QUYỂN 4
Lúc đó ở trong vườn tháp, Ma hê đà cùng sáu mươi tám Tỳ kheo Ái tận ngồi trên tọa cụ day về hướng Nam, A phiêu xoa ngồi trên tọa cụ day về hướng Bắc; Ma hê đà thỉnh A phiêu xoa làm pháp sư, A phiêu xoa làm theo nghi thức mà tôn giả Ưu ba ly ngày xưa đã làm. A phiêu xoa nói về công đức của Như lai: trước kia Phật nói tựa luật ở dưới cây Mạn đà la, bến bãi Nan đà lân la, thôn Tỳ-lan-nhã…; vì thương xót chúng sanh có ba nghiệp bất thiện nên Phật mới chế giới luật để chế phục ba nghiệp thân khẩu ý; khi Phật còn tại thế vì chúng đệ tử Thanh văn nên mới chế giới luật, chế tạng luật xong mới nhập niết bàn vô dư. Lúc đó trên không trung, chư thiên khen ngợi lành thay và làm sấm chớp phi thời cùng các thần biến khác. Tỳ kheo Mạt đa bà da là em vua cùng năm trăm Tỳ kheo muốn học luật đều ngồi vây quanh pháp tòa, các Tỳ kheo khác và vua đều ngồi theo thứ lớp, như kệ nói:
“Tất cả biệt chúng trụ,
Sáu mươi tám đại đức,
Đều hiểu rõ tạng luật,
Chúng Thanh văn Pháp vương,
Ái tận được tự tại,
Thần thông, ba đạt trí,
Đem trí huệ vô thượng,
Giáo hóa vua, dân chúng,
Chiếu sáng nước Sư tử,
Khắp nơi đều được thấy,
Cũng như đống lửa lớn,
Hết củi nhập niết bàn”
Sau khi các đại đức này nhập niết bàn, quyến thuộc của đại đức A phiêu xoa là Đế tu đạt đa, Ca la Tu Ma Na, Tỳ già Tu Ma Na nối nhau truyền thừa mãi cho đến ngày nay.
Hỏi: ai truyền tạng luật đến nước Sư tử?
Đáp: là Ma hê đà, kế là A phiêu xoa và các đệ tử của A phiêu xoa nối nhau truyền trì, như bình lưu ly đựng đầy nước, trong ngoài đều trong suốt và không có rỉ chảy; các đại đứctruyền trì tạng luật cũng như vậy mãi cho đến ngày nay. Nếu người nào có lòng tin, biết hổ thẹn, ưa thích học giới luật thì Phật pháp được trụ lâu; vì vậy người nào muốn Phật pháp trụ lâu thì nên học tạng luật trước, vì sao, vì đem đến lợi ích cho người tu hành. Lợi ích như thế nào? Nếu người nào hảo tâm xuất gia thì tạng luật là cha mẹ, vì tạng luật làm cho người xuất gia được đầy đủ giáo học oai nghi; nếu nương theo tạng luật tự thân trì giới thì đoạn dứt nghi cho người khác, khi vào trong Tăng không có gì sợ hãi, ai có phạm tội thì dựa vào luật xử đoán làm cho phật pháp được trụ lâu. Như Phật bảo các Tỳ kheo: “ai thọ trì luật này sẽ có năm lợi ích: một là tụ thân trì giới, hai là dứt nghi cho người khác, ba là vào trong Tăng không sợ hãi, bốn là kiến lập được Phật pháp và năm là làm cho chánh pháp được trụ lâu. Thọ trì luật là nguồn gốc của các công đức, nhờ vào nguồn gốc này mà nhiếp thọ các pháp”. Phật chế giới luật là muốn dứt nhân ác, dưt ác thì không sanh tâm hối, do không sanh tâm hối nên được hoan hỉ, do hoan hỉ nên được an lạc, do an lạc nên được chánh định, do chánh định nên được tuệ nhãn, do tuệ nhãn nên sanh nhàm lìa, do nhàm lìa nên được ly dục, do ly dục nên được giải thoát, do giải thoát nên được giải thoát trí, do giải thoát trí nên thứ lớp nhập niết bàn. Vì muốn nói, vì muốn thuyết, vì y chỉ, vì muốn nghe, theo thứ lớp như thế thì tâm được giải thoát, vì vậy phải ân cần học Luật, như kệ nói: “Người nào thường trì luật, Người ấy trụ lan nhã”. Dưới dây giải thích về tựa Luật:
I – PHẨM NÓI VỀ NHÂN DUYÊN TẠI TỲ LAN NHÃ:
Nhĩ thời có nghĩa là ban đầu hoặc là phát khởi hoặc là nhân khởi, không phải một. Như trong Luật nói lúc đó Phật tại Tỳ-lan-nhã hoặc lúc đó tôn giả Xá lợi phất xuất định liền thỉnh Phật chế giới luật. Chữ nhĩ có nghĩa là phát khởi, chữ thời là nói việc ấy. Như trong Luật nói lúc đó Tu đề na cùng vợ cũ làm việc bất tịnh hạnh, Phật nhân nơi Tu đề na mà chế giới cho các Thanh văn; hoặc lúc đó Tỳ kheo Đạt ni ca trộm gỗ của vua tại thành Vương xá, Phật nhân việc này mà chế giới… Phật sẽ giải thích ở phía sau, trụ là đi đứng nằm ngồi, Tỳ-lan-nhã là tên một nước, Na lân la là tên của Dược xoa, do Dược xoa nương ở nơi cây này nên thành tên, Mạn đà la là rừng cây luyện, dưới cây là dưới bóng râm của cây vào giữa trưa, là chỗ lá rụng xuống đất khi không có gió.
Hỏi: vì sao Phật ở dưới cây này?
Đáp: vì cây này sum suê nhất trong rừng, cách thành không xa, đi lại thuận tiện.
Hỏi: vì sao nói Như lai ở Tỳ-lan-nhã, lại còn nói ở dưới cây, Như lai không thể ở hai chỗ?
Đáp: chớ gạn hỏi như vậy, Tỳ-lan-nhã là chỗ đi lại, dưới cây là chỗ ở.
Hỏi: vì sao Ưu ba ly nói là Tỳ-lan-nhã?
Đáp: vì thương tưởng bạch y.
Hỏi: vì sao lại nói ở dưới cây?
Đáp: vì các đệ tử thuận theo pháp xuất gia để trừ tham dục.
Hỏi: vì sao phải ở trong nước gần người?
Đáp: vì bốn đại. Câu trước là vì thuyết pháp, câu sau là Như lai muốn nhập tịch tĩnh; câu trước do từ bi dẫn dắt, câu sau là từ khổ ban cho vui; câu trước là làm cho chúng sanh an vui, câu sau là làm cho mình an vui; câu trước là bố thí pháp cho chúng sanh, câu sau là vì trời người; câu trước là đồng với chúng sanh, câu sau là không đồng với chúng sanh; câu trước là Phật độc tôn trong ba cõi, chúng sanh nương theo Phật mà được đại an lạc nên nói là một – câu sau là nhân Phật được đản sanh trong vườn nên ưa thích ở dưới cây.
Dữ đại Tỳ kheo tăng câu: chữ đại là đối với tiểu mà nói, do công đức của Tỳ kheo tăng rất lớn, vị nhỏ nhất cũng chứng được quả Tu đà hoàn; nhưng trong đây là chỉ cho đại chúng năm trăm vị nên nói là đại. Tăng là chỉ cho đồng giới, đồng kiến, đồng trí huệ và đồng chúng; chữ câu nghĩa là cùng tụ lại một chỗ; nói năm trăm Tỳ kheo là chỉ cho số lượng; Bà la môn Tỳ-lan-nhã: Bà la môn nghĩa là tịnh hạnh, là người hiểu biết kinh sách Vệ đà của ngoại đạo, do sống ở tại Tỳ-lan-nhã nên lấy tên nước làm tên người. Trong kinh nói Bà la môn là người có thể nghe người khác nói mà biết được pháp, có thể diệt trừ phiền não. Sa mônlà diệt ác pháp, Cù Đàm là họ, Thích ca là thuộc dòng họ lớn, nói từ bỏ dòng họ Thích ca xuất gia là ý nói phát sanh lòng tin mà xuất gia. Thế gian có người vì mắc nợ mà xuất gia, có người vì nước mất mà xuất gia, có người vì nghèo khổ mà xuất gia, có người vì trốn sưu dịch của vua mà xuất gia…, Như lai thì không như thế; nói có đủ danh văn như thế là được tiếng ngợi khen, mọi người đều biết; Bà già bà là hiệu đầu trong mười hiệu Phật.
A-la-hán: chữ A la là chỉ cho căm xe của ba cõi, chữ Hán là phá tan căm xe này, do Như lai phá tan căm xe của ba cõi nên được gọi là Ala-hán; lại có nghĩa là sát tặc, do Như lai giết giặc phiền não nên được gọi là A-la-hán. Vô minh và ái duyên hành là căm xe, lão tử là vành xe, thọ sanh là trục xe, do các phiền não nên từ vô thỉ đã lưu chuyển mãi không ngừng. Phật lấy giới làm đất bằng, lấy tinh tấn làm chân, lấy chí thành làm tay, lấy trí huệ làm búa rìu để chặt gảy căm xe của ba cõi. Lại có thuyết nói thế giới từ vô thỉ là chiếc xe, vô minh là ổ trục xe, lão tử là vàng xe, mười chi còn lại là căm xe; do vô minh không biết pháp khổ, nếu sanh ở cõi Dục lại do vô minh mà tạo nghiệp, nếu sanh lên cõi Sắc thì tạo nghiệp cõi Sắc, nếu sanh lên cõi Vô sắc thì tạo nghiệp cõi Vô sắc. Ở trong cõi Dục, duyên vô minh nên thọ thức; trong cõi Sắc cũng như vậy. Vô minh ở trong cõi Vô sắc duyên với Danh sắc trong cõi Dục; Lục nhập trong cõi Dục duyên với Vô minh và Danh sắc trong cõi Dục; ba nhập trong cõi Sắc duyên với Vô minh trong cõi Vô sắc; một nhập trong cõi Sắc duyên với lục nhập trong cõi Dục; sáu xúc trong cõi Dục duyên với ba nhập trong cõi Sắc; ba xúc trong cõi Sắc duyên với một nhập trong cõi Vô sắc; một thọ trong cõi Vô sắc duyên với sáu xúc trong cõi Dục; sáu lạc trong cõi Dục duyên với ba xúc trong cõi Sắc; ba lạc trong cõi Sắc duyên với một xúc trong cõi Vô sắc; một lạc trong cõi Vô sắc duyên với sáu lạc trong cõi dục. Sáu lạc trong cõi Dục sanh sáu ái duyên với ba lạc trong cõi Sắc; ba ái trong cõi sắc duyên với một lạc trong cõi Vô sắc; một ái trong cõi Vô sắc duyên với xứ xứ ái và sanh ở trong sanh. Nếu người nào ở trong năm dục nghĩ rằng ta muốn hành dục, tự thọ dục, thân ngữ ý bất thiện đầy đủ thì đọa vào địa ngục; ở trong địa ngục, nhân nghiệp thọ sanh rồi lại thọ sanh, đây là nghiệp sanh; nhân nghiệp sanh năm ấm rồi năm ấm già, già tức là chín; năm ấm hoại tức là chết. Nếu người nào ở trong ba cõi nghĩ rằng ta muốn lên trời hành dục, khởi lập thiện hạnh hoặc nhẫn nhục, nhân thiện hạnh nên sanh lên cõi trời, đây là nhân thiện nghiệp mà sanh nữa. Nếu người nào nói ta muốn thọ lạc ở cõi trời Phạm, nhân lạc thọ mà nhớ nghĩ bốn pháp từ bi hỷ xả, khi nhớ nghĩ đầy đủ liền được sanh lên cõi trời Phạm, sanh lên cõi trời Phạm nhờ nghiệp, đây là nghiệp sanh, Nếu người nào nói ta muốn sanh lên cõi Vô sắc, kế sanh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, thường tự nhập định tư duy liền sanh lên cõi ấy, đây là nhờ nghiệp mà được sanh; những nghiệp sanh khác cứ theo thứ lớp như trên mà tự biết.
Từ quá khứ đến vị lai, cả ba đời đều từ Vô minh duyên hành: Vô minh duyên hành là một phẩm; sáu thức, danh sắc, sáu nhập, sáu xúc, sáu lạc là một phẩm; ái, thủ, hữu, sanh là một phẩm; lão, tử là một phẩm. Phẩm đầu thuộc về quá khứ, hai phẩm giữa thuộc về hiện tại, phẩm sau cùng thuộc về vị lại. Vô minh duyên hành liên triền với ái, thủ, hữu không thể rời nhau, nên năm pháp này thuộc về quá khứ; năm pháp ở phẩm giữa từ sáu thức đến sáu lạc là quả báo. Nếu lấy ái thủ liên triền với vô minh tạo nghiệp trong đời hiện tại và già chết thì năm pháp kia từ danh sắc đến sáu thọ đều xếp vào đời vị lai. Nếu phân biệt thuyết thì có hai mươi bốn loại: hành duyên sáu thức là một phẩm; thọ, ái là một phẩm; thủ, hữu là một phẩm họp thành ba phẩm bốn đoạn; nhân nơi phẩm mà thành hai mươi loại nhân duyên bổn khởi. Như lai quán thấy rõ lý nhân duyên này bằng trí huệ chân thật nên được gọi là như thật tri, do như thật tri nên sanh nhàm lìa, do nhàm lìa nên được ly dục và được giải thoát nên Phật được gọi là A-la-hán.
A-la-hán còn có nghĩa là Ứng cúng, tức là xứng đáng thọ trời người cúng dường. Lại do thuở xưa, Phạm vương đem vật báu nhiều như núi Tu di cúng dường cho Thế tôn nên Phật được gọi là Ứng cúng; lại do khi Phật còn tại thế đã thọ các vua như vua Bình sa… cúng dường nên được gọi là Ứng cúng; lại do sau khi Phật nhập niết bàn, vua A Dục đem chín mươi sáu ức tiền vàng xây dựng tám vạn bốn ngàn bảo tháp và mở hội đại thí nên Phật được gọi là Ứng cúng; các đại chúng khác cúng dường Phật thì không thể nào kể hết. A-la-hán còn có nghĩa là không che giấu, người thế gian hễ tạo tội thì thường che giấu, Phật thì không như vậy.
Tam miệu tam Phật đà là biết tất cả pháp, biết nên biết pháp cần biết, biết nên bỏ pháp cần bỏ, biết nên xuất ly pháp cần xuất ly nên gọi là Phật đà. Lại có nghĩa khác là Phật dùng tuệ nhãn thấy rõ Khổ, tập, diệt, đạo đế theo thứ lớp; đối với các pháp như sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp; nhãn nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thọ; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý niệm; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ái; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tư; cho đến năm uẩn, mưới pháp quán, mười tư, mười niệm, mười hai nhập, mười tám giới, bốn thiền, chín định, bốn tâm vô lượng, mười hai nhân duyên nghịch quán từ già chết ưu bi khổ não cho đến vô minh; hoặc thuận quán từ vô minh cho đến già chết ưu bi khổ não. Già bịnh là khổ đế, hữu là tập đế, thoát khỏi khổ tập là diệt đế, biết phương tiện diệt khổ là đạo đế. Như lai đều biết rõ nên được gọi là Tam miệu tam Phật đà.
Minh hạnh túc: minh gồm có ba biết và tám biết, ba biết như trong kinh Tam gới có nói nên biết; tám biết như trong kinh Am la thọ nói là tam muội tri, thần thông tri và sáu thông tri. Hạnh túc là giữ giới, phòng hộ sáu thức, biết đủ về ăn uống, tỉnh giác trong sự ngủ nghỉ, đủ bảy Thánh tài và bốn thiền; do đủ các pháp hạnh này nên Phật được gọi là Minh hạnh túc, cũng do pháp hạnh này mà Phật đạt đến niết bàn nên Phật được gọi là Minh hạnh túc; không phải chỉ riêng có Phật mà các Thanh văn cũng vậy.
Thiện thệ: Phật biết rõ các chúng sanh do tập nên khổ não, do tâm đại từ bi Phật khéo thuyết pháp khiến cho chúng sanh thoát khổ được vui nên được gọi là Thiện thệ; không những ngôn thiện thệ mà hành cũng thiện thệ, không phải ác thiện thệ mà là thiện thiện thệ; lại do Phật bước đi ngay thẳng, đầy đủ oai nghi, không có lỗi lầm nên được gọi là Thiện thệ. Từ khi được Phật Định quang thọ ký, Phật thương xót chúng sanh muốn khiến chúng sanh được an vui, cho đến khi thành đạo dưới cội Bồ đề, Phật đều khéo hành thiện hạnh như thế nên được gọi là Thiện thệ. Phật không theo đoạn kiến, cũng không theo thường kiến, lìa khổ hạnh ép xác, không chấp thường và đoạn nên được gọi là Thiện thệ. Phật thuyết pháp cho tất cả chúng sanh, thường ứng thời mà thuyết; chúng sanh không thích nghe thì không thuyết, thích nghe mới thuyết nên được gọi là Thiện thệ. Pháp Phật đã noi đều là chân thật nghĩa, không phải là hư vọng nghĩa, khiến cho chúng sanh nghe rồi đều được hoan hỉ; Phật không nói lời vô nghĩa, lời nói ra đều có nghĩa lợi ích nên được gọi là Thiện thệ. Thế gian giải: Phật biết tất cả pháp thế gian, biết rõ Tập đế, diệt đế và phương pháp đưa đến diệt đế nên được gọi là Thế gian giải. Như trong kinh Phật bảo các Tỳ kheo: “nếu ta chưa đến chỗ tận cùng thế gian thì ta không tuyên nói khổ tận. Này các Tỳ kheo, trong cái thân một tầm được gọi là Sa môn này có Tập đế thế gian, diệt đế thế gian và phương pháp đưa đến diệt đế thế gian, nếu ta không đi mà đến được chỗ tận cùng thế gian, được thoát khổ thì không có lý đó”. Thế gian có ba loại: hành thế gian, chúng sanh thế gian và xứ thế gian.
Hỏi: sao gọi là hành thế gian?
Đáp: là tất cả chúng sanh nhờ ăn uống mà được sống.
Hỏi: sao gọi là chúng sanh thế gian?
Đáp: là thế gian thường hay vô thường.
Hỏi: xứ thế gian là gì?
Đáp:
Nhật nguyệt vận hành,
Chiếu soi thế gian,
Ánh sáng vô cùng,
Không gì chướng ngại.
Lại nói về một thế gian, hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười cho đến mười tám thế gian.
Hỏi: sao gọi là một thế gian?
Đáp: là chúng sanh nhờ ăn uống mà sống.
Hỏi: sao gọi là hai thế gian?
Đáp: là danh sắc.
Hỏi: sao gọi là ba thế gian?
Đáp: là khổ, vui và không khổ không vui.
Hỏi: sao gọi là bốn thế gian?
Đáp: là bốn loại thực.
Hỏi: sao gọi là năm thế gian?
Đáp: là năm ấm.
Hỏi: sao gọi là sáu thế gian?
Đáp: là sáu nhập.
Hỏi: sao gọi là bảy thế gian?
Đáp: là bảy thức.
Hỏi: sao gọi là tám thế gian?
Đáp: là tám pháp thế gian.
Hỏi: sao gọi là chín thế gian?
Đáp: là chín chỗ ở của chúng sanh
Hỏi: sao gọi là mười thế gian?
Đáp: là mười nhập.
Hỏi: sao gọi là mười hai thế gian?
Đáp: là mười hai nhập.
Hỏi: sao gọi là mười tám thế gian?
Đáp: là mười tám giới.
Như lai biết tất cả hành thế gian này nên gọi là Thế gian giải; lại biết rõ phiền não, đại tiểu phiền não của chúng sanh; cũng biết người thông minh, kẻ ngu độn; cũng biết người có thiện duyên hay ác duyên; cũng biết người dễ giáo hóa và người khó giáo hóa. Như lai biết tất cả chúng sanh thế gian này nên gọi là Thế gian giải; lại biết xứ thế gian có núi Thiết vi ngang dọc hai vạn ba ngàn bốn trăm năm mươi do tuần, chu vi ba mươi bảy vạn ba trăm năm mươi do tuần, nền đất dầy bốn na do tha hai vạn do tuần. Ở trên nước, nước sâu tám na do tha bốn vạn do tuần; ở trên gió, gió dầy sáu mươi chín vạn do tuần. Lại nữa, chân núi Tu di chìm sâu vào biển đến tám vạn bốn ngàn do tuần, núi Tu di cũng cao như thế và có bảy vòng núi bằng bảy báu bao quanh, như kệ nói:
“Do kiền đà la,
Y sa đà la,
Ca la tỳ câu,
Tu đà tô na,
Ni thị đà na,
Tỳ na đa ca,
A sa thiên na,
Là bảy núi lớn,
Bao quanh Tu di,
Bốn Thiên vương trụ,
Trời Dạ ma trụ,
Cao trăm do tuần,
Núi lớn tuyết tụ,
Rộng ngàn do tuần,
Cao rộng bằng nhau,
Đỉnh có tám vạn,
Bốn ngàn ngọn nữa,
Dùng để nghiêm sức.
Có cây Diêm phù,
Cao hai ngàn dặm,
Chu vi hai trăm,
Tàng cây rậm rạp,
Che trăm do tuần,
Vì có cây này,
Gọi cõi Diêm phù.
Núi đại Thiết vi,
Chân chìm trong biển,
Sâu đến tám vạn,
Hai ngàn do tuần,
Cao cũng như vậy,
Thường trụ không hoại,
Vây khắp thế gian.
Trăng – vua các sao,
Đường kính bốn mươi,
Lẻ chín do tuần;
Mặt trời tròn chiếu,
Năm mươi do tuần”.
Cung điện của vua trời Đế thích ngang dọc vạn do tuần, cung điện của A tu la, địa ngục A tỳ và mặt đất cõi Diêm phù đề cũng vậy. Cõi tây Câu da ni ngang dọc bảy ngàn do tuần, cõi đông Phất vu đãi cũng vậy, cõi bắc Uất đơn việt ngang dọc tám ngàn do tuần; mỗi châu đều có năm trăm châu nhỏ vây quanh, khoảng giữa của bên ngoài núi Thiết vi đều là địa ngục Thiết vi, vô lượng thế giới cũng vậy. Phật dùng tuệ nhãn quán thấy biết tất cả nên được gọi là Thế gian giải. Vô thượng sĩ:Phật có công đức hơn hẳn trời người nên được gọi là Vô thượng sĩ; lại do giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến đầy đủ, là bậc vô thượng nên được gọi là Vô thượng sĩ. Như Phật bảo các Tỳ kheo: “ta không thấy có Ma, Phạm, Sa môn, Bà la môn nào trong thế gian mà có giới định huệ ngang bằng với ta, và cũng không có ai là thầy ta”, nên Phật được gọi là Vô thượng sĩ.
Điều ngự trượng phu: Phật điều phục người đáng được điều phục, ví như voi ngựa ngang bướng thì dùng roi đánh rồi mới điều phục, Phật cũng vậy, có thể điều phục tất cả chúng sanh nên được gọi là Điều ngự. Như ngày xưa Phật đã hàng phục được Long vương tên A ba la lưu, voi Thuần chữ, Ma hủ đà bỉ, A kỳ tử, Khu thu ma tử khu tử, Khu đà na… Phật dùng thiện pháp điều phục khiến chúng vào trong chánh pháp, thọ Tam quy ngũ giới. Lại điều phục người nam tên Xà bạt con của Ni kiền đà, Bà la môn Bốc kha la bà, Ương quật ma la…; lại điều phục các Dược xoa A la bà ca, Tu chí lệ, Ma kha la… cho đến vô số chư thiên như Thích đề hoàn nhơn đều được Phật dùng chánh pháp điều phục. Như trong kinh Phật bảo Kỳ tu (Hán dịch là người điều luyện voi): “ta là bậc Điều ngự trượng phu, dùng pháp nhu hòa giáo hóa chúng sanh, nếu chúng sanh không tùy thuận thì ta dùng pháp cứng rắn để giáo hóa; nếu cũng không tùy thuận thì ta dùng pháp vừa mềm vừa cứng để giáo hóa; nếu cũng không tùy thuận thì ta không cùng hòa hợp”.
Thiên nhân sư: ví như đoàn thương nhân có một thương chủ biết rõ những hiểm nạn nên gọi là sư.
Hỏi: những hiểm nạn gì?
Đáp: một là nạn giặc, hai là nạn cọp sói sư tử, ba là nạn đoi, bốn là nạn thiếu nước; đối với các nạn này, vị thương chủ dẫn dắt vượt qua để đến chỗ an lạc. Như lai cũng vậy, dẫn dắt chúng sanh vượt qua các hiểm nạn của sanh già bịnh chết để đến chỗ an lạc, nên được gọi là Thiên nhân sư.
Hỏi: vì sao gọi Phật là thầy của trời người?- khi Phật còn tại thế, tuy có thuyết pháp cho súc sanh nhưng vẫn gọi là Thiên nhân sư. Như trong kinh nói Phật lúc đó ở bên bờ ao Ca la thành Chiêm bà, đang thuyết pháp cho người Chiêm bà. Trong ao có một con ếch nghe tiếng Phật thuyết pháp, vui mừng ra khỏi ao bò đến bụi cỏ, gần chỗ thuyết pháp. Lúc đó có một mục đồng thấy mọi người vây quanh Phật nghe pháp nên cũng đi đến để nghe, khi nó chống gậy đứng nghe trúng vào đầu con ếch khiến ếch chết. Ếch thác sanh lên cõi trời Đao lợi, ở trong cung điện cao rộng mười hai do tuần, chung quanh có các thiên nữ và các kỹ nhạc, thiên tử Ếch liền suy nghĩ: “trước kia ta là súc sanh, nhờ đâu mà được sanh lên cõi trời này?”, liền dùng thiên nhãn quán thấy nhờ nghe Phật thuyết pháp nên mới được quả báo này. Thiên tử Ếch liền hiện thân đến chỗ Phật đảnh lễ, Phật tuy biết rõ nhưng vẫn hỏi: “người là ai mà có thần thông, ánh sáng và tướng hảo không ai sánh bằng, lại đến đảnh lễ ta?”, thiên tử Ếch nói kệ:
“Xưa con mang thân Ếch,
Kiếm ăn trong ao nước,
Nghe tiếng Phật thuyết pháp,
Nên bò đến bụi cỏ,
Bỗng có một mục đồng,
Chống gậy đứng nghe pháp,
Trúng vào đầu của con,
Mạng chung sanh lên trời”
Phật đem việc của Ếch thuyết cho bốn chúng nghe khiến trong chúng có tám vạn bốn ngàn người được thấy vết đạo và thiên tử Ếch chứng quả Tu đà hoàn, chứng quả rồi hoan hỉ trở về thiên cung.
Phật – Bà già bà: do Phật tự giác ngộ và giác ngộ cho người khác; lại là bậc biết rõ như thật, chứng ba đạt trí để giác ngộ thế gian nên được gọi là Phật. Bà già bà có bốn nghĩa: lợi ích, vô thượng, cung kính và tôn trọng nên xứng đáng được thế gian tôn kính. Thế gian có bốn cách gọi tên là tùy, chí, nhân và hiệu; tùy là như người đời gọi con bò con là Nghé, hơi lớn thì gọi là bò tơ, lớn hơn nữa thì gọi là bò già, do tùy thời mà gọi tên khác nhau; chí là như người cầm du, lọng thì được gọi là người có dù, có lọng; nhân là như người nghèo nhờ làm nô tỳ mà được vật báu; hiệu như hiệu Bà già bà không phải do vua Tịnh phạn đặt cho, cũng chẳng phải do tám vạn quyến thuộc đặt cho, cũng chẳng phải do chư thiên, Ma, Phạm đặt cho. Như trong kinh Phật bảo Xá lợi phất: “danh hiệu của ta không phải do cha mẹ, quyến thuộc, vua trời Đế thích, Ma, Phạm… đặt cho ta; mà là do ta quán lý chân thật, chứng được Nhất thiết trí ở dưới cây Bồ đề nên được gọi là Bà già bà”, do Phật tự quán thân Phật có oai đức và trí huệ, muốn cho chúng sanh biết nên tự nói danh hiệu là Bà già bà. Lại do tham sân si, tâm điên đảo, không biết xấu hổ, tật đố, gian dối, che giấu, kiêu ngạo, ngã mạn, lười biếng, khát ái, ác căn bất thiện, bốn điên đảo, bộc lưu, kiết sử, năm Cái, khát ái tụ, tà kiến, mười ác pháp, sáu mươi hai kiến, một trăm lẻ tám phiền não… Như lai đều đã diệt trừ hết, nên gọi là Bà già bà; lại do Như lai có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp của bậc đại nhân, xa lìa các phiền não, trời người đều muốn đến gặp, Phật quán tâm ưa thích của họ mà thuyết pháp nên được gọi là Bà già bà. Bà già bà có sáu nghĩa: thống lĩnh, pháp, danh tiếng, vi diệu, mong muốn và nhớ nghĩ.
Hỏi: sao gọi là thống lĩnh? – là tự thống lĩnh tâm mình – sao gọi là pháp?- là pháp thân Như lai có đầy đủ tất cả – sao gọi là danh tiếng?- là danh tiếng thanh tịnh của Phật truyền khắp nơi – sao gọi là vi diệu?- là thân Phật có đủ tướng vi diệu, nhìn không thấy chán – sao gọi là mong muốn?- là Phật muốn gì tùy tâm mà được, như muốn lợi mình lợi người. – sao gọi là nhớ nghĩ?- là tất cả chúng sanh dùng tâm niệm cúng dường Phật.
Bà già bà còn có nghĩa phân biệt – là phân biệt các pháp như năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, bốn đế, sáu thức, mười hai nhân duyên; lại phân biệt biết mỗi mỗi pháp như Khổ đế là bức bách dời đổi, Tập đế là chấp trước không xả bỏ, Diệt đế là diệt khổ thọ, Đạo đế là nhân duyên được thoát khổ. Bà già bà lại có nghĩa Phật đã trừ bỏ phiền não của ba cõi. Nói thế gian là chỉ cho trời người, Phạm, Ma, Sa môn, Bà la môn; trời người là chỉ cho trời người trong cõi Dục, ma là chỉ cho thiên ma, Phạm là Phạm thiên, Sa môn và Bà la môn là chỉ cho bốn bộ chúng ở thế gian. Phật thu lấy trên dưới đều vào công đức của Như lai, thông đạt tất cả cảnh giới ấy. Nói tự thuyết pháp là Phật tự biết dùng phương tiện, tự dùng tuệ nhãn thấy biết, hoặc biết rõ nghĩa không có chướng ngại nên nói pháp cho chúng sanh nghe.
Hỏi: vì sao Phật lại thuyết pháp cho chúng sanh?
Đáp: vì Phật sanh tâm từ bi đối với chúng sanh, muốn ban vui cho chúng sanh nên mới thuyết pháp, hoặc một bài kệ hoặc nhiều hơn hay ít hơn, đầu giữa sau đều là thiện, nghĩa hay đẹp thuần nhất không tạp, tất cả đều là một vị. Có thuyết nói phẩm đầu là sơ thiện, phẩm giữa là trung thiện, phẩm sau cùng là hậu thiện; hoặc giới là sơ thiện, định đắc đạo là trung thiện, niết bàn là hậu thiện; hoặc giới định là sơ thiện, thiền định và đạo là trung thiện, niết bàn là hậu thiện; hoặc Phật là sơ thiện, pháp tức thiện pháp là trung thiện, Tăng thiện tùy là hậu thiện.
Hỏi: vì sao nói Tăng là hậu thiện?
Đáp: vị nào nghe pháp rồi mà không bị dao động, được Thánh lợi thì được gọi là hậu thiện. Lại nữa Phật Bồ đề là sơ thiện, Bích chi Bồ đề là trung thiện, Thanh văn Bồ đề là hậu thiện. Lại nữa hạng vừa nghe được thiện pháp liền thoát ly năm triền cái gọi là sơ thiện, hạng nghe rồi tùy thuận gọi là trung thiện, hạng tùy hành rồi dần dần đắc đạo gọi là hậu thiện. Dù Như lai thuyết pháp nhiều hay ít đều có đủ sơ trung hậu thiện, nói thiện là thiện về nghĩa và văn tự; nói thiện về nghĩa là Phật thuyết pháp về pháp phạm hạnh, đạo phạm hạnh, dùng nhiều cách để khai thị cho chúng sanh hiểu nên gọi là nghĩa thiện. Lại nữa thiện về nghĩa là câu đủ, cũng gọi là khai thị, cũng gọi là phân biệt, cũng gọi là không che giấu, các câu nối tiếp nhau không dứt; thiện về chữ là có thể trì nghia sâu xa, chỉ bày nghĩa sâu xa. Lại nữa thiện về nghĩa và chữ là có đủ tứ biện: pháp biện, nghĩa biện, từ biện và nhạo thuyết biện; chỉ có người trí mới hiểu được nghĩa sâu xa, kẻ phàm ngu không hiểu được; nói câu đủ là nghĩa đã đủ, không vay mượn; nói chỉ bày phạm hạnh là Phạm thiên hành trì pháp này, người nghe rồi hoan hỉ hành theo. Cho nên chỉ bày phạm hạnh là sơ thiện, có nhân duyên là trung thiện, nghĩa không điên đảo là hậu thiện.
Hỏi: như thế nào là mỹ mãn?- giới đứng đầu năm pháp tụ nên gọi là mỹ mãn, nghĩa của nó thuần nhất nên gọi là tịnh. Như lai thuyết pháp cho chúng sanh không vì tham được cúng dường nên gọi là tịnh hạnh; sở hành của Phật, Phật Bích chi và Thanh văn đều gọi là phạm hạnh. Lành thay, hành tướng như vậy nên đến thăm hỏi.
Hỏi: như thế nào là lành thay?- tức là đưa đến vạn thiện, cũng nói là đưa đến an vui, đây là câu đủ. Hành tướng là có sở hành hơn người và tướng mạo đầy đủ; nên đến thăm hỏi là nên đến gặp Phật.
Lúc đó Bà la môn Tỳ-lan-nhã khởi niệm tư duy rồi đến gặp Phật cung kính thăm hỏi: “tứ đại có kham nhẫn không, các đệ tử Thanh văn có ít bịnh, ít não, tứ đại có khinh an và có được an lạc trụ không?”, Phật cũng thăm hỏi như thế, sau khi thăm hỏi rồi Bà la môn ngồi lui một bên. Người trí đến gặp bậc tôn đức, khi muốn ngồi không nên phạm vào sáu lỗi là quá xa, quá gần, trên gió, chỗ cao, ngay trước mặt và sau lưng.
Hỏi: ngồi quá xa có lỗi gì?- khi cùng nói chuyện sẽ không nghe rõ tiếng – quá gần có lỗi gì?- sẽ tiếp xúc vô lễ – trên gió có lỗi gì?- có mùi hôi trên thân bay xuống – ngồi chỗ cao có lỗi gì?- không cung kính – ngồi ngay trước mặt có lỗi gì?- có nạn nhìn ngó – ngồi sau lưng có lỗi gì?- khi cùng nói chuyện, bậc tôn đức phải quay đầu lại.
Bà la môn này khi ngồi đã tránh được sáu lỗi này, theo thế gian
Bà la môn là người mà cả cha mẹ đều cùng đẳng cấp Bà la môn; trưởng giả là người có thân cao lớn và lớn tuổi, hoặc là người có oai đức và giàu có; già là đầu tóc bạc và đã có con cháu chắt; già nua là da dẻ khô nhăn; cao tuổi là đã sống trải qua nhiều đời vua; tuổi thọ cao là đã sống hơn trăm tuổi. Sa môn là hàng phục phiền não, diệt trừ phiền não hoặc là đã dứt tâm. Bà la môn bày khi đến gặp Phật thấy Phật không đứng dậy chào hỏi và không trải tòa ngồi mời ngồi nên nói với Phật: “Sa môn Cù Đàm sao lại như vậy, đúng như tôi đã được nghe, nay mới thấy Ngài đề cao mình và xem thường người khác”, Phật khởi tâm từ bi đáp: “từ khi Như lai đản sanh trong vườn cây, xuống đất bước đi bảy bước về hướng bắc đã quán thấy trong trời người, Ma, Phạm, Sa môn, Bà la môn, không có ai để ta phải làm lễ cả; lúc đó Như lai một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói rằng: trên trời dưới trời chỉ có ta là độc tôn. Khi ta nói lời này, Phạm thiên liền chắp tay nói: trong ba cõi, Bồ tát là độc tôn, không có ai hơn. Này Bà la môn, khi Như lai chưa đắc đạo đã tự xưng là độc tôn trong ba cõi, huống chi nay Như lai đã thành chánh giác. Nếu người nào muốn Như lai lễ bái thì đầu người đầu sẽ bị vỡ làm bảy phần”, Bà la môn nói: “nếu như thế thì chỉ có sắc, không có thật vị”, Phật nói: “đúng như lời ông nói là không có thật vị, vì sao, như người đời lấy sắc thanh hương vị xúc làm vị; Như lai đã đoạn trừ các vị này như cây Đa la bị chặt ngọn, không thể sanh trưởng được nữa”, Bà la môn nói: “Ngài thật là cao ngạo, nếu như vậy thì Ngài không làm gì cả sao?”, Phật nói: “đúng như lời ông nói là ta thật không làm, ta không làm các việc như dâm dục, trộm cắp, sát sanh, vọng ngữ… là những nghiệp ác của thân ngữ ý”, Bà la môn nói: “nếu như vậy là tự đoạn chủng hay sao?”, Phật nói: “do ta đã đoạn hết các phiền não của ba cõi nên gọi là đoạn chủng”, Bà la môn nói: “người đoạn chủng là đáng khinh, không trong sạch”, Phật nói: “theo ý ta thì người nào buông lung thân ngữ ý làm ác, người ấy là đáng khinh, không trong sạch”, Bà la môn nói: “Ngài nghe lời ta nói rồi theo đó mà phá diệt, đối với hàng người này không thể cùng nói chuyện”, Phật nói: “ta cũng không nói chuyện với hạng người ngu si, đáng thương xót, thường làm các nghiệp ác, không nghĩ đến tu thiện”, Bà la môn nói: “ngài sẽ bị thức suốt ngày đêm suy nghĩ tìm cầu văn chương để làm khốn khó người thế gian”, Phật nói: “ta quả thật đã không ngủ khi nhập thai và lúc còn ở trên cõi trời cũng đã không ngủ”. Lúc đó Phật khởi tâm từ bi thuyết pháp muốn ban cho Bà la môn pháp vị cam lồ, Bà la môn sau khi nghe pháp, tâm liền thanh tịnh như hư không không bị mây che, như ánh sáng mặt trời mặt trăng phá tan bóng tối. Phật nói: “ông nay tuổi đã già suy gần kề cái chết, nhờ đến gặp ta nên được quả lợi này, ví như gà ấp trứng hoặc tám, mười hay mười hai trứng. Khi gà mẹ ấp, tùy lúc hồi chuyển, nó dùng hai cánh phủ lên trứng để ấp cho đến khi trứng sắp nở; khi thấy ánh sáng, gà con liền dùng mỏ mổ vỏ trứng để chui ra,ra ngoài rồi nó xòa cánh kêu lên. Này Bà la môn, gà con ra khỏi vỏ trước là lớn hay nhỏ?”, Bà la môn đáp: “con ra trước là lớn”, Phật nói: “ta cũng vậy, vì vỏ vô minh che kín ba cõi, ta đã dùng mỏ trí huệ mổ vỡ vỏ vô minh, thoát ra ba cõi trước, vậy thì ai lớn ai nhỏ?”, Bà la môn đáp: “Sa môn Cù Đàm là lớn”.
Nói độc nhất trong thế gian là không có người thứ hai, Tam miệu tam bồ đề là vô thượng Bồ đề.
Hỏi: như thế nào là vô thượng Bồ đề?- nếu người đang ở đạo Tu đà hoàn mà hỏi về quả Tu đà hoàn, cho đến đang ở đạo A-la-hán mà hỏi về quả A-la-hán hoặc đạo bích chi và Phật đạo, Phật đều giải đáp được thì gọi là Vô thượng Bồ đề. Lại nữa, khi Phật ngồi dưới cây Bồ đề quán pháp tứ đế khổ không vô thường, Phật đã chứng quả vị tối thượng do nơi chánh cần tinh tấn, không phải do nơi buông lung biếng nhác; bốn pháp chánh cần tinh tấn là ngay thẳng, không gấp, không chậm và không để qua một bên.
Nói không nhu nhược là không trụ, nói khởi tâm là hành theo pháp quán, không lui sụt là không mệt mõi, tâm định là được nhất tâm. Do khéo trụ tâm nơi định nên thành tựu nhất tâm mà chứng được sơ thiền, từ sơ thiền tuần tự chứng được ba đạt trí, nhờ thoát dục mà Phật chứng được pháp vô thượng, như trong luật nói: Phật đối với dục đã thanh tịnh, đối với ác cũng thanh tịnh.
Hỏi: dục là gì?- dục gồm có tham dục dục, dục tham dục và dục tư dục – ác pháp là gì?- là dục và hồ nghi, Như lai đối với hai ác pháp này đều được tịch tĩnh. -thế nào là thanh tịnh trong đục?- ly dục cũng gọi là bỏ dục, vì sao, vì vô minh là bạn củA Dục, dục là oan gia của thiền định, người mới nhập sơ thiền lìa bỏ dục, lìA Dục và lìa ác thì thiền định hiện tiền; diệt dục, diệt ác thì thiền định liền khởi; lại có ba tịnh là thân tịnh, tâm tịnh và xả ly tịnh, nghĩa của ba tịnh này nên tự hiểu. Dục có hai loại là xứ dục và phiền não dục, xứ dục là tâm dính mắc sắc trần, phiền não dục là khiến người đến chỗ dục. Câu đầu là lìa bỏ dục lạc, câu sau là thoát khỏi phiền não dục, tâm được thanh tịnh; lại nữa, câu đầu là trừ xứ dục, câu sau là trừ phiền não dục; câu đầu là trừ bỏ nhân duyên dao động, câu sau là trừ bỏ tướng si mê; câu đầu là hiển rõ thanh tịnh, câu sau là dứt dục, thứ lớp như vậy nên biết. Hỏi: nói tham dục thì tham là dục hay tham khác, dục khác?- cùng quy về một chỗ, vì sao, vì theo lý thì tất cả pháp đều quy về một chỗ, nhưng phân biệt thì có khác nhau. Trong luật nói tham là phiền não, dục là dục xứ; tham dục là oan gia của thiền định, hoan hỉ là oan gia của sân hận, tư là oan gia của thùy miên, an lạc là oan gia của dao động hoài nghi, tư là oan gia của hồ nghi. Tham dục là oan gia của sơ thiền, tham dục thuộc về năm triền cái, các pháp ác cũng thuộc về năm triền cái. Năm triền cái là gốc của ba độc, là năm dục, năm trần, là tà kiến tham đắm. Câu đầu là dục lưu, dục trước, dục tuyền, dục thủ, tâm sát hại, kết dục; câu sau là chấp thủ tham đắm; câu đầu là các ái, câu sau là vô minh; câu đầu là tham… tám tâm thọ; câu sau là bốn tâm bất thiện khởi. Như vậy trong dục thanh tịnh, ác cũng thanh tịnh.
Hỏi: niệm tư là gì?- niệm là động chuyển, chú tâm nơi cảnh quán; tư là người hành thiền chú tâm vào cảnh quán, chú tâm quán chiếu và liên tục. Như tiếng chuông, ban đầu lớn sau nhỏ dần; ban đầu tiếng lớn là niệm, sau nhỏ dần là tư; ví như chim bay, ban đầu cánh chuyển động, sau đó ổn định; chuyển động là niệm, ổn định là tư; ví như ong tìm hoa, mới đến hoa là niệm, chọn được hoa là tư. Sơ thiền có năm chi là niệm, tư, hỷ, lạc và định; giống như cây có hoa và trái, sơ thiền cũng vậy có niệm và tư đều từ tĩnh sanh khởi.
Hỏi: thế nào là tĩnh?- là lìa năm triền cái. Hỷ là đầy, thân tâm tràn đầy vui vẻ gọi là hỷ; lạc là thân tâm hết hẳn khổ, lạc cũng là dính mắc vào vị tưởng.
Hỏi: thế nào là hỷ?- tâm tràn đầy ý tưởng hay gọi là hỷ, lạc là cảm thọ về hỷ; hai pháp này không rời nhau, có hỷ thì có lạc và ngược lại. Hỷ thuộc về hành ấm, lạc thuộc về thọ ấm, như người đi đường đang khát nước nghe có nước liền sanh tâm vui mừng, đó là hỷ; đến chỗ có nước được uống nước và tắm rửa, đó là lạc. Định sơ thiền là khéo đốt cháy, cũng là pháp mà thiền sư phải quán.
Hỏi: thế nào là khéo đốt cháy?- tức là có thể đốt cháy hết triền cái, cũng gọi là đoạn trừ phiền não, cũng gọi là thấy. Thấy là quán thấy pháp tướng của tám loại thiền định, vì sao, vì quán tướng là quán vô thường, nhờ quán nên đắc đạo, gọi là quả kiến đạo, dùng quả này để quán diệt đế, thế nên gọi thiền định là quán tướng.
Hỏi: thế nào là sơ thiền?- khi năm chi niệm, tư, hỷ, lạc và định hiện tiền thì gọi là sơ thiền. Ví như người có tài sản, có quyến thuộc; nếu bỏ tài sản và quyến thuộc thì không còn có tên gọi ấy. Ví như gọi quân là có đủ người, binh lính, voi ngựa và chiến cụ; nếu bỏ hết người, binh lính… thì không còn gọi là quân. Sơ thiền cũng vậy, nếu bỏ hết niệm, tư, hỷ, lạc và định thì không còn gọi là sơ thiền; nói nhập thiền là đạt đến, cũng gọi là thành tựu; nói trụ thiền là ngồi dưới cội Bồ đề trụ trong thiền định.
Hỏi: Phật ngồi dưới cội Bồ đề quán những gì?- quán hơi thở ra vào – có quán gì khác nữa không?- cũng có, thiền định theo như trong kinh Tịnh đạo, ý nghĩa rất sâu xa, nên tự nghiên cứu trong A tỳ đàm – Tỳ bà sa; trên đây giải thích sơ thiền là dựa theo chánh luận Tỳ ni Tỳ bà sa, lược nói các phẩm khác. Hết phẩm Sơ thiền.
Tư và niệm diệt thì nhập nhị thiền, khi nhị thiền khởi thì hai pháp trên liền diệt, vì sao, vì trong nhị thiền không có pháp của sơ thiền, như trong luật nói: diệt hết niệm và tư thì nhập thiền thứ hai, nội pháp liền hiện.
Hỏi: thế nào là hiện?- hiện là từ thân phát sanh, thanh tịnh là không nhơ bẩn, thiền cũng gọi là tịnh, vì sao, như cái áo có màu xanh nên gọi là áo xanh; thiền cũng vậy, do có pháp thanh tịnh nên gọi là thanh tịnh thiền.
Hỏi: thế nào là định thanh tịnh?- niệm và tư là gốc của dao động, niệm và tư đã diệt liền được thanh tịnh. Một tướng là một pháp sanh khởi.
Hỏi: thế nào là một pháp sanh khởi?- không để ý đến niệm, tư gọi là tướng của một pháp, cũng gọi là vô thượng, cũng gọi là một tướng; niệm và tư đã lìa tức là không hai, tướng không hai là một tướng.
Hỏi: thế nào là tướng của một pháp?- tức là chánh định – thế nào là chánh định?- là nhất tâm không hai, cũng gọi là định, cũng gọi là bất động, đây là một tướng trong thiền thứ hai. – thế nào là danh?- là chẳng phải ngã cũng không phải là sanh khí – Sơ thiền không có thanh tịnh sao?- có – nếu có thì sơ thiền cũng gọi là một tướng, vì sao chỉ riêng nhị thiền mới gọi là một tường?- vì niệm và tư dao động như nước nổi sóng nên soi không thấy mặt; sơ thiền cũng vậy, do niệm và tưdao động nên tâm không thanh tịnh nên không gọi là một tướng, vì chánh định không hiển.
Hỏi: vì sao trong nhị thiền, định mới hiển?- vì tâm tịnh, từ định sanh hỷ lạc là từ định của sơ thiền sanh hỷ lạc là thiền thứ hai. Sơ thiền có năm chi, nhị thiền có bốn chi là thanh tịnh, hỷ, lạc và nhất tâm.
Hỏi: khi nào ba chi hỷ lạc và nhất tâm cùng phát sanh?- khi tâm thanh tịnh. Hết phẩm nhị thiền. Ly hỷ nhập thiền thứ ba.
Hỏi: thế nào là ly hỷ?- tức là làm cạn mỏng hỷ, vượt qua hỷ, cũng gọi là diệt hỷ; vì hỷ sanh khởi lại nên niệm và tư diệt. – Trong nhị thiền, niệm và tư diệt liền sanh hỷ, vì sao nói là hỷ sanh khởi lại?- vì muốn khen ngợi tam thiền nên nói như vậy, do đường vào tam thiền, tà kiến chưa diệt, phải đắc đạo Tu đà hoàn thì tà kiến mới diệt, nên trong tam thiền nói hỷ sanh khởi lại, cũng như nói xả mà trụ.
Hỏi: thế nào là xả?- xả là thấy bình đẳng không thiên lệch, không bè đảng, mạnh mẽ xả là thiền thứ ba. Xả có mười loại: một là ba lãng cầu xả, hai là Phạm Ma cầu xả, ba là Bồ đề đẳng xả, bốn là tỳ lê cầu xả, năm là hành cầu xả, sáu là xúc cầu xả, bảy là quán cầu xả, tám là mạt xà cầu xả, chín là trí cầu xả,mười là thanh tịnh cầu xả. Mười xả này nhân nơi một tướng quán tâm người khác ở khắp nơi, trong đây chỉ nói sơ lược, nên tìm hiểu rõ trong Sa lợi da, Đàm ma tăng già ha ni da và trong đạo tịnh đạo.
Hỏi: mười xả này lấy loại xả nào?- lấy mạt xà cầu xả – thế nào là mạt xà cầu xả?- là không quan tâm đến việc khác do hỷ phát sanh – trong hai thiền trên có loại xả này không?- trong hai thiền trước cũng có xả này nhưng hãy còn nhỏ nhiệm, không hiển rõ, vì sao, vì bị niệm tư và hỷ che; trong tam thiền do lìa niệm, tư và hỷ nên xả mới hiển rõ. Do có chánh tư tri.
Hỏi: thế nào là tư?- là tâm sanh nhiều tưởng, tri là biết thông suốt, chánh tư là không quên, cũng gọi là thức hoặc là khởi tướng biết, chánh tư tri là lựa chọn gom lại, đây là nói lược. – Sơ thiền có tư tri không?- có – nếu có thì sao trong Sơ thiền không có tư tri hiện?- vì quá thô, như mài dao trước cùn sau bén, tư tri cũng vậy, trong Sơ thiền còn thô nên không hiện; như người lấy sữa đuổi con nghé đi, không bao lâu sau nó quay trở lại, cũng vậy trong Tam thiền ly hỷ không xa nếu không có tư tri giữ thì nó liền hợp với hỷ, nhờ tư tri mạnh mẽ giữ nên mới ly được hỷ. Lạc này là vô thượng lạc, là cực lạc – tự thân biết lạc.
Hỏi: thế nào là thân?- tức là danh sắc, nhờ thân danh sắc nên mới biết lạc, lạc kết hợp với thân danh sắc, hai lý tương hợp cùng cực là mỹ vị, như bậc thiện nhân nói: có xả có tư trụ lạc. – thiện nhân là ai?- là Phật, Phật Bích chi, các Thanh văn và người đác Tam thiền nói nhân duyên của thiền định này. – Nói là chỉ cho thấy hoặc phân biệt hoặc khen ngợi – vì sao nói là có xả có tư trụ lạc?- vì muốn nhập Tam thiền – nhập như thế nào?- trong Tam thiền vì có xả nên hỷ không sanh gọi là có tư, vì niệm và lạc của bậc thiện nhân là lạc thuần nhất không tạp nên được thiện nhân khen ngợi. Nhập tam thiền cũng như nhập sơ thiền và nhị thiền, chỉ khác là sơ thiền có đủ năm chi, nhị thiền có bốn chi còn tam thiền chỉ có hai chi – đó là hai chi nào?- đó là lạc và nhất tâm. Hết phẩm tam thiền.