TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 4

(Tiếp theo nhiếp tụng thứ tư trong biệt môn thứ nhất)

* Một thời, đức Phật ở thành Quảng Nghiêm.Trong thành này có Lật Cô Tỳ Tử (Licchavi) tên Thiện-Hiền, tánh tình chân thật, hành động chất trực, hằng ngày đều đến kính lễ Thế Tôn. Vào một lúc nọ, ông ta đang đi đến gặp Phật. Trong lúc giữa Bí-sô Thật Lực Tử và hai Bí-sô Hữu và Ðịa thường có oán đối nhiều đời. Hai Bí-sô Hữu và Ðịa du lịch trong nhân gian đi đến thành Quảng Nghiêm, trên đường bổng gặp Hiền Thiện, hỏi:

– Này Hiền Thiện, người đi đâu vậy?

Ðáp:

– Thánh giả, tôi muốn đến lễ Phật.

Hai người kia nói:

– Ðến gặp Thế Tôn, phải nói lời cúng dường. Vậy người có lời nói thắng diệu nào để dâng lên Ngài không?

Ðáp:

– Tôi chưa có.

– Này Thiện Hiền, người đến gặp đức Phật nên nói thế này: “Bí-sô Thật Lực Tử không biết xấu hổ, hành động phi pháp, hành dâm cùng vợ của con, làm việc bất tịnh hạnh phạm Ba-la-thị-ca”. Thế Tôn nghe như vậy chắc chắn rất hoan hỷ.

Thiện Hiền nghe nói xong, đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân Phật, đứng qua một bên, bạch:

– Thế Tôn, Bí-sô Thật Lực Tử không có tàm quý, hành động phi pháp, cùng với vợ của con hành động dâm dục, làm việc phi tịnh hạnh, phạm Ba-la-thị-ca.

Sau khi nói như vậy, Thiện Hiền từ giã. Phật bảo các Bí-sô:

– Lật-cô-tỳ-tử kia nói lời phỉ báng dối trá, hãy làm yết ma phú bát cho ông ta. Nếu có những trường hợp như vậy, cũng làm theo trình tự: – Trải tòa, đánh kiền chùy tuyên cáo, sau đó đại chúng tập họp, sai một Bí-sô tác pháp yết ma đơn bạch: “Ðại đức Tăng già lắng nghe, Lật-cô-tỳ-tử Thiện-Hiền, dùng pháp Ba La Thị Ca không căn cứ vu báng Bí-sô thanh tịnh Thật Lực Tử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng đồng ý, nay Tăng tác yết ma phú bát cho Thiện Hiền”. Ðây là lời tác bạch. Tăng tác yết ma phú bát xong, Bí-sô không được đến nhà người ấy, nếu có đến cũng không được ngồi vào chỗ, không được ăn uống, không được thuyết pháp cho họ.

Phật bảo A Nan Ðà:

– Thầy hãy đến chỗ ở của Thiện Hiền, bảo rằng Tăng già đã tác yết ma phú bát cho ông ấy.

Tôn giả A Nan Ðà vâng lệnh Phật đến chỗ Thiện Hiền, gặp lúc không có ông ta ở nhà, nên hỏi người vợ:

– Ông Thiện Hiền đang ở đâu?

Ðáp:

– Thánh giả! Ông ấy có việc đi ra ngoài. Ngài cần gặp Thiện Hiền có việc gì?

– Nên biết rằng Tăng già đã tác yết ma phú bát cho gia đình bà.

Hỏi:

– Ðại đức, yết ma phú bát là gì?

Ðáp:

– Nếu gia đình người nào bị Tăng già tác yết ma phú bát thì các Bí-sô không được đến nhà người ấy, nếu có đến cũng không được ngồi, không được nhận thức ăn uống không được thuyết pháp.

Người phụ nữ nói:

– Ðại đức! Căn cứ theo đây thì các Thánh chúng phát thẻ lập quy chế không được đi lại với chúng con. Con có lỗi gì mà bị phú bát?

Ðáp:

– Ðến gặp Phật, Thiện Hiền chồng bà đã nói: Bí-sô Thật Lực Tử không có xấu hổ, hành động phi pháp, cùng với vợ con hành động dâm dục, làm việc bất tịnh hạnh phạm Ba-la-thi-ca.

Người vợ nghe xong liền trở vào phòng, Tôn giả trở về.Sau khi xong việc, Thiện Hiền trở về nhà. Người vợ nói:

– Chàng có biết không, Thánh chúng đã tác yết ma phú bát cho chàng.

Ðáp:

– Lành thay phú bát! Rất tốt phú bát!.

Người vợ hỏi:

– Chàng có biết phú bát là gì không?

Ðáp:

– Không hiểu.

Người vợ nói:

– Ai bị Thánh chúng phú bát thì các Bí-sô không đến nhà người ấy, nếu đến cũng không được ngồi, không được ăn uống, không được nói pháp. Có phải chàng đã từng thấy Bí-sô Thật Lực Tử cùng với em làm việc phi pháp ở chỗ khuất phải không?

Ðáp:

– Không thấy.

– Chàng hãy đến sám hối với Ðại sư. Nếu bậc Ðại từ tôn dung thứ cho thì tốt, như không dung thứ thì đừng bước vào nhà nữa.

Nghe xong, Thiện Hiền xấu hổ sợ hãi, đi ngay đến gặp Phật, lạy sát chân Ngài, chắp tay rạp sát đất bạch:

– Thế Tôn! Theo thường nguyện của con mỗi buổi sáng sau khi tắm rửa, đi đến lễ Ðại sư, giữa đường con gặp hai Bí-sô Hữu và Ðịa. Họ hỏi con: – Ông đi đâu vậy? Con đáp: -Muốn đến gặp Phật để lễ kính. Họ hỏi con đến gặp Phật có lời tốt đẹp nào dâng lên Phật không, con đáp không có. Họ dạy con đến gặp Phật nên nói như thế này:- Thế Tôn, Bí-sô Thật Lực Tử không biết xấu hổ, có hành động phi pháp cùng vợ của con hành động dâm dục, làm việc phi phạm hạnh, phạm Ba-la-thị-ca. Lời nói ấy do hai vị kia dạy con nói, chẳng phải lỗi do con.

Khi ấy, Thế Tôn bảo các Bí-sô:

– Thiện Hiền phỉ báng nhưng vốn không phải do ý mình, vậy nên tác pháp ngưỡng bát yết ma cho ông ta. Nếu có trường hợp như vậy, nên tiến hành:- Trải tòa, đánh kiền chùy, báo cho cả chúng biết. Sau khi tăng tập họp, bảo Thiện Hiền đến trước Thượng tọa, ngồi xổm chắp tay thưa như sau: “Ðại đức Tăng già lắng nghe, con là Thiện Hiền bị ác tri thức làm cho sai lầm nên đem việc không thật vu báng cho Thật Lực Tử .Vì vậy, Tăng già đã tác yết ma phú bát cho con. Nay con cầu xin Tăng già tác yết ma ngưỡng bát . Cầu xin đại đức Tăng già cho con pháp ngưỡng bát, xin từ mẫn con”. (nói ba lần như vậy).

Sau đó đưa Thiện Hiền đến chỗ thấy nhưng không nghe chắp tay đứng, và sai một Bí-sô tác pháp đơn bạch yết ma: “Ðại đức tăng già lắng nghe. Lật Cô Tỳ Tử Thiện Hiền kia bị ác tri thức làm cho sai lầm nên đem việc không thật vu báng cho cụ thọ Thật Lực Tử. Tăng già đã tác yết ma phú bát cho ông ta. Nay Thiện Hiền ấy cầu xin Tăng già tác yết ma ngưỡng bát”. Ðây là lời tác bạch.

Nếu Tăng già đã tác yết ma ngưỡng bát rồi, khi các Bí-sô đến nhà họ, được phép ngồi, nhận thức ăn và thuyết pháp.

Nhiếp tụng thứ năm trong biệt môn thứ nhất.

Sinh chi diện như cảnh
Bất vi ca vũ nhạc
Hứa tác ca vịnh thanh
Dụng bát hữu tứ chủng.

* Duyên xứ ở thành Thất La Phạt, có một Bí-sô chuyên tu tịch định nhưng khi đang ngồi kiết già sinh chi vẫn cương lên. Vào lúc khác,vị này theo thứ lớp khất thực, sau khi thọ trai thu xếp y bát, rửa sạch chân, dưới một gốc cây ngồi thẳng tư duy, đặt niệm trước mặt thì sinh chi cương lên. Bị dục làm phiền não nên vị này nổi sân, lấy sinh chi của mình đặt trên đá, rồi dùng đá đập nát. Quá đau đớn không thể chịu đựng được, vị này suy nghĩ: “Ta bị khổ não thiêu đốt tâm ý, Thế Tôn từ bi sao không thương tưởng đến? “.Khi ấy, từ xa biết rõ sự khổ não này, đi đến bên cạnh, đấng Chánh Biến Giác hỏi:

– Này Bí-sô thầy đã làm gì?

Vị này thưa lại đầy đủ. Phật dạy:

– Thầy há không nghe Ta dạy, khi Bí-sô sinh ý dục nhiễm nên quán bất tịnh thì ngăn chận dâm tình, vì sao thầy lại làm kẻ ngu si, cần đánh đập cái này lại đánh cái khác.

Bí-sô nghe như vậy, tàm quý im lặng. Nhân việc này, Phật dạy các Bí-sô:

– Chẳng phải trước đây Ta đã không dạy cho các thầy, khi tâm dục nhiễm phát sinh thì tu quán bất tịnh, khi tâm sân hận phát sinh thì tu quán từ bi, khi tâm ngu si phát sinh thì tu quán mười hai nhân duyên. Ai không tu tập pháp phải tu tập, không đánh điều cần phải đánh mà lại đánh đập điều khác thì bị tội vượt pháp.

Trong thành này có một Trưởng giả, cưới vợ chưa bao lâu, sinh được một con trai hình dung tuấn tú mọi người đều yêu mến, nuôi dưỡng thương yêu dần dần trưởng thành, xuất gia trong pháp luật của Phật. Vị này có duyên sự nên đi khỏi rừng Thệ Ða du hành trong nhân gian. Chẳng may trên mặt mọc mụt ghẻ, đi chữa trị gặp phải thầy thuốc không lành nghề dùng kim châm nên miệng vị này bị méo lệch. Khi du hành xong, trở về vườn Cấp cô độc, không được các vị quen biết cũ chào đón thăm hỏi, nên vị này hỏi:

– Ðại đức, không biết tôi hay sao?

Ðáp:

– Cụ thọ, tôi không nhớ có quen, thầy là ai?

Vị kia kể lại các việc trước kia, tôi tên là … Người kia kinh ngạc nói:

– Ngày trước mặt mày Thầy đoan chính, nay vì sao bị méo lệch.

Vị kia trình bày lại sự việc. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nên giữ mặt như giữ gương sáng, không nên vô ý để thầy thuốc không giỏi châm chích. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

Như Phật dạy:

– Không được để cho thầy thuốc dở trị bệnh, có Bí-sô đầu mặt bị nóng sốt, muốn chích bớt máu nóng trên trán nhưng không thể tìm được thầy thuốc bậc thượng.

Phật dạy:

– Nếu không có thầy thuốc bậc thượng thì nhờ thầy thuốc bậc trung lể máu ra.

Trong thành này có hai nhóm người kết bạn nhau, một nhóm thuộc hạng giao dịch, một nhóm là Bà-la-môn. Nhóm giao dịch giỏi ca múa hơn nhóm Bà-la-môn nhưng thua về chiến đấu.Vào một lúc nọ, nhóm Bà-la-môn bảo nhau:

– Nhóm giao dịch ca múa hay hơn chúng ta nhưng về chiến đấu ta hơn bọn ấy, bằng cách nào để chúng ta ca múa hơn bọn họ?

Có người bàn bạc:

– Nếu muốn thắng họ, chúng ta nên tập ca múa.

Họ lại bàn tiếp:

– Việc này thật hay, nhưng chúng ta nên học ca múa với ai?

Lại có người bàn:

– Nhóm Thánh giả sáu vị giỏi âm nhạc, về ca múa lại vượt hơn người khác. Chúng ta nên đến đó học nghề với họ, các vị ấy tham lam, tánh thích tài sản, nên cần gì thì chúng ta cung cấp.

Sau khi bàn luận, họ cùng nhau đến gặp Lục chúng, đảnh lễ sát chân thưa:

– Ðại đức xin rũ lòng từ bi, dạy chúng tôi ca múa.

Lục chúng đáp:

– Nếu có cung cấp bánh trái thì ta sẽ dạy ngươi.

Họ nghe nói vậy nên thường cung cấp bánh, được Lục chúng dạy ca múa. Sau khi học giỏi, trong lúc hội hè, họ chiến đấu thắng nhóm kia. Nhóm giao dịch trổ tài ca múa cũng bị họ thắng luôn, nên nói:

– Xưa nay chúng ta ca múa hơn các vị, các vị chiến đấu thắng bọn ta, vì sao hôm nay các vị mạnh cả hai; việc này như thế nào?

Ðáp:

– Vì chúng ta cố công học tập ca múa.

Hỏi:

– Ai dạy cho các vị?

Ðáp:

– Thánh giả Lục chúng từ bi dạy cho chúng tôi.

Những người Bà-la-môn nghe vậy đều sinh tâm bất mãn khinh khi:

– Sa-môn Thích tử hành pháp trạo cử, ca múa đùa giỡn còn dạy cho người đời.

Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Do ca múa có những lỗi như vậy, cho nên Bí-sô không được học tập ca múa. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

Khi Thế Tôn đã không cho phép học tập ca múa, có Bà-la-môn bị quên âm nhạc của họ, đến gặp Lục chúng cầu xin ôn lại cho họ. Lục chúng đáp:

– Thế Tôn chế giới không được ca múa.

Bà la môn bạch:

– Nếu như vậy, có thể lược bớt.

Lục chúng đáp:

– Ta sẽ lược bớt cho ngươi.

Ðến chỗ những Bà-la-môn, họ lại dạy thay đổi lược bớt những phần có dụng cụ ca múa . Sau đó, khi hội họp phần trình diễn ca múa của Bà-la-môn không bằng bạn họ. Các Bà-la-môn đều sinh bất mãn chê bai:

– Sa-môn Thích tử ngầm gây sự tổn hại làm cho chúng ta bị thua.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô không được thay thế giảm bớt dụng cụ ca múa của người khác. Ai thay thế, bị tội vượt pháp.

Vào lúc khác, Bà-la-môn đến gặp Lục chúng, thưa:

– Xin dạy tôi nhạc hài hước.

Lục chúng không dạy. Họ thưa:

– Thánh giả! Nếu không thể dạy, chỉ xin ngài tạm có mặt nơi đó thì chúng tôi được thắng.

Ðến nơi, khi Lục chúng xuất hiện, những người trình diễn quen họ trông thấy liền xấu hổ không thể chơi nhạc được, nên bất mãn chê trách:

– Sa-môn Thích tử lại tới lui có mặt nơi ca múa.

Phật dạy:

– Bí-sô không được cố ý đến xuất hiện ở những nơi ca múa. Bí-sô nào tự mình ca múa, ngâm vịnh, dạy cho người, hoặc giúp đỡ hoặc tự mình xuất hiện đều bị tội vượt pháp.

(Sau đây là nhân duyên của Tôn Giả Thiện Hòa)

* Tại Kiêu Thiểm Tỳ có một trưởng giả tên là Ðại Thiện, bẩm tánh nhu hòa, vợ đang có thai. Tôn giả Xá Lợi Phất biết sau này bào thai kia sẽ được hóa độ chứng quả thắng thượng, nên Ngài đến nhà. Khi ấy, Trưởng giả vốn có tín tâm, cầu quy y thọ giới. Từ đó, Tôn giả thường đến nhà ấy. Một hôm, Ngài đi một mình không có thị giả đến nhà Trưởng giả. Hỏi:

– Ðại đức! Vì sao đi một mình không có thị giả?

Ðáp:

– Hiền thủ! Làm sao tôi ở trong rừng cỏ mà tìm có thị giả, nơi chỗ quý vị mới có được người làm thị giả.

Ðáp:

– Thánh giả! Nếu như vậy, vợ con đang có thai nếu sinh con trai sẽ cho làm thị giả của Ngài.

Tôn giả từ giã, sau khi chú nguyện:

– Hiền thủ, nguyện cho đứa bé khỏe mạnh.

Sau tám, chín tháng, vợ Trưởng giả sinh hạ một bé trai, thân hình gầy nhỏ, âm thanh hòa nhã. Sau 21 ngày, Trưởng giả mời thân thuộc tập họp lại, làm lễ chúc mừng. Người cha bồng con xin mọi người đặt tên. Mọi người bàn bạc:

– Bé này thân hình gầy nhỏ, âm thanh hòa nhã, là con của Trưởng giả Ðại Thiện, nên đặt tên cho cháu là Thiện Hòa.

Ngày tháng dần qua, Thiện Hòa đã đến tuổi khôn lớn. Vào buổi sáng nọ, Tôn giả Xá Lợi Tử mặc y mang bát vào thành Kiêu Thiểm Tỳ, thứ lớp khất thực đến nhà Ðại Thiện. Trưởng giả trông thấy vội mừng rỡ chào đón, chắp tay đảnh lễ sát đất và thỉnh lấy bát, đặt đầy đủ bánh trái vật thực rồi dâng lên Tôn giả.Khi đồng tử Thiện Hòa ra xem mặt Thánh giả. Tôn giả hiện tướng làm cho Trưởng giả nhớ lại chuyện cũ. Trưởng giả liền bảo con mình:

– Khi con còn trong bụng mẹ, ta đã cho con làm đệ tử của Tôn giả. Vậy nay con hãy đi theo Tôn giả.

Ðồng tử là người mang thân tối hậu nên rất dễ lìa bỏ thế tục, liền theo Tôn giả trở về trú xứ. Tôn giả cho cậu ta xuất gia và sau đó thọ giới cụ túc, như pháp khai hóa. Vị này siêng năng tinh tấn không lười biếng, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán. Bấy giờ, Bí-sô Thiện Hòa ngâm vịnh tán tụng kinh pháp, âm thanh trong suốt vang tận Phạm thiên. Có vô số chúng sinh nghe âm thanh này đều được gieo trồng căn lành giải thoát, cho đến các loại bàng sinh có tình thức nghe đến tiếng ấy đều lắng tai nghe diệu âm này. Bấy giờ, Thế Tôn nhân đại chúng tập họp, bảo mọi người:

– Này các Bí-sô, trong giáo pháp của ta, trong số đệ tử thanh văn có âm thanh vi diệu, Bí-sô Thiện Hòa đứng số một.

Do vị ấy diễn xướng âm thanh hòa nhã làm cho người nghe phát tâm hoan hỷ. Bí-sô chưa ly dục đều bỏ phế việc của mình, hằng ngày chỉ lắng nghe âm thanh tán tụng.

Một hôm, khi đêm gần tàn, đại vương Thắng Quang của Kiều Tát La cỡi voi Bạch Liên Hoa cùng tùy tùng, có việc ra khỏi thành, cần đi đến nơi kia. Trong rừng Thệ Ða, Bí-sô Thiện Hòa đang cao giọng tụng kinh. Khi voi của vua nghe âm thanh ưa thích này nên vểnh tai lắng nghe, không chịu đi tới. Quản tượng dùng móc câu đập vào chân nhưng voi vẫn đứng yên. Vua bảo quản tượng:

– Hãy làm cho voi đi!

Ðáp:

– Ðại vương! Thần đã tận lực thúc đẩy tiến tới nhưng nó vẫn không bước chân,chẳng biết ý nó muốn gì?

Vua bảo:

– Hãy thả ra để tùy ý nó đi.

Quản tượng thả móc câu, voi liền đi đến vườn Cấp-cô, đứng ngay cửa chùa vểnh tai nghe âm thanh. Tụng kinh xong, Bí-sô Thiện Hòa đọc bốn bài kệ phát nguyện:

Chư thiên, A-tu-la, Dược xoa
Ai đến nghe pháp phải chí tâm
Ủng hộ Phật pháp cho trường tồn
Luôn luôn thực hành lời Phật dạy
Những vị nghe pháp nên đến đây
Ở trên mặt đất hoặc không trung
Thường hành tâm từ với loài người
Ngày đêm chính mình sống đúng pháp
Nguyện các thế giới thường an ổn
Ðem nhiều phước, trí lợi chúng sinh
Có bao nghiệp tội đều tiêu trừ
Xa lìa các khổ về tịch tịnh.
Thường xoa thân thể bằng hương giới
Dùng áo thiền định mặc kín thân
Trang điểm khắp bằng hoa tuệ giác
Sống ở nơi nào cũng an lạc.

Nghe kệ này xong, voi của vua biết đã hết thời kinh nên vẩy tai, bước chân đi, nhanh chậm tùy theo móc câu điều khiển. Vua hỏi quản tượng:

– Nay vì sao voi này đi theo ý khanh?

Ðáp:

– Chưa biết vị thánh giả nào trong chùa đọc tụng kinh điển với âm thanh mỹ diệu, voi nghe ưa thích nên không chịu đi nữa.

Vua nói:

– Nếu như vậy, hãy quay voi lại đến thăm hỏi vị Tôn giả kia, ta nguyện dâng cúng thượng y cho ngài, để ngày mai sẽ đến thành kia.

Quản tượng vâng lệnh quay voi trở lại. Khi chưa đến chỗ cũ, Phu nhân Thắng Man ngạc nhiên vì sao vua vội trở lại, nên hỏi lý do. Vua kể lại đầy đủ sự việc trên, và bảo rằng:

– Phu nhân hãy đưa tấm vải tối thượng, ta muốn tự mình dâng lên vị kinh sư kia.

Sau khi suy nghĩ: “Hay là thánh giả Thiện Hòa dùng âm thanh mỹ diệu đọc tụng kinh điển, nhưng Tôn giả ấy hình dáng xấu xí, tánh của đại vương ta thích người tuấn tú, như gặp vị ấy sẽ không vừa ý lại sinh khinh mạn hối tiếc sự kính trọng trước đây. Ta hãy tìm cách làm cho vua không tự đến gặp”, phu nhân Thắng-Man tâu:

– Thưa đại vương! Ngài cứ đến thành kia, thiếp sẽ mang vải đến dâng lên Tôn giả.

Ðáp:

– Phu nhân nên lấy tấm khác, lẽ nào do vật này mà nước Kiều Tát La của ta trở nên nghèo thiếu hay sao?

Phu nhân im lặng. Nhà vua liền mang tấm vải tốt nhất đến rừng Thệ Ða. Khi ấy, cụ thọ A Nan Ðà đang đi kinh hành trước cửa chùa. Vừa thấy, vua xuống voi, lạy sát chân Tôn giả, thưa:

– Ðại đức, sáng sớm hôm nay vị Tôn giả nào đọc tụng kinh pháp?

Ðáp:

– Ðại vương cần gì mà hỏi như vậy?

– Ðại đức! Con muốn chính mình đem y này dâng cúng vị ấy.

Tôn giả nghĩ: “Cụ thọ Thiện Hòa có âm thanh mỹ diệu, phúng tụng kinh pháp âm vận hòa nhã siêu quần, nhưng hình dáng vị ấy xấu xí quá, mà vị vua này tánh thích người xinh đẹp nho nhã. Nếu vua thấy vị này, sẽ sinh khinh khi, tâm không cung kính, vậy ta nên bày cách không cho ông ta gặp”; nên thưa:

– Ðại vương, hãy đưa y cho tôi, tôi sẽ dâng vị ấy.

Ðáp:

– Ðại đức! Thế Tôn tán thán việc tự tay mình dâng cúng là tối thượng nhất, nên nay con muốn tự tay mình dâng.

Khi ấy, tại chỗ ở ban ngày, Tôn giả Thiện Hòa đang ngồi kiết già dưới gốc cây. Tôn giả A Nan đưa nhà vua đến nơi vị ấy, nói với vua:

– Ðại vương, người ngồi dưới gốc cây là Tôn giả có âm thanh vi diệu.

Vua tiến tới, nhìn xuống thấy vị ấy hình dáng xấu xí, sinh khinh thường không còn tín tâm nữa, quay đầu lại nhăn mày, để tấm y xuống rồi bỏ đi.

Thấy hành động nhà vua như vậy, Thiện Hòa nói kệ:

Ai dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Ái nhiễm loạn tâm họ
Không thể thấy được ta.

Ai chỉ biết bên trong
Mà không thấy bên ngoài
Theo trong mà cầu quả
Là bị mê vì tiếng.

Ai chỉ biết bên ngoài
Mà không thấy ở trong
Theo bên ngoài cầu quả
Cũng bị mê vì tiếng.

Ai không biết bên trong
Cũng không thấy bên ngoài
Phàm phu đều bị chướng
Cũng bị mê vì tiếng.

Ai biết rõ bên trong
Lại khéo thấy bên ngoài
Bậc trí sẽ xuất ly
Không bị tiếng làm mê.

Bấy giờ các Bí-sô đều sinh nghi ngờ, bạch Thế Tôn:

– Vì nhân duyên gì, Bí-sô Thiện Hòa thân hình xấu xí mà âm thanh hòa nhã, được xuất gia tu tập trong Phật pháp, trừ hết các lậu chứng quả A-la-hán.

Thế Tôn bảo họ:

– Bí-sô Thiện Hòa phải tự nhận lấy nghiệp đã tạo … nói rộng cho đến như bài kệ:

Dù trãi qua trăm kiếp
Nghiệp đã làm không mất
Khi nhân duyên gặp nhau
Nhận trở lại kết quả.

Thế Tôn bảo các Bí-sô:

– Các thầy hãy lắng nghe, thời quá khứ trong hiền kiếp này, khi loài người sống đến bốn vạn tuổi, có đức Phật Câu-Lưu Tôn đầy đủ mười hiệu ra đời.

Sau khi làm các Phật sự viên mãn, đức Phật Thế Tôn kia nhập vô dư y Niết bàn. Bấy giờ, quốc vương kia tên Vô Ưu cúng dường xá-lị của Phật ấy nên xây tháp chu vi một do-thiện-na, cao nữa do-thiện-na, sai người quản thủ lần lượt xây dựng. Người này có tín tâm, ý thích hiền thiện, siêng năng làm việc không thấy mệt nhọc. Có người làm công nọ thấy tháp quá cao lớn, nên sinh hiềm hận nói với bạn:

– Nay vua xây tháp lớn này, hao phí nhiều công sức người, biết ngày nào mới xong!

Người quản thủ nói:

– Người không thể làm nữa thì tùy ý đi nơi khác, vì sao lại nói ra lời hiềm hận như vậy.

Người kia im lặng không thể nói lại. Người quản thủ muốn đuổi kẻ kia, nhưng anh ta xin lỗi và đến làm lại như cũ. Khi tháp vẫn chưa xong, anh ta lại sinh hiềm hận. Người quản thủ dùng gậy đuổi đi, anh ta lại xin tạ tội và làm lại như cũ . Ðến khi tháp hoàn tất, mọi người ngắm xem quên cả mệt nhọc. Trăm ngàn chúng sinh đều hoan hỷ. Người hiềm hận trước đây thấy vậy sinh hối hận: “Trước đây ta đã làm việc bất thiện, thấy tháp cao lớn nên nói lời khinh mạn. Nay ta nên sắm sửa vật cúng dường”. Anh ta liền dùng số tiền đang có gần đây, làm cái linh đẹp bằng vàng đem treo trên tháp. – Này các Bí-sô nên biết, kẻ làm thuê kia nay là Thiện-Hòa, do có tâm hiềm hận với tháp nên nay làm thân người với hình dáng xấu xí, do cúng dường linh bằng vàng nên tiếng nói hòa nhã, làm cho người nghe đều rất hoan hỷ.

Khi ấy, các Bí-sô còn có ý nghi, thưa lại với Thế Tôn:

– Ðại đức Bí-sô Thiện Hòa trước đây tạo nghiệp gì mà do sức nghiệp ấy đọc tụng kinh pháp âm thanh vang tận Phạm thiên.

Thế Tôn bảo:

– Này các Bí-sô hãy lắng nghe sự việc ấy. Thời quá khứ, khi loài người thọ hai vạn tuổi, có đức Phật Ca Nhiếp Ba đầy đ? mười hiệu xuất hiện trong thế gian. Giữa thành phố và rừng Thi Lộc, tiên nhân đọa xứ, nước Ba La Ny Tư có cây hương-quả. Có con chim hót hay sống nơi cây này. Một hôm, vào sáng sớm đức Phật Ca-Nhiếp Ba mặc y mang bát vào thành khất thực. Khi con chim ấy thấy đức Phật tướng mạo đoan nghiêm như núi bằng vàng, liền cất tiếng hót vang với âm thanh vi diệu, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi bay trở vào núi. Hằng ngày cứ như vậy, khi thấy đức Phật đi qua, chim này nhiễu quanh và hót vang, rồi bay vào lùm cây sống hoan hỷ. Vào một ngày khác, bị chim ưng bắt được, sau khi qua đời chim kia sinh vào nhà đại Bà-la-môn, rồi từ đó về sau không bị thác sinh vào loại hạ tiện ác độc, cho đến ngày nay sinh loài người vẫn cảm ứng giọng nói hay vọng tận Phạm thiên, làm người khác ưa thích. Này các Bí-sô nên biết, chim hót hay kia nay là Thiện-Hòa.

Các Bí-sô lại có nghi khác, thưa thỉnh Thế Tôn:

– Ðại đức Bí-sô Thiện Hòa đã từng làm nghiệp gì, do sức nghiệp này nên có âm thanh mỹ diệu số một trong hàng đệ tử của Phật?

Thế Tôn bảo:

– Bí-sô Thiện Hòa do phát nguyện lực nên cảm ứng được quả báo này. Ðó là nghiệp gì?

– Vào thời Phật Ca-Nhiếp Ba, Thiện Hòa xuất gia, Bổn sư cuả vị ấy đứng đầu về việc hướng dẫn phúng tụng trong các đệ tử Phật Ca Nhiếp Ba. Nhưng thời ấy, Thiện Hòa từ khi xuất gia cho đến khi già cả, tuy tu tập phạm hạnh nhưng cuối đời không chứng được gì, khi lâm chung phát nguyện:

– Ta xuất gia tu tập trong thánh giáo của đức Phật Ca Nhiếp Ba, cuối đời không chứng được gì, nguyện ta nhờ thắng nhân này theo như sự thọ ký của Phật Ca Nhiếp Ba là trong đời vị lai khi loài người thọ một trăm tuổi, có Phật ra đời hiệu Thích Ca Mâu Ny Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác, ta được xuất gia tu tập trong giáo pháp của Phật ấy, đoạn trừ phiền não chứng A-la-hán. Như thân giáo sư của ta trong Phật pháp là bậc đệ tử tán tụng số một, ta cũng như vậy, gặp Phật xuất gia, là bậc số một trong những vị hướng dẫn xướng tụng.

Do sức nguyện ấy, Thiện Hòa xuất gia tu tập theo giáo pháp của Ta, trong các đệ tử là vị thầy hướng dẫn xướng tụng số một. Bí-sô nên biết, nghiệp đã tạo nếu thuần đen thì có quả báo thuần đen, nếu thuần trắng thì có quả báo thuần trắng, nếu tạp nghiệp thì có quả báo xen tạp.

Các thầy nên vứt bỏ nghiệp thuần đen và xen tạp, tu tập nghiệp thuần trắng, như nói rộng ở chỗ khác.

* Duyên xứ như trước, khi các Bí-sô tụng kinh, không thông thạo âm vận tùy theo câu mà đọc, cũng như tiếng trút trái táo vào chậu khác. Trong khi các ngoại đạo kia đọc tụng kinh với âm thanh ngâm vịnh. Hằng ngày, Trưởng giả Cấp Cô Ðộc thường đến thân cận lễ bái Th? Tôn, nghe bên đường có tiếng các ngoại đạo tụng kinh, nên suy nghĩ: “Những ngoại đạo này xuất gia trong pháp luật không tốt, đọc tụng ngâm vịnh kinh điển với âm thanh ngôn từ dễ nghe. Các thánh giả của ta không thông thạo âm vận phải tùy câu tùy chữ, nên tụng kinh cũng như tiếng trút táo sang chậu khác. Ðây là việc ta nên bạch với Ðại sư”.

Sau khi gặp Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi qua một bên, Trưởng giả bạch Phật:

– Thế Tôn! Các ngoại kia xuất gia trong pháp luật xấu, mà đọc tụng nhâm vịnh kinh điển với âm thanh ngôn từ dễ ưa. Các thánh giả của con không rành âm vận phải theo chữ theo câu, tụng kinh cũng như tiếng trút táo vào chậu khác. Nếu Phật Thế Tôn từ bi đồng ý thì cho phép các thánh chúng dùng âm thanh ngâm vịnh để tụng kinh điển.

Thế Tôn cho phép bằng cách im lặng. Trưởng giả thấy Phật im lặng cho phép nên làm lễ từ giã. Phật bảo các Bí-sô:

– Từ nay về sau Ta cho phép các thầy dùng âm thanh ngâm vịnh để đọc tụng kinh pháp.

Sau khi Phật cho phép, các chúng Bí-sô dùng cách ngâm vịnh để đọc tụng kinh, việc cung thỉnh, dạy bảo, tác bạch cũng làm như vậy. Nhân khi Trưởng giả Cấp Cô Ðộc vào chùa thấy âm thanh của chư Tăng huyên náo cả chùa, nên thưa:

– Thánh giả! Già-lam này trước đây là nơi Pháp vũ nay trở nên thành Càn Thát Bà.

Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô không nên dùng âm thanh ngâm vịnh đọc tụng kinh pháp, kể cả đọc kinh thỉnh dạy, tác bạch đều không nên làm vậy. Nhưng có hai việc dùng tiếng ngâm vịnh, một là tán thán ân đức của đức Ðại sư, hai là tụng kinh Vô Thường (Tam khải), ngoài ra không nên làm.

Phật cho phép dùng tiếng ngâm vịnh trong hai việc là tán thán đức của Phật và tụng kinh Vô Thường (Tam khải), có một Bí-sô nhỏ tuổi, làm hai việc này nhưng không biết ngâm vịnh, chỉ biết đọc thẳng như tiếng trút táo.Các Bí-sô nói:

– Làm hai việc này, Phật cho phép ngâm vịnh, tại sao không làm?

Ðáp:

– Con không biết.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Nên học cho biết.

Khi Phật bảo học, Bí-sô tùy nơi trong phòng, hành lang, bên cửa, chánh điện … đều học tập tiếng ngâm vịnh. Trưởng giả vào chùa thấy vậy, cũng hiềm hận như trước, bạch:

– Thánh giả, chưa thể bỏ được thành Càn Thát Bà.

Lại bạch Phật, Phật dạy:

– Nên học tập ngâm vịnh nơi chỗ khuất, không nên ở nơi đầu đường, ai vi phạm bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô đứng kéo bát ra khỏi túi đựng bát. Bí-sô khác nói:

– Cụ thọ! Chớ nên đứng rút bát ra.

Hỏi:

– Có lỗi gì?

Ðáp:

– Rơi xuống đất bị vỡ chẳng phải là lỗi hay sao?

Người kia im lặng. Ðem sự việc bạch Phật, Phật dạy:

– Bí-sô không nên đứng lấy bát của mình, bát ở trong túi cũng không được đứng để rửa hay phơi khô. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

Nhiếp tụng thứ sáu trong biệt môn thứ nhất.

Ðạp y tinh chư đại
Nhục cập ư tọa cụ
Hữu duyên ly tam y
Lục chủng tâm niệm pháp.

* Một thời, Phật ở trong rừng Thi Lộc, vùng Khủng Úy, núi Giang Trư. Vương tử Bồ-đề thỉnh Phật và Tăng thiết lễ cúng dường nơi lầu Diệu Hoa. Trên lầu này, khắp nơi đều có trải vải gấm đỏ hồng như bình minh hay ráng chiều. Ðến nơi, thấy nơi nào có vải phủ thì Ngài không bước lên. Các Bí-sô cũng không dám đặt chân lên. Vương tử Bồ đề bạch:

– Thế Tôn! Cầu xin Thế Tôn từ bi đi qua.

Ðức Phật cũng không bước lên. Vương tử thấy vậy, thu xếp tấm vải, Phật mới bước tới. Ngoại đạo nghe như vậy, nói:

– Sa-môn Kiều Ðáp Ma chưa kham nỗi sự cúng dường, nên không dám bước lên vải gấm của vương tử trải.

Ðức Phật biết việc này, bảo các Bí-sô:

– Nếu có Bà-la-môn cư sĩ Trưởng giả có tín tâm trải vải quý giá ngay trên đường đi, thỉnh các Bí-sô:

– Nguyện quý ngài mở lòng từ bi bước đi lên. Vì muốn chiến thắng tâm ngã mạn của ngoại đạo, các thầy nên quán tưởng các hành vô thường để đi lên, chớ nghi ngại.

* Duyên xứ như trước, có Bí-sô đang bưng bát đi trên đường, bị vấp chân nên bát bị rơi vỡ. Nhân việc thiếu sót này nên đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô không nên bưng bát bằng tay, nên dùng góc y bọc bát ôm đi.

Lại bị lỗi như trước, Phật dạy:

– Nên làm túi đựng bát để mang đi, nên làm dây mang lên vai, ôm đi. Ai làm trái lại, bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước, có Bí-sô làm bạn với đoàn buôn đi du hành trong nhân gian. Trong những người cùng đi, có Bà-la-môn thình lình bị bệnh nên đến gặp y sĩ:

– Tôi có bệnh như vậy, mong ngài điều trị.

Ðáp:

– Bệnh này nên dùng Ha-lê-lặc thì hết bệnh.

Nói:

– Trên đường đi không tìm chỗ nào được.

Y sĩ nói:

– Sa-môn Thích tử biết rành các loại thuốc, theo họ xin chắc sẽ được cho.

Người ấy đến gặp Bí-sô hỏi:

– Thánh giả! Ngài có Ha-lê-lặc không?

Ðáp:

– Tôi có, ông dùng thứ ấy làm gì?

Nói:

– Tôi có bệnh, y sĩ bảo phải dùng nó, xin ngài cho tôi.

Trước người ấy, Bí-sô mở túi ra tìm Ha-lê-lặc, trước tiên lấy ra dao bén, rồi đến tấm da, và các thứ tạp dược nhơ sạch xen lẫn. Bà-la-môn thấy các vật tạp uế nên nói:

– Thánh giả, Bí-sô quý vị thường làm việc không thanh khiết như vậy, tôi thà chết chứ không chịu uống thuốc nhơ bẩn này.

Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô nên sắm ba loại túi, một là túi đựng bát, hai là túi đựng thuốc, ba là túi đựng tạp vật.

Các Bí-sô dùng đai mang ba túi này ngang nhau dưới nách, bị hở y bày túi ra ngoài. Người bất tín thấy vậy chê cười, nói:

– Thánh giả! Chả lẽ ngài mang cái trống dưới nách đi.

Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không được dùng mang đai bằng nhau, nên làm theo thứ lớp dài ngắn mang cho tương xứng.

Họ lại mang bằng đai nhỏ làm tổn hại thân thể. Phật dạy:

– Nên làm bản lớn, bên trong độn bằng vải và dùng tơ cột lại, đừng cho thiếu lớp. Ai làm khác đi, bị tội vượt pháp.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 30 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 24 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 26 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 25 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 35 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Luật Thiện Kiến Tỳ Bà Sa - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 36 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 04 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 27 - Luật Tạng