1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18

QUYỂN 18

Trong kiền độ y Ca hi na, phải ít nhất là năm người tiền an cư mới được thọ y Ca hi na; người phá an cư, người hậu an cư và những người từ nơi khác đến đều không được thọ. Nếu tại trú xứ không đủ năm người, được thỉnh Tăng ở nơi khác đến cho đủ túc số để thọ nhưng Tỳ kheo khách này không được thọ. Nếu trú xứ có bốn Tỳ kheo và một Sa di, an cư sắp xong, cho Sa di thọ giới cụ túc để đủ túc số năm người thọ y Ca hi na thì tân Tỳ kheo này cũng được thọ; trường hợp một Tỳ kheo và bốn Sa di cũng vậy. Nếu trú xứ có đủ túc số Tăng nhưng không biết pháp thọ y Ca hi na thì được thỉnh một Tỳ kheo biết pháp từ nơi khác đến tác pháp yết ma để thọ nhưng vị Tỳ kheo khách này không được thọ, cũng không được chia phần y.

Hỏi: người nào được thí y cho Tăng làm y Ca hi na?- cả bảy chúng và chư thiên đều có thể cúng y cho Tăng làm y Ca hi na. Nếu có người không hiểu cách may y Ca hi na đến hỏi, thì Tỳ kheo nên chỉ, tùy trong ba y hoặc Tăng già lê, hoặc Uất đa la tăng hoặc An đà hội đều được thọ làm y Ca hi na. Tự tứ xong vào ngày mươi sáu, khi mặt trời vừa mọc, thí chủ nên đem vải đến trong Tăng, Tăng nên nói số lượng kim chỉ cần để may y, thí chủ nên cúng dường đầy đủ kể cả thức ăn uống cho các Tỳ kheo may y Ca hi na. Người thọ trì y Ca hi na phải biết pháp thọ, vải này phải do nhiều Tỳ kheo cùng nhau cắt rọc và may thành, ngay trong ngày đó nhuộm và điểm tịnh rồi mới thọ trì. Nếu có nhiều người mang vải đến để làm y Ca hi na thì chỉ nên chọn cái tốt nhất, những cái còn lại Tăng được chia.

Hỏi: y Ca hi na nên giao cho ai thọ trì?- nên giao cho vị có y rách, nếu Tỳ kheo có y rách nhiều thì nên chọn vị già có tuổi hạ cao nhất, không được giao cho người có tâm xẻn tham. Phật sở dĩ khen ngợi việc thọ y Ca hi na là vì chư Phật quá khứ cũng khen ngợi, như quá khứ vào thời Phật Liên hoa, có vị đệ tử Thanh văn tên là Tu xà đa, do trong một ngày may y Ca hi na không kịp nên Phật bảo một vạn sáu ngàn Tỳ kheo 22 tập trung đến cùng phụ giúp để may cho xong.

Sau khi may xong y, Tỳ kheo thọ trì y Ca hi na nên xả y Tăng già lê mà mình đang thọ trì rồi cầm y Ca hi na ở trong Tăng nói ba lần: “y Ca hi na này, nay tôi xin thọ trì”, nói rồi đắp y trịch bày vai hữu đến trước Thượng tòa trong Tăng bạch rằng: “đại đức, con nay như pháp thọ trì y Ca hi na của Tăng, xin Tăng tùy hỉ”, Thượng tòa đứng dậy đưa tay sờ vào y này rồi nói: “trưởng lão như pháp thọ trì y Ca hi na của Tăng, tôi xin tùy hỉ”, như thế lần lượt cho đến vị hạ tòa. Không phải Tăng, cũng không phải chúng thọ trì y Ca hi na, chỉ một người thọ trì y Ca hi na này, Tăng hay chúng đều tùy hỉ mới thành thọ. Nếu thí chủ đem ba y đến trong Tăng nói cúng cho người thọ trì y Ca hi na thì phải theo như lời của thí chủ, đưa cho người thọ trì y Ca hi na, người khác không được thọ. y Ca hi na có công đức nhiếp Tăng để Tăng được lợi thí, khinh vật được chia cho người thọ y Ca hi na, còn trọng vật thì thuộc về Tăng bốn phương. Nếu trong đồng giới bố tát mà có nhiều trú xứ thì không được thọ y Ca hi na riêng, nên hòa hợp lại một chỗ như pháp thọ một y Ca hi na.

Nói mang vải đã có chưa may thành y ra ngoài giới là Tỳ kheo thọ y mang vải này ra ngoài giới đến trú xứ khác, thấy có phòng ở tốt đẹp hoặc có người quen biết nên không muốn trở về thì mất chỗ ở trước, mất y công đức sau. Nếu khởi niệm: “ta sẽ không may y, cũng không trở về”, thì cả chỗ ở và y công đức đều mất. Nói khi may y mất là khi may y khởi niệm không muốn trở về thì mất chỗ ở trước, mất y công đức sau. Nói khi nghe mất là khi nghe xả y thì mất y công đức trước, mất chỗ ỏ sau. Nói khi hết hy vọng thì mất là khi hết hy vọng được cúng vải thì mất trú xứ trước, mất y công đức sau…

Trong kiền độ Câu diệm di, nếu người đang hành biệt trụ có người thỉnh hay truyền giới cho người thì được tạm ngưng hành pháp, việc xong trở về mới hành tiếp. Khi xả hành pháp nên đối trước một Tỳ kheo nói ba lần: “đại đức, tôi nay xin xả hành pháp Ba lợi bà sa”. Khi đang hành pháp biệt trú hay hành Ma na đỏa, trong trú xứ các Tỳ kheo đều đi hết, không có ai để bạch pháp hành, thì Tỳ kheo hành pháp này nên tâm niệm: “nếu có Tỳ kheo nào đến, ta sẽ bạch”, nếu trong sáu ngày hành Ma na đỏa không có ai để bạch thì Tỳ kheo hành pháp này cũng được cho xuất tội. Nếu trong trú xứ có nhiều Tỳ kheo đến và đi, khó thể bạch hết thì ban ngày được xả hành pháp, khi mặt trời chưa mọc nên cùng bốn hay năm Tỳ kheo ra ngoài giới, người đang hành pháp sẽ đối trước các Tỳ kheo này bạch pháp hành như sau: “con Tỳ kheo ______ đã hành pháp được ______ ngày, còn lại ______ ngày chưa hành”; nếu trong giới có Tỳ kheo nào đi ra đến chỗ đó thì Tỳ kheo hành pháp này cũng phải bạch như thế, nếu không bạch thì bị mất đêm.

Lúc đó tại nước Câu diệm di, trong một trú xứ có hai Tỳ kheo: một là luật sư, hai là kinh sư. Vị kinh sư khi vào nhà xí, sau khi dùng nước tẩy tịnh xong, không đổ bỏ nước đó và úp chậu xuống; vị luật sư vào sau thấy chậu nước rửa còn nước liền hỏi: “ai vào nhà xí rửa xong, không đổ bỏ nước đã rửa và úp chậu xuống?”, vị kinh sư nói là tôi, luật sư hỏi: “thầy biết tướng tội không?”, kinh sư đáp là thật không biết tướng tội, luật sư nói: “thầy phạm tội Đột kiết la”, kinh sư nói: ‘ nếu phạm Đột kiết la thì tôi sẽ sám hối”, luật sư nói: “thầy có cố ý làm không?”, đáp là không cố ý, luật sư nói: “nếu không cố ý thì không phạm”, kinh sư nghe nói không phạm nên không sám hối. Luật sư trở về phòng nói với đệ tử của mình: “vị kinh sư kia không biết phạm hay không phạm”, đệ tử này nghe rồi liền đến nói với đệ tử của kinh sư rằng: “thầy tôi nói thầy của thầy không biết phạm hay không phạm”, người đệ tử này nghe rồi về nói lại cho thầy nghe, vị kinh sư nghe rồi liền nói: “luật sư này trước nói là ta không phạm, sao nay lại nói là có phạm, luật sư này nói dối”, đệ tử này nghe rồi liền đến nói với đệ tử của luật sư: “thầy tôi nói thầy của thầy nói dối”, người đệ tử này nghe rồi về nói lại cho thầy nghe. Cứ như thế làm cho việc lan rộng ra và trở thành việc tranh cãi lớn, sau đó vị luật sư rình tìm lỗi của kinh sư rồi ở trong Tăng cử tội vị này. Lúc đó Phật đứng dậy dùng thần thông lực đi đến nước Xá vệ mà không nói cho các Tỳ kheo ở nước Câu diệm di biết, vì sao, vì nếu Phật ở trong Tăng làm người xử đoán việc tranh cãi này, người được thắng sẽ vui vẻ, người thua sẽ nói là Phật thiên vị và phỉ báng Phật là tùy ái, tùy sân. Do phỉ báng Phật, người ấy sẽ bị đọa địa ngục nên Phật mới bỏ đi, không muốn làm người xử đoán.

Trong bảy pháp diệt tránh, nếu là tương ngôn tránh thì nên dùng hai pháp Tỳ ni là Hiện tiền tỳ ni và Đa mích tỳ ni để dứt diệt. Ức niệm tỳ ni chỉ được dùng đối với bậc Tỳ kheo ái tận, dưới cho đến bậc A na hàm, không phải đối với hàng phàm phu. Đa mích tỳ ni là đi khắp nơi tìm các Tỳ kheo biết pháp để như pháp quyết đoán việc tranh cãi. Ma di là hai bộ Ba la đề mộc xoa. Khi hành xá la, nếu thấy thẻ phi pháp nhiều hơn thẻ như pháp thì nên thu thẻ lại và nói: “ngày mai sẽ hành thẻ lại”, sau đó đi tìm thêm những người như pháp, sáng mai khi phát thẻ nếu thấy Thượng tòa lấy thẻ phi pháp thì nên nói nhỏ: “vì sao Thượng tòa lại lấy thẻ phi pháp, nên lấy thẻ như pháp”.

Trong kiền độ về Tỳ kheo ni, sở dĩ Phật không cho người nữ xuất gia vì kính pháp. Nếu cho người nữ xuất gia trong thiện pháp luật thì chánh pháp chỉ trụ được năm trăm năm, Phật chế bát kỉnh pháp là muốn cho chánh pháp được tồn tại một ngàn năm.

Hỏi: nếu vậy, sau một ngàn năm Phật pháp diệt tận hay sao?- không phải là diệt tận mà là diệt dần; trong ngàn năm đầu có người đắc Tam đạt trí, trong một ngàn năm kế tiếp có người đắc ái tận A-la-hán nhưng không đắc Tam đạt trí; trong một ngàn năm kế chỉ đắc A na hàm, trong một ngàn năm kế nữa chỉ đắc Tư đà hàm, trong một ngàn năm kế nữa chỉ đắc Tu đà hoàn; trong năm ngàn kế nữa chỉ có học pháp không có tu chứng, trong một vạn năm sau cùng tất cả kinh sách đã có dần dần tiêu diệt, chỉ còn hình thức cạo tóc mặc pháp phục mà thôi.

Trong kiền độ Pháp, nói vật trọng thuộc bất động sản đều không được phân chia, như ruộng vườn, phòng xá, ao giếng trong chùa thuộc Tăng, cho đến ngọa cụ giường ghế bàn… của Tăng đều không được bán, cũng không được chia, trừ trao đổi. Những khinh vật (những vật cần dùng trong sinh hoạt) như kim chỉ, dao, khóa cửa, tích trượng, ống đựng dầu, ống đựng thuốc… đều được chia; những khí cụ khác như nồi nêu soang chảo… thì không được chia, cho đến những khí cụ trong Tăng phòng cũng không được chia.

Trong phẩm tôn giả Xá lợi phất dùng kệ hỏi tôn giả Ưu ba ly (giải thích theo số chú thích ở trong văn phía sau):

Hỏi: Thân nghiệp có mấy tội,

Khẩu nghiệp có mấy tội,

Che giấu có mấy tội,

Xúc chạm có mấy tội?

Đáp: Thân nghiệp có sáu tội (1),

Khẩu nghiệp cũng có sáu (2),

Che giấu có ba tội (3),

Xúc chạm có năm tội (4).

Hỏi: Đến trời sáng mấy tội,

Ba lần hỏi mấy tội,

Có mấy giới tám việc,

Tất cả tụ có mấy?

Đáp: Đến trời sáng ba tội (5),

Ba lần hỏi hai tội (6),

Tám việc có một giới (7), T

ất cả tụ có một (8).

Hỏi: Như lai phân biệt thuyết,

Tỳ ni có mấy tướng,

Tỳ ni trọng cómấy,

Có mấy tội thô ác?

Đáp: Như lai phân biệt thuyết,

Tỳ ni có hai tướng (9),

Tỳ ni trọng có hai (10),

Thô ác cũng có hai (11).

Hỏi: Trong tụ lạc mấy tội,

Qua sông có mấy tội,

Mấy loại thịt – Thâu lan,

Mấy loại thịt – Kiết la?

Đáp: Trong tụ lạc bốn tội (12),

Qua sông cũng có bốn (13),

Một loại thịt – Thâu lan (14),

Chín loại – Đột kiết la (15).

Hỏi: Đêm nói có mấy tội,

Ngày nói có mấy tội,

Đem cho có mấy tội,

Nhận lấy có mấy tội?

Đáp: Đêm nói có hai tội (16),

Ngày nói cũng hai tội (17),

Đem cho có ba tội (18),

Nhận lấy có bốn tội (19).

Hỏi: Mấy tội có thể sám,

Mấy tội phải yết ma,

Mấy tội không thể sám,

Như lai phân biệt thuyết?

Đáp: Năm tội được sám hối (20),

Tội thứ sáu yết ma (21),

Một tội không thể sám (22),

Như lai phân biệt thuyết.

Hỏi: Tỳ ni trọng có mấy,

Thân khẩu nghiệp có mấy,

Nước phi thời mấy vị,

Mấy bạch tứ yết ma?

Đáp: Tỳ ni trọng có hai (23),

Thân khẩu nghiệp cũng vậy,

Nước phi thời một vị (24),

Một bạch tứ yết ma (25).

Hỏi: Ba la di có mấy,

Mấy đất đồng hòa hợp,

Lại có mấy mất đêm,

Kết hai ngón mấy giới?

Đáp: Ba la di có hai (26),

Đất hòa hợp có hai (27),

Mất đêm cũng có hai (28),

Hai giới kết hai ngón (29).

Hỏi: Tự đánh mình mấy tôi,

Mấy nguyên nhân phá Tăng,

Vừa làm có mấy tội,

Tác bạch lại có mấy?

Đáp: Tự đánh mình hai tôi (30),

Hai nguyên nhân phá Tăng (31),

Vừa làm có hai tội (32),

Tác bạch cũng có hai (33).

Hỏi: Sát sanh có mấy tội,

Nói mấy tội trọng,

Trách mắng có mấy tội,

Mai mối có mấy tội?

Đáp: Sát sanh có ba tội (3),

Nói có ba tội trọng(35),

Trách mắng cũng có ba (36),

Mai mối cũng có ba (37).

Hỏi: Không được thọ mấy người,

Tụ làm có mấy tội,

Diệt tẫn lại có mấy,

Nói một lần có mấy?

Đáp: Không được thọ – ba người (38),

Tụ làm lại có ba (39),

Diệt tẫn cũng có ba (40),

Nói một lần có ba (41).

Hỏi: Giới trộm có mấy tội,

Giới dâm có mấy tội,

Đang giết có mấy tội,

Nhân quăng bỏ mấy tội?

Đáp: Giới trộm có ba tội (42),

Giới dâm có bốn tội (43),

Đang giết có ba tội (44),

Nhân quăng bỏ hai tội (45).

Hỏi: Giáo giới Tỳ kheo ni,

Mấy Ba dật, kiết la,

Tin lời Phật có mấy,

Cho y mấy loại tội?

Đáp: Trong phẩm giáo giới ni,

Có Ba dật, kiết la (46)

Tin lời Phật có bốn (47),

Cho y hai loại tội (48).

Hỏi: Phật nói Tỳ kheo ni,

Có mấy Ba la di,

Xin giống sống có mấy,

Ba dật đề, kiết la?

Đáp: Phật nói Tỳ kheo ni,

Có tám Ba la di(49),

Do xin hạt giống sống,

Có Ba dật, Kiết la (50)

Hỏi: Khi đi có mấy tội,

Khi đứng có mấy tội,

Khi ngồi có mấy tội,

Khi ngủ có mấy tội?

Đáp: Khi đi có bốn tội (51),

Khi đứng có bốn tội (52),

Khi ngồi có bốn tội,

Khi ngủ có bốn tội.

Hỏi: Có mấy Ba dật đề,

Tất cả không cùng loại,

Không phải trước hay sau,

Phạm tội cùng một lúc?

Đáp: Có năm Ba dật đề (53),

Không phải cùng một loại,

Không phải trước hay sau,

Phạm tội cùng một lúc.

Hỏi: Có mấy Ba dật đề,

Không phải cùng một loại,

Không phải trước hay sau,

Phạm tội cùng một lúc?

Đáp: Có chín Ba dật đề (54),

Không phải cùng một loại,

Không phải trước hay sau,

Phạm tội cùng một lúc.

Hỏi: Có mấy Ba dật đề,

Không phải cùng một loại,

Dùng thân khẩu sám hối,

Như lai phân biệt thuyết?

Đáp: Có năm Ba dật đề (55),

Không phải cùng một loại,

Dùng thân khẩu sám hối,

Như lai phân biệt thuyết.

Hỏi: Có mấy Ba dật đề,

Không phải cùng một loại,

Khẩu nghiệp sám có mấy,

Như lai phân biệt thuyết?

Đáp: Có chín Ba dật đề (56),

Không phải cùng một loại,

Khẩu nghiệp sám có một,

Như lai phân biệt thuyết.

Hỏi: Có mấy Ba dật đề,

Không phải cùng một loại,

Miệng nói thành sám hối,

Như lai phân biệt thuyết?

Đáp: Có năm Ba dật đề (57),

Không phải cùng một loại,

Miệng nói tên sám hối,

Như lai phân biệt thuyết.

Hỏi: Có mấy Ba dật đề,

Không phải cùng một loại,

Tụ tánh thành sám hối,

Như lai phân biệt thuyết?

Đáp: Có chín Ba dật đề (58),

Không phải cùng một loại,

Tụ tánh thành sám hối,

Như lai phân biệt thuyết.

Hỏi: Can lần ba mấy tội,

Do ăn có mấy tội,

Khi ăn có mấy tội,

Do mấy loại ăn – phạm?

Đáp: Can lần ba ba tội (59),

Do ăn có sáu tội (60),

Khi ăn có ba tội (61),

Do năm loại ăn – phạm (62)

Hỏi: Tất cả quá ba lần,

Chỗ phạm có mấy tội,

Hỏi tội lại có mấy,

Tránh sự lại có mấy?

Đáp: Tất cả quá ba lần (63),

Chỗ phạm có năm tội (64),

Khéo đáp tội có năm (65),

Tránh sự cũng có năm (66).

Hỏi: Luận sự lại có mấy,

Dùng mấy pháp để diệt,

Thanh tịnh có mấy loại,

Có mấy chỗ thành thiện?

Đáp: Luận sự lại có năm (67),

Dùng năm pháp để diệt (68),

Có năm loại thanh tịnh (69),

Trong ba chỗ thành thiện (70).

Hỏi: Thân nghiệp – đêm mấy tội,

Thân nghiệp – ngày mấy tội,

Khi thấy phạm mấy tội,

Khất thực phạm mấy tội?

Đáp: Thân nghiệp – đêm hai tội (71),

Thân nghiệp – ngày hai tội (72),

Khi thấy phạm một tội (73),

Khất thực phạm một tội (74).

Hỏi: Thấy ân có mấy loại,

Nương người thành sám hối,

Đuổi ra lại có mấy,

Khéo hành bao nhiêu pháp?

Đáp: Thấy ân có tám loại (75)

Nương người thành sám hối (76)

Đuổi ra có ba hạng (77)

Khéo hành bốn mươi ba (78).

Hỏi: Vọng ngữ có mấy chỗ,

Bảy ngày lại có mấy,

Mấy pháp Đề xá ni,

Sám hối có mấy loại?

Đáp: Vọng ngữ có năm chỗ (79),

Pháp bảy ngày có hai (80)

Mười hai Đề xá ni (81)

Sám hối lại có bốn (82)

Hỏi: Nói dối có mấy quán,

Bố tát có mấy quán,

Sứ giả có mấy quán,

Ngoại đạo có mấy pháp?

Đáp: Nói dối có tám quán (83)

Bố tát cũng có tám (84)

Sứ giả cũng có tám (85)

Ngoại đạo có tám pháp (86)

Hỏi: Thọ đại giới mấy lời,

Khởi kính lại có mấy,

Mấy người được dự tòa,

Giáo giới ni mấy đức?

Đáp: Thọ đại giới tám lời (87)

Khởi kính cũng có tám (88)

Tám người được dự tòa (89)

Giáo giới ni – tám đức (90)

Hỏi: Mấy hạng người không lạy,

Cũng không chắp tay chào,

Có mấy Đột kiết la,

Dùng y có mấy loại?

Đáp: Mười hạng người không lạy (91)

Cũng không chắp tay chào.

Có mười Đột kiết la (92)

Dùng y cũng có mười (93).

Hỏi: Mấy yết ma phi pháp,

Như lai phân biệt thuyết,

Trong kiền độ Chiêm ba,

Tất cả đều phi pháp?

Đáp: Có mười hai yết ma (94)

Như lai phân biệt thuyết,

Trong kiền độ Chiêm ba,

Tất cả đều phi pháp.

Tôn giả Ưu ba ly nói với tôn giả Xá lợi phất:

Tùy câu đại đức hỏi,

Tôi đã tùy ý đáp,

Tôn giả Xá lợi phất nói với tôn giả Ưu ba ly:

Đã đáp theo câu hỏi,

Không còn chút nghi ngờ.

Giải thích theo số chú thích ở trên:

1.Nơi ba nghiệp có sáu phạm là thân phạm, khẩu phạm, thân khẩu phạm, thân tâm phạm, khẩu tâm phạm và thân khẩu tâm phạm.

2. Thân nghiệp phạm có sáu tội là dâm, nộ…; khẩu nghiệp phạm có sáu tội là hư dối vọng ngữ…

3. Che giấu có ba tội: một là Tỳ kheo ni che giấu tội trọng phạm Ba la di, hai là Tỳ kheo che giấu tội trọng của người khác phạm Ba dật đề, ba là Tỳ kheo che giấu tội trọng của mình phạm Đột kiết la.

4. Xúc chạm có năm tội: một là Tỳ kheo ni xúc chạm người nam phạm Ba la di, hai là Tỳ kheo xúc chạm người nữ phạm Tăng tàn, ba là Tỳ kheo dùng thân chạm y của người nữ phạm Thâu lan giá, bốn là Tỳ kheo dùng y chạm người nữ phạm Đột kiết la, năm là Tỳ kheo dùng tay chọc lét Tỳ kheo khác phạm Ba dật đề.

5. Đến trời sáng có ba tội: một là chứa y dư quá mười ngày và quá một tháng, khi mặt trời mọc phạm Ni tát kỳ ba dật đề; hai là Tỳ kheo ni ngủ lại đêm một mình, khi mặt trời mọc phạm Tăng tàn; ba là Tỳ kheo tự che giấu tội, khi mặt trời mọc phạm Đột kiết la.

6. Ba lần hỏi có hai loại tội là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, khi thuyết giới nghe hỏi ba lần, biết có tội mà không phát lồ thì phạm Đột kiết la.

7. Một giới tám việc là tội Ba la di của Tỳ kheo ni

8. Tất cả tụ có một là trong phần tựa giới có nói nhớ có tội phải phát lồ (cả năm thiên giới)

9. Như lai phân biệt nói giới tướng trọng khinh, tỳ ni tướng có hai là thân và khẩu.

10. Tỳ ni trọng có hai là Ba la di và Tăng tàn

11. Tội thô cũng có hai là Ba la di và Tăng tàn

12. Trong tụ lạc có bốn tội là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni hẹn đi chung, Tỳ kheo vừa bước đi thì phạm Đột kiết la, đến giới tụ lạc thì phạm Ba dật đề; Tỳ kheo ni một mình vào tụ lạc, một chân vào giới tụ lạc, một chân còn bên ngoài thì phạm Thâu lan giá, cả hai chân vào giới tụ lạc thì phạm Tăng tàn.

13. Qua sông có bốn tội là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni hẹn đi chung thuyền, Tỳ kheo vừa bước đi thì phạm Đột kiết la, bước lên thuyền thì phạm Ba dật đề; Tỳ kheo ni một mình qua sông, một chân bước lên bờ thì phạm Thâu lan giá, hai chân bước lên bờ thì phạm Tăng tàn.

14. Ăn thịt người phạm Thâu lan giá

15. Ăn thịt voi, ngựa, chó… phạm Đột kiết la êm nói có hai tội là Tỳ kheo ni cùng người nam vào phòng tối, đứng gần nhau nói chuyện trong phạm vi hai khuỷu tay thì phạm Ba dật đề, ngoài hai khuỷu tay thì phạm Đột kiết la.

16. Ngày nói có hai tội là Tỳ kheo ni cùng người nam đứng ở chỗ khuất nói chuyện, trong phạm vi hai khuỷu tay rưỡi thì phạm Ba dật đề, ngoài hai khuỷu tay rưỡi thì phạm Đột kiết la.

17. Đem cho có ba tội là Tỳ kheo đưa thuốc độc để giết người chết thì phạm Ba la di, giết phi nhân chết thì phạm Thâu lan giá, giết súc sanh chết thì phạm Ba dật đề.

18. Nhận lấy có bốn tội: một là người nữ đưa tay, Tỳ kheo nắm lấy thì phạm Tăng tàn, hai là người nữ đem thân cúng dường, Tỳ kheo thọ hành dâm dục thì phạm Ba la di, ba là Tỳ kheo lấy y từ Tỳ kheo ni không phải bà con thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề, bốn là Tỳ kheo ni biết người nam có tâm nhiễm mà thọ thức ăn của họ thì phạm Thâu lan giá.

19. Năm tội có thể sám hối là Thâu lan giá, Ba dật đề, Ba la đề đề xá ni, Đột kiết la và Ác thuyết.

20. Tội thứ sáu phải yết ma là Tăng già bà thi sa

21. Một tội không thể sám là Ba la di

22. Tỳ ni trọng là Ba la di và Tăng tàn, thân khẩu cũng như vậy là Phật chế giới kết tội dựa trên thân khẩu

23. Nước phi thời một vị ngon là nước Tô tỳ diêm

24. Một bạch tứ yết ma là sai người giáo giới Tỳ kheo ni

25.  Ba la di có hai loại là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni

26. Đất hòa hợp có hai là về thân và về pháp.

27. Mất đêm có hai là hành biệt trú và Ma na đỏa

28. Kết giới hai ngón tay có hai là Tỳ kheo ni tẩy tịnh và để tóc dài, cả hai đều không được quá hai ngón tay.

29. Tự đánh mình có hai tội là Tỳ kheo ni tự đánh phạm Đột kiết la, gào khóc thì phạm Ba dật đề

30. Hai nguyên nhân phá Tăng là yết ma và lấy thẻ.

31. Vừa làm liền phạm có hai: một là Tỳ kheo có 9 pháp đầu vừa làm liền phạm Tăng tàn; hai là Tỳ kheo ni cũng có 9 pháp đầu vừa làm liền phạm Tăng tàn

32. Tác bạch có hai là bạch và đơn bạch yết ma

33. Sát sanh có ba tội là giết người phạm Ba la di, giết phi nhân phạm Thâu lan giá, giết súc sanh phạm Ba dật đề

35. Nói có ba tội trọng là bảo người trộm, khuyên bảo người chết và vọng nói mình được pháp hơn người.

36. rách mắng có ba tội là Tỳ kheo có tâm dâm trách mắng người nữ về hai đường hành dâm thì phạm hai Tăng tàn, trách măng về thân phần khác thì phạm Đột kiết la

37. Mai mối có ba tội là khi nhận lời phạm Đột kiết la, đến kia nói phạm Thâu lan giá, trở về báo lại phạm Tăng tàn

38. Ba hạng người không được thọ giới: một là người ở chỗ xa không nghe, hai là người có thân phần không đầy đủ (bao gồm không có y bát), ba là người không có căn đầy đủ (bao gồm mười ba già nạn).

39. Tụ làm có ba là biệt chúng, bạch không thành tựu và yết ma không thành tựu.

40. Diệt tẫn có ba: một là Tỳ kheo ni đem thân mình vu báng người khác như Tỳ kheo ni Từ địa, hai là Sa di hành dâm Sa di, ba là khởi tà kiến nói hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo.

41.  Một lần nói yết ma cả ba người đồng thời đắc giới

42. Giới trộm có ba tội là trộm năm tiền phạm Ba la di, trộm bốn tiền phạm Thâu lan giá và dưới ba tiền phạm Đột kiết la

43. Giới dâm có bốn tội; một là nơi căn của người nữ phạm Ba la di, hai là nơi căn của người nữ chết đã hoại phân nửa thì phạm Thâu lan giá, ba là nơi căn đã hoại hoàn toàn thì phạm Đột kiết la, bốn là Tỳ kheo ni làm nam căn đưa vào trong căn của mình thì phạm Ba dật đề

44.  Chành đoạn có ba tội là đoạn mạng người phạm Ba la di, đoạn cây cối phạm Ba dật đề, đoạn nam căn phạm Thâu lan giá

45. Quăng bỏ có ba tội là có tâm giết nên bỏ thuốc độc vào thức ăn, nếu người chết thì phạm Ba la di, phi nhân chết thì phạm Thâu lan giá, súc sanh chết thì phạm Ba dật đề. Lại có ba loại quăng bỏ khác: một là Tỳ kheo xuất tinh thì phạm Tăng tàn, đại tiểu tiện trên cây cỏ tươi thì phạm Ba dật đề, đại tiểu tiện trong nước sạch thì phạm Đột kiết la; khạc nhổ cũng như vậy.

46. Giáo giới Tỳ kheo ni đến chiều tối thì phạm Ba dật đề, thuyết pháp trước rồi mới nói bát kỉnh pháp thì phạm Đột kiết la

47. Tin lời Phật dạy có bốn là phòng xá, giới, làm như pháp và làm không như pháp.

48. Cho y có hai tội: một là đem y cho Tỳ kheo ni có đầy đủ giới không phải bà con thì phạm Ba dật đề, cho Tỳ kheo ni không đầy đủ giới (thọ giới cụ túc không đủ hai bộ tăng) thì phạm Đột kiết la

49. Tỳ kheo ni có tám Ba la đề đề xá ni

50. Tỳ kheo ni xin giống sống thì phạm Ba dật đề, ăn thì phạm Đột kiết la

51. Đi có bốn tội là Tỳ kheo hẹn người nữ đi chung, vừa đi thì phạm Đột kiết la, đến thôn thì phạm Ba dật đề; Tỳ kheo ni đi một mình, khi đi phạm Thâu lan giá, đến thôn thì phạm Tăng tàn

52. Đứng có bốn tội là Tỳ kheo ni cùng người đứng ở chỗ khuất thì phạm Ba dật đề, cách xa ngoài tầm tay thì phạm Đột kiết la; Tỳ kheo ni khi trời sáng mà không đi cùng với bạn, đứng cách xa trong tầm tay thì phạm Thâu lan giá, ngoài tầm tay thì phạm Tăng tàn; ngồi và ngủ cũng vậy.

53. Ba dật đề có năm là tô, dầu, mật, thạch mật và mỡ đựng riêng từng lọ, thọ quá bảy ngày thì phạm năm tội Ba dật đề

54. Chín Ba dật đề là nhũ, lạc, sanh tô,thục tô, dầu, mật, thách mật, thịt và cá, xin chín món ăn ngon này mà ăn thì phạm chín tội Ba dật đề

55. Năm tội Ba dật đề trên sám hối bằng khẩu nghiệp

56. Chín tội Ba dật đề trên cũng sám hối bằng khẩu nghiệp

57. Năm tội Ba dật đề trên khi sám hối nêu tên từng món

58. Chín tội Ba dật đề trên khi sám hối cũng nêu tên từng món.

59. Can đến lần thứ ba có ba tội: một là Tỳ kheo ni tùy thuận người bị cử tội, được can ba lần không bỏ thì phạm Ba la di; hai là Tỳ kheo ác tánh được can ba lần không bỏ thì phạm Tăng tàn; ba là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni ác kiến được can ba lần không bỏ thì phạm Ba dật đề

60. Vì ăn có sáu tội: một là vì ăn uống mà tự nói mình được pháp hơn người phạm Ba la di; hai là vì ăn uống nên mai mối phạm Tăng tàn; ba là vì ăn uống nên nói người nào thọ thỉnh thực ở nhà đó là A-la-hán mà không nói tên mình ra thì phạm Thâu lan giá; bốn là Tỳ kheo vì ăn uống nên không bịnh mà xin thức ăn ngon phạm Ba dật đề; năm là Tỳ kheo ni vì ăn uống nên không bịnh mà xin thức ăn ngon thì phạm Ba la đề đề xá ni; sáu là Tỳ kheo không bịnh mà xin cơm thì phạm Đột kiết la.

61. Khi ăn có ba tội là khi ăn thịt người phạm Thâu lan giá, khi ăn thịt voi… thì phạm Đột kiết la; Tỳ kheo ni khi ăn tỏi thì phạm Ba dật đề

62. Do năm loại thức ăn mà phạm là Tỳ kheo ni thọ thức ăn từ người nam có tâm nhiễm ô thì phạm Tăng tàn, ăn thịt người phạm Thâu lan giá, ăn tỏi phạm Ba dật đề, xin thức ăn ngon mà ăn thì phạm Ba la đề đề xá ni, ăn thịt voi… thì phạm Đột kiết la

63. Quá ba lần là Tỳ kheo ni tùy thuận người bị cử tội, tác bạch can mà không bỏ phạm Đột kiết la, yết ma lần thứ nhất mà không bỏ thì phạm Thâu lan giá, yết ma lần thứ ba mà không bỏ thì phạm Ba la di

64. Năm chỗ phạm tội là Tỳ kheo ni tùy thuận người bị cử tội, tác bạch xong mà không bỏ thì phạm Đột kiết la; yết ma lần thứ nhất xong mà không bỏ thì phạm Thâu lan giá; yết ma lần thứ ba xong mà không bỏ thì phạm Ba la di; trợ giúp phá Tăng can ba lần không bỏ thì phạm Tăng tàn; khởi ác kiến can ba lần không bỏ thì phạm Ba dật đề

65. Khéo đáp tội có năm là năm chúng xuất giacan ba lần mà không bỏ đều có tội

66. Tránh sự cũng có năm là năm chúng đếu có bốn tránh sự

67. Luận sự cũng có năm là bàn luận việc tranh cãi của năm chúng

68. Dùng năm pháp để diệt là năm chúng diệt việc tranh cãi của năm chúng

69. Thanh tịnh có năm là năm chúng phạm tội biết sám hối thì trở lại thanh tịnh

70. Trong ba chỗ thành thiện là chỗ của tăng, chỗ của chúng và chỗ của bạch y nếu không có việc tranh cãi thì gọi là thiện

71. Thân nghiệp – đêm có hai tội là Tỳ kheo ni cùng người nam vào phòng tối gần nhau trong tầm tay thì phạm Ba dật đề, ngoài tầm tay thì phạm Đột kiết la

72. Thân ngiệp – ngày có hai tội là Tỳ kheo ni cùng người nam ở chỗ khuất, gần trong tầm tay thì phạm Ba dật đề, ngoài tầm tay thì phạm Đột kiết la

73. Khi thấy có một tội là Tỳ kheo thấy nữ căn thì phạm Đột kiết la

74. Xin thức ăn một tội là Tỳ kheo không bịnh mà xin cơm thì phạm Đột kiết la

75. Thấy ân có tám là như trong kiền độ Câu diệm di có nói

76.  Nương người khác sám hối là năm chúng đều nương người khác để sám hối

77. Đuổi ra có ba tội là che giấu, không chịu sám hối và ác kiến

78. Khéo hành bốn mươi ba pháp là người bị tẫn phải hành bốn mươi ba pháp mới được vào trong chúng, nếu không hành thì không được vào

79. Nói dối có năm tội là Ba la di, Tăng tàn, Thâu lan giá, Ba dật đề và Đột kiết la

80. Pháp bảy ngày có hai là Thất nhật dược và thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới

81. Tỳ kheo ni có tám Ba la đề đề xá ni, Tỳ kheo có bốn, tổng cộng là mười hai

82. Sám hối có bốn là bốn người đến chỗ Phật sám hối: một là người hại Phật do Đề bà đạt đa sai, Ưu bà di cúng dường A nậu lâu đà, Ly xa tử bị Tăng cho yết ma úp bát và bốn là Tỳ kheo Sa bà già

83. Nói dối có tám quán là khởi tâm muốn nói dối, miệng nói ra lời, nói dối xong, biết là nói dối, che giấu điều mình biết, vọng nói việc khác, người nghe hiểu được, tà tâm

84. Bố tát có tám là tám trai giới

85. Sứ giả có tám là Đề bà đạt đa muốn phá Tăng, Tăng sai người đủ tám đức đi thông báo việc làm của Đề bà đạt đa không phải của Phật Pháp Tăng, mà là của Đề bà đạt đa

86. Ngoại đạo có tám pháp là ngoại đạo muốn xuất gia phải hành tám pháp biệt trú: không đi đến năm nơi không nên đến, nghe khen ngợi Phật pháp tăng thì hoan hỉ

87. Tỳ kheo ni ở trong hai bộ tăng bạch tứ yết ma thọ giới cụ túc

88. Tỳ kheo ni có tám pháp kính

89.  Khi đại chúng nhóm họp, tám vị Thượng tòa ngồi theo thứ lớp, nhưng vị khác tùy ngồi

90. Tỳ kheo đủ tám đức mới được giáo giới Tỳ kheo ni

91. Không nên lễ bái mười hạng người là Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, người phạm giới, người ngủ, người đang ăn, người đang đại tiểu tiện, người đang xỉa răng; không chắp tay chào cũng vậy.

92.  Nếu lễ bái mười hạng người trên thì phạm mười tội Đột kiết la

93. Có mười loại y được thọ dụng

94. Mươi hai yết ma phi pháp là trong Đơn bạch yết ma có bốn phi pháp: bạch không đúng, phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng và pháp biệt chúng; trong bạch nhị yết ma cũng có bốn phi pháp, trong bạch tứ yết ma cũng có bốn phi pháp, tổng cộng là mười hai phi pháp.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Sa Di Thập Giới Nghi Tắc - Luật Tạng
  • Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 2 – Mười Giới Sa Di - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng