội của người khác, cho nên con không nói”.
Phật nói: “Lành thay! lành thay! Này thiện nam tử! Ông không vì mạng sống mà vi phạm lời dạy dỗ của Phật”.
Thế rồi, Phật nói với các Tỷ Kheo: “Những người tại gia, xuất gia đều biết Tỷ kheo Ca Lô ấy [338a] phi phạm hạnh, vậy tăng nên trao cho ông ta phép yết ma phi phạm hạnh. Người làm yết ma nên nói như sau:
“Xin đại đức tăng lắng nghe! Những người tại gia, xuất gia đều biết Tỷ kheo Ca Lô ấy phi phạm hạnh, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng cho phép nói về phi phạm của Tỷ kheo Ca Lô”. Bạch như vậy, rồi bạch ba lần yết ma.
Sau đó Phật hỏi các Tỷ kheo: “Đã làm pháp yết ma cho phép nói về việc phi phạm hạnh của Tỷ kheo Ca – Lô chưa?”.
Các Tỷ kheo đáp: “Đã làm rồi”.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo sống tại Thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ Kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
— “Nếu Tỷ Kheo biết Tỷ Kheo khác phạm thô tội mà đem nói với người chưa thọ giới cụ túc – trừ Tăng yết ma cho phép – thì phạm Ba dạ đề”.
Giải thích
Thô tội: Như bốn tội (Ba la di), mười ba tội (Tăng Tàn) .
Chưa thọ giới cụ túc: Trừ Tỷ kheo, Tỷ kheo ni. Nhưng Tỷ kheo ni dù đã thọ giới cụ túc cũng không được nói với họ .
Nói: Nói cho người ở trước mặt mình biết; ngoại trừ trường hợp Tăng yết ma cho phép
Yết ma: Nếu tác bạch không hợp lệ, chúng Tăng không hợp lệ, thể thức yết ma không hợp lệ, thì cũng không được gọi là yết ma . Trái lại, tác bạch hợp lệ, chúng Tăng hợp lệ, thể thức yết ma hợp lệ,thì được gọi là yết ma . Đức Thế Tôn bảo yết ma đó không có tội.
Nếu Tỷ kheo biết người khác phạm thô tội, mà Tăng chưa làm yết ma cho phép, thì không được nói thô tội của người ấy. Nếu có ai hỏi: “Tỷ kheo mỗ giáp phạm giới dâm, giới uống rượu phải không?”. Thì nên đáp: “Thầy ấy sẽ tự biết”.
Nếu Tăng đã làm yết ma rồi, cũng không được đem rêu rao với xóm làng. Nếu có ai hỏi: “Tỷ kheo ấy phạm giới dâm,giới uống rượu phải không?”, thì Tỷ kheo (được hỏi) nên hỏi lại người ấy: “Ngươi nghe ở đâu?”.
Nếu họ đáp: “Tôi nghe tại nơi đó”, thì Tỷ kheo nên trả lời: “Tôi cũng nghe tại nơi đó”.
Nếu Tỷ kheo nói với người chưa thọ giới cụ túc về việc Tỷ kheo khác phạm bốn Ba la di, mười ba Tăng Tàn, thì phạm Ba dạ đề. Nếu nói về ba mươi pháp Ni Tát Kì, chín mươi hai pháp Ba dạ đề, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu nói về bốn Ba la đề đề xá ni, chúng học, oai nghi, thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối. Nếu nói về tám Ba la di, mười chín Tăng Tàn của Tỷ kheo ni, thì phạm tội thâu lan (giá). Nếu nói về ba mươi pháp Ni Tát kì, một trăm bốn mươi mốt Ba dạ đề, Tám ba la đề đề xá ni, chúng học, oai nghi (của Tỷ kheo ni) thì phạm tội việt tỳ ni tâm niệm sám hối .
Nếu nói về mười giới của Sa Di, sa di ni, thì phạm Việt tỳ ni. Sau cùng cho đến nói về năm giới của người thế tục, thì phạm tội Việt tỳ ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên).
9. GIỚI: ĐỒNG Ý YẾT-MA, SAU PHỦ NHẬN.
[338b].Khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Đà Phiêu Ma La Tử được Tăng làm yết ma cử thầy trông coi chín việc, như trong mười ba việc (giới Tăng Tàn) đã nói rõ. Lúc ấy có y phấn tảo xá na, không thể phân chia được nên thầy bạch với Tăng rằng: “Y phấn tảo xá na này không thể chia được, nên cho Trưỡng lão Ma Ha Ca Diếp được không?”.
Các Tỷ kheo đều đồng tình bảo: “Được”. Thế nhưng, Đà Phiêu sợ về sau có lời tranh cãi, bèn xướng giữa tăng rằng: “Y phấn tảo xá na này cho Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp”, như vậy ba lần .
Xướng vừa xong, nhóm sáu Tỷ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy nói: “Ai nói cho? Nhóm sáu Tỷ kheo đã chịu cho chưa? Ông xướng như vậy là không có tâm bình đẳng. Ông vì thân tình riêng mà đem vật của chúng Tăng ra cho họ”.
Các Tỷ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỷ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Các ông có thật như vậy chăng?”.
Họ đáp:”Có thật như vậy bạch Thế Tôn”.
Phật liền khiển trách: “Đó là việc ác. Bậc phạm hạnh như vậy, nếu cần đến da thịt máu tủy của các ông, cũng nên đem cho, huống gì chiếc y phấn tảo ấy không thể chia được, nay đã tuyên bố cho giữa Tăng mà ngăn cản. Khi các ông im lặng bằng lòng cho thì giống như tướng mạo của bậc quí nhân. Giờ lại ngăn cản, thì giống như bộ dạng của kẻ bần tiện. Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp”.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại Thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỷ kheo, khi Tăng đem chia phẩm vật, đã hòa hợp bằng lòng cho người khác nhưng sau đó ngăn cản, thì phạm Ba – Dạ – Đề”.
Giải thích:
Trước đã bằng lòng: Trước đó trong Tăng chia phẩm vật, mình cùng hòa hợp bằng lòng cho.
Sau đó ngăn cản: Nói như sau: “Trưởng lão tùy theo chỗ thân tình mà đem vật của Tăng cho riêng”, thì phạm Ba dạ đề.
Nếu khi Tăng đem chia các vật cần phải chia, như: Y – Tăng – Già – Lê, Uất – Đa – La – Tăng, An – Đà – Hội, hoặc tọa cụ, áo che ghẻ, áo tắêm mưa, dây thắt lưng, tô, chén nhỏ, thau đồng, quạt, dù che, bình đựng dầu, túi da, dao con, giày da, bình đựng nước .v.v. Tất cả các vật đáng chia như vậy khi chia cho mình thì nên lấy . Nếu không muốn lấy, nên bảo họ đi qua . Nếu họ hỏi: “Vì sao thầy không lấy?”, thì nên đáp: “Cái này tôi không cần, tôi muốn lấy vật khác “, rồi sau đó, khi cần mình lấy, thì không có tội. Nếu người chia vật tuyên bố: “Các vị tùy ý mà lấy”, thì Tỷ kheo lúc ấy tùy theo những gì mình cần tự ý lấy, [338c] không có tội.
Ngăn cản: Có ba trường hợp: hoặc cho rồi mà ngăn cản: hoặc lúc đang cho ngăn cản ; hoặc khi chưa cho ngăn cản.
Khi cho rồi mà ngăn cản thì phạm Ba dạ đề. Lúc đang cho mà ngăn cản, thì phạm tội Việt tì ni. Lúc chưa cho mà ngăn cản thì phạm tội việt tì ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên).
10. GIỚI: HUỶ BÁNG GIỚI PHÁP.
Khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ Tăng chúng cứ nửa tháng tụng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa (giới), khi tụng đến bốn việc (Ba la di) thì nhóm sáu Tỷ kheo im lặng, đến mười ba việc (Tăng Tàn), thì họ nổi giận ; khi tụng đến ba mươi việc (Ni-Tát -Kì), thì họ làm ồn; khi tụng đến chín mươi hai việc (Ba-dạ-đề), thì họ bèn đứng đậy, nói như sau: “Này các Trưởng lão, ai giữ được những giới ấy mà tụng làm chi? Họa có chư Thiên mới giữ được những giới ấy chăng? Chỉ làm cho các Tỷ kheo sinh nghi ngờ hối hận mà thôi”. Lúc ấy người tụng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa đâm ra hổ thẹn .
Các Tỷ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn . Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỷ kheo đến . Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Các ngươi có thật như vậy không”.
Họ đáp:”Có thật như vậy bạch Thế Tôn”.
Phật liền khiển trách: “Đó là việc xấu. Như Lai vì muốn được lợi ích cho các đệ tử nên quy định cứ nửa tháng tụng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa. Vì sao các ông coi thường, trách cứ, ngăn cản việc tụng giới? Đó là hành vi phi pháp, phi luật, trái lời Phật dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được”. Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo sống tại Thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
— “Nếu vào dịp nửa tháng tụng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa mà Tỷ kheo nào tỏ ra khinh thường chê trách giới nói như sau: “Trưởng lão, cứ nửa tháng tụng các giới tạp nhạp nhỏ nhặt làm gì, khiến cho các tỷ kheo sinh nghi ngờ hối hận”, thì phạm Ba-dạ-đề”.
Giải thích
Nửa tháng: Hoặc mười bốn ngày, hoặc mười lăm ngày .
Ba-La-Đề-Mộc-Xoa : Mười giới tánh vậy .
Tụng: Tăng hòa hợp cứ nửa tháng, nửa tháng tụng .
Giới nhỏ nhặt tạp nhạp: Chỉ cho các Thiên giới khác, ngoại trừ bốn việc (Ba-la-di), mười ba việc (Tăng Tàn) .
Khiến các Tỷ kheo sinh nghi ngờ hối hận: (Ai nói như thế) thì phạm Ba-dạ-đề.
Khinh thường, chê trách: có ba trường hợp: hoặc chê trách lúc chưa tụng ; hoặc chê trách lúc đang tụng ; hoặc chê trách lúc tụng xong.
Chê trách lúc chưa tụng: Trước khi tụng nói như sau: “Trưởng lão chớ có tụng các giới nhỏ nhặt ấy làm gì. Tôi muốn tụng xong cho thật nhanh”. Đó là chê trách khi chưa tụng .
Chê trách lúc đang tụng: Lúc thuyết giới nói như sau: “Trưởng lão thuyết các giới nhỏ nhặt ấy làm gì, khiến cho các Tỷ kheo nghi ngờ, hối hận”. Đó gọi là lúc đang tụng mà chê trách .
Chê trách lúc tụng xong: Lúc tụng xong liền nói như sau: “Vừa rồi thầy tụng chi các giới nhỏ nhặt ấy. Thầy tụng đầy đủ các giới làm chi khiến tôi ngồi lâu mỏi mệt muốn chết!”.[339a] Đó gọi là chê trách khi tụng xong .
Chê trách lúc chưa tụng thì phạm tội Việt tì ni. Chê trách lúc đang tụng thì phạm tội Ba-dạ-đề. Chê trách lúc tụng xong thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói:
“Vọng ngữ và chủng loại
Hai lưỡi cùng khui lại
Không tịnh (nhân) và cú pháp
Hơn người (đắc quả) nói thô tội
Vị tình, khinh chê giới
Xong phần đầu Bạt-cừ”.
11. GIỚI: CHẶT PHÁ CÂY SỐNG.
Khi Phật trú tại tịnh xá Khoáng Dã, nói rộng như trên. Bấy giờ, thầy Tỷ kheo quản sự tự tay chặt cây, bẻ cành lá hoặc hái hoa quả, nên bị người đời chê trách như sau: “Các người xem kìa! Sa môn Cù Đàm dùng vô lượng phương tiện khiển trách sát sinh, khen ngợi không sát sinh, thế mà giờ đây tự tay chặt cây, hái hoa, giết hại mạng sống thực vật, mất hết phép tắc Sa môn, có đạo nào như thế?”.
Các Tỷ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỷ kheo quản sự đến. Khi thầy đến rồi Phật hỏi: “Này Tỷ kheo, ông có làm việc đó thật chăng?”.
Thầy đáp: “Có thật như vậy bạch Thế Tôn”.
Phật liền khiển trách: “Đó là việc xấu . Trong đó tuy không có mạng sống, nhưng không nên làm cho người ta sinh ác cảm. Các ông cũng có thể tạo ra được một sự nghiệp nhỏ, hãy bỏ bớt các việc lặt vặt. Từ nay ta không cho Tỷ kheo tự tay chặt đốn cây cối, phá hoại thôn của quỉ”. Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại Khoáng Dã phải tập họp lại tất cả. Vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỷ kheo phá hoại mầm sống của cây, phá thôn của quỉ, thì phạm Ba-dạ-đề”.
Giải thích:
Mầm sống của cây: Gồm có năm loại: 1/ củ,rễ; 2/ thân cây; 3/ đốt cây; 4/ lõi cây, 5/ chồi cây. Đó gọi là năm mầm sống của cây .
Thôn của quỉ: Cây lớn, cây nhỏ, cỏ .
Phá hoại: Đốn chặt hủy hoại, nếu đốn chặt hủy hoại thì phạm Ba-dạ-đề.
Ba-dạ-đề: Như trên đã nói .
1/ Củ,rễ cây: Củ gừng, củ sen, củ khoai nước, củ cải, củ hành . Các loại củ cây như vậy phải dùng lửa làm cho sạch (nấu chín), hoặc dùng dao gọt sạch . Đó gọi là củ cây .
2/ Thân cây: Như các loại: Ni-Câu-Luật, Bí-sát-la, Ưu-đàm-bát-la, dương liễu . Các thân cây như vậy nên dùng lửa làm cho sạch, hoặc dùng dao gọt cho sạch . Đó gọi là các loại thân cây .
3/ Đốt cây: Như trúc, cỏ lau, nứa. Các loại đốt cây như vậy nên dùng lửa làm cho sạch, hoặc dùng dao gọt cho sạch, hoặc vạc bỏ các mắt cây. Đó gọi là đốt cây .
4/ Lõi cây: Như củ cải, rau đắng, cây chàm . Các thứ do lõi sinh ra nên dùng lửa làm cho sạch, hoặc dùng tay chà cho sạch. Đó gọi là lõi cây.
5/ Chồi cây: Gồm có mười bảy loại hạt giống, như trong giới thứ hai đã nói. Các loại chồi cây như vậy nên dùng lửa làm cho sạch, hoặc lột vỏ cho sạch. Đó gọi là chồi cây .
Các giống thực vật gồm có: 1) Khỏa hạch chủng ; 2) Phu khỏa chủng ; 3) [339b] Xác khỏa chủng ; 4) Cối khỏa chủng ; 5) Giác khỏa chủng ; 6) Anh vũ trác ; 7) Hoàn xuất ; 8) Hỏa thiêu ; 9) Thời chủng ; 10) Phi thời chủng ; 11) Thủy chủng ; 12) Lục chủng ; 13) Tiên tác cánh sanh chủng ;
1) Khỏa hạch chủng: Như-la-lợi-lặc, tỷ-ê-lặc, a-ma-lặc, khước-thù-la, toan tảo. Các loại trái như vậy nên dùng móng tay cạy hạt bỏ, rồi ăn. Nếu muốn ăn cả hạt thì nên nấu chín. Đó gọi là khỏa hạch chủng.
2) Phu khoa chủng: Như Bí-bát-la, phá cầu, Ưu-đàm-bát-la, lợi nại. Các loại có vỏ bọc như thế nên dùng lửa làm cho sạch. Khi chín, nó tự rơi từ trên cây xuống đất, nếu bị va vào cây đá, nó sẽ tróc vỏ như dấu chân muỗi thì được xem là sạch. Không được ăn luôn cả hột. Nếu muốn ăn cả hột thì phải nấu chín. Đó gọi là phu khỏa chủng (loại hạt có vỏ bọc) .
3) Xác khỏa chủng: Như trái dừa, trái hồ đào, trái lựu, các loại trái có vỏ cứng như thế nên dùng lửa làm cho sạch, hoặc làm vở ra . Đó gọi là sác khỏa chủng .
4) Cối khỏa chủng: Như rau thơm, rau tía tô, đậu, các loại rau như vậy nếu chưa ra trái thì dùng tay vò làm cho sạch, nếu đã có trái thì dùng lửa làm cho sạch . Đó gọi là cối khỏa chủng .
5) Giác khỏa chủng: Như các loại đậu lớn nhỏ, hay đậu ma sa, các loại đậu như thế, nếu chưa có hạt, thì dùng tay làm cho sạch, nếu đã có hạt, thì dùng lửa làm cho sạch . Đó gọi là giác khỏa chủng .
6) Anh vũ trác: Các trái cây bị chim anh vũ mổ vở rơi xuống đất, có vết như dấu chân muỗi, thì gọi là sạch (tịnh), bỏ hạt được phép ăn . Nếu muốn ăn cả hạt thì phải dùng lửa làm cho sạch . Đó gọi là anh vũ tinh.
7) Hoàn xuất: Các loại hạt được bọ ngựa, khỉ ăn vào rồi ỉa ra thành phân thì được xem là tịnh (loại hạt hợp lệ). Đó gọi là hoàn xuất .
8) Hỏa thiêu: Nếu trái cây bị lửa thiên nhiên đốt cháy, rơi xuống đất được xem là tịnh . Đó gọi là hỏa thiêu tịnh.
9) Thời chủng: Vào mùa lúa thường thì cấy lúa thường, mùa lúa mạch thì cấy lúa mạch. Những loại hạt lúa này nên dùng lửa làm cho sạch. Hoặc bóc vỏ làm cho sạch. Như tại nước Câu-lân-đề, khi nông dân thu hoạch lúa đổ thành đống, họ sợ loài phi nhân lấy trộm nên dùng tro rải lên trên để làm dấu, như thế gọi là tịnh. Như trường hợp thầy tri sự có lẫm lúa chưa tác tịnh, sợ Tỷ kheo trẻ tuổi không biết thể thức, nên sai tịnh nhân dùng lửa tác tịnh, lửa cháy, cháy lan đốt hết lẫm thóc. Lúc ấy Tỷ kheo được nói: “Thóc đã đem đi xay hết rồi”, thì không phạm tội. Đó gọi là thời chủng .
10) Phi thời chủng: Như vào mùa nếp mà gặt lúa mạch, vào mùa lúa mạch mà gặt nếp, thì nên dùng lửa tác tịnh. Đó gọi là phi thời chủng .
11) Thủy chủng: Như hoa Ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa hương đình, củ của các loại hoa ấy nên dùng lửa tác tịnh, hoặc dùng dao gọt. Đó gọi là thủy chủng (thực vật sống dưới nước).
12) Lục chủng (*): Gồm có mười bảy loại lúa, cần phải bóc vỏ tác tịnh,[339c] hoặc dùng lửa tác tịnh. Đó gọi là Lục Chủng (thực vật sống ở đồng bằng).
13) Tiên tác hậu sinh (*): Có loại lúa tẻ hoặc là rễ củ cải, nên dùng lửa tác tịnh hoặc dùng dao gọt. Đó gọi là tiên tác . [*sắp theo thứ tự ở trên].
Tóm lại, có các trường hợp: hoặc tự mình cắt đứt; hoặc sai người cắt đức, hoặc tự mình phá; hoặc sai người phá. Hoặc tự mình đập nát; hoặc sai người đập nát; hoặc tự mình đốt hoặc sai người đốt, hoặc tự mình lột vỏ, hoặc sai người lột vỏ.
Tự cắt: Hoặc tự mình dùng phương tiện cắt năm loại thực vật cả ngày không ngừng, thì phạm một tội Ba-dạ-đề. Nếu giữa chừng ngừng rồi cắt tiếp, thì cứ một lần ngừng phạm một tội Ba-dạ-đề.
Sai người cắt: Một lần dùng phương tiện sai người cắt một ngày, thì phạm một tội Ba-dạ-đề. Nếu giữa chừng nói: “Cắt nhanh lên”, thì cứ một lần nói phạm một tội Ba-dạ-đề. Tất cả bốn trường hợp kia như phá, đập nát, đốt, lột vỏ, hoặc tự mình làm, hoặc sai người làm cũng phạm tội như vậy .
Nếu vì Tăng làm tri sự, nhất thiết không được bảo tịnh nhân như: “Cắt cây này, phá cây này, đập nát cây này, lột vỏ cây này”. Nếu nói như thế thì phạm tội. Do đó chỉ nên nói: “Hãy biết cây ấy, hãy làm sạch cây ấy”, nói như thế không có tội.
Nếu đem năm loại thực vật ném vào trong hồ nước, hoặc dưới giếng, hoặc trong cầu tiêu, trong đống rác, thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu vì thế mà thực vật ấy hư chết, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Nếu Tỷ kheo nào muốn cho cỏ không sinh trưởng nên đi qua lại trên đó, thì lúc đi phạm tội Việt-tì-ni. Nếu làm tổn thương cỏ cây chừng độ vết chân muỗi, thì phạm Ba-dạ-đề. Nếu đứng, ngồi, nằêm như trên, cũng đều phạm tội như vậy .
Nếu dùng bút vẽ lên cây làm tổn thương bằng vết chân con muỗi, thì phạm Ba-dạ-đề.
Nếu trên tảng đá sinh rêu, rồi Tỷ kheo muốn giặt y trên đó, thì không được nhổ bỏ, mà chỉ cho tịnh nhân biết (hàm ý nhờ họ dọn sạch), rồi sau đó mới giặt y. Nếu rêu đó bị ánh nắng làm cho khô, thì được tự tay gỡ bỏ không có tội.
Nếu sau cơn mưa, cây cối ngã trên đất, thì Tỷ kheo không được dùng tay đỡ lên ; nếu đỡ lên thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu làm tổn thương cây, dù chỉ bằng vết chân muỗi, thì phạm Ba-dạ-đề. Nếu tịnh nhân đến đỡ trước rồi Tỷ kheo đỡ giúp họ, thì không có tội.
Nếu các y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-Tăng, An-đà-hội, hay tọa cụ, mền gối, giày dép của Tỷ kheo sinh nấm mốc thì nên chỉ cho tịnh nhân biết, để họ đem phơi nắêng cho khô, thì Tỷ kheo được dùng tay phủi đi.
Nếu trên bánh sinh mốc, thì nên chỉ cho tịnh nhân biết (hàm ý nhờ họ làm sạch mốc), rồi sau đó mới được ăn .
Nếu khi dọn cơm có các thứ như đậu, mè, dưa, mía .v.v. thì thượng tọa nên hỏi: “Đã tác tịnh chưa?”. Nếu họ đáp: “chưa tác tịnh “, thì bảo họ tác tịnh. Nếu họ nói: “Đã tác tịnh rồi”thì được phép ăn.
Nếu trong một đĩa có nhiều trái cây, mà tác tịnh một trái, thì tất cả các trái khác cũng được xem như đã tác tịnh. Nếu trái cây đựng từng đĩa khác nhau, thì phải tác tịnh từng đĩa một.
Nếu mía đang còn lá thì phải tác tịnh riêng từng cây. Nếu mía không có lá, được cột thành bó, thì được tác tịnh như trái cây.
Nếu Tỷ kheo an cư mùa hạ tại A-lan-nhã, nơi ấy có cỏ sinh trưởng phủ kín đường đi, vì sợ mất đường đi [340a] nên tóm hai bụi cỏ cột lại với nhau, thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu dùng vật khác cột lại làm dấu mà đi, đến khi trở về mở ra, thì không có tội.
Nếu Tỷ kheo ở trong núi, khi mưa, đường sá bùn đất trơn trợt, lúc đi trợt chân suýt bị té, bèn nắm cỏ nhưng cỏ đứt, lại nắm cái khác thì không có tội.
Nếu bị nước cuốn trôi, nên Tỷ kheo chụp lấy cỏ làm cho cỏ đứt, thì cũng không có tội.
Nếu khi trét phên đất mà khát nước, muốn uống nước, nhưng vì tay có bùn, thì được dùng lá cây múc nước uống. Nếu không có tịnh nhân lấy lá cây, thì được leo lên cây dùng lá cây tươi đựng nước uống; ngưng không được bứt đứt lá cây. Nếu cây cao sử dụng không được, thì được quằn cây xuống, lấy lá khô múc nước uống. Nếu Tỷ kheo bứt đứt lá cây xanh non thì phạm Ba dạ đề.
Nếu làm đứt lá cây có nhiều chân cứng, chắc thì phạm Ba- dạ Đề. Nếu bứt đứt lá cây đã úa vàng, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu gió thổi làm rụng ba loại lá cây (tươi, úa và khô) rồi lấy dùng, thì không có tội.
Nếu Tỷ kheo hái trái cây tươi, thì phạm Ba dạ đề. Nếu hái trái cây sắp chín thì phạm tội Việt tì ni. Nếu hái trái chín thì không có tội.
Nếu Tỷ kheo đi đường, ban đêm nằêm ngủ trên cỏ tươi mà tưởng là cỏ khô, thì phạm tội Việt tì ni. Hoặc cỏ khô mà tưởng cỏ tươi, cũng phạm Việt tì ni. Cỏ tươi mà tưởng cỏ tươi thì phạm tội Ba dạ đề. Cỏ khô mà tưởng cỏ khô thì không có tội.
Nếu trong thành phố hoặc xóm làng có nhà từ đường, nơi ấy có cây cối cành lá, dù là khô cũng không được bẻ lấy. Nếu bẻ thì phạm tội Việt tì ni. Về bốn trường hợp đối với cây cối cũng như trong vấn đề cỏ tươi đã nói ở trên.
Nếu Tỷ kheo khi đi đại tiểu cần dùng nước phải đi đến hồ lấy nước, nhưng trên mặt hồ đầy cả lục bình, thì không được dùng tay quạt cho lục bình trôi đi để lấy nước, mà phải tìm lối đi của bò, ngựa hoặc rắn, hoặc ếch. Nếu không có lối đi, thì cầm cục đất ném trên không rồi nói như sau: “Đi lên đến cõi phạm thiên”, chờ khi cục đất rơi xuống rồi quạt bèo, lấy nước dùng thì không có tội. Nhưng nếu làm cho bèo cỏ trong nước bị lật úp xuống, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu vớt bèo cỏ ném lên bờ thì phạm Ba dạ đề.
Khi vào hồ nước tắm, nếu có cỏ tươi vướng vào mình, nên dùng nước xối cho trôi xuống nước. Nếu nhổ nấm buổi mai, thì phạm tội Việt tì ni. Khi nhặt phân bò khô mà dính luôn cả cỏ tươi thì phạm Ba dạ đề. Thế nên nói (như trên).
12. GIỚI: NÓI ĐỂ NHIỄU LOẠN NGƯỜI KHÁC.
Khi Phật an trú tại Câu diệm di, nói rộng như trên. Khi ấy, Tăng tập họp định làm yết ma, thì Tôn giả Xiển Đà không đến. Tăng liền sai sứ đi gọi Xiển Đà nói: “Tăng tập họp định làm yết ma, Trưởng lão hãy đến”. Xiển Đà liền suy nghĩ: “Nay Tăng cho gọi ta, chính là muốn trị tội ta, chứ không có việc gì khác. Nay ta [340b] phải nhiễu loạn ai đây để cho tất cả Tăng chúng đều rối loạn không thể làm yết ma được? Có lẽ nên nhiễu loạn tôn giả Mục Kiền Liên thì mới thoát được việc này. Nhưng Mục Kiền Liên có đại thần lực ắt sẽ biết việc ta làm, hoặc ông có thể nắêm ta ném đến thế giới khác, nên việc này cũng không thể được”. Rồi lại suy nghĩ: “Nếu nhiễu loạn Đại Ca Diếp thì có thể thoát được việc này. Nhưng Đại Ca Diếp có uy đức lớn, ông có thể chiết phục, làm nhục ta ở giữa chúng Tăng, nên việc này cũng không thể được”. Rồi lại suy nghĩ: “Tôn giả Xá Lợi Phất tâm nhu nhuyến chất trực, dễ nói chuyện, nếu nhiễu loạn ông ta thì có thể khiến cho Tăng đều rối loạn không thể làm yết ma đối với ta”.
Nghĩ thế rồi, Xiển Đà bèn đi đến giữa Tăng, nói như sau: “Thưa tôn giả Xá Lợi Phất, tôi muốn hỏi nghĩa kinh”.
Xá Lợi Phất nói: “Nay vì việc khác mà tập họp Tăng, lúc này không phải là lúc hỏi nghĩa kinh”.
Xiển Đà lại nói với tôn giả Xá Lợi Phất: “Đối với chánh pháp của Phật không có lúc nào là lúc phi thời. Nếu được thiện quả ngay trong hiện tại, trừ diệt phiền não, các hiền thánh vui vẻ, thì đều không có gì phải chọn lựa thời gian”.
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Tôi xin nghe thầy hỏi”.
Xiển Đà liền hỏi: “Đức Thế Tôn thuyết tứ niệm xứ, vậy thế nào là tứ niệm xứ?”.
Khi ấy Tôn giả Xá Lợi Phất bèn giảng về tứ niệm xứ cho Xiển Đà. Xiển Đà lại nói: “Tôi không hỏi tứ niệm xứ, tôi hỏi tứ chánh cần. Trưởng lão chỉ nên nói về Tứ Chánh cần cho tôi”.
XáLợi Phất nói: “Thầy muốn nghe tứ Chánh Cần thì hãy lắng nghe”, rồi nói về tứ Chánh Cần.
Xiển Đà lại nói: “Tôi hỏi về Tứ Như Ý Túc”. Như vậy lần lượt hỏi đến ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, Bát chánh đạo phần cũng như tứ niệm xứ, hỏi đi hỏi lại ba lần.
Lúc ấy các Tỷ kheo ngồi lâu mỏi mệt, liền lần lượt bỏ ra, khiến Tăng không hòa hợp, chung cục yết ma không thành. Do vậy, các Tỷ kheo đem sự việc ấy bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Xiển Đà đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi: “Xiển Đà, ông có thật như vậy không?”.
Thầy đáp: “Có thật như vậy”.
Phật nói: “Xiển Đà, đó là việc xấu. Ta đã không vì ông mà dùng vô lượng phương tiện chê trách những lời nói nhiễu loạn, khen ngợi những lời nói tùy thuận hay sao? Nay vì sao ông gây ra sự nhiễu loạn? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Phật dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp”. Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo sống tại Câu diệm di phải tập họp lại tất cả, vì mười việc lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỷ kheo nói những lời khác làm não loạn người khác, thì phạm Ba-dạ-đề”.
Giải thích
Nói những lời khác làm não loạn người khác: Có tám trường hợp . Đó là: 1. Lúc làm yết ma ; 2. Lúc bàn luận như pháp ; 3. Lúc bàn luận về A-Tì đàm ; [340c] 4. Lúc bàn luận về tỳ ni ; 5. Không bàn về việc khác ; 6. Không bàn với người khác ;7. Ngưng luận bàn ; 8. Nói những lời khác làm não loạn người khác .
1) Làm yết ma:Tỷ kheo tập trung hòa hợp làm yết ma Chiết phục, cho đến yết ma biệt trụ . Đó gọi là làm yết ma .
2) Bàn luận như pháp: nói về phi thường (vô thường), phi đoạn (không đoạn diệt) . Đó gọi là bàn luận như pháp.
3) A tỳ đàm: Chỉ cho chín bộ kinh . Đó gọi là A tỳ Đàm .
4) Tì ni: Nói đủ, hoặc nói tóm lược Ba la đề mộc xoa (giới) . Đó gọi là tì ni.
5) Không bàn về việc khác: Không được rời bỏ vấn đề đang bàn luận mà bàn về vấn đề khác . Đó gọi là không bàn về việc khác .
6) Không luận bàn với người khác: Không được rời bỏ người vừa hỏi để hỏi người khác . Đó gọi là không bàn luận với người khác .
7) Ngưng bàn luận: Lúc đương thuyết pháp liền bảo: “Dừng lại, sau sẽ bàn tiếp”. Đó gọii là ngưng bàn luận
8) Nói những lời khác làm não loạn người khác: Như tôn giả Xiển Đà đã nói những lời khác (ngoài mục đích yết ma) để làm não loạn người khác.
Đó gọi là tám trường hợp .
Trong đây, dùng những lời khác làm não loạn người khác, phạm Ba dạ đề. Nếu ngoài tám việc trên đây thì không phạm Ba dạ đề.
Nếu có người hỏi:
“Tỷ kheo, Thầy từ đâu đến?”
-Từ quá khứ đến .
-Thầy sẽ đi về đâu?
-Hướng về vị lai mà đi .
-Thầy ngủ ở đâu?
-Ngủ trên tám loại cây .
-Hôm nay thầy ăn tại đâu?
-Ăn bằng năm ngón tay .
Nếu hỏi một đằng mà đáp một ngã như vậy, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu có bọn cướp xâm nhập vào chùa, hỏi Tỷ kheo: “Chỉ cho tôi những đồ vật của chư Tăng”.
Khi ấy, Tỷ kheo không được chỉ cho họ các thứ châu báu, cũng không được nói dối, mà nên chỉ cho họ phòng ốc, giường ghế các thứ . Nếu bọn cướp nói: “Chỉ cho tôi những vật dụng của tháp”, thì cũng không được chỉ cho họ những bảo vật của tháp, cũng không được nói dối, mà nên chỉ những khí cụ cúng dường ở cạnh tháp .
Nếu bọn cướp nói: “Chỉ cho tôi nhà bếp “, thì Tỷ kheo cũng không được chỉ cho họ chỗ cất tiền, mà nên chỉ cho họ chỗ để các thứ nồi niêu xoong chảo.
Nếu súc vật của nhà đồ tể chạy thoát, họ đến hỏi Tỷ kheo có thấy không, thì Tỷ kheo không được nói dối, cũng không được chỉ chỗ, mà nên nói: “Xem móng tay đây, xem móng tay đây (tiếng phạn có nghĩa là không thấy).”
Nếu Tỷ kheo ở tại A luyện nhã, có tù nhân đào thoát, rồi quân lính đến hỏi thì Tỷ kheo cũng đáp như trường hợp súc sinh trên .
Nếu Tỷ kheo ở giữa Tăng mà hỏi một đàng đáp một ngả, thì phạm Ba dạ đề. Nếu ở giữa nhiều người, trước Hòa Thượng, A xà Lê, trước các trưởng lão Tỷ kheo mà hỏi một đàng đáp một ngả, thì phạm tội Việt tì ni. Thế nên nói (như trên).
13. GIỚI: CHÊ TRÁCH CHỨC SỰ CỦA TĂNG.
Khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ người đời có lòng tín kính rất sâu xa, nên họ mang nhiều thức ẩm thực đến cúng dường Thế Tôn, rồi cúng chúng Tăng, tôn giả Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên. Phần cúng dường Phật thì có thị giả thu dọn còn phần cúng dường chúng Tăng và Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên (341a) thì hoặc dùng hết, hoặc dùng không hết mà không có ai thu dọn để đến hôi thối . Bấy giờ tôn giả Đà Phiêu còn ở địa vị đang học, suy nghĩ: “Nếu ta đạt được vô học, thì ta sẽ coi sóc công việc của Tăng để chư Tăng được an lạc”. Suy nghĩ thế rồi, đầu đêm, cuối đêm, thầy tinh tấn tu tập nên đắc quả A La Hán, đắc tam minh, lục thông. Đoạn thầy suy nghĩ: “Vì sao ta phải làm những việc hữu vi? Ta nên tu tập vui sống với thiểu dục, vô sự”.
Phật nói với Đà Phiêu: “Khi còn ở địa vị phải học, ông đã nói như sau: “Nếu ta đạt được địa vị vô học, ta sẽ coi sóc công việc chư Tăng”. Ông có nói như thế không?”.
Thầy đáp: “Có nói như vậy, bạch Thế Tôn”.
– Này Đà Phiêu như nguyện vọng của ông trước kia, giờ đây nên làm như vậy .
– Con sẽ làm như Thế Tôn dạy .
Thế rồi chúng Tăng cử thầy làm chín việc như trước đây đã nói . Lúc ấy, thầy tùy nghi sai phái chúng Tăng đi thọ trai . Nếu là trưởng lão thượng tọa thì cho thức ăn thượng hạng . Nếu trung tọa thì cho thức ăn trung bình . Nếu hạ tọa thì cho thức ăn thô sơ.
Nhóm sáu Tỷ kheo vì đẫ có mối hiềm khích oán hận, nên đem việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn nói với Đà Phiêu: “Phàm là người xuất gia, nguyên tắc phải trao thức ăn bình đẳng, ông nên biết: được ít thì không đủ, được nhiều cũng không nên chán, được tốt, được xấu, đều không chu đáo”.
Do thế, trưởng lão Đà Phiêu bèn phân ra ba loại thực phẩm tinh thô, cứ tuần tự giáp vòng rồi trở lại từ đầu. Khi ấy, Nan Đà, Ưu-Ba-Nan-Đà sáng sớm thức dậy, liền khoác y cầm bát, đến nhà cúng dường ẩm thực, nói với ưu bà di: “Trao thức ăn cho tôi”.
Ưu bà di nói: “Thưa tôn giả, chưa đến giờ ăn. Tôi chưa kịp rửa mặt và rửa chén bát, chưa làm được thức ăn cho người xuất gia”.
Lúc ấy các thanh thiếu nữ trẻ ở nhà đàn việt mới thức dậy, đi tắm rửa để lộ thân thể. Tỷ kheo Nan Đà do không thu nhiếp các căn, nhìn chăm chăm vào các cô gái, nên Ưu bà di suy nghĩ: “Tỷ kheo này không phải là người trì luật, nếu để lâu ở đây có thể sinh ra nhiều tội lỗi. Ta hãy đưa thức ăn của người giúp việc để ông ta đi ngay cho rồi”.
Suy nghĩ như thế rồi bà liền mang thức ăn của người giúp việc đưa cho thầy .
Tỷ kheo ấy nhận được thức ăn rồi, liền trở về tịnh xá. Bấy giờ, có trưởng lão Tỷ kheo đến giờ khất thực, liền khoác y cầm bát đi đến nhà cúng dường thức ăn. Đàn việt liền cúng dường thức ăn ngon lành đày bát, rồi thầy trở về. Khi ấy Nan Đà, Ưu Ba Nan Đà trông thấy thế, liền nói như sau: “Này trưởng lão Đà Phiêu, đức Thế Tôn dạy phải chia thực phẩm bình đẳng. Thầy hãy xem hai loại thức ăn này có giống nhau hay không?”.
Đà Phiêu nói: “Ông đến quá sớm, chưa tới giờ ăn (nên mới thế)”.
Hôm sau, Nan Đà bèn khoác y, cầm bát vào thành, nhưng ở dọc đường thầy xem đấu voi, đấu ngựa và nghe người thế tục bình phẩm . Lúc ấy Ưu bà di suy nghĩ : “[341b] Hôm qua thầy ấy đến không được ăn, hôm nay phải chuẩn bị sớm”. Thế rồi bà làm thức ăn xong đã lâu mà chờ mãi vẫn không thấy tới, nên suy nghĩ: “Tôn giả hôm qua đến sớm, bữa nay vì sao không tới? Hay là ở tinh xá Kỳ Hoàn có cúng dường chư Tăng, cho nên không đến?”. Do vậy, bà cùng với chồng con ăn sạch.
Lúc đến giờ, Nan Đà mới vội vã đến, nói với Ưu bà di: “Đưa thức ăn cho tôi”.
Ưu bà di nói: “Con làm thức ăn từ sớm đợi tôn giả mà không thấy đến. Con tưởng hôm nay có người cúng dường chư Tăng tại Kỳ Hoàn. Thầy được họ mời rồi chứ? Vì thế phần cúng dường cho thầy con đã ăn hết”.
Nan Đà liền nói: “Ngươi định bỏ đói ta sao?”.
Bấy giờ, Ưu bà di liền đem thức ăn thừa của người giúp việc ra cho thầy. Được thức ăn rồi thầy bèn trở về tinh xá, nói lại như trước .
Đà Phiêu nói: “(Hôm nay) thầy lại tới quá trễ”. Nói xong tôn giả Đà phiêu liền đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Nan Đà tới. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi: “Ông có thật như vậy chăng?”.
– Có thật như vậy bạch Thế Tôn .
– Đó là việc xấu. Ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện chê trách đa dục, khen ngợi thiểu dục hay sao? Đó là điều phi pháp, phi luật trái lời Phật dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.
Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười điều lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỷ kheo hiềm trách thầy tri sự thì phạm Ba dạ đề”.
Giải thích:
Hiềm trách: Hoặc bái nhân, bái chúc nhân, bái chúc chúc nhân .
Bái nhân (người được giao việc): Như tôn giả Đà phiêu. Đó gọi là bái nhân .
Bái chúc nhân (người được giao việc bèn nhờ người khác làm giúp): Như trường hợp Đà Phiêu Na La Tử nhờ người khác xử lý công việc của Tăng. Đó gọi là bái chúc nhân .
Bái chúc chúc nhân (người được giao việc nhờ người khác làm giúp, rồi người ấy lại nhờ người khác nữa): Người được giao việc lại đi nhờ người khác nữa xử lý việc của Tăng. Đó gọi là bái chúc chúc nhân .
Hiềm trách: Người hiềm trách phạm Ba dạ đề.
Khi Tăng phát các thứ bánh, theo thứ tự đến mình, thì mình nên nhận lấy. Nếu không muốn lấy thì nên bảo họ đi tiếp. Nếu tịnh nhân hỏi: “Vì sao thầy không lấy?”.
Rồi mình đáp: “Tôi kiêng cữ không dùng thứ này, muốn lấy thứ khác”thì không có tội.
Khi Tăng đi phân phát các loại cháo, như cháo sữa, cháo tô lạc, cháo mè, cháo cá .v.v., nếu họ múc đầy giá đưa cho Thượng tọa thì Thượng tọa không nên nhận liền mà nên nói: “Nên đưa cho bình đẳng”. Nếu người trị nhật đi đưa thịt, vì vị nể Thượng tọa nên đưa nhiều hơn, thì Thượng tọa nên hỏi: “Tất cả đều như thế này chăng?”.
Người trị nhật liền đáp: “Chỉ đưa cho Thượng tọa nhiều thôi”.
Thượng tọa nên nói: “Nên chia bình đẳng”. Thế rồi, nếu không cần nhiều [341c] thì hãy lấy một ít. Lấy xong rồi bảo đưa bình đẳng cho mọi người.
Khi có những thức ăn ngon như vậy nên đưa cho bình đẳng.
Lúc sa di đi trao đồ ăn, nếu trao cho thầy mình một cách thiên vị, thì thầy tri sự nên nói: “Hãy đưa bình đẳng”.
Nếu sa di nói: “Sao ông không tự làm đi?”. Lúc ấy thầy tri sự nên đuổi Sa di đi rồi sai người khác làm .
Nếu người đi đưa thức ăn, thấy có vị đại đức trong Tăng bèn đưa nhiều hơn, khiến những người khác bị thiếu, thì thầy tri sự nên nói với người ấy: “Trong Tăng không có cao thấp, ngươi hãy đưa bình đẳng”.
Nói chung, có các trường hợp: hoặc có hiềm mà không trách móc; hoặc có trách móc mà không hiềm; hoặc vừa hiềm vừa trách móc ; hoặc chẳng hiềm chẳng trách móc .
Có hiềm mà không trách móc: Bưng bát thức ăn của mình đem so sánh với bát người bên cạnh rồi nói thế này: “Như thế này có bình đẳng không?”. Đó gọi là có hiềm mà không trách móc . Cả bốn trường hợp kia nói rộng cũng như vậy.
Có hiềm mà không trách móc thì phạm tội Việt tì ni. Có trách móc mà không hiềm cũng phạm tội Việt tì ni. Vừa hiềm vừa trách móc thì phạm tội Ba dạ đề. Chẳng hiềm cũng chẳng trách móc thì không có tội. Thế nên nói (như trên) .
14. GIỚI: TRẢI ĐỒ CỦA TĂNG Ở CHỖ TRỐNG.
Khi Phật trú tại nước Bạt kỳ, Ngài đi du hành trong nhân gian, đến bên một con sông kia, thấy các ngư ông đang bủa lưới bắt cá. Các Tỷ kheo thấy thế liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Các ngư ông này làm một việc lẽ ra không nên làm”. Nhân các Tỷ kheo nói nên Thế Tôn liền đọc kệ:
“Đã được thân khó được
Vì sao làm việc ác
Thân cưu mang ái nhiễm
Chết rồi vào ác đạo”.
Khi ấy, các ngư phủ bủa một mảng lưới lớn, ở bên dưới buột đá, ở bên trên cột những cái bầu nổi, thuận theo dòng nước kéo lên, mỗi đầu hai trăm năm mươi người, kêu la kéo lên bờ ầm ĩ. Các Tỷ kheo thấy thế, liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Những người này nếu ở trong Phật pháp mà tinh tấn như vậy, thì sẽ được lợi ích lớn”. Bấy giờ nhân sự việc ấy, Thế Tôn liền đọc kệ:
“Cái gọi là tinh tấn
Không phải là các dục
Mà là lìa việc ác
Nuôi mạng sống đúng pháp”.
Như Kinh Bổn Sinh Ca-Tỳ-La đã nói rõ .
Lúc ấy, trong các con cá bị mắt lưới, có con cá lớn có hàng trăm cái đầu, mỗi đầu đều khác nhau. Thế Tôn thấy vậy liền gọi tên nó. Nó liền đáp Thế Tôn. Thế Tôn liền hỏi: “Mẹ ngươi ở đâu?”.
Nó đáp: “Đang làm thân giòi trong một cầu tiêu nọ”.
Phật liền nói với các Tỷ kheo: “Con cá lớn này vào thời đức Phật Ca Diếp, làm [342a] một Tỷ kheo thông tam tạng, vì ác khẩu mà chịu quả báo đủ kiểu đầu. Còn người mẹ vì thọ lợi dưỡng của y cho nên làm giòi trong cầu tiêu”.
Khi Phật kể nhân duyên ấy, năm trăm ngư phủ liền bỏ việc kéo lưới, xin xuất gia tu hành, và đều đắc quả A La Hán, rồi cư trú bên dòng sông Bạt Kỳ.
Thế rồi Phật bảo A nan: “Hãy sửa soạn chỗ ngồi cho các Tỷ kheo khách ấy”. A nan liền bạch Phật: “Xin Phật an ủi các khách Tỷ kheo”.
Phật lại nói với A nan: “Ông không biết đó thôi, Ta đã nhập vào Tứ Thiền an ủi khách Tỷ kheo rồi”.
Trong khi các gường gối bày ra tại chỗ đất trống (không ai dọn dẹp), thì tới giờ khất thực, các Tỷ kheo khách liền dùng thần lực, người thì đến Uất đơn việt phương bắc, kẻ thì đến cõi trời ba mươi ba, người khác lại xuống cung long vương khất thực. Do thế các gường gối bày ra chỗ trống kia bị nắng táp, gió thổi nên bụi bặm bám rất dơ bẩn. Phật biết mà vẫn hỏi. Rồi các Tỷ kheo đem nhân duyên trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật nói: “Đợi các Tỷ kheo ấy trở lại đã”.
Khi họ về rồi Phật liền hỏi: “Các ông có thật như thế chăng?”.
Họ đáp: “Có thật như vậy”
Phật nói: “Từ hôm nay nhân việc của các ông, ta chế giới cho các Tỷ kheo”.
Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống bên sông Bạt Kỳ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ Kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỷ kheo, ở tại trú xứ của Tăng, mà tự mình hoặc sai người khác đem giường nằm, giường ngồi, nệm gối ra chỗ đấùt trống, rồi lúc đi không dọn cất, cũng không sai người dọn cất, thì phạm Ba Dạ Đề”.
Giải thích:
Trú xứ của Tăng: Hoặc trú xứ tại A luyện nhã, hoặc trú xứ tại thôn xóm.
Giường nằm, giường ngồi: Có mười bốn thứ:
1. Giường nằm chân tròn ; 2. Giường ngồi chân tròn ; 3. Giường nằm bằng nệm ; 4. Giường ngồi bằng nệm ; 5. Giường nằm bằng dây ; 6. Giường ngồi bằng dây ; 7. Giường nằm bằng ô-na-đà ; 8. Giường ngồi bằng ô na đà ; 9. Giường nằm bằng đà di ; 10. Giường ngồi bằng đà di (ở đây chỉ có mười thứ).
Nệm: Nệm kiếp bối, nệm lông mịn, nệm len, nệm ca thi, nệm cỏ .
Gối: Gối kiếp bối, gối lông mịn, gối len, gối ca thi .
Trải: Hoặc tự mình trải, hoặc bảo người khác trải .
Đi: Đi đến nơi khác .
Không đem cất: không tự mình đem cất, không sai người đem cất, thì phạm Ba dạ đề.
Nếu muốn thuyết pháp tại chỗ đất trống, rồi người coi giữ giường nệm đem bày giường nệm ra, sau đó bỏ đi cách hai mươi lăm khuỷu tay mà không dặn lại người khác đem cất, thì phạm Ba dạ đề.
Nếu cả hai người cùng biết (có giường ở ngoài trời) thì khi một người ra đi phải dặn người thứ hai. Nếu người thứ hai muốn đi, phải đợi người thứ nhất trở lại dặn dò xong mới được đi. Nếu đem giường gối ra bày rồi có người đến ngồi mà người đem ra biết được họ, thì bỏ đi không có tội.
Nếu vào những tháng mùa xuân, Tỷ kheo đem giường nệm để ngoài trời, rồi Tỷ kheo trẻ tuổi đến ngồi ngủ trên đó, thì người đem ra phải dặn Tỷ kheo ấy đem cất.
[342b] Nếu Tỷ kheo ban đêm đi đại tiểu tiện, đụng nhằm giường của Tăng mà trên ấy không có Tỷ kheo rồi bỏ đi, thì tùy theo chạm mỗi cái phạm mỗi tội Ba dạ đề. Nếu trên giường ấy có Tỷ kheo, bèn dặn họ đem cất thì không có tội.
Nếu thầy tri sự của Tăng muốn trao Giường nệm cho ai, rồi lấy ra để ngoài trời, bỏ đi cách xa hai mươi lăm khuỷu tay, thì phạm Ba dạ đề. Nếu người nhận giường nệm của Tăng, rồi để phơi ngoài nắng bỏ đi cách xa hai mươi lăm khuỷu tay, cũng phạm Ba dạ đề.
Nếu Tỷ kheo bị bệnh, nằm ngủ ở chỗ trống, đệ tử đến đảnh lễ, nếu thấy thầy đứng dậy đi, thì đệ tử phải đem giường ấy vào trong phòng cất. Nếu hai người cùng ngồi một giường, thì khi Thượng tọa muốn đi phải dặn lại Hạ tọa. Hạ tọa muốn đi thì phải bạch với Thượng tọa rằng: “Con muốn đi, cái giường này nên cất ở chỗ nào?”. Nếu Thượng tọa nói: “Ông cứ đi đi, giường này ta sẽ cất cho”, thì khi ấy Hạ tọa đi, không có tội.
Nếu Tỷ kheo đem giường nệm ra để cho Hòa thượng A xà lê nằm, rồi bỏ đi thì phạm tội Việt tì ni. Nếu Hòa thượng A xà lê biết đệ tử đem ra cho mình nằm, thì khi ra đi nên dặn họ cất, nếu không dặn mà đi, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu Tỷ kheo đặt hình tượng trên giường của chúng Tăng, rồi các Tỷ kheo khác đến lễ bái, tay chạm vào hình tượng mà không đem cất thì phạm Ba dạ đề. Nếu Tỷ kheo theo thứ tự đến lễ bái, tay chạm vào hình tượng, thì nên dặn người sau cùng đem cất.
Có các trường hợp: Hoặc được dặn dò mà không thuộc trách nhiệm, hoặc thuộc trách nhiệm mà không dặn dò; hoặc vừa phải dặn dò, vừa thuộc trách nhiệm; hoặc chẳng phải dặn dò, cũng chẳng thuộc trách nhiệm.
Được dặn dò mà không thuộc trách nhiệm: Đó là trường hợp Sa di.
Thuộc trách nhiệm mà không phải được dặn dò: Đó là trường hợp Tỷ kheo thượng tọa.
Vừa phải dặn dò, vừa thuộc trách nhiệm: Đó là trường hợp Tỷ kheo Hạ tọa.
Chẳng phải dặn dò, cũng chẳng thuộc trách nhiệm: Đó là trường hợp người thế tục.
Nếu Tỷ kheo có đức lớn có nhiều đệ tử, rồi họ trải giường nệm, mà thầy biết họ trải cho mình, thì khi đi nên dặn họ đem cất, nếu không dặn, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu tại trú xứ của chúng Tăng có những giường nệm để ngoài trời, mà khi Tỷ kheo ra đi, không đem cất thì phạm Ba dạ đề.
Nếu thấy giường nệm của chúng Tăng để ngoài trời tại chỗ ở của mình, mà khi ra đi không đem cất, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu thấy giường nệm của mình đễ ngoài trời tại chỗ ở của chúng Tăng mà khi ra đi không đem cất, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu thấy giường nệm của mình để ngoài trời tại chỗ ở của mình, mà khi ra đi không đem cất, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu thấy giường nệm của Tăng để ngoài trời tại nhà bạch y, mà khi ra đi không đem cất, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu thấy giường nệm của người thế tục đễ ở ngoài trời, thì khi ra đi nên nói cho họ biết. Thế nên nói (như trên).
15. GIỚI: TRẢI ĐỒ CỦA TĂNG Ở CHỖ KHUẤT.
Khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Bà la môn [342c] mời chúng Tăng ở lại cúng dường ẩm thực và dâng y phục. Các Tỷ kheo bày biện các tọa cụ trong Tăng phòng không dọn cất mà ra đi. Thế Tôn vì năm lợi ích nên cứ năm hôm đi thị sát phòng các Tỷ kheo một lần. Ngài thấy trên các tọa cụ ấy có phân chuột gián và bụi đất bẩn thỉu, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi. Các Tỷ kheo liền đem nhân duyên ấy bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỷ kheo: “Các ông là người xuất gia không có ai lo liệu cho các ông những việc trước sau, vì sao lúc ra đi không đem cất đồ đạc? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Phật dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được”. Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo sống tại Thành Xá Vệ tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỷ kheo tự trải giường nệm hay sai người khác trải giường nệm ở trong chỗ che khuất mà khi ra đi không đem cất, cũng không sai người đem cất, thì phạm Ba dạ đề”.
Giải thích:
Ở trong: Tức là chỗ che khuất .
Giường ghế: Gồm mười bốn loại như trên đã nói.
Gối nệm: Cũng như trên đã nói.
Trải: Hoặc tự mình trải, hoặc sai người trải.
Đi: Đi đến nơi khác .
Không tự cất: Không tự mình đem cất.
Không sai người cất: Không sai người khác đem cất thì phạm Ba dạ đề.
Nếu Tỷ kheo muốn đi nơi khác, thì trước khi đi phải rảy nước quét phòng, dùng khăn lau sàn nhà cho sạch, lại phải đem mền gối phơi khô, rồi nói với người giữ mền gối như sau: “Này trưởng lão đây là giường mền gối “, nhất thiết phải dặn dò lại như vậy. Nếu người giữ giường nệm là hàng hạ tọa, thì nên đáp: “Tôi sẽ cất giường nệm ấy”. Nếu người giữ giường nệm là hàng Thượng tọa, thì khi người kia trả lại giường nệm, nên đáp: “Được rồi”. Nếu ra đi mà không bạch thì phạm Ba dạ đề. Nếu không bạch mà ra đi, rồi có Tỷ kheo khác vào ở, phòng ấy không còn trống, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu khi đi rồi mà để quên y bát, bèn trở lại lấy, nhân đó mới bạch, thì không có tội.
Nếu Tỷ kheo đang đi trên đường trong lúc trời u ám sắp mưa, rồi Tỷ kheo trẻ tuổi bèn đi trước về tinh xá, lấy giường nệm của Hòa thượng A Xà Lê đem cất, thì khi trời tạnh muốn ra đi, phải bạch với Hòa thượng, nếu không bạch mà đi thì phạm Ba dạ đề.
Nếu nhiều Tỷ kheo dừng chân nghĩ tại một tinh xá ở thôn xóm, cùng nhận lấy giường nệm của chúng Tăng, rồi mọi người đều suy nghĩ khi ra đi: “Mỗ giáp sẽ dặn họ cất”. Thế rồi đi đến nữa đường, người này hỏi người khác, chung cục không ai dặn lại cả. Nếu vậy, thì lúc ấy, nên sai hai người trở lại dặn họ đem cất.
Nếu các Tỷ kheo đi dường đến nghỉ tại một tinh xá, rồi khi ra đi không dặn thầy tri sự cất giường nệm, đến khi đi một đoạn đường xa bèn hỏi nhau, thì mới biết không ai dặn lại cả. Lúc ấy bỗng gặp [343a] một Tỷ kheo khác đi ngược chiều, liền hỏi: “Trưởng lão định đi đâu đó?”. Nếu người ấy đáp: “Tôi muốn đến nơi đó”, thì các Tỷ kheo kia nên bạch: “Tối qua chúng tôi nghỉ tại đó, nhưng lúc ra đi quên không dặn họ cất giường nệm. Vậy trưởng lão đến đó hãy dặn giúp chúng tôi”. Tỷ kheo ấy cũng nói: “Lúc ra đi tôi cũng quên không dặn, vậy các trưởng lão đến tinh xá ấy hãy vì tôi mà dặn giúp”. Như vậy hai đàng cùng nhờ vả lẫn nhau, cho đến khi cả hai cùng vào đến ranh giới của mỗi tinh xá, thì được gọi là có dặn dò.
Nếu Tỷ kheo nghĩ tại nhà người thế tục, rồi họ cung cấp cho giường nệm tọa cụ, thì lúc ra đi nên nhắc họ đem cất. Nếu đó là tọa cụ bằng cỏ, thì khi đi nên hỏi họ: “Nệm cỏ này nên cất ở đâu?”. rồi tùy chủ nhân chỉ chỗ, ta sẽ đem cất tại đó. Nếu đàn việt nói: “Thầy cứ đi đi rồi tôi sẽ thu dọn”, thì Tỷ kheo nên xếp lại một góc nhỏ, rồi đi.
Nếu Tỷ kheo lúc đi đường đến một nơi kia vạch cỏ ra để trải tòa ngồi, thì lúc ra đi phải vuốt cho cỏ thẳng lại rồi mới đi. Thế nên nói (như trên).
16. GIỚI: LÔI TỶ-KHEO KHÁC RA KHỎI PHÒNG.
Khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỷ kheo khách đến phòng nhóm sáu Tỷ kheo, nhóm sáu Tỷ kheo nói: “Lành thay trưởng lão!”Nói như thế rồi bèn đưa nước rửa chân, dầu thoa chân, nước giải khát, để nghĩ ngơi. Sau khi nghĩ xong, họ bèn hỏi Tỷ kheo khách: “Thưa trưởng lão thầy định nghỉ ở đâu?”.
– Nghỉ trong phòng này đây .
– Ông biết phòng này của ai không?
– Tôi biết đây là phòng của chúng Tăng .
– Tuy phòng này là của chúng Tăng nhưng nhóm sáu Tỷ kheo chúng tôi đã ở đây trước rồi .
– Đây là phòng của chúng Tăng bốn phương giả sử có nhóm mười sáu Tỷ kheo ở đây trước, ta cũng theo thứ tự mà ở đây, huống gì là sáu Tỷ kheo?
– Nếu trưởng lão muốn ở thì cứ ở .
Khi Tỷ kheo khách ở đó rồi, nhóm sáu Tỷ kheo ập đến, kẻ nắm tay chân, người tóm lấy đầu, dở cao lên định vứt thầy ấy ra khỏi phòng. Khi ấy Thế Tôn dùng thần túc đang lơ lửng trên hư không đi đến. Nhóm sáu Tỷ kheo trông thấy Thế Tôn, liền ném ông ta xuống đất và bỏ đi. Phật liền nói với Tỷ kheo khách: “Ông cứ ở trong phòng này đi”.
Lại nữa, Tôn giả Nan Đà là anh của Ưu Ba Nan Đà. Nan Đà có người đệ tử tùy tùng, người này sau bị đuổi ra khỏi phòng bèn la lớn lên. Các Tỷ kheo nghe tiếng la đều thất kinh, ra xem nói như sau: “Tỷ kheo này hôm nay mất hai thứ lợi: Không được ăn, lại mất phòng”. Thế rồi, các Tỷ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỷ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật bèn hỏi Nan Đà, Ưu ba Nan Đà: “Các ông có thật như thế chăng?”. Họ đáp: “[343b] Có thật như vậy”.
Phật liền khiển trách: “Vì sao các ông ở trong phòng của Tăng bốn phương, rồi lôi Tỷ kheo khách ra ngoài? Đó là việc xấu. Các ông không từng nghe ta dùng vô lượng phương tiện tán thán những người phạm hạnh cần phải tu tập tâm từ bi, tu tập khẩu ý từ bi và thường cúng dường, cung cấp (cho khách Tăng) hay sao? Đó là điều phi pháp, phi luật trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được”. Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại Thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
— “Nếu Tỷ kheo tự mình hoặc sai người khác kéo Tỷ kheo khác ra khỏi Tăng phòng, thậm chí nói: “Tỷ kheo ông ra đi”, thì phạm Ba dạ đề”.
Giải thích
Tỷ kheo: Như trên đã nói .
Nếu Tỷ kheo lôi Tỷ kheo khác ra khỏi phòng, rồi Tỷ kheo ấy hoặc ôm cột nhà, hoặc nắm cánh cửa, hoặc tựa vào vách, mà Tỷ kheo kéo rời khỏi mỗi chỗ, thì phạm mỗi tội Ba dạ đề. Hoặc dùng lời nói trách mắng, xua đuổi Tỷ kheo kia, rồi Tỷ kheo kia tùy theo lời trách mắng mà rời đi từng chỗ, thì phạm từng tội Ba dạ đề. Nếu dùng phương tiện đuổi thẳng ra khỏi cửa, thì phạm một tội Ba dạ đề.
Nếu Tỷ kheo tức giận chuột rắn mà đuổi chúng đi, thì phạm tội Việt tì ni. Nhưng nếu nói: “đây là vật vô ích “, rồi đuổi chúng đi, thì không có tội.
Nếu lạc đà, bò, ngựa đứng trong chùa tháp, rồi Tỷ kheo vì sợ ô uế chùa tháp mà đuổi chúng đi thì không có tội.
Nếu Tỷ kheo này đuổi Tỷ kheo khác đi, thì phạm Ba dạ đề. Nếu đuổi Tỷ kheo ni đi, thì phạm tội Thâu lan giá.
Nếu đuổi Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni, thì phạm tội Việt tì ni. Sau cùng, cho đến đuổi người thế tục, thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên) .