QUYỂN 14
Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc, thành Xá vệ; lúc đó có hai Tỳ kheo tên Mã sư và Mãn túc cùng trụ trên núi Kê tra làm hạnh xấu, nhơ nhà người. Cả hai đều là bậc Thượng tòa trong Lục quần Tỳ kheo vốn là nông phu, do làm ruộng quá cực khổ nên xuất gia trong Phật pháp để mưu cầu y thực. Cả hai được tôn giả Xá lợi phất và Mục kiền liên độ cho xuất gia thọ giới cụ túc, đủ năm tuổi hạ liền kết bạn với Tỳ kheo Hoàng xích và Tỳ kheo Từ địa. Cả bốn người bàn với nhau rằng: “thành Xá vệ này tuy sung túc nhưng có lúc cũng mất mùa đói kém, chúng ta không nên tụ tập một nơi, nên phân ra đến ở các nước khác”, ba người hỏi Hoàng xích thích ở đâu, đáp: “tôi thích ở thành Xá vệ, trong thành có năm mươi bảy vạn hộ dân, ngoài thành lại có tám vạn tụ lạc, chu vi rộng một trăm do tuần. Nếu ở nơi đây trồng nhiều loại cây ăn trái như xoài… nhiều loại hoa như hoa Chiêm bặc…, sau đó hái hoa trái này khuyến dụ các bạch y, nếu họ muốn xuất gia thì độ họ xuất gia, như thế chúng ta sẽ tăng thêm quyến thuộc”, lại hỏi Từ địa thích ở đâu, đáp: “tôi thích ở thành Vương xá, trong thành có tám ức vạn hộ dân, ngoài thành có tạm vạn tụ lạc, chu vi rộng ba trăm do tuần. Nếu nơi đây trồng… như trên đã nói”, lại hỏi Mã sư thích ở đâu, đáp thích ở Hắc sơn, lại hỏi Mãn túc thích ở đâu, đáp là thích ở chung với Mã sư. Do nguyên nhân này, mỗi người có đến năm trăm quyến thuộc, tổng cộng là một ngàn năm trăm quyến thuộc, trong số này có những người biết hổ thẹn tuy hộ trì giới Phật đã chế nhưng lại phạm những việc không nên làm; có những người không biết hổ thẹn phạm những giới Phật đã chế và làm những việc không nên làm. Nói trồng hoa làm vườn là tự trồng hay bảo người khác trồng, một loại hay nhiều loại, tự tưới cây hay bảo người tưới; tự đào đất làm ao hay bảo người khác đào để chứa nước dùng. Nếu trồng cây, làm vườn, đào ao cho Tăng đều phài nói tịnh, nói tịnh là bảo tịnh nhân rằng: ông hãy chăm sóc cây này, tịnh nhân nghe rồi tùy liệu lý. Tỳ kheo không được kết vòng hoa cho bạch y, trừ cúng dường Tam bảo; cũng không được ca múa, trừ tán tụng, chú nguyện. Nếu Tỳ kheo bịnh không có thuốc thang, được hái lấy hoa quả dùng để đổi lấy thuốc thang thì không phạm. Tỳ kheo phạm Tăng già bà thi sa nếu có che giấu, sau khi hành Ba lợi bà sa rồi mới cho hành sáu đêm Ma na đỏa, Hán dịch là chiết phục cống cao, cũng gọi là Hạ ý, tức là thừa sự chúng tăng. Hành Ma na đỏa xong mới ở trong Tăng đủ số hai mươi vị cho xuất tội, A phù ha na dịch là hoán nhập, tức là gọi vào để cùng làm pháp sự; cũng dịch là bạt tội hay xuất tội, tức là hết tội được thanh tịnh nên cho gọi vào để cùng Tăng thuyết giới bố tát, tự tứ và làm các yết ma khác. Hết mười ba pháp Tăng già bà thi sa.
Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc, rừng Thệ đa, thành Xá vệ; lúc đó có Ưu bà di Tỳ xá khư mẫu nhìn thấy Tỳ kheo ngồi với người nữ nơi chỗ khuất kín; hoặc người nữ ngủ, Tỳ kheo ngồi hoặc Tỳ kheo ngủ, người nữ ngồi hoặc cả hai cùng ngủ hoặc cùng ngồi, là nơi có thể làm việc dâm dục nên đến bạch Tăng. Nói chỗ khuất kín là khuất mắt khuất tai, khuất mắt là mắt không nhìn thấy hoặc đối trước người mù, khuất tai là tai không nghe thấy hoặc đối trước người điếc; nói Tỳ xá khư mẫu là Ưu bà di đáng tin đã đắc quả Thánh. Nếu Tỳ kheo tự nói tội thì nên tùy theo lời Tỳ kheo đã nói mà trị phạt, không nên nghe theo lời của Ưu bà di vì có thể thấy nghe không rõ. Như có Tỳ kheo ái tận đến trong nhà thí chủ ngồi, vị Ưu bà di đứng dựa ghế ở phía trước Tỳ kheo, một Tỳ kheo đến trước nhà này khất thực nhìn thấy cảnh này cho là hai người ngồi chung một ghế, sau khi trở về trú xứ liền muốn cử tội Tỳ kheo ái tận kia nên đến phòng cầu thính, gõ cửa muốn vào phòng, Tỳ kheo ái tận liền dùng thần lực ra khỏi phòng và ngồi trên không trung, Tỳ kheo này thấy vậy liền nói: “đại đức có thần lực như vậy vì sao lại một mình vào trong nhà bạch y ngồi chung một ghế với người nữ?”, Tỳ kheo ái tận đáp: “tôi chỉ phạm tội một mình vào trong nhà bạch y, không phạm tội kia”. Nếu Tỳ kheo muốn đến chỗ khuất ngồi với người nữ thì khi đắp yđi thì phạm Đột kiết la, mỗi bước đi đến cũng phạm Đột kiết la, đến chỗ khuất ngồi với người nữ thì phạm Ba dật đề, đứng dậy rồi ngồi xuống hay bước ra rồi trở vào ngồi lại thì đều phạm Ba dật đề; nếu ngồi chung với nhiều người nữ thì phạm nhiều tội Ba dật đề; nếu Tỳ kheo ngồi ở chỗ khuất trước, người nữ đến sau lễ bái han hỏi thì không phạm. Đây là pháp bất định thứ nhất, pháp bất định thứ hai chỉ khác ở chỗ là ngồi nơi trống trải không thể làm việc dâm. Trường hợp không phạm là người phạm đầu tiên, người điên cuồng tâm loạn. Hết hai pháp bất định.
Phật ở trong miếu Cù Đàm, thành Tỳ xá ly, lúc đó Phật cho các Tỳ kheo thọ trì ba y là An đà hội, Uất đa la tăng và Tăng già lê; riêng y Tăng già lê có ba phẩm chín bậc. Do trưởng lão A-nan khởi nghĩ trong các đệ tử Thanh văn không có ai bằng Xá lợi phất nên khi được cúng y, để dành cái y tốt cúng lại cho Xá lợi phất; khi được cúng thức ăn đúng thời cũng để dành món ngon cúng lại cho Xá lợi phất; như thế cho đến loại Thất nhật dược, Phi thời dược, Tận hình thọ dược cũng dành món ngon cúng lại cho Xá lợi phất; thậm chí nếu có con của trưởng giả nào muốn xuất gia, A-nan cũng bảo họ đến cầu Xá lợi phất làm Hòa thượng hoặc A-xà-lê. Tôn giả Xá lợi phất cũng rất quý trọng A-nan vì A-nanđã làm hết những việc mà tôn giả muốn làm là thừa sự Phật. Lúc đó Ananđược tấm y tốt muốn cúng lại cho Xá lợi phất, nhưng Xá lợi phất du hành đến nước khác chưa về, không biết làm sao nên bạch Phật, Phật hỏi A-nan: “khoảng bao lâu nữa thì Xá lợi phất trở về?”, đáp là khoảng chín mười ngày, Phật nhân việc này chế được chứa y dư trong mười ngày.
Nói ba y đã xong là tùy được y đã may xong, nói xong là đã cắt may nhuộm… thành y, nói mất y là y bị đoạt, bị cháy, bị trôi… hoặc hết một tháng Ca đề hoặc đã xả y công đức. Có tám trường hợp xả y công đức là đi, đã may y xong, đã dứt, y đã mất, nghe xả, không còn hy vọng được y nữa, ra ngoài giới và cùng làm yết ma xả, như trong Kiền đà ca đã nói rõ. Nói y là bao gồm sáu loại y: một là khu ma, hai là cổ bối, ba là Kiều xa da, bốn là Khâm bà la, năm là sa na, sáu là bà hưng già. Nếu được một trong sáu loại y này dài hai gang tay, rộng một gang tay thì trong mười ngày phải thuyết tịnh, không thuyết tịnh thì quá mười ngày sẽ phạm Xả đọa, y này nên xả và nên sám tội Ba dật đề. Nếu có nhiều y cột thành bó để một chỗ quá mười ngày thì chỉ phạm một tội, nếu không cột thành bó thì tùy y nhiều ít mà kết phạm. Nói xả là Tỳ kheo chỉnh y trịch bày vai hữu đến trong Tăng chắp tay bạch rằng: “đại đức nhớ nghĩ, con Tỳ kheo ________ chứa y dư này quá mười ngày phạm Xả đọa, nay xin xả”, một Tỳ kheo biết pháp trong Tăng nên tác bạch thọ Tỳ kheo phạm này sám tội Ba dật đề:
Đại đức tăng lắng nghe, Tỳ kheo này tên __ chứa y dư quá mười ngày phạm Xả đọa, nay thấy tội đến trong Tăng phát lồ sám hối. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, tôi nay thọ Tỳ kheo ________ sám hối. Bạch như vậy.
Bạch rồi nên hỏi Tỳ kheo phạm có thấy tội không, đáp là đã thấy, nên nói chớ tái phạm nữa, đáp xin vâng rồi đối sám tội Ba dật đề. Nếu không đủ túc số Tăng, đối trước chúng hai ba người thì nên nói: “đại đức nhớ nghĩ, con Tỳ kheo __ chứa y dư quá mười ngày phạm Xả đọa, nay xin xả”, một người biết pháp nói với hai người kia: “các trưởng lão nhớ nghĩ, tôi nay thọ Tỳ kheo _ sám tội Ba dật đề, xin liễu tri”, nói rồi hỏi Tỳ kheo phạm có thấy tội không… giống như trên. Xả và sám rồi, qua hôm sau Tăng nên tác pháp hoàn lại y cho Tỳ kheo này, nếu không hoàn trả lại thì Tăng phạm Đột kiết la. Nếu y phạm Xả đọa không xả, không sám mà đắp mặc thì tùy mặc bao nhiêu phạm Đột kiết la bấy nhiêu. Lúc đó các Tỳ kheo không biết các y dư khác ngoài ba y có cần phải thuyết tịnh hay không nên bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “ba y thọ trì thì không cần thuyết tịnh; y tắm mưa thọ trì trong bốn tháng mưa, qua bốn tháng phải thuyết tịnh; Ni sư đàn thọ trì không cần thuyết tịnh; y che phủ ghẻ cũng không cần thuyết tịnh, nhưng hết ghẻ phải thuyết tịnh; khăn mặt, khăn tay, khăn lau… đều không cần thuyết tịnh”. Nói thọ trì ba y là sau khi may xong đúng lượng, giặt nhuộm thiếp tịnh rồi tác pháp thọ trì. Nói đúng lượng là y Tăng già lê và y Uất đa la tăng phẩm thượng thì nhỏ hơn y của Phật, phẩm hạ dài bốn khuỷu tay rưỡi, rộng hai khuỷu tay rưỡi; y An đà hội dài bốn khuỷu tay rưỡi, rộng hai khuỷu tay, có thể tùy theo thân lượng mà gia giảm. Nếu muốn xả Tăng già lê cũ để thọ trì cái mới thì nên cầm y mới này đến trước một Tỳ kheo tác pháp thọ trì, nếu không có đối tác pháp thì cầm y tâm niệm thọ trì. Nếu lấy ba y cũ đã xả làm khăn lau cũng phải thuyết tịnh rồi mới thọ trì; giường mền nệm…đều là vật dụng thuộc phòng ở nên không cần thuyết tịnh.
Hỏi: ba y đã thọ trì khi nào bị mất thọ trì?- khi đem xả cho người hoặc bị đoạt, bị mất hoặc người thọ trì hoàn tục hoặc chết hoặc chuyển căn hoặc lìa y ngủ đêm hoặc y bị rách – rách như thế nào mới mất thọ trì?- bị lủng một lỗ lớn như móng tay, nếu giữa lỗ thủng con sợi chỉ nằm ngang thì cũng không mất thọ trì. Đối với Tăng già lê và Uất đa la tăng nếu từ chiều rộng biên trở vào khoảng tám ngón tay bị rách hoặc từ chiều dài biên trở vào khoảng một gang bị rách thì cũng chưa mất thọ trì; đối với An đà hội từ chiều rộng biên trở vào khoảng bốn ngón tay bị rách hoặc chiều dài biên trở vào khoảng một gang tay bị rách thì chưa mất thọ trì. Nếu y mất thọ trì mà cất giữ quá mười ngày thì phạm Xả đọa; nếu muốn không mất thọ trì thì nên vá lại chỗ lủng rách, nếu y hai lớp có một lớp bị rách, một lớp không rách thì cũng không mất thọ trì. Nếu y quá rộng, thu nhỏ lại hoặc quá chật phải nới thêm ra, cho đến giặt bị phai màu…cũng không mất pháp thọ trì. Nói thuyết tịnh có hai là đối diện tịnh và triển chuyển tịnh; Tỳ kheo muốn đối diện tịnh nên cầm y đến trước một Tỳ kheo bạch rằng: “đại đức nhớ nghĩ, tôi có y dư nàyvì làm tịnh nên đem thí cho đại đức”, nếu nói như vậy thì người nhận chỉ được cất giữ giùm chứ không được thọ dụng; nếu nói: “đây là y của tôi nay xả cho đại đức tùy ý thọ dụng”, thì người nhận được tùy ý thọ dụng vì là chân thật tịnh thí. Nói triển chuyển tịnh là Trưởng lão nên chọn một người trong năm chúng xuất gia làm thí chủ rồi mới cầm y dư này đến trước một Tỳ kheo khác để thuyết tịnh: “đại đức nhớ nghĩ, tôi Tỳ kheo _ có y dư này chưa tác tịnh, nay làm triển chuyển tịnh nên đem thí cho đại đức”, vị nhận y nên hỏi: “thí chủ của thầy là ai?”, liền nói tên thí chủ ra, vị nhận y nói: “đại đức có y dư này vì tác tịnh nên đem thí cho tôi, tôi đã thọ, đây là vật của Tỳ kheo thí chủ tên __, thầy nên cất giữ cho Tỳ kheo thí chủ đó tùy thời tùy ý thọ dụng, không cần hỏi chủ”. Đây là phương tiện thí để được cất giữ thọ dụng nên người được thỉnh làm thí chủ không nên không thọ, người được thí không nên thọ rồi mà không trả lại, nếu không trả lại thì phạm Đột kiết la. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ nhất.
Lúc đó có Tỳ kheo mang y Uất đa la tăng và An đà hội đi du hành, để lại y Tăng già lê ở trong phòng, lâu ngày không xem nên bị hư hoại. Phật nhân việc này chế không được lìa y ngủ đêm, trừ Tăng yết ma cho. Nói trừ Tăng yết ma cho là nếu Tỳ kheo già bịnh theo Tăng xin được lìa y, Tăng yết ma cho thì được lìa y ngủ chỗ khác cho đến khi hết bịnh. Nếu Tỳ kheo bịnh du hành, trên đường trở về gặp hiểm nạn nếu khởi ý muốn trở về chỗ y thì dù đã hết bịnh cũng không phạm lỗi lìa y; nếu quyết định không trở về thì mất y. Nếu Tỳ kheo bịnh du hành đến chỗ khác thì hết bịnh, trở về chỗ y thì bịnh lại tái phát, muốn đi nữa thì được nương theo yết ma cho lìa y trước đó mà đi, không cần xin lại yết ma.
Nói tụ lạc có một giới là tụ lạc chỉ có một tộc họ cùng ở chung cùng thọ dụng y thực, nếu Tỳ kheo để y trong dây mà thân ở nơi A lan nhã, khi mặt trời chưa mọc mà vào trong giới tụ lạc này thì không bị mất y. Nếu tụ lạc có giới khác là tụ lạc có nhiều tộc họ ở riêng biệt với nhau, Tỳ kheo để y trong nhà này mà thân ngủ trong nhà khác đến khi mặt trời mọc thì bị mất y, nhưng nếu y cách thân trong phạm vi mười lăm khuỷu tay thì không bị mất y; nếu y để dưới đất mà người ở trên không trung thì bị mất y. Nói lầu gác có một giới là lầu gác này thuộc của một chủ thì không bị mất y giống như trên; nếu là giới khác tức là thuộc của nhiều chủ (như chung cư), y để tầng trên, Tỳ kheo ở tầng dưới hoặc y để trong nhà này, thân ngủ ở nhà kia thì trước khi mặt trời mọc phải đến chỗ y, nếu không đến thì bị mất y. Nói giới xe là nếu y ở trên xe, Tỳ kheo ở cách xe trong phạm vi mười lăm khuỷu tay thì không bị mất y, ngoài phạm vi này thì khi mặt trời mọc liền bị mất y. Nói giới cây là dưới bóng râm của cây lúc giữa trưa, nếu y để ở chỗ không có bóng râm, Tỳ kheo ở chỗ có bóng râm thì bị mất y. Nói giới A lan nhã là nếu y và thân ở trong phạm vi mười bốn khuỷu tay thì không bị mất y, nếu có người lai vãng hoặc dừng ở thì không được tính phạm vi này mà y phải tùy thân, nếu y không tùy thân thì bị mất y. Nếu Tỳ kheo có y phạm Xả đọa, trên đường đến trong Tăng xả y này và đối trước Tỳ kheo sám tội, nếu bị giặc cướp mất y này thì chỉ sám tội Ba dật đề. Nếu Tỳ kheo bảo Sa di cầm y đi theo sau, nếu Sa di này lạc đường hay ngủ quên đến khi mặt trời mọc thì Tỳ kheo bị mất y nên xả. Nếu Sa di mang y đi trước, vào trong giới không mất y rồi, Tỳ kheo tuy đã vào trong giới này nhưng lại cho là còn ở ngoài giới, khi mặt trời mọc tưởng là mất y nhưng lại không mất. Về việc y chỉ cũng vậy, nếu đệ tử chưa đủ năm hạ cầm y của thầy đi sau thầy, giữa đường gặp người thuyết pháp, vì nghe pháp nên ở lại cho đến mặt trời mọc thì không phạm lỗi lìa y chỉ, vì tâm không cố ý nhưng thầy phạm lỗi lìa y. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ hai.
Lúc đó có một Tỳ kheo được y phi thời, muốn may y nhưng không đủ vải, vị này rưới nước đem phơi rồi kéo cho vải dài ra. Phật khi đi tuần phòng nhìn thấy liền hỏi nguyên do rồi nhân việc này chế được cất chứa y phi thời trong một tháng để được cúng thêm cho đủ. Nói y phi thời là trừ một tháng cuối mùa hạ và bốn tháng Đông được y thì gọi là Thời y, bảy tháng còn lại được y đều gọi là phi thời y. Nói được là từ Tăng chia theo thứ lớp được hoặc từ chúng hoặc được cúng riêng. Nói không đủ là ít không đủ may thành y, được cất trong một tháng để mong được cúng thêm cho đủ hoặc từ trong Tăng hay trong chúng hay từ thân hữu, bà con…, nếu chứa quá một tháng thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề. Nếu trong vòng hai mươi chín ngày được đủ vải nhưng lại có hai loại mỏng và dày thì nên thuyết tịnh loại vải mỏng đã thọ trước, cất giữ loại vải dầy thọ sau trong một tháng để mong được loại vải dầy thêm cho đủ may y. Cứ như thế thuyết tịnh laọi không thích, cất giữ loại mình thích để mong được thêm cho đủ trong vòng một tháng kể từ ngày thọ được y này, nếu cất chứa quá một tháng thì phạm. Nếu đến ngày thứ hai mươi chín được đủ vải như mong muốn thì ngay ngày đó nên may thành y thọ trì hoặc thuyết tịnh, nếu không thọ trì, không thuyết tịnh thì đến sáng hôm sau, mặt trời vừa mọc liền phạm Xả đọa. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ ba.
Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc, rừng Thệ đa, thành Xá vệ; lúc đó Tỳ kheo Ô đà di nhờ vợ cũ giặt y dơ…Nói bà con là họ hàng nối tiếp nhau trong bảy đời hoặc bên cha hoặc bên mẹ, ngoài bảy đời này ra thì gọi là không phải bà con. Tỳ kheo ni là người từ hai bộ tăng bạch tứ yết ma thọ đắc giới cụ túc; nói y dơ là ít nhất mặc qua một lần. Nếu Tỳ kheo nhờ Tỳ kheo ni giặt y cũ, khi Tỳ kheo ni này nhúm lửa, nấu nước để giặt nhuộm thì Tỳ kheo phạm Đột kiết la, giặt xong thì phạm Ni tát kỳ; nếu nói chưa sạch phải giặt lại thì Tỳ kheo lại phạm thêm tội Đột kiết la. Nếu Tỳ kheo ni không phải là bà con, tưởng không phải là bà con mà nhờ giặt nhuộm thì Tỳ kheo phạm Ni tát kỳ ba dật đề; nếu Tỳ kheo ni tự ý lấy giặt thì Tỳ kheo không phạm. Nếu sai Sa di ni, Thức xoa ma na giặt, họ chưa làm liền, sau khi thọ giới cụ túc xong mới làm thì Tỳ kheo phạm Ni tát kỳ ba dật đề; trường hợp chuyển căn cũng như vậy; nếu sai nhiều Tỳ kheo ni không phải bà con giặt y thì phạm nhiều tội Ni tát kỳ ba dật đề. Nếu nhờ giặt dãy bát, đãy y… thì không phạm. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ tư.
Phật tại tinh xá Trúc lâm, thành Vương xá; lúc đó Tỳ kheo ni Liên hoa sắc sáng sớm đắp y mang bát vào thành Xá vệ khất thực, sau đó vào trong rừng An đà ngồi nhập định, do Phật chưa chế giới Tỳ kheo ni không được đi một mình nên Tỳ kheo ni này mới vào trong rừng một mình ngồi nhập định. Sau đó có bọn giặc vào trong rừng này, gọi là giặc vì những người này đã hành pháp giặc, tức là hành nghề trộm cướp, chúa giặc vốn quen biết Tỳ kheo ni này, sợ đồng bọn xâm phạm nên bảo đồng bọn tránh đi, sau khi để lại y thực cho Tỳ kheo ni, chúa giặc cũng bỏ đi. Tỳ kheo ni xuất định thấy y thực này nghĩ là để lại cho mình nên lấy mang đi đến trong chùa Tăng, muốn cúng phần thức ăn này cho Tăng. Lúc đó Ô đà di tới phiên giữ chùa thấy Tỳ kheo ni có tấm y đẹp nên xin, Tỳ kheo ni cúng luôn tấm y cho Ô đà di rồi trở về chùa mình. Sau đó Phật nhân việc này chế giới không được xin y từ Tỳ kheo ni không phải bà con, trừ trao đổi; nói trao đổi là năm chúng đồng pháp được cùng trao đổi; nói đồng pháp là đồng thầy, đồng giới và đồng kiến cùng ở chung. Khi sắp lấy y thì phạm Đột kiết la, y vào tay liền phạm Ni tát kỳ ba dật đề; nếu là bà con thì không phạm; nếu Tỳ kheo thuyết pháp, Tỳ kheo ni hoan hỉ dâng cúng thì không phạm; nếu là y vất bỏ thì không phạm. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ năm.
Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc, lúc đó có các Tỳ kheo từ nước Sa kỳ đa đi đến thành Xá vệ, giữa đường bị giặc cướp đoạt lấy y phục nên lỏa hình đi đến tinh xá, các Tỳ kheo gạn hỏi, đáp là Sa môn Thích tử, không phải là ngoại đạo. Ưu ba ly gạn hỏi: “nếu là Sa môn Thích tử thì bao nhiêu tuổi hạ, thọ giới lúc nào, thầy là ai, thọ trì ba y như thế nào?, mỗi mỗi đều đáp đúng rồi mới cho vào chùa và lấy y phục của Tăng cho mặc tạm, sau đó được thí chủ cúng y thì đem trả lại cho Tăng. Ô ba-nan đà là người thuộc dòng họ Thích xuất gia, tuy là người bộp chộp nhưng rất thông minh và thuyết pháp hay, nhân việc này liền đi đến các nhà xin y cho các Tỳ kheo bị đoạt y này và xin được rất nhiều y. Phật nhân việc này chế giới không được theo cư sĩ không phải bà con xin y, trừ y bị cướp, bị mất… Tỳ kheo bị mất y được xin y từ cư sĩ không phải bà con, được tự xin hay nhờ người khác xin đều không phạm, nhưng không được xin vàng bạc tiền. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ sáu.