LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Việt dịch: Thích Phước Sơn – Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh

Quyển thứ mười một

-ooOoo-

NÓI RÕ PHẦN BA CỦA BA MƯƠI PHÁP NI-TÁT-KÌ BA-DẠ-ĐỀ.

(NGUYÊN VĂN GỌI PHẦN BỐN)

23. GIỚI: CHO Y RỒI LẤY LẠI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, trưởng lão Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà, vào mùa Đông thời tiết khá lạnh, bèn mặc áo dày, trải chăn nệm ấm, trên đầu chít khăn [318c] Phú-la, ở trước đốt một lò lửa. Bấy giờ, có ngoại đạo da đen, mắt xanh, lạnh run lẩy bẩy đi đến, đứng trước hai thầy. Ngoại đạo thấy thế lòng sinh vui vẻ, liền nói với Tỉ-kheo: “Các vị xuất gia được sướng như vậy nhỉ! Thế rồi, tâm họ sinh hoan hỉ đối với Phật pháp, liền nói: “Chúng tôi cũng mang danh là xuất gia, nhưng Phất Lan Ca Diếp dạy chúng tôi sống lõa thể, nhổ tóc, leo lên núi, nhảy xuống khe, để cho năm sức nóng thiêu thân mà đi khất thực, chịu đau khổ oan uổng mà chẳng vui sướng gì”.

Các Tỉ-kheo liền bảo: “Các ông có thích giáo pháp này thì đến đây xin xuất gia, rồi sẽ sống an lạc như chúng tôi thôi”.

Ngoại đạo nói: “Tôi không có y Tăng-già-lê của Sa-môn”.

Tỉ-kheo nói: “Ông cứ đến, tôi sẽ cho ông”.

Thế rồi, ngoại đạo liền đến, các Tỉ-kheo bèn cho họ xuất gia, thọ giới cụ túc, rồi bảo: “Nay Ta đã độ ông xuất gia, thọ giới cụ túc, ông phải làm những việc cần thiết như sau: Sáng sớm Ta ngủ dậy, phải hỏi rằng: “Ngủ có an ổn không?”, mang ống nhổ và đồ tiểu tiện đi đổ, rồi đem rửa sạch để lại chỗ cũ, trao nước rửa mặt, tăm xỉa răng, mang bát đi lấy cháo. Khi Ta điểm tâm xong, ông phải rửa bát, lau khô rồi để lại chỗ cũ. Nếu có chỗ nào mời thọ trai thì phải đến đó nhận lấy thức ăn. Khi Ta muốn vào xóm làng, phải đem y thường mặc vào xóm làng trao cho Ta, rồi lấy y Ta vừa thay xếp lại ngay ngắn cất vào chỗ cũ. Khi Ta từ xóm làng trở về, ngươi phải trải ghế nhỏ cho Ta ngồi, trao Ta nước và lá cây. Khi Ta ăn, phải cầm quạt quạt. Ta ăn xong, phải rửa bát, lau khô, đem cất lại chỗ cũ, rồi cởi y Ta mặc vào xóm làng xếp lại đem cất, trao cho Ta y thường mặc. Khi ngươi ăn xong, phải đi lấy củi rác, giặt y, đem nhuộm, quét trong phòng sạch sẽ, rồi lau sàn nhà. Khi Ta muốn vào rừng ngồi thiền, ngươi phải mang tọa cụ đi theo, khi Ta trở về, thì theo về, rồi trao cho Ta nước rửa tay. Khi trao cho Ta hương hoa cúng dường xong, ngươi phải trải giường, đưa nước rửa chân cho Ta, rồi lấy dầu xoa bóp, trải ra, bỏ mùng, đưa ống nhổ, đồ tiểu tiện, đốt đèn.v.v., cung cấp các thứ như vậy cho Ta xong xuôi, sau đó mới tự lo phần mình”.

Khi ấy tân Tỉ-kheo (ngoại đạo) bèn đáp với Thầy rằng: “Những điều đó không phải là phép tắc xuất gia, mà là làm đầy tớ”.

Thầy nói: “Nếu ngươi không thể làm được thì phải trả y Tăng-già-lê lại cho Ta”.

Người ấy bèn cởi y để dưới đất rồi ra đi.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ,Tôn-giả Nan Đà là anh của Ưu-ba-nan-đà, Ưu-ba-nan-đà bèn nói với người đệ tử tùy tùng của anh mình như sau: “Ta cùng với ngươi vào xóm làng, Ta sẽ cho ngươi phẩm vật. Nếu Ta có làm điều gì trái oai nghi, [319a] ngươi chớ nói với người khác, vì Ta là chú của ngươi”.

Người đệ tử nói: “Nếu tôi thấy cha tôi làm điều phi pháp, tôi cũng sẽ nói với người khác, huống gì là chú”.

Ưu-ba-nan-đà lại nói: “Nếu ngươi như thế, Ta sẽ cho ngươi biết tay, bèn dẫn y đến nhà hào quí. Nhà đàn việt này bèn mời họ ở lại dùng cơm.

Vì không muốn cho y ăn nên Ưu-ba-nan-đà làm ra vẻ suy nghĩ đợi cho mặt trời gần trưa để cho y không thể khất thực, mà trở về trú xứ cũng quá bữa, bèn nói với y: “Ngươi hãy trở về tinh xá”.

Người này liền trở về, vì sợ trễ bữa, nên vội vàng vừa nhìn mặt trời vừa đi, nhưng vừa tới tinh xá, thì thấy các Tỉ-kheo đã ăn xong, đang đi kinh hành trước cửa.

Các Tỉ-kheo từ xa trông thấy Thầy đi vội vàng, nghi ắt có điều gì bất thường, liền hỏi: “Hôm nay, ngươi cùng với Tỉ-kheo có nhiều người quen biết đi giáo hóa các nơi, được những thức ăn gì ngon mà mặt mày hớn hở như thế?”

Đáp: “Hôm nay tôi bị mất bữa ăn, chứ làm gì được thức ngon!”

Ưu-ba-nan-đà bảo y trở về rồi, sau đó ăn uống các thứ, ăn xong, sợ sự tình tiết lộ, bèn nhanh chân trở về, thì thấy các Tỉ-kheo đang tụ tập đông đảo bàn luận, liền suy nghĩ: “Mọi người tụ họp bàn luận, ắt Tỉ-kheo kia đã nói với các vị phạm hạnh về hành vi xấu ác của Ta, liền nói với Nan Đà: “Trưởng lão, đệ tử của Ngài đã hướng đến các vị phạm hạnh nói về những việc xấu của tôi”.

Nan Đà bèn giận dữ, nói với đệ tư û: “Hôm nay, vì sao ngươi lại nói về lỗi của em Ta? Ngươi hãy trả y Tăng-già-lê lại cho Ta”.

Các Tỉ-kheo nghe thế, cùng nhau bảo: “Thầy Tỉ-kheo này hôm nay gặp hai việc khổ não: Một là mất ăn. Hai là mất y”.

Phật nghe được việc ấy, biết mà vẫn hỏi các Tỉ-kheo: “Đó là Tỉ-kheo nào mà cao giọng lớn tiếng như thế?”

Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Đó là Nan Đà đoạt lại y của đệ tử tùy tùng, cho nên mới lớn tiếng”.

Phật bảo gọi Nan Đà đến. Khi Thầy tới rồi, Phật bèn hỏi kỹ Nan Đà: “Có thật ông vì muốn được cung cấp cho mình mà độ người, cho y, khiến cho đệ tử giận không chịu làm thân phận tôi đòi, rồi ông đoạt lại y của đệ tử tùy tùng phải không?”

Thầy đáp: “Có thật như vậy”.

Khi ấy, Phật nói với Nan Đà: “Vì sao ông độ người xuất gia, không dạy pháp luật, mà chỉ sai họ chấp tác, cung cấp cho bản thân mình?”.

Phật khiển trách đủ điều, xong rồi liền nói với các Tỉ-kheo: “Từ nay trở đi không được rắp tâm vì muốn cung cấp cho chính mình mà độ người xuất gia, ai độ thì phạm tội Việt-tì-ni. Trái lại, nên nghĩ thế này: “Mong cho kẻ kia nhờ Ta hóa độ, tu các thiện pháp, thành tựu đạo quả”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười việc lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Nếu Tỉ kheo cho y cho Tỉ-kheo khác, rồi sau đó nổi giận không vui, hoặc tự đoạt, hoặc sai người [319b] đoạt lại, nói như sau: “Tỉ-kheo, trả y lại cho Ta, Ta không cho ngươi nữa”. Khi được y thì phạm tội Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề “.

Giải thích 

(Một số từ đã được giải thích)

– Đoạt: Hoặc tự đoạt, hoặc sai người đoạt, nói như sau: “Trả y lại cho Ta, Ta không cho ngươi nữa”. Khi lấy lại được, phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề.

– Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.

Tóm lại, có các trường hợp: Hoặc tự mình cho, rồi sai người đoạt lại; hoặc sai người cho, rồi tự mình đoạt lại; hoặc tự mình cho, rồi tự mình đoạt; hoặc sai người cho, sai người đoạt; hoặc cùng cho, đoạt riêng, hoặc cho riêng, cùng đoạt; hoặc cùng cho cùng đoạt; hoặc cho riêng, đoạt riêng.

– Cùng cho, đoạt riêng: Tỉ-kheo một lần cho 3 y, về sau đoạt riêng từng cái, nói: “Trả cho Ta Tăng-già-lê, trả cho Ta Uất-đa-la-tăng, trả cho Ta An-đà-hội”. Đoạt như vậy thì phạm nhiều tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là cùng cho, đoạt riêng.

– Cho riêng, đoạt chung: Tỉ-kheo cho y Tăng-già-lê, cho Uất-đa-la-tăng, cho An-đà-hội không cùng một lần, nhưng đòi lại một lần, nói: “Ngươi trả các y lại cho Ta”. Đoạt như vậy thì phạm một tội Ba-dạ-đề. Đó gọi là cho riêng, đoạt chung.

– Cùng cho, cùng đoạt: Tỉ-kheo một lần cho các y, sau đó nói: “Trả hết các y lại cho Ta”. Đoạt như vậy, phạm một tội Ba-dạ-đề.

– Cho riêng, đoạt riêng: Tỉ-kheo cho Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội không phải cùng lúc, rồi sau đó đòi lại dần dần, nói: “Trả cho Ta Tăng-già-lê, trả cho Ta Uất-đa-la-tăng, trả cho Ta An-đà-hội”. Nói như vậy mà được, thì phạm nhiều tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo khi cho y Tỉ-kheo khác, nói: “Ngươi ở gần bên Ta, Ta sẽ cho ngươi y, nếu không ở, Ta sẽ lấy lại”, thì khi lấy lại không có tôïi.

Nếu Tỉ-kheo khi cho y Tỉ-kheo khác, nói: “Ngươi ở đây, Ta sẽ cho, nếu không ở, Ta lấy lại”, thì khi lấy lại không có tội.

Nếu Tỉ-kheo cho y cho Tỉ-kheo khác, nói: “Ngươi làm vui lòng Ta thì Ta cho”. Sau đó, không làm vui lòng, bèn lấy lại, thì không có tội.

Vì người xem Kinh mà cho, sau đó, họ không xem, bèn lấy lại, thì không có tội.

Nếu Tỉ-kheo bán y chưa lấy tiền, hoặc lấy chưa đủ, nên lấy lại y thì không có tội.

Nếu Tỉ-kheo cho y cho đệ tử tùy tùng, đệ tử y chỉ mà không thể dạy dỗ được, vì muốn chiết phục mà đoạt lại y, sau khi chiết phục được,bèn trả lại, thì không có tội.

Nếu đoạt y của Tỉ-kheo, phạm tội Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề; đoạt y Tỉ-kheo-ni, phạm tội Thâu-lan-giá; đoạt y Thức-xoa-ma-ni, Sa-di, Sa-di-ni, phạm tội Việt-tì-ni; đoạt y người thế tục, phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên).

24. GIỚI: SẮM ÁO MƯA TRƯỚC THỜI HẠN.

[319c] Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, dân chúng 4 phương cách 12 do tuần, bố thí cho chúng Tăng áo mưa, như nhân duyên Tỳ Xá Khư lộc mẫu đã nói rõ.

Lại nữa, khi Phật trụ tại nước Kiều-tát-la, có một Tỉ-kheo lẩm cẫm, khi du hành, mặc áo mưa bên trong, mặc y An-đà-hội bên ngoài, cầm cây chổi cán dài quét đất, Phật thấy thế, nói với các Tỉ-kheo:

– Các ông có thấy Tỉ-kheo lẩm cẩm kia chăng? Vì sao mà mặc y một cách ngược ngạo như thế!

Tỉ-kheo lẩm cẩm ấy trông thấy Phật, bèn đi đến, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: “Này Tỉ-kheo, bên trong ông mặc áo gì?”

Thầy đáp: “Áo mưa”.

– Bên ngoài mặc áo gì?

– An-đà-hội.

– Này Tỉ-kheo, vì sao cái đáng lý mặc ở ngoài, ông lại mặc ở trong, cái đáng mặc ở trong, lại mặc ở ngoài? Nay vì sao lúc nào ông cũng mặc áo mưa?.

Thế rồi, Phật nói với các Tỉ-kheo: “Các ông hãy đợi Như Lai du hành nước Kiều-tát-la trở về thành Xá Vệ, rồi nhắc lại Ta, Ta sẽ chế định cách thức mặc áo mưa cho các Tỉ-kheo”.

Sau khi Phật du hành nước Kiều-tát-la trở về, các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Khi Thế Tôn du hành nước Kiều-tát-la có nói rằng: – Sau khi Như Lai du hành nước Kiều-tát-la trở về Xá Vệ, các ông hãy nhắc lại Ta, Ta sẽ chế định việc mặc áo mưa cho các Tỉ-kheo. Nay thật đúng lúc, xin Thế Tôn chế định việc mặc áo mưa”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Trong vòng một tháng cuối mùa Xuân, các Tỉ-kheo nên tìm vải may áo mưa, rồi may trong vòng nửa tháng mà dùng. Nếu chưa đến tháng cuối mùa xuân mà Tỉ-kheo đi tìm vải may áo mưa, rồi may trong vòng nửa tháng sử dụng, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề “.

Giải thích 

– Một tháng cuối xuân: Tức 15 ngày cuối của tháng 3 và 15 ngày đầu của tháng tư. Đó gọi là một tháng cuối mùa xuân.

– Áo mưa: Như Thế Tôn đã cho phép.

– Áo (y): Có 10 loại, như trên đã nói.

– Tìm: Cầu xin, hoặc khuyên người ta cho. Lúc tìm, không nên đến các nhà nghèo xin chỗ này một thước, chỗ kia 2 thước, mà nên đến xin những nhà khá giả, hoặc một người cho, hoặc nhiều người cùng cho. Đó gọi là tìm.

– Nửa tháng cuối: Từ 16 tháng 3 trở đi nên giặt, nhuộm, vá y, cho đến ngày mồng một tháng tư thì sử dụng. Nếu Tỉ-kheo chưa đến ngày 16 tháng 3 mà đi tìm, may thành, sử dụng, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề .

Tỉ-kheo nào có năm đức tính thành tựu thì Tăng nên làm Yết-ma cử vị ấy chia áo mưa. [320a] Năm đức tính đó là:

– Không thiên vị; Không giận dữ ; Không sợ hãi; Không mê muội; và biết ai đã chia rồi, ai chưa chia.

Đó gọi là năm đức tính. Người làm Yết-ma nên nói như sau:

“Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu năm pháp, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cử Tỉ-kheo mỗ giáp làm người chia áo mưa. Đây là lời tác bạch.

Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu 5 pháp, nay Tăng cử Tỉ-kheo mỗ giáp làm người chia áo mưa, Đại-đức nào bằng lòng Tỉ-kheo mỗ giáp làm người chia áo mưa, thì xin im lặng, ai không bằng lòng hãy nói.

Tăng đã bằng lòng cử Tỉ-kheo mỗ giáp làm người chia áo mưa xong, vì Tăng đã im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi hành”.

Khi làm Yết-ma xong, nên xướng lên giữa chúng rằng:

– Đại-đức Tăng lắng nghe! Có các loại vải lớn, nhỏ, bằng 4 ngón tay, 8 ngón tay, không bằng nhau, không thể tính, tôi sẽ chia.

Nếu không xướng lên như thế thì phạm tội Việt-tì-ni.

Người này làm Yết-ma xong, phải đi tìm cho Tăng. Khi đi tìm, không nên đến những gia đình nghèo, xin chừng một thước, 2 thước, mà nên đến những nhà khá giả, hoặc một người cho, hoặc nhiều người hợp lại cho, tối thiểu được một áo mưa. Đó gọi là đi tìm.

Nếu từ 16 tháng 3 trở đi có người mang vải đến cúng thì nên chia. Khi chia nên hỏi Thượng- tọa: “Thượng-tọa muốn lấy hôm nay hay đợi sau này lấy?”Nếu đó là loại tốt. Nếu Thượng- tọa nói: “Lấy hôm nay, thì liền trao cho”. Nếu nói: “Sau này sẽ lấy”, thì đợi về sau sẽ đưa. Nếu có Tỉ-kheo khách tới, nên hỏi: “Thầy định an cư mùa hạ tại đâu?”. Nếu nói: “An cư tại đây, thì nên đưa cho”. Nếu nói: “Tôi muốn an cư chỗ khác”, nhưng muốn nhận áo mưa ở đây, thì cũng nên đưa, nhưng dặn: “Thầy không nên nhận áo mưa ở chỗ khác nữa”. Nếu nói: “Tôi không lấy ở đây, đợi khi an cư chỗ nào, tôi sẽ lấy ở đó, thì cứ tùy ý”.

Nếu được nhiều áo mưa thì mỗi Tỉ-kheo nên cho một trong 2 Sa-di một cái. Nếu ít, cho không đủ, thì khi an cư xong, chia y nên chia đều áo mưa, áo này không được dùng mặc thường như 3 y, cũng không được tác tịnh thí, không được mặc áo mưa xuống tắm dưới sông, dưới ao, không được mặc khi mưa lâm râm. Khi tắm không được khỏa thân mà nên mặc đồ lót. Nếu dư y cũ thì không được thường mặc áo mưa làm các công việc, mà phải đợi khi mưa lớn, mặc tắm. Khi mặc tắm bỗng dưng trời ngừng mưa, mà còn bẩn, thì được mặc tìm chỗ nước khác tắm, không có tội.

Nếu Tỉ-kheo khi ăn, hoặc khi có bệnh muốn dùng dầu thoa mình mà gặp chỗ nhiều người qua lại, thì có thể 2 người chụm đầu lại che khuất để thoa.

Cái y tắm mưa này được dùng tắm vào khoảng nửa tháng 4 cho đến 15 tháng 8 [320b] thì nên xả. Khi làm phép xả, một Tỉ-kheo xướng giữa chúng Tăng như sau:

“Đại đức Tăng lắng nghe! Hôm nay Tăng xả áo tắm mưa”.

Nói như thế 3 lần. Nếu để đến ngày 16 mới xả thì phạm tội Việt-tì-ni. Khi xả rồi, được dùng nó để may 3 y, được tác tịnh với Tỉ-kheo quen biết, cũng được mặc vào trong các chỗ có nước khác tắm, đều không có tội. Thế nên nói (như trên).

25. GIỚI: XIN CHỈ SỢI VỀ DỆT VẢI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ nói rộng như trên. Bấy giờ Tôn-giả Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà cầm bắp chỉ sợi đi đến nhà Cư sĩ, nói với Ưu Bà Di: “Bố thí vải sợi cho tôi”.

Những bà vợ của các Cư sĩ suy nghĩ: “Thầy Tỉ-kheo này muốn mua vải sợi”, nên mỗi người đều mang vải sợi đến.

Tỉ-kheo thấy vậy, bèn lấy so sánh với cuộn vải sợi của mình rồi nói: “Chính tôi muốn tìm loại vải sợi này đây, bây giờ đem so sánh thì giống y hệt”. Nếu thấy cái nào đẹp, thì lại nói: “Tôi muốn tìm loại này, nhưng so sánh thì ở đây đẹp hơn”. Nếu thấy loại thô, thì liền nói: “Chỉ sợi này tuy thô, nhưng có thể làm thành đẹp”. Thế nhưng, những người gánh gồng vải sợi đến đều chẳng được tích sự gì.

Lúc bấy giờ, cách tinh xá Kỳ Hoàn không xa có một xóm nghèo, nơi đây có lập ra một cửa hàng dệt, các Tôn-giả kia định độ thợ dệt này xuất gia, để sai dệt y (cho mình). Tôn giả A Nan khi đến giờ khất thực, bèn khoác y, cầm bát vào xóm làng tuần tự khất thực, đến trước cửa nhà ấy, trông thấy Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà cùng cầm cuôïn chỉ sợi căng ra. Thấy thế, rồi cùng nhau chào hỏi. Đoạn A Nan hỏi 2 vị kia: “Các trưởng lão đang làm gì đấy?”

Họ đáp: “Chúng tôi định dệt vải”

Thế rồi, họ suy nghĩ: “Hôm nay Ta được thấy thị giả A Nan (tức A Nan là thị giả của Phật), thế nào Thầy ấy cũng sẽ nói với Thế Tôn tạo ra phương tiện (có giải pháp linh động)”. Nghĩ thế rồi, ông bèn cầm cuộn chỉ cúng dường tôn giả A Nan, nói: “Nên cầm cái này về để vá y”. Nhưng A Nan không lấy.

Sau khi khất thực trở về, ăn xong, A Nan bèn đem sự kiện trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi Ưu-ba-nan-đà về vấn đề trên, cho đến: “A Nan không nhận chỉ sợi của ông có thật thế chăng?”

Thầy đáp: “Có thật như vậy”.

Phật khiển trách: “Đó là việc xấu. Ông không từng nghe Ta dùng vô số phương tiện khen ngợi thiểu dục, chê trách đa dục hay sao? Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 điều lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Nếu Tỉ-kheo tự đi xin chỉ sợi rồi sai thợ dệt dệt vải, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề “.

Giải thích 

– Tự xin: Khuyến hóa xin, hoặc được một cuộn, 2 cuộn chỉ sợi.

– Vải sợi: Có 7 loại [320c] vải sợi .

– Thợ dệt: Như thợ dệt Kim-tì-đề-trú-cu-lợi.

Nếu dệt thành vải thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề .

Nếu Tỉ-kheo tự đi xin vải sợi thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Nếu nhận được (vải sợi) thì phạm tội Việt-tì-ni. Khi dệt thành vải thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề .

Theo phong tục của nước Ca Thi, cứ sau khi an cư xong, đàn việt cúng chỉ sợi và tiền dệt cho các Tỉ-kheo. Tỉ-kheo nào muốn dệt thành vải thì đem đến bảo thợ dệt như sau: “Tôi đưa ông cuộn chỉ này, ông dệt thành vải cho tôi”. Nếu như thợ dệt nói: “Tôi không hiểu ý Thầy”, thì nên hỏi: “Nhà ông làm nghề gì?”. Đáp: “dệt vải”. Lại nói: “Ông hãy dệt cái này thành vải cho tôi”. Nếu thợ dệt cũng không hiểu lời nói ấy, thì nên đem cuộn chỉ ấy giao cho tịnh nhân nhờ họ thuê dệt giúp, nhất thiết không được dùng những lời nói thuê mướn. Nếu có Tỉ-kheo biết dệt đai buộc lưng, Ta muốn nhờ Thầy ấy dệt thì nên cầm chỉ đến đưa và nói: “Trưởng lão, hãy làm giùm thành đai lưng cho tôi”. Thế nên nói (như trên).

26. GIỚI: QUỴT TIỀN CỦA THỢ DỆT.

Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn trong thành Xá Vệ, bấy giờ Tỳ Xá Khư lộc mẫu cứ mỗi ngày mời chúng Tăng về nhà thọ trai. Bấy giờ, có Tỉ-kheo tới phiên mình đến nhà ấy thọ trai, trông thấy Tỳ Xá Khư lộc mẫu cầm cuộn chỉ đưa thợ dệt, nói: “Ông dệt thành vải giúp tôi. Tôi muốn cúng dường Tôn-giả Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà. Những vị này khó tính, ông gắng dệt cho thật đẹp”.

Tỉ-kheo ấy thọ trai xong, trở về tinh xá, nói với Nan Đà: “Trưởng lão, tôi muốn báo cho Thầy một tin vui”.

– Có việc gì vui thế?

– Tôi nghe Tỳ Xá Khư lộc mẫu định cúng dường y cho Thầy.

– Y đó không phải cúng dường cho tôi. Vì sao? Vì Ưu Bà Di này sắp cúng dường cho các bậc hiền thánh.

– Không phải vậy, chính mắt tôi trông thấy Tỳ Xá Khư lộc mẫu cầm cuộn chỉ sợi đưa thợ dệt, nói: “Tôi đưa ông cuộn chỉ sợi này, ông hãy dệt thành vải cho đẹp giúp tôi. Tôi muốn cúng dường cho Nan Đà, vì Thầy ấy khó tính”.

– Thầy có biết nhà thợ dệt ở đâu không?

– Biết.

– Nhà ấy ở vùng nào? Tại hẻm nào? Cửa hướng về phương nào? Chỉ cho tôi rõ các tiêu tướng (dấu hiệu).

Khi đã hỏi kỹ, biết rõ chỗ rồi, sáng hôm sau Nan Đà khoác y, đi đến nhà ấy, trông thấy thợ dệt đang căng đường kinh (đường chỉ dọc) để dệt liền hỏi:

– Lão trượng, căng đường kinh dệt vải cho ai vậy?

– Tôi sắp dệt vải cho Lộc mẫu Tỳ Xá Khư.

– Ông có biết Tỳ Xá Khư thuê dệt cho ai không?

– Tôi biết. Bà thuê dệt cho Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà.

– Ông biết Nan Đà không?

– Tôi không biết.

– Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà chính là chúng tôi đấy. Ông hãy dệt cho đẹp, dài, rộng, mịn, dày.

– [321a] Số lượng sợi có giới hạn nhất định, tôi có thể dệt không có đường vĩ (đường chỉ ngang) được sao?

– Ông cứ theo lời tôi dệt cho đẹp, nhà ấy giàu có, sẽ tự đưa thêm vải sợi cho ông.

– Nhà ấy đưa thêm cho tôi vải sợi, thế còn tiền dệt thì ai đưa cho tôi?

– Ông cứ dệt cho đẹp, còn tiền dệt tôi sẽ đưa cho ông.

– Nếu Tôn-giả trả tiền dệt cho tôi, bà ấy đưa thêm vải sợi, thì tôi sẽ dệt như lời dặn.

Thế rồi, thợ dệt cứ theo lời dặn, dệt thật đẹp, khi sợi hết thì đến đòi, làm như vậy đến 3 lần. Tỳ Xá Khư lộc mẫu suy nghĩ: “Người này chỉ đến đòi vải sợi, không đòi tiền dệt, vì sao Ta không đưa cho đủ vải sợi? “

Khi dệt xong tấm vải rộng, dài, dày, đẹp, ông bèn đem đến đưa Lộc mẫu. Lộc mẫu nhận rồi, thầm nhủ: Tấm vải này rất đẹp, không nên cúng cho Thầy ấy (Nan Đà), vì đây là vật cúng dường có giá trị. Thế nhưng, trước đã hứa cúng cho Thầy rồi. Nghĩ vậy, bà bèn đưa cho Nan Đà.

Khi Tấm vải chưa thành, ngày nào Nan Đà cũng đến nhà thợ dệt, nhưng lúc được vải rồi thì Thầy rời xa nhà ấy, đi vào con hẻm khác, ví như con quạ già lánh xa chỗ có tên bắn. Thợ dệt do nhiều công việc, không thể đến đòi tiền dệt. Về sau, nhân có đại hội thợ dệt, ông bèn đến thành Xá Vệ. Lúc ấy thợ dệt suy nghĩ: “Mọi người chưa tập họp, giờ đây Ta hãy đến tinh xá Kỳ Hoàn đòi tiền dệt”. Nghĩ thế, ông bèn đến đó, hỏi các Tỉ-kheo: “Nan Đà, Ưu-ba-na-đà ở tại chỗ nào?”

Các Tỉ-kheo nói: “Trong phòng này đây”.

Ông liền vào phòng, thấy Nan Đà rồi, bèn đảnh lễ vấn an, giả vờ không biết, như chưa từng gặp nhau, bèn hỏi: “Tôn-giả nhận được vải chưa? “

Nan Đà hỏi ngược lại: “Vải nào?”

– Tôi dệt cho Lộc mẫu đấy.

– Được rồi.

– Tấm vải có vừa ý Tôn-giả không?

– Cũng tạm được.

– Thưa Thầy, Thầy hãy trả tiền dệt cho tôi.

– Trả tiền dệt gì?

– (cho đến) Ưu Bà Di đưa đủ vải sợi, và Thầy hứa trả tiền dệt cho tôi.

Nan Đà bèn nổi giận nói: “Ngươi có biết Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà không? Ta muốn móc lấy tròng mắt của ngươi. Bỗng dưng hư không mà bốc khói. Ngươi hy vọng nhận được tiền dệt của Ta chẳng khác gì muốn lột lấy 2 miếng vải che của ngoại đạo lõa thể, hoặc mong lóc lấy 500 cân thịt từ chân của con quạ già đã chết, hoặc đem bỏ một nắm cám dưới đáy sông Hằng rồi mong nhặt lại được tất cả”. Đoạn, bảo đệ tử: “Ngươi lấy Tăng-già-lê đưa Ta, Ta sẽ mặc đi tới nhà vua gọi lính đến bắt trói tên này nạp cho quan”.

[321b] Thợ dệt suy nghĩ: “Kẻ Sa môn này có thế lực lớn, lại hay ra vào cung vua, y có thể gây ra sự bất lợi lớn cho Ta. Ta lấy số tiền dệt kia để làm gì! Miễn giữ được mạng sống là tốt”. Nghĩ thế rồi, ông ta bỏ đi, ra khỏi cửa bèn chạy một mạch đến giữa hội chúng các thợ dệt. Mọi người liền trách y: “Bọn chúng tôi ai cũng bỏ cả việc nhà, đến đây để cùng lo liệu việc quan. Nay ngươi vì sao lại bỏ mọi người, đi đâu?”

Anh ta liền đáp: “Các vị hãy nghe tôi đã: Lộc mẫu đưa sợi cho tôi dệt, khi vải dệt chưa xong, ngày nào Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà cũng ghé đến. Nhưng khi nhận được vải rồi thì cũng giống như con quạ già lánh xa chỗ bị tên bắn… chung cục, tôi suy nghĩ: “Miễn giữ được mạng sống”, (nói rộng việc trên) cho nên tôi mới đến trễ như vậy”.

Mọi người liền nổi giận, nói: “Tên Tỉ-kheo này khinh thường chúng ta quá lắm, đã không trả tiền may mà trái lại còn muốn dựa thế lực của Vua định bắt trói người. Ngày nay, chúng ta hãy lập ra giao ước. Sau này không ai dệt vải cho Sa môn nữa”. Có người nói: “Chúng ta nên giao ước với nhau ở chỗ kín, đừng cho ai biết. Tôi biết kích thước y của Sa môn, dài 5 khuỷu tay, rộng 3 khuỷu tay, hoặc dài 5 khuỷu tay, rộng 2 khuỷu tay. Nếu gặp kích thước y chừng ấy thì chúng ta không nên dệt. Vị Sa môn này có thế lực, y có thể nhờ nhà vua dùng quyền lực sai khiến người ta, thậm chí có thể gây nên sự bất lợi cho nguời, vậy chớ cho ai biết”.

Đến ngày Tự-tứ, đàn việt gánh bắp chỉ đến nhà thợ dệt thuê thợ dệt dệt vải, thợ dệt hỏi: “Ông định dệt áo kích thước cỡ nào?”

Chủ nhân đáp: “Chiều dài 5 khuỷu tay, rộng 3 khuỷu tay, hoặc dài 5 khuỷu tay, rộng 2 khuỷu tay”.

Thợ dệt suy nghĩ: “Đó là kích thước y của Sa môn”, liền đáp: “Tôi đã dệt cho người ta, không thể dệt thêm được”. Thế rồi, người ấy đi hỏi khắp nơi, đều không ai chịu dệt”.

Bấy giờ, các nhà hào phú bèn đem vải đã dệt rồi cúng dường cho chúng Tăng. Còn các nhà nghèo vì không có vải dệt sẵn nên không lấy gì cúng dường cho Tăng. Khi ấy, chư Tăng nhận vải cúng dường ít, Phật biết mà vẫn hỏi A Nan: “Vì sao chúng Tăng nhận ít vải cúng dường như vậy?”

A Nan liền đem sự việc trên, cho đến thợ dệt sinh tâm không hoan hỉ, cùng giao ước với nhau, bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi: “Các ông có việc đó thật chăng?”

Họ đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.

Phật khiển trách: “Đó là việc xấu. Các ông không từng nghe Ta khen ngợi thiểu dục, chê trách đa dục hay sao?”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “[321c] Nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ bảo thợ dệt dệt vải cho Tỉ-kheo, Tỉ-kheo này không được yêu cầu trước mà tự động đến thợ dệt khuyên: “Ông có biết không, vải ấy là dệt cho tôi đấy. Ông phải dệt cho đẹp, dài và rộng, rồi tôi sẽ trả tiền cho ông”, thì dù số tiền chỉ đáng giá một bữa ăn, Tỉ-kheo này đã giao ước trả tiền như vậy, khi nhận được vải, phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề”.

Giải thích 

– Cư sĩ: Nguời chủ nhà.

– Nguời vợ: Người vợ của chủ nhà.

– Tỉ-kheo: Hoặc Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người.

– Thợ dệt: Như trên đã nói.

– Y: có 10 loại, như trên đã nói.

– Không được yêu cầu trước: Vốn không yêu cầu mà tưởng có yêu cầu, hoặc yêu cầu người khác mà tưởng yêu cầu mình, hoặc yêu cầu về việc khác mà tưởng yêu cầu về việc dệt vải.

– Tự động đến: Tức đi tới ruộng hoặc tới nhà họ.

– Khuyên: Bảo họ dệt dày, mịn, hoặc dài, rộng.

– Tiền: Các loại tiền tệ.

– Giá tiền: Những vật khác (được trị giá thành tiền)

– Thức ăn: Như gạo lứt, gạo nếp, cá, thịt.

– Trị giá: Như tiền, vật .v.v., nếu được y thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo nói với thợ dệt: “Ông dệt cho tôi thật đẹp, thật chắc, thật dày ..”. Khi nói như vậy thì phạm tội Việt-tì-ni. Khi thợ dệt bắt tay vào dệt chừng vài nhịp thì phạm Ba-dạ-đề. Khi họ dệt xong, nhận được vải, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo thuyết pháp cho thợ dệt nghe, rồi thợ dệt dừng tay đứng lắng nghe, Tỉ-kheo nói: “Chỉ nên nghe bằng tai, không nên nghe bằng tay, tay vẫn cứ làm”. Khi nói như vậy thì phạm tội Việt-tì-ni.

Nếu Tỉ-kheo nghe ai đó định dệt vải cho mình, rồi đến đó khuyên thợ dệt mà không hứa trả giá, thì khi được vải phạm tội Việt-tì-ni. Nếu nghe rồi đến khuyên và hứa trả giá, thì khi nhận được vải, phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề. Nếu không nghe mà đến khuyên rồi tự động đưa (tiền), thì khi được vải, phạm tội Việt-tì-ni. Nếu không nghe, không đến khuyên, cũng không đưa tiền dệt, thì khi được vải không có tội.

Nếu có quả phụ cúng dường vải cho chúng Tăng, rồi Tỉ-kheo theo thứ tự nhận được vải ấy giữa chúng Tăng, khi ấy người đàn bà đó nói với Tỉ- kheo: “Nhà tôi không có người. Tôn-giả có thể đến chỗ thợ may nhờ họ may giúp vải này. Nếu Tôn-giả tự đến thợ may lo liệu thì có thể vừa nhanh mà vừa đẹp”.

Khi đó, Tỉ-kheo được quyền đi tới chỗ thợ may, nói như sau: “Lão trượng, ông biết may nhanh, biết may dày…”. Nói như thế, thì không có tội. Thế nên nói (như trên).

27. GIỚI: CẤT Y CÚNG GẤP QUÁ HẠN.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, bấy giờ, nhóm 6 Tỉ-kheo an cư tại một làng nọ. Lúc mới bắt đầu an cư, vào một buổi mai, họ khoác y, cầm giấy bút vào một xóm làng, nói với các Ưu-bà-tắc: “Các ông hãy họp nhau làm việc nghĩa, cúng vải [322a] an cư cho chúng tôi”.

Các Ưu-bà-tắc nói: “Lúc này không phải là lúc xin vải an cư, đợi đến mùa thu lúa chín, khi ấy phần lớn người ta đều hoan hỉ, họ sẽ cúng dường vải”.

Nhóm 6 Tỉ-kheo nói: “Các ông không biết rằng ở đời có nhiều tai nạn, như nạn vua, nạn nước, lửa, trộm cướp, hoặc cha mẹ các ông ngăn cản không bố thí được, thế là các ông không thành tựu công đức, còn chúng tôi thì thất lợi hay sao?”

Ưu-bà-Tắc nói: “Tôn-giả chỉ chỉ cho tôi các tai nạn mà tự mình không thấy các tai nạn, Tôn-giả tính nhận được tiền an cư rồi thì bãi đạo (hoàn tục) hoặc muốn đi nơi khác sao? Sao lại đa dục tham lam, như thế thì nào có đạo hạnh gì!”.

Các Tỉ-kheo nghe thế, liền đem sự việc ấy bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm 6 Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Có thật lúc bắt đầu an cư, các ông đến nhà Ưu-bà-tắc xin vải an cư, khiến cho các Ưu-bà-tắc trách móc chăng?”

Họ đáp: “Có thật như vậy”.

Phật liền khiển trách: “Đó là việc xấu. An-cư chưa xong mà đã xin vải trước. Từ nay trở đi, các Tỉ-kheo không được xin vải trước khi an cư xong”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ vị đại thần của vua Ba Tư Nặc là Di Ni Sát Lợi làm phản, Vua sai vị đại thần tên Tiên-Nhân Đạt Đa tới đó đánh dẹp. Vị đại thần này lúc sắp lên đường, bèn đi đến chỗ tôn giả A Nan bạch rằng: “Thưa Tôn-giả, vị đại thần của Vua Ba-tư-nặc làm phản, nay nhà vua sai tôi đến đó đánh dẹp, tôi sắp đối đầu với cường địch, thân mạng khó bảo toàn. Hằng năm cứ khi an cư xong, tôi thường cúng dường trai Tăng và dâng y. Nay tôi vì lệnh Vua sai khiến không thể chờ đợi được, nên tôi định dâng y trước, đến khi an ổn trở về, sẽ cúng dường trai phạn sau”.

Tôn-giả A Nan bèn đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật biết mà vẫn hỏi A Nan: “Ông an cư còn mấy ngày nữa?”

Thầy đáp: “Còn 10 ngày”.

– Phật dạy: “Từ nay Ta cho phép trước Tự tứ 10 ngày, các Tỉ-kheo được nhận y dâng cấp thời”.

Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi, cũng phải nghe lại:

–“Nếu còn 10 ngày nữa mới mãn 3 tháng hạ mà gặp dịp dâng y cấp thời, Tỉ-kheo nào cần, được phép tự tay nhận lấy, rồi được cất giữ đến lúc thời y (thời gian được phép tìm y), nếu cất quá thời hạn, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề”.

Giải thích 

– Mười ngày: Từ mồng 6 tháng 7 đến 15 tháng 7, đó là 10 ngày.

– Được y dâng cấp thời: Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc tại gia, xuất gia, hoặc quân lính lúc sắp ra trận dâng, [322b] hoặc lúc trở về dâng, hoặc lúc chết dâng, hoặc khi thiếu nữ về nhà chồng dâng, hoặc người đi buôn lúc lên đường dâng, khi ấy thí chủ nói với Tỉ-kheo: “Nếu hôm nay không lấy thì ngày mai sẽ không có”. Đó gọi là y dâng cấp thời.

– Y: Gồm có 7 loại như trên đã nói.

– Muốn lấy: Nếu cần vật ấy thì lấy cất đến thời của y.

– Thời gian của y: Nếu không thọ y Ca-hi-na thì được cất đến 15 tháng 8, nếu có thọ y Ca-hi-na thì được cất đến 15 tháng chạp. Nếu cất quá thời gian ấy thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề.

Tỉ-kheo nào thành tựu 5 đức tính sau đây thì Tăng nên cử làm người chia y: Không thiên vị, không giận dữ, không sợ hãi, không mê muội và biết ai nhận rồi, ai chưa nhận. Đó gọi là 5 đức tính.

Người làm Yết-ma nên nói như sau:

“Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu 5 pháp, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cử Tỉ-kheo mỗ giáp làm người khuyến hóa chia y”.

Rồi bạch như sau:

“Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu 5 pháp, nay Tăng cử Tỉ-kheo mỗ giáp làm người khuyến hóa chia y. Các Đại-đức nào bằng lòng Tỉ-kheo mỗ giáp làm người khuyến hóa chia y cho chúng Tăng thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói.

Tăng đã bằng lòng cử Tỉ-kheo mỗ giáp làm người khuyến hóa chia y xong, vì Tăng đã im lặng. Việc này cứ như thế mà thi hành”.

Người được Tăng cử nên bạch Tăng như sau:

“Các Đại-đức, vải có loại 4 ngón tay, có loại 8 ngón không bằng nhau, nếu cùng thông cảm tôi sẽ chia”.Nếu không bạch mà chia thì phạm Tội Việt-tì-ni, phải bạch như trên rồi mới chia. Vị Tỉ-kheo này từ 16 tháng 3 nên bảo các đàn việt cầm giấy bút đi ghi chép các phòng xá, giảng đường, phòng sưởi ấm, nhà thiền, cửa ngõ, nhà bếp, nhà chứa nước, nhà tiêu, nhà chứa củi, phòng tắm, chỗ ngồi dưới gốc cây, chỗ kinh hành, phải ghi tên tất cả, rồi xướng giữa Tăng: “Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Tại trú xứ kia có chừng ấy mền gối, có chừng ấy y an cư, chừng ấy thực phẩm, chừng ấy ngày ăn chay, chừng ấy vật được chú nguyện. Tại trú xứ nọ có chừng ấy chỗ A Luyện Nhã”. Nếu các tinh xá ở bên trái, bên phải xa nhau thì nên chia phòng xá vào ngày 12, 13. Nếu tại trú xứ ấy không dung nạp hết thì phải đi đến nơi khác. Nếu trong phạm vi thôn xóm gần đó có tinh xá thì nên chia vào ngày 14,15. Khi chia, phải ghi rõ phòng ốc, mền gối này đưa cho Thượng-tọa, và phải bạch Tăng: “Trụ xứ kia có chừng ấy phòng xá, mền gối, xin thượng-tọa tùy ý nhận”. Khi nhận xong, phải tuần tự giao cho đệ nhị, [322c] đệ tam Thượng-tọa, cho đến Tỉ-kheo không có tuổi hạ. Thượng-tọa nên nói rằng: “Phòng xá thì chia theo thứ lớp, còn vật cúng dường thì nên chia bình đẳng”. Bấy giờ, nên tùy Thượng-tọa xử trí. Khi Thượng-tọa nhận rồi nên tuần tự trao cho đệ nhị, đệ Tam Thượng-tọa, cũng như thế, cho đến Tỉ-kheo không có tuổi hạ. Nếu phòng nhiều, nên chia 1 người 2 phòng. Khi giao cho 2 phòng mà không chịu nhận thì nên nói: “Đây là vì để trông coi mà chia, chứ không phải chia để ở”. Không được chia cho Sa-di 2 phòng. Nếu phòng xá ít, thì nên chia 2 người một phòng. Nếu chia như vậy mà vẫn không đủ, thì 3 người một phòng, hoặc 4 người, 5 người, cho đến 10 người cùng ở chung một phòng.

Nếu có nhà lớn, hoặc phòng sưởi, hoặc phòng ngồi thiền, hoặc giảng đường thì tất cả cùng ở trong đó. Nếu không đầy đủ, thì đưa cho Thượng-tọa giường nằm, cho người trẻ giường ngồi. Nếu cũng không đủ, thì đưa Thượng-tọa giường ngồi, người trẻ giường đặt dưới đất. Nếu cũng không đủ, thì đưa Thượng-tọa nệm cỏ, người trẻ ngồi không nệm. Nếu cũng không đủ, thì các Thượng-tọa nên ngồi, những người trẻ nên đứng. Nếu cũng không đủ, thì Thượng-tọa nên đứng, người trẻ nên ra khỏi phòng, tới dưới gốc cây hoặc những nơi khác.

Thầy Tỉ-kheo được Tăng sai, từ ngày 16 tháng 6 trở đi, nên nói với các đàn việt: “Lão trượng, phải lo chuẩn bị y”. Khi ấy, nếu đàn việt đưa y, thì nên bảo: “Hãy để ở nhà ông, đợi đúng lúc rồi đưa”. Nếu quân lính sắp đi chinh chiến cúng dường, hoặc chinh chiến trở về cúng dường, hoặc người trước khi chết cúng dường, hoặc khách buôn lúc ra đi cúng dường, hoặc lúc thiếu nữ lấy chồng cúng dường, nếu như lúc ấy không lấy thì ngày mai không có thì khi ấy nên nhận lấy.

Từ mồng 5 tháng 7 trở đi, nếu có ai đưa y đến thì lấy cất một chỗ, rồi dùng lá cây hoặc vỏ cây ghi chép vào: Chừng ấy thời y, chừng ấy phi thời y, chừng ấy y dâng cấp thời. Loại y đúng thời, thì để đúng thời chia; loại y phi thời thì chia lúc phi thời; loại y dâng cấp thời thì chia đúng thời.

Nếu người chia y hoặc bãi đạo, hoặc chết không thể chia y được, hoặc thời hạn đã hết thì nên đổi y cho nhau: Y Tỉ-kheo-ni nên đổi cho Tỉ-kheo, y Tỉ-kheo nên đổi cho Tỉ-kheo-ni. Nếu làm như vậy mà không được thì y Sa-di nên đổi cho Tỉ-kheo, y Tỉ-kheo nên đổi cho Sa-di. Nếu cũng không được thì nên bạch giữa chúng Tăng như vầy: “Bạch chư Đại-đức, thời gian của y đã qua, chúng Tăng hòa hợp, dùng các y đó làm ngọa cụ cho Tăng 4 phương”. Nếu bằng lòng thì nên làm ngọa cụ cho Tăng 4 phương, Nếu có người nói: “Tôi an cư mùa hạ tại đây, được phần y này, vì sao lại dùng làm ngọa cụ cho Tăng 4 phương?”, thì nên nói với người ấy rằng: “Đợi sang năm vào thời gian của y, sẽ đưa cho thầy”. Thế nên nói (như trên) .

28. GIỚI: RỜI Y QUÁ THỜI HẠN.

{323a} Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ vào mùa hạ an cư, các Tỉ-kheo sống tại A Lan Nhã, đến giờ khất thực, bèn khoác y đi vào thôn xóm khất thực. Sau đó, các mục đồng chăn bò, chăn dê, hoặc những người đi lấy củi bèn cầm chìa khóa tới mở cửa phòng các Tỉ-kheo lấy trộm y vật. Khi ấy các Tỉ-kheo vì sợ lấy trộm, nên cầm hết y vật vào xóm làng. Phật biết mà vẫn hỏi: “Đó là những Tỉ-kheo nào mà chuyển vận đồ đạc đến đây vậy?”.

Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Đó là các Tỉ-kheo an cư tại A Lan Nhã, sau khi đi khất thực, có người cầm chìa khóa đến mở cửa phòng lấy trộm hết các y vật, cho nên mới mang lổn ngổn tới đây”.

Phật nói: “Từ nay về sau, vào những lúc đáng lo ngại, Ta cho phép được đemi một trong 3 y gởi trong xóm làng”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn nơi thành Xá Vệ, lúc ấy tại nước Sa Kỳ, ngay trong mùa hạ an cư, có sự tranh cãi xảy ra trong Tăng chúng, Phật bèn sai Ưu Ba Ly đến nước Sa Kỳ như pháp dập tắt sự tranh chấp đang xảy ra giữa chúng Tăng. Nhưng trưởng lão Ưu Ba Ly không đi. Phật hỏi Ưu Ba Ly: “Vì sao ông không đi?”

– Bạch Thế Tôn! Y Tăng-già-lê của con nặng nề, nếu gặp mưa nữa thì không thể mang nổi, mà nay đã nửa mùa an cư, nếu để y lại, thì phạm Ni-Tát-kì.

– Ông đi về mất hết mấy ngày?

– Bạch Thế Tôn! Đi 2 ngày, ở lại 2 ngày, trở về 2 ngày, tổng cộng mất hết 6 hôm kể cả đi về.

– Từ nay về sau các Tỉ-kheo được để y lại trong vòng 6 hôm.

Ưu Ba Ly đến đó rồi, thấy sự đấu tranh khó mà giải quyết nhanh được, bèn trở về, đảnh lễ chân Phật, đứng hầu một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Ưu Ba Ly, vì sao ông đi về nhanh vậy? Sự đấu tranh đã dập tắt xong chưa?”

– Dạ chưa dập tắt, bạch Thế Tôn.

– Vì sao vậy?

– Sự tranh chấp khó dập tắt, không thể giải quyết nhanh được, lại sợ quá ngày, mất y (y phạm qui định), phạm Ni-Tát-kì, cho nên con phải trở về.

– Từ nay Ta cho phép được sống cách ly với y trong một tháng, nhưng Tăng phải làm Yết- ma cho phép được sống cách ly với y một tháng mà không vi phạm. Người làm Yết-ma nên nói như sau:

“Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Ưu Ba Ly nay đến nước Sa Kỳ vì Tăng dập tắt sự tranh chấp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cho Ưu Ba Ly đến trước Tăng xin phép Yết-ma một tháng không mất y. Các Đại-đức nào bằng lòng cho Ưu Ba Ly đến trước Tăng xin phép Yết-ma một tháng không mất y thì im lặng. Ai không bằng lòng hãy nói. Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Việc ấy cứ như thế mà [323b] thi hành.

Thế rồi, đương sự phải đến trước Tăng xin, nói như sau:

“Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Tôi là Tỉ-kheo Ưu Ba Ly muốn đến nước Sa Kỳ vì Tăng dập tắt sự tranh chấp, mong Đại-đức Tăng cho tôi pháp Yết-ma một tháng không mất y”.

Xin như vậy đến lần thứ 2, thứ 3, rồi người làm Yết-ma nên nói:

“Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Ưu Ba Ly muốn đến nước Sa Kỳ vì Tăng dập tắt sự tranh chấp, đã đến trước Tăng xin pháp Yết-ma một tháng không mất y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Ưu Ba Ly pháp Yết-ma một tháng không mất y. Đây là lời tác bạch. Xin Đại-đức Tăng lắng nghe. Trưởng lão Ưu Ba Ly muốn đến nước Sa Kỳ vì Tăng dập tắt sự tranh chấp, đã đến trước Tăng xin pháp Yết-ma một tháng không mất y. Các Đại-đức nào bằng lòng cho Ưu Ba Ly pháp Yết-ma một tháng không mất y thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là lần Yết-ma thứ nhất, (lần thứ 2, thứ 3 cũng nói như vậy).

Tăng đã bằng lòng cho Ưu Ba Ly một tháng không mất y xong. Vì Tăng đã im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi hành”.

Sau đó Phật hỏi các Tỉ-kheo: “Đã cho Ưu Ba Ly pháp Yết-ma một tháng không mất y chưa?”.

Đáp: “Đã cho”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Khi 3 tháng hạ chưa xong, các Tỉ-kheo an cư tại A Luyện Nhã, nếu có sự kiện đáng lo sợ, nghi ngờ, thì có thể gởi một trong 3 y tại nhà dân. Tỉ-kheo có duyên sự được cách ly với y trong 6 hôm, nếu quá 6 hôm, trừ Tăng Yết-ma cho phép, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề”.

Giải thích 

– Ba tháng an cư: Từ 16 tháng tư đến 15 tháng 7.

– Chưa xong: Chưa hết tháng cuối mùa hạ, nghĩa là Tỉ-kheo sống tại A Luyện Nhã chưa đến tháng cuối.

– Chỗ A Luyện Nhã: Trong phạm vi đường kính 500 cung không có nhà của mục đồng, đó gọi là chỗ A Luyện Nhã.

– Điều đáng lo sợ: Hoặc bị giết, bị cướp đoạt.

– Điều nghi ngờ: Tuy không bị giết, bị cướp đoạt, nhưng trong lòng sinh nghi: “Không biết trong chốc lát nữa có kẻ nào đến giết người, lấy y không”. Nếu Tỉ-kheo thấy có điều đáng nghi ngờ lo ngại như vậy, đó gọi là nghi ngờ.

– Hoặc một trong 3 y: Hoặc y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội, nhưng không được gởi y Tăng-già-lê và An-đà-hội, mà nên gởi y Uất-đa-la-tăng tại nhà dân trong thôn. Tuy vậy, không được gởi nhà thế tục (không đáng tin) mà nên gởi nhà nào đáng tin, có thể lấy lại được. Nếu gởi gia đình khả nghi mà họ suy nghĩ: “Các Tỉ-kheo [323c] không chắc gì đã trở lại”, thì nên đề phòng.

Các Tỉ-kheo nếu vì việc tháp, việc Tăng thì được lìa y trong 6 đêm.

– Sáu đêm: Thời hạn trong 6 hôm.

– Trừ Tăng Yết-ma (cho phép): Thế Tôn dạy (nếu Tăng Yết-ma thì) không có tội. Nhưng nếu Tăng Yết-ma không thành tựu, thì không thể gọi là Yết-ma. Yết-ma không thành tựu nghĩa là: Chúng không thành tựu, tác bạch không thành tựu, Yết-ma không thành tựu. Nếu bạch thành tựu, Yết-ma thành tựu, chúng Tăng thành tựu thì gọi là Tăng làm Yết-ma.

Nếu đã thọ Yết-ma giữa Tăng xong thì không nên ở lại đợi cúng dường, mà nên đi liền. Nếu trước bữa ăn làm Yết-ma thì sau bữa ăn nên đi. Nếu sau bữa ăn làm Yết-ma thì sáng sớm hôm sau nên đi. Lúc đi, không nên đi đường quanh ghé nhà đàn việt, mà nên đi đường thẳng. Nếu đường thẳng có tai nạn như tai nạn sư tử, tai nạn hổ lang, tai nạn trùng độc, tai nạn mất mạng, thì khi ấy đi bằng đường quanh không có tội.

Khi đến đó rồi không được diên trì đợi khách Tỉ-kheo cúng dường ẩm thực. Nếu đến trước bữa ăn, thì sau khi ăn xong, tập họp chư Tăng diệt trừ sự tranh chấp. Nếu đến sau bữa ăn, thì sáng sớm hôm sau liền tập họp chư Tăng diệt trừ sự tranh chấp. Nếu sau bữa ăn giải quyết xong việc, thì sáng sớm hôm sau trở về. Nếu giải quyết xong công việc trước bữa ăn, thì sau bữa ăn trở về, không được ở lại đợi khách Tỉ-kheo cúng dường. Khi trở về không nên đi đường quanh mà phải trở về bằng đường thẳng. Nếu đường thẳng có tai nạn, thì như trên đã nói.

Lúc mới đến đó không được tụng kinh, đun bát, nhuộm y. Nếu giải quyết công việc xong mà còn thì giờ thì được tụng kinh, làm các việc khác. Nếu sự việc khó giải quyết, thì trong thời gian lưu lại được tụng kinh, đun bát và nhận sự cúng dường ẩm thực của Tỉ-kheo khách, như vậy không có tội.

Khi dập tắt sự tranh chấp không được dùng ý riêng mình áp đặt người ta mà phải ra giữa chúng sai người có khả năng, có uy đức thế tục (giúp giải quyết).

Nếu ở A Luyện Nhã thì được gởi y trong nhà dân sáu hôm. Nếu quá sáu hôm thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Vị Tỉ-kheo này muốn xả y thì nên thỉnh vị trì luật, như giới thứ nhất ở trên đã nói. Thế nên nói (như trên).

29. GIỚI: BIỂN THỦ TÀI SẢN CỦA TĂNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, có một Tỉ-kheo đến giờ khất thực bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đến một nhà kia, có một phụ nữ nói với Thầy:

– Thưa Tôn-giả, ngày ấy …, con sẽ cúng dường chư Tăng và dâng y.

Tỉ-kheo nói: “Lành thay, này chị em! Dùng 3 pháp không kiên cố là thân, mệnh và tài sản để đổi lấy 3 pháp kiên cố, vậy hãy thực hiện nhanh. Vì tài vật vô thường, có nhiều tai nạn”.

Nói thế rồi, Thầy liền trở về tinh xá, nói với các Tỉ-kheo: “Tôi muốn báo cho các vị một tin vui”.

Các Tỉ-kheo hỏi: “[324a] Có tin vui gì thế?”

Thầy đáp: “Tôi nghe Ưu Bà Di mỗ giáp định cúng dường trai phạn và dâng y cho chư Tăng”.

Nhóm 6 Tỉ-kheo nghe thế rồi, liền hỏi: “Thầy vừa nói gì đó?”

– Tôi nghe Ưu Bà Di mỗ giáp định cúng dường trai phạn và dâng y cho chư Tăng.

– Thầy có biết nhà ấy ở nơi nào không? Nằm vào đường nào? Cửa hướng về phương nào?

Hỏi cặn kẻ rồi, sáng sớm hôm sau, họ bèn khoác y, đi đến nhà ấy, hỏi: “Bà chủ có được yên ổn không?”

Bà đáp: “Yên ổn”.

– Tôi nghe bà định cúng dường trai phạn và dâng y cho chư Tăng có thật thế không?

– Thưa Tôn-giả, tôi có ý định ấy, nhưng e trong lúc chuẩn bị gặp nhiều sự khó khăn, không biết có thành tựu không.

– Như tôi đây là người xuất gia trước, làm Tỉ-kheo đã lâu năm, nếu bà dâng y, tôi sẽ mặc đi tới các nhà hoàng tộc, hoặc đảnh lễ Thế Tôn. Nếu các nhà hào quí, hoặc ai đó hỏi tôi: “Ông được y đó ở đâu vậy?”. Tôi sẽ đáp: “Do Ưu Bà Di mỗ giáp có tín tâm cúng dường”, như vậy bà sẽ được tiếng tốt, mọi người đều biết đến bà.

– Gia đình con lại không có vật nào nữa, vì con đã định cúng dường chư Tăng, nếu cúng riêng cho Thầy thì con sẽ phạm lỗi thất hứa cúng cho Tăng. Nếu con có (y khác), con sẽ cúng riêng cho Thầy, vì cúng cho Thầy cũng như cúng cho chư Tăng.

– Cúng hay không cúng tùy ý bà!

Nói thế rồi, Thầy liền ra đi. Khi Thầy đi rồi, Ưu Bà Di suy nghĩ: “Nếu Ta cúng dường cho Tỉ-kheo ấy mà không cúng dường cho chư Tăng, vốn là ruộng phước tốt (thì không ổn), nhưng nếu Ta không cúng dường cho Tỉ-kheo ấy mà Tỉ-kheo ấy vốn có nhiều thế lực với vương gia thì ông ấy có thể gây cho Ta sự bất lợi”. Nghĩ như vậy nên bà không cúng dường cho Tăng, và vì giận Tỉ-kheo ấy nên cũng không cúng dường cho Thầy.

Các Tỉ-kheo nghe thế, bèn đem việc ấy bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi rõ các việc trên: “Các ông có việc đó thật chăng?”

Họ đáp: “Có thật như vậy”.

Phật khiển trách: “Đó là việc xấu, có 2 điều không ổn:Một là khiến cho người bố thí mất phước; Hai là người nhận mất y”.

Rồi Phật nói với Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà: “Các ông không từng nghe Ta dùng vô số phương tiện khen ngợi thiểu dục, chê trách đa dục hay sao? Đó là điều phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được”.

Đoạn Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỉ-kheo biết vật đó thí chủ định cúng dường cho Tăng mà tự xoay về cho mình, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề”.

Giải thích:

– Biết: Hoặc tự biết, hoặc nghe từ người khác.

[324b] Vật: Gồm có 8 loại:

1- Thức ăn dùng đúng giờ, 2- Thức uống dùng buổi tối; 3- Thuốc dùng trong 7 ngày; 4- Thuốc dùng suốt đời; 5- Vật vặt vãnh; 6- Vật nặng nề; 7- Vật không hợp pháp; 8 – Vật vừa hợp pháp vừa không hợp pháp.

– Vật định cúng Tăng: Ý thí chủ định chọn những vật đó để cúng cho Tăng.

– Tăng: Gồm 8 thành phần: 1- Tỉ-kheo-Tăng; 2- Tỉ-kheo Ni Tăng; 3- khách Tăng; 4- Tăng ra đi; 5- Tăng cựu trú; 6- Tăng an cư; 7- Tăng hòa hợp; 8- Tăng không hoà hợp.

– Tự xoay về cho mình: Tự thu vào, tự cất chứa, tự sử dụng. Nếu như vậy thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề. Vật này phải đem thí xả giữa chúng Tăng, rồi sám hối tội Ba-dạ-đề. Nếu không thí xả mà sám hối thì phạm tội Việt-tì-ni.

Nếu có người định cúng dường, đến hỏi Tỉ-kheo:

– Thưa Tôn-giả, tôi định cúng dường mà không biết nên cúng dường nơi nào?

Tỉ-kheo nên đáp:

– Tùy ý bà kính trọng nơi nào thì cúng dường nơi đó.

– Nơi nào được quả báo nhiều?

– Cúng dường Tăng được quả báo nhiều.

– Chư Tăng nào giữ giới thanh tịnh, có nhiều công đức?

– Tăng không phạm giới không mất thanh tịnh.

Nếu có người đem phẩm vật đến cúng dường, Tỉ-kheo nên bảo: “Cúng cho Tăng được quả báo lớn”. Nếu họ nói: “Con đã từng cúng cho Tăng rồi, nay con muốn cúng cho Tôn-giả”, thì Tỉ-kheo nhận, không có tội.

Nếu thí chủ hỏi Tỉ-kheo: “Con nên cúng dường vật này cho người nào để vật cúng này của con được sử dụng luôn?”

Khi ấy, Tỉ-kheo nên nói: “Tỉ-kheo mỗ giáp là người tụng kinh, giữ giới, tọa thiền, nếu cúng cho Thầy ấy thì sẽ được sử dụng thường xuyên”.

Nếu biết vật đó thí chủ định cúng cho Tăng mà xoay về cho mình thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề. Nếu xoay về cho người khác thì phạm Ba-dạ-đề. Nếu biết vật đó họ định cúng chúng Tăng này mà khiến họ cúng chúng Tăng khác thì phạm tội Việt-tì-ni.

Nếu biết họ cúng cho nhóm người này mà khiến họ cúng nhóm người khác, thì phạm tội Việt-tì-ni.

Nếu biết vật đó cúng cho súc sinh này mà xoay xở hướng về súc sinh khác thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối.

Cái vật mà Tỉ-kheo đã xoay về cho mình (đã nói ở trên), Tăng không được cho ai mà phải sử dụng. Thế nên nói (như trên).

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 24 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 06 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 30 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 35 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 10 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 12 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 40 - Luật Tạng