LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Việt dịch: Thích Phước Sơn – Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Quyển thứ mười
-ooOoo-
NÓI VỀ PHẦN HAI CỦA BA MƯƠI PHÁP NI-TÁT-KỲ BA-DẠ-ĐỀ
17. GIỚI: CẦM CỦA TIỀN VÀNG BẠC.
Khi Phật an trú tại vườn Trúc Ca-lan-đà ở thành Vương Xá, nói rộng như trên, bấy giờ thôn trưởng của thôn Châu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Trước đây các vị đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ, Trưởng giả họp tại cung điện Vua cùng nhau nghị luận. Có người thì nói Sa-môn Thích tử nên cất giữ vàng bạc. Có người thì nói không nên cất giữ . Vậy ai nói thật, nói đúng pháp, nói tùy thuận pháp, nghị luận không trái nghịch với phép tắc hiện tại?”
Phật đáp: “Sa-mônThích tử không nên cất giữ vàng bạc. Nếu có ai nói nên cất giữ, thì đó là phỉ báng ta, không thật, không đúng pháp, không tùy thuận, là lời nghị luận trái với phép tắc hiện tại. Vì sao vậy? Vì nếu được cất giữ vàng bạc thì cũng được duy trì ngũ dục. Ngũ dục là: Mắt phân biệt sắc pháp sinh ra ái nhiễm, cho đến thân xúc chạm sinh ra ái nhiễm. Phải biết rằng đó không phải là pháp của Sa-mônThích Tử”.
Vị Thôn trưởng nói: “Thật là kỳ lạ, Bạch Thế Tôn! Chưa từng có việc như thế. Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói Sa-môn Thích tử không nên cất giữ vàng bạc. Nếu cất giữ vàng bạc thì không phải pháp của Sa môn, không phải pháp của dòng họ Thích. Vì thế, nay con xin quy y Phật, quy y pháp, quy y Tăng. Con là đệ tử tại gia của Phật, xa lìa sát sinh, Thế Tôn hãy chứng minh cho con. (nói như thế 3 lần) cho đến: Không uống rượu. Trước đây con đã suy nghĩ: Sa-môn Thích tử không nên cất giữ vàng bạc. Nếu ai cất giữ thì chẳng khác gì người hưởng thụ ngũ dục”.
Bấy giờ Thế Tôn liền tùy nghi thuyết pháp chỉ dạy Thôn trưởng khiến ông được lợi ích, hoan hỉ, giống như tấm lụa sạch dễ thấm màu nhuộm. Ông liền thấy được lý Tứ Đế ngay tại chỗ ngồi, bèn bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Người thế tục có nhiều công việc, con xin từ biệt trở về”.
Phật nói: “Ông nên tự biết đúng lúc”.
Ông liền đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải rồi ra đi.
Sau khi ông đi không bao lâu Phật bèn đến chỗ có đông Tỉ-kheo trải tọa cụ ngồi, nói với các Tỉ-kheo: “Vừa rồi thôn trưởng Thôn Chu La đến chỗ ta (như trên đã nói cho đến) nhiễu bên phải rồi ra đi”.
Đoạn Phật nói với các Tỉ-kheo: “Các thầy (311a) phải học như sau: “Không được cất giữ vàng bạc. Ta không có lý do gì được phép cất giữ vàng bạc”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Thế Tôn vì năm việc lợi ích nên cứ năm hôm đi thị sát phòng ở của các Tỉ-kheo một lần. Ngài đến chỗ ở của Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà. Khi ấy, Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà vừa đếm tiền nên tay bị dính đất, liền đi đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Tay các thầy vì sao dính đất như thế?”
Họ liền đáp: “Bạch Thế Tôn! Con vừa đếm tiền, nên tay bị dính đất”.
Phật liền nói với Nan-đà: “Vì sao các thầy lại dùng tay để cầm “sinh sắc”, “tợ sắc”? Từ nay ta không cho phép các thầy tự tay cầm “sinh sắc””tợ sắc”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại tinh xá có lầu gác trong rừng nơi Tì-xá-li, nói rộng như trên. Khi ấy, Ưu-đà-diđến giờ khất thực, bèn khoác y, cầm bát đi tới nhà một người thợ hồ. Nhà ông Này vừa làm lễ khánh hạ xong, bà vợ bèn bước ra nghênh đón làm lễ, hỏi: “Tôn giả, hôm qua vì sao không đến? Nếu đến thì đã được thức ăn uống ngon rồi”.
Thầy liền đáp: “Hôm qua, bữa nay thì có sao đâu? Nếu có thức ăn ngon thì hãy mang ra đây”.
Bà liền nói: “Thức ăn ngon hết rồi, nay con xin gởi tiền để tôn giả đến quán ăn mua thức ăn ngon khác”.
Thầy nói: “Đức Thế Tôn chế giới, không cho ta tự tay cầm tiền. Bà hãy đem tiền buộc vào chéo y của ta”.
Bà theo lời chỉ bảo, đem tiền buộc vào chéo y, rồi thầy ra đi, đến một quán bán bánh, nói với chủ quán: “Lão trượng, hãy mang bánh cho tôi”.
Ông ta nói: “Tôn giả cho tôi xem tiền đã”.
Ưu-đà-dinói: “Ông chỉ cần đưa bánh cho ta, ta sẽ trao tiền cho ông ngay tại đây thôi”.
Ông liền nói: “Tôn giả hãy đưa bát ra”.
Thế rồi, ông liền đem các thứ bánh bỏ vào đầy bát, và nói: “Xin đưa tiền cho tôi”.
Ưu-đà-dibảo: “Ông hãy mở chéo y của tôi ra mà lấy”.
Ông chủ quán muốn đùa cợt nên không chịu mở, nói: “Ông hãy tự mở lấy đưa cho tôi”.
Ưu-đà-diđáp: “Phật không cho phép tôi cầm sinh sắc, tợ sắc, ông hãy tự mở lấy”.
Ông ta bèn mở lấy. Lấy xong, chê trách: “Vì sao Sa-môn Thích tử lại dùng phương tiện sơ sài này, xem đây là thanh tịnh! Chúng ta cũng ít khi dùng tay cầm nắm và đặt vào trong miệng, cũng chẳng khi nào buộc vào chéo áo hoặc bỏ vào trong túi. Thế này thì mất hết phép tắc Sa môn, nào có đạo hạnh gì?”
Thế rồi, Ưu-đà-dimang bánh về phòng, mời các Tỉ-kheo khác cùng ăn. Các Tỉ-kheo hỏi: “Thứ bánh này rất ngon, ở đâu mà có được vậy? Loại này không phải là bánh làm ở nhà”.
Ưu-đà-diđáp: “Này các trưởng lão! Trong đây lợi ít mà lỗi nhiều!”
Các Tỉ-kheo bèn hỏi: “[311b] Vì sao nhiều lỗi?”
Đáp: “Tôi tạo nhân duyên như vậy như vậy cho nên nhiều lỗi”.
Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu-đà-diđến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi: “Ông có làm như vậy thật chăng?”
Thầy đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.
Phật khiển trách: “Đó là việc xấu. Từ nay về sau, dùng tiền buộc vào chéo y, Ta cũng không cho”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Ca-duy-la-vệ, nói rộng như trên. Vì năm việc lợi ích, nên Thế Tôn cứ năm hôm đi quan sát phòng ở của các Tỉ-kheo một lần, bỗng thấy một Tỉ-kheo mang bệnh huỳnh đãng ốm yếu. Phật biết mà vẫn hỏi: “Tỉ-kheo! thầy có kham nhẫn nỗi khổ được chăng? Thầy có sống yên ổn chăng?”
Thầy ấy đáp: “Bạch Thế Tôn! Con không được yên ổn, bị bệnh tật khổ não”.
Phật liền hỏi thầy: “Ông không thể đòi hỏi thức ăn hợp với bệnh, thuốc hợp với bệnh được sao?”
Thầy đáp: “Con nghe Thế Tôn chế giới Tỉ-kheo không được tự tay cầm sinh sắc, tợ sắc, lại không có ai đưa cho con, nên con phải chịu khổ não”.
Phật liền nói: “Từ nay về sau, ta cho phép người bệnh được quyền sai tịnh nhân cất tiền bạc, nhưng chớ có tham trước”.
Thế rồi, Phật truyền cho các Tỉ-kheo tại thành Ca-duy-la-vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỉ-kheo tự tay cầm sinh sắc, tợ sắc hoặc sai người cầm nắm với ý tham trước thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề”.
Giải thích
(Một số từ đã được giải thích ở trước)
– Sinh sắc: Chỉ cho vàng.
– Tợ sắc: Chỉ cho bạc.
– Sinh sắc tợ sắc: Chỉ cho các loại tiền tệ dùng ở thị trường.
– Cầm: Hoặc tự mình cầm, hoặc bảo người khác cầm.
– Nắm: Hoặc tự mình nắm, hoặc bảo người khác nắm.
– Tham trước: Suy nghĩ như sau: “Ta sẽ dùng vật này để đạt được năm thứ dục lạc như: Sắc, thanh, hương, vị, xúc”. Đó gọi là tham trước.
– Không tham trước: Như vị Tỉ kheo trì giới thanh tịnh tự gánh lương thực như bún, bánh, gạo, bột gạo.v.v., khi ấy suy nghĩ: “Ta không có phương tiện nào khác nên bất đắc dĩ phải dùng đến thức ăn Này”. Trái lại, nếu đối với các vật bất tịnh Này mà tưởng là những vật thanh tịnh, như sau: “Ta sẽ thọ dụng những thứ Này”, thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.
– Ni-tát-kì Ba-dạ-đề: Các thứ tiền, vàng bạc Này phải đem thí xả giữa chúng Tăng, rồi sám hối tội Ba-dạ-đề. Nếu không thí xả [311c] mà sám hối thì phạm tội Việt tì-ni .
Các thứ vàng bạc hay tiền, hoặc nhiều, hoặc ít, hoặc thuần, hoặc tạp, hoặc đã làm thành dụng cụ, khi đem thí xả giữa chúng Tăng, thì Tăng không nên cho lại Tỉ-kheo ấy, cũng không được phân chia. Nếu nhiều thì nên bỏ vào quỹ tiết kiệm. Sau khi bỏ vào quỹ tiết kiệm, nếu sinh lợi tức, thì được dùng nó làm phòng xá, sắm y, mà không được mua sắm thức ăn.
Tỉ-kheo khi nhận được tiền, và sau mùa an cư xong nhận được tiền sắm y, không được đưa tay cầm lấy mà phải nhờ tịnh nhân lấy giúp.
Nếu không có tịnh nhân thì hãy bảo thí chủ bỏ dưới đất bên cạnh chân mình. Sau đó, mình dùng cỏ, lá, gạch, ngói tủ lên trên, đợi tịnh nhân đến, chỉ cho họ thấy để họ cầm lấy. Nếu tịnh nhân không đáng tin cậy, thì bảo họ đi trước mình, và bảo để tiền tại nơi nào đó.
Nếu Tỉ-kheo làm tri sự trông coi việc của Phật, của Tăng có nhiều tiền vàng bạc để tại chỗ sinh địa thì nên chỉ cho tịnh nhân biết. Nếu để chỗ tử địa kín đáo thì hoặc tự mình đào lấy, hoặc sai Tỉ-kheo trẻ tuổi đào lấy. Nếu tịnh nhân không đáng tin, thì nên dùng khăn bịt mắt họ ba vòng, rồi mới dẫn đến chỉ cho họ biết chỗ đất, sau đó chỉ cho biết hầm để tiền, và cứ để mắt bị bịt như thế bảo đi khỏi nơi đó. Nếu tiền rơi trên bờ hầm, thì được dùng ngói gạch gạt cho tiền rớt xuống hầm, và được tự tay đậy nắp hầm lại. Sau đó khi cần lấy, nếu là chỗ sinh địa thì chỉ cho tịnh nhân biết; nếu là chỗ tử địa thì được tự tay đào lên cho đến khi gặp tiền, bèn sai tịnh nhân đến lấy. Nếu tịnh nhân không đáng tin thì phải bịt mắt y 3 vòng rồi dẫn đến lấy. Nếu trong cái khăn gói để trên đầu cây gậy có vàng, bạc, tiền thì không được tự tay cầm lấy mà nên bảo cho tịnh nhân biết. Nếu tịnh nhân bé nhỏ không sờ tới thì được bồng y lên khiến y lấy. Khi bồng y nên nói như sau: “Tôi bồng tịnh nhân, tôi bồng tịnh nhân”. Lúc đem gói đồ xuống rồi phải bảo y mở ra. Nếu y không biết mở thì được phép cầm tay y chỉ cho y mở. Khi mở xong bảo y đếm. Nếu y không biết đếm thì được phép cầm tay y mà đếm. Khi đếm xong, số còn thừa bảo y bỏ lại vào túi. Nếu y không biết cầm bỏ vào túi, thì được phép cầm [312a] tay y dạy y bỏ vào túi. Khi bỏ vào túi xong nên bảo tịnh nhân buộc túi lại. Nếu tịnh nhân không biết buộc, thì bảo y nâng cái đáy túi, rồi Tỉ-kheo tự tay mình buộc. Khi buộc xong nên đem để lại trên đầu gậy như trước. Nếu tịnh nhân thấp để không tới thì Tỉ-kheo được phép bồng y lên.
Nếu kho lẫm, rương, tủ để trên gác, trên cột trụ, thì khi lấy, khi mở ra, khi đậy lại cũng như thế.
Nếu khi đi đường, tịnh nhân mang vàng bạc, mà y còn bé, thì ta được phép dùng tay dắt y đi. Nếu khi lội nước, thì ta được phép dìu y lội qua, nhưng phải nói: “Tôi dìu tịnh nhân, tôi dìu tịnh nhân”.
Nếu Tỉ-kheo dẫn tịnh nhân theo, lúc đi qua đò mà y còn bé không lên đò được, thì Tỉ-kheo được phép đỡ y lên đò, nhưng phải nói: “Tôi đỡ tịnh nhân, tôi đỡ tịnh nhân”. Khi xuống đò, cũng như vậy. Trên đường đi, Tỉ-kheo dừng lại ở trên bờ sông, bên giếng hoặc trên ao hồ để ăn uống nghỉ ngơi, rồi lúc ra đi, tịnh nhân để quên túi xách. Bấy giờ có vị trưởng lão Tỉ-kheo đi sau, xem có ai để quên vật gì không, thì thấy có một gói đồ sót lại, bèn suy nghĩ: “Cái Này ắt là của vị Tỉ-kheo kia”, bèn cầm lấy mang đi, khi đi kịp chúng bạn, bèn hỏi: “Vật Này của ai vậy?”Lúc ấy có người nói: “Đó là gói đồ của tịnh nhân”. Vị trưởng lão bèn bỏ gói đồ xuống đất. Bấy giờ, tịnh nhân nên cầm lấy mang đi, nhưng không được gọi tên gói đồ.
Nếu Tỉ-kheo cùng đi đường với tịnh nhân, khi đêm đến dừng nghỉ tại một chỗ, rồi tờ mờ sáng ra đi. Bấy giờ, tịnh nhân cầm nhầm gói đồ của Tỉ-kheo, Tỉ-kheo cầm nhầm gói đồ của tịnh nhân. Khi đến nơi, Tỉ-kheo mới nhận ra gói đồ mình cầm là của Tịnh nhân, thì nên bỏ xuống đất, và tịnh nhân phải đến lấy mà không được gọi tên gói đồ (tức không được gọi là túi đựng bạc).
Nếu Tỉ-kheo nhiều vàng, bạc, tiền bị mất, và nghi bị rơi ở bên cạnh giường, nên muốn tìm lại, thì khi rời khỏi giường, phạm tội Việt tì-ni . Nếu tìm lại được thì phạm tội Ni-tát-kì.
Nếu Tỉ-kheo có nhiều tiền bạc, nghi là cất trong mền len, nên định tìm kiếm thì khi mở chiếc mền ra, phạm tội Việt tì-ni . Khi được tiền, phạm tội Ni-tát-kì.
Nếu Tỉ-kheo có nhiều tiền bạc, nghi bị rơi trên đất, muốn tìm kiếm thì khi cầm chổi quét đất, phạm tội Việt tì-ni . Nếu tìm lại được, thì phạm tội Ni-tát-kì.
Nếu Tỉ-kheo có nhiều tiền bạc, nghi bị rơi trong đống rác, nên định tìm kiếm, thì khi bươi đống rác, phạm tội Việt tì-ni, khi được tiền phạm tội Ni-tát-kì.
Nếu Tỉ-kheo lâm bệnh, có đàn việt cúng dường tiền thuốc, vì bệnh nên được nhận tiền, đem cất dưới mền. Khi cần tìm lấy, nhưng vì trong tối mắt không trông thấy, dùng tay rờ đụng tiền, thì không có tội.
Nếu đàn Việt làm giường ghế mới bằng vàng bạc, vì có lòng tin, nên muốn để Tỉ-kheo sử dụng trước nhất, rồi Tỉ-kheo nói: “Tôi là người xuất gia, luật không cho phép dùng”. Đàn việt lại nói: “Tôn giả vì tôi mà khai thông có được thọ dụng không?” Tỉ-kheo nên nói: “Hãy xếp một tọa cụ cho dày lót lên, thì tôi mới ngồi được”. Nhưng khi Tỉ-kheo ngồi rồi thì không được [312b] lay động cái giường, cũng không được khen ngợi.
Nếu đàn việt làm xe, máy móc mới bằng vàng bạc, vì có tín tâm nên muốn để Tỉ-kheo sử dụng trước tiên, khi ấy Tỉ-kheo nói: “Tôi là người xuất gia luật không cho phép sử dụng vật ấy”. Người kia lại nói: “Tôn giả hãy vì tôi mà phương tiện khai thông thọ dụng giúp cho”. Tỉ-kheo nên bảo: “Nếu trên xe có lót lá cây, hoặc lót tấm vải lên trên, thì tôi mới đặt chân lên được”. Nhưng sau khi đặt chân lên, không nên động chân, cũng không được khen ngợi.
Có người đàn việt làm cái mâm vàng bạc, vì có tín tâm nên muốn để Tỉ-kheo sử dụng trước nhất, Tỉ-kheo nói: “Tôi là người xuất gia, không được phép dùng vật ấy”.
Người kia nói: “Tôn giả có thể vì tôi mà khai thông phương tiện thọ dụng được không?”Tỉ-kheo nên nói: “Nếu dùng cỏ, lá cây hay tấm vải phủ lên trên đó thì có thể được”. Nhưng không được dùng tay cầm mà nên bảo họ bưng để xuống đất.
Nếu đàn việt làm chén bát mới bằng vàng bạc, vì tín tâm nên muốn nhờ Tỉ-kheo sử dụng trước nhất. Rồi Tỉ-kheo nói: “Tôi là người xuất gia không được phép dùng nó”. Người ấy lại nói: “Tôn giả có thể vì tôi mà khai thông phương tiện thọ dụng được không?” Tỉ-kheo nên đáp: “Ngươi nên rửa sạch, đặt trên mâm, đem thức ăn bỏ vào, rồi đưa tay chỉ bát nói: “Dùng, dùng… “. Nói 3 lần như vậy, đó gọi là dùng. Nhưng khi ăn, Tỉ-kheo chỉ ăn thức ăn trong bát, không được động đến xung quanh bát.
Nếu ngày mồng tám tháng tư hay các ngày đại hội cúng dường, tất cả các tháp, tượng Bồ tát, cờ phướn bảo cái, những dụng cụ cúng dường ấy có thếp vàng bạc thì Tỉ-kheo không được cầm đến mà nên bảo tịnh nhân cầm. Nếu bị rơi xuống đất, thì nên cầm chỗ nào không có vàng bạc nhặt lên. Nếu được thếp vàng khắp cả thì nên dùng vải bọc tay rồi mới cầm. Nếu không có vật gì bọc tay mà trên tượng có chỗ chưa thếp vàng thì nên cầm chỗ ấy. Tất cả các thứ như lư hương, đèn, cán phất trần mà có thếp vàng, đều không được cầm. Khi tắm rửa tượng Bồ tát bằng vàng bạc thì không được tự tay mình tắm mà phải bảo tịnh nhân làm. Vào những ngày đại hội, Tỉ-kheo bảo tịnh nhân lấy ra các tượng bằng vàng bạc, Tỉ-kheo chỉ được đỡ giúp tịnh nhân, không được cầm. Và trên tượng có thếp vàng, Tỉ-kheo không được trước cầm rồi sau thả ra. Tùy theo mỗi nước, có nước dùng tiền bằng đồng, hoặc tiền bằng vỏ ốc, hoặc tiền bằng sắt, hoặc tiền bằng hồ dao, hoặc tiền bằng thẻ tre, hoặc tiền bằng da… Tất cả các loại tiền ấy, Tỉ-kheo không được cầm. Hoặc có những nước người ta sử dụng tiền tệ mà chưa thành hình tướng của tiền tệ, Tỉ-kheo cầm nó thì phạm tội Việt tì-ni . Có những nước người ta dùng loại tiền tệ không có hình dạng của tiền tệ, mà Tỉ-kheo cầm nó thì phạm tội Việt tì-ni . Có những nước người ta dùng loại tiền tệ có hình dạng của tiền tệ mà Tỉ-kheo cầm nó thì phạm tội Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. [312c] Có những nước người ta dùng loại tiền tệ không có hình dáng của tiền tệ, Tỉ-kheo xem nó như loại đồng, sắt mà cầm, thì không có tội. Thế nên nói (như trên).
(Hết giới Ni-tát-kì 17)
18. GIỚI: BUÔN BÁN.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên, bấy giờ, nhóm 6 Tỉ-kheo mua các thứ sinh tô, dầu, mật, đường phèn, sữa, sữa chua tại giữa chợ để dùng, nên bị người đời chê trách rằng: “Vì sao Sa-mônthích tử không chịu khất thực mà đến các chợ mua thức ăn để ăn, mất hết cả phép tắc Sa môn, có đạo nào như thế?”
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm 6 Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Có thật các ông mua các thức ăn tại chợ nên bị người đời chê trách không?”
Họ đáp:”Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.
Phật khiển trách: “Đó là việc xấu, đáng bị người chê trách. Các ông không nghe ta thường khen ngợi thiểu dục, khiển trách đa dục hay sao?. Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp”.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho tất cả các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi, cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỉ-kheo mua bán các thứ thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề”.
Giải thích
– Các thứ: Hoặc tự hỏi giá, hoặc nhờ người khác hỏi giá, hoặc tự thách giá, hoặc nhờ người khác thách giá, hoặc tự hạ giá, hoặc nhờ người khác hạ giá.
– Tự hỏi giá: Như hỏi: “Vật này giá bao nhiêu?”. Và họ đáp: “Bán cho ông giá chừng đó”. Rồi hỏi: “Tôi mua với giá đó được không?”Vì cách hỏi không thanh tịnh, nên phạm tội Việt tì-ni . Nếu mua được vật ấy thì phạm Ni-tát-kì.
– Sai người khác hỏi: Như bảo: “Ngươi đến hỏi xem vật ấy họ đòi bao nhiêu”. Hoặc bảo: “Nếu họ đòi giá chừng đó thì ngươi nên trả cho họ”. Vì sai người ta hỏi những lời bất tịnh nên phạm tội Việt tì-ni . Nếu mua được vật đó thì phạm Ni-tát-kì.
– Thách giá: Chẳng hạn họ hỏi: “Vật Này giá bao nhiêu?” Rồi mình đáp: “Tôi bán cho ông với giá đó”. Và người kia nói: “Tôi muốn mua với giá đó”. Do tranh nhau thách trả nói những lời bất tịnh nên phạm tội Việt tì-ni . Nếu bán được vật đó, thì phạm Ni-tát-kì.
– Sai người thách giá: Như bảo tịnh nhân: “Ngươi đến thách giá như vậy. Nếu được giá đó thì bán”. Vì nói lời bất tịnh nên phạm tội Ni-tát-kì.
– Hạ giá: Như hỏi: “Giá vật Này bao nhiêu?”Rồi Họ đáp: “Một nghìn”, và mình nói: “Tôi trả cho ông 800”. Nếu họ đòi 900, rồi mình nói: “Tôi trả 700″… cho đến 10. Vì mong mua được vật của người ta mà bớt giá một cách bất tịnh, nên phạm tội Việt tì-ni . Nếu mua được thì phạm Ni-tát-kì.
– Sai ngưòi hạ giá: Cũng như vậy. Nếu căn cứ theo thời giá mà đi mua các vật, như vật dùng ban đêm, [313a] vật dùng trong 7 ngày, vật dùng suốt đời, vật tùy thân, vật nặng, vật bất tịnh, vật vừa thanh tịnh vừa bất tịnh, khi nói thì phạm tội Việt tì-ni, khi mua được thì phạm tội Ni-tát-kì. Nếu hỏi mua các vật dùng 7 ngày, trọn đời, tùy thân, vật nặng, vật vừa thanh tịnh vừa bất tịnh …, thì khi hỏi mua cũng phạm tội như vật dùng ban đêm kể trên.
Tại chợ, giá vải đã được quy định sẵn, Tỉ-kheo đem tiền đến mua vải, khi đặt tiền xuống sạp thì nên nói với chủ sạp: “Đây là giá tiền của tấm vải đó”. Nếu không nói (mà đặt tiền xong) im lặng cầm vải đi thì phạm tội Việt tì-ni . Nếu mua dù lọng, rương, giày da, quạt, mía, cá, sữa chua, dầu, mật… các vật ấy cũng như vậy.
Có những quốc gia, việc mua bán tại các chợ đã có phép nhất định, người mua chỉ cần cầm tiền đặt ở chỗ vật cần mua, và người chủ sạp gật đầu, thì biết là đồng ý bán. Nhưng Tỉ-kheo khi mua cũng phải nói: “Giá tiền của vật Này đây”. Người chủ sạp biết hay không biết, đều phải nói như thế. Nếu không nói như thế mà im lặng cầm món hàng đi thì phạm tội Việt tì-ni .
Nếu món hàng đáng giá 50 đồng mà người chủ sạp thách giá 100 đồng, rồi Tỉ-kheo nói: “Tôi chỉ trả 50 đồng”. Chỉ mong mua với giá như vậy, thì không gọi là bớt (hạ) giá.
Nếu Tỉ-kheo biết người đứng trước mình đang muốn mua vật nào đó thì không được tranh mua mà nên hỏi: “Bà đã thôi chưa?”Nếu họ nói: “Tôi đang cố mua với giá đó”. Bấy giờ Tỉ-kheo không nên xen vào tranh mua với họ. Nếu mua thì phạm tội Việt tì-ni . Nhưng nếu người mua nói: “Tôi dừng rồi”, thì Tỉ-kheo nên nói với người chủ sạp: “Tôi muốn mua vật kia với giá đó”.
Nếu Tỉ-kheo trao đổi y bát với nhau thì không được làm trung gian tranh giành. Nếu tranh giành thì Phạm tội Việt tì-ni . Nếu người trước đã bỏ cuộc, rồi mình đổi lấy thì không có tội.
Nếu bán đồ vật giữa chúng tăng thì được phép ra giá, khi bán được thì không có tội.
Nếu Hòa thượng, A-xà-lê muốn mua lấy thì không được tranh giành. Nếu Tỉ-kheo với Tỉ-kheo mua bán đổi chác, nói những lời bất tịnh để mua thì không có tội. Đối với 96 hạng người xuất gia, dùng những lời bất tịnh trao đổi với họ để mua được vật thì không có tội.
Nếu Tỉ-kheo thấy người ta bán bát bèn suy nghĩ: “Cái bát Này đẹp, nếu đem đến nơi kia bán sẽ được lời”, rồi mua, thì phạm tội Việt tì-ni . Trái lại, nếu suy nghĩ: “Ta có vật Này mà không có tịnh nhân, đây là vật thanh tịnh”, thì được mua mà không có tội. Khi đến đó, hoặc Hòa thượng, A-xà-lê cần đến, hoặc mình bị bệnh, hoặc muốn làm công đức, được giá cao bèn bán đi mà không vụ lợi, thì không có tội. Đối với tất cả các vật khác cũng như vậy.
Nếu Tỉ-kheo khi cất giữ lúa suy nghĩ: “[313b] Loại Này về sau sẽ quí giá”, thì khi cất giữ phạm tội Việt tì-ni, khi đem bán, phạm Ni-tát-kì. Nếu suy nghĩ: “Sợ lúc nào đó giá lúa đắt đỏ, bấy giờ ta sẽ bán lúa Này và nhờ đó mà ta yên tâm tụng kinh ngồi thiền, hành đạo”. Đến khi đó, quả nhiên lúa đắt đỏ, thì hoặc dùng để ăn, hoặc cho Hoà Thượng, A-xà-lê, hoặc dùng làm công đức, còn thừa ra đem bán được lời, thì không có tội.
Nếu Tỉ-kheo cất thảo dược với suy nghĩ: “Sau Này giá đắt ta sẽ bán”, thì phạm tội Việt tì-ni. Về sau đem bán thật thì phạm tội Ni-tát-kì.
Nếu Tỉ-kheo mua thuốc với suy nghĩ: “Về sau Này khi có bệnh sợ giá thuốc đắt đỏ khó mua”, nhưng sau đó nếu không bệnh, hoặc uống còn thừa đem bán có lợi, thì không có tội.
Nếu Tỉ-kheo kinh doanh thuê thợ làm đồ gốm, thợ mộc làm việc, nói những lời bất tịnh, thì phạm tội Việt tì-ni . Nếu đi thuê các loại thợ như thợ hồ, thợ vẽ, thì cũng như vậy. Nếu đi thuê xe ngựa, bò, lừa, lạc đà, người, thuyền … cũng như vậy.
Nếu Tỉ-kheo phụ trách công việc hằng tháng cho chúng Tăng, ra chợ mua các loại sữa, dầu, gạo, đậu, lúa mạch, bún, bột mì, khi đi tìm mua các thứ đó, nói những lời bất tịnh, thì phạm tội Việt tì-ni . Hoặc tự mua cho chính mình các thứ sữa, dầu … nói những lời bất tịnh thì phạm tội Việt tì-ni . Khi đã mua được thì phạm Ni-tát-kì.
Nếu Tỉ-kheo lúc đi mua đồ khen chê một cách trung thực về những vật ở trước người rằng: “Cái Này tốt, cái Này xấu, hoặc thô, hoặc tế, hoặc cân lượng lớn, nhỏ, thơm, thối … thì không có tội. Nếu người bán hàng nói: “Tôi sẽ cân đo đầy đủ”. Tỉ-kheo nên nói: “Ông bán đúng với giá Này thì thôi”.
Nếu Tỉ-kheo khất thực có mì, bún, thừa đem ra cửa hàng đổi sữa, dầu, tô lạt, nói những lời bất tịnh thì phạm tội Việt tì-ni . Khi đổi được thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.
Tỉ-kheo không được đến những cửa hàng của những người tại chợ búa ồn náo để mua đồ, mà được đến những cửa hàng ít người, nói: “Nên biết rằng tôi mua với giá Này đây”. Tất cả đều nên nói như thế.
Nếu Tỉ-kheo khất thực có bún dư thừa, đem cho người khác để nhờ họ sửa chữa giày dép, nói những lời bất tịnh thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu trước đó cho người ta bún, sau đó người ta sửa chữa giày giúp, hoặc nguời ta sửa chữa trước, sau đó mình cho họ bún thì không có tội.
Nếu Tỉ-kheo dùng thức ăn thừa trong bát đem thuê người bảo họ sửa chỗ đi kinh hành, nói những lời bất tịnh, thì phạm tội Việt tì-ni . Chỉ nên nói rằng: “Hãy biết cái Này”. Nếu trước cho ăn, sau nhờ họ làm, hoặc trước nhờ họ làm, sau cho họ ăn, thì không có tội.
Có đàn việt muốn giúp đỡ Tỉ-kheo bèn đưa tiền cho chủ quán, nói: “Nếu Tỉ-kheo mỗ giáp hằng ngày đến đây có cần thứ gì thì tùy ý đưa cho thầy ấy”. Về sau, khi cần đến đòi hỏi, nói những lời bất tịnh, thì không có tội. Thầy Tỉ-kheo ấy đòi đồ vật mà ở sạp hàng không có [313c], nên chủ quán đưa tiền cho Tỉ-kheo đến chỗ khác tìm mua, rồi Tỉ-kheo đến chỗ khác tìm mua vật mình cần, nói những lời bất tịnh, khi được vật thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.
Tỉ-kheo đến cửa hàng dùng bất tịnh ngữ phân biệt giá, tịnh ngữ thủ, hoặc tịnh ngữ phân biệt giá, bất tịnh ngữ thủ, hoặc bất tịnh ngữ phân biệt giá, bất tịnh ngữ thủ, hoặc tịnh ngữ phân biệt giá, tịnh ngữ thủ.
– Bất tịnh ngữ phân biệt giá, tịnh ngữ thủ: Như hỏi người chủ sạp: “Vật Này đòi giá bao nhiêu? Tôi muốn biết giá của nó”.
– Tịnh ngữ phân biệt giá, bất tịnh ngữ thủ: Biết vật đó đề giá như thế, nhưng trả: “Tôi muốn mua với giá đó”.
– Bất tịnh ngữ phân biệt giá, bất tịnh ngữ thủ: Vật đó họ đòi giá như thế, nhưng nói: “Tôi mua với giá đó”.
– Tịnh ngữ phân biệt giá, tịnh ngữ thủ: Biết vật ấy giá chừng đó và mình mua đúng với giá đó.
Hai trường hợp Bất tịnh ngữ phân biệt giá, tịnh ngữ thủ và tịnh ngữ phân biệt giá, bất tịnh ngữ thủ, phạm tội Việt tì-ni. Trường hợp bất tịnh ngữ phân biệt giá, bất tịnh ngữ thủ, phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Trường hợp Tịnh ngữ phân biệt giá, tịnh ngữ thủ không có tội. Thế nên nói (như trên).
(Hết giới Ni-tát-kì 18)
19. GIỚI: MUA BÁN VÀNG BẠC.
Khi Phật an trú tại tinh xá có lầu gác trong rừng Đại lâm, nơi thành Tì-xá-li, nói rộng như trên. Bấy giờ Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà mua vàng từ các nhà hoàng tộc rồi bảo thợ kim hoàn của các hoàng tộc làm dụng cụ trang sức bằng chuỗi anh lạc. Khi làm xong đem mài giũa phát sáng, cất vào trong va li, dùng tấm lụa màu hoa sen xanh phủ lên trên, rồi đưa cho Sa-di, dặn rằng: “Ta dẫn ngươi đến các nhà hào quí, nếu ta bảo ngươi mở nắp va li, thì ngươi chỉ mở lộ ra một góc”. Thế rồi, họ dẫn Sa-di đến các nhà hào quí. Phụ nữ các nhà ấy trông thấy họ đến, liền ra cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên, và hỏi: “Vật gì đựng trong va li Này vậy?”
Họ đáp: “Hỏi cái Này làm gì? Đó không phải là điều các người nên hỏi”.
Vì không cho xem, nên các bà ân cần nói với Sa-di: “[314a] Mở ra cho chúng tôi xem với”.
Sa-di bèn mở hé ra cho xem một góc. Màu xanh càng giúp cho xâu chuỗi nổi rõ màu sắc, và ánh mặt trời chiếu vào càng làm rực rỡ chói mắt. Mấy bà liền hỏi: “Vật Này của ai vậy?”
Họ đáp: “Hỏi cái Này làm gì? Ai có vàng đem chế tạo ra tức là chủ nhân”.
Mấy bà lại hỏi: “Giá vàng bao nhiêu?”
Họ liền đáp đúng như thật: “Giá vàng chừng đó, tiền công chừng đó”.
Mấy bà liền tán thán: “Thực là đại quí!”
Họ nói: “Vì sao bà lại “chê”của quí? Tôi đưa cho bà giá tiền chừng đó liệu bà có làm được không?”
Trong số đó có người thành tín nói: “Đúng như thầy dạy, làm cũng thật là khó, không thể nào làm nhanh được”
Trong số đó có một phụ nữ, hoặc là có của riêng hoặc là của của cha mẹ, hoặc là tài sản của mẹ chồng, hoặc là tài sản của chú Ưu Ba Nan bác, hoặc là tài sản của chồng, hoặc là của giữ riêng cho gia đình, bèn lấy mua chuỗi anh lạc đó. Vì lúc ấy người Này không mua vàng tại cửa hàng, cũng không thuê thợ kim hoàn làm, cho nên chủ nhân các tiệm vàng và những thợ kim hoàn đều chỉ trích rằng: “Vì sao Sa-mônThích tử lại đoạt mất nguồn lợi tức của người ta?”
Các Tỉ-kheo liền đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo đi gọi Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Có thật các ông mua vàng từ các nhà hoàng tộc, rồi bảo thợ kim hoàn làm thành đồ trang sức không?”
Ho đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.
Phật khiển trách: “Đa, đó là việc xấu. Ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện chê trách đa dục, ca ngợi thiểu dục hay sao? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp”. Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang ở tại Tì-xá-li phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỉ-kheo mua bán các thứ sinh sắc, tợ sắc thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề”.
Giải thích
– Sinh sắc: Vàng.
– Tợ sắc: Bạc.
Hoặc dùng vàng đổi lấy vàng, dùng vàng đổi lấy bạc, dùng vàng đổi lấy vàng bạc; hoặc dùng bạc đổi lấy bạc, dùng bạc đổi lấy vàng, dùng bạc đổi lấy vàng bạc; hoặc dùng vàng bạc đổi lấy bạc, hoặc dùng vàng bạc đổi lấy vàng bạc. Hoặc dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại không thể làm ra vàng; hoặc dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại làm ra vàng; hoặc dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại có thể hay không thể làm ra vàng; hoặc dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại làm ra vàng hay không thể làm ra vàng.
Dùng loại làm ra vàng đổi lấy loại làm ra vàng trong 4 trường hợp; dùng loại làm ra vàng đổi lấy loại không thể làm ra vàng trong 4 trường hợp; dùng loại làm ra vàng không làm ra vàng và làm, hoặc không thể làm ra vàng trong 4 trường hợp, đều như trên. Hoặc dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại không thể làm ra bạc, hoặc dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại làm ra bạc; dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại có thể hay không thể làm ra bạc; dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại làm ra bạc hay không làm ra bạc và có thể hay không thể làm ra bạc. Các loại làm ra vàng trong 4 trường hợp [314b] làm hay không làm ra vàng 4 trường hợp, làm ra vàng hay không làm ra vàng và vừa có thể vừa không thể làm ra vàng trong 4 trường hợp, cũng như trên. Hoặc dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại không thể làm ra vàng bạc; dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại làm ra vàng bạc; dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại có thể hoặc không thể làm ra vàng bạc; dùng loại không thể làm ra vàng đổi lấy loại có thể làm và không thể làm ra vàng bạc.
Ngoài ra, làm dụng cụ bằng vàng, làm không làm dụng cụ bằng vàng, làm thành vàng không làm thành vàng và làm không làm dụng cụ bằng vàng 4 trường hợp, đều như trên. Về những dụng cụ được làm bằng bạc theo 12 cách trong 4 trường hợp và những kim hoàn hợp chế bằng vàng bạc theo 12 cách trong 4 trường hợp cũng được nói rộng như trên.
(Hết phần hai của Ni-tát-kì.)
20. GIỚI: CẤT BÁT THỪA QUÁ HẠN.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có một Tỉ-kheo đến giờ khất thực, liền khoác y, cầm bát đi đến nhà một người thợ gốm tên Pháp Dự. Pháp Dự trông thấy liền cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên. Tỉ-kheo nói:
– Tôi cần bát.
Pháp Dự bèn làm bát cúng dường. Bát Này không lớn, không nhỏ, vừa cỡ trung bình, được nung chín nhẵn bóng.
Sau khi được bát, thầy mang về tinh xá Kỳ Hoàn, các Tỉ-kheo hỏi:
– Trưởng lão, thầy được bát đó ở đâu mà không lớn, không nhỏ, vừa trung bình, được nung chín nhẵn bóng như thế?
Thầy đáp:
– Thợ gốm Pháp Dự bố thí cho tôi đấy.
Các Tỉ-kheo hỏi thế rồi, đi đến nhà Pháp Dự xin, đều được tất cả. Quá nhiều người đến xin như thế, nên Pháp Dự suy nghĩ: “Có nhiều Tỉ-kheo cần đến bát, chi bằng ta mời chúng Tăng về nhà cúng dường bát, vì chúng Tăng là phước điền tốt nhất, phước báo vô lượng”.
Nghĩ thế rồi, ông bèn đi đến tinh xá Kỳ Hoàn, tới trước Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, quỳ gối chắp tay bạch:
– Con là thợ gốm Pháp Dự, xin mời đại đức chúng Tăng tới nhà con nhận cúng dường bát. Ai cần thì đến lấy.
Khi ấy, các Tỉ-kheo người thì lấy 1 cái, hoặc 2, 3, 4 thậm chí có người lấy 10 cái. Pháp Dự cung cấp không đủ. Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất đến giờ khất thực, bèn khoác y, cầm bát vào thành Xá-vệ tuần tự khất thực, lần lượt đến gia đình ấy. Người vợ của Pháp Dự vốn có tín tâm, nên rất hoan hỉ, hơn nữa, bà đã từng quen biết Tôn giả Xá-lợi-phất từ trước nên đem cái bát bằng đồng rửa sạch múc đầy thức ăn, bưng ra sớt vào bát của Xá-lợi-phất, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi bà: “Nghề nghiệp sinh kế trong nhà thế nào?”
Bà đáp: “Việc sinh kế trong nhà không được phát đạt”.
Tôn giả hỏi: “Vì sao thế?”
Bà đáp: “Chồng con mời Chư Tăng về cúng dường bát. Các Tỉ-kheo người thì lấy 1 cái, 2 cái thậm chí có người lấy 10 cái. Thế nên, làm bát cung cấp không đủ, việc sinh kế trong nhà không xoay xở nổi. Tại vì sao? Vì gia đình con, lớn nhỏ, ăn uống, trang phục, cung cấp cho vua chúa, thuế khoá đều dựa vào nghề làm đồ gốm mà sinh hoạt. Thầy là người được gia đình con tôn trọng, cúng dường, nên mới dám bộc bạch như thế”.
Khi ấy, tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp rộng rãi cho bà ta sinh tâm hoan hỉ, rồi ra về. [314c] Khi về đến tinh xá, tôn giả bèn đem sự việc ấy bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi các Tỉ- kheo tới. Khi họ tới rồi, Phật hỏi: “Các ông có việc đó thật không?”
Họ đáp:”Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.
Phật nói với các Tỉ-kheo: “Nếu thí chủ không biết tính toán, thì người thọ nhận phải biết cân nhắc”.
Rồi Phật nói: “Từ nay trở đi, Tỉ-kheo có bát thừa, chỉ cho phép cất trong một ngày mà thôi”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại Tì-xá-li nơi tinh xá có lầu gác trong rừng Đại lâm, nói rộng như trên. Hằng năm, dân chúng tại Tì-xá-li thường mời chư Tăng thọ trai rồi cúng dường bát. Nhưng các Tỉ-kheo không dám nhận bát, vì Thế Tôn chỉ cho phép họ chứa bát thừa trong một ngày, nếu để lâu hơn một ngày thì thành ra vật bất tịnh. Khi ấy, thí chủ nói: “Chúng con sẽ đến Thế Tôn trình bày nguyện vọng Này?”.
Thế rồi, họ đi đến Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng hầu một bên, bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Hằng năm chúng con mời chư Tăng thọ trai rồi cúng dường bát, nhưng các Tỉ-kheo không thọ nhận và nói: “Tôi nhận cái bát Này làm gì, vì chưa dùng đến mà thành ra bất tịnh rồi”. Lành thay, bạch Thế Tôn! Có phương tiện nào giúp khai thông để cho người bố thí được công đức, và người thọ dụng được lợi ích hay không?”.
Phật nói: “Ta cho phép một ngày (đã cho phép) trước kia thêm chín ngày nữa”.
Thế rồi, các Tỉ-kheo chứa bát dư đủ mười ngày, bèn cầm bát đến chỗ Phật bạch rằng: “Cái bát Này đã đủ mười ngày, giờ đây phải làm sao?”
Phật dạy: “Này các Tỉ-kheo, cái bát ấy nên tác tịnh cho các Tỉ-kheo quen biết, cứ mười hôm cất cái cũ, dùng cái mới thay đổi một lần”.
Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại Tì-xá-li tập họp lại tất cả, vì mười việc lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỉ-kheo có bát thừa được chứa trong mười ngày, nhưng để quá mười ngày thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề “.
Giải thích:
– Mười ngày: Được cất chứa trong khoảng mười ngày.
– Bát thừa: Cái bát được phép sử dụng ngoài cái bát (đã qui định).
– Bát: Có các loại: 1 – bát Tham-bà; 2 – bát Ô-ca-tư-ma; 3- bát Ưu-ca-tra-da; 4- bát Đa-kì-da; 5 – bát Sắt; 6 – bát Trí-diệp-ni; 7 – bát Tất-lệ-thâu; 8 – bát Thượng; 9 – bát Trung; 10 – bát Hạ; 11 – Quá-bát; 12 – Phi-bát; 13 – Tùy-bát.
8- Bát thượng: Tại nước Ma-kiệt-đề, cứ một A-la-gạo được nấu thành cơm và canh rau thì đựng vừa đầy bát. Một A-la bằng một đấu 6 thăng của Trung Quốc.
9- Bát trung: Cứ nửa A-la-gạo nấu thành cơm và cả canh rau thì đựng vừa đầy bát.
10- Bát hạ: Chứa được một Bát-tha-gạo nấu thành cơm và canh rau, cứ 3 phần cơm thì một phần canh rau.
11- Quá bát: Một A-la-gạo được nấu thành cơm [315a] và cả canh rau vẫn đựng không đầy bát Này. Đó gọi là quá bát.
12- Phi bát: Chứa không hết một bát tha gạo được nấu thành cơm và canh rau. Đó gọi là phi bát.
13- Tùy bát: Tùy theo những thứ cần thiết mà đựng vào trong đó.
Ở đây, nếu cất bát thượng, bát trung, bát hạ quá 10 ngày, thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề, ngoài ra cất các loại bát khác không phạm.
– Ni-tát-kì Ba-dạ-đề: Như trên đã giải thích.
Nếu Tỉ-kheo vào ngày mồng một đầu tháng nhận được 10 cái bát mà không tác tịnh, để qua khỏi ngày thứ 10, thì tất cả các bát ấy đều phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Giá như ai không hiểu cách thọ trì, không hiểu cách tác tịnh, thì nên dạy họ thọ trì như thế, tác tịnh như thế. Nghĩa là như trong giới trường y thứ nhất đã trình bày rõ, ở đây chỉ khác là bát thay vì y mà thôi. Thế nên nói (như trên).
(Hết giới Ni-tát-kì 20)
21. GIỚI: BÁT CŨ CHƯA HƯ MÀ TÌM BÁT MỚI.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ ở thành Này có một người thợ gốm tên Pháp Dự mời chư Tăng về cúng dường bát. Các Tỉ-kheo vì ưa đẹp nên đem bát cũ đổi bát mới, rất nhiều người làm như vậy. Do đó, thí chủ không cung cấp nổi. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến giờ khất thực, khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đến gia đình Pháp Dự, đứng trước cửa. Bà vợ của Pháp Dự với Tôn giả Xá-lợi-phất vốn là chỗ quen biết nhau từ trước, bà lại có lòng kính tín, nên rất hoan hỉ, cho đến nói: “Thưa tôn giả, chồng con mời chư Tăng đến cúng dường bát. Các Tỉ-kheo vì thích bát đẹp nên đem bát cũ đến đổi bát mới, khiến nhà con chứa bát cũ chất cao như núi. Gia đình con là nhà thế tục, bát mới còn không dùng, huống gì là bát cũ. Thưa Tôn giả, mọi sinh hoạt trong gia đình con chỉ trông cậy vào nghề làm bát”.
Thế rồi, Xá-lợi-phất tùy thuận thuyết pháp, khiến bà sinh tâm hoan hỉ, đảnh lễ dưới chân rồi cáo lui. Đoạn thầy trở về tinh xá, đem sự tình ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi các Tỉ-kheo đến. Sau khi họ đã đến, Phật liền hỏi: “Các ông có làm việc đó thật chăng?”
Các Tỉ-kheo đáp: “Có thật như thế, bạch Thế Tôn”.
Phật dạy: “Từ hôm nay trở đi, ta không cho các Tỉ-kheo xin bát (nơi đàn việt)”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có 60 Tỉ-kheo ở phương Bắc muốn đến tinh xá Kỳ Hoàn đảnh lễ Phật, nhưng giữa đường bị bọn cướp lấy mất hết bát, nên không có bát để tới Kỳ Hoàn. Lúc ấy, các vị phạm hạnh mỗi người cho một cái bát. Khi họ được bát rồi bèn đi đến Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng hầu một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Này các Tỉ-kheo, các ông từ đâu đến?”.
Họ đáp: “Từ phương Bắc đến”.
Phật lại hỏi các Tỉ-kheo: “Đi đường có an ổn không?”
Họ đáp: “Không an ổn, giữa đường gặp bọn cướp nên mất hết bát, [315b] do đó, không có bát để đi vào Kỳ Hoàn, may nhờ các vị Phạm-hạnh mỗi người cho chúng con một cái bát”.
Phật lại hỏi: “Dọc đường không có thành ấp xóm làng hay sao?”
Họ đáp: “Có”.
Phật lại hỏi: “Vì sao không xin bát?”
Họ đáp: “Vì chúng con nghe Thế Tôn chế giới không cho xin bát, lại không có thí chủ”.
Phật tán thán: “Lành thay! Lành thay các Tỉ-kheo! Các ông là những người có lòng tin xuất gia, đúng phép phải như vậy, dù cho mất mạng cũng không được phạm giới. Từ nay trở đi, Ta cho phép khi mất bát được quyền xin bát”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ 60 Tỉ-kheo ở phương Bắc bị mất bát, đi đến Kỳ Hoàn, Tôn giả Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà nói với họ: “Các Trưởng lão, Đức Thế Tôn cho phép ai mất bát được quyền xin bát, vì sao không xin?”
Họ đáp: “Các vị phạm hạnh đã cho chúng tôi bát rồi”.
Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà lại nói: “Các Vị không xin những gì mình được phép xin, thành ra thất lợi”.
Họ đáp: “Chúng tôi đã được bát rồi, thất lợi với chẳng thất, không thành vấn đề”.
Nan-đà nói: “Tôi sẽ xin giúp cho các vị”.
Họ đáp: “Thầy tự biết phải làm gì”, cho đến Ưu-bà-tắc nói: “Tôn giả muốn làm cửa hàng đồ gốm chăng?”, như đã được nói rõ ở mục xin y.
Các Tỉ-kheo nghe việc ấy, bèn đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi: “Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà, các ông có việc đó thật chăng?”
Họ đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.
Phật hỏi: “Vì lý do gì mà xin?”
Họ đáp: “Con xin cho các Tỉ-kheo bị mất bát”.
Phật bảo gọi các Tỉ-kheo bị mất bát đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi: “Các Tỉ-kheo, các ông bảo Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà xin bát phải không?”
Các Tỉ-kheo đáp: “Không có, bạch Thế Tôn”.
Phật nói: “Vậy thì vì lý do gì mà xin?”.
Họ liền trình bày lại sự việc kể trên .
Phật nói với các Tỉ-kheo: “Hai ông Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà Này việc không nên xin lại xin, việc đáng xin lại không xin”.
Thế rồi, Phật nói với Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà: “Đó là việc xấu, các ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện tán thán thiểu dục, khiển trách đa dục hay sao? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc Này để nuôi lớn thiện pháp được”.
Đoạn Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỉ-kheo dùng bát chưa vá đến 5 lần mà vì thích đẹp, xin bát mới, thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Cái bát ấy phải thí xả giữa chúng Tăng, rồi Tăng đem cái bát chót nhất trao cho thầy ấy, dạy như sau: ‘Này Tỉ-kheo, thầy hãy nhận cái bát này sử dụng cho đến khi vỡ’, nguyên tắc phải như vậy”.
Giải thích:
– Chưa đủ 5 miếng vá: Nếu có một miếng vá, hoặc [315c] từ 2 miếng cho đến 4 miếng thì gọi là chưa đủ 5 miếng vá.
– Đủ 5 miếng vá: Đã có 5 miếng vá, và mức độ đã đủ. Mức độ ở đây được quy định là chỗ vỡ được vá lại xấp xỉ bằng ngón chân cái.
– Bát: Như trên đã nói.
– Mới: Vừa hoàn thành.
– Lại tìm thêm nữa: Hoặc xin, hoặc khuyến hóa, vì thích đẹp, rồi chê bát của mình đang dùng là lớn quá, nhỏ quá, nặng quá, nhẹ quá, hoặc thô kệch quá …, tự nghĩ: “Ta có đàn việt, có đất sét, có tay nghề, ta nên làm cái bát khác cho đẹp”. Nếu như thế thì vị Tỉ-kheo Này phải cầm cái bát mới ấy đến thí xả giữa chúng Tăng. Rồi chúng Tăng chọn một cái bát kém nhất đưa cho Tỉ-kheo Này và căn dặn: “Này trưởng lão, thầy phải nhận cái bát Này sử dụng cho đến khi vỡ không được cố ý đập bể; lại phải sám hối tội Ba-dạ-đề”. Nếu không đem cái bát mới ấy xả giữa chúng Tăng mà sám hối tội Ba-dạ-đề thì phạm tội Việt tì-ni .
– Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Thầy Tỉ-kheo ấy dùng bát chưa vá (hàn) đủ 5 chỗ mà vì thích đẹp, đi tìm bát mới nên phạm Ni-tát-kì. Tỉ-kheo ấy phải mời một vị trì luật, biết làm Yết-ma và thành tựu 5 pháp, rồi Tăng làm Yết-ma cử vị Này đứng ra xử lý công việc. Vị Này phải hội đủ 5 yếu tố: Không thiên vị, không giận dữ, không sợ sệt, không si ám, ai đưa, ai không đưa đều biết. Đó gọi là 5 yếu tố. Người làm Yết-ma nên nói như sau:
“Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu 5 pháp, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng sai Tỉ-kheo mỗ giáp làm người hành bát (giải quyết công việc).Đây là lời tác bạch:
Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu 5 pháp, Tăng nay sai Tỉ-kheo mỗ giáp làm người hành bát. Các đại đức nào bằng lòng Tỉ-kheo mỗ giáp làm người hành bát thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Tăng đã bằng lòng sai Tỉ-kheo mỗ giáp làm người hành bát xong, vì tất cả đều im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi hành”.
Khi làm Yết-ma xong, nên tuyên bố giữa chúng Tăng: “Những cái bát mà đại đức Tăng đang sử dụng phải đem đến tất cả”. Nếu không tuyên bố như vậy thì phạm tội Việt tì-ni .
Thế rồi, mỗi Tỉ-kheo đều phải mang cái bát mà mình đang sử dụng đến. Nếu có Tỉ-kheo nào để cái bát mình đang sử dụng ở nhà, rồi đem cái bát kém nhất đến, thì phạm tội Việt tì-ni . Người làm Yết-ma nên bảo Tỉ-kheo Này đặt cái bát ấy xuống, trật vai áo bên phải, quỳ gối bên phải xuống đất, nói: “Con là Tỉ-kheo mỗ giáp, dùng cái bát chưa đủ 5 miếng vá mà vì ưa đẹp, đi tìm bát mới, nay con đem thí xả giữa chúng Tăng”.
Vị luật sư nên hỏi: “Ông đã sử dụng chưa?” Nếu đáp rằng đã sử dụng thì nên nói: “Ông đã sử dụng bát bất tịnh (không đúng pháp) nên đã phạm vô lượng tội Việt tì-ni, phải sám hối”.
Thế rồi, vị Này phải nói: “Thưa trưởng lão, [316a] con là mỗ giáp, có cái bát dùng chưa đủ 5 miếng vá mà con lại xin bát mới, nay đem thí xả giữa chúng Tăng, trong đây phạm tội Ba-dạ-đề vì dùng bát bất tịnh, lại phạm vô lượng tội Việt tì-ni, con xin sám hối tất cả”.
Người làm Yết-ma hỏi: “Ông có thấy tội không?”
Đáp: “Thấy”.
– Cẩn thận chớ có tái phạm.
– Xin cúi đầu chấp hành.
Người hành bát (được Tăng sai) phải đem cái bát Này đến đưa cho vị lớn nhất trong Tăng (Thượng tọa). Nếu Thượng tọa thứ nhất nhận, thì phải đem cái bát của Thượng tọa đưa cho Thượng tọa thứ hai, cứ tuần tự như thế cho đến vị Tỉ-kheo không có tuổi hạ. Nếu hoàn toàn không có ai lấy, thì cái bát kia nên trao lại cho chủ cũ. Nhưng nếu cái bát ấy quí giá thì nên đem bán rồi mua 10 cái, 9 cái đem cất vào nhà bếp của chúng Tăng, một cái giao lại cho chủ cũ và bảo: “Thầy hãy sử dụng cái bát Này cho đến khi vỡ”.
Thầy Tỉ-kheo cầm cái bát vá vào thôn xóm khất thực, và khi ăn xong nên gỡ miếng vá ra, rồi dùng tro, đất rửa cho sạch. Khi rửa, không được dùng vật cứng xoi vào lỗ hủng khiến nó bể vỡ, mà nên dùng lông chim xoi vào. Khi rửa bát, cũng không được dùng cát chà xát khiến nó phai màu mà phải dùng bùn đất để chà, hoặc dùng nước rễ cây, nước lá cây, nước trái cây, nước hoa cây để rửa. Khi rửa, không được đến trên bờ hố, chỗ nguy hiểm, hoặc dưới cây xoài có trái chín, hoặc dưới cây dừa, trên tảng đá, trên gạch, chỗ đường đi, chỗ cửa mở. Khi rửa xong phải để vào trong túi rồi đem cất trên vách, trong tủ, dùng vật gì đậy lên miệng bát.
Nếu có việc gấp gáp không rửa sạch được thì nên dùng nước rễ, nước lá chùi qua, để khi xong việc sẽ rửa. Sáng sớm, rửa xong mới mang vào làng khất thực. Giá như bát vá khó dùng, thì mỗi ngày dùng xong phải rửa sạch. Nếu cố ý đập bể thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu Hoà thượng, A-xà-lê, những bạn bè quen biết suy nghĩ: “Vị Tỉ-kheo hiền thiện Này vì việc rửa bát mà phương hại đến sự ngồi thiền, trì kinh, tụng kinh”. Rồi đập vỡ, hoặc đem giấu đi khiến Tỉ-kheo tìm không thấy, rồi xin cái khác, thì không có tội. Khi không có bát mà xin được môït cái thì phải sử dụng. Nếu xin được 2 cái, thì dùng một cái, một cái nên đem cất vào nhà bếp của chúng Tăng. Thậm chí, nếu xin được 10 cái thì nên dùng một cái, cò 9 cái kia nên đem cất vào nhà bếp của chúng Tăng.
Nếu Tỉ-kheo không có bát rồi đi tìm bát, bèn nhận được giá tiền của một cái bát, cũng được xem là có bát. Nếu xin được giá tiền của 2 cái bát, thì phải bỏ vào ngân quỹ của chúng Tăng giá tiền một cái. [316b] Thậm chí, nếu được giá tiền của 10 cái bát, thì nên bỏ vào ngân quỷ của chúng Tăng giá tiền của 9 cái. Thế nên nói (như trên).
(Hết giới Ni-tát-kì 21)
22. GIỚI: CẤT THUỐC QUÁ HẠN.
Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn nơi thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Vì 5 việc lợi ích nên cứ 5 hôm, Thế Tôn đi thị sát phòng xá các Tỉ-kheo một lần, Phật thấy chỗ ở của Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà để đầy các bình sữa, dầu, mật, đường phèn, nước rỉ ra, và các thứ rễ thuốc, cây thuốc, lá thuốc, hoa thuốc và trái thuốc. Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Này các Tỉ-kheo, chỗ ở của ai đây mà để đầy các bình sữa, dầu, mật … nước rỉ ra khắp cả thế này?”
Các Tỉ-kheo đáp: “Bạch Thế Tôn! Đó là chỗ ở của Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà”.
Khi ấy, Thế Tôn nói: “Đợi họ đến ta sẽ hỏi”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại tinh xá có lầu gác trong rừng Đại Lâm ở Tì-xá-li, nói rộng như trên. Đến giờ khất thực, Thế Tôn khoác y cầm bát cùng với nhiều Tỉ-kheo sắp vào thành Tì-xá-li khất thực thì thấy Ưu-ba-nan-đà cầm một bát mật đầy đi ra. Thấy thế, Phật biết mà vẫn hỏi: “Trong bát này đựng thứ gì vậy?”.
Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn! Đó là mật”.
Phật lại hỏi: “Dùng để làm gì?”
Thầy đáp: “Nan-đà bệnh đang cần nó”.
Phật hói: “Nhiều quá”.
Thầy đáp: “Phải uống suốt ngày”.
Phật nói: “Vì sao chứa thuốc uống suốt ngày? Từ nay trở đi không được chứa thuốc để uống suốt ngày nữa”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích bên cây Ni-câu-luật, trong thành Ca Duy La Vệ, vì 5 việc lợi ích nên cứ 5 hôm Thế Tôn đi tuần tra phòng xá các Tỉ-kheo một lần. Năm việc lợi ích đó là:
1. Xem các đệ tử Thanh văn có bận tâm đến các việc hữu vi không;
2. Xem họ có say mê đàm luận các việc thế tục không;
3. Xem họ có ưa thích ngủ nghỉ, phương hại đến việc hành đạo không;
4. Nhằm thăm bệnh các Tỉ-kheo;
5. Nhằm làm cho các Tỉ-kheo niên thiếu mới xuất gia trông thấy oai nghi của Như Lai mà sinh tâm hoan hỉ.
Chính vì 5 việc ấy mà cứ 5 hôm Như Lai đi xem xét các phòng. Khi ấy Phật thấy một Tỉ-kheo đang bệnh, nhan sắc tiều tụy, vàng vọt ốm yếu, Ngài biết nhưng vẫn hỏi:
– Tỉ-kheo, ông có được điều hòa không?
– Bạch Thế Tôn! Con bị bệnh, đau khổ, không điều hòa.
– Ông không thể đòi thức ăn hợp với bệnh và thuốc trị bệnh sao?
– Vì Thế Tôn chế giới có thuốc phải uống liền không được cất lâu, nên con mới bị khổ.
Thế rồi, Phật nói với các Tỉ-kheo: “Từ hôm nay trở đi ta cho phép Tỉ-kheo bệnh được cất thuốc qua một ngày”.
Khi ấy Phật hỏi Nan-đà: “Lúc ở Xá-vệ ông thường cất chứa nhiều sữa, dầu, mật, đường phèn phải không?”
Thầy đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế tôn”.
Phật liền khiển trách: “[316c] Vì sao ông lại đa dục không biết chán? Từ nay trở đi Ta không cho phép cất chứa nhiều thức ăn”.
Lại nữa, khi Phật trú tại Ba-la-nại trong vườn nai của tiên nhân, nói rộng như trên. Bấy giờ có một y sĩ xuất gia hành đạo, chữa bệnh cho 60 Tỉ-kheo đau ốm. Thầy đi đến thăm viếng Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: “Này Tỉ-kheo y sĩ, các Tỉ-kheo bệnh có điều hòa không?
Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn! Các Tỉ-kheo bệnh an ổn, nhưng con thì lao khổ”.
Phật hỏi: “Vì sao vậy?”
Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn! Thành Ba La Nại cách đây nửa do tuần, vì phải tìm những thứ cần dùng, hằng ngày con phải đi về, vì thế mà lao khổ. Vả lại, Thế Tôn chỉ cho phép Tỉ-kheo bệnh cất thuốc trong một ngày mà bệnh tật thì chưa khỏi”.
Phật lại hỏi Tỉ-kheo y sĩ: “Vậy thì nên chứa thuốc chừng bao nhiêu ngày là an ổn?”
Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn! Dùng liên tục 7 ngày thì mới có thể biết rõ hiệu lực của thuốc”.
Phật dạy: “Từ hôm nay trở đi, Ta cho phép được cất thêm 6 ngày nữa, với một ngày trước kia, thành ra 7 ngày”.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại Ba La Nại phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
–“Nếu Tỉ-kheo bị bệnh cần phải uống các thứ sữa, dầu, mật, đường phèn, sinh tô, mỡ, thì được phép cất 7 ngày để uống. Nếu để quá 7 ngày mà còn cất thuốc để uống không xả bỏ thì phạm tội Ni-tát-kì Ba-dạ-đề “.
Giải thích:
– Bệnh cần uống thuốc: Như sữa, dầu, mật, đường phèn, sinh tô, mỡ như đã nói trong giới ăn trộm.
– Bệnh: Gồm có 404 bệnh, bệnh phong có 101, bệnh hỏa có 101, bệnh thủy có 101 và bệnh tạp cũng có 101. Nếu gặp bệnh phong, nên dùng dầu, mỡ để chữa trị; gặp bệnh nhiệt, nên dùng sữa để trị; gặp bệnh thủy, nên dùng mật chữa trị; gặp bệnh tạp, nên dùng cả 3 loại thuốc trên để trị.
– Bảy ngày: Mức độ tối đa.
– Cất trong 7 ngày: Nhận thuốc về dùng trong 7 ngày, nếu để quá 7 ngày uống thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề .
– Ni-tát-kì Ba-dạ-đề: Thứ thuốc ấy phải đem ra thí xả giữa chúng Tăng rồi sám hối tội Ba-dạ-đề. Nếu không thí xả mà sám hối, thì phạm tội Việt tì-ni .
– Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.
Nếu Tỉ-kheo một ngày được 10 loại thuốc như sữa, dầu, mật, đường phèn, sinh tô và 5 thứ mỡ thì được uống tất cả 7 ngày không cần tác tịnh, nếu để quá 7 ngày thì tất cả phạm Ni-tát-kì.
Nếu Tỉ-kheo một ngày được 10 loại thuốc, một nửa tác tịnh, [317a] một nửa không tác tịnh, trong đó, loại được tác tịnh thì đúng pháp, loại không tác tịnh mà để quá 7 ngày thì phạm Ni-tát-kì.
Nếu Tỉ-kheo một ngày được 10 loại thuốc, thì như trong giới y thừa ở trên đã nói rõ, trong đây khác nhau là thời gian của thuốc chỉ có 7 ngày. Cho đến không nhớ rõ mà tưởng nhớ rõ, đó không gọi là tác tịnh. Dầu thắp đèn, dầu thoa chân, dầu thoa mình không nhớ rõ, không tác tịnh, để quá 7 ngày, phạm Ni-tát-kì.
– Tác tịnh không đúng pháp: Nếu tác tịnh với người không có tâm ý (không hay biết), để quá 7 ngày phạm Ni-tát-kì.
Nên tác tịnh với Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-ni, Sa-di, Sa-di-ni, người thế tục, súc sinh .
Có các trường hợp: Súc dược lợi, súc dược lợi tương ô; súc dược lợi, bất súc dược lợi tương ô; bất súc dược lợi, súc dược lợi bất tương ô; bất súc dược lợi, bất súc dược lợi bất tương ô; tục nhân dược lợi ô Tỉ-kheo dược lợi; Tỉ-kheo dược lợi ô tục nhân dược lợi; tục nhân dược lợi ô tục nhân dược lợi; Tỉ-kheo dược lợi ô Tỉ-kheo dược lợi; Khách Tỉ-kheo lợi ô cựu Tỉ-kheo lợi; Cựu Tỉ-kheo lợi ô khách Tỉ-kheo lợi; Khách Tỉ-kheo lợi ô khách Tỉ-kheo lợi; Cựu Tỉ-kheo lợi ô cựu Tỉ-kheo lợi; Tăng lợi ô Tỉ-kheo lợi; Tỉ-kheo lợi ô tăng lợi; Tăng lợi ô Tăng lợi; Tỉ-kheo lợi ô Tỉ-kheo lợi; Hữu thực gian, phi thọ gian; hữu thọ gian, phi thực gian; hữu thực gian, hữu thọ gian; hữu phi thực gian, phi thọ gian; bình đường phèn; dầu thắp đèn; sữa lạc; mỡ.
– Súc dược lợi, súc dược lợi tương ô: Nếu Tỉ-kheo trước bữa ăn được đường phèn, tạp thực còn thừa không tác tịnh, sau bữa ăn lại được đường phèn cũng không tác tịnh mà lấy cất; đó gọi là súc dược lợi súc dược lợi tương ô (thức ăn cất trước, thức ăn cất sau hoen ố lẫn nhau).
– Súc dược lợi, bất súc dược lợi tương ô: Tỉ-kheo trước bữa ăn được đường phèn, tạp thực, bèn ăn không tác tịnh, sau bữa ăn lại được đường phèn đem tác tịnh rồi lấy cất. Đó gọi là súc dược lợi bất súc dược lợi tương ô.
– Bất súc dược lợi, súc dược lợi bất tương ô: Nếu Tỉ-kheo trước bữa ăn được đường phèn, không ăn tạp đem tác tịnh, sau bữa ăn lại được đường phèn thừa không tác tịnh mà nhận lấy. Đó gọi là bất súc dược lợi súc dược lợi bất tương ô.
– Bất súc dược lợi, bất súc dược lợi, bất tương ô: Nếu Tỉ-kheo trước bữa ăn được đường phèn, không ăn tạp, liền đem tác tịnh mà ăn, sau đó lại được đường phèn tác tịnh rồi nhận lấy. Đó gọi là bất súc dược lợi, bất súc dược lợi, bất tương ô.
– Tục nhân (dược) lợi ô Tỉ-kheo (dược) lợi: Bấy giờ có Ưu-bà-tắc đến đảnh lễ [317b] chân Tỉ-kheo, Tỉ-kheo có đường phèn cất đến ngày thứ 7, bèn hỏi Ưu-bà-tắc: “Ông muốn uống nước đường phèn không?”Ông ta đáp: “Muốn uống”. Thế rồi, ông ta mang đường phèn ấy đi đến đảnh lễ các Tỉ-kheo khác, hỏi: “Tôn giả muốn uống nước đường phèn không?”Tỉ-kheo ấy đáp: “Muốn uống”. Tỉ-kheo Này được đường phèn trong ngày không tác tịnh mà lấy. Đó gọi là tục nhân lợi ô Tỉ-kheo lợi.
– Tỉ-kheo (dược) lợi ô tục nhân (dược) lợi: Có một Ưu-bà – tắc đem đường phèn đến, đảnh lễ chân Tỉ-kheo, Tỉ-kheo có đường phèn cất đến ngày thứ 7, bèn hỏi Ưu-bà-tắc: “Ông có muốn uống nước đường phèn không?”. Ông ta đáp: “Muốn uống”liền lấy đổ chung vào trong bình rồi đi. Lại có một Ưu-bà-tắc khác đem đường phèn đến, hai người gặp nhau giữa đường. Ưu-bà-tắc trước hỏi Ưu-bà-tắc sau: “Ông định đi đâu đó?”. Ông ta đáp: “Tôi muốn đem đường phèn Này đến cho Tỉ-kheo mỗ giáp”. Ông Này liền nói: “Ông hãy mang phần đường phèn Này đến cho Tỉ-kheo mỗ giáp ấy giúp tôi”. Ông ta liền nhận mang đi. Đó gọi là Tỉ-kheo lợi ô tục nhân lợi.
– Tục nhân (dược) lợi ô tục nhân (dược) lợi: Cả 2 người đều khác biệt nhau(?)
– Tỉ-kheo (dược) lợi ô Tỉ-kheo (dược) lợi: Tỉ-kheo có nước đường phèn cất đến ngày thứ 7, bèn hỏi Tỉ-kheo khác: “Thầy muốn uống nước đường phèn không? “Thầy ấy đáp: ‘Muốn uống”. Rồi Tỉ-kheo ấy ngay trong ngày được đường phèn, không tác tịnh mà nhận lấy. Đó gọi là Tỉ-kheo lợi ô Tỉ- kheo lợi.
– Khách Tỉ-kheo lợi ô cựu Tỉ-kheo lợi: Tỉ-kheo khách có đường phèn cất đến ngày thứ 7, bèn hỏi Cựu Tỉ-kheo: “Thầy muốn uống nước đường phèn không?”Vị kia đáp: “Muốn uống”. Thế rồi, Cựu Tỉ-kheo Này ngay trong ngày ấy được đường phèn không tác tịnh mà nhận lấy. Đó gọi là khách Tỉ-kheo lợi ô Cựu Tỉ-kheo lợi.
– Cựu Tỉ-kheo lợi ô khách Tỉ-kheo lợi: Có tỉ-kheo khách đến, rồi cựu tỉ-kheo có đường phèn cất 7 ngày, nói với tỉ-kheo khách: “thầy muốn uống nước đường phèn không?”. thầy liền đáp: “muốn uống”. Thế rồi, tỉ-kheo khách Này được đường phèn ngay trong ngày, không tác tịnh mà nhận lấy. đó gọi là cựu tỉ-kheo lợi ô khách tỉ-kheo lợi.
– Khách Tỉ-kheo lợi ô khách Tỉ-kheo lợi: Có 2 khách Tỉ-kheo đến một trú xứ, Vị Này có đường phèn để 7 ngày, bèn hỏi vị kia: “Thầy muốn uống nước đường phèn không?”Vị kia đáp: “Muốn uống”. Thế rồi, ngay trong ngày, thầy được đường phèn, không tác tịnh mà nhận lấy. Đó gọi là khách Tỉ-kheo lợi ô khách Tỉ-kheo lợi.
– Cựu Tỉ-kheo lợi ô cựu Tỉ-kheo lợi: Một cựu Tỉ-kheo có [317c] đường phèn để 7 ngày, hỏi một cựu Tỉ-kheo khác: “Thầy muốn uống nước đường phèn không?”. Thầy liền đáp: “Muốn uống”. Thế rồi, ngay trong ngày, thầy được đường phèn, không tác tịnh mà nhận lấy. Đó gọi là cựu Tỉ-kheo lợi ô cựu Tỉ-kheo lợi.
– Tăng lợi ô Tỉ-kheo lợi: Tăng có đường phèn để 7 ngày đem chia cho Tỉ-kheo, Tỉ-kheo Này ngay trong ngày được đường phèn, không tác tịnh mà thọ nhận. Đó gọi là Tăng lợi ô Tỉ-kheo lợi.
– Tỉ-kheo lợi ô Tăng lợi: Tỉ-kheo có đường phèn để 7 ngày liền mang đến cúng dường Tăng, Tăng được đường phèn ngay trong ngày, không tác tịnh mà nhận lấy. Đó gọi là Tỉ-kheo lợi ô Tăng lợi.
– Tăng lợi ô Tăng lợi: Tăng có đường phèn để 7 ngày đem ra cúng dường cho Tăng, Tăng Này nhận được đường phèn ngay trong ngày, không tác tịnh mà nhận lấy. Đó gọi là Tăng lợi ô Tăng lợi,
– Tỉ-kheo lợi ô Tỉ-kheo lợi: Tỉ-kheo có đường phèn để 7 ngày, rồi hỏi Tỉ-kheo khác: “Thầy có muốn uống nước đường phèn không?”. Vị Này đáp: “Muốn uống”. Thế rồi, Tỉ-kheo Này ngay trong ngày nhận được đường phèn, không tác tịnh mà nhận lấy. Đó gọi là Tỉ-kheo lợi ô Tỉ-kheo lợi.
– Hữu thực gian phi thọ gian: Nếu Tỉ-kheo 7 ngày ăn đường phèn, rồi nhận thêm đường phèn nữa, ngày thứ 8 lại ăn. Vì không để gián đoạn nên phạm tội Việt tì-ni . Cần phải để gián đoạn một ngày. Đó gọi là hữu thực gian phi thọ gian.
– Thọ gian phi thực gian: Nếu Tỉ-kheo nhận đường phèn để 7 ngày không ăn, đến ngày thứ 8 lại nhận thêm đường phèn khác, không để gián đoạn mà thọ nhận nên phạm tội Việt tì-ni . Cần phải để gián đoạn một ngày. Đó gọi là thọ gian phi thực gian.
– Thọ gian thực gian: Nếu Tỉ-kheo 7 ngày nhận được đường phèn rồi ăn, đến ngày thứ 8 lại nhận được đường phèn cũng ăn, như vậy là phạm 2 tội Việt tì-ni .
– Phi thọ gian phi thực gian: Nếu Tỉ-kheo do tụng kinh nhiều bị bệnh phổi, thổ huyết, rồi thầy thuốc bảo: “Bệnh Này nên uống thường xuyên đường phèn”. Thì trước bữa ăn được ăn đường phèn, sau bữa ăn tác tịnh rồi cũng được ăn. Đó gọi là phi thọ gian, phi thực gian.
– Bình đường phèn: Như ở nước Vũ-La, người muốn thọ giới cụ túc, sau khi thọ giới tại giới trường, bèn đem bố thí cho chúng Tăng mỗi người một bình đường phèn. Các Tỉ-kheo có tín tâm thích làm công đức bèn mang bình đường phèn ấy đến cúng dường Thượng tọa. Thượng tọa có tín tâm, nên nói: “Tăng là phước điền tốt nhất”. Thế là vị ấy đem bố thí cho Tăng. Các Tỉ-kheo có đường phèn cất 7 ngày, còn lấy thêm đường phèn Này. Đó gọi là ô nhiễm lẫn nhau .
Nếu Tỉ-kheo vào bữa ăn nhận được nhiều mía, ăn còn thừa thì được ép ra nước để dùng vào buổi tối. Nếu uống không hết thì được [318a] đem nấu thành đường phèn để dùng trong 7 ngày. Đường phèn Này nếu dùng không hết thì đem đốt thành tro để dùng suốt đời. Nếu có việc không ép được, thì trước bữa trưa nên dùng nước tác tịnh, nói như sau: “Ở trong đây có tịnh vật sinh ra, tôi sẽ nhận lấy”.
Nếu vào bữa ăn nhận được nhiều trái cây, ăn không hết thì được đem ép để dùng buổi tối. Nếu có việc không thể ép được thì lúc ấy nên nói: “Trong đây có Tịnh vật sinh ta, tôi sẽ nhận lấy”. Nếu thời gian đã quá hạn (hết ngày), thì không nên làm .
– Dầu đốt đèn: Nếu tín nữ có lòng tin thuần thành đem cúng dường cho Tăng Thức ăn, bằng cách đổ dầu vào đèn đốt lên đem cúng dường, thì Tăng không nên nhận khi có ngọn đèn sáng, mà nên bảo tịnh nhân nhận lấy. Nếu không có tịnh nhân thì nên bảo họ để xuống đất, thổi tắt ngọn đèn rồi mới nhận. Nếu người nữ vì có tín tâm, quá ân cần, không muốn tắt ngọn đèn, thì có thể nhận lấy. Khi nhận xong, nên dùng dao cắt bỏ tim đèn rồi mới sử dụng dầu. Đó là trường hợp dầu thắp đèn.
– Bình sữa lạc: Vào bữa ăn nhận được nhiều sữa lạc dùng không hết, thì nên đem nấu thành sinh tô để dùng trong 7 ngày. Nếu sinh tô còn thừa thì được đem nấu lần nữa thành thục tô để dùng trong 7 ngày.
Nếu Tỉ-kheo đi khất thực được nhiều sinh tô thì nên dùng miếng lụa sạch lọc lấy tô để dùng trong 7 ngày. Nếu có công việc không thể làm trước buổi trưa được, thì nên nói: “Trong đây sẽ sinh ra tịnh vật, tôi sẽ dùng làm thuốc uống trong 7 ngày”. Nếu lỡ quên không dùng, không tác tịnh, để quá thời hạn thì thành ra bất tịnh.
Nếu khi đi khất thực được nhiều dầu, thì nên áp dụng như trường hợp tô vừa nói ở trên.
Nếu vào bữa ăn nhận được nhiều mè, ăn còn thừa thì nên đem ép thành dầu để dùng trong 7 ngày. Nếu vì công việc không làm được, thì như trường hợp tô đã nói ở trên. Đó gọi là bình sữa lạc.
Mỡ: Nếu Tăng đem chia cho mỡ gấu, mỡ cá, mỡ bi, mỡ heo, mỡ Thất-tu-ma-la, thì Tỉ-kheo ít có người quen biết có thể dùng một miếng lụa mỏng lọc để làm thức ăn dùng trong 7 ngày. Nếu bận việc không thể làm được thì như trường hợp tô đã nói ở trên.
Khi Tăng đem chia dầu, Tỉ-kheo hoặc muốn đem tác tịnh, hoặc dùng làm dầu ăn 7 ngày, hoặc dùng làm dầu thắp đèn, hoặc làm dầu thoa chân, hoặc dùng thoa mình. Nếu Tăng chia dầu ít không đủ dùng, bèn đem đổ dồn một chỗ, thì tất cả đều bất tịnh. Nếu có dầu thanh tịnh (hợp lệ) thì đổ chung với dầu thanh tịnh trong một bình rồi đem rửa bình sạch giao cho tịnh nhân giữ. Cũng vậy, dầu dùng 7 ngày nên đổ chung với dầu dùng 7 ngày trong một bình, rồi đem rửa bình sạch giao cho tịnh nhân cất. Cũng vậy, dầu đốt đèn, dầu thoa chân, khi có được cũng nên nhận.
Nếu Tỉ-kheo muốn uống bột, uống dầu, thì không được trước uống bột, sau uống dầu, vì bột là thuốc dùng trọn đời, còn dầu là thuốc dùng 7 ngày. Do đó, nên uống dầu trước, rồi rửa tay, súc miệng cho sạch [318b], sau đó mới uống bột.
Nếu Tỉ-kheo sau bữa ngọ trai có bệnh, nên uống tô trước, vì tô là thuốc 7 ngày, rồi rửa tay, súc miệng cho sạch mới ăn. Nếu Tỉ-kheo có bệnh muốn uống tô thì phải uống vào buổi mai, vì tô là thuốc dùng 7 ngày, sau đó ăn cơm xong, súc miệng, rửa tay cho sạch rồi mới uống thuốc.
Nếu Tỉ-kheo uống dầu xong, còn thừa định dùng đốt đèn hoặc thoa chân, nhưng có Hòa thượng, A-xà-lê đến thấy chê dầu nhiều, bèn uống nữa thì phạm tội Việt tì-ni .
Nếu Tỉ-kheo ăn đường phèn xong rồi muốn uống nước ngọt vào buổi tối, thì phải súc miệng cho sạch, rồi mới uống nước ngọt. Nếu uống nước ngọt rồi mới ăn đường phèn, cũng như vậy.
Nếu Tỉ-kheo muốn nấu đường phèn, nên sai tịnh nhân nấu.
Nếu Tỉ-kheo nhận được tô, rồi dùng tô trộn với tô, tô trộn với dầu, tô trộn với mật, tô trộn với đường phèn, tô trộn với sinh tô, tô trộn với mỡ, cũng vậy, dầu, mật, đường phèn, sinh tô, cho đến mỡ trộn với tô, mỡ trộn với dầu, mỡ trộn với mật, mỡ trộn với sinh tô, mỡ trộn với đường phèn, mỡ trộn với mỡ, cũng như vậy. Thức ăn đúng giờ, thức uống buổi tối, thuốc dùng 7 ngày, thuốc dùng suốt đời trộn lẫn vào nhau thì được uống đúng thời.
Thuốc uống buổi tối, thuốc dùng 7 ngày, thuốc dùng suốt đời hòa lẫn vào nhau thì được uống vào buổi tối.
Thuốc uống 7 ngày, thuốc dùng suốt đời hòa lẫn vào nhau, thì được uống trong 7 ngày.
Nếu Tỉ-kheo có ít người quen biết khi đi khất thực được muối đỏ, muối tía … thì nên rửa sạch để dùng suốt đời. Nếu được hồ tiêu, tất bát, cũng lại như vậy.
Nếu Tỉ-kheo có ít người quen biết khi đi khất thực được đường phèn đen, đường phèn trắng, nên đem rửa sạch hơi đồ ăn, để làm thuốc dùng trong 7 ngày. Thế nên nói (như trên).