QUYỂN 9
Nói qua chỗ ước hẹn là dựa theo câu văn trong giới, tùy tướng trạng của nó mà thứ lớp phân biệt; nói tùy sắc gọi là sắc tức là tùy nơi chốn mà gọi, hoặc gọi là một phần hoặc trị giá một phần hay hơn một phần. Vì sao, vì một Ca lợi sa bàn có bốn phần, một phần là năm Ma sa ca, nếu lấy trộm một phần thì phạm Ba la di; nói trị giá một phần hay hơn một phần là dù vật là tịnh hay bất tịnh trị giá bằng một phần hay hơn một phần, lấy trộm đều kết phạm Ba la di. Nói chủ đất là như Chuyển luân thánh vương là vua cả bốn thiên hạ, vua của một thiên hạ như vua A Dục, vua một xứ như vua Bình sa, cho đến vua nơi biên địa hoặc chủ một hay hai thôn đều gọi là chủ đất. Nói điển pháp là y theo quốc pháp mà trị tội nặng nhẹ như cắt tai, xẻo mũi, chặt tay chặt chân hoặc giết; đại thần hay thái tử và vua nơi biên địa đều có quyền xử những tội này. Nói giết là giết chết hay đánh cho chết, nói đuổi là đuổi ra khỏi nước, nói giặc là kẻ trộm vật của người dù nhiều hay ít.
Nói lấy vật ở trong đất và trên đất là như phục tàng hay vật báu của người được chốn giấu trong đất. Nếu Tỳ kheo dùng phương tiện muốn lấy trộm vật báu được chốn giấu này thì phạm Đột kiết la. Nói phương tiện là như Tỳ kheo muốn lấy trộm vật báu, khi sắp đi lấy liền suy nghĩ: “một mình ta không thể lấy trộm được vật báu chôn giấu này, ta nên tìm thêm đồng bạn”, khi nghĩ như vậy liền phạm Đột kiết la, nghĩ rồi liền đến chỗ Tỳ kheo bạn nói rằng: “ở chỗ _ có chôn giấu vật báu, thầy hãy cùng tôi đến đó lấy, nếu lấy được chúng ta cùng chia, thọ dụng sẽ không thiếu thốn nữa”, khi vị này chấp thuận cùng đi thì Tỳ kheo kia phạm thêm một Đột kiết la; tìm được đồng bạn rồi tìm cuốc xẻng, nếu tự có thì lấy dùng, nếu không có thì đi hỏi mượn. Nếu chủ cây cuốc hỏi mượn để làm gì, đáp là làm việc thì phạm Đột kiết la, nếu dối nói là làm việc gì đó thì phạm Ba dật đề; có thuyết cho là cũng phạm Đột kiết la vì là phương tiện của tội trộm. Nếu cuốc không cán nên chặt cây để làm cán liền phạm thêm tội Đột kiết la, vì đây cũng là phương tiện của tội trộm… như thế có đến tám tội phương tiện Đột kiết la; đó là phương tiện Đột kiết la, cộng tướng Đột kiết la, cầm vật quý trọng Đột kiết la, phi tiền Đột kiết la, tỳ ni Đột kiết la, tri Đột kiết la, bạch Đột kiết la và văn Đột kiết la. Nói phương tiện Đột kiết la là tội thuộc phương tiện như tìm đồng bọn, tìm cuốc xẻng để trộm lấy phục tàng. Nói cộng tướng Đột kiết la là như đào đất, chặt phá cây cỏ để tìm phục tàng, tuy tội thuộc Ba dật đề nhưng là phương tiện của tội trộm nên gọi là cộng tướng Đột kiết la. Nói cầm vật quý trong Đột kiết la là như đào thấy phục tàng, đưa tay sờ chạm các vật báu như vàng bạc…; nói phi tiền Đột kiết la là sờ chạm cầm vật không phải quý trọng hay tiền bạc. Nói tỳ ni Đột kiết la là như Tỳ kheo vào thôn khất thực, bụi hay vật khác rơi vào bát, không thọ lại mà ăn thì phạm tội này; nói tri Đột kiết la là biết mình có tội mà che giấu, không nói ra hoặc việc trước làm chưa thành, giữa chừng sanh hối nên dừng lại thì gọi là tri Đột kiết la; nói bạch Đột kiết la là khi tác pháp yết ma, nghe tác bạch xong mà không bỏ thì phạm tội này; nói văn Đột kiết la là khi thuyết giới nghe hỏi ba lần, biết mình có tội hay nghi mà im lặng không nói ra.
Hỏi: tội Đột kiết la và Thâu lan giá trong đây sai khác như thế nào?- Đột kiết la nghĩa là ác tác, tức là không làm theo lời Phật dạy, như kệ nói:
“Thầy hãy lắng nghe nghĩa,
Của tội Đột kiết la,
Ác tác hay lầm lỗi,
Như người đời làm ác,
Tội dù ẩn hay hiện,
Đều gọi Đột kiết la,
Các thầy nên tự biết”.
Thâu lan giá nghĩa là chướng ngăn đường thiện, phải đọa trong ba đường ác; trong các tội đối trước một người sám thì tội này là lớn nhất, như kệ nói:
“Thầy hãy lắng nghe nghĩa,
Của tội Thâu lan giá,
Là chướng ngăn đường thiện,
Sám hối trước một người,
Người thọ sám cũng một,
Thì tội này lớn nhất”.
Như đào lấy trộm phục tàng, khi tay sờ chạm vật báu thì phạm Đột kiết la, động chuyển vật báu nhưng chưa nhấc lên thì phạm Thâu lan giá, nhấc lên khỏi chỗ cũ lấy mang đi thì phạm Ba la di; hoặc nhưkhi tác pháp yết ma, đơn bạch xong không bỏ thì phạm Đột kiết la; yết ma lần thứ nhất xong cho đến lần thứ ba chưa xong thì phạm ba tội Thâu lan giá. Nói lấy vật rời khỏi chỗ cũ là như đào lấy hủ vàng chôn dưới đất, đang nhích qua nhích lại để nhấc lên thì phạm Thâu lan giá, nhấc lên được rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba la di. Nói nội khí (bên trong khí vật)là như hủ vàng chôn dưới đất quá nặng không thể nhấc lên nổi, mở nắp để lấy vật báu trong hủ ra khỏi miệng hủ, nếu tính giá đủ một phần (năm Ma bà sa) thì phạm Ba la di; nếu lấy không ra được khỏi miệng hủ, còn dính nửa trong nửa ngoài thì phạm Thâu lan giá; hoặc lấy chưa ra khỏi miệng hủ liền rớt trở lại trong hủ cũng phạm Thâu lan giá. Trường hợp lấy trộm dầu, bơ… trong bình cũng kết phạm giống như trên, chỉ khác là nếu chủ biết được đòi đền lại tiền thì Tỳ kheo nên đền lại tiền; trường hợp lấy trộm vật trên đất cũng như trên có thể suy ra biết.
Nói trộm lấy vật trên không trung là như bắt trộm chim công trên không trung, tay chạm thân chim thì phạm Đột kiết la, bắt được chim mang đi, bước chân thứ nhất phạm Thâu lan giá, bước chân thứ hai liền phạm Ba la di; nếu chim đậu trên mặt đất, bắt được chưa nhấc lên khỏi đất thì phạm Thâu lan giá, nhấc chím lên khỏi đất mang đi thì phạm Ba la di. Nếu chim công bị nhốt trong lồng, Tỳ kheo có tâm trộm mang cả lồng chim đi thì cũng tùy theo đó kết tội như trên; nếu chim ở trong vườn, phương tiện xua chim ra ngoài để bắt trộm, tùy kết phạm cũng như trên. Nếu y của người khác thổi bay trong không trung, Tỳ kheo có tâm trộm đưa tay nắm lấy, tùy kết tội cũng như trên.
Nói trộm lấy vật rơi là người khác dùng vật báu trang sức, đánh rơi mà không hay biết; nếu Tỳ kheo từ xa nhìn thấy khởi tâm trộm đến lượm lấy, cầm lên khỏi đất liền phạm Ba la di. Nói lấy trộm vật trên giường, trên giá, trên cọc… như có tâm trộm lấy y treo trên giá hoặc mang cả giá y, rời khỏi chỗ cũ liền phạm Ba la di; nếu lấy rồi hối hận để trở lại thì phạm Thâu lan giá hoặc lấy y rời khỏi giá lại bị rơi xuống đất cũng phạm Thâu lan giá, nếu nhặt lên lại và mang đi thì phạm Ba la di. Cho đến lấy trộm vật treo trên cây cũng vậy, tính giá đủ năm Ma bà ca liền kết phạm Ba la di, không đủ thì phạm Thâu lan giá.
Nói lấy trộm vật trong nước như ao hồ… là khi vào nước mò tìm thì phạm Đột kiết la, tay chạm vào vật… đều kết phạm như trên đã nói. Nói vật ở trong ao như sen, củ sen…Tỳ kheo hái trộm sen hay đào lấy củ sen, mang lên khỏi mặt nước, tính giá đủ năm Ma bà ca thì phạm Ba la di, không đủ hoặc chưa lên khỏi nước thì phạm Thâu lan giá. Như cá trong ao có chủ, Tỳ kheo có tâm trộm câu hay đặt lờ, cá chưa mắc câu thì phạm Đột kiết la, cá đã mắc câu nhưng chưa nhấc lên khỏi mặt nước thì phạm Thâu lan giá, nhấc lên khỏi mặt nước tính giá đủ số thì phạm Ba la di; nếu chủ đòi đền tiền, Tỳ kheo nên trả.
Nói lấy trộm thuyền là khi mở dây cột thuyền thì phạm Đột kiết la, dây rời thuyền thì phạm Thâu lan giá, thuyền rời khỏi chỗ cũ phạm Ba la di… cho đến chủ thuyền đòi đền, Tỳ kheo nên trả như trên. Trường hợp lấy trộm xe và vật dụng trên xe, tùy phạm nặng nhẹ đều giống như trên; trường hợp lấy trộm vật trong vườn như hoa trái cũng tùy phạm nặng nhẹ như trên. Nói tranh đoạt vườn cây là như Tỳ kheo có tâm muốn đoạt vườn cây của người thì phạm Đột kiết la, phương tiện làm cho kia hồ nghi thì phạm Thâu lan giá, khi chủ vườn kia khởi tâm xả thì Tỳ kheo phạm Ba la di; nếu chủ vườn chưa khởi tâm xả kiện lên quan, Tỳ kheo khởi tưởng quyết định đoạt cũng phạm Ba la di, quan xử Tỳ kheo thắng kiện, Tỳ kheo cũng phạm Ba la di; nếu chủ vườn kia vào trong Tăng yêu cầu phân xử, Tăng cố ý xử trái lý thì người phán quyết phạm Ba la di; nếu tăng xử đúng lý thì Tỳ kheo tranh đoạt phạm Thâu lan giá.
Nói lấy trộm vật trong chùa là như phòng xá lớn nhỏ đã cúng cho Tăng bốn phương, Tỳ kheo tuy có ý tranh đoạt về cho mình nhưng không thành tội trọng vì vật không có chủ cụ thể; nếu thí chủ cúng cho một người hay một chúng mà khởi tâm tranh đoạt, khởi tưởng quyết định đoạt, người kia khởi tâm xả thì kết phạm giống như trên.
Nói lấy vật trong ruộng là gồm cả trong hai loại ruộng: một là loại ruộng Phú bàn na trồng lúa, hai là loại ruộng A ba lan nhã trồng đậu mía; nếu Tỳ kheo lấy trộm lúa, đậu…mang đi, tính giá đủ năm Ma bà sa thì phạm trọng…; cho đến tranh đoạt, lấn chiếm ruộng của người khác cũng kết phạm giống như trên. Nếu ruộng của người đã đóng hai cọc làm ranh giới, Tỳ kheo nhổ một cọc phạm Thâu lan giá, nhổ cọc thứ hai phạm Ba la di; nếu nhiều cọc thì nhổ cọc thứ nhất phạm Đột kiết la, nhổ cọc thứ hai, thứ ba phạm Thâu lan giá, nhổ cọc cuối cùng phạm Ba la di. Nếu Tỳ kheo dùng dây đo đất lấn qua đất của người, vừa đặt đầu dây xuống thì phạm Thâu lan giá, đo xong liền phạm Ba la di; cho đến chủ đất khởi tâm xả, Tỳ kheo phạm Ba la di.
Hỏi: sao gọi là đất A lan nhã có chủ và không chủ?- như cây cối trong rừng dù là không đáng giá cũng không được lấy là có chủ, nếu được chặt lấy tùy ý mà không có ai cấm đoán thì gọi là vô chủ. Tỳ kheo trộm lấy vật trên đất A lan nhã có chủ thì tùy theo thời giá mà định tội, nếu lượm lấy vật đã vất bỏ thì không phạm. Nếu đất A lan nhã tuy có chủ nhưng đã lâu không có ai coi giữ, Tỳ kheo lấy cây gỗ hay tạp vật dùng, sau đó chủ biết đến đòi thì Tỳ kheo nên trả lại hoặc trả theo thời giá. Nếu Tỳ kheo nói với người coi giữ: “hãy đưa cho tôi cây gỗ đó, tôi sẽ theo thời giá đưa lại tiền”, nếu người coi giữ đồng ý thì Tỳ kheo lấy không phạm; nếu chủ rừng bảo người coi giữ đừng lấy tiền của Tỳ kheo mà người coi giữ vẫn đòi thì Tỳ kheo nên đưa; nếu người coi giữ rừng không đồng ý cho lấy mà Tỳ kheo trộm lấy, khi mang ra khỏi rừng, tính theo thời giá mà định tội.
Trường hợp trộm lấy nước trong lu hoặc tô dầu trong bình, tùy lấy nhiều ít tính giá mà kết tội như trên; nếu đào mương dẫn nước của người vào trong ruộng của mình hoặc ngăn lấp ngòi rãnh để nước chảy vào ruộng mình, không chảy vào ruộng của người thì tùy tổn thất, tính giá mà kết tội. Nói chặt lấy trộm cây là như Tỳ kheo có tâm trộm dùng búa cưa để chặt hay cưa trộm cây, chưa đứt rời ra thì phạm Thâu lan giá, đứt rời thì phạm Ba la di… cho đến đòi đền tiền, Tỳ kheo nên đền tiền lại theo thời giá.
Nói triển chuyển trộm đoạt lại là kẻ trộm đã trộm lấy vật đi, Tỳ kheo đoạt lấy lại, vật đã rời khỏi thân kẻ trộm, kẻ trộm dùng sức mạnh đoạt lấy lại và bỏ chạy, do nơi tâm quyết định đoạt lại và đã lấy vật rời khỏi chỗ cũ nên tuy không đoạt lại được vật, Tỳ kheo vẫn phạm trọng. Nếu khi đoạt lấy lại làm y vật bị hư rách thì tính theo giá mà kết phạm, nếu đoạt lại được và mang đi thì bước thứ nhất phạm Thâu lan giá, bước thứ hai phạm trọng; nếu khi rượt theo đoạt lấy lại, kẻ kia vất y vật lại, Tỳ kheo khởi nghĩ: kia đã vất bỏ lại, ta nên lượm lấy, thì không phạm trọng, chỉ phạm Đột kiết la.
Nói lấy vật của người gởi là người gởi vật cho Tỳ kheo khi đến lấy lại, Tỳ kheo nói: “tôi không có nhận vật của ông gởi”, thì phạm Ba dật đề cố vọng ngữ, nhưng thuộc phương tiện của tội trộm nên kết phạm Đột kiết la; nếu Tỳ kheo suy nghĩ: “người này gởi vật cho ta không có ai biết, ta nên đưa lại hay không”, thì phạm Thâu lan giá, khi khởi tâm quyết định lấy, chủ vật khởi tâm xả thì Tỳ kheo phạm Ba la di. Nếu sau khi nhận vật của người gởi, Tỳ kheo có tâm trộm dời chuyển đến cất nơi khác thì phạm Đột kiết la, sau đó đem đổi hay bán và tiêu xài hết, khi chủ đến đòi thì Tỳ kheo phạm Đột kiết la, không đưa lại cũng không đền tiền thì phạm trọng. Nếu bát của Tăng gởi cất ở chỗ Thượng tòa, Tỳ kheo thấy bát của người khác tốt đẹp hơn nên khi đến lấy bát, chỉ bát tốt đẹp nói là của mình, Thượng tòa đưa, Tỳ kheo cầm vào tay thì phạm trọng; nếu Thượng tòa lấy lộn bát của mình đưa thì Tỳ kheo này chỉ phạm Đột kiết la, hoặc lấy chính cái bát của Tỳ kheo này đưa thì Tỳ kheo này cũng phạm Đột kiết la. Nếu Thượng tòa đưa y vật cho Tỳ kheo trẻ cầm để cùng đi đến chỗ kia, Tỳ kheo trẻ này khởi tâm trộm nên mang y vật này lén bỏ đi, bước chân thứ nhất phạm Thâu lan giá, bước thứ hai phạm trọng. Nếu Thượng tòa đưa y cho Tỳ kheo trẻ đem giặt nhuộm, Tỳ kheo này khởi tâm trộm cắp lấy mang đi… cho đến đem y bán đổi lấy thức ăn hay tiêu xài hết đều kết phạm giống như trên. Nếu Thượng tòa gởi y vật ở nhà thí chủ, Tỳ kheo trẻ khởi tâm trộm đến nhà họ dối nói là Thượng tòa sai đến lấy, chồng hay vợ lấy đưa, Tỳ kheo cầm vào tay liền phạm Ba la di. Nếu thí chủ thỉnh hai Tỳ kheo an cư, mãn hạ hứa cúng mỗi người một xấp vải, Thượng tòa sai Tỳ kheo trẻ đến lấy; khi đưa vải cho Tỳ kheo, thí chủ nói: “xấp vải quý giá cúng cho Thượng tòa, xấp vải thường cúng cho thầy”, Tỳ kheo này mang về đưa xấp vải thường cho Thượng tòa, còn mình lấy xấp vải quý giá thì phạm Ba la di. Nếu Tỳ kheo khách đến ở tạm trong chùa, khi đi nghĩ là cựu Tỳ kheo sẽ coi giữ y bát nên không dặn gởi, y bát có mất thì Tỳ kheo khách không được đòi đền vì không có nói gởi. Nếu có nói gởi mà cựu Tỳ kheo không hiểu, Tỳ kheo khách tưởng là hiểu nên bỏ đi, y bát có bị mất cũng không được đòi đền; nếu khi nói gởi mà cựu Tỳ kheo hiểu và nói lành thay, y bát bị mất thì cựu Tỳ kheo phải đền. Nếu Tỳ kheo coi giữ kho chứa bát, khi xuất nhập bát của các Tỳ kheo xong, quên đóng cửa kho khiến mất bát thì Tỳ kheo này phải đền; nếu đã đóng cửa kho nhưng giặc khoét vách vào lấy trộm bát thì không phải đền; nếu giặc cướp đến bắt phải mở kho, nếu không mở sẽ giết, vì hộ thân mạng nên mở kho, giặc lấy hết bát mang đi thì Tỳ kheo giữ kho cũng không phải đền. Nếu Tỳ kheo coi giữ kho của Tăng, khi Tăng xuất nạp vật trong kho để làm đại hội, do mọi người không để ý nên bị mất vật thì Tỳ kheo coi kho không phải đền. Nếu Tỳ kheo hành đầu đà tuy ở trong chùa nhưng không ở phòng của tăng, cũng không ăn thức ăn của Tăng thì Tăng không được sai làm tri sự; nếu Tỳ kheo nhờ đọc tụng thuyết pháp mà được lợi dưỡng cho mình và cho Tăng thì Tăng cũng không được sai làm tri sự, khi được lợi dưỡng nên chia vật tốt cho vị này trước. Nếu Tỳ kheo ở phòng của Tăng, thọ dụng vật của Tăng mà làm hư hao hay mất thì phải bồi thường, nếu Tăng sai trông coi vật cúng dường mà làm mất cũng phải bồi thường.
Nói vật phải đóng thuế mà không đóng, lén đem qua chỗ thu thuế, tay chạm vật thì phạm Đột kiết la, lén giấu thì phạm Thâu lan giá, qua khỏi chỗ thu thuế thì phạm trọng. Nếu quăng vật ra ngoài chỗ thu thuế cũng Ba la di, vật rơi ở bên trong chỗ thu thuế thì phạm Thâu lan giá. Nếu ở chỗ thu thuế có cầu, đầu bên này nằm trong chỗ thu thuế, đầu bên kia nằm ngoài chỗ thu thuế, Tỳ kheo có tâm trộm lén đưa vật qua cầu, khi chưa qua thì phạm Thâu lan giá, qua khỏi cầu thì Ba la di. Nếu Tỳ kheo đến chỗ thu thuế, một người bảo nộp thuế, một người nói thôi, Tỳ kheo không nộp thuế thì không phạm; hoặc người thu thuế nói khỏi phải nộp thuế, Tỳ kheo mang vật qua thì không phạm; hoặc khi đến chỗ thu thuế, những người thu thuế đang chơi cờ bạc, gọi ba lần mà họ không trả lời, Tỳ kheo mang vật qua thì không phạm; hoặc lúc đó có nạn như nước lửa khởi lên, họ bỏ chạy tứ tán, Tỳ kheo mang vật qua không phạm.
Nói trộm người mà vô tội là như trẻ con lưu lạc hoặc bị cha mẹ bỏ hoặc mất cha mẹ, Tỳ kheo dẫn đi không phạm. Nói người sanh trong nhà hoặc do cướp hay đánh phá mà được hoặc do mua được là như trẻ do nô tỳ trong nhà sanh hoặc do mua hay đem vật đổi lấy được…, Tỳ kheo trộm dẫn đi thì phạm, bước thứ nhất phạm Thâu lan giá, bước thứ hai phạm Ba la di. Nếu Tỳ kheo nói với nô tỳ của người rằng: “ngươi ở đây quá khổ, sao không bỏ đi nơi khác để được sung sướng hơn?”, nô tỳ nghe rồi khởi tâm muốn bỏ đi thì Tỳ kheo phạm Đột kiết la, bước ra khỏi nhà thì Tỳ kheo phạm Ba la di; nếu Tỳ kheo chỉ đường cho chạy trốn cũng phạm Ba la di; nô tỳ đi chậm, Tỳ kheo nói: “đi chậm như vậy, chủ sẽ bắt lại được”, nô tỳ nghe rồi liền chạy nhanh thì Tỳ kheo cũng phạm trọng. Nếu Tỳ kheo nói: “ở chỗ này khổ cực, ở chỗ kia sung sướng hơn”, nô tỳ nghe rồi tự bỏ đi, do không xúi bảo nên Tỳ kheo không phạm.
Nói trộm loại không chân như rắn là người nuôi rắn sai khiến rắn làm trò để kiếm tiền, Tỳ kheo dụ hay nhử để bắt rắn mang đi thì tùy tính giá định tội. Cho đến trộm loại hai chân như chim, gà…; loài bốn chân như voi, ngựa…; loại nhiều chân như rít, trùng trăm chân cũng vậy, tùy tính giá kết tội. Nếu voi, ngựa… đang ở trong chuồng, Tỳ kheo mở cửa hoặc mở dây xua ra ngoài, kết phạm cũng như trên, cho đến chủ đòi nên giao trả lại hoặc đền lại theo thời giá.
Nói bảo lấy là nếu Tỳ kheo vì giặc đến nhà người xem xét nơi để vật rồi trở về báo cho giặc biết, giặc nghe rồi đến đó lấy được vật thì Tỳ kheo phạm. Nếu nhiều Tỳ kheo sai một Tỳ kheo đi lấy trộm, một Tỳ kheo khác nói để tôi đi, nếu lấy được vật thì Tỳ kheo này phạm, người sai không phạm. Nếu nhiều Tỳ kheo đi lấy trộm được vật và bảo một Tỳ kheo coi giữ, Tỳ kheo này khởi tâm trộm chọn lấy vật tốt trước thì tính theo giá mà định tội. Nếu cả nhóm quyết định cùng đi lấy trộm, chỉ cần một người lấy được vật rời khỏi chỗ cũ thì cả nhóm đều phạm; nếu có bốn Tỳ kheo muốn lấy trộm sáu Ma bà ca, thầy nói: “các con mỗi người lấy một, ta lấy ba”, thầy tự lấy ba tiền phạm Thâu lan giá, bảo đệ tử lấy ba tiền cũng phạm Thâu lan giá; nếu một đệ tử nói: “thầy lấy ba, con lấy một và bảo hai đệ cũng lấy một”, thì đệ tử này phạm trọng vì bảo người khác lấy tính đủ năm tiền. Nói lấy một loại vật để một nơi là như một người cất năm tiền ở một nơi, nhiều Tỳ kheo sai một người đến lấy trộm, lấy được thì cả chúng đều phạm trọng. Nói lấy một loại vật cất ở nhiều nơi là nếu người kia cất năm tiền ở năm nơi, mỗi nơi một tiền; nhiều Tỳ kheo sai một người đến cả năm nơi lấy trộm, lấy đủ mới phạm trọng. Nói lấy nhiều loại vật cất ở một nơi là nhiều loại tính chung đủ năm tiền hay hơn năm tiền và trường hợp lấy nhiều loại vật cất ở nhiều nơi, sai đến lấy rời khỏi chỗ cũ, kết phạm cũng giống như trên.
Nói cùng hẹn là hẹn với nhau vào giờ đó, ngày đó hoặc sáng hoặc chiều…, nếu đúng hẹn cùng lấy trộm được, kết phạm cũng giống như trên. Nếu không đúng hẹn như hẹn đến buổi sáng mà đến lấy buổi chiều, hoặc hẹn đầu đêm mà đến lấy trộm vào giữa hay cuối đêm mà lấy được rời khỏi chỗ thì người hẹn phạm khinh, người sai hẹn lấy được vật phạm trọng.