LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Việt dịch: Thích Phước Sơn – Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh

Quyển thứ mười lăm

-ooOoo-

NÓI RÕ PHẦN THỨ TƯ, CHÍN MƯƠI HAI PHÁP ĐƠN ĐỀ.

17. GIỚI: CƯỠNG CHIẾM CHỖ NẰM CỦA NGƯỜI KHÁC.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn du hành trong nhân gian đến Câu diệm di, thế rồi vào một hôm đầu đêm, Thế Tôn thuyết pháp cho các Thanh Văn; sau khi nghe thuyết pháp xong, các Tỷ kheo trở về phòng an trú. Khi ấy, nhóm sáu Tỷ kheo còn nấn ná, chuyện vãn với các người khác đến khuya mới trở về, gõ cửa phòng. Người trong phòng hỏi: “Ai đó?”, thì họ đáp: “Chúng tôi là nhóm sáu Tỷ kheo đây, muốn nghỉ lại trong phòng này”. Các Tỷ kheo trong phòng đáp: “Phòng này đã hết chỗ rồi”.

Nhóm sáu Tỷ kheo bèn hạ giọng nhỏ nhẹ van nài: “Cho chúng tôi một chỗ để ngồi một lát thôi”.

Họ van nài như thế mà không được, rồi họ đi đến phòng khác van nài lại cũng không được. Họ bèn đi tới chỗ trú của các Tỷ kheo Hạ tọa, như căn phòng sưởi, phòng tọa thiền, giảng đường gõ cửa. Các Tỷ kheo trong phòng hỏi: “Ai đó?”thì họ đáp: “Chúng tôi là nhóm sáu Tỷ kheo, muốn xin nghỉ ở đây”.

Các Tỷ kheo trong phòng đáp: “Phòng này đã đầy cả rồi”.

Nhóm sáu Tỷ kheo lại kỳ kèo, van nài không ngừng. Các Tỷ kheo trong phòng liền mở cửa. Họ bèn bước vào trong phòng, rồi nằm ngang dọc trên giường, hoặc dùng tay chân gác lên người bên cạnh, hoặc dùng cùi chỏ, đầu gối húc vào hông những người đó, hoặc nói: “Nếu các trưởng lão thấy khó chịu thì đi chỗ khác”. Nói thế xong họ liền thổi tắt đèn, rồi gọi các Tỷ kheo bạn hữu ở ngoài, nói: “Các vị phạm hạnh có thể vào đây”.

Khi vào phòng xong, họ nằm quay đầu ngược nhau, người này gác cùi chỏ lên đầu gối người kia, mặc sức đùa giỡn. Các Tỷ kheo suy nghĩ: “Ai mà có thể nằm chung với những kẻ phi oai nghi này”, rồi cầm tọa cụ đi ra khỏi phòng. Thế rồi, các Tỷ kheo đem sự kiện ấy bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: “Đợi ta đi Kiều Tát La xong, trở về lại Thành Xá Vệ, các thầy hãy trình bày lại việc này với ta, Ta sẽ chế giới cho các Tỷ kheo”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Các Tỷ kheo khách nhận được phòng của nhóm sáu Tỷ kheo, ban đêm họ đóng cửa nằm ngủ. Nhóm sáu Tỷ kheo vì trước đó có mối hiềm khích với Tỷ kheo khách nên họ hốt bùn lầy đổ ngay lối đi trước cửa phòng, rồi bỏ đá gạch lẫn lộn vào. Tỷ kheo khách ban đêm đi ra khỏi phòng, đạp nhằm bùn lầy, té trên gạch đá, bèn la lên: “Các trưởng lão! Nhóm sáu Tỷ kheo hại tôi [344b] làm gãy cổ tôi. Họ làm cái việc như thế (đổ bùn đá trên lối đi) là muốn nhiễu loạn tôi. Ai mà có thể sống với họ được”.

Các Tỷ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo các Tỷ kheo đi gọi nhóm sáu Tỷ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Các ông có làm chuyện ấy thật chăng?”.

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Đó là việc ác.

Thế rồi, các Tỷ kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Nhóm sáu Tỷ kheo không những làm một việc ác này mà lúc Thế Tôn đi du hành đến nước Kiều Tát La, họ cũng đã từng nhiễu loạn các Tỷ kheo, đến nỗi các Tỷ kheo ấy phải mang tọa cụ rời khỏi trú xứ”.

Phật liền hỏi nhóm sáu Tỷ kheo:

– Các ông có làm việc ấy thực chăng?

– Có thực, bạch Thế Tôn .

– Vì sao các ông đã biết những người ấy đến trước, trải tọa cụ rồi, mà các ông đến sau làm nhiễu loạn muốn đuổi họ đi? Đó là việc ác, phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang cư trú tại Thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo biết Tỷ kheo khác đến trước trải giường nệm rồi, mình đến sau cũng trải đồ đạc ra rồi suy nghĩ: “Nếu người kia không thích thì bỏ đi”. Làm việc đó với dụng tâm như thế chứ chẳng có gì khác, thì phạm tội Ba dạ đề”.

Giải thích:

Biết: Tự biết hoặc nghe từ người khác mà biết.

Trải đồ đạc ra trước: Trải ra từ lúc đầu.

Giường nệm: Như trước đã giải thích.

Đến sau rồi bày đồ đạc ra: Vì muốn nhiễu loạn người trước muốn cho họ bỏ đi. Nếu vì nguyên nhân ấy chứ không có lý do nào khác thì phạm tội Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu chỗ ở thiếu thì mỗi Tỷ kheo nên chiếm cứ trong phạm vi một cây cột, trải giường nệm, tọa cụ, rồi đi đến các Hòa Thượng, A xà lê lễ bái, hoặc thăm hỏi, hoặc đọc Kinh. Thế rồi Tỷ kheo đến sau bèn cuốn tọa cụ người trước, trải tọa cụ mình ra, ngồi tán kệ rầm rì. Vị Tỷ kheo ở trước trở về phòng, thấy thế, suy nghĩ: “Ai mà có thể nhiếp phục được người này!”, bèn cầm tọa cụ bỏ đi, thì vị Tỷ kheo đến sau ấy phạm tội Ba dạ đề. Hoặc ngồi thiền, tụng kinh, dưỡng bệnh cũng như vậy. Hoặc mình là Thượng tọà đến sau rồi nằm ngủ trên giường người khác, thì người kia nên nói: “Trưởng lão không biết Thế Tôn ngăn cấm việc đó sao?”. Nếu Tỷ kheo nằm ngủ này là Hạ Tọa, thì người kia nên khiển trách: “Ông không biết rõ giới luật. Ông không biết Thế Tôn đã chế giới sao? Vì sao đến sau mà ngủ trên giường người khác?”.

Nếu Tỷ kheo đi kinh hành tại chỗ của một Tỷ kheo khác mà trông thấy người ấy đến thì nên lánh đi. Nếu Tỷ kheo ban đêm nằm ngủ rồi nói mớ mà không có ý nhiễu loạn tha nhân thì vô tội. Nhưng nếu có chủ tâm nhiễu loạn thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu Tỷ kheo ni có tâm nhiễu loạn bạn đồng phạm hạnh thì phạm tội Thâu lan giá [344c]; nhiễu loạn Thức xoa ma ni, sa di, sa di ni thì phạm tội Việt tì ni; nhiễu loạn người thế tục thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên).

18. GIỚI: NGỒI GIƯỜNG CÓ CHÂN NHỌN.

Khi Phật an trú tại tinh xá Khoáng Dã, lúc ấy có hai Tỷ kheo cũng sống tại đó, Thượng tọa ở tầng trệt, Hạ tọa ở trên gác. Thượng tọa ngồi thiền, Hạ tọa tụng kinh. Đến giờ khất thực, Thượng tọa khoác y, cầm bát vào thôn Khoáng Dã khất thực, nhanh chóng đủ thức ăn bèn trở về, thì Hạ tọa mới đi. Thượng tọa ăn xong, rửa bát đem cất lại chỗ cũ, rồi rửa chân ngồi kiết già. Hạ tọa đi khất thực nhận được thức ăn chậm chạp nên về muộn, bèn leo lên gác, để bát ở chỗ cũ, rồi kêu lên: “Mệt quá”, đoạn đặt đít xuống ngồi thì bỗng dưng chân giường sút ra rơi nhằm đầu Thượng tọa làm cho bị thương máu chảy ra. Thượng tọa liền kêu lên: “Chết tôi rồi! Chết tôi rồi!”. Các Tỷ kheo nghe tiếng kêu liền chạy đến hỏi vì sao như vậy, Thượng tọa liền trình bày đầy đủ sự kiện kể trên. Các Tỷ kheo liền đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn bảo họ đi gọi Tỷ kheo ấy đến. Khi thầy đến rồi Phật liền hỏi: “Ông có điều đó thật không?”.

– Có thật như vậy bạch Thế Tôn. – Vì sao ở trên gác mà ông đặt giường có chân nhọn, rồi ngồi mạnh lên đó? Từ nay trở đi ta không cho phép đặt giường có chân nhọn trên gác mà ngồi.

Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thôn Khoáng Dã phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo đặt giường có chân nhọn ở trên gác, trên lầu, rồi ngồi hoặc nằm trên đó, thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích: 

Gác: Tầng thứ hai.

Trên lầu: Như đức Thế Tôn đã cho phép.

Chân nhọn: Như cái cọc.

Giường: Gồm có mười bốn loại, như trước đã nói.

Nếu ngồi hoặc nằm (trên giường có chân nhọn) thì phạm tội Ba dạ đề.

Ba dạ đề: như trên đã nói.

Nếu dùng đất sét làm nền ở dưới vững chắc, hoặc dùng gỗ lát kín ở dưới, hoặc chân giường tròn, hoặc xung quanh gác và dưới gác không có người ngồi thì đều vô tội. Nếu đục đẽo làm chân giường nhọn dùng để ngồi hay nằm thì phạm Ba dạ đề. Nếu ngồi trên tấm ván mỏng thì phạm tội Việt tì ni. Nếu ngồi trên trường kỷ (ghế dài) thì phạm tội Việt tì ni (?).Nếu làm cái giường một chân nhọn, ba chân tròn, hay hai chân nhọn, ba chân, bốn chân nhọn đều phạm Ba dạ đề. Nhưng làm cái giường bốn chân tròn thì vô tội. Thế nên nói (như trên).

19. GIỚI: DÙNG NƯỚC CÓ SINH TRÙNG.

Khi Phật an trú tại tịnh xá Khoáng Dã có Tỷ kheo quản sự dùng nước có trùng tưới lên cỏ trên đất bùn khiến cho người đời chê trách rằng: “Sa môn Cù Đàm dùng vô lượng phương tiện khiển trách việc sát sinh, ca ngợi từ bỏ sát sinh, thế mà nay sa môn đệ tử dùng nước có trùng tưới lên cỏ, trên bùn. Đó là những kẻ bại hoại [345a] nào có đạo hạnh gì!”.

Các Tỷ kheo nghe thế, liền đem sự kiện ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Tỷ kheo quản sự đến. Khi thầy đến rồi Phật liền hỏi đầy đủ sự việc kể trên: “Ông có làm việc đó thật chăng?”.

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn .

– Đó là việc ác đáng bị người đời chê trách. Đó là điều phi luật, phi pháp, trái với lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng nước có trùng tưới lên cỏ lên đất.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang cư trú tại thôn Khoáng Dã phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo đem nước có trùng tưới lên cỏ lên bùn hoặc sai người khác tưới, thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích :

Biết: Hoặc tự biết, hoặc do nghe người khác mà biết.

Trùng: Kể cả những loại bé nhỏ nhất mà có mạng sống đều gọi là trùng .

Nước: Gồm có mười loại như trên đã nói .

Cỏ: Chỉ các loại cỏ tranh, cỏ gai .v.v.

Bùn (mùn): Chất mục nát của cỏ, của rác hoặc phân voi, phân ngựa, phân bò .v.v.

Tưới: Hoặc tự mình tưới hoặc sai người khác tưới, đều phạm Ba dạ đề như trên đã nói .

Nếu Tỷ kheo biết trong nước có trùng mà đem tưới rồi dừng lại, thì phạm một tội Ba dạ đề, tùy theo dừng lại nhiều ít, cứ mỗi lần dừng thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu sai người khác tưới, thì một lần bảo phạm một tội Ba dạ đề. Nếu lại nhắc nhở: “Hãy tưới nhanh nhanh lên”, thì mỗi lần nhắc phạm một tội Ba dạ đề. Nếu Tỷ kheo làm phòng xá, nhà sưởi ấm cần đến nước, thì có thể lấy nước hồ, nước sông, nước giếng đem lọc đựng vào trong thùng xem kỹ mà không thấy có trùng thì mới dùng. Nếu vẫn còn trùng thì phải dùng đãy lọc lại rồi xem kỹ, nhưng nếu vẫn còn trùng thì lọc đi lọc lại ba lần. Tuy thế, nếu chưa hết trùng thì phải đào giếng khác, rồi tuần tự lọc và xem như trước, nếu vẫn có trùng thì bỏ nơi này mà đi đến chỗ khác. Phương pháp lọc nước phải trồng ba cây trụ cứng rồi dùng dây buộc vào các đầu trụ bên trên cột đãy lọc, ở dưới đặt thùng hứng nước. Nước đọng trong đãy lọc, ta đem đỗ đi thì nó lại chảy trỡ lại xuống giếng; trùng sinh ra không nhất định, hoặc trước không có bây giờ mới có, hoặc bây giờ có mà sau này thì không. Thế nên Tỷ kheo hằng ngày phải xem kỹ trong nước không có trùng mới được dùng. Nếu Tỷ kheo biết trong nước có trùng mà tự mình đem tưới trên cỏ, trên đất mùn, hoặc sai người khác đem tưới, thì phạm Ba dạ đề. Nếu đem nước có trùng đưa cho Hòa Thượng, A xà lê tắm rửa, cũng phạm Ba dạ đề. Nếu dùng nước rửa chén, rửa cơm thừa canh cặn, các thứ tương chao có trùng trong đó đem tưới trên cỏ trên đất bùn, thì phạm tội Ba dạ đề. Thế nên nói (như trên).

20. GIỚI: LỢP NHÀ QUÁ 3 LỚP.

Khi Phật an trú tại Câu Diệm Di, nói rộng như trên, lúc ấy tôn giả Xiển Đà đi khuyến hóa [345b] về làm phòng. Xiển Đà gom góp các vật dụng lợp nhà như cỏ cây, tre v.v. xong xuôi, rồi đi đến thợ lợp nhà nói: “Tôi đã chuẩn bị các vật dụng lợp nhà xong rồi, nhờ ông hãy đến lợp nhà giúp cho”. Người thợ lợp nhà nói: “Thưa thầy, thầy hãy cho tôi ăn cơm và trả tiền công cho tôi”.

Khi ấy, Xiển Đà tùy theo giá trị đồng ý trả tiền công cho ông. Thế rồi ông ta đi tới chỗ lợp nhà, Xiển Đà chỉ cho ông xem những vật dụng để lợp nhà, ông nói: “Lợp nhà có ba trường hợp dày mỏng không giống nhau, vậy thầy muốn lợp theo cách nào?”.

Xiển Đà nói: “Ông cứ tùy theo ba mức độ dày mỏng đó mà dùng hết loại cỏ này để lợp”.

Thợ lợp nói: “Tất cả các việc ở đời đều có chừng mực nhất định, làm đúng chừng mực thì người đời mới khen ngợi”. Xiển Đà nói: “Ông cứ việc lợp hết lên, cần chi phải nói nhiều lời”.

Thợ lợp theo lời chỉ bảo dùng hết cỏ để lợp lên. Vì cỏ nhiều, dày nên buộc không chặt do thế vừa mưa xuống liền sút sổ ra hết, giống như hoa nở mà bị cơn mưa suốt đêm tàn phá. Cho nên y bát bị ướt hết cả. Bởi thế, sáng sớm hôm sau, Xiển Đà tới nhà thợ lợp nói: “Vì sao ông lợp nhà cho tôi lại để xảy ra sự cố như thế?”.

Thợ lợp hỏi: “Sự cố gì?”.

Xiển Đà nói: “Bị mưa suốt đêm khiến y bát của tôi ướt cả”.

Thợ lợp nói: “Lúc đầu tôi đã không bảo với thầy rằng lợp nhà có ba trường hợp dày mỏng khác nhau là gì? Thế mà thầy lại bảo cứ lợp hết cả lên”.

Xiển Đà nói: “Ông phải lợp lại cho tôi”.

Thợ lợp nói: “Thầy phải cho tôi ăn và trả tiền công cho tôi”.

-Tiền công ông đã nhận trước rồi .

-Tiền nhận trước thì đã làm việc trước xong rồi. Nếu thầy muốn làm lại thì phải trả gấp ba lần giá trước kia .

Thế nhưng Xiển Đà ỷ thế lực của vua chúa, bắt buộc thợ lợp phải lợp lại mà không chịu trả tiền. Thầy đi xung quanh nhà thợ lợp đay nghiến, trách móc.

Lúc ấy, có người đi qua đó, thợ lợp bèn phân bua với họ: “Các vị hãy xem ông Sa môn con dòng họ Thích này ỷ thế lực của vua chúa bắt buộc tôi phải làm việc mà không trả tiền công”.

Những người đi đường liền chê trách: “Vì sao con nhà họ Thích ỷ thế lực của vua chúa bắt người ta phải làm việc mà không trả tiền công, thật là điều không thể chấp nhận. Lại còn đi quanh nhà người ta giống như con ngựa dẫm đạp tàn phá cỏ tươi. Đây là kẻ bại hoại chứ nào có đạo hạnh gì!”.

Các Tỷ kheo liền đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Phật bảo họ đi gọi Xiển Đà đến. Khi thầy tới rồi Phật bèn hỏi: “Ông có việc đó thật chăng?”.

– Có thật như vậy .

– Đó là việc ác, phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại Câu Diệm Di phải tập họp lại tất cả [345c] vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu tỷ kheo nào làm phòng lớn có cửa lớn cửa sổ thì nên làm tại chỗ ít cỏ mọc và chỉ bảo người ta lợp ba lớp là vừa, nếu lợp quá ba lớp thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích:

Làm: Hoặc tự làm, hoặc sai người khác làm.

Lớn: Quá mức qui định .

Phòng: Đức Thế Tôn đã cho phép .

Cửa lớn: Chỗ người ta ra vào thông thoáng.

Cửa sổ: Chỗ để ánh sáng chiếu vào .

Chỉ bảo: Sai bảo chỉ vẽ .

Lợp: Có mười cách: Hoặc bằng cỏ, hoặc bằng đất dẻo, hoặc bằng ván, hoặc bằng xi măng ; hoặc lợp theo cách của nước A Bàn Đầu ; theo cách của nước Ma Kiệt Đề; theo cách của nước Câu Diệm Di ; theo cách của Sơn Quốc ; theo cách của nước Cung Kính ; theo cách của nước Tàng Ngữ. Đó là mười cách lợp .

Ba lớp: Tối đa là ba lớp chứ không phải 5, 6 lớp.

Chỗ đất ít cỏ: Chỗ đất mà cỏ ít sinh trưởng.

Ba dạ đề: như trên đã nói .

Khi đi thuê người lợp nhà định giá cả thì phải căn cứ theo thời giá, không được cao hay thấp, và nên nói với người thợ lợp: “Nếu ông lợp được như thế, thì tôi sẽ trả cho ông giá như thế. Nếu ông không lợp được như thế thì tôi sẽ không trả cho ông giá như thế”, cần phải yêu cầu rõ ràng như vậy.

Khi đã đặt điều kiện xong, Tỷ kheo liền suy nghĩ: “Ta hãy dùng phương tiện đem cỏ cây, tre tới chỗ anh ta, để anh ta trông thấy mà lợp nhanh và đẹp”, thì người thợ lợp khi thấy rồi, dù làm đẹp hay không đẹp, Tỷ kheo đều phạm tội Ba dạ đề. Hoặc là dùng phương tiện muốn cho người lợp nhà trông thấy mình, thầy bèn đi đến Hòa Thượng, A xà lê đảnh lễ hoặc nghe kinh, hoặc đi kinh hành hoặc vào thôn xóm, với suy nghĩ: “Mong người thợ lợp trông thấy mình để anh ta sẽ lợp nhanh và đẹp”, thì khi thợ lợp trông thấy, dù có lợp đẹp hay không đẹp, Tỷ kheo này đều phạm Ba dạ đề. Nghĩa là dùng bất cứ phương tiện nào với dụng tâm như vậy, đều phạm Ba dạ đề. Nếu không có ý đồ dùng phương tiện mà chỉ đến xem anh ta lợp có nhanh và đẹp hay không, thì vô tội. Thế nên nói:

“Chủng tử và nói khác
Hiềm trách ngồi chỗ trống
Trải đồ đuổi người ra Trải đồ trước trên gác
Nước trùng, làm phòng lớn
Phần hai Bạt cừ xong”.

21. GIỚI: TỰ ĐI DẠY NI.

Khi Phật an trú tại Thành Xá vệ, nói rộng như trên ; bấy giờ các trưởng lão Tỷ kheo theo thứ tự đi giáo giới Tỷ kheo ni, nhưng Nan Đà và Ưu Ba Nan Đà không được sắp xếp theo thứ tự giáo giới, nên tự bảo nhau: “Các trưởng lão Tỷ kheo đều được sắp xếp theo thứ tự đi giáo giới Tỷ kheo ni, còn chúng ta thì không được theo thứ tự đi giáo giới; Vậy nay chúng ta hãy tự đi giáo giới trước”. Họ bèn suy nghĩ: “Ta phải theo thứ tự trước ai đây? Đại Mục Kiền Liên chăng? Nhưng tôn giả ấy có đại thần lực, lỡ có điều gì thất thố thì ông ta sẽ xách chúng ta ném đến một thế giới xa xôi khác mất. Vậy chúng ta nên theo thứ tự trước tôn giả Đại Ca Diếp [346a] mà đi. Nhưng tôn giả ấy có đại uy đức, nếu ta có điều gì không hợp lý thì ông ta có thể làm nhục chúng ta giữa đại chúng. Chỉ có tôn giả Xá Lợi Phất là nhu nhuyến hòa nhã, vậy ta hãy theo thứ tự của ông ấy”. Suy nghĩ thế rồi, họ bèn theo thứ tự, sớm tinh sương, khoác y đi đến trước tinh xá của Tỷ kheo ni, nói như sau: “Các chị em hãy tập trung lại trong sự hòa hợp, chúng tôi đến để giáo giới đây”.

Bấy giờ, các Tỷ kheo ni bèn tập họp Ni chúng (để nghe giáo giới). Tỷ kheo Nan Đà này vốn đa văn, có biện tài, khéo thuyết pháp, liền tùy nghi thuyết pháp cho chúng Tỷ kheo ni.

Khi ấy, tôn giả Xá Lợi Phất đến giờ đi giáo giới bèn khoác y, đi đến trước cổng tinh xá của Tỷ kheo ni, đứng lại đó, thì nghe tiếng thuyết pháp. Lúc này các Tỷ kheo ni từ xa trông thấy tôn giả Xá Lợi Phất, nhưng vì tôn kính pháp nên không ra cửa đón tiếp. Tôn giả Xá Lợi Phất thấy sự kiện như thế liền suy nghĩ : “Nay ta không nên làm gián đoạn thời thuyết pháp”, bèn trở về, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi Xá Lợi Phất: “Ông đã giáo giới Tỷ kheo ni xong rồi sao?”.

– Không giáo giới, bạch Thế Tôn.

– Vì sao thế?

Xá Lợi Phất bèn đem nhân duyên trên bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật liền bảo đi gọi Nan Đà, Ưu Ba Nan Đà đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:

– Các ông có việc đó thật chăng?

– Có thật như vậy bạch Thế Tôn .

Vì sao Tăng không sai mà các ông đi giáo giới Tỷ kheo ni? Đó là điều phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo sống tại Thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo không được Tăng sai mà đi giáo giới Tỷ kheo ni thì phạm Ba dạ đề”.

22. GIỚI: GIÁO GIỚI NI CHO ĐẾN TRỜI TỐI.

Khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên, bấy giờ các trưởng lão Tỷ kheo theo thứ tự đi giáo giới Tỷ kheo ni, nhưng tôn giả Nan Đà đến phiên mình đi giáo giới mà không chịu đi, khiến Tỷ kheo ni Đại Ái Đại Kiều Đàm Di, đi đến chỗ Phật cuối đầu đảnh lễ chân Phật rồi bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Tôn giả Nan Đà theo thứ tự đi giáo giới [346b] Tỷ kheo ni mà không chịu đi, vậy thì ai là người nên đi đây?”. Nói thế xong, bà cuối đầu đảnh lễ chân Phật rồi ra đi .

Phật liền bảo một Tỷ kheo đi gọi Nan Đà đến. Khi thầy tới rồi, Phật bèn hỏi: “Đến phiên ông phải đi giáo giới Tỷ kheo ni, mà vì sao không đi?”.

– Bạch Thế Tôn! Vì con chưa được Tăng làm yết ma cử đi, do thế mà không đi.

Phật liền nói với các Tỷ kheo: “Người nào thành tựu mười hai việc thì Tăng nên cử đi giáo giới Tỷ kheo ni”. Thế nào là mười hai việc? Đó là:

Trì giới thanh tịnh .
Học nhiều A tì đàm .
Am tường tì ni.
Học giới .
Học định .
Học tuệ.
Có thể đoạn trừ ác kiến, tà kiến cho kẻ khác .
Tự mình giữ giới tinh nghiêm lại có thể làm gương cho người khác .
Rành ngôn ngữ lý luận
Không làm hoen ố phạm hạnh .
Không hỷ hoại trọng giới của Tỷ kheo ni.
Đủ hai mươi hạ lạp, hoặc hơn hai mươi hạ lạp.

Đó là mười hai pháp.

Người làm yết ma nên tác bạch (đề cử) như sau:

– Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tôn giả Nan Đà thành tựu mười hai pháp, nay Tăng sai Nan Đà giáo giới Tỷ kheo ni, các đại đức nào bằng lòng Nan Đà giáo giới Tỷ kheo ni thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói.

Tăng đã bằng lòng sai Nan Đà giáo giới Tỷ kheo ni, vì Tăng đã im lặng. Vậy việc ấy cứ như thế mà thi hành.

Thế rồi, tôn giả Nan Đà tới đó thuyết pháp cho các Tỷ kheo ni kéo dài đến lúc mặt trời lặn, các Tỷ kheo ni mới vội vả trở về lại trong thành, khiến người đời trông thấy thế, chê trách rằng: “Sa môn Thích tử dẫn Tỷ kheo ni này đi mua vui cho đến mặt trời lặn mới trở về. Khá thương thay cho thân phận nữ nhi không được tự tại! Đến như thế thì thật là những kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!”.

Các Tỷ kheo nghe thế, bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo đi gọi Nan Đà đến. Khi thầy đến rồi, Phật bèn hỏi: “Ông có việc đó thật chăng?”.

– Có thật như vậy bạch Thế Tôn .

– Đó là việc xấu, phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo được Tăng sai đi giáo giới Tỷ kheo ni mà ở lại từ lúc mặt trời lặn cho đến bình minh chưa xuất hiện, thì phạm tội Ba dạ đề”.

Giải thích:

Tăng sai: Người thành tựu mười hai pháp. Tăng chúng thành tựu, tác bạch thành tựu và yết ma thành tựu .

Giáo giới [346c]: Hoặc là dạy về A tì đàm (luận), hoặc là dạy về tì ni (luật) .

Trời tối: Từ lúc mặt trời lặn cho đến khi ánh sáng mặt trời chưa xuất hiện.

Ba dạ đề: Như đã nói trên

Mặt trời đã lặn mà tưởng là mặt trời chưa lặn cứ việc giáo giới thì phạm tội Việt tì ni.

Mặt trời chưa lặn mà tưởng là mặt trời đã lặn cũng phạm tội Việt tì ni.

Mặt trời đã lặn mà tưởng là mặt trời đã lặn (nhưng vẫn tiếp tục giáo giới) thì phạm tội Ba dạ đề.

Mặt trời chưa lặn mà tưởng chưa lặn thì không có tội.

Minh tướng (Ánh sáng bình minh) trong bốn trường hợp cũng như vậy.

Tỷ kheo ni mà tưởng là Thức xoa ma ni rồi giáo giới họ thì phạm tội Ba dạ đề.

Thức xoa ma ni mà tưởng là Tỷ kheo ni, rồi giáo giới thì phạm tội Việt tì ni.

Thức xoa ma ni mà tưởng là thức xoa ma ni rồi giáo giới, thì không có tội.

Tỷ kheo ni mà tưởng là Tỷ kheo ni rồi giáo giới (đến tối), thì phạm tội Ba dạ đề.

Sa di ni, nữ ngoại đạo xuất gia, Ưu bà di, trong bốn trường hợp, cũng như vậy.

Nếu Tỷ kheo ni ban đêm đảnh lễ dưới chân Tỷ kheo, rồi Tỷ kheo nói: “Mong hết khổ được giải thoát”, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu nói: “Lành thay, cô đến đây”, thì không có tội.

Nếu trong đêm bốn bộ chúng tập họp để nghe pháp mà Tỷ kheo có dụng ý muốn thuyết pháp riêng cho Tỷ kheo ni rồi nói về các kinh Đại ái đạo xuất gia, Kinh Hắc cù đàm di, Kinh pháp dự Tỷ kheo ni thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu lâu nay chỉ đọc các kinh này, không biết các kinh khác rồi theo thứ tự mà đọc, thì không có tội.

Nếu ban đêm Tỷ kheo ngồi trên tòa cao thuyết pháp mà nói như sau: “Tất cả hội chúng ngồi lắng nghe cho rõ”, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu không nói như thế mà chỉ lo thuyết pháp thì không có tội. Thế nên nói (như trrên) .

23. GIỚI: KHÔNG BẠCH TỈ-KHEO KHÁC TẠI CHÙA NI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các trưởng lão Tỷ kheo theo thứ tự đi giáo giới Tỷ kheo ni, nhóm sáu Tỷ kheo liền suy nghĩ: “Các trưởng lão Tỷ kheo theo thứ tự đi giáo giới Tỷ kheo ni, nhưng chúng ta thì không được đi. Vậy ta hãy đi trước đến giáo giới Tỷ kheo ni”. Lúc ấy có người nói: “Đức Thế Tôn chế giới: Tăng không sai thì không được giáo giới Tỷ kheo ni”.

Nhóm sáu Tỷ kheo nói: “Chúng tôi biết làm pháp yết ma”, bèn đem nhau ra khỏi cương giới làm pháp yết ma đề cử nhau theo thứ tự, rồi đi đến tinh xá Tỷ kheo ni, nói như sau: “Này các chị em hãy tập trung ni chúng lại trong sự hòa hợp để tôi dạy bảo”.

Lúc ấy nhóm sáu Tỷ kheo ni liền nhanh chóng tập họp lại, nhưng trong ni chúng có người biết pháp nói như sau: “Ai mà chịu nhận sự giáo giới của các kẻ làm trái giới luật”. Thế rồi nhóm sáu Tỷ kheo ni bèn tự ý tập họp lại bàn chuyện thế tục, xong rồi liền giải tán.

Khi đến giờ đi giáo giới, tôn giả Nan Đà bèn khoác y, đi đến tinh xá Tỷ kheo ni, nói như sau: “Các Tỷ kheo ni hãy tập họp hết lại, tôi sẽ giáo giới”. Lúc ấy các thiện Tỷ kheo ni liền tập trung lại trong sự hòa hợp, nhưng [347a] nhóm sáu Tỷ kheo ni thì không đến. Nan Đà bèn hỏi: “Chúng Tỷ kheo ni đã hòa hợp chưa?”.

– Chưa .

– Ai không đến?

– Nhóm sáu Tỷ kheo ni không đến.

Ni chúng cho sứ giả đi gọi, nhưng họ vẫn không đến, mà còn nói như sau: “Trước đây chúng tôi đã nhận sự dạy bảo của nhóm sáu Tỷ kheo rồi”.

Nan Đà nói: “Ni chúng không hòa hợp thì không được giáo giới”. Nói xong liền trở về tinh xá, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: “Ông đã giáo giới Tỷ kheo ni xong rồi sao?”. Nan Đà bèn đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn . Phật liền bảo đi gọi nhóm sáu Tỷ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi lại sự việc trên: “Các ông có việc đó thật chăng?”.

– Có thật bạch Thế Tôn .

– Này nhóm sáu Tỷ kheo! Vì sao Tăng không sai mà giáo giới Tỷ kheo ni?

– Chúng con đã nhận sự sai bảo xong rồi.

– Này những kẻ ngu si! Ai sai bảo các ông?

– Chúng con ra ngoài đại giới (làm yết ma) tự sai (đề cử) lẫn nhau .

– Từ nay trở đi ta không cho phép ra ngoài đại giới (làm yết ma) sai bảo nhau đi đến tinh xá Tỷ kheo ni.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, Đại Ái Đạo Cù Đàm Di lâm bệnh, tôn giả A Nan đến viếng thăm, hỏi rằng: “Thân thể thế nào, bệnh có giảm không? Không tăng thêm đấy chứ?”.

– Thưa tôn giả, bệnh hoạn khổ sở không thuyên giảm; lành thay mong tôn giả hãy thuyết pháp cho tôi nghe.

– Đức Thế Tôn chế giới: không bạch với các Tỷ kheo trong đại giới thì không được thuyết pháp cho Tỷ kheo ni.

– Hòa nam (mô Phật).

– Mong ni sư được an ổn .

Nói thế xong, tôn giả liền trở về, đến thẳng chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi A nan. A nan bèn đem sự việc kể trên bạch đầy đủ với Thế Tôn.

Phật nói: “Nếu ông thuyết pháp cho bà ấy nghe thì bệnh của bà ấy sẽ bớt, thân thể sẽ được an lạc. Từ nay về sau Ta cho phép thuyết pháp cho Tỷ kheo ni đang lâm bệnh”. Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại Thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo đến trú sứ của Tỷ kheo ni, muốn giáo giới, thấy có Tỷ kheo khác mà không bạch – ngoại trừ lúc khác – thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích:

Lúc khác: Tức là lúc lâm bệnh .

Giáo: Dạy bảo .

Có Tỷ kheo: Tỷ kheo đang có mặt tại trú xứ đó không phải Tỷ kheo quen biết .

Không bạch: Nếu nói: “Tôi vào thôn xóm phi thời”, hoặc nói: “Tôi rời bỏ người cùng ăn chung (?)”, thì không gọi là bạch .

Bạch: Phải nói như thế này: “Xin trưởng lão ghi nhớ cho, tôi vào tinh xá Tỷ kheo ni để giáo giới”. Người kia nên đáp: “Chớ phóng dật”.

Trừ lúc khác (347b): Lúc khác là lúc Tỷ kheo ni bị bệnh, thì Thế Tôn cho phép giáo giới mà không có tội

Ba dạ đề: Như trên đã nói .

Nếu hai Tỷ kheo đang sống tại nơi hoang vắng mà một người muốn vào tinh xá Tỷ kheo ni thì phải bạch với người thứ hai như sau: “Xin trưởng lão ghi nhớ cho, tôi vào tinh xá Tỷ kheo ni để giáo giới”. Người kia nên nói: “Chớ phóng dật”. Người nọ đáp: “Xin cúi đầu vâng lời”.

Nếu cả hai người muốn đi thì nên bạch với nhau rồi mới đi. Nếu một người đi rồi, người còn lại muốn đi thì suy nghĩ thế này: “Nếu đi giữa đường gặp Tỷ kheo, tôi sẽ bạch, hoặc vào thôn xóm thấy Tỷ kheo tôi sẽ bạch”. Khi tới cổng tinh xá Tỷ kheo ni, không nên vào liền, mà nên hỏi xem có Tỷ kheo trong đó hay không đã. Nếu có thì mời họ ra tác bạch, bạch xong rồi mới vào. Nếu không bạch mà bước một chân vào khỏi cổng thì phạm tội Việt tì ni. Nếu cả hai chân đã vào khỏi cổng thì phạm tội Ba dạ đề.

Nếu Tỷ kheo ni mời Tỷ kheo đến thọ trai, thì vị Thượng tọa trong chúng nên bạch như sau: “Vào trú xứ Tỷ kheo ni để giáo giới”. Nếu Thượng tọa đệ nhất không rành đối đáp, thì đệ nhị Thượng tọa nên bạch. Nếu chư Tăng đã vào ngồi (tại trú của ni), rồi Tỷ kheo ni đến hỏi việc này việc khác, mà trong chúng có Tỷ kheo trẻ có biện tài đối đáp, thuyết pháp ngay khi ấy, thì không có tội.

Nếu Tỷ kheo, Tỷ kheo ni ở hai phòng gần nhau, rồi Tỷ kheo tán tụng nho nhỏ mà Tỷ kheo ni cách tường nghe được bèn hỏi: “Tôn giả nào tán tụng vậy?”.

– Tôi tán đấy .

– Tôn giả tán tụng hay thật .

– Cô muốn nghe lại không?

– Muốn nghe .

Thế rồi, Tỷ kheo liền tán tụng, thì phạm tội Ba dạ đề.

Nhưng nếu Tỷ kheo ni bị bệnh mà Tỷ kheo tán tụng (kinh chú) thì không có tội. Nếu Tỷ kheo ni ấy chết, rồi đệ tử của Tỷ kheo ni bảo Tỷ kheo rằng thầy mình đã chết, thì Tỷ kheo nên dừng lại .

Nếu tán tụng về lý vô thường cho cô ấy thì phạm Ba dạ đề.

Nếu Tỷ kheo ni đảnh lễ dưới chân Tỷ kheo rồi Tỷ kheo chú nguyện rằng: “Mong cô dứt hết đau khổ,được giải thoát”, thì phạm tội Ba dạ đề; chỉ nên nói: “Lành thay cô đã đến!”. Thế nên nói (như trên).

24. GIỚI: PHỈ BÁNG VỊ GIÁO THỌ NI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, nhóm sáu Tỷ kheo khoác y, ra đứng trước cửa tinh xá Kỳ hoàn từ tờ mờ sáng, bỗng thấy Tỷ kheo đi giáo giới Tỷ kheo ni ra cửa. Nhóm sáu Tỷ kheo trông thấy thầy ấy liền nói như sau: “Các ông nay vào trong thành tha hồ buông thả các căn, chỉ vì thích ăn uống mà đi chứ chẳng có lý do nào khác”. Khi ấy Tỷ kheo đi giáo giới này lấy làm xấu hổ. Các Tỷ kheo nghe thế, liền đem sự kiện ấy đến bạch với Thế Tôn [347c]. Phật bèn bảo họ đi gọi nhóm sáu Tỷ kheo đến. Khi nhóm sáu Tỷ kheo đến rồi, Phật liền hỏi: “Các ông có việc đó thật chăng?”.

– Có thật như vậy bạch Thế Tôn .

– Đó là việc xấu, phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy ; không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo nói với Tỷ kheo khác rằng: “Trưởng lão vì thức ăn mà giáo giới Tỷ kheo ni”, thì phạm tội Ba dạ đề”.

Giải thích

Thức ăn: Như bún, bánh, cơm, thịt, cá lại có thức ăn khác gọi là: sắc, thanh, hương, vị, xúc .

Giáo giới: Như trên đã nói .

Ba dạ đề: Như trên đã nói .

Nếu Tỷ kheo nói với Tỷ kheo khác rằng: “Nay thầy vì việc ăn uống mà đi giáo giới Tỷ kheo ni”, thì phạm tội Ba dạ đề.

Nếu nói: “Thầy vì thuốc men mà đi giáo giới Tỷ kheo ni”, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu Tỷ kheo nói với các Tỷ kheo ni như sau: “Thầy Tỷ kheo kia vì việc ăn uống mà giáo giới các cô đó”, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu Tỷ kheo nói với các Tỷ kheo ni như sau: “Thầy Tỷ kheo kia vì thuốc men mà giáo giới các cô đó”, thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối .

Nếu Tỷ kheo nói với Tỷ kheo khác: “Thầy vì việc ăn uống mà đi giáo giới Thức xoa ma ni, Sa di ni”, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu nói: “Vì việc thuốc men mà đi giáo giới”, thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối .

Cũng thế, cho đến đối với Ưu bà tắc, Ưu bà di mà nói rằng: “Thầy ấy vì sự ăn uống mà giáo giới các người đó”, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu nói: “Thầy ấy vì thuốc men mà giáo giới các người đó”, thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên) .

25. GIỚI: NGỒI VỚI NI Ở CHỖ KHUẤT.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ nói rộng như trên, bấy giờ Tỷ kheo ni Thiện sinh – vốn là vợ cũ của tôn giả Ưu Đà Di – nói với tôn giả Ưu Đà Di rằng: “Ngày mai đến phiên tôi sẽ nhận được phòng ở, thầy có thể đến để chúng ta cùng nói chuyện”. Thế rồi, sáng hôm sau, trong khi các Tỷ kheo ni vào xóm làng khất thực thì Ưu Đà Di đi đến phòng của Tỷ kheo ni Thiện Sinh, ngồi xoài chân ra tại chỗ khuất, kề cận nhau nói chuyện, khiến dục tâm phát sinh, nam căn khởi lên, rồi họ nhìn chăm chú vào nó. Bất thần có một Tỷ kheo ni già bệnh, từ trong phòng đi ra, trông thấy cảnh tượng ấy lấy làm hổ thẹn, liền trở về phòng. Đoạn bà đem việc ấy thuật lại với các Tỷ kheo ni. Các Tỷ kheo ni bèn khiển trách Tỷ kheo ni Thiện Sinh: “Cô là người xuất gia, vì sao lại làm việc phi pháp như vậy? thật là đáng xấu hổ!’.

Tỷ kheo ni Thiện sanh liền nổi sân lên, nói: “Kỳ quái thay! Kỳ quái thay! Đó là Tỷ kheo thân tình với tôi [348a] thường thường đến thăm tôi, nếu tôi không tiếp chuyện vui vẻ thì ai làm việc đó? Đó là phép nhà của tôi, có gì mà lấy làm lạ!”. Hễ các Tỷ kheo ni cật vấn đến đâu thì Tỷ kheo ni Thiện Sinh – vì có tài biện luận – trả lời đến đó. Các Tỷ kheo ni bèn đem việc ấy bạch với Đại Ái Đạo, Đại Ái Đạo liền bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Ưu Đà Di đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi: “Ông có việc đó thật căng?”.

– Có thật như vậy bạch Thế Tôn .

– Đó là việc xấu . Ông không từng nghe ta dùng vô lượng phương tiện ca ngợi phạm hạnh, chê trách dâm dục hay sao? Vì sao ông lại làm một việc xấu bất thiện như thế? Đó là điều phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại Thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo ngồi một mình với một Tỷ kheo ni tại chỗ vắng vẻ, trống trải thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích

Một mình: Một Tỷ kheo ngồi với một Tỷ kheo ni, dù cho có người khác mà người này cuồng si điên loạn, hoặc đang ngủ, hoặc là loài phi nhân, súc sinh, thì tuy có những đối tượng như thế cũng được xem như không có người thứ ba.

Chỗ vắng vẻ: Tức nơi hoang vắng.

Ngồi: (hai người) cùng ngồi.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu Tỷ kheo ni mời một Tỷ kheo đến thọ trai, rồi một Tỷ kheo ni cùng ngồi với một Tỷ kheo, một Tỷ kheo ni khác đi lại tiếp thức ăn, thì cứ mỗi lần Tỷ kheo ni tiếp thức ăn đi khỏi, Tỷ kheo phạm một tội Ba dạ đề. Nếu Tỷ kheo ni ngồi thì khi ấy Tỷ kheo nên đứng dậy, nhưng không được im lặng đứng dậy khiến cho Tỷ kheo ni nghi ngờ mình định làm điều phi pháp mà nên nói: “Tôi muốn đứng dậy”. Nếu Tỷ kheo ni hỏi: “Vì sao đứng dậy?”, thì nên đáp: “Đức Thế Tôn chế giới Tỷ kheo không được ngồi với Tỷ kheo ni”. Nếu Tỷ kheo ni nói: “Tôn giả cứ ngồi tôi sẽ đứng dậy”. Thì khi ấy Tỷ kheo ngồi lại không có tội.

Thậm chí nếu Tỷ kheo cùng ngồi với Sa di ni tại các chỗ như trên gác, dọc đường trên tấm ván, trên giày, hễ cứ mỗi lần Sa di ni di chuyển chỗ khác mà Tỷ kheo di chuyển theo thì phạm một tội Ba dạ đề. Hoặc giả Sa di ni dưới bảy tuổi đi nữa, thì Tỷ kheo cũng phạm tội Ba dạ đề.

Tỷ kheo ngồi một mình với Tỷ kheo ni ở chỗ khuất thì phạm Ba dạ đề. (ý này ở trên đã nói rồi).

Tóm lại, nếu Tỷ kheo ngồi một mình với một Tỷ kheo ni tại tinh xá mà cửa hướng ra đường, và ngoài đường người qua lại không gián đoạn ; hoặc giả ngồi tại chỗ che khuất không trống trải, ngồi gần nhau chứ không xa, ngồi với một người chứ không phải với nhiều người, không kể ngày hay đêm, thì tất cả giống như giới: “thuyết pháp cho phụ nữ”đã nói rõ ở trước. Thế nên nói (như trên).

26. GIỚI: HẸN ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI NI.

[248b] Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên ; bấy giờ nhóm sáu Tỷ kheo cùng đi chung với nhóm sáu Tỷ kheo ni trên dọc đường, thì trời vừa chạng vạng nên họ ngồi lại bên một hồ nước định tìm chỗ tạm trú . Khi ấy, Tỷ kheo ni bạch với nhóm sáu Tỷ kheo: “Các tôn giả hãy ngối đây để con vào trong xóm tìm chỗ tạm trú”, nói xong, liền vào xóm tìm chỗ để nghỉ, thì được chủ nhà bằng lòng cho nghỉ tạm. Do thế, Tỷ kheo ni bèn trở ra thưa với nhóm sáu Tỷ kheo: “Thưa các tôn giả, con đã xin được chỗ trú chân rồi, chúng ta cùng vào để nghỉ ngơi”. Khi các Tỷ kheo vào an trú xong, cô lại bạch: “Thưa các tôn giả con định vào trong thôn khuyến hóa thức ăn cho buổi sáng mai”. Thế rồi cô vào nhà có phụ nữ nói với họ: “Hai chúng phạm hạnh Tỷ kheo, Tỷ kheo ni đều đã đến đây, các vị hãy sắm sửa thức ăn cho buổi sớm mai, thức uống phi thời và dầu xoa chân”. Các phụ nữ nghe thế rồi, người thì chuẩn bị một phần cúng dường, kẻ thì sắm sửa hai phần cúng dường, ai nấy đều sửa soạn các thức cúng dường. (Sáng hôm sau, các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni) ăn uống no nê, thứ gì còn lại thì mang đi hết. Khi đi dọc đường, họ cùng nhau cười nói đùa giỡn, khiến cho dân chúng trông thấy thế đàm tiếu rằng: “Các vị hãy xem kìa! Sa môn Thích tử đều còn trẻ tuổi mà cùng nhau cạo đầu (nói cười với nhau) giống như bọn dâm nữ đùa cợt, thật là những kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!”.

Các Tỷ kheo nghe thế, liền đến bạch với Thế Tôn. Phật bảo gọi nhóm sáu Tỷ kheo đến. Khi họ đến rồi Phật liền hỏi: “Các ông có việc đó thật chăng?”

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn .

– Đó là việc xấu, phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy ; không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay trở đi ta không cho phép Tỷ kheo hẹn cùng đi chung đường với Tỷ kheo ni.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Tì Xá Ly nơi thành Xá Vệ, các Tỷ kheo an cư mùa hạ xong định đến thăm viếng Thế Tôn. Các Tỷ kheo ni nghe tin ấy bèn hỏi các Tỷ kheo: “Các đại đức định đi thăm viếng Thế Tôn, vậy ngày nào khởi hành?”. Các Tỷ kheo liền cho biết ngày khởi hành. Bản tính phụ nữ vốn nhiều tình cảm cho nên tính ngày rồi đi tới trước dọc đường dừng lại đợi các Tỷ kheo. Các Tỷ kheo thấy họ liền hỏi: “Các chị em định đi đâu đó?”. Họ đáp: “Định đến Kỳ Hoàn thăm viếng đức Thế Tôn”. Các Tỷ kheo nghe thế sợ (đi chung với họ) phạm giới, liền vội vã bỏ họ mà đi. Những Tỷ kheo ni còn trẻ liền quấn y lại tức tốc chạy theo sau, còn những Tỷ kheo ni già yếu vì theo không kịp chúng bạn nên bị bọn giặc cướp đoạt. Các Tỷ kheo ni bèn đem nhân duyên ấy đến bạch với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đứng hầu một bên, rồi đem sự kiện trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn . Đoạn bà than phiền: “Nếu các Tỷ kheo không giúp đỡ [348c] các Tỷ kheo ni thì ai giúp đỡ?”. Do thế, Phật dạy: “Từ nay về sau ta cho phép khi nào có sự nguy hiểm thì Tỷ kheo được đi chung đường với Tỷ kheo ni”. Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo với Tỷ kheo ni hẹn nhau cùng đi chung đường thì phạm Ba dạ đề ; ngoại trừ lúc khác”.

Giải thích:

Cùng hẹn nhau: Hoặc hôm nay, hoặc ngày mai, hoặc nửa tháng, hoặc một tháng .

Đường đi: Hoặc ba do tuần, hoặc hai do tuần, hoặc một do tuần, hoặc một câu lô xá .

Ngoại trừ lúc khác: Tức là lúc có sự nguy hiểm thì đức Thế Tôn cho phép .

Nguy hiểm: Có thể bị mất mạng trong khoảnh khắc, hoặc bị mất của cải, hoặc bị hủy hoại phạm hạnh. Tuy thật sự không có những việc ấy, nhưng nếu có nghi ngờ bị mất mạng trong giây lát, bị mất của hoặc bị hủy hoại phạm hạnh (thì Phật cũng châm chước) .

Ba dạ đề: Như trên đã nói .

Nếu Tỷ kheo cùng đi với một Tỷ kheo ni trên con đường trong phạm vi một thôn xóm, thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu cùng đi nơi vùng hoang dã không có xóm làng, trong phạm vi một câu lô xá, thì phạm một tội Ba dạ đề.

Nếu Tỷ kheo cùng với mẹ, chị, em đã xuất gia làm Tỷ kheo ni cùng đi theo hành khách trên một chiếc xe, khi hành khách dừng nghỉ rồi đi lại mà Tỷ kheo gọi Tỷ kheo ni như sau: “Hãy lại nhanh lên kẻo không kịp với hành khách”, thì phạm Ba dạ đề.

Nếu nói: “Đi đi chị em, chớ để lạc bạn bè”thì không có tội.

Nếu Tỷ kheo ni dừng lại dọc đường để nghỉ, rồi Tỷ kheo gọi: “Lại lại đây chị em”, đó gọi là kỳ hẹn. Nếu đã dở lên một chân thì phạm tội Việt tì ni. Nếu đã dở lên cả hai chân thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu nói: “Đi đi kẻo không theo kịp hành khách”, thì không có tội.

Nếu Tỷ kheo cùng đi đường với khách buôn, rồi khách buôn vào trong thôn xóm, Tỷ kheo không biết họ đi đâu bèn chạy tìm, bỗng gặp Tỷ kheo ni, liền hỏi: “Này chị em, chỉ đường giúp cho tôi với”, đó gọi là cùng kỳ hẹn. Nếu Tỷ kheo ni dở một chân bước tới thì phạm tội Việt tì ni. Nếu đã dở cả hai chân thì phạm tội Ba dạ đề. Trái lại, nếu nói: “Đi đi chỉ đường giùm cho tôi với”, thì không phạm tội.

Nếu đàn việt trong thôn mời Tỷ kheo đến thọ trai, mà Tỷ kheo không biết nhà họ ở đâu, bèn đi tìm, bỗng gặp Tỷ kheo ni, liền hỏi: “Cô có biết nhà đàn việt ở đâu không, chỉ chỗ cho tôi đến với?”. Đó gọi là kỳ hẹn. Nếu dở một chân thì phạm tội Việt tì ni. Nếu đã dở cả hai chân thì phạm tội Ba dạ đề. Trái lại, nếu nói: “Đi đi chị em, chỉ nhà đàn việt giúp tôi”, thì không có tội.

Nếu Tỷ kheo ni hẹn (với Tỷ kheo) mà không đến, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu không hẹn mà ngẫu nhiên đến, thì không có tội. Nếu cùng hẹn, cùng đến thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu không hẹn, không đến thì không có tội. Nếu cùng ra đi mà đến nơi khác nhau, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu xuất hành khác nhau mà đến cùng một chỗ, cũng phạm tội Việt tì ni. Nếu cùng phát xuất [349a], cùng đến một nơi, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu xuất hành khác chỗ, đến khác chỗ, thì không có tội. Thế nên nói (như trên).

27. GIỚI: HẸN ĐI CHUNG THUYỀN VỚI NI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, bấy giờ nhằm ngày cát tường, sáng sớm nam nữ tập trung, tại sông A-Kì-La để vui chơi, ăn uống ca hát. Hôm đó, nhóm sáu Tỷ kheo thức dậy từ rạng đông, khoác y, đi đến chỗ nhóm sáu Tỷ kheo ni, hỏi: “Hôm nay là ngày cát tường, các cô có thức ăn uống gì không, chúng ta hãy cùng nhau đến sông đó tham quan?” Nhóm sáu Tỷ kheo ni nói: “Chúng tôi đang chuẩn bị đây, đại đức hãy đi tìm xe thuyền đi”. Nhóm sáu Tỷ kheo liền đi tới vị quan giữ thuyền của vua mượn một chiếc thuyền đẹp và các thứ trang trí, rồi họ mang các thực phẩm để lên thuyền, cùng với các Tỷ kheo ni thuận theo dòng nước chèo đi, vui đùa bỡn cợt, khiến cho người đời chê trách rằng: “Các vị hãy xem kìa! Những Sa môn thích tử này phóng túng vô đạo, giống như người thế tục giao hoan với nhau. Đó là những kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!”.

Các Tỷ kheo nghe thế, liền đem sự việc ấy bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỷ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Các ông có việc đó thật chăng?”.

– Có thật như vậy bạch Thế Tôn.

– Đó là việc xấu. Từ nay không được hẹn ước với Tỷ kheo ni cùng đi chung thuyền.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ đàn việt ở bên kia bờ sông A-Kì-La mời hai bộ Tăng Tỷ kheo, Tỷ kheo ni thọ trai. Đến lúc qua sông, các Tỷ kheo không cho các Tỷ kheo ni lên thuyền, hoặc một người đi một chiếc, hoặc hai người một chiếc, mà không chở Tỷ kheo ni, nên ba, bốn chiếc thuyền rất nhẹ. Khi các Tỷ kheo qua sông rồi, mới chở Tỷ kheo ni, và lúc đưa Tỷ kheo ni đến chỗ thọ trai xong còn sắp xếp theo tuổi tác, nên mặt trời đã quá ngọ, do thế tất cả đều không được ăn. Đại Ái Đạo Cù đàm di cũng không ăn được. Bà liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: “Cù đàm di, vì sao tiều tụy quá thế?” Đại Ái Đạo liền đem sự kiện trên bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật bèn dạy: “Từ nay trở đi ta cho phép cùng qua đò”. Đoạn Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo hẹn ước với Tỷ kheo ni cùng đi chung thuyền xuôi hoặc ngược dòng sông, ngoại trừ đi đò ngang, thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích:

Hẹn ước: Như trên đã nói .

Trừ đi đò ngang: Đức Thế Tôn bảo là [349b] không có tội.

Ba dạ đề: Như trên đã nói .

Nếu Tỷ kheo với Tỷ kheo ni hẹn ước nhau cùng đi chung một chuyến xe đò, trải qua phạm vi một thôn, thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu đi qua vùng hoang dã không có xóm làng thì qua phạm vi một Câu lô xá, phạm một tội Ba dạ đề.

Nếu Tỷ kheo cùng Tỷ kheo ni đi chung một chuyến đò, khi đò dừng lại bên bờ sông, Tỷ kheo ni xuống thuyền đi đại tiểu, rồi khi thuyền khởi hành, Tỷ kheo gọi Tỷ kheo ni: “Này chị em hãy đến”, thì gọi là ước hẹn. Nếu Tỷ kheo dở lên một chân thì phạm tội Việt tì ni. Nếu dở hai chân thì phạm Ba dạ đề.

Nếu hai bên cùng ước hẹn mà không đến, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu không ước hẹn mà đến thì không có tội.

Nếu cùng hẹn ước và cùng đến, thì phạm tội Ba dạ đề.

Nếu không hẹn ước và không đến thì không có tội.

Bốn trường hợp sau cũng như trên . Thế nên nói (như trên).

28. GIỚI: ĐEM Y CHO NI KHÔNG PHẢI BÀ CON.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, bấy giờ, có một Tỷ kheo chưa có tuổi hạ, mặc chiếc y mới nhuộm đẹp đẽ, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ra đi. Trải qua bảy năm sau, thầy mặc một chiếc y cũ rách đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: “Này Tỷ kheo ngày trước ông chưa có tuổi hạ mà mặc một chiếc y mới nhuộm đẹp đẽ, nay vì sao lại mặc chiếc y cũ rách như thế?”.

Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn! Từ bảy năm nay hễ khi nào được y đẹp thì con đem cho Tỷ kheo ni”.

Thế rồi, Phật nói với các Tỷ kheo: “Giả sử một Tỷ kheo thân quyến mặc chiếc y cũ rách như thế, rồi đem một chiếc y đẹp cho Tỷ kheo ni thân quyến, thì Tỷ kheo ni có nên nhận không?”các Tỷ kheo đáp: “Không nên nhận”.

Phật lại hỏi các Tỷ kheo: “Giả sử một Tỷ kheo thân quyến mặc chiếc y cũ rách như thế, rồi đem một chiếc y đẹp cho Tỷ kheo ni thân quyến, thì Tỷ kheo ni có nên nhận không?”. Các Tỷ kheo đáp: “Không nên cho”.

Thế rồi, Phật dạy: “Từ hôm nay ta không cho phép Tỷ kheo đem y cho Tỷ kheo ni không phải bà con”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ có một Tỷ kheo từ phương Nam đến có nhiều y bát, thầy có người chị xuất gia, nên thầy nhờ tôn giả A Nan dẫn đến thăm chị mình. Tôn giả A Nan vốn tính tình dễ dãi liền đưa thầy đến trước cổng tinh xá của Tỷ kheo ni để hỏi thăm Tỷ kheo ni mỗ giáp ấy có trong đó hay không. Các Tỷ kheo ni liền hỏi lại: “Người gọi là ai vậy?”, thì được đáp rằng: “Tôi là Tỷ kheo A Nan và Tỷ kheo mỗ giáp”. Tỷ kheo ni nói: “Tôn giả hãy đợi một tí”. Thế rồi, họ trải giường nệm, đoạn mở cửa ra gọi: “Mời tôn giả vào”. Hai người cùng vào an tọa, rồi chuyện vãn thăm hỏi các Tỷ kheo ni, trong chốc lát liền cáo từ ra đi.

Khi ấy vị Tỷ kheo kia nói với tôn giả A Nan: “Tôi từ xa đến đây là để thăm chị tôi mà không thấy chị ra gặp tôi, không hiểu vì lẽ gì?”. Tôn giả A Nan vốn giỏi tướng pháp, nên nói với Tỷ kheo ấy: “Ông không hiểu vì ý gì mà chị ông không ra sao?”

– Không hiểu .

– Vì y phục của chị ông rách rưới, xấu xí nên hổ thẹn [349c] mà không ra. Ông có nhiều y vì sao không cho cô ấy?

– Vì đức Thế Tôn chế giới không được cho y cho Tỷ kheo ni.

– Ông hãy chờ đây để tôi đến xin Phật giúp cho ông.

Thế rồi, A Nan liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên, đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn, hỏi Phật có đồng ý cho phép Tỷ kheo cho y cho Tỷ kheo ni bà con hay không. Phật bèn dạy: “Từ nay về sau, Ta cho phép Tỷ kheo cho y cho Tỷ kheo ni bà con”. Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo cho y cho Tỷ kheo ni không phải bà con, ngoại trừ trao đổi, thì phạm tội Ba dạ đề”.

Giải thích: 

Y của Tỷ kheo ni bà con: Đều như trên đã nói .

Ngoại trừ trao đổi: Trường hợp này Thế Tôn bảo là vô tội.

Ba dạ đề: Như trên đã nói .

Ngoài ra như người lấy y của Tỷ kheo ni trong ba mươi điều trên kia đã nói. Thế nên nói (như trên).

29. GIỚI: MAY Y CHO NI KHÔNG PHẢI BÀ CON.

Khi Phật an trú tại Thành Xá vệ, nói rộng như trên, bấy giờ Tỷ kheo ni Thiện Sinh vốn là vợ cũ của tôn giả Ưu Đà Di đem vải đã cắt xong đến nhờ Ưu Đà Di may y. Ưu Đà Di liền nhận lấy đem may, khi may xong bèn thêu hình trai gái giao hợp vào đó rồi xếp lại bỏ vào trong hộp trao lại cho Tỷ kheo ni. Tỷ kheo ni này nhận được y liền đem về tinh xá, mở ra xem, thấy thế rất hoan hỷ, bèn đem khoe với các Tỷ kheo ni khác: “Các cô hãy xem này, tôn giả Ưu Đà Di có tài thêu thùa thật là khéo léo”.

Các Tỷ kheo ni nghe thế bèn chê trách rằng: “Đó là vật cần phải che giấu, vì sao lại chỉ cho người ta xem?”.

Các Tỷ kheo ni thấy vậy liền đến bạch với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Ưu Đà Di đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi: “Ông có làm việc đó thật chăng?”.

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Đó là việc xấu, phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo may y cho Tỷ kheo ni không phải bà con, phạm Ba dạ đề”.

Giải thích

Tỷ kheo ni không phải bà con: Như trên đã nói .

May y: Hoặc tự may hoặc sai người khác may đều phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã nói .

Hơn nữa, Tỷ kheo không được thêu y cho Tỷ kheo ni không phải bà con, nếu bắt đầu xỏ kim thì phạm tội Việt tì ni, khi thêu xong rút kim ra thì phạm tội Ba dạ đề. Hoặc sai người khác thêu cũng phạm tội như thế. Thế nên nói (như trên).

30. GIỚI: ĂN THỨC ĂN DO NI CA NGỢI 

[350a] Khi Phật an trú tại Thành Xá Vệ, nói rộng như trên, bấy giờ có đàn việt ban đêm đến mời các tôn giả Xá-Lợi-Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ly Bà Đa, Kiếp Tân Na, A Nhã Kiều Trần Như.v.v., chỉ có tôn giả Đại Ca Diếp vì không cho mời ban đêm, nên sáng sớm đến giờ khất thực bèn khoác y, cầm bát vào xóm làng tuần tự khất thực. Khi tôn giả đi đến cửa gia đình ấy, bà chủ nhà trông thấy rất hoan hỷ, liền bước đến cúi đầu đảnh lễ dưới chân tôn giả, rồi đứng qua một bên, bạch rằng: “Các đại đức nhận lời mời của gia đình con nên hôm nay tập trung về đây, kính xin tôn giả cũng nhận lời mời của con”.

Khi ấy tôn giả Ca-Diếp liền suy nghĩ: “Đây là gặp trực tiếp”, bèn nhận lời mời, rồi vào trong nhà ngồi, không đi đâu nữa . Bấy giờ, Tỷ kheo ni Thâu La Nan Đà khất thực ngang qua nhà ấy, trông thấy bà chủ nhà đang quét tước, soạn chén bát và các phẩm vật cúng dường, liền hỏi: “Ưu bà di, bà đang làm gì đấy?”.

Lúc ấy bà chủ nhà vì bận rộn các công việc nên không trả lời, đến nỗi cô hỏi đến lần thứ hai, thứ ba bà vẫn không đáp. Thâu La Nan Đà liền lên tiếng: “Nay bà thật là tự kiêu quá lắm, tôi hỏi mấy lần mà vẫn không đáp”.

Bà chủ liền trả lời: “Hôm nay tôi mời các đại đức Thanh Văn Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên.v.v., vì công việc túi bụi nên không thể trả lời”.

Thâu-La-Nan-Đà liền nói: “Những người bà chọn hôm nay, trong đàn voi không chọn những con voi lớn mà chọn những con voi nhỏ, trong đàn chim không chọn các con công mà chọn các con quạ già. Các con voi lớn đó là: Xiển-Đà, Ca-Lưu-Đà-Di, Tam-Văn-Đà-Đạt-Đa, Ma-Sẩn-Sa-Đạt-Đa, Mã-Sư, Mãn-Túc và thị giả A-Nan. Nếu bà nhờ tôi mời thì tôi sẽ mời giúp bà những đại đức như thế đó”.

Lúc ấy tôn giả Đại-Ca-Diếp đang ngồi trong nhà liền lên giọng đằng hắng. Thâu-La-Nan-Đà nghe tiếng liền hỏi bà chủ: “Đó là tiếng của ai vậy?”.

Bà chủ nhà đáp: “Đó là trưởng lão Đại-Ca-Diếp đấy”.

Tỷ kheo ni liền tán thán: “Bà được lợi ích rất lớn, vì đã mời được bậc đại long tượng như vậy, nếu tôi mời thì cũng sẽ mời trưởng lão ấy”.

Tôn giả Ca Diếp nghe lời nói ấy rồi lòng không vui, liền hỏi cô: “Này cô em, vừa rồi cô bảo đó là hạng voi nhỏ, quạ già, giờ sao nói long tượng đại đức? Nếu lời nói trước là chân thực, thì lời nói sau là hư dối. Nếu lời nói sau là chân thực thì lời nói trước là hư dối. Trong hai lời nói ấy lời nói nào trung thực?”

Vì Tôn giả Đại Ca Diếp có uy đức đáng tôn kính, dùng hai câu hỏi cật vấn khiển trách Tỷ kheo Ni, khiến cô hoảng sợ liền bỏ chạy, vấp ngã trên đất làm cho thân thể bị thương tích. Xiển Đà thấy vậy liền hỏi cô: “Cô xúc phạm ai mà đến nỗi thân thể bị thương tích như vậy?”.

– [350b] Con xúc phạm Đại Ca Diếp.

– Cô đã xúc phạm người không đáng xúc phạm.

Các Tỷ kheo nghe thế bèn đem sự kiện ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỷ kheo: “Trong trường hợp này không tán thán cũng đã có lỗi huống gì lại tán thán. Từ nay về sau ta không cho phép Tỷ kheo nhận thức ăn do Tỷ kheo ni tán thán mà được cúng dường .

Do thế, tôn giả A-Nan nỗi tiếng phước đức tại thành Xá Vệ. Lại được Thế Tôn khen ngợi thầy có ba sự đầy đủ: Tên họ bà con thành tựu, là bậc đa văn đệ nhất trong hàng hữu học và là thị giả chu đáo đệ nhất. Vì vậy mà tại thành Xá Vệ có thôn Phước đức, hễ ai trong thôn này làm nhà mới đều mời A-Nan, hoặc lúc xông đất, hoặc lúc cạo đầu, lúc xỏ lỗ tai, tất cả đều mời A-Nan.

Khi ấy có một trưởng giả mời A-Nan đến nhà dự lễ khánh thành. Thế nào là khánh thành? Chẳng hạng khánh thành nhà mới, giường mới, dụng cụ mới, mới khép dầu, đàn bà mới sinh con, mặc áo mới, dùng quạt mới.

Khi A-Nan thọ trai có một Tỷ kheo khất thực đứng ở ngoài cửa. A-Nan liền bảo đàn việt cúng dường thức ăn cho Tỷ kheo khất thực. Đàn việt nghe A-Nan dạy rất hoan hỷ, bèn lấy bát bỏ đày thức ăn mĩ vị đem ra cúng dường Tỷ kheo khất thực. Tỷ kheo khất thực nhận thức ăn xong liền đứng đợi A-Nan. A-Nan ăn xong chú nguyện rồi bước ra. Tỷ kheo khất thực thấy A-nan liền hỏi: “Tôn giả ăn chưa?”.

– Ăn rồi .

– Ăn có ngon không?

– Vì sao thầy không ăn mà hỏi tôi ăn có ngon hay không ngon?

– Sở dĩ tôn giả được ăn như thế này là do Tỷ kheo ni tán thán .

– Thật như vậy sao?

– Đúng như vậy .

A-nan liền lấy lông chim ngoáy vào cổ cho mửa ra. Thế nên ngày đó thầy bị mất ăn khiến cho thân thể bị tiều tụy, thầy bèn đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: “A-Nan, vì sao thân thể ông tiều tụy như thế?”.

A-Nan liền đem sự kiện trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Phật bèn hỏi: “Ông có biết việc ấy không?”.

– Bạch Thế Tôn, con không biết .

– Biết mới có tội, không biết thì không có tội.

Các Tỷ kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Tỷ kheo khất thực kia làm cho A-Nan không vui?”

– Không những ngày nay ông ta làm cho A-Nan không vui mà ngày xưa cũng đã từng làm, như trong Kinh Hiền Điểu Sinh đã nói rõ .

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, đến giờ khất thực, các trưởng lão Tỷ kheo khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đi đứng cử động có hàng ngũ có uy nghi. Khi ấy có một trưởng giả nói như sau: “Lành thay, nếu bố thí y phục, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho những người xuất gia như vậy thì sẽ được lợi ích rất lớn”.

[350c] Ông lại suy nghĩ: “Nếu ta có khả năng ta sẽ cúng dường những người như vậy”.

Bấy giờ có một Tỷ kheo ni nghe thế liền nói với trưởng giả: “Lão trượng, ông chỉ cần xuất tiền sắm thức ăn, tôi sẽ lo liệu giúp cho”. Người đàn việt này rất có tín tâm nên hoan hỷ đưa tiền cho cô.

Tỷ kheo ni bèn nói: “Lão trượng, ông phải đi mời các Tỷ kheo”.

Ông thưa: “Tôi không biết, nhờ cô mời giúp cho”. Tỷ kheo ni liền sắm sửa các thức ẩm thực, xong rồi nói với đàn việt: “Lão trượng, các thức ăn đã sửa soạn xong, ông hãy đến chỗ Tỷ kheo báo tin đã đến giờ”.

Người đàn việt nói: “Tôi không biết, nhờ cô đi đến các Tỷ kheo báo giờ giúp cho”.

Tỷ kheo ni bèn đến tinh xá bạch: “Đã đến giờ”.

Thế rồi các Tỷ kheo đi đến nhà đàn việt, an tọa chỉnh tề. Tỷ kheo ni bèn nói với đàn việt: “Ông hãy bưng dọn thức ăn cúng dường lên”.

Ông ta nói: “Thưa cô, cô hãy dọn giúp tôi”.

Các Tỷ kheo liền suy nghĩ: “Bữa cúng dường này do Tỷ kheo ni tán thán mà có chứ chẳng nghi ngờ gì nữa”, liền đứng dậy ra về.

Họ đi như vậy một người, hai người cuối cùng cả chúng đều ra về hết. Đàn việt liền hỏi Tỷ kheo ni: “Các tôn giả vì sao đi hết mà không trở lại?”

Cô ni đáp: “Tôi không biết .Ông hãy đến chỗ Thế Tôn hỏi việc này. Phật sẽ nói cho ông hay”.

Ông ta bèn đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đứng hầu một bên, rồi đem sự việc trên trình bày rõ đầu đuôi với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi các Tỷ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi rõ sự kiện kể trên: “Các ông có việc đó thật như vậy chăng?”

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Từ hôm nay trở đi ta cho phép (các Tỷ kheo thọ trai) ở nhà đàn việt cũ .

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Nếu Tỷ kheo biết thức ăn do Tỷ kheo ni tán thán mới có, mà ăn – ngoại trừ đàn việt cũ – thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích:

Biết: Như trên đã nói .

Tán thán: Khen ngợi đức hạnh của người nào đó là cao quí .

Thức ăn: Gồm có năm loại: Mì, bún, cơm, cá, thịt .

Ngoại trừ đàn việt cũ: (Tỳ kheo thọ trai tại nhà đàn việt cũ) Đức thế Tôn bảo là không có tội.

Ba Dạ Đề: Như trên đã nói.

Tóm lại có các trường hợp tán thán: Xướng đẳng cúng thời thán, hạ thực thời thán, sơ tác thực thời thán, tác thực dĩ biện thán; hữu thỉnh thời thán.

Xướng đẳng cúng thời thán: Dọn thức ăn xong, báo tin giờ ăn đã đến, bỗng có Tỷ kheo khác tới, Tỷ kheo ni liền nói vơí Ưu bà di: “Lại có Tỷ kheo đến”. Ưu bà di liền nói: “Lành thay, tôi hoan hỷ cho người đi mời còn không được huống gì tự nhiên đến”, thì trong trường hợp này không gọi là tán thán . Trái lại, nếu Tỷ kheo ni nói: “Vị này sống ở nơi rừng vắng, đi khất thực, mặc y phấn tảo, ngồi giữa trời, dùng nệm cỏ …”, [351a] dùng những lời ca ngợi như vậy để được cúng dường mà Tỷ kheo ăn, thì phạm Ba dạ đề.

Hạ thực thời thán: Vừa mới ngồi ăn, bỗng có Tỷ kheo khác lại đến, thì cũng như trường hợp vừa nói trên.

Tác thực thời thán: Lúc đang ăn thì có Tỷ kheo khác đến, trong trường hợp này cũng như trên đã nói.

Tác thực dĩ biên thán: Lúc ăn vừa xong thì có Tỷ kheo khác đến, Tỷ kheo ni liền nói với Ưu bà di: “Lại có Tỷ kheo đến”. Nếu Ưu bà di nói: “Lành thay, tôi cố sai người đi mời mà còn không thể được, huống gì bỗng nhiên lại tới”, thì không gọi là tán thán. Hoặc giả Ưu bà di nói: “Phải cúng dường nhiều bún, bánh, cơm, canh ngon lành một cách bình đẳng”, cũng không gọi là tán thán. Trái lại, nếu cô ni chê thức ăn ít, rồi bảo đàn việt: “Hãy đưa thêm thầy ấy một nắm bún nữa”, (mà Tỷ kheo ấy nhận lấy thức ăn) thì phạm Ba dạ đề.

Hữu thỉnh thời thán: Nếu Tỷ kheo nói với đàn việt: “Đồ chúng của thầy ấy đa văn tinh tấn, nên mời hết tất cả”. Đó gọi là tán thán để cúng dường thức ăn . Nếu cô ta nói: “Vị thủ chúng kia đa văn tinh tấn, nên vì Tỷ kheo này mà mời thêm hai mươi người nữa”. Trong trường hợp này một người được tán thán, còn những người khác không phạm (tức không phải được tán thán). Nếu gặp trường hợp tán thán để mời thọ trai như thế, thì các Tỷ kheo nên hoán chuyển chỗ ngồi, chứ không nên bỏ bàn ăn ra về. Nếu chỗ ngồi bên cạnh dơ bẩn không sạch, không thích đổi chỗ, thì nên tâm niệm: “Thức ăn ta đang ăn trong bát này là của Tỷ kheo mỗ giáp kia”, nghĩ như vậy thì không có tội.

Nếu Tỷ kheo ni nói vơi Ưu bà di: “Bà nên thường xuyên mời tôn giả mỗ giáp kia đến cúng dường”. Đó gọi là tán thán. Trái lại, nếu nói: “Tôn giả kia có thể thường đi khất thực”, thì không gọi là tán thán. Thế nên nói:

“Tăng không sai, trời tối,
Không bạch, vì thức ăn .
Cùng ngồi, cùng đi chung
Qua đò và cho y .
May y, tán thán thực
Xong phần ba bạt cừ”.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 39 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 01 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 18 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 12 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 06 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 13 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 36 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 10 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 21 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 16 - Luật Tạng