1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18

QUYỂN 11

Hỏi: nếu chỉ đếm đến ba hay bốn thì có gì là không tốt?- nếu đếm như vậy, hơi thở bị thúc ép, tâm khó điều phục; ví như trong chuồng có quá nhiều bò chen chúc lấn ép nhau thì chúng sẽ phá chuồng để ra ngoài. Cũng vậy nếu đếm hơi thở từ một đến mười thì trong tâm cảm thấy thung dung, ví như chuồng bò rộng rãi thì bò dễ nuôi dưỡng.

Hỏi: nếu chỉ đếm đến tám chín thì có gì là không tốt?- nếu đếm như thế tâm sanh hồ nghi không biết ta có được thiền vị hay không, liền sanh mê hoặc. Khi đếm hơi thở nên đếm từ từ như người đong lúa đợi đầy lúa mới đếm một, đong lại đầy mới đếm hai; nếu đếm nhanh thì giống như mục đồng đếm bò, tức là mục đồng có trí tay cầm roi đứng ngay nơi cửa chuồng, lùa tứng con ra ngoài và đếm. Tỳ kheo quán A na ban na niệm cũng như vậy, khi bốn đại không điều hòa, hơi thở ra vào nhanh thì nên tùy hơi thở mà đếm nhanh, nhờ theo dõi hơi thở ra vào mà tâm đươc định. Ví như người lái thuyền đi ngược dòng phải dùng cây sào chống để giữ vững thuyền, tâm người tu thiền quán là chiếc thuyền, hơi thở ra vào là cây sào chống, tâm chạy theo năm dục dùng pháp quán hơi thở để chế ngự làm cho tâm được định. Nếu hơi thở vào mà tâm theo vào, nếu hơi thở ra mà tâm theo ra thì ở trong pháp quán là trở ngại lớn nhất khiến tâm khó điều phục. Trừ hai pháp này, người tu pháp quán này nên trụ tâm nơi hơi thở ra vào mà đếm hơi thở thì sẽ dễ dược định; nên trong luật bổn nói không nên đếm hơi thở ở trong hay ở ngoài.

Hỏi: đếm hơi thở bao giớ mới nhưng lại?- khi tâm được bất loạn, quán biết hơi thở ra vào thì không cần đếm nữa mà nên tùy niệm, tức là theo dõi hơi thở ra vào ba chỗ. Nếu hơi thở ra thì bắt đầu từ rốn, kế là tim và cuối cùng là chóp mũi; nếu hơi thở vào thì bắt đầu từ chóp mũi, kế là tim và cuối cùng là rốn. Nếu tâm theo hơi thở ra thì tâm không định, do tâm không định nên thân dao động, tâm theo hơi thở vào cũng vậy; cho nên chỉ chú tâm nơi chóp mũi là nơi hơi thở ra vào để đếm. Lại nữa có ba pháp khiến tâm được định: một là thích nhập định, hai là phương tiện, ba là lên chỗ cao tột. Như cây gỗ lớn trên đất, có người muốn cưa xẻ cây này trước phải xem xét lõi cây rồi mới dùng cưa để cưa xẻ; khi cưa tâm chăm chú nhìn vào chỗ cưa làm cho nó đi thẳng đường mà không nhìn lưỡi cưa qua lại. Quán hơi thở ra vào cũng vậy, đang tư duy pháp thiền và lập phương tiện là như cây gỗ ở trên đất, xem xét lõi cây là tâm khéo tư duy, hơi thở ra vào là lưỡi cưa qua lại, chú tâm nơi chóp mũi là như chăm chú nhìn vào chỗ cưa, cứ quán như vậy thì đạt đến chỗ cao tột.

Nói thiền định là thân tâm tinh tấn điều nhu thành tựu, nói lập phương tiện là do dõng mãnh tinh tấn diệt trừ phiền não và đoạn diệt tư; nói đến chỗ cao tột là dõng mãnh tinh tấn diệt trừ kiết sử. Ba pháp này phải nhất tâm quán mới được thành tựu, phải biết ba pháp thì tâm không dao động và pháp thiền định hiện tiền, lập phương tiện đến chỗ cao tột, kế chú tâm vào pháp quán A na ban na niệm, nếu thành tựu sẽ như mặt trăng ra khỏi mây chiếu sang khắp thế gian. Pháp thiền quán này có người mới tu tập liền có tướng lành hiện, có người nhờ đếm hơi thở ra vào mới hiện tướng lành. Nói tướng lành lànhư Tỳ kheo ngồi dưới đất hay trên giường, dù không có tọa cụ đều cảm thấy như ngồi trên bông mềm mại, vì nhờ đếm hơi thở ra vào mà thân được khinh an thơ thới, theo thứ lớp hơi thở ra vào thô diệt, thân tâm càng khinh an, hơi thở ra càng nhẹ hơn như có như không, giống như tiếng khánh trước lớn sau nhỏ dần.

Pháp quán hơi thở này khác với pháp thiền quán khác, các pháp thiền khác thì trước tế sau thô, pháp thiền này trước thô sau tế. Tỳ kheo nhập thiền quán này mà tướng thiền không hiện thì không nên đứng dậy, nên ngồi ngay thẳng tư duy: “hơi thở ra vào này, nơi nào có nơi nào không, ai có, ai không có. Người đang ở trong thai mẹ, người đang lặn trong nước, chư thiên cõi Trường thọ, người nhập thiền thứ tư, người chết, người ở cõi Vô sắc và người nhập Diệt tận định thảy đều không có thở ra vào”, nghĩ rồi liền tự trách: “ta là người trí huệ không phải đang ở trong thai mẹ, không phải đang lặn trong nước, không phải chư thiên cõi Trường thọ, không phải người nhập thiền thứ tư, không phải người chết, không phải người ở cõi Vô sắc và cũng không phải người nhập Diệt tận định; ta đang thở ra vào rất nhẹ nhàng mà không thể biết được, ta nên chú tâm lại”, nếu là người có mũi dài thì nên chú tâm trên chóp mũi, nếu là người mũi ngắn thì chú tâm trên đầu môi trên. Như trong kinh Phật bảo các Tỳ kheo: “người nào hay quên không để để tâm phía trước thì không thể nhập pháp A na ban na niệm, cho đến các pháp thiền quán khác cũng vậy; nhưng nếu chánh niệm thì thiền định liền hiện”, chư Phật, Phật Bích chi cho đến các A-la-hán đều xem pháp A na ban na niệm là pháp môn căn bản để chứng đạo quả, tùy niệm sẽ được cực tĩnh. Như may trên tấm vải mỏng thì phải dùng kim nhỏ, tùy niệm ví như kim, sợi chỉ là trí huệ liên kết nhau không gián đoạn; nhờ hai pháp tùy niệm và tuệ này mà không mất pháp quán hơi thở. Ví như người cày ruộng mệt và bò cũng mệt thì nên thả cho bò nghỉ ngơi, nghỉ ngơi rồi lại đi tìm bò, không cần tìm theo dấu chân bò, chỉ cần đi thẳng đến nơi bò đang uống nước, chờ nó uống nước xong dắt nó trở lại chỗ cày ruộng. Tỳ kheo cũng vậy, khi quán hơi thở ra vào nếu mệt nên nghỉ ngơi, không theo dõi hơi thở ra vào nữa, chỉ cần chú tâm nơi chóp mũi để đếm hơi thở ra vào, chú tâm như vậy không bao lâu tướng thiền sẽ hiện, thân cảm thấy khinh an thơ thới. Nói tướng thiện hiện là có người thấy như chạm vào hoa Kiếp bối, có người thấy như chạm phải luồng gió mạnh, có người thấy như các vì sao, có người thấy như chuỗi ngọc, có người thấy như ngọc trắng, có người thấy như sợi dây, có người thấy như chạm gì cũng đều cứng, có người thấy như ánh lửa, có người thấy như mây nổi…; giống như trong kinh nóicác Tỳ kheo tập họp tụng kinh nhưng mỗi người thấy có tướng lành khác nhau, có người thấy như núi hoặc như sông hoặc như rừng là vì sao?- là từ tâm tưởng mà có, do tâm tưởng của mỗi người khác nhau nên thấy cũng khác nhau. Khi thấy tướng thiền này hiện, Tỳ kheo nên đến hỏi thầy, thầy nói là thấy tướng nhưng không nói là tướng thiền, cũng không nói không phải là tướng thiền, chỉ bảo nên tinh tấn thêm là vì sao?- vì nếu phân biệt nói là tướng thiền thì vị này sẽ sanh biếng nhác giãi đãi, nếu nói không phải tướng thiền thì vị này sẽ thối tâm ban đầu, do đó chỉ nói hãy tinh tấn thêm thì tướng thiền tự hiện, như kệ nói:

“Sau khi quán chú tâm,

Sẽ hiện ra nhiều tướng,

Nếu người có trí huệ,

Chú tâm đếm hơi thở,

Nơi hơi thở ra vào,

Tinh tấn không tán loạn”.

Khi tướng thiền hiện thì các triền cái tự lặng, các phiền não tự dứt. Nhờ hai pháp tùy niệm và tuệ mà tâm được an trụ và thành tựu tam muội, được địa thứ nhất hoặc được địa trừ phiền não, hoặc nhờ các thiền chi hiện mà được địa thứ nhất; đây gọi là đang được địa thứ nhất tam muội.

Hỏi: trụ tam muội và sơ định khác nhau hay giống nhau?- khác nhau, sơ định là thiện hành nhập tâm Bà bàn già; trụ tam muội là trong cảnh giới này cả ngày hằng nhập thiện hành, tâm suy yếu, tâm ngủ không tùy thuộc Bà bàn già. Khi tướng thiền đã hiện, do quán sắc hoặc quán tướng mạo sẽ được tăng trưởng; như Chuyển luân thánh vương còn ở trong thai đã được cha mẹ thủ hộ, ở nơi khí hậu điều hòa và ăn uống thích hợp, nếu khéo nuôi dưỡng thì sẽ thành kết quả. Tỳ kheo thủ hộ tướng thiền cũng vậy, phải ở trú xứ thiện, nơi đi lại thiện, thân cận người thiện, ăn uống thích hợp, ở nơi có khí hậu điều hòa, chỗ kinh hành hay đứng ngồi đều tốt và tránh xa nơi ồn náo thì tướng thiền sẽ được hộ vững chắc. Khi tướng thiền tăng trưởng thì các căn thanh tịnh điều nhu, đối với tâm nếu muốn đều có thể giữ lại hay buông thả, sanh khởi hay điều phục, hoan hỉ hay xả một cách dễ dàng. Nên gần gũi người đắc tướng thiền và xa lánh người chưa đắc tướng thiền, chú tâm thiền quán và biết tướng thiền này. Người trí khéo chú tâm nơi mười pháp này, tinh tấn tu tập không biếng nhác và suy nghĩ: “ta hãy trụ nơi định, xả tâm Bà bàn già, khởi Đế tâm”, tâm này trụ trong một sát na rồi diệt, lại khởi bốn hay năm tâm Xà bà na là tâm tác, tâm học, tâm tùy thuận, tâm trung gian và tâm trụ; nếu hợp hai tâm đầu làm một tâm thì thành bốn tâm, tâm cuối là tâm thứ tư cũng là tâm thứ năm thuộc tâm sắc giới. Nhờ tâm này diệt năm triền cái sanh khởi năm thiền chi, được đầy đủ mười tướng và ba thiện, đắc Sơ thiền. Lại ở trong pháp quán này diệt tư niệm đắc thiền thứ hai, khi tướng diệt cũng diệt thì đắc thiền thứ ba, thứ tư cho đến chỗ cao tột, như trong kinh Thanh tịnh đạo đã nói rõ.

Sau khi đắc thiền thứ tư, hãy khéo ghi nhớ và làm cho tăng truởng, muốn đạt đến chỗ chân thật phải hội đủ năm điều: một là chú tâm, hai là nhập, ba là trụ, bốn là xuất, năm là quán trở lại. Khi quán thông pháp thiền này rồi nên quán sắc vô sắc, kế tu tập thêm pháp Tỳ bà xá na như sau: sau khi xuất thiền thứ tư nên giữ lấy thiền chi trong tâm, nương bốn đại để quán thân tứ đại, bắt đầu từ phi sắc xứ, do hai pháp sắc và phi sắc mà thấy tâm thức cùng các phápsắc phi sắc. Nếu xuất định, thở ra thở vào thì thân tâm là nhân của nó, tức là nhờ thân tâm mà thở ra thở vào được; như người thợ rèn dùng ống bệ thổi lửa, nhờ thổi nên có hơi gió vào. Tỳ kheo sau khi quán thấy danh sắc rồi lại quán nhân duyên của nó, ở trong ba đới do danh sắc liên tục không ngừng nên sanh hồ nghi; sau khi dứt nghi nên qún ba tướng của danh sắc là khổ, vô thường, vô ngã; quán ba tướng rồi lại quán sự khởi diệt. Khi quán sự khởi diệt, trước tiên thấy ánh sáng và xa lìa mười phiền não thuộc Tỳ bà xá na và phát sanh Đạo trí và Diệt trí; lúc đó người tu thiền sẽ sanh tâm nhàm lìa ba cõi, theo thứ lớp đắc bốn đạo quả. Khi chứng quả A-la-hán có đủ mười chín trí quán biết cùng tận các pháp; đối với Ma, Phạm, Sa môn, Bà la môn ở trong ba cõi, vị này phước điền vô thượng.

Nói hiện giác ly hỷ là khi đang thở ra thở vào là đang hỷ nhờ hai việc, đó là dùng quán và không mê. Nói dùng quán mà được giác hỷ là khi nhập nhị thiền có hỷ, muốn được trí huệ phải dùng quán mới được giác hỷ; như trong kinh Tam tỳ bà nói: do thở ra thở vào mà được nhất tâm, tâm không tán loạn nên sanh tri thức và liền được giác hỷ; lại do thở ra dài, thở vào ngắn nên giác biết toàn thân…. Sau đó quán ngược lại để tâm định, chú tâm tinh tấn với trí huệ để biết điều nên biết, để xả điều nên xả, để quán điều nên quán, để hiện tướng nên hiện mà thành giác hỷ. Trong tam thiền có giác lạc, trong tứ thiền có giác tâm Tăng ha la (tâm hành), tâm hành chỉ cho hai ấm thọ và tưởng, lạc trong giác lạc có hai là thân lạc và tâm lạc. Trong kinh Tam tỳ bà nói: diệt tâm hành tức là diệt tâm hành thô, cũng gọi là định chỉ, như trong phẩm thân hành đã nói rõ; hỷ trong giác hỷ cũng nhiếp trong đây. Nói tâm hành tức là thọ tưởng tâm sở vì hai pháp này không rời tâm, nếu lấy tâm hành thì thọ tưởng cũng nhiếp trong đó. Nói giác tâm là giác biết tâm hoan hỉ, tâm thiện hoan hỉ và cực hoan hỉ, nhờ định và tuệ quán nên khi thở ra thở vào liền được hai hoại hoan hỉ này. Nói nhờ định là khi nhập định có hỷ, trụ trong định cũng có hỷ trong mỗi sát na; nói nhờ tuệ quán là khi nhập nhị thiền có hỷ, xuất thiền nhờ tiêu diệt pháp mà tiếp xúc với thiền hỷ, trong sát na quán Tỳ bà xá na xem thiền hỷ là quán, khéo trụ tâm ở trong quán xứ, nhờ hiện quán trong một sát na tâm định vượt qua tưởng gọi là nhất tâm định; quán hơi thở ra vào như thế thì tâm giải thoát. Nói tâm giải thoát là lìa phiền não, lìa tư và niệm ở thiền thứ hai, lìa hỷ ở thiền thứ ba, lìa khổ lạc ở thiền thứ tư, theo thứ lớp được giải thoát như vậy. Khi quán Tỳ bà xá na thấy vô thường liền xả tưởng về thường, thấy khổ liền xả tưởng về lạc, thấy vô ngã liền xả tưởng về ngã, tâm không còn đắm trước. Do không đắm trước nên ly dục,, từ dục quán diệt tưởng, từ khởi tưởng quán xả chấp thủ mà được tâm giải thoát, nên trong luật mới nói quán hơi thở ra vào như thế thì tâm được giải thoát.

Nói quán vô thường là quán năm ấm vô thường, nói năm ấm vô thường vì chúng là pháp sanh diệt, nói sanh diệt là pháp biến tướng, do biến tướng nên trong mỗi sát na sanh pháp vô tướng; khi quán vô thướng nên quán sắc là vô thường trước, tức là hằng quán hơi thở ra vào của thân tứ đại. Nói quán ly dục có hai: một là quán tiêu trừ được ly dục, tức là tất cả pháp tướng diệt trong từng sát na; hai là quán không còn sót được ly dục, tức là niết bàn. Nhờ hai pháp này mà được thấy đạo, nhờ thấy đạo mà được pháp tịch diệt, được tịch diệt rồi liền quán xả ly, dùng tuệ quán xả ly phiền não, chuyển nhập niết bàn.

Lúc đó Thế tôn nhóm Tỳ kheo tăng quở trách các Tỳ kheo: “vì sao các thầy lại tự sát, giúp đỡ nhau tự sát và nhờ Sa môn Lộc trượng giết mình chết như thế?”, quở trách rồi liền kết giới thứ ba cho các Tỳ kheo, đây là căn bản kết giới sau đó tùy việc kết thêm thì gọi là tùy kết. Nói khen ngợi chết là như nói: “ông sống trên đời gặp nhiều khổ não… nhưng ông đã làm nhiều điều thiện thì khi chết sẽ sanh lên cõi trời”;nói không làm các ác nghiệp… là không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối…nhưng nay bị bịnh khổ bức bách thì sống làm chi, thà chết còn hơn… thì gọi là khuyên bảo chết. Nếu người bịnh nghe lời mà tự sát thì Tỳ kheo phạm tội sát. Nói biết dó là chúng sanh là Tỳ kheo có tâm quyết định muốn khiến kia chết, chúng sanh trong đây là chỉ cho người, từ khi thọ vào thai cho đến khi già chết. Khi mới thọ vào thai gọi là sắc ca la la, nơi sắc Ca la la này nếu là nam hay nữ thì có ba mươi sắc, nếu là huỳnh môn thì có hai mươi sắc. Nói sắc Ca lala của nam nữ là khi Ca la la mới được thành giống như giọt dầu trong suốt trên đầu sợi lông dê, như kệ nói:

“Như giọt dầu rất nhỏ,

Trong suốt không có cặn,

Ca la la mới thành,

Màu sắc cũng như vậy”

Sắc ban đầu của người rất nhỏ như vậy, con người thời quá khứ có tuổi thọ hai ngàn năm thì Ca la la theo thứ lớp trưởng thành cũng như vậy cho đến khi già chết. Nói đoạn mạng Ca la la là dùng tay đập vỗ vào thai hoặc dùng thuốc với nhiều phương tiện làm cho thai không thể sanh ra được. Nói sanh có hai là sanh cõi sắc và cõi Vô sắc, trong các sắc sanh cõi Vô sắc thì không thể bị giết, sanh cõi sắc thì có thể bị giết, nhưng sắc bị giết thì vô sắc cũng bị giết vì vô sắc nương tựa vào sắc.

Hỏi: nói giết sắc là giết sắc ở quá khứ, hiện tại hay vị lai?- như kệ nói:

“Sắc quá khứ không phải hiện tại,

Sắc vị lai không phải hiện tại,

Sắc hiện tại tương tục sanh mãi,

Lấy sắc hiện tại, bỏ khứ lai,

Giết sắc hiện tại là sát sanh”

Nói hiện tại sanh là một sát na tương tục không diệt, nói sát na vừa sanh liền diệt; nói giết sắc hiện tại là sát sanh là vì quá khứ tương tục đến hiện tại không ngừng dứt là nhân của tương lai sanh, nếu làm cho ngừng dứt thì gọi là sát sanh. Nói nên biết chúng sanh là biết thế gian gọi chúng sanh chỉ là giả danh, nếu luận kỹ thì nên gọi là sanh khí; nói nên biết đoạn mạng chúng sanh là đoạn dứt sanh khí không cho sống nữa; nói nên biết phương tiện giết là có sáu phương tiện:

1. Tự giết là tự tay giết.

2. Bảo người giết là bảo người khác: hãy giết.

3. Quăng ném… giết là dùng các khí cụ như cung nỏ, gạch đá… bắn, ném để giết.

4. Đặt để là đặt bẩy, đào hầm, đào hố hoặc cho thuốc độc vào thức ăn… để giết.

5. Dùng chú thuật để giết có hai: một là A tháp bà ni da, tức là nước địch hay giặc dùng chú thuật trù ếm làm cho đau đầu, đau bụng… các chứng bịnh khác khiến cho chết; hai là số, tức là đọc câu chú cho đến mười hoặc hai mươi biến… khiến cho chết.

6. Dùng thần lực là dùng thần thông lực như các loài rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già… tùy dùng năng lực thần thông của mình để giết khiến cho chết. Như rồng phun độc, phun lửa…; Ca lầu la có thể mổ giết trong phạm vi một tầm…

Nói đưa khí vật cho người bịnh là như đưa dao hoặc để dây hay thuốc độc gần bên người bịnh cho họ dùng tự sát; nói xúi dục cho chết là như bảo người nhảy xuống vực ở giữa ghềnh đá…. Dùng các phương tiện trên để giết hay khiến người tự sát thì Tỳ kheo phạm Ba la di, nếu người ngay lúc đó không chết, sau đó mới chết cũng phạm Ba la di.

Như trường hợp tự giết, nếu Tỳ kheo thấy dê đang ngủ tại một nơi liền khởi nghĩ đợi đến đêm sẽ đến giết nó, giết được dê thì phạm Ba dật đề. Nếu sau đó dê bỏ đi đến chỗ khác ngủ, có cha hoặc mẹ của Tỳ kheo hoặc A-la-hán bỗng đến chỗ đó nằm ngủ, Tỳ kheo ban đêm không nhận biết nên giết. Nếu tâm ban đầu là muốn giết dê, nhưng khi hạ dao khởi tâm quyết định giết dù là dê hay người thì Tỳ kheo phạm Ba la di; nếu biết là cha hay mẹ hay A-la-hán mà có tâm muốn giết thì phạm nghịch tội Ba la di; nếu biết là Dược xoa, quỷ thần mà có tâm muốn giết thì phạm Thâu lan giá; nếu biết có cha hay mẹ ở trong quân đội mà vẫn bắn vào trong quân, trúng cha hay mẹ chết thì phạm nghịch tội Ba la di, bắn trúng người khác chết thì chỉ phạm Ba la di.

Như trường hợp bảo người giết, nếu bảo giết người cao mà giết người thấp, bảo giết người này lại giết người kia thì người sai bảo không phạm trọng, người giết phạm trọng; nếu người sai bảo nói gặp ai cũng giết thì bất cứ ai chết, người sai đều phạm Ba la di. Nếu người sai bảo hôm nay giết, người được sai ngày mai mới giết… thì người giết phạm trọng, người sai không phạm trọng; nếu người sai nói lúc nào giết cũng được thì khi giết xong, người sai phạm trọng; nếu người bảo bảo giết, người được sai giết đúng người muốn giết thì cả hai đều phạm trọng; như thế cho đến sai chuyền nhiều người giết, kết phạm cũng giống như trên. Nếu sai giết Tỳ kheo là người chưa đắc đạo, nhưng khi sắp giết người này lại đắc quả A-la-hán thì người sai và người giết đều phạm tội nghịch Ba la di.

Như trường hợp trù rủa cho chết là có Tỳ kheo oan gia ở trong số các Tỳ kheo đến thọ thỉnh thực, do ngồi khuất phía sau nên không thấy, cho là oan gia không đến nên lớn tiếng nói: “Tỳ kheo tên ___ sao không bị giặc giết chết hoặc rắn độc cắn chết hoặc bị người thuốc cho chết cho rồi, nếu chết thì tôi rất vui vẻ”; hoặc biết Tỳ kheo oan gia có đến, cố ý nói lớn như trên cho vị này nghe, không ngờ vị này đã bỏ đi trước mà không biết thì cả hai trường hợp này đều phạm Đột kiết la.

Trường hợp khen ngợi chết, khuyên bảo khiến cho chết như trên đã nói, nếu người nghe hiểu được thì người nói phạm Đột kiết la, nếu người nghe làm theo lời khuyên bảo đó mà tự sát mà không chết thì người nói kia phạm Thâu lan giá, nếu chết thì người nói phạm Ba la di. Nếu người đối diện nghe không hiểu, người bên cạnh nghe hiểu và làm theo lời tự sát thì người nói kia không phạm trọng; nếu người nói nhắm vào cả hai để khuyên bảo chết thì dù ai chết, người nói cũng phạm Ba la di. Nếu sai người đến chỗ người kia khen ngợi chết hay khuyên bảo khiến cho chết thì khi thốt ra lời liền phạm Đột kiết la, người được sai đến kia nói, người kia nghe rồi tự sát mà không chết thì người sai và người giết đều phạm Thâu lan giá, nếu chết thì cả hai đều phạm Ba la di. Nếu người được sai không đến chỗ người kia mà lại đến chỗ người khác nói, nếu chết thì người được sai phạm Ba la di, người sai chỉ phạm Đột kiết la. Trường hợp viết thư hay viết sách khen ngợi chết như thế sẽ sanh lên cõi trời, người đọc thư hay sách này làm theo lời khen ngợi này mà tự sát thì người viết thư hay sách phạm Ba la di; nếu viết thư hay sách xong khởi tâm hối đốt bỏ thì phạm Đột kiết la.

Trường hợp đào hầm hố… làm cho người chết là nếu Tỳ kheo có tâm muốn giết người này nên đào hầm thì khi đào phạm Đột kiết la, người này rơi xuống hầm mà không chết thì Tỳ kheo phạm Thâu lan giá, nếu chết thì phạm Ba la di; nếu người khác rơi xuống hầm này mà chết thì Tỳ kheo không phạm trọng; nếu đào hầm mục đích để hại người thì bất cứ ai rơi xuống hầm chết, Tỳ kheo đều phạm Ba la di; nếu sau khi rơi xuống hầm không chết ngay, sau đó mới chết thì Tỳ kheo cũng phạm Ba la di; trường hợp sai người đào hầm, kết phạm cũng như trên đã nói.

Trường hợp thuyết pháp cho người bịnh nghe về khổ không vô thường vô ngã, người bịnh nghe pháp này mà tự sát thì Tỳ kheo không phạm. Nếu Tỳ kheo thấy người bịnh nặng, bị khổ bức bách nên khởi tâm từ bi nói: “thầy giữ giới đầy đủ sao lại chịu khổ bức bách như thế này, nếu chết nhất định sẽ sanh thiên”, người bịnh nghe lời này liền bỏ ăn mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba la di. Vì thế Tỳ kheo có trí huệ khi đến thăm người bịnh, cẩn thận chớ khen ngợi chết mà nên khuyên rằng: “thầy giữ giới đầy đủ, chớ sanh tâm luyến tiếc trú xứ, y vật cho đến thân quyến bạn bè…, hãy nên nhớ nghĩ Tam bảo và quán thân bất tịnh; sống trong ba cõi dù thọ hay yểu cũng chớ nên biếng nhác”, người bịnh nghe lời khuyên như pháp này mà chết thì Tỳ kheo không phạm.

Trường hợp không phạm là như có hai cha con xuất gia, người con thúc đẩy người cha đi nhanh khiến cho người cha chết, có hai câu: nếu người con nói với cha rằng: “đừng để chúng tăng đợi, chúng ta hãy đi mau”, nói rồi đẩy người cha đi nhanh khiến người cha té ngã xuống đất mà chết thì người con không tội, vì không cố ý; nếu cả hai đến trong Tăng, Tăng hỏi: “thầy là con của Tỳ kheo Ma-ha-la này hả?”, Tỳ kheo này nghe rồi sanh tâm hổ thẹn đẩy người cha té xuống đất, nhân đây mà chết thì Tỳ kheo này phạm Ba la di, vì cố ý; nếu người cha không chết thì phạm Thâu lan giá. Nếu Tỳ kheo khất thực được thức ăn mang về chia cho bạn đồng học hoặc cho Thượng trung hạ tòa ăn trước, kia vì ăn thức ăn này mà chết, Tỳ kheo khất thực này do không có tâm giết nên không phạm. Lại có Tỳ kheo do tâm dục hừng thạnh làm cho tâm loạn, muốn chế ngự mà không thể chế ngự được nên lên sườn núi cao nhảy xuống tự sát, không ngờ dưới chân núi có người đang chặt cây, Tỳ kheo rơi xuống đè lên trên người này, người này nhân đây mà chết thì Tỳ kheo không phạm vì không cố ý. Do nhân duyên này Phật chế ngăn Tỳ kheo tự sát cho đến đoạn thực đều phạm Đột kiết la.

Trường hợp giết thai nhi là như người vợ có chồng đi xa, gian dâm với người khác nên có thai, khi thai lớn đến chỗ Tỳ kheo xin thuốc trục thai, Tỳ kheo nói: “tự đè bụng thì thai sẽ chết và ra ngoài”, người nữ này nghe rồi tự đè bụng làm cho thai nhi chết thì Tỳ kheo phạm trọng, nếu dùng cách khác để trục thai thì Tỳ kheo không phạm. Lại như người nữ không con là người này khi mới thọ thai, do có nghiệp tội đời trước nên chúng sanh vào thai chỉ trong chốc lát liền chết; hoặc do bốn đại không điều hòa, bị phong động nên thai nhi chết, hoặc thai nằm ở chỗ có trùng ăn nên chết. Tỳ kheo không biết nguyên nhân này nên cho uống thuốc giữ thai khiến người nữ này chết thì phạm Đột kiết la vì cho uống không đúng thuốc, không phạm trọng vì không có tâm giết. Vì thế Phật chế ngăn Tỳ kheo không được làm thầy thuốc điều chế thuốc cho người thế tục, nếu làm thì phạm Đột kiết la; nếu vì người xuất gia điều chế thuốc thì không phạm. Nếu những vị đồng học có sẵn thuốc thì tốt, nếu không có mà mình có cũng nên cho, nếu mình cũng không có thì nên đến xin thí chủ; có năm nơi được đến xin thuốc, đó là cha, mẹ, người nuôi dưỡng cha mẹ, tịnh nhân của mình và Bạn đầu ba la sa (cận trụ nam hay nữ nương ở trong chùa, sắp xuất gia). Nếu cha mẹ giàu, có đủ thuốc hay thì Tỳ kheo không cần điều chế thuốc cho; nếu cha mẹ nghèo có bịnh, Tỳ kheo nên điều chế thuốc cho hoặc đưa vào chùa chăm sóc cho đến khi lành bịnh. Nếu là tịnh nhân của mình có bịnh cũng nên cho họ thuốc, có mười hạng người Tỳ kheo nên cho thuốc, đó là anh em, chị em, cô dì, chú bác, cậu… cho đến bảy đời; nếu họ có sẵn thuốc thì Tỳ kheo nên điều chế, nếu không có thì nên cho, sau này họ hoàn trả lại thì tốt, không hoàn trả cũng không nên đòi. Nếu không phải là mười hạng người trên mà là người khác hoặc giặc hoặc quân binh có bịnh vào chùa xin thuốc, Tỳ kheo nếu có thuốc cho thì tốt, nếu không có nên xin thuốc từ thân quyến hoặc từ thí chủ rồi đưa cho họ cũng là tốt. Nếu thí chủ tín tâm cúng dường xem Tăng như cha mẹ mà có bịnh, Tăng khéo dùng phương tiện chỉ họ cách điều trị. Như thí chủ đến hỏi Tỳ kheo: “mẹ con mắc bịnh ______, nên dùng thuốc gì và chữa trị như thế nào?”, Tỳ kheo khéo dùng phương tiện hỏi Tỳ kheo bên cạnh: “Tỳ kheo tên _______ trước đây cũng mắc bịnh này đã dùng thuốc gì để trị?”, đáp là đã dùng loại thuốc ______ nên được lành bịnh; thí chủ nghe rồi liền y theo lời Tỳ kheo nói mà mua thuốc cho mẹ mình. Như trường hợp phu nhân của vua Bà sa bà bị bịnh, sai cung nữ đến hỏi đại đức Ba đầu ma cách điều trị, đại đức cũng khéo dùng phương tiện như trên để chỉ dẫn, cung nữ nghe rồi trở về cung, y theo lới Tỳ kheo nói mà mua thuốc cho phu nhân uống. Sau khi lành bịnh, phu nhân cho mang nhiều y vật đến cúng dường đại đức, Tỳ kheo khéo dùng phương tiện như thế có thể làm lợi ích chúng sanh mà bản thân cũng không phạm trái lời Phật dạy. Nếu thí chủ có bịnh sai người đến thỉnh Tỳ kheo chú nguyện thì Tỳ kheo nên tụng kinh cầu an cho họ, hoặc đến chỗ người bịnh thuyết pháp hay truyền giới. Tỳ kheo khất thực được thức ăn, nếu là cha mẹ thì Tỳ kheo được đem thức ăn này cho, nếu là người khác thì không được đem cho. Nếu có người đến xin hoặc giặc đến đòi cung cấp, Tỳ kheo được lấy vật riêng của mình đưa cho, nếu là vật của Tăng thì phải bạch Tăng trước, Tăng hòa hợp cho mới được lấy cho. Nếu người có quyền thế đến chùa đòi lấy vật, vị tri sự vì hộ chùa nên lấy đưa cho thì tăng không nên quở trách là đã tùy ý lấy vậtđem cho.

Nói trị quỷ là có Dược xoa hay bắt người ăn thịt, Tỳ kheo tụng chú bảo nó đi, nó không đi, Tỳ kheo nói nếu không đi sẽ giết, Dược xoa cũng không đi nên Tỳ kheo dùng đất nặn thành tượng Dược xoa rồi tụng chú trên hình tượng này làm cho tượng gảy tay chân thì Dược xoa cũng bị gảy tay chân, làm cho đứt dầu thì Dược xoa cũng bị đứt đầu mà chết thì Tỳ kheo phạm Thâu lan giá. Nếu Tỳ kheo không biết trong phòng có Dược xoa ác hoặc có rắn độc hay thú dữ hại người mà bảo Tỳ kheo kia vào, Tỳ kheo kia vào bị Dược xoa… hại chết thì Tỳ kheo này không phạm; nếu biết có Dược xoa ác hay rắn độc… trong phòng và có tâm muốn giết hại Tỳ kheo kia nên bảo vào phòng, Tỳ kheo kia bị hại chết thì Tỳ kheo này phạm Ba la di, nếu bị hại mà không chết thì Tỳ kheo này phạm Thâu lan giá. Nếu Tỳ kheo biết chỗ kia là hiểm nạn mà sai Tỳ kheo kia đi đến đó khiến người kia chết thì Tỳ kheo phạm trọng, không chết thì phạm Thâu lan giá; nếu không biết là hiểm nạn nên sai đi thì không phạm.

Nói tưởng nghi mà giết là như có Tỳ kheo muốn giết Tỳ kheo oan gia nên suy nghĩ: “nếu ta giết ban ngày thì mọi người sẽ biết, nên đợi đến đêm hãy giết”, nghĩ rồi đợi ban đêm đến giết Tỳ kheo oan gia kia, trong số nhiều người, nếu tưởng và nghi Tỳ kheo này là Tỳ kheo oan gia mà giết chết thì phạm Ba la di. Nói giết phi nhân là như có Tỳ kheo bị quỷ nhập, muốn cho quỷ xuất ra nên dùng cây đánh Tỳ kheo này, không may làm cho Tỳ kheo này chết thì không phạm trọng. Vì vậy muốn quỷ xuất ra không nên đánh, chỉ nên dùng lá cây Đa la hay vải lụa cột tay chân Tỳ kheo bị quỷ nhập rồi tụng kinh trì chủ bảo quỷ xuất ra rằng: “ngươi không được quấy nhiễu người trì giới, hay đi đi”, hoặc thuyết pháp khiến cho nó bỏ đi. Lại có Tỳ kheo bị cây ngã đè thà giữ giới mà chết chứ không dùng búa rìu chặt cây, nếu có người đến chặt cây cứu mình ra thì tốt. Nếu có người đốt lửa, lửa cháy lan gần đến chùa, vì hộ trú xứ Tỳ kheo khéo dùng phương tiện để dập tắt lửa đều không phạm. Hết giới Ba la di thứ ba.

“Thế tôn biết bốn đế,

Khéo nói trọng thứ tư,

Nay phân biệt giải thích,

Gọi là Ba la di”.

Lúc đó Phật tại nước Tỳ xá ly…, nói bị bạch y sai khiến là cày ruộng hay làm vườn… cho bạch y, đều là những việc mà Tỳ kheo không nên làm, việc Tỳ kheo nên làm là giáo thọ bạch y, như trong luật đã nói. Nói sứ giả là làm sứ cho bạch y, nói hành pháp Thánh lợi là pháp vô thượng của bậc Thánh, cũng gọi là pháp hơn người, cũng gọi là pháp niết bàn. Nói đắc thiền thứ nhất… là các Tỳ kheo ở sông Bà cầu toan tính với nhau rồi đến nói với các bạch y rằng: “có Tỳ kheo tên __chứng được Sơ thiền, Tỳ kheo tên ____ chứng được nhị thiền… cho đến chứng được ba đạt trí, được lậu tận A-la-hán”, dù bạch y có hỏi hay không hỏi, các Tỳ kheo này cũng khen ngợi lẫn nhau như thế để mong được các bạch y cúng dường, nhờ đó nhan sắc tươi tắn, khí lực dồi dào; do được cúng dường quá đầy đủ nên sanh phóng dật, lười biếng tọa thiền. Khi các Tỳ kheo này đến chỗ Phật, Phật hỏi trụ chỉ có được an lạc không…, sau khi nghe biết việc này Phật liền quở trách: “các thầy làm hạnh ác này là đại giặc trong Phật pháp”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “có năm loại đại tặc:

1 – Đại tặc ở thế gian, như có nhiều người tụ tập hoặc hai trăm cho đến năm trăm làm giặc cướp vào thôn xóm, thành ấp đểđánh cướp của người. Tỳ kheo cũng vậy, nếu phạm tội Đột kiết la hoặc Ba dật đề cho đến Ba la di, lại còn thọ người khác cúng dường tôn trọng, ngợi khen, lễ bái… Các Tỳ kheo ác này từ bỏ thầy bạn đồng tu để kinh doanh kiếm lợi dưỡng, được lợi dưỡng rồi buông lung ăn uống nên thân thể mập mạnh, khí lực dồi dào; do đây sanh phóng dật hoặc bàn luận về thức ăn ngon hoặc về dâm dục… hoặc nói những lời thô tục, buông lung tâm ý không biết chế ngự nên đưa đến chỗ phá giới. Thật không phải là Thích tử mà xưng là Thích tử, không phải phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, đây là loại đại giặc thứ nhất”.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Sa Di Thập Giới Nghi Tắc - Luật Tạng
  • Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 2 – Mười Giới Sa Di - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng