1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18

QUYỂN 17

Lúc đó tại nước Ca tỳ la vệ, đại vương Du đầu đàn na (vua Tịnh phạn) nhớ nghĩ: “con ta vào ngày xuất gia có nói khi nào thành Phật sẽ trở về đây”, sau đó vua nghe tin con mình sau thời gian tu khổ hạnh đã thành đạo dưới cội Bồ đề, kế đến nước Ba la nại chuyển pháp luân Tứ đế, độ năm anh em Kiều trần nhưxuất gia, hiện nay đang ở tại nước Ma kiệt đà, vua liền gọi đại thần đến bảo: “ta nghe tin thái tử đã thành Phật, hiện đang ở tại nước Ma kiệt đà, khanh hãy dẫn một ngàn người đến nước đón nghinh đón thái tử trở về đây và nói rằng: vua cha đã già, đang lúc còn sống muốn gặp lại con”. Đại thần vâng lịnh vua dẫn một ngàn người đi đến nước Ma kiệt đà, gặp Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật quán tâm ý của họ nói pháp, sau khi nghe pháp họ đều chứng quả A-la-hán và cầu xuất gia, Phật gọi thiện lai Tỳ kheo, họ liền đắc giới cụ túc. Một ngàn Tỳ kheo này sau khi chứng quả liền nhập định thọ giải thoát lạc nên không trở về báo lại cho vua biết. Vua chờ tin mãi không thấy trở về, cũng không có tin tức gì bèn sai đại thần khác, lần lượt sai như thế đến tám đại thần, khi đến chỗ Phật nghe pháp cầu xuất gia và chứng quả giống như đoàn người đầu tiên, cũng không ai trở về báo lại cho vua biết. Lúc đó có đại thần tên là Ca lưu đà di sanh cùng ngày với Bồ tát, vua liền sai Ca lưu đà di, Ca lưu đà di tâu vua: “nếu đại vương cho thần xuất gia, thần nhất định sẽ nghinh đón được Phật trở về”, vua bằng lòng. Ca lưu đà di cùng một ngàn người khi đến chỗ cũng giống như những đoàn trước đó, đều được xuất gia và chứng quả. Lúc đó Ca lưu đà di thấy bên đường lúa đã kết hạt, hoa nở rộ, khí hậu điều hòa nên nói sáu mươi bài kệ tụng ca ngợi phong cảnh đẹp trên đường. Phật biết nhưng vẫn hỏi nguyên do, Ca lưu đà di nói: “đại vương nói ta đã già, lúc đang còn sống muốn gặp lại con, nên sai con đến nghinh đón Phật trở về, xin Phật thương xót đại vương mà trở về nước”, Phật nói: “thầy hãy đi thông báo các Tỳ kheo: Phật muốn du hành, các Tỳ kheo hãy chuẩn bị lên đường”. Lúc đó Phật cùng hai vạn Tỳ kheo từ nước Ma kiệt đà tuần tự du hành đi đến nước Ca tỳ la vệ, nước Ma kiệt đà cách nước Ca tỳ la vệ sáu mươi do tuần, Phật du hành trải qua sáu mươi ngày mới đến nơi, thức ăn Phật dùng hằng ngày trên đường đi đều do phu vương cúng dường, đó là do Ca lưu đà di khi tới giờ thọ thực liền dùng thần lực bay lên không trung đến chỗ vua lấy thức ăn mang về cho Phật. Ca lưu đà di nhân dịp này ca ngợi công đức Phật khiến cho vua và các Thích tử càng tăng thêm lòng tin Phật, các Thích tử bàn với nhau: “Phật không ưa thích chỗ ồn ào, chúng ta nên tìm nơi yên tĩnh xây cất tinh xá để khi Phật trở về đây có chỗ ở”, bàn xong họ cùng xuất tài vật ra để xây tinh xá. Lúc đó Thích tử Di cù đà có một khu vườn không xa thành, rất yên tĩnh có thể xây cất tinh xá. Không bao lâu sau tinh xá hoàn thành, vua Tịnh phạn cùng các Thích tử mang hương hoa nghinh đón Phật đến ở trong tinh xá này. Lúc đó vua và các Thích tử lớn hơn Phật thì không làm lễ, chỉ những người nhỏ hơn Phật mới làm lễ, Phật thấy việc này rồi liền biết tâm ý của những người này nên dùng thần lực bay lên hư không hiện ra mười tám món thần biến để điều phục tâm ý của họ, giống như dùng thần lực hàng phục ngoại đạo không khác. Vua và các Thích tử thấy Phật hiện thần lực, tự nhiên cúi mình làm lễ Phật, vua Tịnh phạn nói: “đây là lần thứ ba Trẫm làm lễ Phật”. Nói đây là lần thứ ba làm lễ là lần thứ nhất lúc Phật mới đản sanh, tướng sư A tư đà nói: “nếu thái tử ở tại gia thì sẽ làm Chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia thì sẽ thành Phật”, lúc đó mặt đất chấn động, vua thấy thần lực này nên làm lễ Bồ tát; lần thứ hai lúc vua Tịnh phạn dự lễ tịch điền, thấy Bồ tát ngồi dưới gốc cây Diêm phù, mặt trời tuy đã xế bóng nhưng bóng cây vẫn đứng yên không nghiêng bóng để che mát cho Bồ tát, vua thấy thần lực này nên làm lễ Bồ tát; hôm nay thấy Phật hiện thần biến mà làm lễ là lần thứ ba. Các Thích tử thấy vua đảnh lễ Phật cũng đảnh lễ theo, Phật hiện trở xuống ngồi trên tòa sư tử, vua và các Thích tử cũng đều an tọa, lúc đó trời mưa sắc đỏ làm sạch bụi đất, không khí mát mẻ khiến mọi người đều hoan hỉ. Phật quán căn cơ thuyết pháp, vua và các Thích tử sau khi nghe pháp xong, có người chứng quả Tu đà hoàn, có người chứng quả Tư đà hàm, cùng đứng dậy đành lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về, không một ai nghĩ đến việc thỉnh Phật ngày mai thọ thực. Sáng hôm sau Phật đắp y mang bát cùng hai vạn Tỳ kheo trước sau nôi nhau vào thành khất thực. Khi đến cửa thành Phật dùng thiên nhãn quán chư Phật quá khứ vào thôn của quyến thuộc khất thực như thế nào, liền quán biết chư Phật quá khứ theo thứ lớp khất thực từng nhà, không có lựa chọn. Phật lại nghĩ đến các đệ tử Thanh văn đời vị lai, muốn họ y theo pháp Phật nên vào thành theo thứ lớp khất thực từng nhà. Lúc đó các Thích nữ nghe Phật cùng chúng tăng theo thứ lớp khất thực từng nhà nên vén rèm ra nhìn, mẹ của La hầu la đang ở trên lầu cao nghe biết tin này liền suy nghĩ: “khi còn là thái tử, trên đầu đội mão thiên quan, trên thân trang sức chuỗi ngọc, đi xe bảy báu, ra vào đều có ngàn xe vạn mã hộ vệ trước sau. Nay thái tử cạo bỏ râu tóc xuất gia, đắp ca sa mang bát khất thực thì như thế nào”, nghĩ rồi liền vén rèm ra nhìn, thấy Phật bước đi có ánh sáng năm màu chiếu tỏa trên mặt đất như dung kim (vàng ròng nấu chảy), Da du đà la vội chạy vào tâu vua: “con của đại vương đang vào thành khất thực”. Vua nghe rồi liền đến chỗ Phật nói rằng: “đại đức khất thực làm cho Trẫm xấu hổ, Trẫm có thể cung cấp cho Phật và chúng tăng, cần gì phải khất thực”, Phật nói: “đây là pháp của dòng họ Như lai”, vua nói: “dòng họ Sát đế lợi của ta không có khất thực”, Phật nói: “dòng họ của Như lai không phải là Sát đế lợi mà là chư Phật quá khứ”, Phật liền nói kệ:

“Khởi tâm không biếng nhác,

Thường tự làm pháp thiện,

Hành thiện được ngủ yên,

Đời này và đời sau”

Vua nghe kệ xong liền đắc quả Tu đà hoàn, Phật lại nói kệ:

“Hành tất cả thiện pháp,

Không làm các pháp ác,

Hành thiện được ngủ yên,

Đời này và đời sau”

Vua nghe kệ thứ hai xong liền chứng quả Tư đà hàm, vua thỉnh bát từ tay Phật rồi Phật và chúng tăng trở về cung để cúng dường. Các thể nữ trong cung nghe Phật đã thọ thực xong liền nói với Da du đà la: “chúng ta hãy đến đảnh lễ Thế tôn”, Da du đà la nói: “nếu Phật thương xót ta thì tự sẽ đến thăm ta, ta không thể đi”, các thể nữ mang hương hoa đến đảnh lễ Phật, sau khi các thể nữ đi rồi, Da du đà la suy nghĩ: “nếu Phật đến đây, ta sẽ đảnh lễ”. Lúc đó Phật đưa bát cho vua cha rồi cùng hai đệ tử A-la-hán có thần túc đi đến chỗ Da du đà la và bảo họ rằng: “nếu mẹ của La hầu la đến đảnh lễ thì đừng ngăn trở”, Phật trải tọa cụ ngồi xong, Da du đà la liền cúi mình đưa tay chạm vào chân Phật và đặt đầu trên đó để làm lễ. Phật nói: “không những đời này Da du đà la tôn trong ta, mà trong quá khứ cũng đã tôn trọng như vậy”, Phật liền thuyết kinh Khẩn na la bổn sanh. Lúc đó vua Tịnh phạn muốn làm năm pháp để đưa vương tử Nan đà lên ngôi: một là kết tóc, hai là khoác y, ba là trang nghiêm cung điện, bốn là cưới vợ, năm là dựng lọng riêng. Do Phật dùng thiên nhãn quán biết túc duyên củA-nan đà, đời này có thể chứng quả A-la-hán nên đưa bát cho Nan đà cầm, muốn làm phương tiện để hóa độ, vì tôn trong Phật nên Nan đà cầm bát đi theo sau Phật về đến chùa, Nan đà vốn không muốn xuất gia nhưng Phật vẫn cưỡng ép xuất gia. Nói hóa độ La hầu la là khi Phật vào thành khất thực, Da du đà la từ cửa sổ chỉ Phật và bảo với La hầu la rằng: “người đó chính là cha của con”, sau đó bà dùng chuỗi ngọc trang nghiêm cho La hầu la rồi bảo: “khi con đến chỗ cha, con hãy xin cha cho con trân bảo và nói rằng: con muốn dựng lọng làm vua chuyển luân, xin cha ban cho con trân bảo”, La hầu la vâng lời mẹ đến chỗ Phật, khi bước vào bóng của Phật, La hầu la nói: “bóng của cha thật mát mẻ an lạc”, nói rồi liền xin cha ban cho trân bảo, Phật không đáp và đứng dậy đi, La hầu la liền đi theo sau và về đến chỗ Phật ở, Phật trải tọa cụ ngồi rồi bảo La hầu la: “dưới cội Bđ ta đã được trân bảo này, trong tất cả các trân bảo thì trân bảo này là quý báu bậc nhất, con có muốn được nó không?”, đáp là muốn, Phật liền bảo Xá lợi phất độ cho La hầu la xuất gia. Vua Tịnh phạn nghe tin Phật đã độ cho La hầu la xuất gia, trong lòng rất đau buồn nên đến nói với Phật: “từ nay, xin Phật chế ngăn nếu cha mẹ chưa cho thì không được độ cho xuất gia”, Phật nhận lời nên trong luật nói nếu có người cầu xuất gia nên hỏi trước cha mẹ có cho phép không, nếu đáp là chưa cho thì không nên độ; nếu là người từ phương khác hay nước khác đến cầu xuất gia thì không cần hỏi. Sa di nếu làm mười điều ác thì nên diệt tẫn: một là giết hại, hai là trộm cắp, ba là hành dâm, bốn là nói dối, năm là uống rượu, sáu là hủy báng Phật, bảy là hủy báng Pháp, tám là hủy báng Tăng, chín là tà kiền, mười là hoại tịnh hạnh Tỳ kheo ni. Trừ trường hợp thứ mười thì vĩnh viễn không được xuất gia lại, chín trường hợp trên nếu biết cải hối, không tái phạm thì được xuất gia lại.

Nói xuất gia có ba loại trộm là:

1. Trộm hình dạng: là người không có thầy mà tự xuất gia, không có tuổi hạ Tỳ kheo, không theo thứ lớp để thọ lễ bái cúng dường, cũng không dự vào pháp sự của Tăng.

2. Trộm hòa hợp: là người tuy có thầy độ cho xuất gia nhưng chưa thọ giới cụ túc, khi đi đến nơi khác tự nói mình có mười hạ hoặc hai mươi hạ để theo thứ bậc thọ sự lễ bái cúng dường, cũng không dự vào các pháp sự của Tăng.

3. Trộm cả hình dạng và hòa hợp: là người có đủ những yếu tố trong hai trường hợp trên.

Đối với loại người trộm hình dạng, nếu muốn xuất gia và thọ giới lại thì được cho; nếu vì lánh nạn hay nghèo đói mà xuất gia nhưng không dự vào pháp sự của Tăng, qua nạn hay hết nghèo đói mà muốn xuất gia thọ giới lại thì được cho. Nếu Tỳ kheo thật không có tuổi hạ mà dối nói tuổi hạ để dựa vào tuổi hạ này để thọ lợi dưỡng, thì tính theo giá mà kết tội. Nếu Tỳ kheo biến tâm muốn đến với ngoại đạo, cất bước chân đi thì phạm Đột kiết la, giữa đường hối hận quay về cũng Đột kiết la và được cho ở lại trong Tăng; nếu đã đến chỗ ngoại đạo nghe thuyết pháp, nhưng không chấp nhận, hối hận trở về thì nên sám tội Đột kiết la và được cho ở lại trong Tăng; nhưng nếu chấp nhận thuyết của ngoại đạo và ưa thích thì sau đó dù có hối hận quay về, Tăng nên diệt tẫn.

Nói không được độ cho rồng xuất gia vì rồng không thể đắc thiền định và chứng quả. Rồng lại có năm việc không bỏ được thân rồng: một là khi hành dâm, hai là khi thọ sanh, ba là khi thay da, bốn là khi ngủ, năm là khi chết. Các loài quỷ thần khác như Ca lầu la cho đến vua trời Đế thích cũng không được độ cho xuất gia thọ giới cụ túc.

Người giết cha mẹ cũng không được độ cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu thật là cha mẹ, khởi tưởng là không phải cha mẹ mà giết cũng không được cho xuất gia. Người giết A-la-hán cũng vậy, nếu giết lầm thì tuy không chướng ngại cho việc xuất gia thọ giới nhưng vì nghiệp chướng nặng nên không được độ. Người hoại tịnh hạnh Tỳ kheo ni tức là cưỡng dâm thì không được cho xuất gia thọ giới, nếu chỉ là xúc chạm Tỳ kheo ni thì không phải là chướng pháp. Người phá hòa hợp Tăng hay trợ giúp việc phá Tăng đều không được cho xuất gia thọ giới. Nói người hai căn có ba trường hợp: một là tự thọ thai và có thể làm cho người khác thọ thai; hai là tự thọ thai nhưng không thể làm cho người khác thọ thai; ba là không thể tự thọ thai, cũng không thể làm cho người khác thọ thai. Cả ba hạng người hai căn này đều không được cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đã cho thì nên diệt tẫn. Người không có Hòa thượng thì không được cho thọ giới cụ túc, nếu cho thì người thọ tuy đắc giới nhưng Tăng phạm Đột kiết la; người không có y bát cũng vậy. Được truyền trao giới cụ túc cho hai, ba người một lần; nếu đồng Hòa thượng thì cũng được yết ma truyền trao giới cụ túc cho hai, ba người một lần, đồng một giới lạp thì không lễ bái nhau. Hòa thượng dịch nghĩa là biết tội hay không tội, Hòa thượng cho thọ giới rồi nên đo bóng để tính giờ khắc thọ giới, tức là đứng thẳng tính bóng từ gót chân rồi tùy theo thân mà tính bóng dài ngắn. Kế dạy cho người thọ giới biết về thời tiết thọ giới, tức là vào mùa đông hay mùa hạ, mùa xuân; kế dạy cho biết về ngày tháng thọ giới, tức là tháng có trăng hay không trăng; kế dạy cho biết về túc số Tăng truyền giới rồi mới truyền trao pháp tứ y, tứ trọng.

Lúc đó Phật tại thành La duyệt (thành Vương xá) nước Ma kiệt đà, nói về việc kết giới. Nói tiêu tướng có nhiều loại: nếu lấy núi làm tiêu tướng thì lớn như núi Tu di, nhỏ như tướng con voi; nếu lấy đá làm tiêu tướng thì lớn như tướng con bò, nhỏ thì nặng chứng ba mươi cân, đa tản mạn không được lấy làm tiêu tướng. Nếu lấy rừng cây làm tiêu tướng thì không được lấy rứng tre, rừng cỏ lau vì rỗng ruột; nên lấy rừng cây có lõi cứng, lớn thì được rộng đến trăm do tuần, nhỏ nhất là bốn cây mọc liên tiếp nhau; cây cao thì như cây Diêm phù, cây nhỏ nhất phải cao chừng tám tấc, nếu không có cây mọc tự nhiên thì được lấy loại cây trồng để làm giới tướng. Nếu lấy đường đi làm tiêu tướng thì như đường đi vào ruộng, đường đi đến giếng lấy nước… nhưng không được lấy đường cùng làm tiêu tướng; đường lớn hay đường nhỏ hẹp đều được. Nếu lấy tổ mối làm tiêu tướng thì lớn như núi, nhỏ phải cao chừng tám tấc; nếu lấy sông ao làm tiêu tướng thì phải là sông ao tự nhiên, dù bốn tháng không mưa, nước vẫn chảy và sâu hai thước; nếu là kênh rạch dẫn nước thông vào ruộng thì không được. Tướng của đại giới có năm hoặc hình tròn, hình vuông, hình cái trồng, hình bán nguyệt hay hình tam giác đều được. Nếu đã kết đại giới rồi, sau đó tiêu tướng mất nhưng giới không mất; sau khi kết giới xong, nếu nước ngập thành ao có nước chảy, nếu nhớ biết tướng giới thì dựng cột làm gác, ở trên đó tác pháp vẫn thành tựu; nếu nước soi mòn thành hang cũng không mất tướng giới, nếu Tỳ kheo ở trên không trung hay ở trong hang dưới mặt đất thì không được riêng làm pháp sự. Kết đại giới được rộng nhất là ba do tuần, không được lớn hơn, khi kết nên nói trừ thôn và giới ngoài thôn tức là trong tầm ném đá của người trung bình. Tỳ kheo kết đại giới có thể kết chồng lên giới của Tỳ kheo ni hay không phải giới của Tỳ kheo ni mà giới của Tỳ kheo ni vẫn không mất; Tỳ kheo ni cũng vậy, được kết đại giới chồng lên giới của Tỳ kheo tăng mà giới của Tỳ kheo tăng vẫn không mất. Giới A lan nhã nhỏ nhất là bảy Bàn đà la, một Bàn đà la bằng hai mươi tám khuỷu tay; người không đồng ý có thể ở ngoài phạm vi hai mươi tám khuỷu tay này làm pháp sự riêng. Nói thủy giới là như Tỳ kheo ngồi trên thuyền, từ chỗ ngồi tạt nước hay quăng đá văng tới chỗ nào thì đó là giới nước; khi bố tát nên neo thuyền lại, không được cột dây vào bờ hoặc cột vào cây mọc trên bờ, vì cột tức là giới đất và giới nước nối liền nhau.

Nói phi pháp biệt chúng là bốn Tỳ kheo ở chung một chỗ, một người gởi dục, ba người còn lại thuyết Ba la đề mộc xoa; chỉ có ba người mà một người gởi dục, hai người còn lại thuyết Ba la đề mộc xoa thì gọi là phi pháp, cũng gọi là biệt chúng. Nói phi pháp hòa hợp chúng là bốn Tỳ kheo ở chung một chỗ, đủ túc số nên thuyết Ba la đề mộc xoa mà lại tác pháp theo chúng ba người hay đối thú thuyết giới. Nói như pháp biệt chúng là bốn Tỳ kheo ở chung một chỗ, một người gởi dục, ba người còn lại đối thú thuyết giới; hoặc ba Tỳ kheomà một người gởi dục, hai người còn lại đối thú thuyết giới. Nói như pháp hòa hợp chúng là bốn Tỳ kheo ở chung một nơi cùng hòa hợp thuyết Ba la đề mộc xoa, hoặc chỉ có ba Tỳ kheo hòa hợp nói ba lần bố tát.

Trong ba tháng an cư, nếu có nhân duyên phải dời đi thì không phạm nhưng không thành an cư, không được an cư nơi đất trống hoặc dưới gốc cây. Nói dưới chân của Thủ lung na có lông dài màu biếc là quả báo của nghiệp đời trước, do quá khứ vị này ở chung với tám vạn người con của Trưởng giả, cùng phát tâm dựng căn nhà cỏ và thỉnh vị Phật Bích chi đến đây an cư ba tháng hạ. Thủ lung na lại đem tấm thảm Khâm bà la bằng lông dê trải trước nhà cho vị Phật Bích chi này lau chân. Nhờ nghiệp báo này nên nay dưới chân có mọc lông dài, sau khi xuất gia, Phật vì Thủ lung na nên khai cho mang giày da một lớp. Giày da có nhiều loại, theo hình dáng mà đặt tên như giày Na la phú la, giày da hình sừng nai, giày da A la lê, giày da Phú la bạt đà la, giày da Chơn thệ lê, giày da hình lông công… Nói Kỳ bà y sư vốn là con của một kỹ nữ nổi tiếng tại thành Vương xá tên là Bà la bạt đề, pháp của kỹ nữ là nếu sanh con gái thì nuôi lớn rồi dạy cho làm kỹ nữ, nhưng nếu là con trai thì vất bỏ. Do nguyên nhân này Kỳ bà bị vất bỏ bên đuờng, vương tử Vô úy sáng sớm cỡi ngựa đi đến chỗ vua, trên đường thấy đứa bà bị bỏ rơi này nên dừng ngựa lại hỏi tùy tùng là đã chết hay còn sống, tùy tùng đáp là còn sống, do đây Kỳ bà được dịch nghĩa là Hoạt đồng tử; vương tử Vô úy liền mang về nuôi nấng cho đến trưởng thành và nhận làm con. Vì sao Kỳ bà chỉ học nghề thuốc không học kỹ thuật khác?- do túc nghiệp, quá khứ có Phật ra đời hiệu là Liên hoa, lúc đó có một thầy thuốc thường thăm bịnh và cúng dường thuốc cho Phật, Kỳ bà thấy vậy liền cúng dường Phật trong bảy ngày rồi phát nguyện: “nguyện cho con trong đời vị lai được làm thầy thuốc giỏi thăm bịnh cho Phật và cúng dường thuốc giống như vị thầy thuốc này đang cúng dường Phật không khác”, do thiện nghiệp này nên sau khi qua đời, Kỳ bà được sanh lên cõi trời, hết phước trở xuống làm người, cứ luân chuyển như vậy cho đến khi Phật Thích ca Mâu ni ra đời, theo túc nguyện chỉ học nghề thuốc trở thành Đại y vương để cúng dường Phật và Tăng. Kỳ bà học bảy năm thì thành tựu nghề y, thầy dạy nghề y cho Kỳ bà suy nghĩ: “Kỳ bà là con của vương tử Vô úy, tài vật không thiếu, nếu trở về nước sẽ không còn nhớ ân thầy dạy học”, do nghĩ như vậy nên vị thầy này khi tiễn đưa, chỉ đưa cho Kỳ bà y phục mà không đưa lương thực đi đường. Kỳ bà đi đến giữa đường thì đói bụng, không có lương thực nên vào trong thôn hỏi thăm trong thôn có ai bị bịnh không, đáp có và chỉ chỗ, Kỳ bà đến đó trị bịnh và được thưởng trọng hậu, Kỳ bà suy nghĩ: “ta trị bịnh cho một người mà được thưởng trọng hậu như vậy, nếu trị cho nhiều người thì tiền thưởng ắt là vô số, ta nên nhớ ân thầy dạy”.

Có mười lăm giới được thọ cúng dường:

1. Giới của giới tràng như đã giải ở trên.

2. Giới của cảnh giới: như trong giảng đường hay trong nhà ăn đang chia y, trong tầm ném đá của người khỏe mạnh, tùy giới lớn hay nhỏ đều có tầm ném đá này, Tỳ kheo vào trong giới này thì được chia y.

3. Giới đồng bố tát: nếu Tỳ kheo vào trong giới đồng bố tát thì được chia y.

4. Giới không mất y: nếu Tỳ kheo vào trong giới này thì được chia y.

5. Giới La bà: do vua hay đại thần làm chỗ dừng nghỉ cho Tỳ kheo trong phạm vi mười do tuần; khi dựng trụ làm tiêu tướng, các Tỳ kheo lập chế: trong tiêu tướng này nếu có lợi dưỡng gì đều thuộc về chúng ta.

6. Giới tụ lạc: có chợ

7. Giới thôn: không có chợ.

8. Giới quốc độ: có thành ấp.

9. Giới A bàn đà la tức là giới A lan nhã.

10. Giới tạt nước đến: Tỳ kheo ở trên thuyền tạt nước đến đâu thì trong phạm vi này là giới.

11. Giới dân cư: phía đông tây thành là giới dân cư.

12. Giới La na tức là giới quốc độ.

13. Giới A la xà là giới của vua thống lãnh.

14. Giới đảo tức là đảo trong biển.

15. Giới núi Thiết vi.

Nếu thí chủ nói thí cho Tăng trong giới tràng thì Tăng trong giới bố tát không được thọ; nếu nói thí cho Tăng trong giới cảnh giới thì Tăng trong giới này đều được thọ; nếu nói thí cho Tăng trong giới không mất y thì Tăng trong giới bố tát đều được chia phần, trừ giới tụ lạc nằm trong giới bố tát; cứ như thế tùy thí cho Tăng trong giới nào trong mười lăm giới trên thì chỉ Tăng trong giới được thọ và chia phần. Nếu nói thí cho Tăng trên hai đảo thì Tăng trên mỗi đảo dù nhiều ít khác nhau vẫn phải chia đều làm hai phần. Nói biệt trú xứ đồng lợi dưỡng là tùy trú xứ nào được lợi dưỡng đều cùng chia. Nếu nói thí cho Tăng thì khi đánh kiền chùy nhóm Tăng, ai đến thì được chia. Nếu thí chủ đem một y đến đưa cho một Tỳ kheo mà nói là thí cho Tăng, Tỳ kheo này thọ rồi nói là tôi đáng được thọ thì gọi là ác thọ; nếu đánh kiền chùy nhóm Tăng, từ Thượng tòa cho đến hạ tòa ai cũng không chịu thọ thì Tỳ kheo này được thọ, gọi là thiện thọ. Nếu trú xứ chỉ có một Tỳ kheo, thí chủ đem y đến nói thí cho Tăng, Tỳ kheo này nên tâm niệm miệng nói: “y này thí chủ cúng cho Tăng, trú xứ này không có Tăng, y này nay thuộc về tôi”, tâm niệm miệng nói như thế rồi được thọ không phạm. Nếu thí chủ nói thí y cho Tăng thì Tỳ kheo tu hạnh đầu đà thọ y phấn tảo không được lấy; nếu thí đãy đựng bát, đựng dép hoặc đãy lượt nước, kim… thì được lấy. Nếu thí chủ nói thí y cho Tăng, sau khi đánh kiền chùy, Tăng tụ đến đứng nối tiếp nhau trong tầm tay kéo dài đến trăm do tuần, thì chỉ cần vị đứng đầu vào được trong giới thì người cuối cùng ở ngoài giới vẫn được chia phần. Nếu nói thí cho hai bộ tăng thìmỗi bộ dù số người nhiều ít khác nhau vẫn phải chia đều hai phần. Nếu thí chủ nói thí cho Tăng tiền an cư thì Tăng hậu an cư và người phá hạ không được thọ; nếu nói thí cho Tăng an cư xong thì Tăng tiền và hậu an cư đều được thọ, người phá hạ không được thọ; nếu chỉ nói thí cho Tăng an cư thì dù tiền hay hậu an cư và người phá hạ đều được thọ; nếu nói thí cho Tăng hậu an cư thì Tăng tiền an cư không được thọ; nếu chỉ định thí cho Tỳ kheo ở phòng nào thì nên theo lời thí chủ mà đưa; nếu thí chủ nói vị nào được tôi thỉnh thực thì được cúng y, nếu không được tôi thỉnh thực thì không được cúng y, thì tùy thí chủ thỉnh vị nào, vị ấy được y.

Trong kiền độ Dược, nói cơm Câu bạt đà la là cơm gạo lúa tẻ, Tu bộ là canh đậu, Kiết la là măng tre, Khư đà ni là chỉ cho các loại trái cây; Ha lê lặc là loại trái lớn như trái đại táo, có vị chua đắng; Tỳ ê lặc là loại trái giống như trái đào có vị ngọt; A ma lặc là trái Dư cam tử, Bà lợi bà bà là hạt cải, Đà bà xà là thuốc hút, Đà bà xà đà bà là thuốc nhỏ mắt, Xà na là loại cây mọc trên đất, Kỳ la xà na là loại cây mọc dưới nước và nhiều loại cây trái khác chỉ có ở nước ngoài, ở Trung quốc không có. Tỳ kheo không được ăn năm loại thịt là thịt sư tử, thịt voi, thịt ngựa, thịt rồng rắn và thịt chó; da lông cũng không được dùng. Khi được thịt nên hỏi là thịt gì rồi mới thọ ăn, nếu không hỏi thì phạm Đột kiết la.

Nói kết tịnh trù là chọn lấy một phòng bên kết làm tịnh trù, khi khởi công bắt đầu dựng cột trụ, các Tỳ kheo nên đứng chung quanh nâng cột trụ lên và nói ba lần: “nơi này làm tịnh trù cho Tăng”, cột trụ thứ hai, thứ ba cũng nói như thế. Kế nên tác tịnh, gọi thí chủ đến nói: “nơi này chưa làm tịnh, ông hãy vì tăng tác tịnh”, thí chủ nói: “nơi này làm tịnh trù cho Tăng tùy ý thọ dụng”; nếu không có thí chủ nên gọi một vị kỳ túc trong thôn đến dạy ông cách tác tịnh, nói lời giống như trên. Kết tịnh trù thành rồi thì Tăng được tùy ý ở trong đó cất chứa thức ăn và nấu thức ăn cho Tăng mà không có lỗi nội túc, nội chữ (ngủ chung với thức ăn và nấu thức ăn trong giới). Trái Diêm phù là loại trái lớn như trái táo hồng, Xá lầu ca là nước ngó sen, dùng ngó sen ép giã rồi lượt lấy nước uống phi thời; Bà lầu sư là loại trái giống như trái xoài. Tất cả loại trái cây đều có thể dùng làm nước uống phi thời, trừ bảy loại mễ cốc, tất cả loại lá cũng đều được dùng làm nước uống phi thời trừ rau khoai nước, tất cả loại hoa cũng được dùng làm nước uống phi thời trừ hoa Ma đầu, tất cả loại trái đều được ép làm nước uống phi thời trừ sáu loại trái, đó là trái La đa, trái dừa, trái Ba la nại, trái bầu, trái dưa, trái mướp; tất cả loại đậu không được xay giã làm nước phi thời (vì đó là loại thời dược). Vật dụng chứa nước được dùng làm bằng gỗ, bằng gốm sành hoặc sắt, không được dùng loại khác. Nếu tự có hạt giống gieo trồng trên đất của chúng tăng thì khi thu hoạch nên chia cho Tăng một nửa; nếu Tăng có hạt giống gieo trồng trên đất riêng của mình thì khi thu hoạch cũng chia cho Tăng một nửa.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Sa Di Thập Giới Nghi Tắc - Luật Tạng
  • Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 2 – Mười Giới Sa Di - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng