1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Tỳ Nại Da

Dao Tần Trúc Phật Niệm dịch

Bản Việt dịch của Thích Tâm Tịnh

***

Bài Tựa

A-Nan nói kinh vâng theo Thánh chỉ, năm trăm La-hán cùng nhau giám định, phân làm mười hai bộ, đầy đủ lời dạy trong bốn mươi chín năm của Thế Tôn. Nay mười hai bộ ấy được viết lại thành bốn bộ A-Hàm, A-tỳ-đàm, Tỳ-nại-da, đầy đủ ba tạng.

Người học Phật ở Thiên Trúc tôn trọng, đọc tụng, học hỏi luôn và an trí nơi cao quý.

Những Sa-môn bậc cao thì thông suốt ba tạng.

Những Sa-môn bậc vừa và thấp thì thông một hoặc hai tạng mà thôi.

Kinh được lưu hành đến đất Tần, có loại tự đến, là kinh do Sa-môn Thiên Trúc đem sang và tạo thành mười hai bộ, trong đó bộ Tỳ Viết La là nhiều nhất. Do ở nước này có đạo học của Lão, Trang lưu hành, tương tợ với kinh Phương đẳng, cho nên dân chúng ở đây dễ thực hành theo kinh Phật.

Ðạo-An tôi ân hận ba tạng không đủ và cho đó là sự thiếu sót.

Năm Nhâm Ngọ, Cưu-ma-la Phật-đề mang A-tỳ-đàm sao và Tứ A-hàm sao đến Trường An. Với lòng khát ngưỡng đã lâu, ngay trong mùa Hạ ấy đã phiên dịch bộ A-tỳ-đàm sao, gồm bốn quyển. Mùa Ðông lại phiên dịch bộ Tứ A-hàm sao, gồm bốn quyển.

Lại nữa, Luật sư ở nước Kế-Tân – bạn của Phật-đề – tên là Da-xá tụng luật rất thông suốt. Ðạo An tôi liền mời vị ấy dịch ra. Phật-đề đọc tiếng Phạm, Phật-niệm dịch, Ðàm-cảnh ghi chép. Ngày 12 tháng 1 bắt đầu, đến ngày 25 tháng 3 hoàn tất, gồm bốn quyển, tương đương với bản giới kinh mà Ðàm-ma-thi dịch khi xưa. Hai bản rất phù hợp với nhau. Trong 260 việc, có việc nào còn nghi nghờ thì chúng tôi đều hỏi kỹ càng. Xin xét rõ những điểm khác nhau chủ yếu thì mới hiểu rõ được. Trong hai năm ở nước Tần đã đầy đủ ba tạng.

Thế Tôn chế giới ắt có nguyên nhân của nó. Nhóm sáu Tỳ-kheo sanh trong dòng quý tộc, vịn rồng, dựa phượng, tuy thích xuất gia nhưng chưa dứt trừ tâm tánh của người quyền quý, thường làm việc sai trái nên giới này phát sanh. Một người đắc đạo, hai người sanh thiên, hai người làm rồng, một người đọa địa ngục vô gián. Ỷ vào sự quý phái, không biết kềm chế nên tự đánh mất sự thân thích ấy. Giả sử họ là con nhà trung lưu, gặp Phật xuất gia thì tuy không thể ngồi một lần là thành đạo, nhưng chắc không đến nỗi bị khốn khổ như vậy.

Khi Phật chưa chế giới, con người vi phạm những việc ô uế rất nhiều. Sau khi đã chế giới thì tình hình thay đổi tốt đẹp hơn. Việc trì luật của người Thiên Trúc không hoàn toàn thông suốt. Chỉ có người nào nắm đủ mười hai pháp và định lực kiên cường thì mới được khai thị và trao truyền cho. Khi trao truyền, người ấy được dặn đi dặn lại rằng: “Thầy phải thực hành, không được chỉ biết suông”. Lời ấy hết sức thiết thật.

Từ nay về sau, nước Tần có bộ luật này rồi, xin những người cùng chí hướng với tôi cẩn thận trong việc trao truyền. Xin chớ truyền cho những người chưa đủ năm hạ và chẳng trì luật.

Quyển 1

Có ba loại giới là:

– Giới Vô thượng giới.

– Giới Vô thượng ý.

– Giới Vô thượng trí.

Thế nào là giới Vô thượng giới? – Ở đây Tỳ-kheo trì giới dùng giới giải thoát để tự trang sức, tu tập thuần thục, lo sợ với cả những việc nhỏ, tương ưng với giới ở trong giới. Ðó là giới Vô thượng giới.

Thế nào là giới Vô thượng ý? – Ở đây Tỳ-kheo trừ bỏ dâm dục, đạt đến bốn thiền, chánh định tư duy. Ðó là giới Vô thượng ý.

Thế nào là giới Vô thượng trí? – Ở đây Tỳ-kheo biết đây là khổ đế, biết đây là nguyên nhân của khổ, biết đây là nơi chấm dứt khổ, biết đây là con đường chấm dứt khổ. Ðó là giới Vô thượng trí.

Do ba loại giới này mà có bậc Thuận chơn và hằng sa chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đã xuất hiện. Ðó là kho tàng, vật báu, sự bí yếu của Phật để giáo huấn ba thừa: Thanh văn, Duyên giác và Chánh đẳng giác.

Phật Thế Tôn ở tại vườn Thạch Ðài, cạnh sông Di Hầu, thuộc thành Bỉ-thế-la (Tần dịch Quảng Bác). Cách thành Bỉ-thế-la không xa có dòng họ Ca-lan-đà-kiềm-ba sanh sống. Gia đình này có người con tên Tu-đạt-đa. Gia đình ấy giàu có vô hạn, ruộng vườn rất nhiều, nhà cửa rộng rãi, voi, ngựa, lạc đà, tiền, thóc lúa, châu báu, vàng bạc, trân châu, lưu ly, ngọc báu, hổ phách, mã não, xa cừ, san hô… nhiều vô số.

Tu-đạt-đa xả bỏ gia đình giàu có ấy, đến gặp Như Lai nghe pháp, đạt được niềm an lạc và tin tưởng. Nhờ lòng tin và sự an lạc này, vị ấy đạt được chánh định, liền cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo. Vị ấy cùng vô số Tỳ-kheo đến vườn Trúc, thuộc thành Câu-tát-la để kiết hạ.

Bấy giờ, gặp lúc đói kém, thóc lúa đắt đỏ, cây lúa bị sương và mưa đá làm chết gần hết. Số ít còn sống sót lại bị sâu ăn hết. Vì thế khất thực rất khó được.

Lúc ấy, Tu-đạt-đa, con của Ca-lan-đà suy nghĩ: “Nay gặp lúc đói kém, thóc lúa đắt đỏ, cây lúa bị mưa đá làm chết gần hết. Số ít còn sống sót lại bị sâu ăn. Vì thế khất thực khó được”. Suy nghĩ xong, Tu-đạt-đa bảo với các Tỳ-kheo rằng:

– Các vị hãy nghe đây! Tôi có một gia đình thân quen ở nước Bỉ-thế-la, giàu có vô hạn; tiền của, ruộng vườn rất nhiều; châu báu và các đồ đạc khác rất sung túc. Chúng ta hãy cùng nhau đến đó để độ cho người thân làm phước, mà các Tỳ-kheo cũng được yên ổn. Ðã đúng thời, chúng ta nên đến nước Bỉ-thế-la. Khi đã đến nước ấy, các Tỳ-kheo sẽ được cúng dường đồ ăn uống, thuốc men và y áo.

Lúc ấy, Tu-đạt-đa – con của Ca-lan-đà – kiết hạ an cư ở Câu-tát-la. Sau ba tháng kiết hạ an cư, các vị ấy may vá y phục. Vào ngày y phục đã được chuẩn bị xong, Tu-đạt-đa liền đắp y, mang bát, dẫn đại chúng đi dần đến Bỉ-thế-la và dừng chân ở vườn Thạch-đài, cạnh sông Di Hầu, thuộc nước Bỉ-thế-la để tìm thức ăn và chia thức ăn cho các Tỳ-kheo.

Khi đến giờ, Tu-đạt-đa – con của Ca-lan-đà – đắp y mang bát đến nhà người thân ở nước Bỉ-thế-la khất thực. Sau khi khất thực xong, vị ấy vội vàng ra đi.

Lúc ấy, nàng hầu của gia đình Ca-lan-đà trông thấy Tu-đạt-đa, con của Ca-lan-đà, đi vào nhà người thân và vội vàng trở ra, liền đến gặp mẹ của Ca-lan-đà, quỳ xuống thưa rằng:

– Hồi nãy quý tử Tu-đạt-đa, con của Ca-lan-đà, đi vào nhà người thân và vội vàng trở ra, không biết vị ấy có bệnh tật hay buồn rầu gì không. Hay là không thích phạm hạnh và đã phạm giới, muốn bỏ đạo hoàn tục?

Nghe xong, mẹ Tu-đạt-đa rất vui mừng, không thể kềm chế được, liền đến chỗ Tu-đạt-đa, bảo với Tu-đạt-đa rằng:

– Thân thể ông có được khỏe không? Có ý tưởng gì khác không? Có ý phạm phạm-hạnh không? Có ý muốn phạm giới, bỏ đạo hoàn tục không? Nếu có tâm ấy thì hãy mau trở về. Này Tu-đạt-đa! Hãy xả giới hoàn tục, mặc sức bố thí và tạo các công đức. Vì sao vậy? – Ở trong chúng của Phật thì giữ gìn giới luật rất khó, học đạo cũng rất khó.

Nghe vậy, Tu-đạt-đa liền bảo với mẹ rằng:

– Tôi không có tật bệnh, cũng không có ý tưởng gì khác, không có phạm phạm-hạnh, ý không muốn phạm giới, bỏ đạo hoàn tục.

Người mẹ lại nói:

– Tu-đạt-đa! Ông nên biết rằng: vợ của ông trước đây xinh đẹp không ai sánh bằng. Nếu không muốn bỏ đạo hoàn tục thì hãy để lại hạt giống để kế tục, làm phát triển dòng tộc của ta. Một mai nếu không có người kế tục thì tiền của, châu báu sẽ bị vua Câu-tát-la đoạt hết.

Tu-đạt-đa đáp:

– Nếu để tôi tiếp tục tu đạo thì tôi có thể làm việc ấy.

Lúc ấy, mẹ Tu-đạt-đa bảo với vợ Tu-đạt-đa rằng:

– Sau nguyệt kỳ ba ngày, hãy mặc y phục khi mới cưới, trang điểm cho đẹp rồi đến báo ta.

Theo lời bà ấy bảo, sau nguyệt kỳ ba ngày, vợ Tu-đạt-đa mặc y phục mà trước đây chồng mình thích, đến chỗ mẹ của Tu-đạt-đa và thưa rằng:

– Nay chính là ngày thứ ba sau nguyệt kỳ.

Sau đó, mẹ Tu-đạt-đa dẫn người vợ ấy đến chỗ Tu-đạt-đa bảo với Tu-đạt-đa rằng:

– Nên biết người vợ này xinh đẹp không ai sánh bằng. Hãy để lại hạt giống nối dõi, đừng để dòng họ ta bị tuyệt tự, tiền của châu báu bị vua Câu-tát-la đoạt hết.

Nói xong, bà ta để người vợ ở lại và lập tức tránh đi.

Lúc ấy, Tu-đạt-đa dẫn người vợ đến chỗ kín và làm việc bất tịnh. Trong chốc lát mà họ làm đến ba lần.

Lúc đó, Ðế Thích giáng thần vào thai ấy. Sau tám chín tháng, vợ Tu-đạt-đa sanh con trai, mặt mày xinh đẹp không ai sánh bằng. Vì trước đây đã nói là để kế tục dòng giống nên người mẹ liền đặt tên cậu ấy là Tục-chủng (kế tục dòng giống)

Sau khi làm việc xấu xa ấy, Tu-đạt-đa xấu hổ và rất nhục nhã đối với người khác. Lúc ấy, Tu-đạt-đa cùng các Tỳ-kheo đồng học kiết hạ an cư xong, mọi người đến thăm hỏi nhau:

– Tâm ý thầy có ổn định không? Sức khỏe có dồi dào không? Trong khi an cư, đồ cúng dường có đầy đủ không? Có phải đi khất thực không? Có bệnh tật và có ý tưởng gì khác không?

Tu-đạt-đa đáp:

– Các thầy nên biêt, tâm ý tôi vẫn ổn định. Trong khi kiết hạ vẫn được no đủ. Cũng không phải ra ngoài khất thực. Không có bệnh tật nhưng lại có ý tưởng khác.

Các Tỳ-kheo đáp:

– Nếu thầy có tâm ổn định an lạc, trong khi kiết hạ hoàn toàn no đủ, lại không có bệnh tật thì vì sao lại có ý tưởng khác?

Tu-đạt-đa liền đem việc mình đã vi phạm trước đây kể hết cho các Tỳ-kheo. Lập tức, các Tỳ-kheo hết sức quở trách Tu-đạt-đa:

– Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói sự xấu xa của dâm dục, của việc hướng về dâm dục, niệm dâm dục, ý dâm dục mạnh mẽ. Thế Tôn đã nói về sự xấu xa của dâm dục, của việc hướng về dâm dục, niệm dâm dục, ý dâm mạnh mẽ.

Sau khi liên tục quở trách, các Tỳ-kheo liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía, đem việc đã vi phạm bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật biết nhưng vẫn hỏi Tu-đạt-đa:

– Có thật ông đã phạm việc ấy không?

Ðáp:

– Thật sự con có phạm, thưa Thế Tôn.

Thế Tôn nói:

– Ta đã dùng vô số phương tiện nói với người ngu về sự xấu xa của dâm dục, của việc hướng về dâm dục, niệm dâm dục, ý dâm mạnh mẽ. Sự xấu xa của dâm dục là như vậy.

Phật dùng nhiều phương tiện kiết giới cho Sa-môn. Ngài quán thấy mười đức của Tỳ-kheo khi họ giữ giới. Mười đức ấy là gì?

1- Giữ gìn, nuôi dưỡng đạo đức và giúp đại chúng hành đạo.

2- Làm cho người chưa tin giới phát sanh lòng tin.

3- Thường làm cho người biết thẹn, thức tỉnh về lỗi lầm của mình.

4- Làm cho người mắc tà kiến đi vào đường chánh.

5- Làm cho người đã chơn chánh càng chơn chánh hơn.

6- Hiện đời học đạo, diệt hết phiền não và làm cho tương lai không còn kiết sử.

7- Phiền não ở tương lai bị diệt trừ, không còn phát sanh.

8- Tích tụ các hạnh lành.

9- Không đánh mất phạm hạnh.

10- Làm cho phạm hạnh tồn tại lâu dài.

Sa-môn đều phải biết điều ấy.

Nhân sự việc ấy, Thế Tôn liền tập hợp chúng Tăng, kiết giới này:

– Tỳ-kheo nào phạm giới, không xả giới, giới sút kém, không tự hối cải, làm việc bất tịnh, phạm pháp dâm dục thì Tỳ-kheo ấy phạm Ba-la-di bồ-đề-a-tát-bà-tứ.

Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc.

Lúc ấy có Tỳ-kheo khác kiết hạ an cư trong một khu vườn cách thành Câu-tát-la không xa. Gần khu vườn ấy có một con vượn cái sinh sống. Con vượn cái thường đến chỗ thầy Tỳ-kheo, thầy Tỳ-kheo thường cho con vượn ấy ăn. Vì thế, con vượn không sợ Tỳ-kheo ấy và cùng nhau làm hạnh bất tịnh.

Trong đại chúng Tỳ-kheo có người đồng học với Tỳ-kheo ấy, cũng kiết hạ an cư ở nước Câu-tát-la. Sau khi đã mãn hạ, vào ngày y phục đã được may vá hoàn tất, họ đắp y, mang bát đến chỗ Tỳ-kheo nọ, bảo với Tỳ-kheo ấy rằng:

– Từ ngày nhập hạ đến giờ, thầy có bệnh hoạn gì không? Có đi ra ngoài khất thực không? Có ý tưởng gì khác không?

Tỳ-kheo ấy đáp:

– Thưa các vị, trong khi nhập hạ tôi không bị bệnh hoạn, cũng không có loạn tưởng.

Lúc ấy, con vượn từ bên ngoài đi vào, đến thẳng chỗ Tỳ-kheo ấy ngồi ở phía trước, ngó chăm chú Tỳ-kheo nọ. Thấy Tỳ-kheo ấy quay mặt đi, nó lại ngó các Tỳ-kheo khác rồi quay lại ngó Tỳ-kheo ấy, rồi đưa lưng hướng về Tỳ-kheo đó. Tỳ-kheo ấy xấu hổ với các Tỳ-kheo nên không theo con vượn, cũng không liếc nhìn nó.

Thấy Tỳ-kheo ấy không nhìn mình, con vượn phát sanh ý ác, quay mình nắm kéo, cào cấu làm đầu mặt thầy Tỳ-kheo bị thương rồi bỏ đi.

Các Tỳ-kheo lớn tuổi bảo Tỳ-kheo ấy rằng:

– Lúc nãy con vượn đến đây, trước tiên đưa mắt nhìn thầy, rồi quay lại nhìn chúng tôi, rồi lập tức quay lưng về phía thầy. Thấy thầy không nói, không nhìn nó liền nổi giận níu kéo, cào cấu làm đầu mặt thầy bị thương rồi bỏ đi. Như thế là thế nào?

Các Tỳ-kheo gạn hỏi Tỳ-kheo ấy nhiều lần. Bị các Tỳ-kheo gạn hỏi mãi, Tỳ-kheo ấy liền tự thú. Các Tỳ-kheo nói:

– Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói về sự xấu xa của dâm dục, của sự hướng về dâm dục, niệm dâm, sự thiêu đốt của dâm, sự dơ bẩn của dâm, vì sao thầy không chịu quán sát sự dâm dục này, lại đi làm việc ác đó?

Sau nhiều lần quở trách Tỳ-kheo ấy, các Tỳ-kheo liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía, bạch với Phật tất cả những việc mà họ vừa thấy, nghe.

Nghe xong, Phật bảo Tỳ-kheo ấy:

– Có thật vậy không?

Tỳ-kheo ấy xấu hổ, mặt mày thất sắc như dính bụi đất, quỳ gối phải sát đất, sửa y, bày vai phải, chấp tay bạch Thế Tôn:

– Ðúng vậy, thưa Thế Tôn!

Thế Tôn bảo Tỳ-kheo ấy:

– Ta há đã không dùng nhiều phương tiện nói cho người ngu biết sự xấu xa của dâm dục, của sự hướng dâm, niệm dâm, sự thiêu đốt của dâm. Ta đã nói tất cả lỗi lầm của dâm dục.

Sau khi dùng vô số phương tiện nói về dâm dục, nhân việc ấy, Phật tập hợp chúng Tăng, quán sát mười đức phát sanh khi Tỳ-kheo giữ giới hạnh, cho đến phạm hạnh tồn tại lâu dài. Kế đó, Phật kiết giới cho các Tỳ-kheo:

– Tỳ-kheo nào phạm giới, tâm dâm dục phát sanh, không xả giới, giới sút kém, không tự sám hối mà làm hạnh bất tịnh, cho đến cùng loài súc sanh thì bị vất bỏ, không còn ở trong hàng ngũ Tỳ-kheo.

Thế nào là giới? – Hai trăm năm mươi giới mà Tỳ-kheo phải giữ và giới Vô thượng giới gọi là giới trong giới.

Thế nào là không xả giới?

– Không xả giới là xả giới khi ngu si, loạn ý, khổ não.

– Hướng về người câm điếc xả giới, là không xả giới.

– Xả giới với người không cùng ngôn ngữ là không xả giới.

– Nếu xả giới một mình cũng không thành xả giới.

– Ðối trước tháp Phật, tháp Sa-môn xả giới, cũng không thành xả giới.

Nếu lìa bỏ, không y chỉ Phật, Hòa thượng, bạn của Hòa thượng, A-xà-lê, bạn A-xà-lê và nói với các Tỳ-kheo rằng: “Tôi không sống ở trong Phật pháp, tôi đã từ bỏ không hành đạo nữa”. Các Tỳ-kheo hỏi: “Thầy không hành đạo nữa sao?”. Tỳ-kheo ấy nói: “Không hành đạo nữa”. Thì đó là xả giới.

Hành dâm ba chỗ của người nữ thì bị vứt bỏ. Ba chỗ ấy là:

– Tiếp xúc với đường sanh sản và sự vứt bỏ thứ nhất.

– Tiếp xúc đường đại tiện là sự vứt bỏ thứ hai.

– Tiếp xúc miệng là sự vứt bỏ thứ ba.

Tiếp xúc người nam ở hai chỗ cũng bị vứt bỏ. Ðó là: Tiếp xúc hậu môn và miệng.

Tiếp xúc kẻ bất thành nam ở hai chỗ thì bị vứt bỏ.

Tiếp xúc với kẻ nhị hình vừa có nam căn vừa có nữ căn ở ba chỗ thì bị vứt bỏ, như xúc chạm với người nữ.

Tiếp xúc với súc sanh cái ở hai chỗ thì bị vứt bỏ.

Tiếp xúc với súc sanh đực ở một chỗ thì bị vứt bỏ.

Tiếp xúc với súc sanh chưa rõ đực cái cũng vậy.

Tiếp xúc với súc sanh có hai căn thì có hai chỗ, thì bị vứt bỏ.

Tiếp xúc với gà, chim ở một chỗ thì bị vứt bỏ.

Tiếp xúc với phi nhơn nữ ở ba chỗ thì cũng giống như tiếp xúc với người nữ.

Ðó là tội Ba-la-di làm hạnh bất tịnh.

Lúc ấy, Phật cùng đại chúng đệ tử gồm một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo trụ tại núi Thứu, ở La-duyệt-kỳ.

Khi ấy các Tỳ-kheo gom góp cây và cỏ để làm tịnh thất. Khi các Tỳ-kheo vào thành La-duyệt-kỳ khất thực thì các nam nữ lớn nhỏ ở thành La-duyệt-kỳ đi ra khỏi thành, phá hoại các tịnh thất đem cây về dùng.

Sau khi khất thực xong, các Tỳ-kheo trở về thấy các tịnh thất của mình đã bị phá hoại. Các Tỳ-kheo lại thu lượm cây và cỏ làm tịnh thất mới để ở. Khi họ vào thành La-duyệt-kỳ khất thực, các nam nữ lớn nhỏ trong thành La-duyệt-kỳ lại phá các tịnh thất và mang đi.

Ba lần như vậy, các Tỳ-kheo thấy vậy liền suy nghĩ: “Các nam nữ lớn nhỏ trong thành La-duyệt-kỳ thường đi ra phá tịnh thất”.

Trong chúng ấy có một Tỳ-kheo tên Ðàn-nị-ca – con của người thợ gốm – suy nghĩ như vầy: “Chúng ta lấy cây và cỏ làm tịnh thất. Khi chúng ta đi vào thành khất thực thì các nam nữ trong thành đi ra phá hoại tịnh thất của chúng ta. Ở trong thành này có người thợ xẻ cây gỗ là bà con của ta. Ta phải đến đó xin gỗ ván để làm tịnh thất”.

Khi đã đến giờ thích hợp, Ðàn-nị-ca đắp y, mang bát vào thành La-duyệt-kỳ, đến nhà người thợ xẻ gỗ, bảo với ông ta rằng:

– Anh nên biết, vua A-xà-thế đã ban tặng gỗ cho tôi, anh hãy giao cho tôi.

Thợ xẻ gỗ đáp:

– Nếu vua đã cho thì thầy hãy lấy tùy ý.

Tỳ-kheo Ðàn-nị-ca tự ý lấy hết gỗ tốt – loại tài sản quan trọng của nhà nước – cưa xẻ và chất ở một nơi để giữ.

Lúc ấy, quan giữ thành La-duyệt-kỳ đi tuần trong thành La-duyệt-kỳ, đến chỗ cất chứa gỗ, thấy loại gố cấm của nhà nước bị cưa thành từng đoạn và chất ở một chỗ, liền đến chỗ người thợ xẻ gỗ hỏi rằng:

– Này anh thợ xẻ gỗ! Ai đã cắt gỗ của vua thành nhiều khúc chất ở một chỗ?

Người thợ xẻ gỗ đáp:

– Tỳ-kheo Ðàn-nị-ca đến bảo tôi rằng: “Vua cho tôi gỗ ván, anh hãy giao cho tôi”. Tỳ-kheo ấy lấy gỗ ván cắt thành nhiều khúc rồi chất ở một chỗ.

Lúc ấy người giữ thành giận vua A-xà-thế, liền đến chỗ vua A-xà-thế tâu rằng:

– Loại gỗ xấu không cần dùng rất nhiều, sao không đem cho, lại lấy loại gỗ tốt cho Tỳ-kheo?

Vua nói:

– Ta đâu có cho!

Lúc ấy, vua A-xà-thế bảo sứ giả mời người thợ xẻ gỗ đến. Vâng lệnh, vua, sứ giả liền đến nói với người thợ xẻ gỗ:

– Vua A-xà-thế bảo mời anh.

Người thợ xẻ gỗ liền đến chỗ vua. Trên đường đi, gặp Tỳ-kheo Ðàn-nị-ca, thợ xẻ gỗ liền làm lễ và nói:

– Xin tôn giả hãy cùng tôi đến gặp vua.

Tỳ-kheo đáp:

– Anh hãy đi trước, tôi sẽ đến sau.

Lúc ấy, người thợ xẻ gỗ liền đến chỗ vua. Thấy anh ta, vua liền hỏi:

– Ngươi chẳng phải là người. Vì sao ngươi tự tiện lấy gỗ tốt của vua đem cho Tỳ-kheo?

Người thợ xẻ gỗ đáp:

– Ðại vương nên biết, Tỳ-kheo Ðàn-nị-ca đến chỗ chứa gỗ nói rằng: “Vua đã cho tôi gỗ, anh hãy giao cho tôi”. Tôi liền nói với Tỳ-kheo rằng: “Nếu thật là vua cho thì thầy cứ tùy ý lấy”.

Vua chưa hỏi thợ xẻ gỗ xong thì Tỳ-kheo Ðàn-nị-ca đến chỗ vua. Trông thấy Tỳ-kheo đến, vua bảo bề tôi dẫn thợ xẻ gỗ tạm lánh qua phòng sau và đưa Tỳ-kheo đến gặp vua. Nghe lệnh vua, bề tôi liền đưa thợ xẻ gỗ đi và dẫn Tỳ-kheo đến. Vua hỏi Tỳ-kheo:

– Vì sao ngài tự ý lấy gỗ tốt của vua cắt thành nhiều khúc rồi chất ở một chỗ?

Tỳ-kheo đáp:

– Vua đã cho tôi gỗ.

Vua nói:

– Ta nhớ ta không hề cho.

Tỳ-kheo đáp:

– Vua không nhớù khi mới lên ngôi, vua đã đem ba thứ là: cây, cỏ, nước cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn hay sao?

Nghe Tỳ-kheo nói lời ngụy biện này, vua đáp:

– Này Tỳ-kheo! Những vật mà ta ban cho là vật không có chủ, không phải là vật có chủ. Tỳ-kheo hãy đến nhận pháp vua.

Lúc ấy, vua A-xà-thế bừng bừng nổi giận, nhớ đến công đức của Thế Tôn, im lặng không nói trong giấy lát rồi bảo Tỳ-kheo hãy về đi và đừng tái phạm việc ấy nữa.

Lúc ấy, bá quan cận thận của vua A-xà-thế đều lớn tiếng nói:

– Lạ quá! Tỳ-kheo này vừa được thoát chết!

Tỳ-kheo Ðàn-nị-ca trở về chỗ đại chúng, nói với đại chúng rằng:

– Các thầy nên biết, vừa rồi nhà vua muốn bắt tôi định giết, rồi lại thả.

Các Tỳ-kheo hỏi:

– Có việc gì vậy?

Tỳ-kheo Ðàn-nị-ca nói với đại chúng toàn bộ sự việc trên.

Trong chúng có các Tỳ-kheo hành đầu-đà, nghe việc ấy liền hổ thẹn, đến chỗ Thế Tôn bạch lại việc Tỳ-kheo ấy đã nói.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-Nan:

– Này A-Nan! Hãy mau đi vào thành La-duyệt, đứng ở ngã tư đường hỏi mọi người rằng: “Nếu Tỳ-kheo ăn trộm năm tiền trở lên, hoặc tấm vải trị giá năm tiền thì vua A-xà-thế dùng hình phạt gì đối với Tỳ-kheo ăn trộm ấy?”.

Vâng lệnh Thế Tôn, A-Nan đảnh lễ Ngài sát đất, nhiễu ba vòng rồi cùng hai Tỳ-kheo vào thành La-duyệt-kỳ, đứng ở ngã tư đường, hỏi người đi đường rằng:

– Nếu Tỳ-kheo ăn trộm năm tiền, hoặc tấm vải trị giá năm tiền thì vua A-xà-thế dùng hình phạt gì?

Lúc ấy, những người đi đường nói rằng:

– Tỳ-kheo nào ăn trộm năm tiền, hoặc tấm vải trị giá năm tiền thì vua A-xà-thế nói rằng đó chẳng phải là Sa-môn.

A-Nan liền ra khỏi thành La-duyệt-kỳ, trở về chỗ Thế Tôn bạch rằng:

– Chúng con vào thành La-duyệt-kỳ, hỏi những người đi đường và họ trả lời là: Nếu Tỳ-kheo trộm năm tiền hoặc tấm vải trị giá năm tiền thì vua A-xà-thế bảo rằng đó chẳng phải là Sa-môn.

Lúc ấy, nhân việc này, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng quan sát mười đức nên Ngài đã kiết giới cho Sa-môn để phạm hạnh được tồn tại lâu dài. Sa-môn phải biết việc này:

– Tỳ-kheo nào ở trong xóm làng, thành quách lấy vật không cho với tâm trộm cắp; do việc lấy vật không cho này, Tỳ-kheo ấy bị vua hoặc đại thần bắt, hoặc đánh, hoặc trói, hoặc đuổi khỏi nước, hoặc nói rằng: “Này Tỳ-kheo! Ông chẳng phải là giặc, chẳng phải là trẻ con, chẳng phải mất trí, mà sao lại lấy vật không cho như thế?” thì mắc tội Ba-la-di.

Tỳ-kheo Ða-xá cư trú ở Câu-tát-la. Nơi ấy gần cửa ải, có lái buôn đến bảo với Tỳ-kheo ấy:

– Tôi gởi ngài ít vật. Hãy giúp tôi đem qua cửa ải, tôi sẽ chia cho ngài một nửa.

Sau khi nhận vật ấy, Tỳ-kheo hối hận, suy nghĩ: “Không biết mình có phạm tội Ba-la-di không?”, liền đem việc ấy bạch với Thế Tôn. Thế Tôn bảo Tỳ-kheo ấy:

– Tỳ-kheo nào mang đồ vật qua ải giúp lái buôn rồi nhận của lái buôn năm tiền, hoặc vật trị giá năm tiền thì mắc tội Ba-la-di. Trừ ở nơi có giặc cướp, nơi đói khát và đường hiểm.

Lúc ấy, trong làng làm hàng rào, đào hào và xây tường vách để nuôi voi, ngựa, lạc đà, bò, lừa,… dùng dây buộc chúng với nhau. Tỳ-kheo nào lẻn vào giữa đàn gia súc lén tháo dây dẫn chúng ra khỏi rào dậu thì phạm Ba-la-di, dẫn chúng qua hào thì phạm khí tổn, dẫn chúng qua đường hoặc ra bên ngoài thì thành tội Ba-la-di.

Nếu gia súc ở ngoài đất trống mà lùa nó vào trong tường, hoặc vào hào, hoặc vào hàng rào thì cũng phạm Ba-la-di.

Nước của riêng từng nhà, nếu Tỳ-kheo tháo nước với tâm trộm cướp và làm chảy đi một lượng nước đáng giá năm tiền thì mắc tội Ba-la-di. Nếu dùng tay, hoặc dùng chân, hoặc dùng gậy, hoặc dùng mai tháo trộm nước thì mắc tội Ba-la-di.

Tỳ-kheo tắm trong nước, chưa tắm xong thì tháo cho nước chảy, cư sĩ nổi giận nói: “Tỳ-kheo này giả tắm để tháo cho nước chảy”.

Các Tỳ-kheo phân vân không biết mình có mắc tội Ba-la-di không, liền đem việc ấy bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Nếu đem tâm trộm mà tháo nước, khi nước chảy một lượng trị giá năm tiền thì phạm tội Ba-la-di.

Ao có chủ, hoặc không chủ, trong ao có chim, người ta giăng lưới để bắt chim. Tỳ-kheo nào bắt trộm chim ở trong hoặc ngoài lưới trị giá năm tiền với tâm trộm cướp thì phạm Ba-la-di. (Bên trong lưới có chủ, bên ngoài lưới nằm trong ao có chủ. Cả hai trường hợp đều có chủ).

Chim hoặc có chủ, hoặc không chủ, nếu Tỳ-kheo đem tâm trộm bắt chim thì phạm tội Ba-la-di.

Cư sĩ đem chuỗi anh lạc phơi nắng trên mái nhà. Có các con chim có chủ hoặc không chủ tha các chuỗi anh lạc đó mang đi và Tỳ-kheo đoạt lấy chuỗi ngọc đó. Nếu Tỳ-kheo đoạt lấy chuỗi ngọc trị giá năm tiền từ chim có chủ với tâm trộm cướp thì phạm Ba-la-di.

Có Tỳ-kheo đem y mới nhuộm phơi trên nóc nhà và y bị gió cuốn rơi xuống đất. Tỳ-kheo ấy lượm đem vào phòng rồi hối hận nghĩ rằng: “Không biết mình có mắc tội Ba-la-di vì trộm cướp không?”. Tỳ-kheo ấy liền bạch với Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

– Nếu lấy với tâm trộm thì phạm Ba-la-di. Nếu không có tâm trộm thì không phạm.

Nếu y từ tầng giữa rơi xuống đất, hoặc từ dưới đất bay lên tầng giữa, hoặc từ tầng giữa bay lên tầng trên. Nếu Tỳ-kheo lấy y với tâm trộm thì mắc tội Ba-la-di.

Các loại vật khác như hạt mè, gạo, đậu, tiền, đại mạch, tiểu mạch, đậu đen, hạt cải, nếu lấy một số lượng trị giá năm tiền với tâm trộm thì phạm Ba-la-di.

Trong vườn cây ăn quả, có các loại quả như: hồ-đào, nại tử, bì đào, lê,… Có Tỳ-kheo hái ăn rồi sanh phân vân không biết mình có xâm phạm của chúng Tăng không? Có lấy của không cho và mắc tội Ba-la-di không? Vị ấy liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Không phạm Ba-la-di. Nếu chẳng phải đất đã được Tăng kiết giới và có Sa-di hái quả thì không phạm.

Sư tử giết nai ở bên ngoài vườn Trúc, ăn thịt uống máu rồi ngủ, để thừa thức ăn. Có Tỳ-kheo đến lấy thức ăn thừa đó. Sư tử tỉnh dậy, tìm không thấy, liền gầm rống. Phật biết được liền hỏi A-Nan:

– Vì sao sư tử đi quanh khu vườn mà gầm rống?

A-Nan đem việc ấy bạch đầy đủ với Phật. Phật nói:

– Tỳ-kheo nào lấy thức ăn thừa của sư tử có giá trị năm tiền để ăn thì phạm Ba-la-di. Thức ăn dư của hổ, gấu, đười ươi, báo, súc sanh các loài hai chân như chim cắt, diều hâu, ngỗng trời, chim ưng, chim điêu mà Tỳ-kheo lấy thì cũng như vậy.

Thế Tôn bảo:

– Nếu đoạt lấy thức ăn mà chim đang chiếm giữ thì mắc Ba-la-di. Nếu chim kinh sợ bỏ chạy thoát thân, không giữ nữa thì không phạm Ba-la-di.

Có Tỳ-kheo đến nhà người thợ mổ bà con, tự động lấy thịt không được cho, rồi sanh phân vân không biết mình có phạm Ba-la-di hay không, liền bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Nếu lấy với ý trộm cắp thì phạm Ba-la-di. Nếu do chỗ thân quen mà lấy thì không phạm Ba-la-di.

Phật ở tại nước Xá-Vệ cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Khi các Tỳ-kheo đi từ Câu-tát-la đến vườn Tát-la-bàn ở nước Xá-Vệ thì bị ăn cướp chặn lấy hết y bát. Vua hoặc xóm làng hay tin liền đuổi bắt bọn cướp lấy y bát trả lại cho Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo phân vân không biết có phạm Ba-la-di không, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nào dùng sức đoạt lại y của giặc cướp thì phạm Ba-la-di. Nếu vua hoặc thôn xóm đoạt cho thì không phạm Ba-la-di.

Có một Tỳ-kheo trên đường đi đến Câu-tát-la bị giặc cướp y bát. Tỳ-kheo ấy nhờ bà con đoạt lại y bát của bọn cướp. Ðoạt xong, Tỳ-kheo ấy phân vân không biết mình có phạm Ba-la-di không, liền đến bạch Phật, Phật bảo:

– Ăn cướp đã lấy, không được dùng sức đoạt lại. Nếu dùng sức hoặc bảo người khác đoạt lại thì phạm Ba-la-di. Nếu Tỳ-kheo đem tiền chuộc lại thì được lấy.

Lúc ấy, tôn giả Ưu-ba-ly bạch Thế Tôn:

– Tỳ-kheo lấy tài sản gì của chúng Tăng thì gọi là lấy vật không cho?

Thế Tôn bảo:

– Tài sản đã được đem tới cửa chùa mà Tỳ-kheo lấy trộm mang đi thì phạm Ba-la-di. Tỳ-kheo nào lấy của cải đang được phân chia cũng phạm Ba-la-di.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi:

– Nếu Tỳ-kheo tự ý lấy đồ vật và những thứ chúng Tăng dùng hàng ngày thì có phạm Ba-la-di không?

Thế Tôn đáp:

– Ðồ vật của chúng Tăng khó có thể lường được. Nếu bị lấy trộm thì công đức của người cúng dường của cải ấy sẽ sút giảm. Vì vậy Tỳ-kheo nào lấy thì phạm Ba-la-di.

Ưu-ba-ly bạch Thế Tôn:

– Tỳ-kheo nào lấy trộm cờ, lọng trên chùa và tháp Phật có phạm Ba-la-di không?

Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo nào lấy đồ vật ở chùa tháp Phật thì phạm Ba-la-di. Tháp Thanh văn cũng vậy. Nếu lấy các vật trong chùa tháp thì làm mất phước của thí chủ đã cúng các vật ấy nên phạm Ba-la-di. Ai lấy trộm các vật ở chùa tháp sẽ đọa địa ngục.

Phật Thế Tôn ở nước Na-kiệt, tại vườn Kiền-để-việt. Có Ưu-bà-tắc tin tưởng thương mến, tự ý cất một giảng đường cúng dường cho tôn giả La-Vân.

Sau khi nhận giảng đường ấy, tôn giả La-Vân ra đi hai tháng. Nghe tin tôn giả La-Vân nhận giảng đường xong đã ra đi đến hai tháng, Ưu-bà-tắc ấy liền đem giảng đường đó cúng cho Tăng bốn phương.

Sau đó hai tháng, tôn giả La-Vân trở về Na-kiệt và nghe tin đàn-việt đã đem giảng đường ấy cúng cho chúng Tăng bốn phương. Tôn giả La-Vân liền đến chỗ Phật, lễ Phật sát đất, ngồi lui qua một phía rồi bạch với Phật về việc đó. Phật bảo:

– Này La-Vân! Ông hãy đến chỗ Ưu-bà-tắc ấy nói với ông ta rằng: “Ðối với ông, tôi có làm việc gì không đúng, xấu xa, sai trái, bất tịnh, trái với việc của Sa-môn và không thể tùy thuận hay không?”.

Nghe Thế Tôn dạy, tôn giả La-Vân ghi nhớ kỹ, rời khỏi chỗ ngồi, nhiễu Phật rồi đi.

Trời vừa sáng, tôn giả La-Vân đã đắp y mang bát vào thành Na-kiệt khất thực. Sau khi đã khất thực xong, La-vân đến nhà Ưu-bà-tắc ấy. Trông thấy La-Vân đến, ông ta liền đứng dậy, sửa y phục, chấp tay, đến chỗ La-Vân bạch rằng:

– Lành thay, thưa thầy La-Vân! Lâu quá thầy mới đến. Xin mời thầy ngồi.

La-Vân ngồi lên chỗ mà ông ấy mời, rồi bảo với ông ta rằng:

– Này Ưu-bà-tắc! Ðối với ông, tôi có làm việc gì không đúng, xấu xa, sai trái, bất tịnh, trái với việc của Sa-môn và không thể tùy thuận hay không?

Ưu-bà-tắc nói:

– Ðối với tôi, ngài chẳng có làm việc gì sai trái, cho đến không thể tùy thuận.

Nghe xong La-Vân đứng dậy, trở về chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một phía, đem việc ấy bạch Phật. Do việc ấy, Thế Tôn cho tập hợp chúng Tăng và dạy họ rằng:

– Có mười sự cúng dường phi pháp, thọ nhận phi pháp và dùng phi pháp:

Cúng dường cho một Tỳ-kheo rồi đoạt lại đem cúng cho hai Tỳ-kheo. Ðó là cúng phi pháp, nhận phi pháp và dùng phi pháp.

Cúng dường cho hai Tỳ-kheo rồi lấy lại đem cúng cho ba Tỳ-kheo, là cúng phi pháp, nhận phi pháp và dùng phi pháp.

Cúng dường cho ba Tỳ-kheo rồi lấy lại đem cúng cho nhiều Tỳ-kheo, là cúng phi pháp, nhận phi pháp và dùng phi pháp.

Cúng cho nhiều người rồi lấy lại đem cúng cho một người, là cúng phi pháp, nhận phi pháp và dùng phi pháp.

Cúng cho một người rồi lấy lại đem cho hai người. Lấy của nhiều người đem cúng cho chúng Tăng. Cúng cho Tăng rồi lấy lại đem cúng chúng Tăng khác. Cúng cho hai nhóm Tăng rồi lấy lại đem cúng cho Tỳ-kheo ni tăng. Lấy của Tỳ-kheo ni tăng đem cúng cho Tỳ-kheo ni tăng khác. Tăng chia thành hai nhóm, chưa hòa hợp lại lấy của một nhóm cho nhóm còn lại; hoặc giúp một nhóm, không giúp nhóm kia. Ðó là cúng dường phi pháp, nhận phi pháp và dùng phi pháp.

Sự cúng dường trước là cúng dường, sự cúng dường sau chẳng phải là cúng dường.

Nếu đàn-việt tự ý cúng dường thì có thể nhận dùng. Vua là thí chủ cúng dường giường nằm, y bát cho Tỳ-kheo thì cũng được dùng. Phật nói không kiết giới cho Sa-môn là như vậy.

Trong vườn nho có chủ, Tỳ-kheo nào trèo lên cây hái trộm quả, vừa hái thì phạm Ba-dật-đề. Nếu hái lượng quả trị giá năm tiền thì phạm Ba-la-di. Tất cả quả sống và hoa tươi cũng vậy.

Ở trong vườn mía có chủ, Tỳ-kheo nào chặt mía đem đi thì phạm Ba-dật-đề. Nếu đủ năm tiền thì phạm Ba-la-di.

Ngó sen có chủ, hoặc không có chủ, Tỳ-kheo đào đất để lấy ngó sen có chủ thì phạm Ba-dật-đề. Nếu cắt ngó sen thì phạm Ba-dật-đề. Cắt một lượng có giá đủ năm tiền thì phạm Ba-la-di.

Tất cả các loại rễ, củ khác cũng vậy.

Tại nơi ăn, Tỳ-kheo nhận đến hai phần mà giá đủ năm tiền thì cũng phạm Ba-la-di. Nếu xin đến phần thứ hai của cơm được thỉnh cũng vậy.

Tỳ-kheo nào dạy vua ở hai nước giáp giới đánh nhau thì phạm Ba-la-di. Nếu tự dẫn đường thì phạm Ba-la-di. Khi hai nước phát binh thì phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo kiếm được năm tiền do vệc ấy thì phạm Ba-la-di.

Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ-kheo ở tại bờ sông Bạt-cừ-mạc, thuộc thôn Bạt-thự. Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Hãy quán sát sự xấu xa này. Hãy nỗ lực quán sát đừng có lười biếng. Hãy không ngừng quán thân bất tịnh. Vì sao vậy? – Vì quán sự xấu xa bất tịnh ấy sẽ được công đức và phước báo lớn.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo suy nghĩ: “Thế Tôn dạy về sự xấu xa, bất tịnh của thân này cho đến ngồi quán sát sự bất tịnh ấy. Ai quán sát sự bất tịnh này sẽ được quả báo và công đức lớn. Các thầy phải cùng nỗ lực quán sát sự bất tịnh, cho đến ngồi quán sát sự bất tịnh. Quán sát việc ấy xong, chúng ta sẽ được quả báo và công đức lớn”.

Các Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực quán sát sự bất tịnh, cho đến ngồi quán sự bất tịnh. Sau khi quán sát, họ nhàm chán thân hôi thối, là đống phiền não và cảm thấy xấu hổ, không biết dùng thân này làm gì, khi nào mới thoát được nỗi khổ này?

Giống như có tráng sĩ hết sức xinh đẹp, đeo các chuỗi châu báu anh lạc, tắm rửa, xông ướp hương thơm, đầu đội mũ báu, mang vòng hoa, thân mặc thiên y không có dính bụi, tay chân mịn màng, tóc màu xanh biếc, râu tóc rất mượt, đứng đầu loài người. Có xác rắn, xác chó và xác người chết có màu xanh, trương sình, chảy mủ, hôi thối, bị chim thú rỉa ăn, mỗi phần thân ở một nơi, dính máu hôi thối dơ bẩn… Nếu đem ba xác chết này đeo lên cổ người kia thì người ấy sẽ rất nhờm gớm, rất khổ não, xấu hổ và luôn mong sớm thoát khỏi tai họa đó.

Các Tỳ-kheo quán sát các việc bất tịnh cho đến ngồi quán sự bất tịnh nên nhàm chán thân hôi thối này, tự nghĩ rằng: “Lúc nào mới được chết?!”.

Lúc ấy, trong chúng có một Tỳ-kheo quán sát sự bất tịnh của thân, cho đến tự nhàm chán, liền rời khỏi chỗ, đi tìm Tỳ-kheo Sa-môn-quật, vốn thuộc dòng thợ săn, hỏi rằng:

– Tỳ-kheo Hiền-nghiêm có thể giết tôi không? Tôi sẽ trả công bằng ba y.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Sa-môn-quật liền dùng dao bén giết Tỳ-kheo ấy. Sau khi giết xong, ông ta cầm dao đến sông Bạt-cừ-mạc để rửa máu dính trên dao. Lúc đó có một thiên ma đứng trên sông khen Tỳ-kheo Sa-môn-quật rằng:

– Lành thay! Lành thay! Ngài đã thành tựu công đức lớn, đã độ cho Tỳ-kheo tinh tấn nhưng chưa được độ, đã giải thoát cho người chưa giải thoát, đã giúp người chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Sa-môn-quật suy nghĩ: “Ðúng như lời vị thiên ấy nói, ta có công đức lớn là độ cho các Tỳ-kheo chưa được độ, giải thoát cho những người chưa giải thoát, giúp những người chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn. Ðã độ thoát cho Sa-môn, lại có được ba y, thật đáng vui mừng”.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Sa-môn-quật tin vào tà kiến này nên cầm dao trở vào trong chúng, đến từng phòng bảo rằng:

– Tôi có thể độ cho người chưa được độ, giải thoát cho người chưa giải thoát và giúp cho người chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn. Lúc đó, các Tỳ-kheo quán thân bất tịnh cho đến nhàm chán thân dơ bẩn, hôi hám này, vì thế các Tỳ-kheo trong phòng đều đi ra đến chỗ Tỳ-kheo Sa-môn-quật nói rằng:

– Nếu có thể giết chúng tôi thì chúng tôi sẽ giao cho thầy ba y.

Tỳ-kheo Sa-môn-quật liền cầm dao bén giết một, hai, ba, bốn, năm, cho đến sáu mươi Tỳ-kheo.

Lúc ấy, vào ngày rằm, Thế Tôn thuyết giới. Ngài trải tọa cụ trên tòa cao, ngồi giữa đại chúng. Khi đã ngồi yên, Ngài quán sát chúng Tỳ-kheo thì thấy số lượng Tỳ-kheo đến dự rất ít. Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi A-Nan:

– Này A-Nan! Vì sao hôm nay chúng Tăng đến nghe thuyết giới thưa thớt vậy?

Nghe Thế Tôn hỏi, A-Nan liền quỳ gối phải sát đất, sửa y bày vai phải, chấp tay hướng về đức Phật, bạch Thế Tôn rằng:

– Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo quán thân bất tịnh cho đến nhàm chán thân hôi thối. Thực hành quán bất tịnh sẽ được quả báo và công đức lớn. Lúc ấy các Tỳ-kheo đều tự nói với nhau: “Các thầy nên biết, Thế Tôn bảo quán thân bất tịnh sẽ được quả báo và công đức lớn. Chúng ta hãy cùng nhau quán sát sự bất tịnh để được quả báo và công đức lớn”.

Thế là các Tỳ-kheo quán thân bất tịnh và nhàm chán thân hôi thối này. Giống như người tráng sĩ hết sức khôi ngô, đeo chuỗi châu báu anh lạc trên thân, tắm rửa xông ướp hương thơm, đầu đội mũ báu và vòng hoa, thân mang thiên y không bị dính bụi, tay chân mịn màng, tóc màu xanh biếc, râu tóc mượt mà, đứng đầu loài người. Có xác rắn, xác chó và xác người chết bầm xanh, trương sình, chảy mủ, thối rửa, bị chim thú cắn rỉa, mỗi bộ phận ở một nơi, dính máu dơ bẩn, hôi thối bất tịnh. Nếu đem ba xác chết này đeo vào cổ người ấy thì người ấy sẽ rất nhờm gớm, rất khổ não và tự xấu hổ nghĩ rằng: “Lúc nào ta mới được thoát khỏi tai nạn này?”.

Các Tỳ-kheo quán thân bất tịnh cho đến ngồi quán sát sự bất tịnh nên nhàm chán thân này, tự suy nghĩ rằng: “Khi nào ta mới chết?”.

Lúc ấy, trong chúng có một Tỳ-kheo quán thân bất tịnh cho đến tự nhàm chán, liền rời khỏi chỗ, đến chỗ Tỳ-kheo Sa-môn-quật, con người thợ săn, nói với ông ấy rằng:

“Tỳ-kheo Hiền-nghiêm có thể giết tôi không? Tôi sẽ giao cho thầy ba y”.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Sa-môn-quật cầm dao bén giết Tỳ-kheo nọ. Giết xong, ông ta cầm dao đến sông Bạt-cừ-mạc ngồi rửa dao dính máu. Lúc đó có thiên ma đứng trên sông khen ngợi Tỳ-kheo Sa-môn-quật rằng:

“ Lành thay! Lành thay! Thầy đã đạt được công đức lớn, có thể độ Tỳ-kheo tinh tấn chưa được độ, giải thoát cho Tỳ-kheo chưa được giải thoát, giúp người chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn”.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Sa-môn-quật suy nghĩ: “Ðúng như lời vị thiên ấy nói, ta đã đạt được công đức lớn: độ cho các Tỳ-kheo chưa được độ, giải thoát cho các Tỳ-kheo chưa giải thoát, giúp cho người chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn. Ðã độ Sa-môn, lại được ba y, thật đáng vui mừng”.

Khi ấy, Tỳ-kheo Sa-môn-quật tin vào tà kiến đó, cầm dao trở về trong chúng, đến từng phòng bảo rằng:

“Tôi có thể độ cho người chưa được độ, giải thoát cho người chưa được giải thoát, giúp người chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn”. Lúc ấy, các Tỳ-kheo quán thân bất tịnh cho đến tự nhàm chán thân ô uế. Các Tỳ-kheo trong các phòng liền đến chỗ Tỳ-kheo Sa-môn-quật nói rằng:

“Thầy có thể giết chúng tôi không? Chúng tôi sẽ giao cho thầy ba y”.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Sa-môn-quật cầm dao bén giết một, hai, ba, bốn, năm, cho đến sáu mươi Tỳ-kheo.

Vì lý do đó, số lượng Tỳ-kheo đến nghe thuyết giới rất ít. Kính thưa Thế Tôn, xin Ngài hãy nói các phương tiện giúp các Tỳ-kheo chứng đắc vô lượng trí tuệ.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo phải học niệm hơi thở và tu pháp môn này một cách rộng rãi, đừng lơ đễnh pháp tu này ngay cả khi ăn và nghỉ ngơi. Vì sao vậy? – Vì tu pháp niệm hơi thở một cách rộng rãi, sau này sẽ được quả báo công đức lớn so với các Tỳ-kheo.

Tỳ-kheo nào cư trú ở xóm làng hoặc thành ấp, khi đến giờ, đắp y mang bát vào làng khất thực thì phải hộ trì thân, giữ gìn sáu căn đừng cho buông lung. Nếu mắt thấy sắc thì không được phát sanh ý tưởng đắm nhiễm. Nếu được như vậy thì thành tựu nhãn căn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không phát sanh ý tưởng đắm nhiễm đối với pháp trần… Nếu ý không theo pháp trần thì ý căn được thành tựu.

Sau khi đã khất thực xong, hãy mang y bát cất trong phòng, rửa chân, vắt tọa cụ lên vai, tìm đến nơi không người, gốc cây yên tĩnh, lều cỏ trống, nơi bằng phẳng, ngoài vườn, gò mã, hang núi… để cư trú ở đó, hoặc đến nơi yên tĩnh, hoặc đến gốc cây trải tọa cụ, ngồi kiết-già ngay thẳng, không nghiêng ngã, không dựa, chú tâm vào chót mũi.

Khi Tỳ-kheo niệm hơi thở, thở ra cũng niệm, thở vào cũng niệm. Hơi thở ra dài thì biết dài. Hơi thở vào dài thì biết dài. Hơi thở ra ngắn thì biết ngắn. Hơi thở vào ngắn thì biết ngắn. Hơi thở ra ở các lỗ chân lông cũng đều biết. Hơi thở vào ở các lỗ chân lông cũng đều biết. Thở ra với ý an định, tỉnh giác. Hít vào với ý tỉnh giác. Thở ra với sự tỉnh giác nơi thân, miệng, ý. Hít vào với sự tỉnh giác nơi thân, miệng, ý…

Giống như người thợ cưa và đệ tử ông ta kéo đường cưa dài thì biết dài, kéo đường cưa ngắn thì biết ngắn; Tỳ-kheo học quán niệm hơi thở cũng như vậy, cho đến thở ra hít vào với ý an định, tỉnh giác. Tu hành quán niệm hơi thở như vậy sẽ được công đức và quả báo lớn.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo nhắc nhở nhau: “Thế Tôn thương xót chúng ta nên nói pháp quán niệm hơi thở để chúng ta tu tập. Sau khi tu hành pháp quán niệm hơi thở, chúng ta sẽ được quả báo và công đức lớn. Chúng ta hãy lập tức cùng nhau tu tập pháp quán niệm hơi thở thật chuyên cần để được quả báo và công đức lớn”.

Khi ấy, các Tỳ-kheo chuyên cần tu tập pháp quán niệm hơi thở, đạt được trí tuệ vô lượng và chứng đạo A-la-hán.

Tôn giả A-Nan đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật:

– Thế Tôn đã giảng rộng pháp niệm hơi thở, cho đến tu tập pháp ấy một cách rộng rãi. Vâng lời Phật dạy, các Tỳ-kheo thực hành niệm hơi thở và đều đạt được vô lượng trí tuệ, chứng đắc quả A-la-hán.

Lúc ấy, do nhân duyên này, Thế Tôn dùng phương tiện thiện xảo tập hợp chúng Tăng hòa hợp với đầy đủ mười công đức. Thế Tôn kiết giới cho các Tỳ-kheo:

– Các Tỳ-kheo phải đề phòng việc này: Ðối với người, hoặc loài có hình người, Tỳ-kheo nào muốn giết họ nên tự tay cầm dao, hoặc sai người khác cầm dao, khuyên người khác chết, hoặc khen ngợi sự chết, hoặc nói rằng: “Này cậu, sống khổ sở làm gì, cậu sống không bằng chết”. Người nọ nghe ý nghĩ ấy, dùng vô số phương tiện khuyên người khác chết, hoặc khen ngợi sự chết. Giả sử người kia tìm đến cái chết thì Tỳ-kheo ấy mắc tội Ba-la-di.

Tại nơi vắng, Tỳ-kheo nào dùng cung, dao, nỏ, súng và cạm bẩy để giết người thì phạm tội Ba-la-di.

Tỳ-kheo nào đến gặp quan, nói dèm pha và dùng thế lực của quan để giết người thì phạm Ba-la-di.

Tỳ-kheo nào dùng chú thuật hoặc thuốc để khiến quỷ tử thi đi giết người thì phạm Ba-la-di.

Tỳ-kheo nào giăng bẩy xiết cổ người khác cho chết thì phạm Ba-la-di.

Tỳ-kheo nào pha trộn thuốc gây thổ tả hoặc rót vào mũi, từ bên dưới ngấm lên, hoặc chích chảy máu, hoặc nhỏ vào mắt để giết người thì phạm Ba-la-di.

Người nữ mang thai, Tỳ-kheo nào muốn giết nên tự tay hoặc bảo người khác dùng tay đè vào bụng cô ấy làm thai nhi và người nữ chết thì phạm Ba-la-di. Dù một người chết hay cả hai mẹ con chết đều phạm Ba-la-di.

Tỳ-kheo nào muốn giết người nên dạy họ gieo mình vào lửa, vào nước, hoặc nhảy từ vách núi xuống vực thì phạm Ba-la-di.

Tỳ-kheo nào muốn giết người nên lén viết thư nói dối rằng: “Người mang thư mắc tội nặng, hãy giết anh ta đi”. Nếu người ấy bị giết thì phạm Ba-la-di.

Bào thai trong bụng mẹ đã có hai căn là thân căn và mạng căn, Tỳ-kheo nào muốn giết thai nhi ấy nên đọc chú làm sảy thai, chết thai nhi thì phạm Ba-la-di.

Phật Thế Tôn ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-Vệ. Lúc ấy, tôn giả Bạc-khư-la mắc bệnh nặng, nằm nghỉ trong phòng ở vườn Ðoán-tác (người Ðoán-tác lập vườn này nên lấy đó làm tên gọi). Tôn giả Phần Ni chăm sóc và cung cấp nước uống.

Lúc ấy, Bạc-khư-la bảo Phần Ni:

– Hãy đến chỗ Phật, xưng danh tôi rồi đảnh lễ đức Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có mạnh khỏe an lạc không? Có sức lực hành đạo không? Hãy đến đó mà nói rằng: “Gần đây Tỳ-kheo Bạc-khư-la bị mắc bệnh nặng, nghỉ trong phòng ở vườn Ðoán-tác. Tỳ-kheo ấy từ xa kính lạy Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có mạnh khỏe an lạc không? Có sức lực để hành đạo không? Tỳ-kheo Bạc-khư-la muốn đến chiêm ngưỡng Thế Tôn nhưng vì không có sức khỏe”. Hãy đến chỗ Thế Tôn, hỏi thăm sức khỏe Thế Tôn và thỉnh Thế Tôn hạ cố đến vườn Ðoán-tác vì Tỳ-kheo Bạc-khư-la.

Khi ấy, Tỳ-kheo Phần Ni nhận lời Tỳ-kheo Bạc-khư-la, vội vàng đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, bạch đầy đủ như trên rồi thưa:

– Cúi xin Thế Tôn hãy vì Tỳ-kheo Bạc-khư-la mà hạ cố đến chỗ Tỳ-kheo ấy ở vườn Ðoán-tác.

Thế Tôn im lặng không đáp.

Thấy Thế Tôn im lặng chấp nhận, Phần Ni liền rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ sát đất, nhiễu Phật ba vòng rồi ra đi.

Khi Phần Ni đi chưa được bao xa, Thế Tôn liền thọ thực. Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, Ngài rời khỏi chỗ ngồi, đến chỗ Tỳ-kheo Bạc-khư-la ở vườn Ðoán-tác.

Trông thấy Phật đến, Tỳ-kheo Bạc-khư-la muốn đứng dậy, nhưng vì quá yếu nên không đứng được. Lúc ấy, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo Bạc-khư-la rằng:

– Không cần phải đứng dậy, cứ nằm nghỉ đi, Ta sẽ ngồi vào chỗ khác.

Sau khi đã an tọa, Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo Bạc-khư-la:

– Ăn cháo có tiêu hóa không? Thân thể có bớt đau nhức không? Ðau đớn tăng hay giảm?

Tỳ-kheo Bạc-khư-la bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Con không thể ăn cháo, vì ăn vào không tiêu được. Sự đau đớn chỉ tăng chứ không giảm.

Giống như có người bị một lực sĩ dùng dây siết chặt đầu thì đầu người ấy rất đau đớn. Bạch Thế Tôn! Ðầu con cũng đau đớn y như người ấy. Vì thế, con không thể ăn cháo, ăn không tiêu được và đau đớn ngày càng tăng thêm.

Bạch Thế Tôn! Giống như có người bị lực sĩ dùng dao nhọn đâm lên đỉnh đầu thì đỉnh đầu người ấy rất đau đớn. Ðầu con đang đau đớn cũng giống như vậy. Sự đau đớn chỉ tăng chứ không có giảm.

Giống như có người lực sĩ cầm dao mổ bụng trâu thì bụng nó sẽ rất đau đớn, không thể nói được. Bụng con đang đau đớn cũng giống như vậy.

Gống như có hai người khỏe mạnh tóm lấy một người ốm yếu, nắm giữ tay chân của người ấy mà nướng trên hố lửa. Người ấy đau đớn không thể tả. Bạch Thế Tôn! Thân con cũng đang đau đớn như vậy. Vì thế con không thể ăn cháo và sự đau đớn chỉ tăng chứ không giảm. Con chỉ muốn cầm dao tự sát chứ không muốn sống nữa.

Phật nói:

– Ta hỏi ông, ông hãy trả lời. Này Bạc-khư-la! Sắc là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường.

Hỏi:

– Vô thường là khổ hay vui?

Ðáp:

– Khổ, thưa Thế Tôn.

Hỏi:

– Ðối với pháp vô thường, khổ, biến đổi mà có người đã được học đạo, chứng đạo lại nói rằng đó là của ta, hoặc chẳng phải của ta, thì có lý không?

Ðáp:

– Không, thưa Thế Tôn.

Hỏi:

– Này Bạc-khư-la! Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?

Ðáp:

– Vô thường, thưa Thế Tôn.

Hỏi:

– Nếu là vô thường thì khổ hay vui?

Ðáp:

– Khổ, thưa Thế Tôn.

Hỏi:

– Nếu là pháp vô thường, khổ, biến đổi mà lại có người đã học đạo, chứng đạo lại nói rằng đó là của ta, chẳng phải của ta, thì có tin được hay không?

Ðáp:

– Không, thưa Thế Tôn.

– Vì thế, này Bạc-khư-la! Tất cả sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, lớn nhỏ, thiện ác, hoặc xa hoặc gần… Tất cả những sắc của ta và chẳng phải của ta đều là không và quán thấy các pháp đều như thế.

Này Bạc-khư-la! Thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, vị lai, hiện tại cho đến quán các pháp đều như thế.

Nghe Phật giảng về sự chứng đắc, Bạc-khư-la hiểu rõ sắc là rỗng không, không hề có sở hữu, liền được giải thoát. Sau khi được giải thoát, trí tuệ liền phát sanh, chấm dứt sanh tử, tịnh hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh vào bào thai nữa. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, cho đến không còn tái sanh.

Vì thế, này Bạc-khư-la! Ông chớ có lo, chớ có sợ. Ông không còn bị trở vào đường ác nữa, không còn sanh trong đường ác nữa, không còn gặp nơi ác nữa.

Giảng xong, Thế Tôn trở về tinh xá.

Giữa đêm hôm ấy, có hai vị thiên vô cùng xinh đẹp, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất, rồi đứng qua một phía.

Một vị thiên bạch Phật rằng:

– Tôn giả Bạc-khư-la đã quyết định được giải thoát.

Vị thiên thứ hai bạch Phật rằng:

– Tôn giả Bạc-khư-la đã được giải thoát, ở nơi giải thoát.

Nói lời ấy xong, chư thiên lễ Phật mà ra đi.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 01 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 05 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 17 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 15 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 04 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 18 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 30 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 32 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 37 - Luật Tạng