1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18

QUYỂN 5

DO XẢ BỎ KHỔ LẠC

Hỏi: nghĩa như thế nào?- trong tứ thiền không còn tâm khổ và lạc, xả cả tên khổ và lạc – khi nào không còn tâm khổ lạc?- khi vừa nhập tứ thiền – ở đâu không còn khổ về thân?- như trong kinh, Phật bảo các Tỳ kheo: ly dục được thanh tịnh liền nhập sơ thiền, nơi đây diệt hết khổ về thân – ở đâu diệt hết tâm khổ lạc?- trong sự tu tập tròn đầy, như Phật bảo các Tỳ kheo: “trong tứ thiền, khổ lạc diệt tận, vừa nhập tứ thiền, hỷ liền diệt tận, vì sao, vì trong sơ thiền, niệm và tư chưa diệt nên có tâm khổ, niệm và tư diệt hết thì khổ cũng diệt. Cũng vậy, trong nhị thiền, tam thiền và tứ thiền theo thứ lớp diệt các chi, trước tiên là chi niệm, khi nhập tứ thiền thì hỷ diệt, lạc trong tứ thiền do trụ xả nên lạc không sanh, khổ cũng diệt tận nên nói là không khổ không lạc. Pháp xả này nhỏ nhiệm, không thể dùng ý hiểu đến được, như có con bò dữ, người chăn bò không bắt giữ được nên làm chuồng để lùa hết cả bầy vào, sau đó kéo dắt từng con ra, cuối cùng bắt giữ được con bò dữ. Phật cũng vậy, trước tiên giữ lạc để vào tất cả pháp, sau đó loại dần ra, cuối cùng là không khổ không lạc”.

Hỏi: không khổ không lạc này có thể giữ được không?- không thể giữ được – vì sao ở trên nói giữ được?- nhờ tên mà biết tướng, cũng như giữ được; như trong kinh nói vị trưởng giả nhờ bốn duyên không khổ không lạc mà trưởng giả được tên giải thoát; nhờ nhập định không còn khổ lạc nên trụ tứ thiền. Cũng như ở tam thiền, tà kiến… là các pháp được diệt trước tiên, đây là khen ngợi tam thiền. – các pháp ấy như thế nào?- đó là sân giận, ngu si…; như trong tứ thiền, bắt đầu bằng tâm khổ lạc, nhân lạc sanh khởi dục, nhân khổ sanh khởi sân hận, tứ thiền trụ xả nên không khổ không lạc – tướng của không khổ không lạc như thế nào?- là xả – vị của nó thế nào?- do xả vị khổ lạc nên không có vị.

Nói xả thức thanh tịnh là như thế nào?- tức là xả cho thức được thanh tịnh, trong thiền thứ tư, thức thanh tịnh, do thanh tịnh nên xả hết ba thức đã có, đây là do xả làm, không phải do pháp nào khác. Như trong luật bổn nói: xả thức thanh tịnh nhưmây tan hết, ánh trăng chiếu sáng; trong đây cũng vậy, lìa hết tư lạc thì thức liền thanh tịnh.

Hỏi: trong ba thiền trước có xả thức thanh tịnh không?- có – nếu có vì sao không hiển ra?- do bị tư che lấp nên không hiển ra, lại nữa xả trong tứ thiền như mặt trăng tròn sáng ban đêm, lý hợp thì ánh trăng ngời sáng. Trong sơ thiền có năm chi, trong tứ thiền chỉ có ba chi là xả, thức và nhất tâm hoặc chỉ có hai là xả và nhất tâm – khi nào phát sanh xả và nhất tâm?- khi nhập tứ thiền. Hết phẩm tứ thiền.

Bốn thiền định này, có người muốn khởi Quán địa, có người muốn nhất tâm, có người muốn được Thông địa, có người muốn Diệt đế địa, có người muốn nhập Sanh địa, người ái tận thì cầu nhất tâm.

Hỏi: vì sao nhập thiền định liền được nhất tâm?- nếu người nào nghĩ: ta trụ an lạc một ngày, nghĩ rồi liền tu pháp Ca tư na, sẽ phát sinh tám loại định, sau khi xuất định mà vẫn nhất tâm đế quán thì gọi là được Quán địa. Người nào thành tựu tám loại định rồi, nhập thông các thiền địa rồi, sau khi xuất định liền hiện thần thông hoặc từ một thân hóa ngàn vạn thân…, nên biết người này nhờ thiền mà được Thông địa. Người nào được tám loại định rồi, nhập diệt đế tam muội, bảy ngày nhập Diệt tận định, thế gian gọi là niết bàn, nghĩ rằng: ta muốn trụ an lạc bảy ngày thì gọi là được Diệt đế địa. Người nào nơi tám loại định, tâm không ưa thích muốn sanh lên cõi trời Phạm thì gọi là nhập Sanh địa. Phật ngời dưới cây Bồ đề nhập tứ thiền, sau khi xuất định, thiền quán địa của Như lai cũng gọi là Thông địa, cũng gọi là nhập Diệt đế địa, nhập tất cả pháp, thế gian pháp và Thánh lợi pháp.

Nói người nhập tứ thiền được nhất tâm nên gọi là tịnh, như trong luật bổn nói là xả thức thanh tịnh.

Hỏi: thế nào là tịnh?- trắng sạch không đen, cũng gọi là quang minh, nhờ lạc nên ly dục và lìa hết các phiền não, tâm liền thanh tịnh được tùy tâm ứng dụng. Vì sao, vì tâm được giáo thọ khiến được nhu nhuyến cùng cực, như trong kinh nói nếu tâm nhu nhuyến thì được tùy tâm ứng dụng; như quặng vàng thứ lớp đào luyện cho mềm rồi mới có thể tùy làm ra các món đồ trang sức, tâm cũng vậy, được tùy tâm ứng dụng. Trong kinh Phật bảo các Tỳ kheo: “ta không thấy một pháp nào như tâm, điều phục nhiều lần làm cho nhu nhuyến rồi mới có thể tùy tâm ứng dụng, trụ chỗ cực tịnh rồi được gọi là bất động, tinh tấn không biếng nhác, nhất tâm không dao động trạo cử, dùng trí huệ nhiếp rồi thì không bị vô minh che lấp nữa, không bị thức nhiếp nữa, cũng không bị thất niệm làm nhơ, quang minh sáng suốt không bị phiền não ngăn che nữa. Nhờ sáu pháp này nhiếp mà nhập tứ thiền được nhất tâm, được nhất tâm rồi thì lìa các triền cái, vượt qua niệm tư, tâm được thanh tịnh phát sanh trí huệ. Tất cả triền cái không thể che lấp tâm, được vô niệm nên được bất động, trừ hết phiền não cũng gọi là được bất động”.

Túc mạng trí được phát sanh từ Thông địa, túc là ấm đời quá khứ sanh ở nhà này nhà kia, chết ở nhà này nhà kia hoặc tùy vào nhà này nhà kia, rời khỏi nhà này lại sanh vào nhà kia…, dùng trí huệ của mình mỗi mỗi phân biệt biết rõ thì gọi là Túc mạng trí. Như trong luật bổn nói: túc mạng trí phân biệt biết được chỗ ở của các thân đời trước, biết chỗ thọ sanh hoặc một đời, hai đời… nhiều đời luân chuyển như vậy đều phân biệt biết rõ. Phật đã đến bờ kia, không còn phải điều phục tâm nên tâm tâm đều phân biệt biết rõ; còn người mới tu học phải điều phục tâm rồi mới phân biệt biết được.

Hỏi: thế nào là một đời?- từ khi vào thai cho đến khi chết gọi là một đời, tuần tự như vậy cho đến vô số đời.

Tam bạt kiếp, Hán dịch là kiếp hoại – sao gọi là kiếp hoại?- là kiếp thứ lớp diệt dần. Tỳ bạt di kiếp, Hán dịch là kiếp thành – sao gọi là kiếp thành?- là kiếp thứ lớp thành tựu dần. Do hoại dần nên kiếp hoại đưa đến kiếp không, từ kiếp không, kiếp dần dần thành tựu đưa đến kiếp thành, thành tựu hoàn toàn là kiếp trụ, đối với những kiếp này Phật đều phân biệt biết rõ. Như trong kinh Phật bảo các Tỳ kheo: “có bốn A tăng kỳ kiếp là hoại, không, thành và trụ; kiếp hoại có ba là hoả hoại, thủy hoại và phong hoại làm cho ba cõi trời bị hoại là A ba sa la thiên, Tu bà khẩn na thiên và Ty hiếp phá la thiên. Khi kiếp hỏa hoại xuất hiện thì từ cõi trời A ba sa la thiên trở xuống đều bị đốt cháy hết, khi kiếp thủy xuất hiện thì từ cõi trời Tu bà khẩn na thiên trở xuống đều bị chìm trong nước lớn, khi kiếp phonghoại xuất hiện thì từ cõi trời Tỳ hiếp phá la thiên trở xuống đều bị gió thổi bay hết”.

Rộng đến một cảnh giới Phật – sao gọi là cảnh giới Phật?- có ba là cảnh giới Sanh, cảnh giới oai lực và cảnh giới tri. Cảnh giới sanh là trong mười ngàn thế giới, hễ có Phật đản sanh thì cả mười ngàn thế giới đều chấn động; cảnh iới oai lực là oai đức của Phật trùm khắp trăm ức thế giới, hễ Phật thuyết kinh chú gì, như bảo chú, tụ chú, tha xà chú, A tra chú, vô lượng chú… ai nghe mà không thuận theo thì bị gió thổi bay ra ngoài trăm ức thế giới này; cảnh giới tri là cảnh giới mà Phật biết là không thể đo lường được. Trong ba cảnh giới này thì hai cảnh giới trên đều bị hoại, nếu thạnh thì được thành lập, như trong Thanh tịnh đạo Tỳ bà sa có nói. Như vậy Phật ở dưới cây Bồ đề chứng Nhất thiết trí, không phải chỉ một kiếp, hai kiếp mà cho đến kiếp hoại thảy đều biết rõ.

Hỏi: nếu được sanh thì như thế nào?- khi kiếp hoại xảy ra, hữu tình hoặc sinh lên trời hay sanh trong cõi người hoặc hóa sanh hay thai sanh, thấp sanh… Phật đều biết rõ: đây là họ của ta, đây là tên cha mẹ của ta, đây là tên ta, hoặc thuộc dòng Sát đế lợi, hoặc dòng Bà la môn với khổ vui và có hình sắc như vậy, ăn uống với thức ăn thức uống như vậy, thân ngữ ý tạo nghiệp như vậy, có tuổi thọ dài ngắn như vậy…; từ cõi người lên đến cõi trời thứ nhất cho đến cõi trời Phạm thứ lớp luân chuyển thọ sanh như vậy. Cuối cùng sanh lên cõi trời Đâu suất ở giai vị nhất sanh bổ xứ, đồng họ với chư thiên, tên là Tư đa khai da, Hán dịch là Bạch kỳ thiên, thân sắc vàng ròng, ăn uống cam lồ, hưởng thọ phước lạc cõi trời, sống lâu đến năm mươi bảy ức sáu vạn tuổi thế gian. Từ cung trời Phật thác sanh vào thai của phu nhân Ma da…

Hỏi: chỉ có Phật mới biết như thế hay các bậc Thánh khác cũng biết?- không phải chỉ có Phật biết; Phật Bích chi, Thanh văn cho đến ngoại đạo đều có thể phân biệt biết được, nhưng ngoại đạo chỉ biết được trong khoảng bốn mươi kiếp, vì trí huệ của họ cạn hẹp không thể biết xa hơn, cũng chỉ biết việc thọ sanh, việc khác không thể biết. Có tam mươi bậc đại A-la-hán biết được trong mười ngàn kiếp, có hai bậc trên A-lahán biết được trong một A tăng kỳ kiếp và mười ngàn kiếp, Phật Bích chi biết được trong một A tăng kỳ kiếp và mười ngàn kiếp. Những vị này tùy năng lực của mình mà biết, còn Phật thì biết vô cùng tận; ngoại đạo có thể biết sự nối tiếp các uẩn, nếu muốn biết vượt hơn thì không thể được, như người mù bước đi phải từng bước; Thanh văn và Duyên giác biết được hai đầu; Phật tùy theo ý muốn biết được hết sự thọ sanh lên xuống qua lại trong vô số kiếp.

Lúc đó Phật bảo Bà la môn Tỳ-lan-nhã: “ta ở dưới cây Bồ đề chứng được trí huệ vô thượng, nhờ đâu mà diệt hết vô minh chứng được trí huệ này?- Tất cả đều nhờ tinh tấn không tiếc thân mạng mà được, như gà con dùng mỏ phá vỏ trứng chui ra. Túc mạng trí là mỏ, vô minh che lấp nhiều đời là vỏ, ta dùng mỏ Trí này phá vỡ vỏ Vô minh mà được giải thoát, nên được gọi là Vô thượng trí. Túc mạng trí này cũng biết được sự Sanh và đọa của chúng sanh, ta dùng Thánh nhãn với đầy đủ Ba la mật nên vừa quán liền biết; còn những bậc Thánh khác muốn biết phải tu tập”.

Hỏi: thế nào là Thánh nhãn?- Thánh nhãn không lìa mắt thịt, các bậc Thánh do tu các thiện pháp mà thành tựu được, do lìa các trần cấu

nên thấy rất xa. Như trong luật bổn nói quán bằng Thánh nhãn, do tinh tấn được tuệ nhãn cũng không khác Thánh nhãn, vì sao, vì chứng được Thánh quả mới được tuệ nhãn, nên tuệ nhãn cũng được gọi là Thánh nhãn, do tâm thanh tịnh sáng suốt nên thấy rất xa. Với tuệ nhãn thanh tịnh này có thể quán thấy sự thọ sanh và đọa của chúng sanh; ngoại đạo chỉ thấy sự thọ sanh, không thấy dự đọa nên chấp thường kiến; Phật quán thấy cả sanh và đọa của chúng sanh nên lìa hai chấp thường và đoạn kiến.

Nói cực tịnh là Phật không còn mười một phiền não, như trong kinh Phật bảo A nậu lâu đà: “hồ nghi là phiền não, không nhiếp tâm là phiền não, ngủ mê, mừng, sợ, quá tinh tấn, quá yếu mềm… đều là phiền não. Như lai do chuyên cần tinh tấn đã lìa hết các phiền não này nên được Thánh nhãn thanh tịnh, có thế quán thấy sự sanh và đọa của chúng sanh”.

Hỏi: thế nào là hèn (tiện)?- ngu si làm ác bị người khinh ghét gọi là hèn – thế nào là sang (quý)?- thọ sanh bằng trí huệ gọi là sang. Lại nữa, sanh vào thiện đạo là sang, sanh vào ác đạo là hèn. Khi Phật dùng Thánh nhãn quán biết hành nghiệp cùa chúng sanh, thấy chúng sanh thọ khổ trong địa ngục liền suy nghĩ: “chúng sanh này tạo tội gì mà phải chịu khổ trong địa ngục”, liền quán biết do tạo nghiệp ác nên chịu khổ báo ấy; lại quán thấy chư thiên trên các cõi trời thọ phước lạc liền suy nghĩ: “chúng sanh này đã tạo nghiệp gì mà được thọ phước lạc như thế”, liền biết do tạo nghiệp lành nên được như thế. Đây là Phật dùng Thánh nhãn quán biết nghiệp trong hiện tại và quả báo trong vị lai của chúng sanh.

Nói tạo thân nghiệp ác là nghiệp tạp uế bất tịnh, ngữ ý cũng như vậy. Nói hủy báng bậc thiện nhân là hủy báng Phật, Phật Bích chi, các Thanh văn cho đến bạch y chứng quả Tu đà hoàn…; như nói pháp thiện không phải là chánh pháp, không có pháp thiền, không có niết bàn, không có đạo quả… khi nói lời hủy báng như thế là đã đóng cửa trời, mở cửa địa ngục. Thuở xưa có hai Tỳ kheo già và trẻ cùng đi vào thôn khất thực, vị già khất thực được bát cháo lỏng liền suy nghĩ: “ta bị trúng gió nếu ăn cháo lỏng này sẽ hết bịnh”, nghĩ rồi liền ngồi lên một khúc cây gỗ để húp cháo; Tỳ kheo trẻ nhìn thấy liền chê trách: “thầy già cả ngu độn làm cho tôi hổ thẹn”. Sau khi trở về chùa, Tỳ kheo già hỏi Tỳ kheo trẻ: “trong Phật pháp, thầy đã đạt được gì chưa?”, đáp là đã chứng quả Tu đà hoàn, Tỳ kheo già nói: “nếu vậy thì đừng mong tiến lên quả khác nữa, vì sao, vì thầy đã hủy báng vị Tỳ kheo ái tận”, Tỳ kheo trẻ liền cầu sám hối: “con đã làm pháp bất thiện, xin đại đức cho con sám hối”, được vị kia cho sám hối rồi, vị này vui mừng ra đi. Như trong luật nói nếu là đại Tỳ kheo nên đối sám như sau: “xin trưởng lão chấp thuận cho tôi sám hối”, nếu nhỏ hạ hơn thì nên đảnh lễ, quỳ gối chắp tay đối sám như sau: “con đã làm pháp bất thiên, cúi xin đại đứcchấp thuận cho con sám hối”, nếu vị kia không chấp thuận thọ sám thì vị này nên đối trước Tỳ kheo khác sám hối tội này; nếu vị kia niết bàn, vị này phải đến chỗ vị kia niết bàn mà sám hối, sám hồi rồi thì cửa trời và cửa niết bàn sẽ rộng mở như khi chưa phạm lỗi.

Hỏi: thế nào là tà kiến?-là thấy điên đảo, tự thọ tà kiến lại còn dạy cho người khác, ý làm nghiệp ác và nói lời hủy báng Thánh nhân là nghiệp tội lớn, tạo tội nghịch. Như trong kinh Phật bảo Xá lợi phất: “Tỳ kheo trì giới đầy đủ, có định huệ đầy đủ là thân chánh kiến, chuyển dạy cho người khác cũng vậy. Ngược lại tà kiến cũng không lìa thân ngữ ý, như người cầm cục đất quăng ném cũng không lìa khỏi đất, gây nghiệp ác tà kiến thì không thoát khỏi địa ngục;vì trong các nghiệp ác không gì hơn tà kiến, tạo tội rất lớn”.

Hỏi: nếu chết thì như thế nào?- thì cùng với tội đã tạo đọa vào địa ngục, không có ngày thoát ra. Cửa địa ngục mở thì đóng cửa cõi trời và cửa giải thoát, nói cõi trời là sắc thanh hương vị thảy đều tối thắng. Hết phẩm Thánh nhãn.

Nói Lậu tận trí là nơi đạo A-la-hán, dùng trí diệt hết các lậu hoặc; trí này biết rõ tướng mạo và vị của khổ đế, lại quán khổ đế từ tập đế sanh khởi, lại quán khổ diệt là diệt đế, lại quán phương pháp đưa đến diệt khổ là đạo đế, như Phật nói: đối với bốn đế, ta thấy như thật và biết như thật. Nói từ dục lâu được giải thoát là chỉ bày quả, ở trong quả nói là được giải thoát và không còn tái sanh.

Hỏi: nói không sanh nữa là quá khứ không sanh hay hiện tại không sanh, vị lai không sanh?Nếu nói quá khứ không sanh thì quá khứ sanh đã diệt, nếu nói hiện tại sanh thì hiện tại đã sanh, nếu nói vị lai sanh thì vị lai chưa sanh thì có gì là sanh nữa?- vì đoạn nhân nên nói là không sanh nữa.

Nói trụ phạm hạnh là bậc thiện nhân cùng ở chung với bảy bậc Học, đây là Phật chỉ người xuất gia; nói việc làm đã làm xong là đối với bốn đế, bốn đạo đã làm xong.

Hỏi: như thế nào là không làm gì nữa?- tức là các lậu hoặc phiền não đã diệt trừ nên không cần phải nổ lực tinh tấn để diệt trừ nữa, nên gọi là Lậu tận trí tức là chứng ba đạt trí biết rõ về quá khứ, hiện tại và vị lai.

Lúc đó Bà la môn Tỳ-lan-nhã nghe Phật dạy rồi liền vui mừng và khen ngợi: “Sa môn Cù Đàm có đầy đủ Thánh lợi như vậy, trước kia con thật không biết Sa môn là bậc có đầy đủ công đức như vậy. Lành thay, Sa môn đã ban cho con pháp vị”, liền nói kệ khen:

“Diệt được sân vội khen,

Ân cần và mừng sợ,

Tín kính và hối hận,

Nên khen ngợi lành thay”

Lại nói: “con như cái bát úp, nay được nghe Phật pháp như bát được ngữa lên đón nhận cam lồ; lại như châu báu bị người dùng cỏ che phủ lên, nay có người chỉ cho thấy; lại như người lạc đường được người nắm tay chỉ cho đường ra; lại như người ở trong bóng tối, được người đưa cho đèn đuốc mà thấy được đường đi. Từ nay con xin quy y Sa mônCù Đàm, quy y Pháp và tăng”.

Quy y Phật là nương nhờ Phật mà diệt được phiền não, quy y pháp là nương nhờ giáo pháp, tùy thuận thọ trì sẽ không bị đọa trong ba ác đạo, chứng được Thánh đạo, niết bàn. Như Phật bảo các Tỳ kheo: “pháp vô lậu là tám chi Thánh đạo, là pháp vô thượng”. Lại có Bà la môn tên Xa đa ma na bà nói kệ khen Phật:

“Ly dục được bất đông,

Không còn pháp sầu lo,

Mỹ vị không ngược dòng,

Thật khéo phân biệt biết,

Tối thượng trong các pháp.

Hãy nên thọ quy y,

Bố thí bậc tứ hướng,

Phân biệt có tám bậc,

Tối thượng trong Tăng già,

Sẽ được quả báo lớn,

Tự quy y nơi này,

Là chân Ưu bà tắc”.

Lúc đó Bà la môn Tỳ-lan-nhã bạch Phật: “xin Sa môn Cù Đàm biết cho, từ nay con là Ưu bà tắc cho đến trọn đời, con không nương theo vị đạo sư khác. Nếu có người nào cầm dao chặt đầu con bảo con không nương theo Phật pháp tăng, dù đầu rơi xuống đất con cũng không nói lời này. Nay con đem cả thân mạng tùy thuận Như lai, muốn tự cúng dường, cúi xin Như lai thọ con thỉnh tiền an cư ba tháng hạ tại nước Tỳ-lan-nhã cùng với các Tỳ kheo. Con là Ưu bà tắc, xin Như lai thương xót thọ con thỉnh an cư tại nước Tỳ-lan-nhã”, Phật im lặng nhận lời. Hỏi: vì sao Phật không trả lời mà im lặng?- người thế gian trả lời bằng thân ngữ, Phật chấp thuận bằng tâm nên im lặng – vì sao biết Phật đã nhận lời?- nếu không nhận lời thì Phật sẽ dùng thân ngữ đáp lại, nếu im lặng với sắc mặt vui vẻ thì biết là Phật đã nhận lời.

Lúc đó Bà la môn đứng dậy nhiễu quanh Phật ba vòng, làm lễ bốn hướng rồi chắp tay trên đầu, đi lùi cho đến khi không nhìn thấy Như lai, làm lễ lần nữa rồi mới quay về phía trước mà đi. Đúng vào lúc Phật đến nước Tỳ-lan-nhã an cư ba tháng trước thì nơi nơi bị mất mùa đói kém, nói đói kém là thức ăn uống khó được, dù là người có lòng tin thanh tịnh cũng có thể không cho. Lúc đó các Tỳ kheo khởi hai tâm nghi: một là nghi trong ba tháng ha an cư có khất thực được không, hai là nghi có sống được hay không; vì sao, vì ở ngoài đường người chết đói, xương trắng ngổn ngang; hoặc do ngũ cốc mất mùa, không trổ hoa kết hạt nên bạc trắng như xương, thân và gốc thẳng cứng như cây thẻ; hoặc do người đi mua gạo phải lấy thẻ sắp hàng mới mua được, nhưng cũng không được nhiều. Lúc đó có đoàn thương nhân dẫn năm trăm con ngựa từ phương bắc xuống phương nam để bán cầu được lợi gấp hai, ba; sau khi đi trải qua các nước, họ dừng lại ở ngoài thành của nướcTỳlan-nhã, lập trại ngựa và làm nhà để ở trong bốn tháng hạ vì trong thời gian này mưa nhiều, đường ngựa đi không thông. Khi vào tụ lạc, họ thấy các Tỳ kheo khất thực trở về với bát không nên suy nghĩ: “các Tỳ kheo khất thực cực khổ mà không được gì, nếu chúng ta cung cấp phần ăn thì chúng ta sẽ bị thiếu hụt, nhưng nếu giảm phần ăn của ngựa để cho mỗi Tỳ kheo năm thăng thì có thể giúp cho các Tỳ kheo mà ngựa của chúng ta cũng không tổn hại gì”, nghĩ rồi liền đến bạch các Tỳ kheo: “nếu các đại đức không chê thì xin nhận phần lúa ngựa của chúng con, mỗi ngày mỗi vị được năm thăng và các thực phẩm tạp khác có thể làm thức ăn”, như trong luật nói mỗi ngày vào sáng sớm, các Tỳ kheo đắp y mang bát khất thực lúa về rồi tự giã hoặc nhiều vị cùng giã rồi chia nhau nấu dùng; A-nan nhận lấy phần của Phật và của mình cũng tự giã và nhờ chất cam lồ của chư thiên làm thành thức ăn thơm ngon dâng Phật, Phật nhờ ăn thức ăn này mà nhập chánh định. Từ khi rời khỏi cội Bồ đề, trong khoảng hai mươi năm, thị giả của Phật không phải chỉ có một, hoặc là đại đức Na già hoặc đại đức Na kỳ da hoặc đại đứcDi kỳ da hoặc Ưu bà già hoặc Sa già da…, các vị này tùy ý thích làm thị giả, vui thì đến hầu, không vui thì không đến; chỉ có đại đức A-nanlàm thị giả cho đến khi Phật nhập niết bàn.

Hỏi: các thương nhân cho các Tỳ kheo lúa ngựa là do lòng tin phải không?- là do lòng tin – tuy nước mất màu đói kém nhưng vì sao lại không có một ai làm công đức, bớt chút phần ăn để cúng dường; vả lại Bà la môn thỉnh Phật và Tăng tiền an cư vì sao lại không cúng dường?- vì thiên ma Ba tuần che chướng trong phạm vi một do tuần, khiến cho không một ai có tâm muốn cúng dường – Phật không biết điều này hay sao?- biết nhưng Phật muốn nhân việc này chế giới thuyết pháp. Như trong kinh Phật bảo A-nan: bậc thiện nhân các thầy đã làm được việc thù thắng. Nói thù thắng là vào thời buổi mất mùa đói kém, khất thực khó được mà các Tỳ kheo vẫn biết tri túc, điều phục tâm tham, không bỏ Phật để đi đến những nơi sung túc khác, khất thực dễ được; cũng không khởi tâm sân oán trách: tại sao Thế tôn không đi đến nơi sung túc khác an cư mà lại ở nơi đây, tại sao Bà la môn kia thỉnh chúng ta đến đây an cư mà lại không cúng dường…; do các Tỳ kheo im lặng, nhất tâm nương theo Phật mà trụ nên nói là thù thắng.

Hỏi: các Tỳ kheo có biết ma Ba tuần che chướng không?- biết – vì sao Phật không đến an cư ở thành Vương xá hay nơi khác mà cứ ở lại nơi đó?- dù có đến đâu an cư cũng bị ma Ba tuần che chướng, vì định nghiệpcủa Phật và Phật cũng đã quán biết an cư tại Tỳ-lan-nhã có thể nương nơi đoàn người buôn ngựa – vì sao ma vương không che chướng cả đoàn người buôn ngựa?- vì ma vương bỏ đi rồi đoàn người buôn ngựa mới đến, vả lại ma vương cũng không thể che chướng khắp hết. Có bốn trường hợp Ma không thể che chướng: một là cúng dường vào buổi sáng, hai là thuốc thang không thiếu, ba là tuổi thọ của Như lai, bốn là ánh sáng của Như lai.

Lúc đó Phật nghe tiếng giã gạo, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi Anan, có trường hợp biết mà không hỏi là Như lai biết không phải thời nên hỏi thì không hỏi; có trường hợp biết mà vẫn hỏi là biết đúng thời nên hỏi thì liền hỏi; hoặc biết có nhân duyên, có lợi ích cho chúng sanh mới hỏi, ngược lại không có nhân duyên, không có lợi ích cho chúng sanh thì không hỏi. Có hai nhân duyên mới hỏi là vì muốn thuyết pháp hoặc muốn chế giới cho các đệ tử Thanh văn. Phật hỏi A-nan là tiếng động gì, đáp là tiếng giã gạo của các Tỳ kheo, Phật liền khen lành thay và bảo A-nan: “các thầy đã làm thắng duyên thiện pháp cho các Tỳ kheo trong đời vị lai, khiến cho họ ở đời vị lai dễ được thức ăn uống, dù ngon hay dỡ cũng không khởi ý tham hay bỏ. Bởi vì khi Phật còn tại thế, Phật và các bậc đại A-la-hán còn phải ăn lúa ngựa, huống chi chúng ta ngày nay dễ được thức ăn uống như thế này mà còn chê trách ngon dỡ hay sao”.

PHẨM ĐẠI MỤC KIỀN LIÊN

Lúc đó tôn giả đại Mục kiền liên là bậc có thần thông trí huệ bậc nhất trong chúng Thanh văn đến bạch Phật.

Hỏi: vì sao đến bạch Phật?- vìđại Mục kiền liên sau khi chứng được Ba la mật của Thanh văn và được Thế tôn khen ngợi là thần thông bậc nhất trong chúng Thanh văn, lúc đó suy nghĩ rằng: “nước Tỳ-lannhã đang mất mùa đói kém, khất thực khó được; ta nên lật ngược đất lên để lấy vị bổ dưỡng cúng dường chư Tăng, nhưng nếu ta không bạch Phật tức là ta muốn sánh ngang bằng thần lực của Phật là điều không nên”, nghĩ rồi liền đến bạch Phật biết ý nghĩ của mình, Phật vì thương xót chúng sanh, không muốn Mục kiền liên làm như vậy nên hỏi: “tất cả chúng sanh và thành ấp đều nương ở trên mặt đất, nếu thầy làm như vậy thì họ sẽ ra sao?”, đáp: “con sẽ dùng một tay hóa ra mặt đất để đỡ lấy chúng sanh và thành ấp, tay kia lật ngược đất lên để lấy vị bổ dưỡng cúng Tăng”, Phật liền nói: “thôi đi Mục kiền liên”. Sở dĩ Phật không cho Mục kiền liên làm như vậy vì thương xót chúng sanh đời vị lai, thời thế mất mùa đói kém không phải chỉ có một lần và không phải Tỳ kheo nào cũng có thể làm được việc đó giống như Mục kiền liên đã làm; Tỳ kheo đời vị lai ít có ai được thần thông lực, khi các vị này vào thôn khất thực, chúng sanh thấy sẽ nói rằng: “khi Phật còn tại thế, đệ tử Thanh văn do trì giới đầy đủ nên có thần thông lực, lúc thời thế mất mùa đói kém có thể lật ngược đất lên để lấy vị bổ dưỡng cúng Tăng; ngày nay các Tỳ kheo trì giới không đầy đủ nên không có được thần thông lực như thế”, do đây chúng sanh sẽ sanh tà kiến chê bai và khinh mạn chúng tăng, do tâm chê bai khinh mạn nên họ bị đọa vào địa ngục. Mục kiền liên xin làm việc này không được, lại xin làm việc khác, Phật thảy đều không cho vì những nguyên nhân giống như trên.

PHẨM XÁ LỢI PHẤT

Lúc đó tôn giả Xá lợi phất ở chỗ tịch tĩnh suy nghĩ rồi đến bạch Phật.

Hỏi: như thế nào là tịch tĩnh?- là không có tiếng động, cũng là nhất tâm tịch tĩnh – vì sao tôn giả Xá lợi phất không dùng thần lực của mình để quán biết mà lại đến hỏi Phật?- tôn giả Xá lợi phất có thể dùng thần lực quán biết pháp của chư Phật trụ lâu hay không trụ lâu, nhưng nếu muốn phân biệt nhân duyên của chư Phật thì không thể hiểu thông hết được; lại đo muốn y chỉ Phật, xem Phật là bậc tối thượng nên đến hỏi. Chư Phật thuyết pháp cho một hay hai, ba người cho đến tất cả chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới, đều không có tâm niệm sai khác như thấy chúng sanh ít liền nói sơ lược, hoặc thấy chúng sanh đông nên nói rộng nhiều, cũng không thuyết pháp có cao thấp mà là bình đẳng thuyết pháp cho tất cả. Như Sư tử vương bảy ngày đi kiếm ăn một lần, khi sắp bắt chúng sanh dù lớn hay nhỏ đều rống lên rồi mới bắt; Phật cũng vậy, dù chúng sanh nhiều hay ít, lớn hay nhỏ đều bình đẳng thuyết pháp vì tôn rrọng pháp. Pháp mà chư Phật thuyết ra chỉ có một vị là giải thoát, như nước trong biển lớn chỉ có một vị mặn.

Hỏi: vì sao chư Phật quá khứ không chế giới cho các đệ tử Thanh văn?- vì các đệ tử Thanh văn không có phạm lỗi nên Phật quá khứ không kết giới, cũng không thuyết giới mỗi nửa tháng mãi cho đến sáu năm. Quá khứ, Phật Tỳ bà thi trụ tại Bàn đầu ma đề trong vườn Kiều ma lộc dã, thành Vương xá, cõi Diêm phù đề. Thuở đó trong cõi Diêm phù đề có tám vạn bốn ngàn chùa, mỗi chùa có đến mười vạn hoặc hai mươi vạn Tỳ kheo, nhưng đều sống trong tịch tĩnh không có ồn náo. Phật nhóm Tăng thuyết giới sáu năm một lần, lúc đó Tỳ kheo nào có thần lực thì tự đến, ai không có thần lực thì được chư thiên báo cho biết và họ nương theo thần lực của chư thiền để đến chỗ Phật nghe thuyết giới. Khi chúng tăng đã tập họp đông đủ, Phật chỉ thuyết một bài kệ giáo thọ Ba la đề mộc xoa như sau:

“Nhẫn nhục – đệ nhất đạo,

Niết bàn Phật tối thắng,

Xuất gia não hại người,

Không gọi là Sa môn.

Tất cả ác chớ làm,

Làm đầy đủ pháp thiện,

Tự tịnh tâm ý mình,

Là lời chư Phật dạy.

Không xúc não, nói lỗi,

Không phá hoại việc người,

Làm như giới đã thuyết,

Ăn uống biết vừa đủ,

Ít muốn với tất cả,

Thường thích nơi tịch tĩnh,

Là lời chư Phật dạy”.

Tùy tuổi thọ của chư Phật dài ngắn mà giáo thọ Ba la đề mộc xoa cũng dài ngắn theo; Phật Thích ca Mâu ni từ khi thành đạo dưới cội Bồ đề, trong hai mươi năm đều tự giáo thọ Ba la đề mộc xoa, cho đến lần thuyết giới tại Mi già la mẫu trong Tăng già lam Phú bà, Phật bảo các Tỳ kheo: “từ nay ta sẽ không thuyết giới, không giáo thọ Ba la đề mộc xoa nữa, các thầy nên tự thuyết, vì sao, vì Như lai không ở trong chúng không thanh tịnh mà thuyết giới bố tát”. Như trong luật Phật bảo Xá lợi phất: “chư Phật quá khứ không kết giới mà chỉ giáo thọ Ba la đề mộc xoa, sau khi Phật và các Thanh văn nhập niết bàn, các đệ tử cuối cùng do khác nhau về dòng họ, chủng tộc với giai cấp khác nhau, hoặc sang hay hèn, giàu hay nghèo nên sau khi xuất gia tu phạm hạnh, họ không truyền thừa Phật pháp cho nhau và không hộ trì pháp tạng, nên khiến Phật pháp không trụ lâu ở đời”, ví như hoa không được dùng chỉ xỏ xâu lại, khi bị gió thổi sẽ bay tứ tán, Phật pháp cũng như vậy. Chư Phật quá khứ sở dĩ không kết giới vì quán tâm các Thanh văn trước rồi mới giáo giới nên vừa nghe liền ngộ, chư Phật không cần nói rộng nhiều, như Phật bảo các Tỳ kheo: “các thầy hãy nên suy nghĩ ba điều, xuất gia là thứ nhất; không nên suy nghĩ ba ác pháp, tư dục là thứ nhất. Các thầy thường nên ghi nhớ trong tâm lý vô thường khổ không vô ngã; chớ nên suy nghĩ vô thường cho là thường, bất tịnh cho là tịnh. Các thầy nên từ bỏ các ác pháp, nên tu tập các pháp thiện và làm cho được tăng trưởng, từ đó phiền não không sanh khởi và tâm được giải thoát”, các Tỳ kheo nghe rồi đều chứng quả A-la-hán, như hoa sen đồng loạt nở rộ khi mặt trời vừa mọc.

Rừng khủng bố: theo truyền thuyết, người nào chưa ly dục mà vào trong rừng này liền sanh sợ hãi, do rừng có oai tướng nên đều dựng tóc gáy.

Nói pháp của ba Phật quá khứ không trụ lâu là như Phật Tỳ bà thi thọ tám vạn năm, chúng Thanh văn cũng vậy; từ khi Phật ra đời cho đến vị Thanh văn cuối cùng, pháp của Phật trụ ở đời là một trăm ngàn sáu vạn năm. Phật Thi khí thọ bảy vạn năm, chúng Thanh văn cũng vậy; Phật Duy vệ thọ sáu vạn năm, chúng Thanh văn cũng vậy. Nếu tính đến vị Thanh văn cuối cùng thì pháp của hai đức Phật này trụ ở đời là một trăm ngàn bốn mươi hai vạn năm, theo thứ lớp giảm dần nên Phật pháp không trụ lâu. Lúc đó tôn giả Xá lợi phất nghe rồi, ý muốn hỏi lại pháp của đức Phật nào trụ lâu nên bạch Phật: “do nhân duyên gì pháp của Phật trụ lâu hơn tuổi thọ của Phật?”, Phật nói: “Phật Câu na vệ thọ bốn vạn năm, Phật Câu na hàm Mâu ni thọ ba vạn năm, Phật Ca Diếp thọ hai vạn năm, Phật Thích ca Mâu ni thọ một trăm năm; chúng Thanh văn cũng như vậy. Nếu như ta lấy nửa tuổi thọ của Phật Ca Diếp là một vạn năm để xuất thế thì lúc đó căn cơ chúng sanh chưa thuần thục; hoặc tuổi thọ là năm ngàn năm cho đến tuổi thọ là năm trăm năm để ra đời, lúc đó căn cơ chúng sanh vẫn chưa thuần thục; mãi đến lúc tuổi thọ là một trăm năm, căn cơ chúng sanh mới có thể độ được. Vì thế ta ra đời vào lúc tuổi thọ ngắn ngủi và chúng Thanh văn cũng vậy, hưng pháp của Phật vẫn trụ lâu. Pháp của ba vị Phật trước diệt theo tuổi thọ nên gọi là không trụ lâu; pháp của ba vị Phật sau, dù Phật đã diệt độ vẫn còn trụ ở đời nên gọi là trụ lâu”, Xá lợi phất nghe rồi, ý muốn pháp Phật trụ lâu ở đời nên bạch Phật: “cúi xin Thế tôn chế giới cho các Thanh văn”, Phật nói: “thôi đi, chưa phải lúc”, tôn giả lại bạch lần thứ hai, Phật nói: “đây không phải là cảnh giới mà Thanh văn, Duyên giác có thể biết được, chỉ có Phật với Phật mới biết được, vì cấu nhiễm chưa sanh nên chưa thể chế giới”.

Hỏi: cấu nhiễm là gì, vì sao cấu nhiễm chưa sanh thì chưa thể chế giới?- cấu nhiễm là pháp hữu lậu, tức là sanh khởi lỗi lầm. Nếu chưa sanh hữu lậu mà Phật chế giới thì chúng sanh sẽ phỉ báng là vì sao các đệ tử của Phật đều thuộc giai cấp quý tộc, vương giả đã bỏ tất cả tài sản, quyến thuộc xuất gia, không tiếc thân mạng cũng không mong cầu gì ở thế gian, Phật lại chế giới, dùng Ba la đề mộc xoa để trói buộc họ; hoặc không sanh tâm kính trọng Phật pháp nữa. Ví như thầy thuốc chưa giỏi, thấy người sắp mọc ung nhọt hoặc ung nhọt chưa mùi liền mổ phá nó khiến cho máu ra nhiều, chịu nhiều đau đớn, phải dùng thuốc đắp lên cho vết thương được lành rồi đòi tiền chữa bịnh; người bịnh nói: “ông là thầy thuốc ngu si, nếu ta thật có ung nhọt hoặc ung nhọt đã mùi, thì ông nên mổ phá; nhưng ung nhọt chưa sanh, hoặc đã sanh nhưng chưa mùi mà ông đã mổ phá khiến máu ra nhiều, làm cho ta đau đớn rồi còn đòi tiền chữa bịnh, há chẳng phải là ngông cuồng hay sao?”. Các đệ tử Thanh văn cũng vậy, nếu chưa sanh cấu nhiễm mà ta chế giới trước sẽ chê trách rằng: ta tự thấy không có tội mà đã chế giới cấm ngăn; cho nên Phật không chế giới trước. Nếu khi nào trong Tăng phát sanh hữu lậu, lúc đó Phật sẽ chế giới giáo thọ Ba la đề mộc xoa; ví như thầy thuốc giỏi, ứng bịnh cho thuốc khiến bịnh được lành, vừa được thưởng ban, lại được khen ngợi là thầy thuốc giỏi. Phật cũng vậy, tùy phạm tùy chế khiến cho các đệ tử hoan hỉ thọ trì, không có lời oán trách. Như trong Luật bổn Phật bảo Xá lợi phất: “khi nào pháp hữu lậu phát sanh, lúc đó Như lai sẽ chế giới”.

Trong Phật pháp, ai độ đệ tử cho xuất gia trước, đó là Ưu ba tư na; nhân Ưu ba tư na mới hai tuổi hạ mà đã có đệ tử một tuổi hạ nên Phật chế giới: “này các Tỳ kheo, từ nay về sau, ai chưa đủ mười tuổi hạ mà cho người xuất gia thọ giới cụ túc thì phạm Đột kiết la”. Sau đó có Tỳ kheo đã đủ mười hay hơn mười tuổi hạ, nhưng ngu si không có trí huệ lại cho người xuất gia thọ giới cụ túc; Phật nhân việc này chế bổ sung giới đã chế trước: “dù đã đủ mười hạ hay hơn mười hạ, nhưng ngu si không có trí huệ mà cho người xuất gia thọ giới cụ túc thì phạm Đột kiết la”. Sau đó, các Thanh văn độ đệ tử ngày một đông, do số lượng chúng tăng đông nên sanh pháp hữu lậu, Phật nhân đây chế giới: “Tỳ kheo nào cùng người chưa thọ giới cụ túc ngủ chúng phòng quá hai đêm thì phạm Ba dật đề”, hoặc “nếu Tỳ kheo năm nào cũng độ đệ tử thì phạm Ba dật đề; nếu Tỳ kheo ni năm nào cũng độ đệ tử thì phạm Ba dật đề”.

Nói khi nào trong Tăng được nhiều lợi dưỡng liền phát sanh pháp hữu lậu, lúc đó Như lai sẽ chế giới như giới: “nếu Tỳ kheo tự tay đưa thức ăn cho nam nữ ngoại đạo lỏa hình thì phạm Ba dật đề”. Nói khi nào trong Tăng có Tỳ kheo đa văn và phát sanh pháp hữu lậu, tức là Tỳ kheo đọc tụng thông suốt một bộ A hàm cho đến năm bộ A hàm, nhưng với tâm không chân chánh giảng nói nghĩa điên đảo, phi luật nói là luật, phi pháp nói là pháp; lúc đó Như lai sẽ chế giới, như giới: “nếu Tỳ kheo nào nói: tôi biết pháp mà Phật đã nói Dâm dục không phải là pháp chướng đạo… thì phạm Ba dật đề”, đối với Sa di cũng chế giới như vậy. Đó là Phật nhân có pháp hữu lậu mà chế giới cho các đệ tử.

Hỏi: sao gọi là lậu?- tức là giặc cướp – sao gọi là giặc cướp?- là chỉ cho kẻ phạm giới trong Phật pháp, không phải là Sa môn mà tự xưng là Sa môn, cướp vật dụng của bốn chúng. Người không phạm giới là người không bị pháp đen nhiễm; là người thanh tịnh, rất quang minh trụ trên đất chân thật. Người nào có đủ giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến; người ấy trụ trên đất chân thật.

Nói trong số năm trăm Tỳ kheo an cư với Phật tại Tỳ-lan-nhã, người nhỏ nhất cũng chứng quả Tu đà hoàn.

Hỏi: sao gọi là Tu đà hoàn?- dịch nghĩa là Nhập lưu, tức là vào dòng Thánh, như trong kinh Phật hỏi Xá lợi phất: “sao gọi là Tu đà hoàn?”, Xá lợi phất đáp: “là người thông hiểu tám chi Thánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Người ấy sẽ đi đến thiện đạo, không còn đọa trong ba đường ác nữa nên được gọi là Tu đà hoàn”.

Phật cùng Tăng an cư ba tháng tại Tỳ-lan-nhã và tự tứ xong, muốn đi đến các nước khác nên bảo A-nan: “… thầy nên biết trong Phật đã có pháp này từ lâu, đó là người nào thọ người khác biệt thỉnh xong thì được tùy ý đi”, Phật vì thương xót chúng sanh nên muốn đi đến nước khác.

Hỏi: cảnh giới Phật đi đến có mấy?- có ba: cảnh giới lớn có phạm vi rộng chín trăm do tuần, cảnh giới vừa có phạm vi rộng sáu trăm do tuần, cảnh giới nhỏ co phạm vi một trăm do tuần. Nếu Phật muốn đi đến cảnh giới lớn thì sau khi an cư xong, vào ngày mồng một tháng 9, Phật cùng các Tỳ kheo tuần tự đi đến các tụ lạc để thuyết pháp giáo hóa, người đáng được hóa độ liền được hóa độ, người chưa đáng được hóa hộ thì được phước lợi. Sau chín tháng du hành, đến ba tháng hạ an cư, nếu có nhiều Tỳ kheo chưa hành pháp thiền định xong thì Như lai không làm tự tứ, đợi đến ngày 15 tháng 9 mới tự tứ. Nếu Phật đi đến cảnh giới vừa thì mất khoảng tám tháng; nếu Phật đi đến cảnh giới nhỏ thì Phật quán trước, nếu quán thấy có chúng sanh căn cơ thuần thục thì ở lại để hóa độ, nếu không có thì vào ngày mồng một tháng 11 cùng các Tỳ kheo du hành trong bảy tháng. Như người hái hoa đi khắp nơi trong núi, nếu thấy có hoa nở tươi tốt liền hái mang đi; Như lai cũng vậy, sáng sớm nhập định quán khắp mười phương, nếu thấy ai đáng được hóa độ liền đến để hóa độ hoặc quán việc nhân duyên để chế giới cho các Thanh văn, đây là pháp thường của chư Phật.

Hỏi: thế nào là pháp của Thanh văn?- khi Phật còn tại thế, có hai lần họp chúng: một là sau ngày đầu vào hạ để chọn lấy pháp tu, hai là sau ngày mãn hạ để trình chứng đắc; đây là pháp của Thanh văn.

Lúc đó Phật bảo A-nan: “hãy cùng đi đến nhà Bà la môn biệt thỉnh, báo cho họ biết chúng ta đã an cư xong, muốn đi đến nước khác”, Phật đắp y mang bát cùng A-nanvào thành để đến nhà Bà la môn Tỳlan-nhã, khi vào thành Phật phóng ánh sáng chiếu soi khắp nơi trong thành; thấy ánh sáng chiếu đến, người nhà của Bà la môn liền báo cho Bà la môn biết là Sa môn Cù Đàm đã đến. Bà la môn nghe rồi liền tỉnh ngộ nhớ ra, liền đứng dậy trải nệm tòa rồi ra ngoài nghinh đón mời vào nhà ngồi, Phật ngồi xong, Bà la môn đứng một bên bạch Phật: “Thế tôn, con chưa làm điều đáng nên làm, trước đây con có thỉnh Thế tôn đến đây an cư và cúng dường trong ba tháng, vì ngu si lại vì công việc khiến con quên mất, không cúng dường Phật và Tăng được ngày nào. Cúi xin Phật thương xót thọ con cúng dường vào ngày mai”, ý của Bà la môn muốn đem hết phẩm vật dự định cúng dường trong ba tháng để cúng dường vào ngày mai, Phật suy nghĩ: “nếu ta không thọ thỉnh thì Bà la môn này sẽ sanh ác tâm nghĩ rằng Sa môn Cù Đàm vì không được thỉnh thực trong ba tháng nên nay oán hận không thọ ta thỉnh thực nữa. Ông ta sẽ phỉ báng Như lai không phải là bậc Nhất thiết trí hoặc nói những lời tương tự như vậy để phỉ báng và ông ta sẽ chịu khổ báo. Vì nhân duyên này ta nên thọ Bà la môn thỉnh thực vào ngày mai”.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Sa Di Thập Giới Nghi Tắc - Luật Tạng
  • Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 2 – Mười Giới Sa Di - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng