LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Việt dịch: Thích Phước Sơn – Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh

Quyển thứ năm

-ooOoo-

(262a) GIỚI TĂNG TÀN.

1. GIỚI: CỐ Ý LÀM XUẤT TINH

Bấy giờ, Phật trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Khi ấy, có một Tỳkheo tên Thi Lợi Da Bà ở tại thành Xá Vệ, có niềm tin, từ bỏ gia đình xuất gia, đến giờ khất thực, thầy khoác y, cầm bát vào thành khất thực. Vì thầy không khéo nhiếp phục thân, miệng, ý, buông lỏng các căn, nhưng mới vào một nhà đã nhận được thức ăn đầy đủ, thầy bèn vào nhà thứ hai, tại nhà thứ hai này, có một phụ nữ đang cởi trần ngồi một mình. Thầy Tỳkheo thấy thế rồi trở về lại trú xứ, tưởng nhớ đến thân thể người phụ nữ ấy, tâm ý rối loạn, ưu sầu phát bịnh, sắc mặt tiều tụy. Khi ấy các Tỳkheo hỏi Thi Lợi Da Bà:”Nay thầy vì sao sắc mặt tiều tụy, ưu sầu không vui? Có cần đến sữa, dầu, đường phèn, thuốc thang gì chăng?”. Đáp: “Không cần, tự nhiên sẽ khỏi thôi”.

Các Tỳkheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di thăm hỏi, thầy cũng đều nói thế. Thầy ấy nghỉ trưa, sau khi trở dậy, lòng tơ tưởng, nam căn khởi lên (262b), bèn dùng tay cọ xát, liền bị xuất tinh. Sau khi tinh xuất, thầy thấy an lạc, ưu sầu liền dứt, thầy bèn suy nghĩ: “Phương pháp này tốt thật, có thể dứt được mối lo mà không phương hại gì đến việc xuất gia tịnh tu phạm hạnh, nhận đồ thí chủ cúng dường”.

Đức Thế Tôn vì năm việc lợi ích, nên cứ năm hôm đi tuần tra tăng phòng một lần. Năm việc lợi ích đó là:

1- Xem các đệ tử Thanh văn có vướng mắc vào các việc hữu vi hay không.

2- Xem họ có bàn luận việc thế tục không.

3- Xem họ có ham mê ngủ nghỉ làm phương hại đến việc hành đạo không.

4- Xem có Tỳkheo nào đau ốm không.

5- Để cho các Tỳkheo tuổi trẻ mới xuất gia thấy uy nghi tề chỉnh của đức Như Lai mà sinh tâm hoan hỷ.

Chính vì năm việc này mà đức Như Lai cứ năm hôm đi xem xét các phòng một lần.

Lúc ấy, trưởng lão Thi Lợi Da Bà ngủ trưa thức dậy, bèn ra phòng phía sau đi tiểu, thì nam căn cương cứng. Đức Thế Tôn sợ thầy kinh sợ xấu hổ, nên lên tiếng đằng hắng để thầy hay biết. Khi Thi Lợi Da Bà thấy Thế Tôn, bèn vội vàng khoác y, bước theo đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng hầu.

Bấy giờ, Thế Tôn hỏi Thi Lợi Da Bà: “Trước đây thầy mắc bệnh, mặt mày tiều tụy, do duyên cớ gì mà nay hết bệnh?”

Thầy liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Con sinh ra tại thành Xá Vệ, con có niềm tin từ bỏ gia đình xuất gia. Bà con quen biết cung cấp cho con y phục giường nệm thuốc men không thiếu thứ gì. Một hôm con khoác y cầm bát vào thành khất thực, đến một nhà kia, thấy một phụ nữ cởi trần đang ngồi. Sau khi thấy thế con trở về lại tinh xá, lòng dục ray rứt, cảm thấy không vui, thân thể phát bịnh nên không muốn ăn uống gì cả. Lúc đó, các Tỳkheo, Tỳkheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di đến thăm hỏi an ủi con, ai cũng muốn cho con uống thuốc, nhưng con bảo không cần. Một hôm, con ngủ trưa thức dậy, thấy nam căn cương cứng, con dùng tay thủ dâm, tinh liền xuất ra. Sau khi xuất tinh, con ngủ an ổn, bệnh liền dứt hết. Con bèn suy nghĩ: “Phương pháp này rất tốt, có thể trừ được mối lo, mà không phương hại đến việc xuất gia, nhận đồ thí chủ cúng dường”. Bạch Thế Tôn! Vì thế mà được lành bệnh, thân thể an ổn, tu phạm hạnh dễ dàng”.

Phật nói: “Này kẻ ngu si, điều đó thật không thể được. Điều đó không phải phạm hạnh mà bảo là phạm hạnh, không phải an ổn mà cho là an ổn. Này kẻ ngu si! Vì sao dùng bàn tay ấy nhận đồ người ta bố thí, rồi lại dùng bàn tay ấy thủ dâm cho xuất tinh? Ngươi há không nghe ta dùng vô số phương tiện chê trách dục tưởng, ca ngợi sự đoạn dục sao? Nay ngươi đã làm một việc ác không tốt. Đó là điều phi pháp, phi luật chẳng phải điều ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được”.

Thế rồi Phật truyền cho các Tỳkheo (262c) sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo như sau:

– Nếu Tỳkheo cố ý làm xuất tinh, thì phạm Tăng già bà thi sa.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành xá Vệ nói rộng như trên, lúc ấy trưởng lão Thi Lợi Da Bà thường hay phạm tội Tăng già bà thi sa, hoặc Ba dật đề, hoặc Ba la đề đề xá ni hoặc tội Việt Tỳ Ni phải sám hối. Các Tỳkheo thấy trưởng lão thường hay phạm các tội phải sám hối như vậy, nên nói với trưởng lão: “Trưởng lão! Đức Thế Tôn đã chế định các tội phạm sai biệt rồi, vì sao thầy còn khinh thường hay vi phạm như thế?”. Thi Lợi Da Bà nói: “Thưa các trưởng lão! Tôi phạm tội phải sám hối mà không than mỏi mệt, quí ngài nhận sự sám hối của tôi thì có gì là vất vả?”.

Các Tỳkheo bèn đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Thi Lợi Da Bà đến. Sau khi thầy đến, Phật liền hỏi: “Ông thường thường phạm các tội Tăng già bà thi sa .v.v… và nói với các Tỳkheo rằng: “Tôi phạm tội phải sám hối mà không còn thấy mỏi mệt, quý ngài nhận sự sám hối của tôi thì có gì là vất vả?”. Có thực thế chăng?”. Đáp: “Có thực như vậy bạch Thế Tôn!”

Phật liền nói với Thi Lợi Da Bà:

–“Đó là việc ác, từ nay trở đi, nếu phạm tội Tăng già bà thi sa thì phải thi hành pháp Ma ha đỏa sáu ngày sáu đêm trong chúng Tỳkheo. Sau khi thi hành pháp Ma ha đỏa phải làm phép xuất tội giữa 20 vị Tỳkheo”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên, Thi Lợi Da bà thường thường phạm các tội Tăng già bà thi sa, bèn suy nghĩ:”Thế Tôn chế giới phạm tội Tăng già bà thi sa thì phải thi hành pháp Ma ha đỏa sáu ngày sáu đêm. Sau khi thi hành pháp Ma ha đỏa rồi, phải làm phép xuất tội giữa 20 vị Tỳkheo. Nay ta phạm tội Tăng già bà thi sa mà không ai biết thì khỏi thi hành 6 ngày 6 đêm Ma ha đỏa, không thi hành 6 ngày 6 đêm Ma ha đỏa thì cũng khỏi làm pháp xuất tội giữa 20 vị Tỳkheo. Nay ta nên che giấu”.

Nhưng sau khi che giấu, thầy thấy nghi ngờ, hối hận liền thầm nghĩ:”Ta là kẻ bất thiện, rất trái với luật pháp. Vì sao kẻ thiện nam tử có lòng tin xuất gia, biết Phật chế giới mà cố ý vi phạm, rồi che giấu? Giả sử những người sống phạm hạnh không biết đi chăng nữa, thì chư Thiên biết được tâm người khác, há lại không biết hay sao? Giá nhưChư thiên không biết thì đức Thế Tôn há lại không biết hay sao?. Thế rồi, thầy liền nói với các Tỳkheo: “Cho tôi pháp Ma ha đỏa”. Các Tỳkheo hỏi: “Vì sao thầy cầu xin pháp Ma ha đỏa?”(263a).

Đáp: “Tôi phạm tội Tăng già bà thi sa”. Các Tỳkheo hỏi: “Từ lúc phạm đến giờ đã bao lâu?”.

Đáp: “Chừng ấy thời gian”.

Lại hỏi: “Vì sao không nói liền với người khác?”.

Đáp: “Vì tôi hổ thẹn, nên không nói liền. Nhưng tôi lại nghĩ: “Đức Thế Tôn chế giới, ai phạm tội Tăng già bà thi sa thì phải thi hành pháp Ma ha đỏa 6 ngày 6 đêm.v.v”… cho đến nghĩ: “Nếu Chư Thiên không biết đi chăng nữa, thì đức Thế Tôn há lại không biết hay sao? Vì lẽ đó mà nay tôi nói với các trưởng lão”.

Các Tỳkheo bèn đem việc này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Phật dạy: “Hãy gọi Thi Lợi Da Bà đến”. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ các việc trên: “Ông có thật thế chăng?”. Đáp: “Có thật như thế, bạch Thế Tôn”.

Phật nói: “Này kẻ ngu si! Đó là việc ác. Đã phạm giới mà không biết hổ thẹn, sám hối”.

Thế rồi Thế Tôn đọc kệ:

Che giấu thì hoen ố.
Bày tỏ không hoen ố
Thế nên ai che giấu,
Phải khiến họ bày tỏ.

Phật liền nói với các Tỳkheo:

– Từ nay trở đi, ai phạm tội Tăng già bà thi sa mà che giấu thì phải bắt họ thực hiện pháp Ba Lợi Bà Sa. Thực hiện pháp Ba Lợi Bà Sa xong phải bắt họ thi hành 6 ngày 6 đêm pháp Ma ha đỏa. Sau khi thi hành pháp Ma ha đỏa phải cho họ xuất tội giữa 20 vị Tỳkheo. Nếu thiếu một người trong số 20 Tỳkheo mà làm pháp xuất tội, thì Tỳkheo ấy không khỏi tội, mà các Tỳkheo còn bị khiển trách.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên, lúc ấy có hai người còn phải học, hai người còn là phàm phu, nằm mộng xuất tinh. Họ đều suy nghĩ: “Đức Thế Tôn chế giới, ai cố ý làm xuất tinh thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nay chúng ta có lẽ đã phạm tội Tăng già bà thi sa chăng? Ta phải đem việc này thưa đầy đủ với tôn giả Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất sẽ hỏi Thế Tôn, Phật có dạy thế nào thì ta sẽ phụng hành”. Thế rồi các Tỳkheo bèn đi đến chỗ tôn giả Xá Lợi Phất, đem mọi sự tình trình bày với Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất liền dẫn các Tỳkheo đến chỗ đức Thế Tôn.

Rồi tôn giả Xá Lợi Phất bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Bốn Tỳkheo này bị xuất tinh trong giấc mộng, liền sinh nghi ngờ rằng: “Thế Tôn đã chế giới, vậy có lẽ ta đã phạm tội Tăng già bà thi sa chăng?”Cho nên con đến đây bạch với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn! Vậy việc ấy như thế nào?”. Phật liền bảo với Xá Lợi Phất: “Mộng vốn là hư vọng, không thật; nếu mộng mà chân thật, thì những người tu phạm hạnh trong giáo pháp của ta sẽ không có ai giải thoát. Này Xá Lợi Phất! Vì tất cả mộng mị đều không chân thật, cho nên những người tu phạm hạnh trong giáo pháp của ta dứt được cội nguồn đau khổ.”Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo (263b) đang sống tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo như sau:

— Nếu Tỳkheo cố ý làm xuất tinh thì phạm tội Tăng già bà thi sa, trừ ra trong giấc mộng.

Giải thích

Cố ý: Cố tình tìm phương tiện.

Xuất tinh: Chảy ra những thứ bất tịnh.

Trừ ra trong giấc mộng: Đức Thế Tôn nói: Xuất tinh trong giấc mộng không có tội.

Tăng già bà thi sa: Tăng già là bốn pháp Ba La Di (?); Bà thi sa là tội còn lại cần phải làm pháp yết ma trị phạt, nên gọi là Tăng già bà thi sa. Lại nữa, tội ấy phải phát lồ sám hối giữa tăng, nên cũng gọi là Tăng già bà thi sa.

Mộng: Gồm có năm thứ sau đây:

1- Mộng thật.
2- Mộng không thật.
3- Mộng không rõ ràng.
4- Mộng trong mộng.
5- Trước tưởng đến rồi sau mới có mộng. Đó là năm thứ mộng. Nhưng thế nào là mộng thật?

Mộng thật: Đó là đức Như Lai khi làm Bồ tát thấy năm giấc mộng như thật không khác chút nào. Đó gọi là mộng thật.

Mộng không thật: Khi (người ta nằm ngủ) thấy mộng, nhưng lúc thức dậy thì không thật. Đó gọi là mộng không thật.

Mộng không rõ ràng: Như giấc mộng không ghi nhớ được đầu, giữa và cuối. Đó gọi là mộng không rõ ràng.

Mộng trong mộng: Như nằm thấy mộng rồi đem giấc mộng ấy nói với người khác cũng trong mộng. Đó gọi là mộng trong mộng.

Trước tưởng đến rồi sau mới có mộng: Như ban ngày tưởng đến việc gì rồi ban đêm nằm thấy mộng việc đó. Đó gọi là trước tưởng rồi sau mộng.

Bây giờ nói về năm nguyên nhân phát sinh dâm dục: Mắt thấy sắc đẹp sinh ra nhiễm trước, ưa thích, rồi tưởng đến sự dâm dục. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân trước tơ tưởng giao hoan với người nữ, rồi sau nung nấu liên tục mà sinh tâm dâm dục. Đó gọi là năm nguyên nhân phát sinh sự dâm dục.

Còn nam căn (dương vật) cương cứng có năm nguyên nhân: Do tâm ham muốn mà cương cứng, do đi cầu mà cương cứng, do đi tiểu mà cương cứng, do bệnh phong mà cương cứng, hoặc do loài phi nhân xúc chạm mà cương cứng. Đó gọi là năm nguyên nhân khiến cho nam căn cương cứng.

Thủ dâm cho xuất tinh có ba việc: Vì có tâm dâm dục, vì muốn lấy tinh dịch, hoặc vì muốn khoái lạc nên thủ dâm. Hoặc tự nghĩ: “Lâu nay không thông thoát nên sinh ra bệnh hoạn”, hoặc vì muốn được thông thoát, hoặc vì đùa nghịch, hoặc để thí nghiệm, hoặc chưa từng làm nên làm thử, hoặc tự mình thủ dâm cho xuất tinh”. Đó gọi là thủ dâm cho xuất tinh. Tinh có các màu: màu sữa tươi, màu sữa chua, màu sữa đông lạnh, màu dầu, hoặc màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Nếu một trong các màu ấy vọt ra thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Trong tâm khởi dâm dục làm cho nam căn cương cứng, tưởng chừng như sẽ xuất tinh, nhưng nếu không thủ dâm thì tinh không xuất. Đó là do lỗi của tâm. Nếu dục tâm sinh khởi nam căn như muốn xuất tinh, rồi thủ dâm nhưng tinh không xuất, thì phạm tội Thâu Lan Giá. (263c) Vì dục tâm sinh khởi, nam căn muốn xuất tinh, rồi thủ dâm mà tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu dục tâm sinh khởi, nam căn không muốn xuất tinh và không cố ý thủ dâm nên tinh không xuất, thì không có tội. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, hoặc bị bệnh phong hoặc phi nhân xúc chạm mà nam căn cương cứng cũng đều như thế.

Nếu dục tâm sinh khởi, bèn tưởng đến nam căn xuất tinh, rồi cố ý thủ dâm, tinh sắp vọt ra, nhưng không vọt ra ngoài, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu dục tâm sinh khởi, rồi tưởng tượng nam căn xuất tinh, nhưng không thủ dâm, nên tinh không xuất, thì phải trách tâm.

Nếu dục tâm sinh khởi, nhưng không tưởng tượng nam căn xuất tinh, rồi thủ dâm mà tinh không xuất, thì cũng phải trách tâm.

Nếu dục tâm sinh khởi, nhưng không tưởng tượng nam căn xuất tinh, không cố ý thủ dâm mà tinh xuất, thì cũng phải trách tâm.

Nếu dục tâm sinh khởi, bèn tưởng đến xuất tinh, rồi thủ dâm mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Cho đến trường hợp phi nhân xúc chạm.v.v.. cũng như vậy.

Trường hợp xuất tinh hoặc thân, hoặc thân phần, hoặc thân hợp.

Thân: tất cả toàn thân dao động, khi ấy tạo điều kiện cho tinh xuất, và tinh xuất ra, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Thân phần: Hoặc dùng tay, hoặc dùng gót chân, hoặc dùng bắp tay, khuỷu tay, tạo điều kiện cho tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Thân hợp: Gồm có các chất địa, thủy, hỏa, phong.

Chất địa: Như giường, hoặc mền, hoặc vách tường, hoặc bộng cây, hoặc ống tre.v.v.. nếu dùng các vật cứng ấy chạm vào nam căn để cho xuất tinh, mà tinh xuất ra thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Chất nước: Hoặc dùng các dòng nước chảy ngược chạm vào nam căn, hoặc dùng nam căn nhúng vào các chất sữa dầu hay các vật ẩm ướt ở trong nước, muốn cho tinh xuất mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Chất lửa: Hoặc để nam căn vào chỗ nóng, hoặc áp vật nóng vào nam căn, hoặc hướng đến ngọn lửa, hướng về ánh nắng, muốn cho tinh xuất mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Chất gió: Hoặc dùng miệng thổi, hoặc dùng quạt quạt, hoặc dùng vải phất qua, chạm đến nam căn muốn cho tinh xuất, mà tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo bảo người khác: “Ông hãy thủ dâm tôi để cho xuất tinh”, mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Hoặc nói với người ta: “Ông chớ đợi tôi phải nói, ông từng biết việc đó mà”. Sau đó, người ấy thủ dâm giúp mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo ở những nơi thanh vắng, trông thấy cầm thú giao phối, thấy rồi dục tâm sinh khởi, rồi bị xuấ tinh thì phải trách tâm. Nếu vì thích hưởng khoái lạc mà tìm cách chạy theo xem cầm thú giao phối, muốn cho tinh xuất, mà tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu có người dùng sức mạnh thủ dâm Tỳkheo khiến cho xuất tinh, thì Tỳkheo phải tự trách tâm. Nếu vì muốn khoái lạc, bèn đến người kia bảo họ thủ dâm giúp, mà tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo vào xóm làng, thấy kẻ nam nữ hành lạc, thấy rồi, dục tâm sinh khởi nên xuất tinh, thì phải tự trách tâm. Nếu vì muốn khoái lạc mà chạy theo xem, khiến cho tinh xuất, (264a) thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo thấy thợ cất nhà cho dâm nữ, liền suy nghĩ : “Nơi đó chính là để làm việc dâm dục chứ đâu có việc gì khác nữa”, do thế, dục tâm sinh khởi, rồi xuất tinh, thì phải tự trách tâm mình. Nhưng nếu vì ham vui cố ý đến xem, khiến cho tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo trông thấy phụ nữ tắm lõa thể, thấy rồi dục tâm sinh khởi mà xuất tinh, thì phải tự trách mình. Nhưng nếu vì ham vui cố ý đến xem, khiến cho tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc thấy đàn ông lõa thể… cũng như thế.

Nếu Tỳkheo đang đi đường mà dục tâm sinh khởi, rồi xuất tinh thì phải tự trách tâm mình. Nhưng nếu trong khi đi cố tạo điều kiện khiến cho tinh xuất, rồi tinh xuất ra thì phạm tội Tăng già bà thi sa… Như lúc đi, đứng, ngồi, nằm… cũng như thế. Nếu do thoa dầu để tắm mà tinh xuất thì phải tự trách tâm mình. Bằng cố ý tạo phương tiện thoa dầu để tắm mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Thế nên, đức Thế Tôn nói:

– Nếu Tỳkheo cố ý thủ dâm mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa, ngoại trừ trong giấc mộng.

(Hết giới tăng tàn thứ nhất).

2. GIỚI: XÚC CHẠM NỮ NHÂN. 

Khi Phật an trụ tại thành Vương xá, trong vườn Trúc Ca Lan Đà, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tỳkheo ni Ưu Bát La có một đệ tử Sa di ni tên là Chi Lê. Tỳkheo ni Ưu Bát La sai Sa di ni Chi Lê mang y đến cho Ưu Đà Di. Khi ấy, Ưu Đà Di đang vá y trước phòng mình, Chi Lê bèn đảnh lễ dưới chân Ưu Đà Di, rồi đứng qua một bên, bạch Ưu Đà Di rằng: “Thầy con là Ưu Bát La sai con đem y đến cho trưởng lão”. Ưu Đà Di đáp: “Tốt, hãy mang để vào trong phòng”. Thế rồi Ưu Đà Di liền bước theo sau, đi vào trong phòng, tiện tay ôm cô ấy vuốt ve một lát cho thỏa thích, rồi thả đi. Chi Lê nước mắt ràng rụa trở về với thầy. Ưu Bát La hỏi: “Vì sao con khóc?”. Đáp: “Trưởng lão Ưu Đà Di đi theo con vào trong phòng, rồi ôm con đùa giỡn, xúc phạm con thậm tệ”. Ưu Bát La nói: “Con đừng khóc nữa, ta sẽ thưa với Phật trừng phạt Ưu Đà Di”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên… Đến giờ khất thực, trưởng lão Ưu Đà Di khoác y cầm bát vào thành tuần tự khất thực. Thầy đi vào một nhà, thấy một phụ nữ đang giã đậu, bèn nắm tóc lôi kéo, ôm vào lòng đùa giỡn thích ý trong giây lát, rồi thả đi. Người phụ nữ ấy liền khiển trách: “Ông Ưu Đà Di này là kẻ phi pháp, bất thiện. Ông cho rằng nhà tôi là phòng dâm nữ chăng? Tôi sẽ đem việc này bạch với các Tỳkheo”. Ưu Đà Di nói: “Bạch hay không bạch, tùy ý bà”, rồi bỏ đi.

(264b). Lại nữa, khi Phật an trụ tại thành Xá vệ, nói rộng như trên. Lúc đến giờ khất thực, Ưu Đà Di bèn khoác y cầm bát, vào thành tuần tự khất thực. Khi thầy vào một nhà, thấy một phụ nữ mang thai giã gạo mỏi mệt, bèn ngồi trên cối nghỉ ngơi. Thấy thế, Ưu Đà Di bèn dùng chân đạp vào cối, cái cối chuyển động, khiến bà ta ngã kềnh ra đất, để lộ thân thể. Ưu Đà Di liền dìu bà đứng dậy, nói: “Chị hãy đứng dậy, tôi đã thấy rồi”. Khi ấy bà ta giận dữ nói: “Sa môn Thích tử! Đó không phải là cách xin lỗi. Thà ngươi đập một chày giã gạo cho ta chết, còn hơn là trông thấy mặt ngươi ở chỗ vắng người thế này. Ta sẽ đem việc này thưa với các Tỳkheo”. Ưu Đà Di nói: “Thưa hay không thưa tùy ý bà”, rồi bỏ đi.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên, bấy giờ, trưởng lão Ưu Đà Di đến phiên canh giữ các phòng. Nhân vì có một người Bà La Môn quen biết dẫn vợ đến thăm Ưu Đà Di. Bà này rất đoan chính. Ông chồng nói với Ưu Đà Di: “Thầy hãy mở căn phòng để cho bà này xem”. Ưu Đà Di nói: “Dù ông không bảo thì tôi cũng muốn giới thiệu các căn phòng cho bà này xem huống gì ông đã yêu cầu”, bèn đưa bà ấy lên trên gác chỉ cho xem các căn phòng có điêu khắc hoa văn, trang trí các hình ảnh đẹp đẽ, dưới đất thì tạo mô hình những hạt đậu xanh. Rồi đến một chỗ khuất, thầy bèn kéo bà ấy lại ôm chầm vào lòng.

Người đàn bà ấy suy nghĩ:”Ông Ưu Đà Di này chắc muốn làm cái việc như vậy, như vậy”. Thế nhưng, thầy đùa giỡn xong rồi bèn buông ra, rồi đến nói với ông Bà La Môn: “Tôi đã cho xem xong rồi”. Ông Bà La Môn nói: “Tôát, vậy hãy cho xem các phòng khác”. Khi ấy, vì Ưu Đà Di không cùng giao hoan với người đàn bà ấy nên bà ta nổi giận nói: “Xem phòng ốc để làm gì? Đó là kẻ xuất gia hoàng môn bạc phước, ôm ấp, vuốt ve thân tôi, mà không có việc tốt”. Lúc ấy, ông Bà La Môn bèn nói với Ưu Đà Di: “Ông là chỗ tri thức của tôi mà lại sinh ra xằng bậy không xứng đáng tri thức! Tại nơi đất bằng bỗng sinh ra gò nổng! Trong nước bỗng sinh ra lửa”. Bèn xiết cổ Ưu Đà Di dẫn đi. Ưu Đà Di nói: “Bà La Môn hãy thả ta ra, đừng làm cho ta trong khoảnh khắc mà bị vỡ đầu”. Bà La Môn nói: “Ta không thả ngươi. Ngươi đã phụ lòng tin cậy của ta”.

Các Tỳkheo nghe tiếng cãi cọ, liền ra xem, và nói với Bà La Môn: “Thôi, thôi, hãy thả Ưu Đà Di ra”. Bà La Môn nói: “Dứt khoát tôi không thả, phải dẫn đến chỗ Thế Tôn”.

Bấy giờ, Phật thấy thế, liền nói với Bà La Môn: “Thả Ưu Đà Di đi”. Bà La Môn liền bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nay con không thả, cần phải nói rõ (264c) tội trạng của y rồi mới thả ra”.

Bấy giờ, Ưu Đà Di bèn dùng hết sức vùng vẫy thoát được, liền bỏ chạy. Thế rồi Bà La Môn đem các nhân duyên kể trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Khi ấy, Thế Tôn liền tùy thuận thuyết pháp cho Bà La Môn, khiến ông được lợi ích, hoan hỉ, giận dữ bèn tiêu trừ, được con mắt pháp thanh tịnh, nên ông từ giã xin phép trở về. Phật nói: “Ông nên biết lúc nào phải làm gì”. Rồi ông đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng mà ra đi. Khi ông Bà La Môn đi chưa bao lâu, Phật bèn bảo các Tỳkheo gọi Ưu Đà Di đến. Sau khi thầy đến, Phật liền đem việc trên hỏi rõ Ưu Đà Di: “Ông có thật như thế chăng?”. Đáp: “Có thật như thế bạch Thế Tôn!”. Phật nói: “Ưu Đà Di! Đó là việc xấu”. Thế rồi, các Tỳkheo liền bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Ông Ưu Đà Di này không những làm một việc xấu như hôm nay mà trước đây, tại thành Vương xá, trong vườn tre Ca Lan Đà cũng đã từng làm việc xấu. Đó là khi Tỳkheo ni Ưu Bát La sai Sa di ni Chi Lê đem y đến cho Ưu Đà Di, Ưu Đà Di liền ôm cô ấy vào lòng đùa giỡn thỏa thích rồi thả đi”. Phật liền hỏi Ưu Đà Di: “Ông có việc ấy thật chăng?”. Thầy đáp: “Có thật bạch Thế Tôn!”. Phật nói: “Đó là việc xấu”.

Lại có Tỳkheo khác bạch với Phật:

– Bạch Thế Tôn! Không những một việc xấu đó thôi, mà lúc ở tại thành Xá vệ cũng đã từng làm việc xấu. Đó là khi đến giờ khất thực, Ưu Đà Di khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực. Thầy vào một nhà kia, thấy trong nhà có một phụ nữ đang giã đậu, Ưu Đà Di bèn nắm tóc cô ấy lôi kéo, đùa giỡn, xúc não, rồi thả đi. Phật liền hỏi Ưu Đà Di: “Ông có việc ấy thật chăng?”. Đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!”. Phật nói: “Đó là việc xấu.”

Lại có một Tỳkheo khác nói:

– Bạch Thế Tôn! Đâu phải chỉ có một việc xấu đó thôi, mà lúc Thế Tôn ở tại thành Xá vệ, đến giờ khất thực, Ưu Đà Di liền khoác y, cầm bát vào thành khất thực, khi đến một nhà kia, thầy trông thấy một phụ nữ đang mang thai, do giã gạo mỏi mệt ngồi trên cối nghỉ ngơi, Ưu Đà Di bèn dùng gót chân đạp vào cối giã khiến bà ta ngã kềnh trên đất, để lộ thân hình. Thầy bèn đứng xem mãn nhãn, rồi mới ra đi. Phật liền hỏi: “Ưu Đà Di, ông có làm việc ấy thật chăng?”.

Đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!”. Phật hỏi: “Vì cớ gì vậy!”.

Đáp: “Bạch Thế Tôn! Vì con chưa từng trông thấy phụ nữ mang thai nên muốn xem thử vậy.”

Phật khiển trách: “Này kẻ ngu si! Thà xem các cầu tiêu chứ không nên xem phụ nữ đang mang bầu. Ta há không từng dùng nhiều phương tiện chê trách dục tưởng, và khen ngợi ly dục là gì? Vì sao ông lại làm cái việc xấu bất thiện như vậy? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp”.

Các Tỳkheo liền bạch với Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao ông Ưu Đà Di này bị Bà La Môn kia thộp cổ, rồi nhờ ân huệ của Thế Tôn mà chạy thoát được?

(265a) Phật bảo với các Tỳkheo: “Ông Ưu Đà Di này không những hôm nay nhờ ta mới được thoát, mà trong thời quá khứ cũng từng bị bắt và nhờ Ta mới thoát được”.

Các Tỳkheo liền bạch với Phật: “Đã từng có như vậy sao?”. Phật nói: “Có như vậy. Trong thời quá khứ, ở trên núi Hương Sơn, có một vị tiên nhân ẩn cư. Cách núi ấy không xa, có một cái ao nước. Trong ao có một con Ba Ba, nó rời khỏi ao đi tìm thức ăn, khi ăn xong liền hướng về phía mặt trời, mở miệng ra mà ngủ. Khi ấy, trong Hương Sơn có một con khỉ đi xuống ao uống nước, uống xong bèn lên bờ, liền trông thấy con Ba Ba đang mở miệng nằm ngủ. Thấy vậy, con khỉ bèn muốn làm việc dâm dục, liền đút dương vật vào trong miệng con Ba Ba. Ba Ba bỗng thức giấc, liền ngậm miệng lại, thu rút sáu chi phần vào trong mai, như bài kệ sau đây trình bày:

“Kẻ ngu si chấp tướng,
Như Ba Ba ngậm mồm.
Họa chỉ có trời gầm,
Búa bổ mới chịu nhả”.

Khi ấy, Ba Ba ngậm chặt dương vật của khỉ định chui xuống nước. Khỉ đột hoảng sợ liền suy nghĩ: “Nếu ta xuống nước chắc chết, không còn nghi ngờ gì nữa”. Nhưng Ba Ba sức yếu, hai con giằng co nhau, dần dần lôi đến bờ vực.

Lúc ấy, con Ba Ba nằm ngữa, khỉ dùng hai tay ôm lấy Ba Ba, suy nghĩ và nói: “Không biết có ai giúp ta thoát được nạn này?”Vì khỉ đã biết chỗ ở của tiên nhân, nên nghĩ rằng ông ấy sẽ cứu ta, bèn ôm Ba Ba hướng đến nơi ấy. Tiên nhân từ xa trông thấy, liền suy nghĩ: “Ôi, thật là việc lạ lùng! Con khỉ này nay muốn giở trò gì đây?”, bèn nói đùa với khỉ: “Bà La Môn! Vật quí gì đựng đầy bát mang đến đây vậy? Có tin tức gì vui mà đến tìm tôi thế?”

Bấy giờ, khỉ liền đọc kệ:

“Tôi, con khỉ ngu si
Vô cớ xúc não người.
Hiền sĩ hãy cứu giúp,
Tính mạng tôi sắp tiêu.
Hôm nay Bà La Môn,
Nếu không cứu lấy tôi.
Chốc lát đứt của quí,
Khốn khổ trờ về rừng.”

Khi ấy, tiên nhân dùng kệ đáp lại:

“Nếu ta giải cứu ngươi,
Cho về lại núi rừng.
E rằng tánh khỉ đột
Chứng nào vẫn tật nấy”.

Thế rồi, tiên nhân nói với chúng về sự tích thuở xưa:

“Ba Ba mi thuở xưa,

Từng có hiệu Ca Diếp.

(265b) Con khỉ trong quá khứ,
Hiệu là Kiều Trần Như.
Từng làm việc dâm dục
Nay là dịp đoạn trừ.
Ca Diếp thả Kiều Trần
Cho về lại núi rừng”.

Bấy giờ, Phật bảo với các Tỳkheo: “Vị tiên nhân thời ấy nào phải ai khác đau mà chính là ta đây; còn Ba Ba là Bà La Môn, và con khỉ lúc ấy là Ưu Đà Di. Xưa kia làm muông thú, y đã nhờ ta cứu thoát, nay lại cũng nhờ ta mà được giải thoát”.

Các Tỳkheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Ưu Đà Di đối với Sa di ni Chi Lê như con gái mình, lại sinh khởi dục tưởng?”. Phật nói với các Tỳkheo: “Không những ngày nay Ưu Đà Di đối với Chi Lê như con gái mình mà khởi dục tưởng, mà trong thời quá khứ đối với cô gái ấy cùng đã từng khởi dục tưởng.” Các Tỳkheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Đã từng có như vậy sao?”.

Phật đáp: “Đúng như vậy! Trong thời quá khứ có một người Bà La Môn họ Tung Cừ, sống bằng nghề nông, ông cưới một bà vợ đoan chính đẹp đẽ, hai người ái ân nồng thắm, sinh một đứa con gái cũng đoan chánh không kém. Vì họ của ông là Tung Cừ nên ông đặt tên con gái là Tung Cừ. Đến khi cô khôn lớn, các gia đình Bà La Môn liền sai mai mối đến xin cưới cô. Khi ấy, cô hỏi mẹ: “Những người khách đến là ai vậy?”. Đáp: “Họ xin cưới con đấy”. Cô bèn thưa với mẹ: “Con không muốn lấy chồng, chỉ thích tu phạm hạnh”. Bà mẹ nói: “Không được! Nguyên tắc con trai con gái là phải lấy vợ lấy chồng”. Cô lại nói: “Nếu cha mẹ thương yêu con, thì xin đừng gả con cho ai”. Vì cha mẹ quá thương yêu con gái nên không nở làm trái ý nó, liền đáp: “Đồng ý”. Lúc đó, bà con quen biết đều lấy làm kỳ quái, tự hỏi: “Vì sao người con gái ấy đoan chánh đẹp đẽ mà lại thủ chí thích tu phạm hạnh?”. Thế nên, ai nấy đều yêu mến cô. Trong lúc Bà La Môn ra đồng cày ruộng, bà vợ thường mang đồ ăn. Bỗng một hôm, bà vợ bận việc, bèn sai Tung Cừ đem thức ăn ra đồng cho cha. Khi ấy, Bà La Môn vì không tư duy chân chánh nên phát sinh dục tưởng, mong mỏi vợ tới sẽ cùng hành lạc, nên trông thấy người mang thức ăn đến, liền bỏ cày lên đón. Do lòng dục làm mê loạn, ông không kiềm chế được, nên chỗ không nên vuốt ve mà cha lại vuốt ve con mình. Khi ấy, cô Tung Cừ liền chảy nước mắt đứng yên. Thế rồi, ông Bà La Môn bỗng sực nghĩ lại:”Con Tung Cừ này thường không ưa dục lạc, mọi người đều ca ngợi, nay ta vuốt ve nó mà nó chẳng kêu la gì, hình như nó có ý thích, liền đọc kệ:

“Nay ta vuốt ve con,
Con cúi đầu thở ra
(265c) Hình như con không muốn
Hành lạc cùng với ta.
Con từng tu phạm hạnh
Mọi người ai cũng kính
Mà nay lại yếu mềm
Dường có ý phàm tục”.

Bấy giờ, cô Tung Cừ bèn dùng kệ đáp lại lời cha:

“Trước gặp cảnh khủng bố,
Con nương cậy cha hiền
Nay cội gốc nương tựa
Lại gặp phải não phiền
Nhưng trong chỗ thâm tình
Biết tố cáo cùng ai.
Ví như chỗ nước sâu
Bỗng phát sinh ra lửa
Nơi cội gốc chở che,
Mà nay sinh khủng bố
Chỗ không sợ sinh sợ
Nơi trở về gặp nạn
Các thiên thần rừng cây
Chứng cho điều phi pháp
Ân sinh dưỡng không tròn
Một sớm thành ô nhục
Lòng đất không mở ra
Ta biết trốn vào đâu?”

Khi Bà La Môn nghe con gái mình đọc kệ, lòng đầy hổ thẹn, lập tức bỏ đi.

Phật nói với các Tỳkheo: “Bà La Môn thuở ấy nào phải ai khác đâu mà là Ưu Đà Di ngày nay. Còn vợ Bà La Môn lúc ấy thì nay là Tỳkheo ni Ưu Bát La; và cô Tung Cừ thuở trước thì nay chính là Sa di ni Chi Lê vậy. Ngày xưa, ông đã từng khởi dục tưởng với cô gái này nên nay lại khởi trở lại”.

Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo cư trú tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười việc lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

– Nếu Tỳkheo bị dâm dục biến tâm, rồi cọ xát với thân người nữ, hoặc nắm tay, hoặc nắm đuôi tóc và xúc chạm vào các bộ phận khác để tìm cảm giác êm ái, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Giải thích

Tỳkheo: Như trên đã nói.

Dâm dục: Tức là có tâm nhiễm ô.

Biến tâm: Tâm quá khứ diệt tận, thay đổi nên gọi là biến. Nhưng chỉ biến dịch trong các thứ này: căn, lực, giác chi và thánh đạo.

Tâm: Tức là ý thức.

Người nữ: Như mẹ, chị, em thân thích hoặc chẳng phải thân thích, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc tại gia, xuất gia.

Nắm tay: Hoặc nắm bàn tay, hoặc nắm cổ tay, cho đến nắm một ngón tay thì gọi là nắm tay.

Biên: Có 8 loại, đó là:

1- Đuôi tóc.
2- Ngoài lề của hạt châu.
3- Phần chót của sợi tơ.
4- Trên chót vòng hoa.
5- Lớp ngoài vỏ cây.
6- Trên đầu ngọn cỏ.
7- Trên đầu sợi lông.
8- Bên ngoài da.

Nếu nắm 8 loại biên này gồm luôn cả tóc thì phạm 8 tội Tăng già bà thi sa. Ngoài tóc ra, nếu nắm 7 loại biên kia thì phạm 7 tội Thâu Lan Giá.

Thân thể tiếp xúc: Hai thân thể tiếp xúc nhau.

Các bộ phận khác: Các bộ phận trong thân thể, trừ tóc ra.

Vuốt ve: Vuốt xuôi, vuốt ngược khắp nơi.

Tìm cảm giác êm ái: Trong khi vuốt xuôi, vuốt ngược thân thể có cảm giác êm ái.

Tăng già bà thi sa: Như trên đã nói, hoặc Tỳkheo có tâm nhiễm ô kéo mái tóc của phụ nữ, hoặc dở lên, hoặc đè xuống, hoặc kéo tới, hoặc đẩy lui, hoặc ôm vào, hoặc hôn, hoặc xô, hoặc vố, đều phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo muốn nắm người này mà lại đụng nhằm người khác, hoặc muốn nắm người khác mà lại đụng phải người này, hoặc muốn xúc chạm người này mà xúc chạm người này, hoặc muốn xúc chạm những người khác rồi xúc chạm những người khác, cho đến lôi kéo, vuốt ve, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Trong ý tưởng người đó là phụ nữ, nhưng lại là hoàng môn rồi nắm tóc, cho đến lôi kéo, vuốt ve thì Tỳkheo phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu trong ý Tỳkheo tưởng người đó là hoàng môn, nhưng lại là phụ nữ, rồi lôi kéo, vuốt ve thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu trong ý Tỳkheo tưởng người đó là phụ nữ mà người đó đích thực là phụ nữ, rồi lôi kéo, vuốt ve, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu trong ý Tỳkheo tưởng người đó là hoàng môn mà người đó quả là hoàng môn, rồi lôi kéo, vuốt ve, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu trong ý Tỳkheo tưởng người đó là phụ nữ nhưng lại là đàn ông, rồi lôi kéo, vuốt ve thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu trong ý Tỳkheo tưởng người đó là nam giới, nhưng lại là phụ nữ, rồi lôi kéo, vuốt ve, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu trong ý Tỳkheo tưởng người đó là nam giới, mà quả thực là nam giới, rồi lôi kéo, vuốt ve thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Đối với hoàng môn thì cũng như nam giới.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt người nữ, rồi người nữ đó chạy vào trong đám phụ nữ, và Tỳkheo vào trong đó kéo người nữ ấy ra, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Hoặc khởi dục tâm chạm vào trong các phụ nữ ấy thì tùy xúc chạm vào ai đều phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nhưng nếu không xúc chạm thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt người nữ, rồi người nữ ấy chạy vào trong đám hoàng môn, và Tỳkheo vào trong đó kéo người nữ ấy ra, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục xúc chạm các người hoàng môn, thì tùy theo sự xúc chạm, phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu không xúc chạm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt người nữ rồi người nữ ấy chạy vào trong đám đàn ông, và Tỳkheo vào trong đó lôi kéo người nữ ấy, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục xúc chạm vào các người đàn ông, thì tùy theo sự xúc chạm, phạm tội Việt Tỳ Ni. Bằng không xúc chạm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối.

– Nếu Tỳ kheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt người hoàng môn và người hoàng môn ấy chạy vào trong đám hoàng môn, rồi Tỳkheo vào trong đó lôi kéo người hoàng môn ấy, (266b) thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo có dục tâm xúc chạm những người hoàng môn khác, thì tùy theo sự xúc chạm, phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu không xúc chạm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt người hoàng môn, và người hoàng môn ấy chạy vào trong đám phụ nữ, rồi Tỳkheo vào trong đó lôi kéo người hoàng môn ấy, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo có dục tâm xúc chạm vào những phụ nữ khác, thì tùy theo sự xúc chạm, phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nhưng nếu không xúc chạm, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt người hoàng môn rồi người hoàng môn ấy chạy vào trong đám đàn ông, và Tỳkheo vào trong đó lôi kéo người hoàng môn ấy, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu có dục tâm xúc chạm những đàn ông khác, thì tùy theo sự xúc chạm, phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nhưng nếu không xúc chạm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt một người nam, rồi người nam ấy chạy vào trong đám người nam, và Tỳkheo vào trong đó lôi kéo người nam ấy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu có dục tâm xúc chạm những người nam khác, thì tùy theo sự xúc chạm, phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nhưng nếu không xúc chạm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt một người nam và người nam ấy chạy vào trong đám phụ nữ rồi Tỳkheo vào trong đó lôi kéo người nam ấy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu có dục tâm xúc chạm những người nữ khác, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nhưng nếu không xúc chạm, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục đuổi bắt một người nam, rồi người nam ấy chạy vào trong chúng hoàng môn và Tỳkheo vào trong đó lôi kéo người nam ấy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu có dục tâm xúc chạm những người hoàng môn khác, thì tùy theo sự xúc chạm, phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu không xúc chạm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu Tỳkheo khởi tâm dâm dục, một lần xúc chạm nhiều phụ nữ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nhưng nếu xúc chạm riêng từng người thì một lần xúc chạm phạm một tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo đang ngồi, có phụ nữ đến đảnh lễ dưới chân, mà Tỳkheo khởi tâm dâm dục, thì phải đứng thẳng dậy nghiêm trang, nói với phụ nữ ấy: “Đảnh lễ xa một tí”.

– Nhưng vì người phụ nữ ấy sùng tín, nên lại tiếp tục đảnh lễ dưới chân. Khi ấy, Tỳkheo phải cắn lưỡi, mím môi chịu đau đớn, chứ không được cảm nhận sự êm ái của người nữ.

– Nếu phụ nữ đến Tỳkheo xin nước, thì Tỳkheo nên bảo người giữ nước cho họ, chứ không nên tự mình rót nước trực tiếp vào tay phụ nữ, mà phải đổ nước đầy xô rồi đưa. Nếu không có xô thì sai tịnh nhân (cư sĩ trong chùa) đưa cho họ. Nếu không có tịnh nhân thì Tỳkheo phải để chén nước trên giường, trên ghế rồi bảo: “Hãy lấy nước đấy uống”. Nếu Tỳkheo ngồi cùng với phụ nữ trên một chiếc giường thì trái oai nghi. Nếu khởi dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Còn như cố ý lay động cái giường, dù không xúc chạm trực tiếp, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu cùng ăn chung một chén, một tô, hoặc cùng nằm chung một giường cũng như vậy.

– (266c) Nếu Tỳkheo nằm chung với phụ nữ trên một giường xúc chạm nhau, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo ngồi, phụ nữ nằm, phụ nữ ngồi, Tỳkheo nằm, tùy theo lúc ngồi, lúc nằm xúc chạm nhau, thì mỗi lần phạm một tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo biết phép mà đa trá ôm phụ nữ cùng ngồi, cùng nằm cả đêm không di dịch, thì phạm một tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo cùng kết vòng hoa chung với phụ nữ, thì trái oai nghi. Nhưng nếu sinh tâm nhiễm ô thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu khởi dục tâm, làm lay động vòng hoa, dù không chạm xúc nhau, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo cùng đứng chung với phụ nữ trên miếng ván đặt trên miệng giếng để xách nước, thì trái oai nghi.

– Nếu có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu có dục tâm làm lay động tấm ván, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu không lay động thì không có tội. Hoặc nơi đó có người đàn ông khác cũng không có tội.

– Nếu Tỳkheo cùng với phụ nữ xách nước chung một dây thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu khởi dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Hoặc vì dục tâm mà làm lay động cái dây, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo cùng với phụ nữ xách nước chung một giếng, khi Tỳkheo thả gàu xuống, phụ nữ cũng muốn thả gàu xuống, thì Tỳkheo phải nói: “Này chị hãy khoan, đợi tôi xách lên rồi, chị mới thả xuống”.

– Nếu thềm giếng mỏng manh dễ lay động mà Tỳkheo cùng xách nước một lúc với phụ nữ, thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu khởi dục tâm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Còn nếu vì dục tâm, làm lay động thềm giếng, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu thềm giếng không động, thì không có tội. Hoặc ở trung gian có tịnh nhân, cũng không có tội.

– Nếu Tỳkheo đi vào xóm làng đến nhà Ưu bà tắc có tín tâm, khi ấy, Ưu bà tắc, Ưu bà di nói: “Con muốn nghỉ tại chùa một đêm để cúng dường Phật và xin thầy cho con mượn những dụng cụ cần thiết”. Tỳkheo đáp: “Được thôi!”. Rồi sau đó, nếu Tỳkheo cùng với người nữ nâng cây trụ lên để trồng, thì trái oai nghi. Nếu có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Hoặc vì dục tâm mà làm lay động cây trụ thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo cùng với người nữ trương ra những dụng cụ cúng dường như tre, gỗ, da, mỗi người cầm một đầu, thì trái oai nghi. Trong khi đó nếu có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu vì dục tâm, làm lay động tre, gỗ, da thì phạm tội Thâu Lan Giá. Ngoài ra nếu Tỳkheo cùng với người nữ nắm một đầu giăng ra các thứ như trướng, man y, gấm vóc, bức tượng, cho đến các vòng hoa, thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Hoặc vì dục tâm mà làm lay động những vật ấy, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo cùng với người phụ nữ bưng cái hũ đường phèn lên thì trái oai nghi. Trong lúc đó, nếu có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Hoặc vì dục tâm mà làm lay động cái hũ đó, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Cho đến tất cả các vật nặng khác cũng như thế.

– Nếu Tỳkheo cùng với người nữ cắm hoa (267a), rót đầu, người nữ cầm lục bình, còn Tỳkheo cắm hoa hoặc Tỳkheo cầm lục bình và người nữ cắm hoa, đều trái oai nghi. Trong lúc đó, nếu có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Hoặc vì dục tâm mà làm lay động cái bình, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo nghe thuyết pháp suốt đêm với phụ nữ thì nên cho họ ngồi ở ngoài bức tường. Nếu giảng đường rộng, phải ngồi chung, thì phải dùng một khúc cây ngăn cách với họ.

– Sau khi nghe pháp xong, Tỳkheo cầm các vật như mền, áo, châu báu.v.v.. bố thí, mà Tỳkheo cùng với người nữ cầm những vật đó để chú nguyện, thì trái oai nghi. Trong lúc đó, nếu có dục tâm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Hoặc vì dục tâm mà làm lay động các vật ấy, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Vào buổi sáng sớm Tỳkheo cùng với người nữ chuẩn bị các thứ ẩm thực, cho đến các thứ muối, nếu Tỳkheo cầm chén, người nữ bỏ muối vào, hoặc người nữ cầm chén, Tỳkheo bỏ muối vào, đều trái oai nghi. Trong khi đó, nếu Tỳkheo có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Hoặc vì dục tâm mà làm lay động cái chén, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo để cái chén trên bàn, rồi người nữ bỏ muối vào trong đó, thì không phạm.

– Nếu có người nữ muốn gánh vật nặng mà không dỡ nổi lên vai, bèn nhờ Tỳkheo đỡ giúp lên vai, thì Tỳkheo không nên đỡ giúp. Trong khi đó, nếu có những nam nữ khác thì Tỳkheo nên bảo họ đỡ giúp. Nếu không có ai cả thì Tỳkheo nên đỡ vật ấy đặt lên một chỗ cao, rồi bảo người phụ nữ ấy đến gánh.

– Nếu Tỳkheo cùng đi với người nữ trên đường đất có thể rung động, thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu Tỳkheo có dục tâm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu vì dục tâm mà làm lay động đất, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo cùng đi với người nữ trên một chiếc xe, trên một con đò, thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu Tỳkheo có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu vì dục tâm mà làm lay động chiếc xe, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu xe không lay động thì không có tội. Hoặc ở trung gian có người đàn ông khác, thì không có tội.

– Nếu khi xuống xe, thấy người nữ cùng xuống, thì Tỳkheo dừng lại để người nữ xuống xong rồi Tỳkheo mới xuống. Nhưng nếu lối xuống rộng rãi, không lay động thì không có tội. Hoặc trung gian có người đàn ông khác thì không phạm.

– Nếu Tỳkheo cùng đi chung với phụ nữ trên một tấm ván dài thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu Tỳkheo có dục tâm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu vì dục tâm mà làm lay động tấm ván, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nhưng nếu tấm ván không lay động, hoặc trung gian có người đàn ông, thì không có tội.

– Nếu Tỳkheo cùng lội nước chung với người phụ nữ, mà Tỳkheo đi sát bên sau, làm văng nước lên người nữ thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu Tỳkheo có dục tâm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu vì dục tâm mà làm bắn nước lên người nữ, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo đi cùng thuyền với phụ nữ, thì Tỳkheo phải (267b) đứng ở chỗ nam giới đứng. Nhưng nếu chỉ có một chỗ, thì Tỳkheo phải giữ chánh niệm mà đứng, trái lại, nếu có tâm này khác mà xúc chạm họ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu khi thuyền bị chìm, người nữ trôi giạt đến Tỳkheo, thì Tỳkheo tưởng tượng họ là cục đất mà vứt lên khỏi nước, thì không phạm. Nhưng nếu có dục tâm thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo đang đi kinh hành ở bên sông, có người nữ rơi xuống sông, kêu la ơi ới xin Tỳkheo cứu mạng, thì Tỳkheo tưởng tượng họ là cục đất mà vớt lên, thì không phạm; hoặc đưa cành tre, khúc cây, chiếc dây cho họ nắm rồi kéo lên, thì không phạm. Hoặc Tỳkheo nói: “Ta biết cô tuy khổ, nhưng do số mạng đã định trước”, thì không có tội.

– Nếu người nữ vội vàng vớ lấy Tỳkheo, thì Tỳkheo phải giữ chánh tâm đứng im, còn như có tâm này khác, gấp chiếc y cho dày lại để nắm cô ta, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu nắm cô ta qua lớp y mỏng manh thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Khi Tỳkheo đi vào trong thành, nếu gặp vua xuất thành, hoặc gặp ngày đại hội có đông người ra vào, thì Tỳkheo phải đứng chờ lúc ít người mới đi vào, trái lại, nếu cùng đi chung với mọi người đông đúc, thì trái oai nghi; thậm chí, nếu có dục tâm xúc chạm họ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo vào thành khất thực đi ngang qua nhà dâm nữ, rồi dâm nữ đến nắm lấy tay Tỳkheo, thì Tỳkheo phải tư duy chân chánh. Khi Tỳkheo khất thực, nếu có phụ nữ đoan chánh đem thức ăn đến cúng dường Tỳkheo, rồi Tỳkheo thấy người nữ ấy mà khởi lên dục tưởng, thì Tỳkheo phải đặt bát xuống đất nhờ người trao cho cô ta.

– Nếu người đem thức ăn đến dâng Tỳkheo, mà một tay cô đỡ bát, một tay sớt thức ăn, thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu Tỳkheo có dục tâm mà xúc chạm cô ấy thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo đang đi trên con đường hẻm chật chội trong xóm mà gặp người nữ, thì phải dừng lại đợi người đó đi qua. Nhưng nếu cùng tranh nhau đi thì trái oai nghi, hoặc có dục tâm mà xúc chạm họ thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo cùng với mẹ, chị, em, thân quyến lâu ngày gặp nhau, rồi họ vui mừng ôm chầm lấy Tỳkheo, thì Tỳkheo phải đứng im, giữ chánh niệm. Trái lại, nếu có tâm này khác, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo đến nhà đàn việt rồi phụ nữ bồng trẻ con đặt lên gối Tỳkheo, thì không phạm. Nhưng nếu Tỳkheo đến bồng trẻ con từ trên tay phụ nữ, thì trái oai nghi. Trong khi đó, nếu Tỳkheo có dục tâm, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu hai đàng giằng co động chạm nhau, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu tay Tỳkheo xúc chạm người phụ nữ ấy, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo đi vào thành mà gặp lúc vua xuất cung hoặc gặp ngày đại hội có nhiều nam nữ ra vào, thì Tỳkheo phải đứng lại đợi lúc ít người mới đi vào.

– Nếu lúc đó có voi điên, ngựa điên, trâu điên phóng chạy (267c) hoặc xe bốc cháy, các tai nạn đáng sợ xảy ra nên Tỳkheo phải gấp rút đi vào thì không có tội.

– Nếu tại những nơi có đại hội như chỗ Phật đản sinh, chỗ Phật thành đạo, chỗ chuyển pháp luân, chỗ A Nan mở đại hội, chỗ La Hầu la mở đại hội, chỗ Ban giá vu sắp mở đại hội, đang có nhiều người đến xem, rồi người đem vòng xuyến, chuỗi anh lạc, y phục đến gởi Tỳkheo.

– Nếu là vật không thanh tịnh (như vòng ngọc) thì Tỳkheo nên bảo tịnh nhân giữ. Nếu là vật thanh tịnh thì phải tự tay mình giữ. Và khi người nữ trở lại đòi những vật đó, thì bảo tịnh nhân trả lại vật không thanh tịnh, còn vật thanh tịnh thì chính tay mình trả lại. Nhưng Tỳkheo không được đeo những vật đó cho họ, nếu đeo, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Còn như xúc chạm vào thân thể người nữ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu xúc chạm vào kẻ hoàng môn thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu xúc chạm vào đàn ông, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu xúc chạm tất cả các loài súc sinh giống cái, cũng phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu xúc chạm vào Khẩn na la cái, hoặc khỉ cái, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Ngoài ra còn có các trường hợp:

– Nếu đứng kề sát người nữ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa; kề sát người hoàng môn thì phạm tội Thâu Lan Giá; kề sát đàn ông thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Hoặc là đứng kề sát người nữ, thì phạm tội Thâu Lan Giá; kề sát hoàng môn, thì phạm tội Việt Tỳ Ni; kề sát đàn ông thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối. Hoặc là đứng kề sát người nữ thì phạm tội Việt Tỳ Ni; kề sát hoàng môn thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; kề sát đàn ông thì không phạm. Hoặc là đứng kề sát phụ nữ thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; hoàng môn và đàn ông thì không phạm. Do đó nên nói:

– Nếu Tỳkheo bị dâm dục biến tâm, rồi xúc chạm thân người nữ, hoặc nắm tay hoặc nắm đuôi tóc, hoặc xúc chạm vào các bộ phận khác để tìm cảm giác êm ái, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

(Hết giới Tăng tàn thứ 2)

3. GIỚI: NÓI NĂNG THÔ TỤC.

Khi Phật an trú tại thành Vương xá, trong vườn Trúc Ca Lan Đà, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tịnh Cư Thiên đem thứ thuốc dành cho Chuyển Luân Vương uống giá trị hàng trăm ngàn trao cho Kỳ Cựu. Rồi thầy thuốc Kỳ Cựu suy nghĩ: “Hiện nay, trên thế gian này, ai là người đáng tôn trọng bậc nhất, ai là người cao quí hơn hết để ta đem món thuốc này mà hiến tặng”. Thế rồi ông thầm nhủ: “Chỉ có đức Như Lai là đáng tôn kính hơn hết, vậy ta hãy đem món thuốc này mà dâng hiến lên Thế Tôn”. Tức thì Kỳ Cựu đồng tử đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ chân Thế Tôn, rồi đứng qua một bên (268a) bạch Thế Tôn rằng:

– Bạch Thế Tôn! Tịnh Cư Thiên cho con món thuốc dành cho Chuyển Luân Vương, giá trị đáng trăm nghìn, con suy nghĩ: “Trên thế gian này ai là người đáng tôn trọng bậc nhất, ai là người cao quí hơn hết đáng dâng tặng món thuốc này”. Rồi con thầm nhủ: “Chỉ có đức Như Lai là bậc đáng tôn kính nhất trên đời, vậy ta hãy đem món thuốc này mà dâng hiến lên Thế Tôn”. Xin Thế Tôn hãy thương xót con mà nhận lấy món thuốc này.

Phật bèn nói với Kỳ Cựu:

– Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đã vĩnh viễn đoạn tận các tập khí chướng ngại dâm, nộ, si chỉ còn cái thân vi diệu kiên cố, bình đẳng, không có bệnh hoạn gì cần phải uống thứ thuốc này.

Bấy giờ, Kỳ Cựu lại bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri có cái thân vi diệu bình đẳng, tuy không còn bệnh tật gì, nhưng vì thương xót con, xin hãy nhận lấy món thuốc này, lại vì các đệ tử trong đời sau mở bày phương tiện để họ thấy rõ: Người có bệnh thì nhận thuốc, người bố thí thì được phước”.

Khi ấy, Thế Tôn im lặng thọ nhận. Kỳ Cựu lại suy nghĩ: “Nay đây ta không thể cho Thế Tôn uống thuốc như người thường, mà phải dùng hoa sen xanh ướp vào thuốc cho thơm để Thế Tôn ngửi”. Bấy giờ, Thế Tôn bèn ngửi món thuốc có ướp mùi thơm của hoa sen xanh, cho nên bị đi cầu đến 18 lần. Sau khi đi cầu, sắc tướng của Thế Tôn kém vui.

Khi ấy vua Bình Sa cùng với quần thần và quyến thuộc đều đến thăm bệnh Thế Tôn. Đồng thời năm trăm dâm nữ tại thành Vương xá cũng đến đảnh lễ vấn an Thế Tôn. Khi vua Bình Sa vào thăm bệnh Thế Tôn xong thì quần thần theo hầu cũng tuần tự vào vấn an Thế Tôn. Năm trăm dâm nữ bấy giờ, hoặc cưỡi voi, ngựa, hoặc đi xe, đi kiệu xe riêng đến thăm bệnh Thế Tôn. Trong số đó có người thì vào thăm, có người thì không vào, có người thì cùng với bọn trai trẻ vào trong công viên dạo xem các hồ tắm, hưởng thụ ngũ dục, ca múa vui đùa. Khi ấy, có một dâm nữ bần cùng, y phục xấu xí, không ai thèm nói chuyện nên cô đi đến chỗ Ưu Đà Di, thưa: “Thưa thầy, con muốn vào xem”. Ưu Đà Di nói: “Được thôi, chị không yêu cầu tôi cũng muốn cho chị vào, huống gì chị đã yêu cầu”, liền dẫn cô ta vào phòng. Rồi Ưu Đà Di lần lượt chỉ cho cô xem những hình vẽ nơi các căn phòng, và hỏi: “Này chị, phòng ốc có đẹp không?”. Đáp: “Thật đẹp”. Thầy lại hỏi: “Này chị, chúng ta có thể cùng làm việc đó được chăng?”. Đáp: “Tôi lấy việc nằm ngửa để làm kế sinh sống, khi nào có đàn ông đến kia mà”. Ưu Đà Di nói: “Này chị, chị hãy nằm xuống đất”. Cô ta liền nằm xuống đất. Thầy lại bảo: “Hãy nằm nghiêng bên phải”. Cô ta bèn nằm nghiêng bên phải. Thầy lại bảo: “Hãy nằm nghiêng bên trái”. Cô ta bèn nằm nghiêng bên trái. Thầy lại ra lệnh: “Hãy nằm ngữa”. Tức thì cô ta nằm ngữa. Thầy lại truyền lệnh: “Hãy khoan thai đi”. Cô ta liền đi ưỡn ẹo. Bấy giờ, Ưu Đà Di bèn nhổ nước bọt, đạp một đạp, khiến cô ta ngã quị. Rồi thầy lại nói: “Này chị, hãy đứng dậy. Ta đã làm (đùa) xong. Khi ấy, dâm nữ (268b) nổi giận nói: “Đó không phải là cách từ tạ của Sa môn”.

Bấy giờ, có một Tỳkheo chuyên tọa thiền, trước đó vào ngồi tại một chỗ tối trong phòng, từ xa trông thấy sự kiện như thế, liền nói với các Tỳkheo. Các Tỳkheo liền đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Ưu Đà Di đến. Họ liền gọi đến. Khi đến rồi, Phật liền hỏi Ưu Đà Di:

“Ông có làm như vậy thật chăng?”.

Đáp: “Có thật như vậy”.

Phật liền nói: “Ông dùng cái tâm nào (xử sự như vậy)?”.

Đáp: “Cái tâm tham dục”.

Phật lại hỏi: “Ông muốn hành dâm sao?” Đáp: “Con không muốn việc đó mà chỉ muốn đùa thôi”.

Phật nói: “Đó là việc xấu. Này Ưu Đà Di, Ta không từng dùng nhiều cách chê trách dục tưởng, ca ngợi ly dục là gì? Vì sao nay ông lại làm một việc xấu như thế? Ưu Đà Di! Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo đang sống tại thành Vương xá phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

– Nếu Tỳkheo để cho tư tưởng dâm dục xâm chiếm tâm hồn, rồi dùng lời dơ bẩn bảo người nữ giao hoan với mình, theo tập quán tính dục như bọn nam nữ trai trẻ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Giải thích

Bảo người nữ giao hoan với mình: Là nói cái việc trái với phạm hạnh.

Như bọn nam nữ trai trẻ: Trai trẻ có ba hạng: Thiếu niên nhỏ tuổi, thiếu niên trung niên và thiếu niên lớn tuổi. Trung niên cũng có ba hạng: Trung niên nhỏ tuổi, trung niên trung bình và trung niên lớn tuổi. Lão niên cũng có ba hạng: Lão niên nhỏ tuổi, lão niên trung bình và lão niên già lão .

(Nếu Tỳkheo bảo người nữ giao hoan với mình) Như bọn nam nữ thanh niên thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo đối với phụ nữ khởi dục tâm, rồi nói thẳng rằng muốn làm hoặc không muốn làm, hoặc khen chê, hỏi han, cầu xin được thấy (của quí) hoặc mắng.v.v…(thì phạm tội) .

Muốn làm: Muốn bỏ pháp Sa môn mà làm việc dâm dục.

Không muốn làm: Không muốn bỏ pháp Sa môn, tuy nói: “Tôi sẽ làm việc dâm dục”, nhưng thực sự không làm. Đó gọi là không muốn làm.

Khen chê: Khen hoặc chê tám chỗ sau đây: 2 môi, 2 nách, 2 vú, 2 bên sườn, bụng, rún, 2 đùi vế và 2 đường (âm đạo và hậu môn).

Môi: Nói rằng: Môi đẹp, môi hồng, môi cân đối, môi như hoa thạch lựu.v.v.. khen ngợi như thế thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

(268c) Nếu nói: Môi xấu, môi trề, môi thô, môi heo, môi như miệng giếng.v.v…, chê bai như thế, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nách: Hoặc khen rằng: nách đẹp, nách bằng phẳng, nách không có lông, nách thơm. Hoặc chê rằng: nách hôi, nách sâu, nách nhiều lông. Nếu khen chê như thế thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Vú: Hoặc khen rằng: vú đẹp, vú tròn, vú như trái lựu, vú như núm vàng, hai vú cân bằng. Hoặc chê rằng: Vú hôi, vú trệ, vú lớn, vú heo, vú chó, vú như túi đựng thuốc. Nếu khen chê như thế, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Sườn: Hoặc khen rằng: sườn đẹp, sườn bằng phẳng, sườn như cái ròng rọc. Hoặc chê rằng: sườn xấu, sườn bị sa xuống.v.v… Nếu khen chê như thế, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Bụng: Hoặc khen rằng: bụng đẹp, bụng bằng phẳng. Hoặc chê rằng: bụng xấu, bụng lớn, bụng trệ. Nếu khen chê như thế, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Rún: Hoặc khen rằng: rún đẹp, rún sâu, rún như dòng nước xoáy. Hoặc chê rằng: rún xấu, rún lớn, rún lồi. Nếu khen chê như vậy thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Đùi vế: Hoặc khen rằng: đùi vế đẹp, đùi vế tròn, đùi vế như chân cọp, đùi vế như vòi voi. Hoặc chê rằng: đùi vế xấu, đùi vế ốm teo. Nếu khen chê như thế, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Hai đường: (Đường tiểu tiện và hậu môn), nếu nói tên hai đường này thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo có tâm nhiễm ô khen chê tám chỗ kể trên, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nói: Tức nói với người nữ rằng: Như mẹ, chị em của cô từng phục vụ người khác, hoặc chồng, hoặc chú của cô bảo cô: “Ngươi phải tùy theo chỗ đó mà làm”. Nếu nói những lời ấy thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Hỏi: Chẳng hạn hỏi người nữ: “Ngươi đã từng theo lệnh của những người như chồng hoặc chú, làm (việc ấy) tại chỗ nào? Làm vào giờ nào trong đêm?” Nếu hỏi như vậy thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Cầu: Tỳkheo nói với người nữ: “Như người ta đòi mẹ, chị hay em của người phục vụ cho họ. Nay nhà ngươi nhờ việc này mà được cơm áo”. Nếu nói như vậy, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Thỉnh: Tỳkheo nói với người nữ: “Ta đã cầu thỉnh các thiên thần để được giao hoan với ngươi thì ta mới thỏa nguyện”. Nếu nói như vậy, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Xem: Tỳkheo nói với người nữ rằng: “Giờ đây chúng ta hãy so sánh xem môi ai đẹp: của tôi hay của cô? Nếu môi ai không đẹp thì phải chịu bù lỗ”. (269a) Đối với hai nách, hai vú, hai sườn, bụng, rún và hai bắp đùi cũng đều so sánh xem của người nào đẹp; Nếu không đẹp thì phải chịu bù lỗ. Hoặc gọi tên hai đường, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Mắng: Vì do lòng dục mà mắng bằng các danh từ như lừa, ngựa.v.v.. thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nói thẳng: Nếu Tỳkheo nói huỵch toẹt với người nữ rằng: “Hai ta hãy làm cái việc ấy”, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Tóm lại, nếu Tỳkheo có dục tâm đối với người nữ, hoặc muốn làm (tình), hoặc không muốn làm, rồi khen, chê, nói, hỏi, cầu, thỉnh, xem, mắng, nói thẳng, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo khởi dục tâm muốn tới người này mà lại tới những người khác, hoặc muốn tới những người khác mà lại tới người này, hoặc muốn tới người này, rồi tới người này, hoặc muốn tới những người khác, rồi tới những người khác.v.v… cho đến nói thẳng, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo khởi dục tâm đối với người nữ mà hướng đến người hoàng môn, cho đến nói thẳng, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo đối với người hoàng môn, khởi dục tâm, mà lại hướng đến người nữ, cho đến nói thẳng, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo đối với người nữ khởi dục tâm rồi hướng đến người nữ cho đến nói thẳng, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo đối với người hoàng môn khởi dục tâm, rồi hướng đến người hoàng môn, cho đến nói thẳng, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo đối với người nữ khởi dục tâm, mà lại hướng đến người nam, cho đến nói thẳng, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu Tỳkheo đối với người nam, khởi dục tâm, mà lại hướng đến người nữ, cho đến nói thẳng, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. (Người nữ hướng đến người nữ cũng như thế).

– Nếu Tỳkheo đối với người nam khởi dục tâm, rồi hướng đến người nam cho đến nói thẳng, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Hoàng môn, người nam cũng như thế.

– Hoặc Tỳkheo có dục tâm hướng đến người nữ nói về các việc: Dâm dục, thuận dâm dục, nói úp mở, nói quanh co, nói với người mang thai.

Dâm dục: Như nói: “Này chị, chúng ta cùng làm việc ấy”. Đó gọi là dâm dục.

Thuận dâm dục: Nếu Tỳkheo nói với người nữ rằng: “Muốn được các vật như con trai, thoa hương, vòng hoa, y phục, anh lạc, thì phải làm việc ấy”, đó gọi là thuận dâm dục.

Nói úp mở: Nếu Tỳkheo đến người nữ nói úp mở rằng: “Này chị, đến tắm, đến ăn trái cây, đến nặn ra chất độc”, nói những lời bóng gió như vậy, thì gọi là nói úp mở.

Nói quanh co: Nếu Tỳkheo có tình ý với một phụ nữ này, rồi hướng về người nữ khác nói về tám chỗ, mà phụ nữ này biết Tỳkheo có tình ý đối với mình, thì Tỳkheo ấy phạm 8 tội Tăng già bà thi sa.

– Nhưng nếu người phụ nữ ấy không biết, thì Tỳkheo phạm 6 tội Thâu Lan Giá, 2 tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo có dục tâm đối với một phụ nữ, rồi hướng đến chính phụ nữ này khen chê tám bộ phận của những phụ nữ khác, mà người nữ này biết (269b) Tỳkheo có tình ý đối với mình, thì Tỳkheo ấy phạm 8 tội Tăng già bà thi sa.

– Nhưng nếu người phụ nữ này không biết, thì Tỳkheo phạm sáu tội Thâu Lan Giá, hai tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo có tình ý đối với một phụ nữ, rồi hướng đến người nữ này nói về 8 bộ phận của kẻ hoàng môn, mà người nữ này biết Tỳkheo có tình ý đối với mình, thì Tỳkheo phạm 8 tội Tăng già bà thi sa.

– Nhưng nếu người phụ nữ ấy không biết thì Tỳkheo phạm 6 tội Thâu Lan Giá và 2 tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo có tình ý đối với một phụ nữ, rồi tới nói với người phụ nữ ấy về 8 bộ phận của người đàn ông, mà người phụ nữ ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình, thì Tỳkheo phạm 8 tội Tăng già bà thi sa.

– Nhưng nếu người phụ nữ ấy không biết thì Tỳkheo phạm 6 tội Thâu Lan Giá, 2 tội Tăng già bà thi sa.

– Nếu Tỳkheo có tình ý với một người hoàng môn, rồi hướng đến những hoàng môn khác khen 8 bộ phận của họ, mà người hoàng môn ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình thì Tỳkheo phạm 8 tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu người hoàng môn ấy không biết thì thì Tỳkheo phạm 6 tội Việt Tỳ Ni, 2 tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo có tình ý với một người hoàng môn, rồi hướng đến người hoàng môn ấy khen chê 8 bộ phận của những hoàng môn khác, mà người hoàng môn ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình, thì Tỳkheo phạm 8 tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu không biết thì phạm 6 tội Việt Tỳ Ni, 2 tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo có tình ý với một người hoàng môn, rồi hướng đến người hoàng môn ấy khen chê về 8 bộ phận của phụ nữ, mà người hoàng môn ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình thì Tỳkheo phạm 8 tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu người hoàng môn ấy không biết thì Tỳkheo phạm 6 tội Việt Tỳ Ni, 2 tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo có tình ý với một người hoàng môn, rồi hướng đến người hoàng môn ấy khen chê 8 bộ phận của đàn ông, mà người hoàng môn ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình, thì Tỳkheo phạm 8 tội Thâu Lan Giá.

– Nhưng nếu không biết thì phạm 6 tội Việt Tỳ Ni, 2 tội Thâu Lan Giá.

– Nếu Tỳkheo có tình ý với một người đàn ông, rồi hướng đến người đàn ông khác khen chê 8 bộ phận của họ, mà người đàn ông ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình thì Tỳkheo phạm 8 tội Việt Tỳ Ni.

– Nhưng nếu không biết, thì phạm 6 tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối và 2 tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu Tỳkheo có tình ý với một người đàn ông, rồi hướng đến người đàn ông ấy khen chê 8 bộ phận của những người đàn ông khác, mà người đàn ông ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình, thì Tỳkheo phạm 8 Việt Tỳ Ni.

– Nhưng nếu không biết thì phạm 6 tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối và 2 tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu Tỳkheo có tình ý với một người đàn ông, rồi hướng đến người đàn ông ấy khen chê tám bộ phận của phụ nữ, mà người đàn ông ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình, thì Tỳkheo phạm 8 tội Việt Tỳ Ni. (269c)

– Nhưng nếu không biết, thì phạm 6 tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối và 2 tội Việt Tỳ Ni.

– Nếu Tỳkheo có tình ý với một người đàn ông, rồi hướng đến người đàn ông ấy nói về 8 bộ phận của người hoàng môn, mà người đàn ông ấy biết Tỳkheo có tình ý với mình, thì Tỳkheo phạm 8 tội Việt Tỳ Ni.

– Nhưng nếu không biết, thì phạm 6 tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối và 2 tội Việt Tỳ Ni.

Đó gọi là nói quanh co.

Nói với người mang thai: Nếu phụ nữ có thai đến chùa lễ Tỳkheo, rồi Tỳkheo nói với họ: “Ôi, ôi, Ưu bà di! Ngươi đã mở cửa đã thọ nhiễm sắc. Ngươi suốt đêm không ngủ tạo nghiệp bất tịnh. Đó chẳng phải là phạm hạnh, mà là kết quả của sự dâm dục vậy”. Nếu nói như vậy, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Đó gọi là nói với người mang thai.

Tóm lại, nếu Tỳkheo khen chê trước mặt phụ nữ thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Khen chê trước mặt hoàng môn thì phạm tội Thâu Lan Giá; khen chê trước mặt đàn ông, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu hướng đến khẩn na la cái, khỉ cái mà nói, thì phạm tội Thâu Lan Giá; hướng đến những súc sinh cái khác nói, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu nói ở bên cạnh phụ nữ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa; bên cạnh hoàng môn, thì phạm tội Thâu Lan Giá; bên cạnh đàn ông, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Lại có trường hợp Tỳkheo khen chê bên cạnh phụ nữ thì phạm tội Thâu Lan Giá; bên cạnh hoàng môn, thì phạm tội Việt Tỳ Ni; bên cạnh đàn ông thì phạm tội Việt Tỳ ni tâm niệm sám hối.

Lại có trường hợp Tỳkheo khen chê bên cạnh phụ nữ thì phạm tội Việt Tỳ Ni, bên cạnh hoàng môn thì phạm tội Việt Tỳ ni tâm niệm sám hối; bên cạnh đàn ông thì không có tội.

Lại có trường hợp Tỳkheo khen chê bên cạnh phụ nữ thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; bên cạnh hoàng môn và đàn ông thì không có tội. Thế nên nói:

– Nếu Tỳkheo để tư tưởng dâm dục xâm chiếm tâm hồn, rồi nói với phụ nữ những lời thô ác theo cách dâm dục của thanh thiếu niên nam nữ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

(Hết giới Tăng tàn thứ 3)

4. GIỚI: YÊU CẦU NGƯỜI NỮ HIẾN THÂN.

Bấy giờ, Phật trú tại thành Xá vệ nói rộng như trên. Khi ấy, trưởng lão Ưu Đà Di có một người bạn Bà La Môn cố cựu, ông nói với trưởng lão: “Tôi có công việc sắp đi xa, trưởng lão có thể thường lui tới chăm sóc giúp vợ con tôi ở nhà không?”. Ưu Đà Di nói: “Này Bà la môn! Ông không ủy thác, tôi cũng phải trông nom, huống gì đã được ông ủy thác”. Thế rồi, Bà La Môn ra đi.

Bấy giờ, Ưu Đà Di bèn khoác y, cầm bát đi đến nhà Bà La Môn. Vợ Bà La Môn trông thấy trưởng lão Ưu Đà Di đến liền ra nghinh tiếp, cung kính nói: “Lành thay sư phụ! Đã lâu ngày không gặp, nay lại hạ cố đến đây, xin mời thầy vào ngồi chơi”. Ưu Đà Di liền bước vào, ngồi xong bèn nói: “Lâu ngày lắm tôi mới đến, hôm nay bà có gì cúng dường tôi không?”. Vợ Bà La Môn nói: “Có rất nhiều thức ẩm thực, tùy thầy đòi thứ gì tôi sẽ cúng dường tất cả”. Ưu Đà Di nói: “Các thứ ẩm thực ấy (270a) tôi đều đã nhận được tại những nhà tín tâm khác rồi, nhưng cái mà người xuất gia chúng tôi khó được, thì bà được một cách tự nhiên, vậy hãy đem cái ấy ra hiến ta”. Vợ Bà La Môn nói: “Không biết cái mà người xuất gia khó được là vật gì mà tôi lại được một cách tự nhiên, xin thầy nói rõ cho biết? Nếu nhà tôi có thì tôi sẽ đem đến cho thầy, nhược bằng trong nhà không có, thì tôi sẽ đi tìm kiếm chỗ khác để biếu thầy”. Ưu Đà Di nói: “Bà đã biết rõ việc ấy, chứ làm gì mà không biết! Bà đa tình xảo trá như kẻ trộm có 4 mắt, việc gì mà bà không biết”. Vợ Bà La Môn nói: “Tôi thật không biết, xin thầy nói rõ điều đó. Nếu trong nhà tôi có, tôi sẽ đem biếu thầy. Nếu trong nhà không có, tôi sẽ đi tìm chỗ khác mua biếu thầy. Thầy cần vật đó để làm gì?”. Ưu Đà Di nói: “Bà dư biết việc ấy. Đó là cách cúng dường đệ nhất, tức là việc thông giao (giao hoan). Nghĩa là đem việc tùy thuận dâm dục cúng dường cho bọn Sa môn trì giới, làm việc thiện, tu phạm hạnh như chúng tôi”.

Khi ấy, trong số các bà vợ của ông Bà La Môn, có người còn trẻ cảm thấy hổ thẹn liền cúi đầu lặng lẽ bỏ đi, ai nấy trở về phòng mình. Còn những người trung niên cũng thấy xấu hổ, nhưng đều cúi đầu mà đứng im lặng. Riêng những người già cả liền mắng rằng: “Thầy Ưu Đà Di! Đó chẳng phải là việc thiện, thầy không nên nói những lời sàm sỡ như thế. Đây là nhà của Bà La Môn chứ đâu phải là nhà của dâm nữ? Chúng tôi sẽ đem việc này bạch với các Tỳkheo”. Ưu Đà Di nói: “Bạch hay không bạch tùy ý các ngươi”. Nói thế rồi, thầy liền bỏ đi. Sau khi rời khỏi nhà ấy, thầy liền đi vào nhà của các dâm nữ. Bọn dâm nữ thấy thầy đến đều đứng dậy tiếp đón, cung kính chào hỏi: “Lành thay sư phụ Ưu Đà Di! Đã lâu ngày không gặp, hôm nay bỗng nhiên hạ cố đến đây”. Liền mời vào ghế ngồi. Ưu Đà Di nói: “Rất ít khi tôi đến, hôm nay các cô có chút ít gì cúng dường tôi không?”. Các dâm nữ nói: “Có các thức ẩm thực, tùy thầy cần thứ gì, yêu cầu thứ gì, chúng tôi sẽ dâng hiến tất cả”. Ưu Đà Di nói:”Các thứ ẩm thực ấy tôi đã nhận được tại những nhà có tín tâm khác rồi, nhưng cái mà những người xuất gia chúng tôi khó có được, thì các cô được một cách tự nhiên, vậy hãy đem cho tôi là tốt nhất”. Các dâm nữ nói: “Nay chúng tôi không biết vật gì mà người xuất gia khó được, xin thầy hãy nói cho biết. Nếu trong nhà có thì chúng tôi sẽ đem cho thầy; nếu trong nhà không có thì chúng tôi sẽ đến những nơi khác tìm kiếm để dâng cho thầy”. Ưu Đà Di nói: “Các cô đã biết việc ấy rồi, chứ sao không biết. Các cô đa tình xảo trá như tên trộm có 4 mắt, sao lại không biết”. Thầy nói như thế đến ba lần mà bọn dâm nữ vẫn bảo là không biết. Ưu Đà Di lại nói: “(270b) Các cô biết rõ việc ấy rồi chứ sao lại không biết? Đó là cách cúng dường đệ nhất, tức là việc thông giao. Nghĩa là đem sự tùy thuận dâm dục cúng dường cho những Sa môn trì giới, làm việc thiện, tu phạm hạnh như chúng tôi”.

Bấy giờ, người trẻ tuổi trong các dâm nữ liền vỗ tay cười ầm lên. Những người trung niên liền nói: “Nghề sinh sống chính của chúng tôi là nằm ngửa, nếu thầy là nam tử thì cứ đến”. Còn những người già cả thì nói: “Thầy Ưu Đà Di, tuy chúng tôi lấy việc đó làm kế mưu sinh, nhưng chẳng lẽ thầy không giữ gìn pháp Sa môn sao? Chúng tôi sẽ đem việc này bạch với các Tỳkheo.”Ưu Đà Di nói: “Bạch hay không bạch tùy ý các ngươi.”Nói thế rồi, thầy liền bỏ đi.

Sau đó, bọn dâm nữ bèn nói với các Tỳkheo. Các Tỳkheo liền đem việc ấy bạch đầy đủ với Phật.

Phật dạy: “Hãy gọi Ưu Đà Di đến”.Khi thầy đến rồi, Phật liền đem việc trên hỏi rõ Ưu Đà Di: “Ông có thật như thế chăng?”.

Đáp: “Có thật như thế, bạch Thế Tôn!”

Phật liền khiển trách:”Ưu Đà Di! Ông há không từng nghe Ta dùng nhiều nhân duyên để quở trách dâm dục, dùng nhiều nhân duyên để khen ngợi ly dục là gì? Vì sao ông làm một việc xấu, bất thiện như thế? Ưu Đà Di! Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được”.

Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại.

— Nếu Tỳkheo để tư tưởng dâm dục xâm chiếm tâm hồn rồi ở trước mặt những người nữ khen ngợi việc đem thân mình ra cúng dường như sau: “Này chị em, hãy đem việc dâm dục cúng dường cho tôi, vì tôi là Sa môn trì giới, làm việc thiện, tu phạm hạnh”. Nếu tán thán như thế, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Giải thích.

Khen ngợi sự cúng dường chính thân mình: Nếu Tỳkheo tự khen thân mình rằng: “Này chị em, tôi là Sa môn trì giới, làm việc thiện, tu phạm hạnh, nên đem việc dâm dục cúng dường cho tôi, đó là việc cúng dường bậc nhất”, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo có tâm nhiễm ô, đứng trước người nữ mà nói với họ rằng: “Nếu ngươi muốn được việc tối thắng đệ nhất, tự tại, đại tự tại, không có gì so sánh được, không có gì tương tự, được sự tối thắng, được sở trường, được sự giải thoát (270c), được cái không có gì sánh bằng, được cái không có gì tương tự, bản thân không bệnh, mẹ không bệnh, cha không bệnh, bà con không bệnh, quyến thuộc không bệnh, được phúc đức danh dự, nhiều người thương, nhiều người nhớ tưởng, nhiều người hoan hỷ, nhiều người trọng thị, được trường thọ, được sắc đẹp, được an lạc, được thế lực, được quyến thuộc, được cõi thiện, được cõi trời thứ 33, được làm vợ của Thiên đế, được thiên nhãn thanh tịnh, 2 trái tai thòng xuống.v.v…, thì nên đem việc đó phụng sự cho hàng Sa môn trì giới, làm việc thiện, tu phạm hạnh như chúng tôi, đồng thời cung kính, tôn trọng, ngưỡng vọng cúng dường không nuối tiếc, thoải mái, rất thoải mái, tùy thuận lấy, tùy thuận nhận.

Trong 30 việc đó, 10 việc đầu tiên mỗi việc phạm một tội Việt Tỳ Ni. 8 việc kế tiếp, mỗi việc phạm một tội Thâu Lan Giá; 12 việc sau cùng, mỗi việc phạm một tội Tăng già bà thi sa.

Nếu Tỳkheo khởi dục tâm, muốn hướng đến người này mà lại hướng đến những người khác, muốn hướng đến những người khác mà lại hướng đến người này, muốn hướng đến người này, rồi hướng đến người này, muốn hướng những người khác, rồi hướng đến những người khác… Hoặc Tỳkheo đối với người nữ khởi dục tâm mà lại hướng đến hoàng môn nói từ việc thứ nhất đến tùy thuận nhận, thì trong 30 việc đó, 10 việc đầu tiên phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; Trong 8 việc kế tiếp, phạm tội Việt Tỳ Ni; Trong 12 việc sau cùng, phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu Tỳkheo có dục tâm đối với người hoàng môn, mà hướng đến người nữ nói việc thứ nhất cho đến tùy thuận nhận, thì trong 30 việc đó, 10 việc đầu phạm tội Việt Tỳ Ni, 8 việc kế tiếp phạm tội Thâu Lan Giá, trong 12 việc sau cùng phạm tội Tăng già bà thi sa. Người nữ đối với người nữ cũng như thế.

Nếu Tỳkheo có dục tâm đối với người hoàng môn, rồi hướng đến người hoàng môn nói việc thứ nhất cho đến nói “tùy thuận thọ nhận”. Trong 30 việc đó, 10 việc đầu tiên phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; trong 8 việc tiếp sau đó phạm tội Việt Tỳ Ni; trong 12 việc cuối cùng phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu Tỳkheo có dục tâm đối với người nữ mà hướng đến người nam nói việc thứ nhất cho đến nói: “tùy thuận thọ nhận”, thì trong 30 việc đó, 10 việc đầu tiên và 8 việc tiếp theo, phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; trong 12 việc sau cùng phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu Tỳkheo có dục tâm đối với người nam mà hướng đến người nữ nói việc thứ nhất cho đến nói “tùy thuận thọ nhận”thì trong 30 việc đó, 10 việc đầu tiên phạm tội Việt Tỳ Ni; 8 việc kế tiếp phạm tội Thâu Lan Giá; trong 12 việc sau cùng phạm tội Tăng già bà thi sa. Người nữ đối với người nữ cũng như thế.

Nếu Tỳkheo khởi dục tâm đối với người nam, rồi hướng đến người nam nói việc thứ nhất cho đến nói “tùy thuận thọ nhận”thì trong 30 việc đó, 10 việc đầu và 8 việc tiếp theo phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; 12 việc sau cùng phạm tội Việt Tỳ Ni. Hoàng môn, và đàn ông trong 4 câu cũng như vậy.

Nếu đối với người nữ mà khen ngợi việc đem thân cúng dường cho mình, thì phạm tội (271a) Tăng già bà thi sa.

Nếu đối với hoàng môn thì phạm tội Thâu Lan Giá; đối với đàn ông thì phạm tội Việt Tỳ Ni; đối với Khẩn na la cái, khỉ cái, thì phạm tội Thâu Lan Giá; đối với súc sinh giống cái, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu Tỳkheo… bên cạnh người nữ thì phạm tội Tăng già bà thi sa; bên cạnh hoàng môn thì phạm tội Thâu Lan Giá; bên cạnh đàn ông, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Lại có trường hợp: Nếu Tỳkheo … bên cạnh phụ nữ, thì phạm tội Thâu Lan Giá; bên cạnh hoàng môn thì phạm tội Việt Tỳ Ni; bên cạnh đàn ông thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối.

Lại có trường hợp: nếu Tỳkheo… bên cạnh người nữ thì phạm tội Việt Tỳ Ni; bên cạnh hoàng môn thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; bên cạnh nam giới, thì không phạm.

Lại có trường hợp: Nếu Tỳkheo… bên cạnh phụ nữ, thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối; bên cạnh hoàng môn và nam giới, thì không có tội. Thế nên, đức Thế Tôn nói:

– Nếu Tỳkheo để cho tình dục xâm chiếm tâm hồn, rồi đứng trước người nữ ca ngợi việc họ đem thân cúng dường cho mình: “Này chị em! Hãy đem việc dâm dục cúng dường cho tôi vì tôi là hàng Sa môn trì giới, làm việc thiện, tu phạm hạnh”. Nếu ca ngợi như thế, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.

(Hết giới tăng tàn thứ 4)

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 04 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 01 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 06 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1A - Luật Tạng
  • Luật Thiện Kiến Tỳ Bà Sa - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 12 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 39 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 18. Pháp - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng